Thứ Sáu, 18 tháng 8, 2023

NGÔ THƯ QUYỂN 10 - CHU TRẦN ĐỔNG ĐINH TRUYỆN

 


Khi Tôn Quyền chuẩn bị rời đi, ông cố tình ban tặng lọng che màu xanh mà mình thường dùng cho Chu Thái, và kêu Chu Thái bất luận là ra ngoài, ngồi im, đều dùng nghi trượng của quân đội.

NGÔ THƯ QUYỂN 10 - TRÌNH HOÀNG HÀN TƯỞNG CHU TRẦN ĐỔNG CAM LĂNG TỪ PHAN ĐINH TRUYỆN

Trình Phổ, Hoàng Cái, Hàn Đương, Tưởng Khâm, Chu Thái, Trần Vũ, Đổng Tập, Cam Ninh, Lăng Thống, Từ Thịnh, Phan Chương, Đinh Phụng

 

CHU THÁI TRUYỆN

Chu Thái tự Âú Bình, người vùng Hạ Thái(1) thuộc Cửu Giang. Thái cùng Tưởng Khâm theo làm tả hữu cho Tôn Sách, hành sự nghiêm trang cẩn thận, mấy lần lập được chiến công. Quyền thích cách làm việc của Thái, xin Sách cho Thái theo mình. Sách đi thảo phạt sơn tặc ở Lục huyện. Quyền ở lại Tuyên Thành, dùng giáp sĩ để phòng thủ, binh lực không đến nghìn người, trong lòng vẫn có ý lơ là chểnh mảng, không sửa soạn bảo vệ chỗ ở, mà sơn tặc đột nhiên kéo đến mấy nghìn tên xông vào. Quyền vừa mới lên ngựa thì đao sắc của giặc đã kề sát hai bên phải trái, có nhát chém trúng yên ngựa. Tả hữu xung quanh chẳng có ai tự trấn tĩnh được, riêng mình Thái gắng sức đánh tới, liều thân bảo vệ cho Quyền, dũng khí vượt bậc. Mọi người noi theo Thái đều có thể cự địch. Sau khi sau khi sơn tặc phân tán rã đám, Thái bị mười hai vết thương, rất lâu sau mới bình phục. Hôm ấy không có Thái, Quyền sẽ gặp hiểm nguy. Sách cảm ơn ấy, bổ dụng Thái làm Trưởng ở Xuân Cốc. Sau Thái lại theo đi đánh đất Hoàn(2), Khi Sách chinh phạt Giang Hạ về qua Dự Chương lại bổ dụng Thại làm Trưởng ở Nghi Xuân. Bổ nhiệm Thái ở đâu đều cho thu thuế ăn lộc ở đó.

Thái theo đi đánh Hoàng Tổ lập được chiến công. Sau lại cùng Chu Du, Trình Phổ chống cự Tào Công(3) ở Xích Bích, đánh Tào Nhân ở Nam Quận. Kinh Châu được bình định, Thai dẫn quân đóng đồn ở đất Sầm. Tào Công tấn công Nhu Tu(4), Thái lại đến ứng chiến, Tào Công rút lui, Thái được phong Bình Lỗ Tướng Quân. Lúc ấy bọn Chu Nhiên, Từ Thịnh đều ở dưới quyền Thái mà đều không phục. Quyền đặc biệt ra tra xét đến tận luỹ Nhu Tu, nhân đó hội họp các tướng mở hiệc lớn vui say. Quyền tự cầm chến rượu đến trước mặt Thái, lệnh cho Thái cởi áo. Tay Quyền chỉ vào từng vết thương trên người Thái, miệng hỏi vì sao nên nỗi. Thái liền nhớ lại việc chiến đấu xưa kia đáp lời. Xong, Quyền bảo Thái mặc lại áo, vui vẻ dự yến đến hết đêm. Hôm sau, Quyền sai sứ ban cho Thái chiếc lọng của mình.

Giang Biểu truyện(5) chép: Quyền cầm tay Thái, nước mắt chảy thành dòng, thân thiết nói: ”Ấu Bình, khanh vì anh em Cô chiến đấu như hổ dữ, chẳng tiếc gì thân thể tính mạng, bị thươg hơn mười chỗ, da như bị chạm khắc vào. Cô cũng lòng nào mà không đối đãi với khanh như ruột thịt, uỷ thác đại quyền binh mã cho khanh! Khanh là công thần của ta. Ta với khanh cùng chung vinh nhục, chia sẻ vui buồn. Ấu Bình, khanh vốn tính cách hào sảng, chớ tự coi mình là hàn môn mà rụt rè ngần ngại nhé.” Liền lấy cái khăn xanh bịt đầu thường dùng và cái lọng ban cho. Tiệc tan, Quyền ngồi lại, sai Thái dẫn binh mã lên đường, đánh trống thổi tù và gẩy đàn mà xuất quân.

Vì thế bọn Thịnh đều chịu phục.

Sau Quyền đánh bại Quan Vũ, muốn tiến vào chiếm lấy Thục, dùng Thái làm Hán Trung Thái Thú, phong Phấn Uy Tướng Quân, tước Lăng Dương Hầu. Thái chết trong những năm Hoàng Vũ(6)

Con Thái là Thiệu làm Kỵ Đô Uý thống lĩnh quân binh, khi Tào Nhân đánh Nhu Tu chiến đấu lập được công tích, lại tham gia phá Tào Hưu, được phong Bì Tướng Quân, chết năm Hoàng Long(7) thứ hai. Em là Thừa thống lĩnh quân binh kế thừa tước hầu.


CHÚ THÍCH

 (1) Hạ Thái: Nay là huyện Phượng Thái tỉnh An Huy, Trung Quốc.

(2) Hoàn; Nay là phía bắc huyện Tiềm Sơn tỉnh An Huy, Trung Quốc.

(3) Tào Công: Chỉ Tào Tháo.

(4) Nhu Tu: Nay là phía bắc huyện Vô vi tỉnh An Huy Trung Quốc.

(5) Giang Biểu Truyện: Do Ngu Phổ đời Đông Tấn soạn, đề cao nhân vật Đông Ngô, hạ thấp nhân vật hai phe Ngụy và Thục.

(6) Hoàng Vũ: Niên hiệu của Tôn Quyền từ 222 đến 229.

(7) Hoàng Long: Niên hiệu của Tôn Quyền từ 229 đên 232.

 

TRẦN VÕ TRUYỆN

Trần Võ tự Tử Liệt, người ở Tùng Tư thuộc Lư Giang(8). Khi Tôn Sách ở Thọ Xuân, Võ đến bái yết, lúc bấy giờ mới mười tám tuổi, người cao bẩy thước bẩy tấc. Võ nhân đó theo Sách vượt sông đi đánh dẹp lập được công lao, được Sách bái làm Biệt Bộ Tư Mã. Sách đánh bại Lưu Huân thu được phần lớn dân Lư Giang, thấy họ là những người mạnh mẽ giỏi giang bèn giao cho Võ thống suất. Âý là việc từ trước chưa từng có tiền lệ. Đến khi Quyền lên thống lính công việc, chuyển Võ sang coi sóc quân Ngũ Giáo(9). Võ nhân hậu thích giúp người, đồng hương hay khách viên phương nhiều kẻ đén nương tựa dựa dẫm vào Võ. Quyền lại càng đặc biệt thân thiết yêu quý, mấy lần đến ban thường cho.Võ nhiều phen lập nên chiến công, được thăng lên làm Thiên Tướng Quân. Năm Kiến An thứ hai mươi, theo đi đánh trận ở Hợp Phì, gắng sức nghe lệnh chiến đấu mà chết trận. Quyền xót thương thân đến dự tang lễ.

Giang Biểu truyện chép: Quyền ra lệnh bắt ái thiếp của Võ tuẫn táng, lại chôn theo cả gia khách hai trăm người.

Tôn Thịnh nói: Xưa Tam Lương chết theo Mục Công(10), quân Tần vì thế mà không ra trận nổi. Nguỵ Thiếp đã được phóng thích, Đỗ Hồi vì vậy phải ngã nhào(11). Chuyện hoạ phúc như vậy đã hiệu nghiệm rõ ràng. Quyền dở mưu dùng kế, bắt người sống đi theo người chết, gấp gáp cầu phúc trền đời, chẳng phải là không nên sao!

Con trai Võ là Tu, có phong thái của Võ, khi mười chin tuổi được Quyền triệu kiến bái yết ban lời khích lệ, phong làm Biệt Bộ Tư Mã, giao cho quân binh năm trăm người. Bấy giờ tân binh các nơi phần nhiều có việc bỏ trốn, nhưng Tu phủ dụ vỗ về rất đúng cách, không bị mất một người nào. Quyền lấy làm lạ, phong làm Hiệu Uý, sau khi truy phong xem xét công thần, phong Tu làm Đô Đình Hầu, giữ chức Giải Phiền Đốc(12). Năm Hoàng Long (13) nguyên niên thì chết.

Em trai Tu là Biểu tự Văn Aó, con thứ của Võ. Biểu từ nhỏ đã nổi danh, cùng bọn Gia Cát Khắc, Cố Đàm, Trương Hưu đều theo phụng thị Thái Tử, kết bạn thân thiết bên nhau. Có quan Thượng Thư là Kỵ Diễm cũng quý mến Biểu. Sau Diễm mắc tội, người đương thời đều nghĩ cách tự che đậy cho mình, tin cậy càng nồng hậu lời lẽ càng khắc bạc. Riêng có Biểu không cư xử như vậy, kẻ sĩ vì thế mà coi trọng Biểu. Biểu được dời làm Thái Tử Trung Thứ Tử, lĩnh chức Dực Chánh Đô Uý.

Sau khi anh Biểu là Tu chết, mẹ Biểu không vui lòng phụng dưỡng mẹ Tu. Biểu nói với mẹ rằng: ”Anh con bất hanh mất sớm, Biểu con này đứng đầu mọi việc trong nhà, gánh vác trách nhiệm phụng dưỡng mẹ cả. Mẹ nếu như có thể vì Biểu mà ép lòng thuận thảo, chịu theo mẹ cả, thì đấy là điều tâm nguyện con mong mỏi; Còn nếu mẹ không thể, chính nên ra ở riêng phía bên ngoài.” Biểu vì đại nghĩa mà công chính như vậy, hai mẹ thấy thế cũng cảm động tỉnh ngộ mà hoà hợp với nhau. Biểu lại lấy cớ cha chết trên đất địch, khẩn cầu xin được bổ dụng làm tướng, chỉ huy năm trăm quân. Vi muốn chiến sĩ tận sức cho minh nên dốc lòng tiếp đãi họ. Thuộc hạ đều yêu thương tuân phục, vui vẻ nghe theo mệnh lệnh. Bấy giờ có kẻ lấy trộm đồ vật của công, nghi cho tên lính ở doanh Vô Nan là Thi Minh. Minh vốn khoẻ mạnh ương nghạnh, nhận lấy đòn roi vô cùng gay gắt, chỉ một chết không nhận.

Sự việc đến cả Đình Uý(14) cũng nghe tin. Quyền thấy Biểu có tài thu phục tâm can dũng sĩ, ban chiếu ra lệnh giao Minh cho Biểu. Sai Biểu tự theo ý mình tìm lấy sự thật. Biểu liền phá bỏ gông cùm, đưa Minh đi tắm gội, thay đổi quần áo, bày đặt đồ ăn rượu uóng thịnh soạn, thân ái mà khuyên bảo. Minh rút cuộc cúi đầu, trình bày đầy đủ phe đảng bè lũ. Biểu làm đơn tố cáo lên. Quyền lấy làm lạ, muốn bảo toàn danh tiếng nên đặc biệt xá tội cho Minh, chỉ tru diệt hết phe đảng. Lại chuyển Biểu làm Vô Nan Hữu Bộ Đốc, phong tước Đô Đình Hầu, kế tục tước vị cũ của cha anh. Tất cả Biều đều xin nhường lại, truyền cho con của Tu là Diên nhưng Quyền không đồng ý. Năm Gia Hoà (15) thứ ba, Gia Cát Khắc lĩnh chức Thái Thú ở Đan Dương, thảo phạt vùng Sơn Việt, lấy Biểu làm Đô Uý Tân An, cùng Khắc xem xét hình thế. Lúc trước, Biểu được ban tứ người phục dịch hai trăm nhà ở huyện Tân An thuộc Cối Kê. Biểu quan sát kiểm tra thấy đám người này đều có thể làm lính giỏi, bèn dâng sớ trần tình xin từ chối, muốn đưa họ trỏ lại quân đội, sung tất cả vào lính tinh nhuệ. Quyền ban chiếu rằng: ”Tiên Tướng Quân(16) có công với quốc gia, nay nhà nước vì thế mà đền đáp, sao khanh được chối từ.” Biểu bèn thưa rằng: ”Nay diệt quốc tắc, bao mối thù cha, cần phải lấy người làm gốc. Dùng những người hăng hái mạnh mẽ làm nô tỳ gia bộc thật phí phạm thiếu thiết thực, đó không phải là chí của Biểu vậy.” Rồi liền coi sóc bổ xung họ vào đội ngũ. Từ địa phương tin tức truyền đi, Quyền rất ngợi khen, lại ban lệnh cho các quận huyện kiểm điểm các hộ dân phiêu dạt ràng buộc lấy người để giúp ích cho địa phương. Biểu giữ chức ba năm, mở rộng việc khẩn hoang, thu nạplấy kẻ khuất phục, có quân hơn vạn người. Lại mưu sự nhanh nhẹn mẫn tiệp, gánh vác cả bên ngoài. Khi ở Bà Dương dân các huyện Ngô Cự làm loạn, đánh lấy thành quách khiến các huyện liên quan dao động, Biểu lập tức vượt qua cương giới sang đánh dẹp, nhanh chóng phá được loạn đảng cuối cùng hàng phục được. Lục Tốn phong Biểu làm Thiên Tướng Quân, tiến cử xin phong Biểu làm Đô Hương Hầu, dẫn quân lên phia bắc đóng đồn ở Chương Khanh. Biểu chết năm ba mươi tư tuổi, tài sản trong nhà dùng hết để nuôi tướng sĩ. Ngày Biểu chết vợ con ra đứng ngoài đường. Thái Tử Đăng phải xây dưng nhà cửa cho. Con Biểu là Ngao, mới mười bảy tuổi được bái làm Biệt Bộ Tư Mã, nhận quân bốn trăm người. Ngao chết, con Tu là Diên lại làm Tư Mã kế nhiệm. Em Diên là Vĩnh làm đến tướng quân, được phong Hầu. Thi Minh lúc trước cảm ơn Biểu, tự thay đổi làm việc tốt trở thành tướng giỏi, cũng lên đến địa vị tướng quân.


CHÚ THÍCH

(8) Tùng Tư: Nay là huyện Túc Tùng thuộc tỉnh An Huy, Trung Quốc.

(9) Ngũ Giáo: Tên một doanh quân Đông Ngô.

(10) Tam Lương: La ba anh em Yển Tử, Tương Hành, Châm Hổ. Tần Mục Công mở tiệc, lúc rượu say nói với ba anh em rằng ”sống thì cung vui, chết cùng cùng buồn”. Mục Công chết, ba anh em đều chết theo.

(11)  Ngụy thiếp, Đồ Hồi: Chính là sự tích Kết cỏ nổi tiếng.

(12)  Giải Phiền: Tên một quân doanh Đông Ngô.

(13)  Hoàng Long: Niên hiệu của Ngô Đại Đế Tôn Quyền, bắt đầu từ năm 229 đến 232.

(14)  Vô Nan: Tên quân doanh cấm vệ Đông Ngô.

(15)  Gia Hòa: Niên hiệu của Ngô Đại Đế Tôn Quyền, bát đầu từ năm 232 đến 238.

(16)  Tiên Tương Quân: Chỉ Trần Võ.

 

ĐỔNG TẬP TRUYỆN             

Đổng Tập tự Nguyên Đại người vùng Dư Diêu thuộc Cối Kê (17), mình cao tám thước, oai phong mạnh mẽ hơn người Hậu Hán Thư của Tạ Thừa (18) khen Tập ý chí khí tiết khẳng khái hiên ngang, oai vũ mạnh mẽ phong độ hào hùng.

Tôn Sách tới Cối Kê, Tâp ra nghênh đón tận Cao Thiên Đình. Sách thấy là người kỳ vĩ, khi đến nơi xếp đặt làm Tắc Tào(19) ở dưới trướng. Đương thời núi Âm Sơn vốn là nơi bọn giặc cướp Hoàng Long La, Chu Bột tụ tập, bè lũ có đến nghìn người. Sách tự mình ra đánh dẹp. Tập đi theo, chém được đầu La và Bột, khi về được bái làm Biệt Bộ Tư Mã, thống lĩnh hàng nghìn quân, sau chuyển làm Dương Vũ Đô Uý. Rồi Tập lại theo Sách đi đánh đất Hoàn, lại theo thảo phạt Lưu Huân ở Tầm Dương, đánh Hoàng Tổ ở Giang Hạ.

Sách hoăng. Quyền còn ít tuổi, vừa mới thống lĩnh công việc. Thái Phi(20) lấy làm lo lắng, gọi Trương Chiêu cùng bọn Tập đến gặp, hỏi Giang Đông có thể giữ yên chăng. Tập đáp rằng: ”Giang Đông có núi sông bền vững mà Thảo Nghịch Tướng Quân(21) sáng suốt, tạo ra ơn đức cho dân. Thảo Lỗ Tướng Quân(22) kế thừa cơ nghiệp, lớn nhỏ dùng mệnh lệnh để sai khiến. Có Trương Chiêu giữ vững công việc, dùng bọn Tập làm nanh làm vuốt. Địa lợi nhân hoà ấy vào buổi bây giờ nghìn vạn lần không phải lo gì.” Mọi người đều khâm phục lời Tập nói.

Bọn giặc ở Bà Dương là Bành Hổđông đến vạn người. Tập cùng Lăng Thống, Bộ Chất, Tưởng Khâm các người chia đường thảo phạt. Hương của Tập đánh luôn luôn thắng, bọn Hổ trông thấy kỳ hiệu từ xa đã lập tức bỏ chạy tan rã, trong vòng mười ngày đã bình định xong hết. Tập được làm Uy Việt Hiệu Uý rồi đổi thành Thiên Tướng Quân.

Năm Kiến An thứ mười ba, Quyền đánh Hoàng Tổ. Tổ xoay ngang mấy chiếc Mông Trùng(23) hợp lại với nhau để phòng thủ Miên Khẩu(24), lấy  thừng lớn kết từ cây cọ buộc đá làm neo. Trên Mông Trùng xếp đặt nghin người cầm nỏ cứng cùng lúc bắn xuống, tên bay như mưa. Quân của Quyền không tiến lên được. Tập với Lăng Thống cùng đi tiên phong, tướng tá tuỳ tùng cảm tử mà đánh có trăm người, thân đều mặc hai lần giáp, cưỡi trên thuyền mành, đột nhập vào bên trong dẫy Mông Trùng. Tập tự dùng đao chém đứt dây neo, Mông Trùng cứ xoay ngang thế mà trôi xuôi theo dòng. Đại quân của Quyền nhân đó tiến lên. Tổ liền mở của thành mà chạy, bị quân đuổi theo chém chết. Trong bữa tiệc lớn hôm sau, Quyền nâng chén bảo Tập rằng: ”Yến hội hôm nay là để mừng công chém dây neo đó.”

Tào Công ra đánh Nhu Tu, Tập theo Quyền đến chống cự. Quyền sai Tập đốc xuất Ngũ Lâu Thuyền ở Nhu Tu Khẩu. Đang đêm bỗng có gió lớn, Ngu Lâu Thuyền nghiêng ngả, tả hữu tan tác chạy sang thuyền nhỏ, xin Tập rời Ngũ Lâu Thuyền. Tập giận nói: ”Ta nhận trách nhiệm làm tướng quân, nay gặp lúc có giặc, sao có thể là loại bỏ sự uỷ thách mà đi. Ai dám nói lời như thế nữa thì chém!” Vì vậy không ai dám khuyên can nữa. Đêm ấy thuyền sụp. Tập chết. Quyền thay đổi trang phục đến điếu tang, lại chu cấp rất hậu cho người nhà Tập.


CHÚ THÍCH

(17)  Dư Diêu: Nay là huyện Dư Diêu tính Triết Giang, Trung Quốc.

(18)  Hậu Hán Thư của Tạ Thừa: Bộ này do Tạ Thừa em rể Tôn Quyền soạn, nay đã thất truyền khác với bộ do Phạm Diệp đời Lưu Tống soạn.

(19)  Tặc Tào: Chức danh, phụ trách việc đánh bắt trộm cướp trong quân huyện.

(20)  Thái Phi: Vợ Tôn Kiên.

(21)  Thảo Nghịch Tướng Quân: Chỉ Tôn Sách.

(22)  Thảo Lỗ Tướng Quân: Chỉ Tôn Quyền, đây là danh hiệu chính thức được triều đình phong của hai anh em Sách và Quyền.

(23)  Mông Trùng: Chiến thuyền di chuyển rất nhanh, thân bọc da trâu, trên đặt nỏ lớn tiện dụng cả tấn công và phòng thủ, rất được ưa chuộng trong thuỷ chiến ở khu vức trường Giang giai đoạn Tam Quốc.

(24)  Miện Khẩu: Cũng là Hạ Khẩu, Hán Khẩu, Lỗ Khẩu là nơi Hán Thuỷ chảy vào Trường Giang.

 


Tranh vẽ Đinh Phụng

ĐINH PHỤNG TRUYỆN

Đinh Phụng tự Thừa Uyên, người ở An Phong(25) thuộc quận Lư Giang. Lúc thiếu niên nhờ gan dạ mạnh khoẻ mà thành tiểu tướng, làm thuộc hạ của Cam Ninh, Lục Tốn, Phan Chương các người. Mấy lần theo họ đi đánh trận, thường chiến đấu trong quân ngũ, từng chém tướng đoạt cờ thân mang vết thương. Tôn Lượng lên nối ngôi, Phụng được làm Quan Quân Tướng Quân, tước phong Đô Đình Hầu.

Nguỵ sai bọn Gia Cát Đản, Hồ Tuân đánh vào Đông Hưng. Gia Cát Khắc thống lĩnh quân binh ra cự địch. Các tướng đều nói: ”Địch nghe tin Thái Phó tự thân đến nơi, bên bờ bên kia tất bỏ chạy trốn.” Riêng Phụng nói: ”Không phải thế. Bên kia mà bị lay động đến các vùng trong cương giới, tất sẽ từ Hứa Lạc cất đại quân mà đến. Nếu quả đã thành phép tắc như thế, há lại bỏ không mà quay về sao? Chớ chờ đợi rằng địch quân không đến mà hãy trông cậy vào chúng ta có cách thắng địch thôi.” Đến khi Khắc lên bờ, Phụng cùng với các tướng Đường Tư, Lũ Cư, Lưu Tán đều theo đường núi tiến sang phía tây. Phụng nói: ” Nay các đạo vừa mới đi đường, nếu như địch đóng ở chỗ địa thế thuận lợi thì khó có thể cùng bọn chúng tranh phong được.” Bèn rời bỏ con đường các đạo quân đang dùng, chỉ huy thuộc hạ ba nghìn người theo lối tắt tiến lên. Lúc ấy đang có gió bắc, Phụng dương buồm mà đi, sau hai ngày đã tới nơi, đóng quân ở Từ Đường. Trời tuyết lạnh, các tướng địch bày rượu quý mở hội. Phụng thấy đạo tiền quân của địch binh ít, nói với thuộc hạ rằng: ”Lấy được phong hầu thưởng tước, chính là ở hôm nay!” Bèn sai quan cởi giáp sắt, bỏ mũ trụ, cầm binh khí ngắn. Địch ung dung cười nói không sắp đặt phòng bị, Phung tung quân ra chém giết, đại phá tiền đồn của chúng. Khi bọn Cư đến nơi, Nguỵ quân đã tan vỡ. Phụng được chuyển làm Diệt Khấu Tướng Quân , thăng phong Đô Đình Hầu.

Nguỵ tướng là Văn Khâm tới hàng. Lấy Phụng làm Hổ Uy tướng quân theo Tôn Tuấn đến tận Thọ Xương nghênh đón, giao chiến với quân Nguỵ đuổi theo Văn Khâm ở Cao Đình. Phụng cưỡi ngựa cầm mâu xông vào giữa trận địch, chém hơn trăm đầu, đoạt hết quân khí của chúng, được phong làm An Phong Hầu.

Năm Thái Bình(26)thứ hai, Đại Tướng Quân nước Nguỵ là Gia Cát Đản ở Thọ Xuân lại hàng, bị người Nguỵ vây. Ngô sai các tướng Chu Dị, Đường Tư đến cứu, lại sai Phụng cùng Lê Phỉ phá vòng vây. Phụng đến trước tiên, đóng đồn ở ở Lê Tương, cố gắng chiến đấu có công, được phong Tả Tướng Quân.

Tôn Hưu lên ngôi, cùng Trương Bố mưu tính, muốn tru diệt Tôn Lâm. Bố nói: ”Đinh Phụng tuy khôngcó tài đọc sách như thư lại nhưng mưu kế sách lược hơn người, có thể quyết định đại sự.” Hưu vời Phụng đến bảo rằng: ”Lâm giữ quyền lực quốc gia, sắp sửa làm việc trái phép, muốn cùng tướng quân trừ đi.” Phụng nói: ”Anh em Thừa Tướng có bạn hữu phe đang rất mạnh, sợ rằng lòng người chẳng giống nhau, không thể chế phục hết được, nếu nhân dịp lễ hội cuối năm, có đủ quân của Bệ Hạ thì giết được.” Hưu dùng kế ấy, nhân khi lễ hội mời Lâm. Phụng và Trương Bố cầm đầu tả hữu chém đi. Phụng (và Bố) được thăng Đại Tướng Quân, thêm chức Tả Hữu Đô Hộ. Năm Vĩnh An(27) thứ ba, ban cho Phụng giả tiết, giao chức Mục ở Từ Châu. Năm Vĩnh An thứ sáu, Nguỵ đánh Thục. Phụng chỉ huy các đạo quân tiến vào Thọ Xuân, tạo ra hình thế cứu Thục. Thục mất, lại dẫn quân quay về.

Hưu hoăng. Phung và bọn Thừa Tướng Bộc Dương Hưng nghe theo lời Vạn Úc, cùng đón Tôn Hạo về lập làm vua, được thăng chức Hữu Đại Tư Mã, Tả Quân Sư. Năm Bảo Đỉnh(28) thứ ba, Hạo lệnh cho Phụng và Gia Cát Tịnh đánh Hợp Phì. Phụng gửi thư cho Đại Tướng nước Tấn là Thạch Bao, tạo ra sự ly gián làm Bao bị triệu về.

Năm Kiến Hành(29) nguyên niên, Phụng lại dẫn tướng sĩ sửa sang khu vực Từ Đường, nhân đó đánh vao Cốc Dương trên dất Tấn. Dân Cốc Dương biết trước, rời đất ấy bỏ đi, Phụng không thu hoạch được gì. Hạo giận, chém quân dẫn đường của Phụng. Năm Kiến Hành thứ ba, Phụng chết. Phụng vinh hiển mà lại có công, dần dần trở nên kiêu căng, có người mỉa mai bỉ báng. Hạo xét lại việc xuất quân năm trước, dời gia đình Phụng đến Lâm Xuyên. Em Phụng là Phong, làm quan đến chức Hậu Tướng Quân, chết trước Phụng.

Bình rằng: Nói chung các tướng này đều là hổ tướng vùng Giang Biểu. Họ Tôn vì thế mà hậu đãi. Lấy như Phan Chương không biết sửa mình, Quyền có thể quên công lao ghi nhớ đã qua nhưng vẫn để cho được sinh sống yên ổn một góc đông nam, đó là thích hợp vậy! Trần Biểu chỉ là nghành thứ của con nhà tướng mà cùng con trưởng danh nhân sánh vai ngang bằng, vượt trội hơn đời, cũng không phải là tốt đẹp lắm sao!


CHÚ THÍCH

(25)  An Phong: Nay là thị trấn An Phong, huyện Đông Thai tỉnh An Huy, Trung Quốc.

(26)  Thái Bình: Niên hiệu của Tôn Lượng, bắt đầu từ năm 256 đến năm 258.

(27)  Vĩnh An: Niên hiệu của Tôn Hưu, bắt đầu từ năm 258 đến năm 264.

(28)  Bảo Đỉnh: Niên hiệu của Tôn Hạo, bắt đầu từ năm 266 đến năm 269.

(29)  Kiến Hành: Niên hiệu của Tôn Hạo, bắt đầu từ năm 269 đến năm 271.

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét