Thứ Sáu, 18 tháng 8, 2023

NGÔ THƯ QUYỂN 9 - LÃ MÔNG TRUYỆN


Lữ Mông tự Tử Minh

 NGÔ THƯ QUYỂN 9 - CHU DU LỖ TÚC LÃ MÔNG TRUYỆN

Chu Du, Lỗ Túc, Lã Mông

LỮ MÔNG TRUYỆN

Lữ Mông tự Tử Minh, người huyện Phú Bi quận Nhữ Nam. Thuở trẻ vượt sông về phía nam, nương nhờ chồng của chị là Đặng Đương. Đương làm tướng của Sách, nhiều lần đánh người Sơn Việt. Bấy giờ Mông mới mười lăm, mười sáu tuổi, lén đi theo Đương đánh giặc, Đương ngoảnh nhìn mà kinh ngạc, quát mắng cũng không ngăn cấm được. Trở về báo cho mẹ Mông, mẹ giận muốn phạt tội Mông, Mông nói: “Nghèo hèn khó sống yên được, nếu sửa lầm mà gắng lập công, tất sẽ giàu có. Vả lại không vào hang hổ, sao bắt được hổ con”? Mẹ thương mà tha cho. Bấy giờ bọn quan lại của của Đương thấy Mông tuổi nhỏ mà coi thường Mông, nói: “Thằng nhóc ấy làm được gì? Chỉ muốn lấy thịt mà nuôi hổ thôi”. Ngày sau gặp với Mông, lại làm nhục Mông, Mông cả giận, cầm đao giết bọn quan lại rồi chạy ra, trốn đến nhà của viên tước Ấp Tử(10) là Trịnh Trường. Lại ra chỗ Hiệu úy Viên Hùng để tự thú tội, nhân đó báo lên trên, Sách gọi đến gặp cho là lạ, bèn cho làm tả hữu.

Được vài năm, Đặng Đương chết, Trương Chiêu cử Mông thay Đương, bái Biệt bộ Tư mã. Quyền coi việc, thấy các tướng sĩ trẻ đã ít lại dùng kém, muốn thu hợp lại. Mông bèn ngầm vay tiền, mua vải làm áo quần cho quân sĩ, đến ngày kén chọn, bày trận sáng rõ, luyện tập quân sĩ, Quyền thấy mà vui mừng, tăng quân cho Mông. Theo đi đánh quận Đan Dương, chỗ đi qua đều lập công, bái Bình bắc Đô úy, lĩnh chức Quảng Đức Trưởng.

Lúc đánh Hoảng Tổ, Tổ sai Đô đốc Trần Tựu đem quân thủy ra đón đánh. Mông xua quân đi trước, tự chém đầu Tựu, tướng sĩ thừa thắng đến đánh thành của Tổ. Tổ nghe tin Tựu chết, bỏ thành chạy, đem quân đuổi bắt Tổ. Quyền nói: “Thắng trận này là do bắt được Trần Tựu trước vậy”. Lấy Mông làm Hoành dã Trung lang tướng, ban cho nghìn vạn thoi tiền.

Năm đó, lại cùng bọn Chu Du, Trình Phổ đi về phía tây phá Tào Công ở Ô Lâm, vây Tào Nhân ở Nam Quận. Tướng của Ích Châu là Tập Túc đem quân đến hàng, Du xin lấy quân của Túc tăng cho Mông. Mông rất khen Túc có đảm dũng, lại ngưỡng mộ mà từ xa đến, về nghĩa thì nên tăng cho quân mà không nên đoạt lấy quân vậy. Quyền khen lời ấy, trả quân cho Túc. Du sai Cam Ninh đến chiếm Di Lăng, Tào Nhân chia quân đánh Ninh, Ninh nguy cấp, sai sứ đến xin cứu. Các tướng cho là quân ít không đủ chia, Mông bảo Du và Phổ rằng: “Để Lăng Công Tích(11) ở lại, Mông cùng ông đi giải bỏ nguy cấp, tình thế ấy cũng không lâu nữa, Mông tin chắc Công Tích giữ được mười ngày vậy”. Lại khuyên Du chia sai ba trăm người lấy củi gỗ chặn ở đường hiểm, giặc chạy qua sẽ lấy được ngựa của giặc. Du nghe theo. Đem quân đến Di Lăng, liền hôm đó giao chiến, giết đến quá nửa. Địch đuổi đêm bỏ trốn, đi đường gặp củi gỗ, quân kị đều bỏ ngựa mà chạy bộ, quân đuổi gấp đến đánh, bắt được ba trăm con ngựa, dùng thuyền chở về. Do đó khí thế của tướng sĩ tăng lên gấp đôi, liền qua sông đóng trại, cùng đánh nhau với địch, Tào Nhân phải rút chạy, bèn chiếm Nam Quận, vỗ về Kinh Châu. Trở về, bái Thiên Tướng quân, lĩnh chức Tầm Dương Lệnh.

Lỗ Túc thay Chu Du, đang đi đến Lục Khẩu, qua dưới trại của Mông. Ý Túc còn coi thường Mông, có người khuyên Túc nói: “Công danh của Lữ Tướng quân ngày càng rạng rỡ, không nên giữ ý ganh chống, ông nên vào thăm”. Bèn đến chỗ Mông. Lúc uống rượu, Mông hỏi Túc nói: “Ông nhận trách nhiệm nặng nề, ở chỗ gần cõi với Quan Vũ, sắp có mưu kế gì để phòng bị điều không may”? Túc do dự đáp nói: “Tùy lúc mà làm”. Mông nói: “Nay đông tây dẫu là một nhà(12), nhưng Quan Vũ thật là hổ gấu vậy, sao lại  không phòng bị trước”? Nhân đó giúp Túc bày năm kế. Túc do đó rời chiếu đến vỗ lưng Mông nói: “Lữ Tử Minh, ta không biết tài lược của ông lại thấu suốt như thế”. Bèn bái tạ mẹ Mông, kết làm bạn rồi đi.

Giang Biểu truyện viết: Lúc trước, Quyền bảo Mông và Tưởng Khâm nói: “Nay các ông cùng gánh vác việc công, nên học hỏi để tự mở mang hiểu biết thêm”. Mông nói: “Trong quân thường có nhiều việc, e rằng không có lúc rảnh rỗi đọc sách”. Quyền nói: “Ta há muốn các khanh đọc sách để làm kẻ sĩ học rộng sao? Chỉ muốn sai làm các việc lặn lội săn bắn thôi. Các khanh nói có nhiều việc nhưng sao bằng ta? Ta thuở trẻ đọc qua Thi, Thư, Lễ kí, Tả truyện, Quốc ngữ, chỉ không đọc Dịch. Đến lúc nắm việc đến nay, đọc thêm Tam sử(13), các sách nhà binh, tự cho là có ích nhiều. Như hai người khanh, tính ý sáng suốt, học tất hiểu được, sao lại không đọc đi? Nên nhanh đọc Tôn Tử, Lục thao, Tả truyện, Quốc ngữ và Tam sử. Khổng Tử nói: ‘Cả ngày không ăn, cả đêm không ngủ mà nghĩ, là không có ích vậy, không bằng học vậy’. Quan Vũ coi việc binh mã, tay không rời sách. Mạnh Đức cũng tự nói là dẫu già nhưng ham học. Các khanh sao lại không tự cố gắng thế”? Mông bắt đầu theo học, dốc chí không ngừng, xem qua các sách, dẫu nhà Nho cũng chẳng hơn được. Sau Lỗ Túc được thay Chu Du, qua chỗ Mông bàn bạc, thường muốn chịu nhún. Túc vỗ lưng Mông nói: “Ta từng nói em lớn có tài võ thôi, nhưng kẻ học rộng thời nay, chẳng ai bằng anh Mông của đất Ngô”. Mông nói: “Kẻ sĩ sau ba ngày lại trố mắt mà nhìn(14). Lời bàn ngày nay của anh lớn, cũng xứng bằng Nhưỡng Hầu(15) chăng? Nay anh thay Công Cẩn, liên tiếp gặp khó, lại ở gần với Quan Vũ. Người này làm chức lớn mà vẫn ham học, xem qua Tả truyện mà đều nói ra miệng được, lại sáng dạ có chí hùng, nhưng tính ngang bướng tự kiêu, ưa lấn áp người khác. Nay đối địch với người này, nên bày kế lạ để chống đỡ mới được”. Ngầm giúp Túc bày ba kế, Túc kính nghe theo, giữ kín không nói ra. Quyền thường than rằng: “Người  ta  làm  chức  cao  mà vẫn  học  thêm,  như  Lữ  Mông, Tưởng Khâm, có lẽ chẳng ai theo kịp. Giàu có rạng rỡ, lại giữ tiết tháo ham học, hiểu thấu sách truyện, khinh tiền trọng nghĩa, đi đến đâu lập công đến đó, được phong đất đai, cũng chẳng tốt sao”!

Bấy giờ Mông ở gần kề với đồn trại của Thành Đương, Tống Định, Từ Cố, lúc ba tướng chết, con em nhỏ dại, Quyền đem hết quân của họ trao cho Mông, Mông cố từ chối, kể rõ bọn Cố chăm chỉ giúp nước, con em dẫu nhỏ, nhưng không nên bỏ. Ba lần dâng thư, Quyền mới nghe. Do đó Mông lại giúp chọn thầy, sai giúp dạy họ, lòng tốt của Mông đại khái như thế.

Ngụy sai người quận Lư Giang là Tạ Kì làm Kì Xuân Điển nông, đóng trại làm ruộng ở huyện Hoản. Mông sai người đến dụ, không theo, liền rình chờ đánh úp, Kì bèn rút lui, bộ khúc của Kì là bọn Tôn Tử Tài, Tống Hòa đều mang cõng người già yếu đến hàng Mông. Sau theo Quyền chống Tào Công ở Nhu Tu, mấy lần dâng kế lạ, lại khuyên Quyền men theo cửa sông mà dựng ụ, do đó phòng giữ rất vững.

Ngô lục viết: Quyền muốn dựng ụ, các tướng đều nói: “Lên bờ mà đánh giặc, chân trần mà lên thuyền, dựng ụ làm gì”? Lữ Mông nói: “Quân không có đồn vững, đánh không thắng trăm trận, nếu lúc gặp giặc, chống cả kị bộ, không may bị xuống sông, lúc đó còn vào thuyền được không”? Quyền nói: “Hay”. Bèn làm ụ.

Tào Công không chiếm được mà rút quân.

Tào Công sai Chu Quang làm Lư Giang Thái thú, đóng quân ở huyện Hoản, mở rộng ruộng lúa, lại sai người lén đi chiêu dụ tướng giặc ở Bà Dương, sai làm nội ứng. Mông nói: “Ruộng lúa ở huyện Hoãn màu mỡ, nếu gặp vào vụ chín, quân bên ấy tất được tăng, cứ được vài năm, thế của Tháo tất lên, nên sớm trừ đi”. Bèn kể rõ tình trạng, do đó Quyền tự đi đánh huyện Hoản, gọi các tướng đến hỏi bày kế sách.

Ngô thư viết: Các tướng đều khuyên đắp gò đất, sửa chữa binh khí, Mông bước ra nói: “Đắp sửa gò đất và binh khí thì phải mất nhiều ngày mới xong, đắp xong gò đất thì quân cứu ở ngoài tất đến, lúc ấy khó mà đánh được. Vả lại đang lúc nước mưa ngấm vào, nếu ở lại lâu ngày, nước tất ngấm hết, đường về lại khó khăn, Mông cho rằng đấy là thế nguy. Nay xem thành này không được vững lắm, nếu lấy khí mạnh của ba quân, cùng đánh bốn mặt, thì chiếm được không lâu nữa, vừa kịp lúc nước đã rút, đấy là kế hơn cả vậy”. Quyền nghe theo.

Mông lại cử Cam Ninh đốc quân lên thành, đánh ở phía trước, Mông đem quân tinh nhuệ theo sau. Gần sáng đến đánh, Mông tự đánh trống, quân sĩ đều trèo thang mà lên, đến giờ ăn thì phá thành. Sau đó Trương Liêu đến Giáp Thạch, nghe tin thành đã bị phá, liền rút về. Quyền khen công ấy, liền bái Lư Giang Thái thú. Bắt được người ngựa ở trận ấy đều ban cho Mông, lại ban riêng sáu trăm người làm ruộng, ba mươi quan thuộc ở Tầm Dương; Mông về Tầm Dương, chưa lâu thì giặc ở Lư Lăng nổi dậy, các tướng đánh dẹp không bắt được, Quyền nói: “Cả bầy trăm con chim tợn, không bằng một con chim ngạc”(16). Lại lệnh Mông đánh giặc. Mông đến, giết kẻ đứng đầu của giặc, bọn còn lại đều thả ra, cho làm dân thường.

Bấy giờ Lưu Bị sai Quan Vũ đóng giữ, chiếm cả đất Kinh, Quyền sai Mông đến phía tây lấy ba quận Trường Sa, Linh Lăng, Quế Dương. Mông gửi thư đến hai quận, lướt theo thần phục, chỉ có Linh Lăng Thái thú Hách Phổ giữ thành không hàng. Do đó Bị từ đất Thục tự đến Công An, sai Vũ tranh ba quận. Bấy giờ Quyền đóng quân ở Lục Khẩu, sai Lỗ Túc đem vạn quân đóng đồn ở Ích Dương chống Vũ, lại gửi thư đến gọi Mông, sai bỏ  Linh Lăng, nhanh về giúp Túc. Lúc đầu, Mông đã bình Trường Sa, đang đến Linh Lăng, qua huyện Linh, đem theo người quận Nam Dương là Đặng Huyền Chi, Huyền Chi là bạn cũ của Hách Phổ, muốn sai dụ Phổ. Lúc nhận thư gọi về. Mông giữ kín, buổi đêm gọi các tướng đến, trao cho kế sách, lệnh đến sớm đánh thành, ngoảnh bảo Huyền Chi nói: “Nghe nói Hách Thái thú là người trung nghĩa trong đời, cũng mong là làm như vậy, nhưng không biết thời thế. Tả Tướng quân tại Hán Trung, bị Hạ Hầu Uyên vây. Quan Vũ tại Nam Quận, nay bậc chí tôn tự đến đấy. Gần đây phá trại gốc ở đất Phàn, cứu huyện Linh, lại bị Tôn Quy phá. Đấy đều là việc ở trước mắt, là việc mà ông tự thấy vậy. Bên ấy đầu đuôi treo ngược, tránh chết chẳng được, há có sức thừa mà giữ ở đấy được sao? Nay quân sĩ của ta tinh nhuệ, một lòng vâng mệnh, bậc chí tôn cũng sai quân đến, theo nhau trên đường. Nay Tử Thái(17) đem tính mạng treo trong sớm tối để đợi quân cứu không trông mong được, như cá trong vết chân trâu(18), muốn dựa vào miền Giang Hán, biết là không thể cứu cũng rõ rồi vậy. Nếu Tử Thái được quân sĩ dốc lòng, chống giữ ở thành lẻ, vẫn kéo dài được trong sớm tối, để đợi ta quay về, như thế cũng được. Nhưng nay kế sức ta đã nghĩ kĩ, lúc đến đánh thành, chẳng được mấy ngày thì sẽ phá được, sau khi phá thành, thân chết có ích gì không? Khiến cho mẹ già trăm tuổi tóc bạc bị giết, há chẳng đau xót sao? Xét thấy người này không được nghe tin bên ngoài, vẫn mong chờ quân cứu, cho nên mới như thế, ông nên gặp hắn, nói rõ họa phúc”. Huyền Chi gặp Phổ, cùng truyền ý của Mông. Phổ sợ mà nghe theo. Huyền Chi về báo cho Mông trước, sau đó Phổ liền đến. Mông sai bốn tướng chuẩn bị, đều chọn trăm người. Phổ đi ra, lại vào giữ thành. Chốc lát Phổ ra, Mông đón cầm tay Phổ, cùng nhau xuống thuyền. Nói xong, đem thư ra cho Phổ xem, nhân đó vỗ tay cười lớn, Phổ thấy thư, biết Bị tại Công An, mà Vũ tại Ích Dương, tiếc giận đành trao thành. Mông để Tôn Hà ở lại, giao cho việc trông coi. Liền hôm đó, dẫn quân đến Ích Dương. Lưu Bị xin kết thề, Quyền mới trả bọn Phổ về, chia sông Tương làm ranh giới, đem trả quận Linh Lăng. Lấy các huyện Tầm Dương, Dương Tân làm phụng ấp của Mông.

Quân về, lại đánh Hợp Phì, đã rút quân, bị bọn Trương Liêu đánh úp, Mông cùng Lăng Thống liều chết để bảo vệ. Sau Tào Công lại phát quân đến Nhu Tu, Quyền lấy Mông làm Đô đốc, giữ ụ ở phía trước, đặt vạn chiếc nỏ cứng ở trên ụ để chống Tào Công. Quân tiền phong của Tào Công chưa lập xong đồn, Mông đến đánh phá, Tào Công dẫn quân rút về. Bái Mông làm Tả Hộ quân, Hổ uy Tướng quân.

Lỗ Túc chết, Mông đi về phía tây đóng quân ở Lục Khẩu, đem hết hơn vạn quân mã của Túc cho Mông. Lại bái Hán Xương Thái thú, ăn lộc các huyện Tạ Tuyển, Lưu Dương, Hán Xương, Châu Lăng. Chia đất biên giới với Quan Vũ, biết Vũ kiêu hùng, có ý chiếm lấy, lại trú ở đầu nguồn của đất nước, hình thế khó giữ lâu. Lúc trước, bọn Lỗ Túc cho rằng Tào Công vẫn còn, vừa gây họa nạn, nên cùng giúp đỡ, cùng nhau chống địch, không nên làm mất lòng, Mông lại ngầm bày kế sách nói: “Nên sai Chinh lỗ Tướng quân(19) giữ Nam Quận, Phan Chương đóng quân ở thành Bạch Đế, Tưởng Khâm đem vạn quân đi xa, men theo sông lên đầu nguồn, đến chỗ địch ở. Mông vì nhà nước sẽ đến chiếm Tương Dương, như thế mối lo vì Tháo, cần gì nhờ Vũ chống nữa? Vả lại Vũ là bầy tôi lớn, chỉ khoe sức giả, làm việc phản nghịch. Nay Vũ chưa tiện hướng về phía đông là vì bậc chí tôn sáng suốt, bọn Mông vẫn còn thôi. Nay nhân lúc hắn không vững mạnh mà đánh đi, một sớm ngã nhào, muốn bày kế lấy lại, lúc đó còn lấy được không”? Quyền thu nạp kế ấy, lại bèn cùng bàn kế lấy Từ Châu, Mông đáp nói: “Nay Tháo ở xa tại phía bắc ông Hà, vừa phá quân họ Viên, vỗ về miền U, Kí, chưa rảnh ngoảnh về phía đông. Nghe nói quân giữ Từ Châu không đáng ngại, nếu quân ta đến tất chiếm được. Nhưng thế đất ấy bằng phẳng, là chỗ mà quân kị xông xáo, ngày nay bậc chí tôn lấy được Từ Châu, sau đó Tháo tất đến tranh ngay, dẫu có bảy, tám vạn quân giữ đất ấy, vẫn phải lo lắng. Không bằng bắt lấy Quan Vũ, chiếm cả miền sông dài, hình thế sẽ thêm lớn”. Quyền cho rằng lời này là đúng. Lúc Mông thay Túc, vừa đến Lục Khẩu, liền ban bố ân tín, kết thân với Vũ.

Sau Quan Vũ đánh đất Phàn, để quân tướng ở lại giữ Công An, Nam Quận. Mông dâng sớ nói: “Vũ đánh đất Phàn mà để nhiều quân ở lại phòng giữ, chỉ là sợ Mông đánh úp mặt sau mà thôi. Mông thường mắc bệnh, xin chia quân sĩ về Kiến Nghiệp, lấy cớ là chữa bệnh. Vũ nghe tin, tất rút quân phòng giữ đem hết đến Tương Dương. Đại quân đi ngược sông, ngày đêm lên đầu nguồn, đánh úp đất vắng thì Nam Quận tất chiếm được, lại bắt được Vũ vậy”. Bèn xưng bệnh nặng, Quyền lại phát hịch gọi Mông về, ngầm cùng mưu kế. Vũ quả nhiên tin thật, liền đem quân đi đến đất Phàn. Ngụy sai Vu Cấm cứu đất Phàn, Vũ bắt hết bọn Cấm, thu mấy vạn người ngựa, lại vì lương thiếu bèn tự đến lấy gạo ở Tương Quan. Quyền nghe tin, đi ngay, sai Mông đi phía trước. Mông đến Tầm Dương, giấu hết quân tinh nhuệ ở trong khoang thuyền, sai mặc áo trắng chèo thuyền, mặc áo của người buôn bán, đi gấp ngày đêm, đến đồn canh phòng mà Vũ đặt ở bên sông, bèn bắt trói hết quân ở đồn ấy, cho nên Vũ không hay biết. Liền đến Nam Quận, bọn Phó Sĩ Nhân, Mi Phương đều hàng.

Ngô thư viết: Tướng quân Phó Sĩ Nhân chống giữ tại Công An, Mông sai Ngu Phiên dụ Nhân. Phiên đến cửa thành, bảo quân giữ thành nói: “Ta muốn nói chuyện với Tướng quân của các ngươi”. Nhân không chịu gặp nhau, bèn gửi thư rằng: “Người sáng suốt thì phòng họa lúc chưa nảy mầm, người có trí thì trừ hại lúc chưa đến, biết được biết mất, mới làm người được. Biết còn sống biết chết, đủ phân biệt được tốt, xấu. Đại quân ta đi, quân canh không kịp phòng bị, đuốc lửa không kịp đốt, đấy không chỉ là mệnh trời, mà còn có nội ứng vậy. Tướng quân không biết thời trước, đến nay lại không phòng bị, chỉ giữ thành dải quanh này mà không hàng, nếu liều chết đánh giữa thì hủy diệt cả họ hàng tông miếu, bị thiên hạ chê cười. Lữ Hổ uy muốn đến thẳng Nam Quận, cắt chặn đường bộ, như thế con đường sống bị nghẽn, xét hình thế của đất ấy, là tai miệng của Tướng quân vậy, lúc ấy chạy trốn cũng khó thoát. Nếu hàng thì bỏ mất nghĩa, ta chỉ sợ Tướng quân không yên nên vất vả mưu nghĩ giúp”. Nhân được thư, khóc lóc mà hàng. Phiên bảo Mông nói: “Đấy là quân giả hàng vậy, nên đen Nhân đi, để quân tạ lại giữ thành”. Bèn đem Nhân đến Nam Quận. Nam Quận Thái thú Mi Phương giữ thành, Mông đem Nhân ra cho xem, bèn hàng.

Ngô lục viết: Trước đây, trong thành Nam Quận dẫn lửa, liền đốt cháy vũ khí. Vũ trách tội Phương, Phương trong lòng sợ hãi, Quyền nghe tin mà dụ Phương, Phương ngầm hòa thân. Lúc Mông đến đánh, bèn đem trâu rượu ra hàng.

Mông vào chiếm thành, bắt hết người nhà của Vũ và tướng sĩ, đều vỗ về họ, hạ lệnh trong quân không được lấn ép người nhà của họ, không được cướp đoạt. Có một tên lính thuộc hạ của Mông là người quận Nhữ Nam lấy một cái nón của nhà dân để làm áo giáp, áo giáp dẫu là của công, nhưng Mông vẫn cho là làm trái lệnh cấm, không thể vì người cùng làng ấp mà bỏ lệnh cấm được, bèn khóc lóc mà chém người ấy. Do đó trong quân nghiêm túc, đi đường không dám nhặt của rơi. Mông sớm tối sai người thân cận đi chăm sóc người già cả, thăm hỏi những nhà không đầy đủ, cấp thuốc chữa cho người bệnh tật, ban cơm áo cho người đói rét. Các tiền của kho tàng của Vũ đều đóng kín để đợi Quyền đến. Vũ về, tại đường đi, nhiều lần sai người hỏi tin của Mông, Mông liền đãi hậu sứ giả của Vũ, cho đi khắp trong thành, đến hỏi các nhà, có kẻ tự tay viết thư để làm tin. Sứ giả của Vũ về, bàn riêng với nhau, có người biết người nhà không bị gì, được đối đãi tốt hơn lúc trước, cho nên quan quân của Vũ không còn lòng dạ chiến đấu nữa. Lúc Quyền vừa đến, Vũ tự biết thế cùng, bèn chạy đến Mạch Thành, lại về phía tây đến Chương Hương, quân đều bỏ Vũ mà hàng. Quyền sai Chu Nhiên, Phan Chương chặn đường đi của Vũ, cha con liền cùng bị bắt, thế là Kinh Châu bèn định.

Lấy Mông làm Nam Quận Thái thú, phong Sàn Lăng Hầu, Giang Biểu truyện viết: Quyền mở hội lớn ở Công An, Lữ Mông lấy cớ bệnh từ chối không đến, Quyền cười rằng: “Công bắt được Vũ là do mưu của Tử Minh vậy. Nay công lớn đã thành, chưa được khen thưởng, há lại u uất sao”? Bèn ban thêm quân bộ kị, trống sáo, sai chọn quan thuộc của Hổ uy Tướng quân, cùng được uy nghi cả hai quận Lư Giang, Nam Quận. Bái xong về trại, quân mã đi theo, trước sau đánh trống thổi sáo, rạng rỡ trên đường.

ban một ức tiền, năm trăm cân vàng ròng. Mông cố từ chối tiền vàng, nhưng Quyền không nghe. Chưa hạ lệnh phong tước, vừa lúc Mông phát bệnh, bấy giờ Quyền ở tại Công An, đón vào trong điện, tìm vạn phương thuốc để chữa bệnh, chiêu mộ người nào chữa khỏi bệnh cho Mông sẽ ban cho nghìn vàng. Bấy giờ có thầy thuốc châm chữa, Quyền vì Mông mà đau xót, muốn mấy lần thấy vẻ mặt của Mông, lại sợ Mông động đậy, thường xuyên lỗ qua tường để xem, thấy Mông đứng dậy ăn được thì nói cười, nếu không thì than thở, đêm không ngủ được. Bệnh được khỏi, liền hạ lệnh sai bầy tôi đến chúc mừng. Sau lại thêm nặng, Quyền tự đến thăm, sai đạo sĩ vì Mông mà cầu đảo ở đàn tế sao. Lúc bốn mươi hai tuổi, bấy giờ chết ở trong điện. Quyền rất đau buồn, vì Mông mà rũ mòn. Vào thời Mông chưa chết, được ban các đồ vàng ngọc đều đem hết vào kho phủ, sai người coi kho rằng đến ngày mình hết mạng thì đều trả về cho Nhà vua, việc tang phải tiết kiệm. Quyền nghe tin, lại càng thương cảm.

Mông thuở trẻ không lo đọc sách truyện, hễ bày kế lớn, thường nói ra miệng làm lời bàn. Thường làm bộ khúc, bị Giang Hạ Thái thú Sái Di khinh thường, Mông không lấy làm giận. Lúc Dự Chương Thái thú Cố Thiệu chết, Quyền hỏi ai dùng được, nhân đó khen Di làm quan tốt đẹp, Quyền cười nói:

“Ông muốn làm Kì Hề(20) chăng”? Do đó dùng Mông. Cam Ninh cục cằn  hay giết người, đã làm mất lòng Mông, bấy giờ lại làm trái lệnh của Quyền, Quyền giận Ninh, Mông liền xin rằng: “Thiên hạ chưa định, tướng khỏe như Ninh khó tìm, nên tha cho hắn”. Quyền bèn tha Ninh, rút cuộc lại dùng.

Con Mông là Bá thay tước, cho ba trăm nhà giữ mộ, lại ban năm mươi khoảnh ruộng. Bá chết, anh là Tông thay tước. Tông chết, em là Mục nối tự.

Tôn Quyền cùng Lục Tốn bàn về Chu Du, Lỗ Túc và Mông rằng: “Công Cẩn hùng tráng, mưu lược hơn người, bèn phá Mạnh Đức, mở mang Kinh Châu, công to dường như khó ai thay được, nhưng nay ông tiếp nối Du. Ngày xưa Công Cẩn mời Tử Kính đến miền đông, muốn cho đến gặp ta, ta cùng Tử Kính nói chuyện, lại bày mưu lược dựng nghiệp Đế Vương, đấy là một cái vui vậy. Sau đó Mạnh Đức nhân có thế bắt được Lưu Tông, nói phao sắp đem mấy chục vạn quân thủy bộ cùng xuống. Ta lên họp các tướng, hỏi nên làm thế nào, chẳng ai bàn chống, đến như Tử Bố, Văn Biểu(21) đều nói nên sai sứ đem hịch đón hàng, Tử Kính liền gạt đi mà nói là không nên, khuyên ta nhanh gọi Công Cẩn về, đem quân trao lệnh, đón mà đánh Mạnh Đức, đấy là hai cái vui vậy. Lại quyết định kế sách, ý sâu xa như kế của Trương, Tô(22); sau dẫu khuyên ta cho Huyền Đức mượn đất, đấy là một chỗ kém, nhưng không đủ để làm tổn đến hai điều tốt kia vậy. Chu Công không cầu tìm phòng bị ở một người, cho nên ý của ta là quên cái kém mà trọng cái iỏi của người đó, thường sánh Túc ngang với Đặng Vũ(23). Lại còn Tử  Minh tuổi trẻ, ta nói là hắn không có biện luận, chỉ là dũng cảm có khí đảm mà thôi; đến lúc lớn lên, tài học càng thêm, bày mưu kế lạ, có thể đứng sau Công Cẩn, chỉ là lời lẽ không hay đẹp bằng mà thôi. Mưu bắt lấy Quan Vũ, lại hơn Tử Kính. Tử Kính đáp thư ta nói: ‘Dựng nghiệp Đế Vương, đều có kẻ phải tiễu trừ, nhưng Vũ không đáng lo’. Đấy là trong lòng Tử Kính không có cách đánh, cho nên mượn lời nói ở ngoài thôi, ta cũng giận nhưng không nỡ trách mắng vậy. Nhưng lại luyện quân, đóng trại không lầm, đề ra pháp lệnh ngăn cấm, nơi biên giới không bị bỏ hoang, người đi đường không nhặt của rơi, pháp lệnh cũng tốt đẹp”.

Bình nói: Tào Công nhân lúc làm Thừa tướng của nhà Hán, kẹp Thiên tử để quét sạch bọn hào kiệt, vừa dẹp yên đất Kinh, diễu oai đến miền đông, bấy giờ người bàn chẳng ai không nao núng. Riêng có Chu Du, Lỗ Túc bày kế hay, làm gương cho mọi người, thật là có tài lạ. Lữ Mông dũng cảm lại có mưu lược, biết kế dùng quân, lừa Hách Phổ, bắt Quan Vũ, rất là giỏi vậy. Lúc trước dẫu bị khinh thường mà giết bừa, nhưng cuối cùng thành công, có phong thái của kẻ sĩ, há chỉ là tướng võ mà thôi chăng! Lời bàn của Tôn Quyền đúng đắn vừa phải, cho nên chép vào đây.

 

CHÚ THÍCH

 (10) Ấp Tử: người được phong ấp, ban tước Tử.

(11)  Lăng Công Tích: tức Lăng Thống tự Công Tích.

(12)  Đông tây dẫu là một nhà: ý nói Lưu Bị chiếm Kinh Châu ở phía tây, trên danh nghĩa là cùng một nhà với Tôn Quyền chiếm đất Ngô ở phía đông.

(13)  Tam sử: tức ba bộ sử là Sử kí của Tư Mã Thiên, Tiền Hán thư của Ban Cố và Hậu Hán thư của Tạ Thừa, viết sử từ thời kì Đông Hán, Tây Hán trở về trước.

(14)  Kẻ sĩ sau ba ngày lại trố mắt mà nhìn: ý nói kẻ sĩ đọc sách, tăng thêm hiểu biết từng ngày, ba ngày sau mới gặp phải trố mắt mà nhìn kinh ngạc.

(15)  Nhưỡng Hầu: tức Ngụy Nhiễm, đại thần của nước Tần thời Chiến quốc, có công nên được phong ở đất Nhưỡng, gọi là Nhưỡng Hầu.

(16)  Chim ngạc: một loài chim săn mồi ăn thịt, móng nhọn, mỏ sắc.

(17)  Tử Thái: tức Hách Phổ tự Tử Thái.

(18)  Cá trong vết chân trâu: trâu đi qua để lại vết lõm, nước đọng vào, ý nói cá ở trong vét lõm ấy như trong chậu, tình thế rất nguy hiểm.

(19)  Chinh lỗ Tướng quân: tức Tôn Giao, được bái Chinh lỗ Tướng quân.

(20)  Kì Hề: Kì Hề là họ hàng của vua nước Tấn thời Xuân thu. Làm quan qua bốn đời vua của nước Tấn. Tấn Trác Công hỏi ai nên thay chức Trung quân úy, có người tên Giải Hồ là kẻ thù đã giết cha của Kì Hề, không vì thù riêng, bèn tiến cử cho Trác Công, hỏi vì sao, Kì Hề nói: “Vua đã hỏi, thì không hỏi kẻ thù của thần vậy”.

(21)  Tử Bố, Văn Biểu: tức Trương Chiêu tự Tử Bố và Tần Tùng tự Văn Biểu, đều là bầy tôi chức cao của Tôn Quyền.

(22)  Trương, Tô: tức Trương Nghi và Tô Tần thời Chiến quốc.

(23)  Đặng Vũ: danh tướng thời Đông Hán, giúp Quang Vũ Đế nhà Hán dẹp loạn cát cứ.


 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét