Thứ Ba, 5 tháng 9, 2023

14. Lý Chí Thường

 

Tranh vẽ Khưu Xứ Cơ của họa sĩ Guo Xu, 1503

 

LÝ CHÍ THƯỜNG

Lời dẫn của người dịch

 

Khưu Trường xuân tên thật là Khưu Xứ Cơ, tự là Thông Mật, hiệu là Trường xuân tử, quê ở Thê Hà, Đăng Châu (nay thuộc tỉnh Sơn Đông). Ông được Nguyên Thái tổ tức Thành cát Tư hãn (1162-1227) mời đến triều đình Mông Cổ, cách Trung Quốc vạn dặm về phía Tây.

 

Nguyên Thái tổ phái hai mươi chiến sĩ Mông Cổ đi mời, dẫn đường, hộ tống quốc khách. Khưu Chân nhân sang Tây Tạng, đem theo mười tám đệ tử. Nguyên Thế tổ hỏi về phép trị nước, Chân nhân bảo lấy kính Trời yêu dân (kính Thiên ái dân) làm gốc. Nguyên Thế tổ lại hỏi về thuật sống lâu (trường sinh cửu thị), Chân nhân đáp hãy giữ lòng trong sạch ít ham muốn (thanh tâm quả dục) làm căn bản.


Nguyên Thế tổ rất đẹp dạ, tặng Chân nhân danh hiệu Thần tiên, phong tước Đại tông sư, giao cho Chân nhân chủ trì Trường xuân cung, cai quản Đạo giáo cả nước, nhờ thế mà Toàn chân giáo cực thịnh.


Toàn chân giáo (cũng gọi Toàn chân đạo, Toàn chân phái) do Vương Trùng dương sáng lập vào đầu đời Kim (triều nhà Kim bắt đầu năm 1115). Toàn chân phái chủ trương Tam giáo hợp nhất, tính mệnh song tu, hoặc tu tính trước tu mệnh sau. Toàn chân phái chiếm lĩnh trọn phương bắc Trung Quốc, còn phương nam là giang sơn của phái Chính nhất (chuyên về phù lục).


Vương Trùng dương có bảy đại đệ tử được đời tôn là Bắc thất chân (bảy vị Chân nhân phương bắc), sau này họ lập thành bảy chi phái của Toàn chân giáo:


1. Mã Ngọc lập Ngộ tiên phái, chuyên về thanh tĩnh, lý luận thanh đàm và luyện nội đơn.

2. Đàm Xứ Đoan lập Nam vô phái, bảo thủ chủ trương của Vương Trùng dương.

3. Lưu Xứ Huyền lập Tùy sơn phái.

4. Khưu Xứ Cơ lập Long môn phái, có ảnh hưởng nhất so với sáu chi phái kia. [Long môn cũng là tên núi, thuộc Lưỡng Châu, Khưu Chân nhân hay ẩn cư ở núi này. Tác phẩm chủ yếu của ông là Đại đan chân chỉ, trình bày chỗ bí yếu của thuật luyện đan (ngồi thiền) là tính mệnh song tu (vừa tu tính vừa tu mệnh).]

5. Vương Xứ Nhất lập Du sơn phái.

6. Hác Đại Thông lập Hoa sơn phái.

7. Tôn Bất Nhị (trước khi xuất gia là vợ của Mã Ngọc) lập Thanh tịnh phái.


Cuộc đời tu hành của Bắc thất chân được tiểu thuyết hóa thành truyện Thất chơn nhơn quả. Sang nửa sau thế kỷ XX, vào những năm sáu mươi, nhà văn Kim Dung (Hong Kong) đưa tất cả bảy nhân vật này vào truyện chưởng với biệt hiệu Toàn chân Thất tử.


[Phần viết này (về Khưu Trường xuân và Toàn chân giáo) căn cứ theo [Hồng Phi Mô 1992: 25-30]. (Lê Anh Minh dịch)]

·
Trong số mười tám đệ tử theo Khưu Chân nhân sang Tây Tạng có Lý Chí Thường.


Lý là người ghi chép lại cuộc vạn lý tây du này. Năm 1219, từ phía bắc của Bắc Kinh, đoàn người đi về Mông Cổ, theo hướng tây nam băng qua Tashkent và Samarkand, rồi theo hướng nam đến Perwan (ngay phía bắc của Kabul), thuộc Afghanistan.


[Tashkent sau là thủ phủ của Uzbek (Nga), thuộc miền Trung Á. Nó nằm trên một gò ở gần chân dãy núi Thiên Sơn. Nơi đây cũng là một ốc đảo lớn nằm dọc theo con sông Chirchik, sản xuất nhiều trái cây và bông vải, được coi là một trong những miền sản xuất hàng hóa vải sợi lớn nhất châu Á.


Samarkand sau cũng là thành phố của Uzbek, ở trung nam nước Nga. Nó từng là một trạm chủ yếu trên con đường Tơ lụa thời cổ. Người Ả Rập chiếm nó năm 712, biến nơi đây thành một trung tâm văn hóa rất lớn của Hồi giáo. Thành cát Tư hãn chiếm đoạt lại thành phố này năm 1220, và đến năm 1365 nó trở thành kinh đô của vua Mông Cổ là Tamerlane (1336-1405), cũng viết là Tamburlaine, hay Timur. Từ năm 1868 nó thuộc về người Nga.


Kabul là thành phố quan trọng vì nó kiểm soát con đường mậu dịch phía đông bắc dẫn vào Pakistan. Do đó, trong lịch sử ba nghìn năm của nó, thành phố này thường xuyên bị ngoại xâm. Nó từng là kinh đô của đế quốc Mông Cổ (1504-1526), và trở thành thủ phủ của Afghanistan từ năm 1773. (LAD chú)]


Arthur Waley đã dịch tác phẩm của Lý Chí Thường ra  tiếng Anh, nhan đề The travels of an alchemist, 1931.


Waley sinh năm 1889 tại London, là nhà thơ, dịch giả, và nhà Trung Quốc học. Học ở Cambridge, rồi ông lấy hai học vị tiến sĩ văn chương ở hai đại học Aberdeen và Oxford. Ông giữ chức phó quản thủ Phòng Ấn loát và Đồ họa của Viện Bảo tàng Anh và giảng dạy Đông phương học tại một học hiệu trực thuộc Viện Bảo tàng này (1912-1930). Năm 1952, ông được trao tặng một huân chương (the Order of Companion of the British Empire). Năm 1953, được Nữ hoàng Anh ban tặng Huy chương Thi ca (Medal for Poetry).


Ngoài bản dịch tác phẩm của Lý Chí Thường, Waley còn có các công trình nghiên cứu và dịch thuật quan trọng như sau:


- Thơ Trung Quốc (Chinese poems, 5 quyển), 1918.

- Nhập môn nghiên cứu hội họa Trung Quốc (An introduction to the study of Chinese painting), 1923.

- Đạo đức kinh (The Way and its power), 1935.

- Luận ngữ (The analects of Confucius), 1938.

- Ba con đường tư tưởng Trung Quốc cổ đại (Three ways of thought in ancient China), 1939.

- Nguyên thị vật ngữ (The tale of genji, 6 quyển, dịch tiểu thuyết Nhật), 1955.

- V.v...


Sau đây là một phần lớn văn bản của Trường xuân Chân nhân tây du ký, dựa theo bản tiếng Anh của Arthur  Waley. Tuy nhiên, vì không có trọn vẹn bản tiếng Anh của Arthur Waley, tôi đã sử dụng phần trích đăng của Owen và Eleanor Lattimore, in trong hiệp tuyểnSilks, spices and empire, nhà xuất bản Dell Publishing Co. Inc., New York 1971, các trang 57-61.


LAD
(1993-10.02.1995)


TRÍCH DỊCH LÝ CHÍ THƯỜNG TRƯỜNG XUÂN CHÂN NHÂN TÂY DU KÝ


Ngày mùng 1 tháng Tư âm lịch (24-4-1219), chúng tôi đến nơi hạ trại của Khả hãn Tamuga. Lúc này tuyết bắt đầu tan, cỏ xanh phơn phớt một màu. Khi chúng tôi đến, một đám cưới đang được tổ chức trong trại. Các thủ lĩnh các bộ tộc quanh đấy năm trăm dặm cũng đến dự, mang  theo nhiều lễ vật chúc mừng. Những chiếc xe đen và lều bạt xếp thành dãy dài, ắt hẳn chứa đến hàng ngàn tân khách.


Ngày mùng 7, Khưu Sư phụ hội kiến Khả hãn và ông ta hỏi Sư phụ về thuật trường sinh bất tử. Sư phụ đáp rằng chỉ có những ai ăn chay lạt và giữ gìn giới luật mới có thể luận bàn về thuật ấy. Cả hai thỏa thuận rằng ông ta sẽ được truyền thụ bí thuật vào ngày trăng tròn (rằm). Nhưng bấy giờ tuyết lại rơi nhiều và vấn đề bị bỏ qua. Hoặc có thể Khả hãn đổi ý, vì ông bảo sẽ chẳng đúng đạo lý nếu như ông hưởng trước cha mình (Đại hãn) bí thuật này trong lúc Đại hãn đã vất vả triệu thỉnh Chân nhân đến đây từ ngàn trùng cách trở. Tuy nhiên Khả hãn truyền lệnh cho A-li-hsien phải đưa Sư phụ trở lại sau khi cuộc triều kiến với Đại hãn đã chu tất.


Ở xứ sở này sáng lạnh, chiều tối nóng; có nhiều cây trổ hoa vàng. Dòng sông chảy về đông bắc. Hai bên bờ mọc nhiều thân liễu cao. Người Mông Cổ dùng cây liễu làm khung lều. Sau mười sáu ngày đường, chúng tôi đến một nơi mà dòng sông Kerulan uốn vòng về tây bắc, bao quanh mấy ngọn núi. Vì thế chúng không theo dòng sông đi đến tận nguồn, mà quày sang tây nam, đi theo lối ngựa trạm [Yi-ehr-li post road: con đường chuyển thư]. Những người Mông Cổ chúng tôi gặp nơi đây đều hân hoan khi thấy Sư phụ; họ bảo đã mong chờ Sư phụ từ năm ngoái...


Các đỉnh núi lớn giờ đây dần dần trông rõ hơn. Từ nơi này trở đi, khi chúng tôi đi về hướng tây, vẫn còn là vùng đồi núi và dân cư đông đúc. Dân chúng sống trên các cỗ xe đen và trong những mái lều trắng; họ đều là thợ săn và  người chăn thú. Quần áo họ may bằng da thú, lông thú, lương thực là thịt và sữa cô đặc. Đàn ông thắt tóc thành hai bím, thòng phía sau tai. Phụ nữ có chồng đội nón làm  bằng vỏ cây phong (birch), có cái cao khoảng sáu tấc. Thường họ phủ lên nón chiếc khăn len đen; nhà giàu dùng lụa đỏ. Đuôi nón giống con vịt, gọi là ku ku (...).


Ngày 27 tháng Tám (15.9.1219), chúng tôi đến chân núi Yin Shan. Một số người Uighurs ra gặp chúng tôi, và vậy là chúng tôi đã tới một thị trấn nhỏ. Viên quan địa phương đem biếu chúng tôi rượu bồ đào [rượu nho, rượu chát, rượu vang], trái cây ngon, bánh, củ hành, vải Ba Tư...


Đi tiếp về hướng tây là thành phố lớn Beshbalig. Các viên quan, quý tộc, dân chúng, hàng trăm nhà sư, đạo sĩ, đi ra mãi ngoài thành để đón thầy trò chúng tôi. Các nhà sư đều mặc áo nâu. Mũ áo của đạo sĩ không giống như ở Trung Quốc.


Ngày 18 tháng Mười Một (03-12-1219), sau khi vượt qua một con sông lớn, chúng tôi tới vùng ngoại vi phía bắc của thành Samarkand. Quan trấn thành là Ngài I-la, cùng các quan lại Mông Cổ và các viên chức sở tại, ra bên ngoài thành đón thầy trò chúng tôi. Họ mang theo rượu bồ đào và dựng rất nhiều lều. Đoàn xe chúng tôi nghỉ chân nơi đây...


Thành cất dọc theo những kênh đào. Vì mùa hè và thu không mưa, hai con sông được uốn dòng để chảy dọc theo từng đường phố, cung cấp nước dùng cho tất cả dân cư. Trước khi Khwarizm Shah thua trận, dân số nơi đây hơn một trăm ngàn hộ; nay chỉ còn lại một phần tư số này, trong đó một phần rất lớn là người Hui-ho [người Hồi hột]. Những người này hoàn toàn không biết làm đồng áng vườn tược, họ phải thuê người Hoa, Kitai và Tanguts. Việc hành chính ở đây cũng do nhiều người thuộc nhiều quốc tịch rất khác biệt nhau đảm nhiệm. Ở đâu cũng thấy thợ thủ công người Hoa. Trong thành phố có gò lớn cao độ ba chục thước, trên là cung điện mới của Khwarizm Shah...


Viên quan trấn thành cho dọn yến tiệc khoản đãi, và gởi biếu mười tấm gấm thêu vàng (gold brocade), nhưng Sư phụ không chịu tiếp nhận. Sau đó, viên quan này hàng tháng trợ cấp gạo, bột bắp, muối, dầu ăn, rau quả... Càng ngày ông càng tỏ ra cung kính hơn.


Khi thấy rằng Sư phụ uống rất ít, ông xin phép được ép khoảng năm mươi ký nho để làm rượu bồ đào mới cho Sư  Phụ. Sư phụ đáp: “Tôi không cần rượu, nhưng hãy cho tôi năm mươi ký nho; tôi sẽ dùng nó để tiếp khách của tôi.” Số nho này giữ được trọn mùa đông. Chúng tôi còn thấy những con công và voi lớn được đưa về từ Ấn Độ, cách hàng ngàn dặm về hướng đông nam.


Cuối tháng nhuận (12-02-1222), toán thám sát trở về, Liu Wên báo cáo với Sư phụ rằng con thứ nhì của Khả hãn (Chagatai) đã đem binh đi trước, sửa thuyền và chữa cầu. Bọn thổ phỉ đã bị quét sạch. Ho-la, Pa-hai và những người khác đã đến doanh trại của ông hoàng này thông báo rằng Sư phụ mong muốn gặp Đại hãn. Ông đáp rằng Đại hãn đã đi về hướng đông nam rặng Đại Tuyết sơn. Nhưng tuyết phủ dày ải quan đến hơn trăm dặm không thể nào qua được. Tuy nhiên hoàng tử nói rõ rằng ông hạ trại ngay trên đường đến chỗ Đại hãn và mời Sư phụ nán lại cùng ông, chờ đến khi nào có thể qua núi.


[Đại Tuyết sơn (Hindu Kush): Rặng núi chủ yếu ở đông bắc Afghanistan. Nó là nhánh phía tây của rặng Hy mã lạp sơn, trải dài tám trăm cây số (năm trăm dặm Anh) hướng về phía tây nam từ rặng núi lớn Pamirs trên đất Nga và gồm luôn rặng Koh i Baba ở Afghanistan. Đỉnh núi cao nhất là Tirich Mir (7.692 thước; tức 25.236 bộ Anh), nằm ở Chitral trên lãnh thổ Pakistan. (LAD chú)]


Từ đây chúng tôi đi về hướng đông nam, và đến chiều tối thì dừng chân gần một kênh đào cũ. Hai bên bờ mọc một loại cây giống như lau sậy nhưng không có ở Trung Quốc. Những cây to còn xanh qua suốt mùa đông. Chúng tôi bẻ lấy mấy cây làm gậy. Một số thì chúng tôi dùng để chống càng xe đêm ấy, và chúng cứng đến độ chẳng hề gãy. Những cây nhỏ rụng lá mùa đông và tươi lại vào mùa xuân. Đi thêm về phía nam giữa các ngọn đồi, có loại tre  lớn đặc ruột. Quân lính dùng loại này làm cán giáo, cán lao. Chúng tôi còn thấy những con rắn mối dài cả chín tấc, da xanh đen.


Ngày 29 tháng Ba (11-5-1222), Sư phụ sáng tác một bài thơ. Thêm bốn ngày đường nữa chúng tôi đến trại của Đại hãn. Ngài phái một quan đại thần là Ho-la-po-te đến đón chúng tôi... Khi chỗ ở cho Sư phụ đã được sắp xếp xong, Sư phụ lập tức đến triều kiến Đại hãn. Ngài tỏ lòng cảm kích nói: “Các vua khác triệu khanh đến mà khanh đều từ tạ. Nay khanh lại vượt vạn dặm đến với trẫm. Đây là đại hạnh của trẫm.”


Sư phụ đáp: “Kẻ ẩn tu nơi thâm sơn cùng cốc như hạ thần đến với thánh thượng là ý trời vậy.” Đại hãn đẹp dạ, mời Sư phụ an tọa và sai dọn tiệc. Rồi ngài hỏi: “Từ phương xa đến đây, khanh đem thuốc trường sinh gì cho trẫm?” Sư phụ đáp: “Thần có thuật trường sinh chứ không  có thuốc trường sinh.” Đại hãn hài lòng vì sự thành thực của Sư phụ, và sai dựng hai lều cho Sư phụ cùng các môn đệ, nằm ở phía bên đông lều của Đại hãn...


Thời tiết càng nóng hơn và Đại hãn di chuyển lên một điểm cao trên dãy Tuyết sơn để tránh nóng. Sư phụ cùng đi theo. Đại hãn ấn định ngày 14 tháng Tư (24-6-1222) sẽ hỏi Đạo. Điều này được các quan Chinkai, Liu Wên, và A-Li-hsien cùng ba quan hầu cận Ngài ghi chép. Nhưng ngay khi đến kỳ hẹn, lại được tin bọn thổ phỉ làm loạn. Đại  hãn quyết định thân chinh tiễu trừ, và hoãn lại cuộc hẹn đến ngày mùng 1 tháng Mười (05-11-1222). Sư phụ xin phép được trở về nơi ở cũ trong thành. Đại hãn nói: “Vậy thì khanh sẽ kiệt sức vì đi trọn quãng đường trở lại đây.” Sư phụ nói chỉ là chuyện hành trình hai mươi ngày mà thôi, và khi Đại hãn phản đối rằng chẳng có ai hộ vệ cho Sư phụ thì Sư phụ đề nghị nhờ quan Yang-A-kou...


Chúng tôi vượt qua ngọn núi lớn nơi có “cổng đá”, những trụ đá ở đây trông giống như hai chân nến lớn. Nằm vắt ngang lên trụ là một phiến đá lớn, trông từa tựa chiếc cầu. Dòng suối bên dưới chảy xiết, và đoàn kỵ mã chúng tôi khi thúc bầy lừa chở nặng hành lý vượt suối đã mất hết mấy con lừa chết đuối. Hai bên bờ là xác các thú vật khác cũng đã chết tương tự như vậy. Nơi này là cửa ải, mà trước đây không lâu quân binh đã quyết liệt giao phong để chiếm cứ. Khi chúng tôi ra khỏi hẻm núi, Sư phụ sáng tác hai bài thơ.


Khi Sư phụ đến trại của Khả hãn, cỏ cây vào cuối tháng Ba xanh mượt, khắp nơi cây cối rộ hoa, ngựa và cừu đều béo khỏe. Nhưng khi nhận được phép của Khả hãn để lên đường, trời cuối tháng Tư, chẳng còn lấy một ngọn cỏ cọng rau. Trước cảnh tiêu sơ này, Sư phụ cảm tác một loạt mấy  bài thơ.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét