Phố cổ Nam Tầm, Hồ Châu, Chiết Giang |
NGÔ THƯ QUYỂN 8 - TRƯƠNG NGHIÊM TRÌNH HÁM TIẾT TRUYỆN
Trương Hoành, Nghiêm Tuấn, Trình Bỉnh, Hám
Trạch, Tiết Tống
TIẾT TỐNG TRUYỆN
Tiết Tống tự Kính
Văn, người huyện Trúc Ấp nước Bái.
Ngô lục viết: Tổ tiên là Mạnh Thường Quân (1) được phong ở ấp Tiết. Tần diệt sáu nước thì mất lộc tự, con cháu tản mát. Hán Cao Tổ định thiên hạ, qua đất Tề, tìm dòng dõi của Mạnh Thường Quân, tìm được hai người cháu là Lăng, Quốc, muốn phong tước cho họ. Anh em Lăng, Quốc nhường nhau, chẳng ai chịu nhận, bèn bỏ đến huyện Trúc Ấp, nhân đó làm nhà ở đấy, đặt họ là Tiết. Từ đời Quốc đến đời Tống, nối nhau làm quan trong châu quận, là một họ lớn. Tống thủa nhỏ hiểu rõ kinh truyện, giỏi viết văn, có tài năng.
Thủa trẻ nương dựa
người trong họ tránh loạn đến Giao Châu, theo học Lưu Hi. (2) Sĩ Tiếp đã dựa
theo Tôn Quyền, gọi Tống đến làm Ngũ quan Trung lang, bái làm Hợp Phố, Nam Hải
Thái thú. Bấy giờ Giao Châu mới mở, Thứ sử Lữ Đại đem quân đánh dẹp, Tống cùng
đi theo, vượt biển xuống phía nam, kịp đến Cửu Chân. Xong việc về kinh, làm Yết
giả Bộc xạ. Sứ giả miền tây (3) là Trương Phụng ở trước mặt Quyền giải họ tên của
Hám Trạch để cợt Trạch, Trạch không đáp được. Tống đến uống rượu, nhân đó mời
rượu, nói: “Chữ ‘thục’ là gì? Có ‘chó’ là ‘độc’, không có ‘chó’ là ‘thục’, ‘mắt’
ngang ‘thân’ uốn, ‘trùng’ vào trong bụng”. (4)Thần là Tùng Chi thấy các sách vốn
chép là ‘cẩu thân’ hoặc ‘câu thân’, cho rằng đã ‘mắt ngang’ thì nên chép là
‘câu thân’.
Phụng nói: “Không nên
giải chữ ‘ngô’ của ông chăng”? Tống đối đáp rằng: “Không ‘miệng’ là ‘trời’, có
miệng là ‘ngô’, (5) vua trị vạn nước, đô
của Thiên tử”. Do đó mọi người ngồi đều cười vui, mà Phụng không đáp được.
Cái nhanh nhẹn quyết đoán của Tống đều đại loại như thế.
Giang Biểu truyện viết:
Phí Y đi sứ Ngô, lên thềm gặp, các công khanh cận thần đều đang ngồi. Lúc uống
rượu, Y và Gia Cát Khác giễu cợt lẫn nhau, nói đến chữ ‘ngô’, ‘thục’. Y hỏi
nói: “Chữ ‘thục’ giải thế nào”? Khác nói: “Có ‘nước’ thì ‘đục’, không ‘nước
thì’ thục’. ‘Mắt’ ngang ‘thân’ uốn, ‘trùng’ vào trong bụng”. Y lại hỏi rằng:
“Chữ ‘ngô’ giải thế nào”? Khác nói: “Không ‘miệng’ là ‘trời’, có miệng là
‘ngô’, lan man biển lớn, đô của Thiên tử”. So với truyện gốc không giống.
Lữ Đại từ Giao Châu
được gọi về, Tống lo không có ai thay được Đại, dâng sớ nói: “Ngày xưa vua Thuấn
đi tuần phía nam, chết ở quận Thương Ngô. Nhà Tần đặt các quận Quế Lâm, Nam Hải,
Tượng Quận, vậy thì bốn quân ấy đã nối thuộc rồi, truyền đến ngày nay. Triệu Đà
nổi dậy ở Phiên Ngu, (6) vỗ về quân trưởng của người Bách Việt ở tại phía nam
quận Châu Quan (7) vậy. Vũ Đế của nhà Hán giết Lữ Gia, lập chín quận, đặt quan
Giao Chỉ Thứ sử để trông coi chỗ ấy. Sông sâu núi cao, phong tục không lành, tiếng
nói đều khác, phiên dịch mới hiểu, dân như cầm thú, già trẻ không chia, tóc búi
chân trần, đầu quấn cúc trái, (8) dẫu đặt quan lại, dẫu có như không. Từ đấy đến
nay, có dời tội nhân Trung Quốc đến ở lẫn chỗ ấy, dần dần đọc sách, biết qua tiếng
nói, xe ngựa qua lại, hiểu biết lễ nghĩa. Sau đó Tích Quang làm Giao Chỉ Thái
thú, Nhậm Diêm làm Cửu Chân Thái thú, bèn dạy dân ấy cày bừa, đội mũ đi giày, sắp
đặt mai mối, mới biết cưới hỏi, dựng lập trường học, giảng dạy kinh truyện. Do
đó chịu phục, hơn bốn trăm năm, có phần chuyển hóa. Từ thời trước thần làm
khách đến đấy, người quận Châu Nhai bỏ phép cưới hỏi của châu huyện, đều hẹn đến
tháng tám thì mở cửa, vào lúc người dân tụ tập, trai gái tự kén chọn nhau, nếu
vừa ý thì làm vợ chồng, cha mẹ không cấm được. Ở hai huyện Mi Linh quận Giao Chỉ,
huyện Đô Lung quận Cửu Chân, có tục anh chết thì em lấy chị dâu, nhiều đời cho
đấy là thói thường, quan lại nghe biết cũng không ngăn được. Trai gái quận Nhật
Nam cởi trần, không cho là thẹn. Do đó mà nói, có thể ví như sâu bọ có tai mắt
mặt mũi vậy. Vậy nhưng đất rộng người đông, hiểm trở độc hại, dễ gây phản loạn,
khó đến đánh dẹp. Quan lại chỉ ràng buộc, diễu oai vỗ về mà thôi, còn như tô
thuế của ruộng nhà, chuyển chở cung cấp,chỉ thích các đồ ngọc trai, thuốc thơm,
ngà voi, sừng tê, đồi mồi, san hô, ngọc sáng, chim vẹt, phỉ thúy, khổng tước, vật
lạ, vật báu chất đầy, không chỉ có tô thuế để làm giàu cho Trung Quốc vậy. Lại ở
ngoài chín điện, phép chọn quan lại không được kĩ càng. Phép tắc thời Hán rộng
lượng, nhiều chỗ nới lỏng, cho nên nhiều lần làm trái phép cấm. Phế quận Châu
Nhai là do quan lại ở đấy thấy tóc đẹp thì cắt tóc của dân để làm tóc giả. Lúc
thần đến đấy, người quận Nam Hải là Hoàng Cái làm Nhật Nam Thái thú, xuống xe
mà người hầu đỡ không đủ, liền đánh chết quan Chủ bạ, nhưng rồi cũng bị xua đuổi.
Cửu Chân Thái thú Đam Manh giúp cha vợ là Chu Kinh bày hội tiệc, cùng mời các
quan lại đến, rót rượu hát nhạc, quan Công tào Phan Hâm đứng dậy mời Kinh múa
cùng, Kinh không chịu đứng dậy, Hâm vẫn ép buộc, do đó Manh giận đánh chết Hâm ở
trong quận. Em Hâm là Miêu đem quân đánh phủ, lấy tên độc bắn Manh, Manh cũng bị
chết. Giao Chỉ Thái thú Sĩ Tiếp sai quân đến đánh, rút cuộc chẳng thắng được. Lại
nữa quan Thứ sử ngày trước người quận Cối Kê là Chu Phù nhiều lần dùng người
cùng quê là bọn Ngu Bao, Lưu Ngạn chia nhau làm trưởng lại, xâm lấn trăm họ,
đánh thuế nặng với dân, một con cá vàng dài một trượng mà thu một hộc lúa, do
đó trăm họ oán giận mà làm phản, bọn giặc núi cùng kéo ra, đánh châu phá quận.
Phù chạy vào biển, trôi nổi chết chìm. Sau đó người quận Nam Dương là Trương
Tân, vốn có hiềm khích với Kinh Châu Mục là Lưu Biểu, quân yếu địch mạnh mà vẫn
hằng năm phát binh, các tướng lo sợ, bỏ trốn hết cả. Tân nắm quyền trông coi
nhưng uy vũ không đủ, bị kẻ dưới lấn lướt, bèn bị giết chết. Sau lại có người
quận Linh Lăng là Lại Cung, nhân hậu cẩn thận nhưng không hiểu thời thế, Biểu lại
sau người quận Trường Sa là Ngô Cự làm Thường Ngô Thái thú. Cự là kẻ vũ dũng cứng
khỏe, không chịu kính phục, do đó oán giận nhau, xua đuổi Cung, xin cứu với Bộ
Chất. Bấy giờ tướng cũ của Tân là bọn Di Liệu, Tiền Bác còn nhiều, do đó Chất đến
sửa trị, lập lại phép tắc, vừa lúc lại gọi về. Rồi đó Lữ Đại đến, có cuộc biến
của họ Sĩ, đem quân đánh phía nam, đến ngày dẹp xong, đặt lại quan lại, nêu rõ
kỉ cương, diễu oai vạn dặm, lớn nhỏ cúi phục. Do đó mà nói, vỗ về biên giới, thực
là người ấy. Làm quan ở phương xa phải nên trong sạch, ở ngoài cõi hoang phục
thì họa phúc rất lắm. Ngày nay Giao Châu dẫu mới định nhưng ở huyện Cao Lương
còn có giặc ẩn nấp; bốn quận Nam Hải, Thương Ngô, Uất Lâm, Châu Quan vẫn chưa
yên, dựa vào đó mà cướp bóc, trở thành nơi ẩn nấp của bọn phản loạn trốn tránh.
Nếu Lữ Đại không còn ở phương nam, quan Thứ sử mới đến phải cẩn thận, trông coi
tám quận, mưu lược phải rõ ràng mới dần dần dẹp được giặc ở Cao Lương, phải dựa
vào oai sủng, cậy vào hình thế, noi theo phép tắc của Đại mới mong sửa sang được.
Nếu chỉ dùng người tầm thường, chọn lấy phép tắc sơ qua, không có mưu hay kế lạ
thì bọn giặc càng thêm đông, lâu ngày gây hại. Cho nên sự an nguy của nhà nước
trông chờ vào việc dùng người, không thể không xét kĩ vậy. Thần lo triều đình
coi thường việc kén chọn, cho nên dám bày tỏ ý ngu để nêu rõ đức thánh”.
Năm Hoàng Long thứ
ba, Kiến Xương Hầu là Lự làm Trấn quân Đại tướng quân, đóng đồn ở Bán Châu, lấy
Tống làm Trưởng sử, ngoài xét việc quân, trong coi sách vở. Lự chết, vào làm Tặc
tào Thượng thư, chuyển làm Thượng thư Bộc xạ. Bấy giờ Công Tôn Uyên hàng rồi lại
phản, Quyền cả giận, muốn tự đi đánh. Tống dâng sớ can ngăn rằng: “Đế vương là
bậc đứng đầu vạn nước, có quan hệ đến vận mệnh của thiên hạ vậy. Cho nên ở
trong chỗ nhiều vòng tường canh gác để đề phòng việc không may, đức thì phải
trong sạch thẳng thắn để dưỡng oai nghiêm, đại khái là để giữ cái phúc lành trọn
vẹn, vỗ về lòng dạ của người bốn cõi vậy. Ngày xưa Khổng Tử mắc bệnh, mượn lời
nói về việc cưỡi bè vượt biển, Quý Do dẫu vui nhưng không biết lấy gỗ ở đâu làm
làm bè (9) Nguyên Đế của nhà Hán muốn ngồi thuyền lầu, Tiết Quảng Đức xin được
cắt cổ để lấy máu nhuộm xe. (10) Vì sao? Cái hiểm của nước lửa thì rất lắm,
không phải là chỗ mà Đế Vương nên bơi lội vậy. Ngạn ngữ nói: ‘Đứa con ngàn vàng
không ngồi gần vách’. (11) Huống chi là vua của nước vạn cỗ xe đây? Ngày nay
người Nhung, Mạch ở Liêu Đông là rợ nhỏ, không có cái vững của thành ao, không
biết phép chống giữ, khí giới cùn nhụt, chẳng đâm được chó dê, nếu đến tất thắng
được, đấy là điều rõ ràng. Nhưng đất đai cằn cỗi, chẳng trồng được lúa gạo, dân
quen với yên ngựa, dời chuyển vô thường. Nếu nghe tin đại quân ta đến, tự biết
khó địch, tất dáo dát kinh hoàng, ruổi chạy trốn nấp, dẫu mỗi người một ngựa
cũng không thấy được. Dẫu chiếm được đất trống nhưng giữ chẳng ích gì, đấy là một
điều không nên vậy. Lại nữa dòng nước sâu thẳm, có cái hiểm của núi Thành Sơn,
đi biển khôn lường, khó tránh sóng gió, trong chốn trôi nổi, thuyền người khác
thế. Dẫu có cái đức trí của Nghiêu, Thuấn cũng chẳng đánh được, dẫu có sức khỏe
của Bôn, Dục cũng không làm được, đấy là hai điều không nên vậy. Thêm có nắng
nóng sương mù ở trên, nước sôi sục ở dưới, dễ gây ra bệnh tật, lây nhiễm lẫn
nhau, hễ là người đi biển, ít ai không lo cái nạn ấy, đấy là ba điều không nên
vậy. Trời sinh thần thánh, tỏ rõ điềm lành, nhân đó mà dẹp loạn, vỗ yên vạn vật;
việc lành hẹn đến, trong nước bình định, giặc ác hung nghịch, diệt vong sớm
thôi. Một khi Trung Quốc thống nhất thì Liêu Đông tự vỡ, chỉ cần nắm tay ngồi đợi
vậy. Nếu ngày nay làm trái phép thường, đi đến chỗ nguy nan, bỏ cái vững của
chín châu, phát cái giận một sớm thì không phải là kế lớn của xã tắc, lại là việc
từ khi mở nước đến nay chưa từng có vậy, đấy là điều mà trăm quan lo lắng trằn
trọc, ăn không ngon, ngủ không yên giấc vậy. Mong Bệ hạ nén bỏ cái giận đùng
đùng, giảm bớt cái oai sấm sét, men theo cái yên của cầu xe, rời xa cái hiểm của
nước sâu, vậy thì bọn thần được phúc, thiên hạ may lắm”. Bấy giờ nhiều bầy tôi
can ngăn, Quyền rút cuộc không đi.
Ngày kỉ mùi tháng
giêng, Quyền sai Tống làm bài văn chúc tế tổ tiên mà không dùng lời văn bình
thường, Tống vâng lệnh, liền viết bài, ý tứ sáng sủa. Quyền nói: “Làm thêm hai
bài nữa cho đủ ba bài”. Tống lại làm tiếp, lời văn đều mới, mọi người đều khen
hay. Năm Xích Ô thứ ba, chuyển làm Tuyển tào Thượng thư. Năm thứ năm, làm Thái
tử Thiếu phó, lĩnh chức Tuyền tào như cũ.
Ngô thư viết: Sau đó
Quyền ban túi thao đỏ cho Tống, Tống nói là màu đỏ không phải là thứ mà mình
nên mặc, Quyền nói: “Thái tử nhỏ tuổi mà học đạo lại kém, ông nên dùng văn để dạy
dỗ, lấy lễ để ràng buộc, được mặc áo của Vương hầu, không phải ông thì ai”? Bấy
giờ Tống vì có tiếng là nhà Nho nổi tiếng mà làm thầy dạy, lại lĩnh cả việc kén
chọn, rất được kính trọng.
Mùa xuân năm thứ sáu
thì chết. Viết thơ, phú, sớ luận cả thảy có mấy vạn chữ, đặt tên là Tư tái, soạn
Ngũ tông đồ thuật, Nhị kinh giải, đều truyền cho đời.
Con là Hủ, làm đến Uy
nam Tướng quân, đánh Giao Chỉ về, trên đường bệnh chết.
Hán Tấn Xuân thu viết:
Vào thời Tôn Hưu, Hủ làm Ngũ quan Trung lang tướng, được sai đến nước Thục xin
ngựa. Lúc về, Hưu hỏi cái được mất của chính trị nước Thục, đáp nói: “Vua u tối
lại không biết lỗi của mình, bầy tôi giữ thân để mong tránh tội, vào triều đình
không nghe được lời nói đúng đắn, qua đồng ruộng thấy vẻ mặt người dân nhợt nhạt.
Thần nghe rằng chim én làm tổ ở trong nhà, mẹ con nhà chim cùng vui, tự cho là
yên ổn, bỗng chốc cột chống gãy đổ mà chim én vẫn ung dung không biết họa sắp đến,
là nói về việc ấy chăng”!
Em Hủ là Oánh, tự Đạo
Ngôn, lúc đầu làm Bí phủ Trung thư lang. Tôn Hưu lên ngôi, làm Tán kị Thường thị.
Được mấy năm, mắc bệnh mà bỏ chức. Đầu thời Tôn Hạo, làm Tá chấp pháp, chuyển
làm Tuyển tào Thượng thư. Lúc lập Thái tử, lại lĩnh chức Thiếu phó. Năm Kiến
Hành thứ ba, Hạo nghĩ xét lời văn để lại của cha Oánh là Tống, lại sai Oánh tiếp
nối. Oánh dâng thư rằng:
“Tổ tiên của thần,
trước giúp nhà Hán, Thời thế miên man, làm nơi đài quán. Cha thần là Tống, gặp
phải thời loạn, Kỉ cương gãy đổ, nhà nước vỡ tan.
Chọn đất yên lành, giữ
gìn dòng dõi, Trời giúp người tốt, về miền đông nam, Mới đầu nương dựa, khốn ở
cõi rợ.
Đại Đế mở nền, ân đức
vươn xa, Vâng theo chiếu lệnh, rũ xóa bụi bặm. Vứt bỏ áo thô, nhận chức chẻ
phù, Ra giữ Hợp Phố, ở tại góc biển.
Rồi về kinh đô, bước
vào triều đình, Hèn mà lại quý, dứt mà lại nối.
Tối lại được sáng,
không phải do gốc, Cũng vì được sủng, ý lòng vừa thỏa. Văn Đế tôn quý, lập hiệu
Đông cung, Bèn làm Thiếu phó, vinh hiển thêm lừng. Thái tử sáng suốt, đức cao
khiêm nhường, Gồm cả lễ nghĩa, đầy đủ thấm nhuần.
Coi trọng bầy tôi,
ghi nhớ lòng trung, Ân lớn chưa đền, cuối đời đã mất.
Ôi thần hèn kém, nghĩ
đến anh em,
May được sinh dưỡng,
dựa tiếng của Tống. Vào triều được bảo, ngu dốt khó hiểu, Chẳng nối nghiệp cha,
chí muốn cày bừa.
Nào biết triều đình,
nhân đức tràn trề, Ghi nhớ tôi cũ, tiếc việc không thành. Do đó giúp đỡ, trao
cho vinh hiển,
Hủ ở nơi xa, đi đánh
miền nam.
Phất cờ sắm giáp, diễu
oai quân mạnh, Như thần thô lậu, thực là yếu kém.
Đi theo vết cũ, học
theo người hiền, Lại giúp Đông cung, nối tiếp vinh hoa. Tài chẳng bằng cha, làm
nhục làm trái. Đức cao tài rộng, văn chương hay đẹp, Xét nghĩ tôi cũ, mong truyền
đời sau.
Cớ sao dòng dõi, há
chẳng giống thế!
Xem nghĩ ân cũ, ngoảnh
xét tài ngu, Ai bớt thẹn được, thần thực như thế. Ngày đêm trằn trọc, nhọc lòng
tự xét, Cha con anh em, nối đợi chịu ân, Chết cũng báo đáp, sống thề quên thên.
Dẫu thân tan nát, cũng chẳng đền hết”.
Năm đó, Hà Định bàn kế
đào kênh Thánh Khê để thông vào miền Giang Hoài, Hạo sai Oánh đem vạn người đến,
nhưng vì nhiều đá tảng mà khó làm, bỏ về, ra làm Vũ Xương Tả bộ đốc. Sau đó Định
bị giết, Hạo xét lại việc kênh Thánh Khê, bắt Oánh vào ngục, đày đi Quảng Châu.
Hữu quốc sử Hoa Hạch dâng sớ nói: “Thần nghe rằng Tam vương Ngũ đế đều đặt quan
chép sử, ghi chép việc hay, xét sâu mọi việc. Thời Hán có Tư Mã Thiên, Ban Cố(12)
đều tài lớn hơn đời, soạn sử hay đẹp, cùng truyền với lục kinh. Đại Ngô ta vâng
mệnh, lập nước ở miền nam, cuối thời Đại Hoàng Đế, sai Thái sử lệnh Đinh Phu,
Lang trung Hạng Tuấn bắt đầu soạn Ngô thư. Phu, Tuấn không có tài chép sử, việc
mà họ chép không đáng để ghi lại. Đến thời Thiếu Đế, lại sai Vi Diệu, Chu
Chiêu, Lương Quảng cùng năm người bọn thần, tìm xét việc xưa, cùng nhau soạn
chép, đều có gốc ngọn. Chiêu, Quảng chết sớm, Diệu phụ ân mắc tội, Oánh ra làm
tướng, lại bị đi đày, sách sử ấy bèn dồn đọng, đến nay chưa soạn xong. Thần ngu
muội nông cạn, chỉ hợp giúp bọn Oánh ghi chép thôi, nếu sai cùng soạn chép, tất
thay được việc cũ của Phu, Tuấn. Sợ rằng rụng cái công lớn của Đại Hoàng Đế, tổn
cái đẹp đẽ của thời nay, Oánh tài học đã rộng, văn chương rõ ràng, trong bọn
quan lại, Oánh đứng hàng đầu. Ngày nay
quan lại học rộng dẫu nhiều, nhưng tài ghi chép như Oánh lại ít, cho nên lo lắng
vì nước mà tiếc cho Oánh. Thần thực là muốn lập công sắp thành, ghi tên vào cuối
sách sử trước. Sau khi tấu lên, lui về vùi vào hang rãnh cũng không hối tiếc”.
Hạo bèn gọi Oánh về, giúp nước chép sử. Chốc lát, quan Tuyển tào Thượng thư người
cùng quận là Mậu Y vì giữ chí không đổi, bị bọn tiểu nhân ghen ghét, đuổi ra
làm Hành Dương Thái thú. Đã nhận chức, lại vì việc quan mà bị xét hỏi, viết thư
bái tạ. Nhân đó qua chỗ Oánh, lại bị người khác báo lên, nói là Y không sợ bị tội,
đem nhiều tân khác tụ hội ở nhà Oánh, rồi bắt Y vào ngục, đày đi Quế Dương.
Oánh cũng bị đày về Quảng Châu, chưa đến, lại gọi Oánh về, trao lại chức. Bấy
giờ chính trị nhiều lỗi, chọn cử rối bời, Oánh hễ dâng biểu bày mưu đều xin giảm
hình phạt bớt lao dịch để giúp đỡ trăm họ, có việc được làm. Chuyển làm Quang lộc
huân.
Năm Thiên Kỉ thứ tư,
quân Tấn đánh Hạo, Hạo gửi thư đến chỗ Tư Mã Trụ, Vương Hồn, Vương Tuấn xin
hàng, lời thư là do Oánh viết vậy. Oánh đã đến Lạc Dương, được đãi hậu trước,
làm Tán kị Thường thị, đối đáp đúng phải, đều có đạo lí.
Tấn kỉ của Can Bảo viết:
Vũ Đế ung dung hỏi Oánh rằng: “Tôn Hạo vì sao lại bị mất nước vậy”? Oánh đáp
nói: “Quy Mệnh Hầu Hạo là vua Ngô vậy, nhưng lại gần gũi kẻ tiểu nhân, hình
pháp bừa bãi, đại thần đại tướng đều chẳng ai thân cận, người người lo sợ, đều
tự giữ mình, cái nạn nguy vong, thực là do đấy”. Đế lại hỏi về sự hiền ngu của
kẻ sĩ nước Ngô, Oánh đều tùy người mà đối đáp.
Năm Thái Khang thứ ba
thì chết. Soạn sách có tám chương, đặt tên là Tân nghị.
Tấn thư của Vương Ẩn
viết: Con Oánh là Kiêm, tự Lệnh Trưởng, trong sạch có tài năng, có phong độ như
người Trung Quốc, không như người Ngô. Làm qua Thặng tướng Trưởng sử của hai
cung. Nguyên Đế lên ngôi, chuyển làm Đan Dương Doãn, Thượng thư, lại làm Thái tử
Thiếu phó. Từ đời Tống đến đời Kiêm là ba đời, đều dạy Thái tử.
TRÌNH BỈNH TRUYỆN
Trình Bỉnh tự Đức Xu,
người huyện Nam Đốn quận Nhữ Nam. Theo học Trịnh Huyền, (13) sau đó tránh loạn
đến Giao Châu, luận bàn đạo học với Lưu Hi, bèn thông hiểu ngũ kinh. (14) Sĩ Tiếp
cho làm Trưởng sử. Quyền nghe nói Bỉnh là nhà Nho giỏi, lấy lễ mà mời Bỉnh. Đã
đến, bái Thái tử Thái phó. Năm Hoàng Vũ thứ tư, Quyền cho Thái tử Đăng lấy con
gái của Chu Du, Bỉnh làm Thái thường, đón phi ở quận Ngô, Quyền tự đến thuyền của
Bỉnh, dùng lễ rất hậu. Đã về, Bỉnh ung dung khuyên Đăng rằng: “Hôn nhân là cái
gốc của đạo làm người, là cái nền của giáo hóa, cho nên vua hiền coi trọng việc
ấy, do đó mới đứng đầu vạn dân, dạy dỗ thiên hạ vậy. Bởi thế kinh Thi khen bài
hát Quan sư, (15) lấy làm bài đầu. Mong Thái tử tôn trọng lễ giáo với người vợ,
giữ điều mà Chu nam (16) khen tụng thì đạo hóa nổi rõ ở trên, tiếng khen vang vọng ở dưới vậy”.
Đăng cười nói: “Chọn theo cái đẹp ấy, sửa nắn cái xấu ấy, thực là nhờ vào thầy
dạy vậy”.
Bệnh chết tại sở
quan, viết sách Dịch trích, Thượng thư bác, Luận ngữ bật, cả thảy hơn ba vạn chữ.
Vào thời Bỉnh làm thầy, quan Luật canh lệnh (17) người quận Hà Nam là Trưng
Sùng cũng chăm học tu đức vậy.
Ngô lục viết: Sùng tự
Tử Hòa, chú giải kinh Dịch, Xuân thu Tả thị truyện, lại giỏi thuật trị nhà. Vốn
là họ Lí, gặp loạn mà đổi họ, rồi ẩn náu ở Cối Kê, tự thân cày bừa để lập chí.
Những người tài năng theo học, chỉ dạy mấy người mà thôi, nhưng đã dạy tất
thành công vậy. Giao kết với người như bọn Thặng tướng Bộ Chất, đều thân thiện.
Nghiêm Tuấn tiến cử Sùng cho rằng là người có đức đủ để sửa tục, có tài học đủ
để là thầy. Lúc trước gặp Thái tử Đăng, vì ốm đau nên không dạy. Các quan lại của
Thái tử đều học hỏi. Thái tử cũng đem những việc lạ đến hỏi. Bảy mươi tuổi thì
chết.
Khám Trạch tự Đức Nhuận,
người huyện Sơn Âm quận Cối Kê. Nhà nhiều đời làm ruộng, đến đời Trạch ham học,
nhà nghèo không có tiền, thường viết chữ thuê cho người khác để có bút giấy, đã
viết chữ xong, nhẩm đọc khắp cả. Tìm thầy luận giảng, xét kĩ các sách, hiểu cả
lịch số, do đó nổi tiếng. Xét Hiếu liêm, làm Tiền Đường Trưởng, chuyển làm Sâm
Lệnh. Tôn Quyền làm Phiếu kị Tướng quân, gọi đến làm Tây tào duyện; đến lúc
xưng tôn hiệu, lấy Trạch làm Thượng thư. Giữa năm Gia Hòa, làm Trung thư lệnh,
bái thêm chức Thị trung. Năm Xích Ô thứ năm, bái Thái tử Thái phó, lĩnh chức
Trung thư lệnh như cũ.
Trạch cho rằng lời
văn trong kinh truyện nhiều, khó mà dùng hết, liền xem xét các nhà, tóm gọi lời
văn mà chú giải các sách để trao cho hai cung, soạn lễ nghi đi ra và gặp tân
khách, lại viết lời chú giải lịch Càn tượng (18) để phân rõ ngày tháng. Hễ triều
đình bàn nghị, kinh truyện có chỗ hồ nghi, lại liền hỏi Trạch. Vì chăm chỉ học
đạo Nho mà được phong làm Đô Hương Hầu. Tính khiêm nhường cẩn thận, các quan nhỏ
trong cung phủ gọi đến hỏi, đều tỏ ý chống lại. Người ta có lỗi sai, miệng chưa
từng nói đến, vẻ mặt như chẳng giỏi, nhưng hiểu biết sâu xa. Quyền từng hỏi rằng:
“Sách truyện văn chương, bài nào là hay”? Trạch muốn mượn đấy để nêu rõ việc trị
loạn, nhân đó nói bài Quá Tần luận của Giả Nghị là hay nhất, Quyền bèn xem đọc.
Lúc trước, Lữ Nhất tội
ác phát rõ, quan coi việc xét tội nặng, tấu xin xử tội chết, có người cho là
nên dùng hình phạt xắt xẻo để kể rõ tội ác. Quyền lại hỏi Trạch, Trạch nói:
“Vào thời bình thịnh, không nên dùng hình phạt ấy”. Quyền nghe theo. Lại nữa
các quan lại có chỗ lo lắng, muốn hỏi thêm để phòng ngừa, xem xét bọn cấp dưới,
Trạch liền nói: “Nên theo lễ, luật”. Khám hòa thuận lại thẳng thắn, đều đại loại
như thế.
Ngô lục viết: Ngu
Phiên khen Trạch nói: “Cái tài hoa của Khám tiên sinh như Dương Hùng (19) đất
Thục”. Lại nói: “Đức hạnh đạo Nho của Khám Tử cũng như Trọng Thư (20) ngày nay
vậy”. Lúc trước, Văn Đế của nhà Ngụy lên ngôi, Quyền từng ung dung hỏi bầy tôi
rằng: “Tào Phi đã lớn tuổi mà lên ngôi, ta sợ không bằng được hắn, các khanh thấy
thế nào”? Bầy tôi không đáp, Trạch nói: “Chẳng đến mười năm, Phi tất chết vậy,
Đại vương chớ lo”. Quyền nói: “Sao lại biết vậy”? Trạch nói: “Xét chữ mà nói,
‘bất thập’ là ‘phi’, (21) đấy là số của hắn vậy”. Văn Đế quả nhiên làm vua được
bảy năm thì băng. Thần là Tùng Chi tính ra tuổi Quyền lớn hơn Văn Đế năm tuổi,
vậy thì già trẻ ít biệt vậy.
Mùa đông năm thứ sáu
thì chết. Quyền đau lòng thương tiếc, mấy ngày chẳng chịu ăn cơm.
Bậc sinh trước trong
châu của Trạch người quận Đan Dương là Đường Cố cũng tu thân chăm học, được
khen là nhà Nho, viết Quốc ngữ chú, Công Dương truyện chú, Cốc Lương truyện
chú, thường giảng dạy mấy chục người. Quyền làm Ngô Vương, bái Cố làm Nghị
lang, từ Lục Tốn đến bọn Trương Ôn, Lạc Thống đều kính phục Cố. Năm Hoàng Vũ thứ
tư làm Thượng thư Bộc xạ, rồi chết.
Ngô lục viết: Cố tự Tử
Chính, chết vào lúc hơn bảy mươi tuổi.
CHÚ THÍCH
(1) Mạnh Thường Quân:
tên là Điền Văn ( ⽥
⽂
), người nước Tề thời Chiến quốc, nối tước cha là Điền Anhđược phong ở ấp Tiết,
đặt hiệu là Mạnh Thường Quân, tính hào hiệp rộng rãi, trong nhà nuôi mấy nghìn
tân khách, nổi tiếng chư hầu.
(2) Lưu Hi: Lưu Hi tự
Thành Quốc, người quận Bắc Hải, giữa những năm Kiến An thời Hiến Đế của nhà Hán
tránh nạn đến Giao Châu, viết sách Thích danh, Mạnh Tử chú
(3) Miền tây: tức nước
Thục ở phía tây.
(4) Có ‘chó’ là ‘độc’,
không có ‘chó’ là ‘thục’, ‘mắt’ ngang ‘thân’ uốn, ‘trùng’ vào trong bụng”: chữ
thục (蜀) là tên nước Thục, gồm
chữ mục (罒)
nằm ngang và chữ trùng (⾍)
ở trong chữ bao (⼓)
. Thêm chữ khuyển (犭)
thì thành chữ độc (獨)
nghĩa là một loài vượn lớn.
(5) Không ‘miệng’ là
‘trời’, có miệng là ‘ngô’: chữ ngô ( 吴 ) là tên nước Ngô, gồm chữ khẩu ( ⼜
) ở trên và chữ thiên ( 天
) ở dưới. Bỏ chữ khẩu thì thành chữ thiên (天) nghĩa là là trời vậy. Còn viết là ngô (吳) gồm chữ khẩu (⼜)
ở trên và chữ thỉ (⽮)
ở dưới.
(6) Triệu Đà nổi dậy ở
Phiên Ngu: Triệu Đà là người huyện Chân Định, thời Tần làm Nam Hải Úy. Lúc nhà
Tần diệt, liền đem quân đánh chiếm cả quận Quế Lâm, Tượng quận, tự lập làm Nam
Việt Vương, đóng đô ở Phiên Ngu, truyền nước năm đời chín mươi ba năm thì bị Vũ
Đế của nhà Hán đánh diệt, chia nước lập ra chín quận.
(7) Quận Châu Quan: vốn
tên là quận Hợp Phố, năm Hoàng Vũ thứ bảy thời Tôn Quyền đổi tên là quận Châu
Quan vậy.
(8) Tóc búi chân trần,
đầu quấn cúc trái: tức tục búi tóc, đi chân trần, đầu quấn khăn, cài cúc áo bên
trái, là tục của người Giao Châu thời xưa.
(9) Ngày xưa Khổng Tử
mắc bệnh, mượn lời nói về việc cưỡi bè vượt biển, Quý Do dẫu vui nhưng không biết
lấy gỗ ở đâu làm làm bè: ngày xưa Khổng Tử buồn bực vì đạo pháp của mình không
được tin dùng, muốn vượt biển Bột Hải để đến đất Đông Di, hỏi rằng: “Đạo ta chẳng
được dùng, muốn cưỡi thuyền bè vượt biển, ai muốn cùng ta đi không”? Quý Do (tức
Tử Lộ) nghe nói vậy mà vui mừng xin đi cùng. Nhưng Khổng Tử lại nói: “Quý Do
cũng dũng cảm hơn cả ta vậy, nhưng không biết lấy gỗ ở đâu mà làm bè”. Đại khái
là Khổng Tử chỉ nói đùa thôi, dẫu muốn đến ở đất Đông Di (tức nước Triều Tiên,
Tam Hàn ngày xưa) nhưng việc tự làm bè vượt biển Bột Hải (biển Hoàng Hải ngày
nay) là việc xa vời khó làm được.
(10) Nguyên Đế của
nhà Hán muốn ngồi thuyền lầu, Tiết Quảng Đức xin được cắt cổ để lấy máu nhuộm
xe: theo Hán thư - Tiết Quảng Đức truyện chép rằng: Nguyên Đế của nhà Hán đi tế
tông miếu, muốn thuyền lầu, Tiết Quảng Đức bấy giờ làm quan Ngự sử Đại phu can
ngăn khuyên nên đi trên cầu, vua không nghe, bèn nói rằng: “Nếu Bệ hạ không
nghe lời thần thì thần tự cắt cổ lấy máu nhuộm xe để Bệ hạ không vào tế tông miếu
được vậy”! Do đó Nguyên Đế sợ, bèn đi trên cầu. Ý nói đi cầu thì yên, đi thuyền
thì nguy.
(11) ‘Đứa con ngàn
vàng không ngồi gần vách’: ý nói đứa con nhà giàu có nghìn vàng không ngồi ở gần
vách vì sợ bị gạch ngói bên hiên đổ xuống gây nguy hại thương tật hoặc uổng mạng.
(12) Tư Mã Thiên, Ban
Cố: Tư Mã Thiên tự Tử Trường, thời Vũ Đế của nhà Hán, làm Thái sử lệnh, soạn Sử
kí. Ban Cố tự Mạnh Kiên, thời Minh Đế của nhà Hán soạn Hán thư.
(13) Trịnh Huyền: Trịnh
Huyền tự Khang Thành, người quận Bắc Hải thời Đông Hán, học rộng biết nhiều,
chú giải các sách Chu dịch, Thượng thư, Mao thi, Lễ kí, Luận ngữ…
(14) Ngũ kinh: chỉ năm kinh Thi, Thư, Lễ, Dịch,
Xuân thu, tương truyền do Khổng Tử soạn, còn có kinh Nhạc cho nên có khi gọi là
‘lục kinh’, nhưng kinh Nhạc đã mất.
(15) Quan sư: là một
bài hát trong kinh Thi, nói về người chồng nhớ vợ.
(16) Chu nam: là một chương trong kinh Thi, có cả
thảy mười một bài hát, nói về vợ chồng, con cái.
(17) Luật canh lệnh: Luật canh lệnh là tên chức
quan có từ thời Tần, nhà Hán noi theo, là một chức giúp việc của Thái tử.
(18) Lịch Càn tượng: là một cách tính lịch do người
quận Thái Sơn là Lưu Hồng ( 刘
洪 ) cuối thời Đông Hán
tính ra, được nước Ngô dùng từ năm Hoàng Vũ thứ hai thời Tôn Quyền đến lúc nhà
Ngô diệt.
(19) Dương Hùng: Dương Hùng tự Tử Vân, người huyện
Thành Đô quận Thục thời Tây Hán, học rộng biết nhiều, viết sách Thái huyền,
Phương ngôn.
(20) Trọng Thư: tức Đổng Trọng Thư, người huyện Quảng
Xuyên thời Tây Hán, học rộng đạo Nho.
(21) ‘Bất thập’ là ‘phi’: chữ phi ( 丕 ) là tên của Ngụy
Văn Đế là Tào Phi, gồm chữ bất (不) và chữ thập (⼗) , ‘bất thập’ nghĩa
là ‘không đến mười’. Ý nói Tào Phi làm vua không đến mười năm. Chữ phi (丕) đúng ra là gồm chữ
chữ bất (不)
và chữ nhất (⼀).
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét