Một cây cầu cổ ở Ô Trấn, Chiết Giang |
NGÔ THƯ QUYỂN 8 - TRƯƠNG NGHIÊM TRÌNH HÁM TIẾT
TRUYỆN (2)
TRƯƠNG HOÀNH TRUYỆN
Trương Hoành tự Tử
Cương, người quận Quảng Lăng. Du học ở kinh đô.
Ngô thư viết: Hoành vào trường học, giúp Bác sĩ Hàn Tông, chú giải Dịch truyện của họ Kinh, sách Thượng thư của họ Âu Dương, lại đến huyện Ngoại Hoàng theo Bộc Dương Khải chịu học Hàn thi, Lễ kí, Tả thị Xuân thu.
Về quận cũ, cử Mậu
tài, quan phủ gọi, đều không đến, Ngô thư viết: Ba phủ của Đại tướng quân Hà Tiến,
Thái úy Chu Tuấn, Tư không Tuân Sảng gọi làm Duyện thuộc, đều xưng bệnh không đến.
tránh nạn đến miền
Giang Đông. Tôn Sách lập nghiệp, bèn đến gửi thân, cử làm Chính nghị Hiệu úy.
Ngô thư viết: Hoành
cùng Trương Chiêu cùng bày mưu kế, thường sai một người ở lại giữ, một người
theo đi đánh dẹp, sau đó Lữ Bố đánh lấy Từ Châu, nhân đó làm Châu mục, không muốn
sai Hoành và Sách giúp việc. Xét từng cử
Mậu tài, bèn gửi thư đến gọi Hoành. Trong lòng Hoành ghét Bố, coi cúi thân là
nhục. Sách cũng quý tiếc Hoành, muốn Hoành tự giúp mình, đáp thư là không nghe,
nói: “Biển sinh ngọc châu, ở đấy là vật báu. Dẫu nước Sở có gỗ tốt nhưng nước Tấn
mới dùng được. (22) Bậc quân tử anh hào, đi đâu cũng được xem như vật báu, há
chỉ ở quê mình mà thôi”?
Theo đi đánh quận Đan
Dương, Sách tự thân xông trận, Hoành can ngăn, nói: “Chủ tướng là người tự mình
bày ra mưu kế, quan hệ đến vận mệnh của ba quân, không nên coi nhẹ thân mình mà
tự địch giặc nhỏ. Mong túc hạ coi trọng cái thân trời ban, giúp lòng mong mỏi của
thiên hạ, chớ khiến người trong nước lo lắng”.
Năm Kiến An thứ tư,
Sách sai Hoành đem thư đến đất Hứa, ở lại làm Thị ngự sử. Bọn Thiếu phủ Khổng
Dung đều cùng thân thiện.
Ngô thư viết: Hoành đến,
nơi triều đình cùng công khanh và quan lại cũ bày kể cái tài năng kì lạ của
Sách, dẹp bằng ba quận, (23) thổi gió rạp cỏ, lại thêm trung trinh thành kính,
theo thờ triều đình. Bấy giờ Tào Công làm Tư không, muốn ban ân dày để làm vui
lòng người phương xa, liền rất xuýt xoa khen ngợi, đổi hiệu phong tước, cho
Hoành làm Duyện thuộc, dựng nhà cao, bái Thị ngự sử, sau đó lấy Hoành làm Cửu Giang
Thái thú. Trong lòng Hoành vẫn nhớ ân cũ, muốn trái lệnh mà quay về, xưng bệnh
cố từ chối.
Tào Công nghe tin
Sách hoăng, muốn nhân lúc tang mà đánh Ngô. Hoành can ngăn, cho rằng: “Nhân lúc
người ta có tang mà đánh, đã không đúng phép xưa, vả lại nếu đánh không thắng
thì gây thù bỏ thân, không bằng nhân đó mà đãi hậu”. Tào Công theo lời ấy, liền
cử Quyền làm Thảo lỗ Tướng quân, lĩnh chức Cối Kê Thái thú. Tào Công muốn sau
Hoành đến khuyên Quyền theo phục, cho Hoành ra làm Cối Kê đông bộ Đô úy.
Ngô thư viết: Quyền mới
nối nghiệp, tuổi trẻ đang khỏe, thái phu nhân (24) thấy ngoài cõi nhiều nạn,
bèn vỗ về an ủi, nhiều lần sai người đến thăm hỏi, tỏ ý để muốn giúp đỡ. Hoành
liền viết thư đáp tạ, suy sét giúp sửa. Hễ có việc lớn mưu kín và các biểu
chương thư từ gửi đi giao kết bốn phương, thường sai Hoành và Trương Chiêu soạn
viết chép ra. Hoành thấy Phá lỗ Tướng quân có công đánh đuổi Đổng Trác, cứu
giúp nhà Hán; Thảo nghịch Tướng quân dẹp bằng miền Giang Biểu, dựng nên nghiệp
lớn, nên ghi chép lại để nêu rõ nghĩa lớn. Đã chép xong, trình cho Quyền, Quyền
xem đọc mà cảm khái, nói: “Ông thực là biết công lao của nhà ta vậy”. Rồi sai
Hoành đến bộ. Có kẻ cho rằng Hoành vốn nhận chức quan ở phía bắc, sợ Hoành có
chí không dừng lại ở đấy, nhưng Quyền không vì thế mà vướng bận. Lúc trước, người
quận Lang Nha là Triệu Dục làm Quảng Lăng Thái thú, xét Hoành cử Hiếu liêm, sau
đó Dục bị Trách Dung giết, Hoành rất căm giận, nhưng sức chẳng đánh lại được.
Con cái Dục chết cả, lúc Hoành đến tại Đông bộ, sai quan Chủ bạ đến quận Lang
Nha cúng tế, lại tìm người thân thích cho làm dòng dõi của Dục, gửi thư cho
Lang Nha Tướng là Tang Tuyên, Tuyên lấy đứa trẻ tròn năm tuổi là Triệu Tông làm
người nối tự của Dục, Quyền nghe tin mà khen Hoành. Lúc đánh quận Giang Hạ, vì
Đông bộ ít việc, sai Hoành về giữ, coi việc từ xa. Khổng Dung gửi thư cho Hoành
rằng: “Nghe nói đại quân đánh sang phía tây, Túc hạ ở lại giữ. Nếu không có người
ở lại thì ai giữ xã tắc? Hết sức gìn giữ cũng là công lớn vậy. Chẳng phải là
cái chí của Lí Quảng, phấn nộ dựng tóc, vui một mình đánh chống Thiền vu (25) để
tỏ hết cái khí mạnh chăng? Nay nam bắc đều
tự lập, việc đời chẳng có việc, Tôn Quyền xếp qua, Giáng, Quán thô kệch, (26)
ngày nay cũng có, chỉ dùng bắt bẻ, không cần gặp mặt, gây sầu thán thôi. Nay đường
thẳng lối sạch, gặp nhau há lại khó sao”? Quyền vì công ở lại giữ của Hoành, muốn
bàn công phong thưởng. Hoành cố tự nhún nhường, không dám nhận ân, Quyền không
nỡ trái ý ấy. Thường ung dung dự hội yến, nói lời kín kẽ, thường để trào phúng.
Giang Biểu truyện viết:
Lúc trước, Quyền ở trước mặt bầy tôi thường gọi tên tự của họ, chỉ gọi Trương
Chiêu là Trương Công, Hoành là Đông bộ, là vì trọng hai người vậy.
Sau đó Quyền lấy
Hoành làm Trưởng sử, theo đi đánh quận Hợp Phì.
Ngô thư viết: Lâu
ngày không chiếm được thành Hợp Phì, Hoành bày kế nói: “Phép vây thành của người
xưa là mở ra một phía để khiến cho quân địch nghi ngờ. Nay vây thành kín bưng,
đánh thành lại gấp, e rằng quân địch sẽ dốc hết sức chống giữ. Quân địch lại liều
chết mà đánh, cho nên khó hạ được. Nay nhân lúc quân cứu chưa đến, nên nới lỏng
chút ít để xem sự biến”. Mọi người bàn không giống nhau. Gặp lúc quân kị đến cứu,
nhiều lần đến vòng vây, rong ruổi dụ đánh.
Quyền đem quân kị nhẹ
muốn đến phá địch, Hoành can rằng: “Đao kiếm là vật xấu, đánh trận là việc nguy
vậy. Nay túc hạ chỉ dựa vào cái khí thế vững mạnh mà lơ là quân định cường bạo,
trong khắp ba quân, chẳng ai không lo lắng. Dẫu chém tướng chặt cờ, oai lừng trận
giặc, nhưng đấy chỉ là cái sức của tướng khỏe, không phải là cái mưu của chủ
súy vậy. Mong tạm dừng cái sức của Bôn, Dục (27) mà bày nghĩ cái mưu của bậc Bá
vương”. Quyền nghe lời Hoành mà dừng. Đã về, năm sau lại muốn xuất quân, Hoành
lại can rằng: “Từ xưa Đế Vương chịu mệnh, dẫu có anh linh tổ tiên giúp ở trên,
người hiền đức đỡ ở dưới, cũng phải cậy vào võ công để nêu rõ công lao của
mình. Nhưng chỉ gặp thời mới phát động, sau đó mới ra oai. Nay túc hạ chỉ gặp
buổi loạn bốn trăm năm mới có một lần mà lập công cứu nguy mà thôi. Nên tạm dừng
nghỉ việc quân, mở rộng cày cấy, dùng người hiền tài, chăm ban ân đức, nếu thuận
mệnh trời để đánh dẹp thì chẳng cần vất vả mà tự định vậy”. Do đó bèn dừng
không đi. Hoành bày kế nên ra đóng đô ở Mạt Lăng, Quyền nghe theo.
Giang Biểu truyện viết:
Hoành khuyên Quyền rằng: “Mạt Lăng là huyện mà Sở Vũ Vương lập vậy, có tên là
Kim Lăng. Địa thế cao vững liền với Thạch Đầu, ta hỏi thăm người già có nói rằng:
‘Vào thời trước Tần Thủy Hoàng đi tuần thú phía đông đến quận Cối Kế có qua huyện
ấy’. Người xem phong khí nói rằng: ‘Địa hình của đất Kim Lăng có khí kinh đô của
bậc Đế Vương, cho nên Tần Thủy Hoàng đào chặn thế cao vững của đất ấy, lại đặt
tên là Mạt Lăng. Nay chỗ ấy vẫn còn, đất có khí ấy, đấy là trời tạo ra vậy’.
Nên lập kinh đô ở đấy”. Quyền khen lời bàn ấy nhưng chưa làm theo được. Sau đó
Lưu Bị đến miền đông, trú ở Mạt Lăng, đi xem hình thế, cũng khuyên Quyền đóng
đô ở đấy. Quyền nói: “Ý của người có trí thì giống nhau”. Bèn đóng đô ở đấy.
Hiến Đế Xuân thu viết:
Lưu Bị đến kinh, bảo Tôn Quyền rằng: “Đất Ngô cách chỗ ấy mấy trăm dặm, nếu có
nguy cấp thì có thể đến cứu nạn, Tướng quân không có ý đóng đô ở đấy sao”? Quyền
nói: “Mạt Lăng có sông nhỏ dài hơn trăm
dặm, dùng thuyền lớn đi được. Ta đang luyện quân thủy, sẽ đến giữ chỗ ấy”. Bị
nói: “Vu Hồ gần Nhu Tu, cũng là đất lành”. Quyền nói: “Ta muốn đánh Từ Châu,
nên dời đến gần đấy”. Thần là Tùng Chi cho rằng: Mặt Lăng so với Vu Hồ, về đường
lối cũng chẳng khác mấy, với việc xâm lấn miền bắc, cũng có khác gì? Vậy mà muốn
dòm ngó Từ Châu, lại tham cái thế gần của Mạt Lăng, lí lẽ này là sai. Các sách
đều chép Lưu Bị khuyên Quyền đóng đô ở Mạt Lăng, mà riêng sách này chép Quyền
muốn đóng đô ở đấy, lại càng lầm lẫn.
Sai về đất Ngô đón
người nhà, trên đường đi bệnh chết. Lúc bệnh khốn, trao thư cho con là Tĩnh rằng:
“Từ xưa người dựng nước lập nhà, đều nên tu đức ngay thẳng để gây dựng thời cường
thịnh. Đến như việc chính trị ngày nay, phần nhiều chẳng lẫy lừng. Nếu không có
người trung hiền giúp đỡ thì chính trị đen tối, đấy là do vua không kìm nén được
lòng ham muốn riêng, chẳng dùng được người hiền vậy. Lòng người sợ việc khó lại
thích việc dễ, ưa người cùng giống lại ghét kẻ khác giống, so với phép làm
chính trị thì có trái ngược nhau. Truyện viết: ‘Làm việc việc thiện thì như leo
núi, làm việc ác thì như núi lở’. Đấy là nói về cái khó của làm việc làm điều
thiện vậy. Nhà vua nối cơ nghiệp thời loạn, dựa vào hình thế của sông núi, tỏ
cái oai
‘bát bính’, (28) vui
cái trò ‘dễ theo’, (29) Chu lễ - Thái tể chức viết: Dùng ‘bát bính’ để ngăn ngừa
bầy tôi của vua. Một là ban tước để ngăn ngừa sự tôn quý của họ. Hai là ban lộc
để ngăn ngừa cái giàu có của họ. Ba là ban cấp để ngăn cái sủng ái của họ, bốn
là sắp đặt để ngăn ngừa việc làm của họ. Năm là ban cho sống để ngăn ngừa cái
phúc của họ. Sáu bỏ thu tiền của để ngăn ngừa lòng tham của họ. Bảy là bãi chức
để ngăn ngừa lỗi sai của họ. Tám là phạt tội để ngăn ngừa tội lỗi của họ.
không chịu bị người
khác lấn lướt; nhưng trung thần nên dâng bày mưu kế cứu nạn, nói lời hay khó lọt
tai nghe, những lời ấy dẫu không hợp ý vua vậy, nhưng cũng chẳng nên sao! Nếu
có lỗi sai, nói lời giả dối, tỏ lòng trung nhỏ nhen để được ân sủng, nguyên
nhân là kẻ hiền ngu lẫn lộn, người già trẻ trật lối, do đó gây ra rối loạn. Cho
nên vua sáng phải biết được việc ấy, cầu người hiền như đói ăn khát nước, nghe
lời can ngăn mà không chán mệt, nén bỏ ham muốn riêng để nêu rõ lẽ phải. Nếu
vua trên chẳng nghe theo lời xấu thì kẻ tiểu nhân không mong được tin dùng vậy.
Nên ban ân rộng rãi, bao bọc tha thứ, để tỏ lòng nhân lo lớn”. Bấy giờ chết vào
lúc sáu mươi tuổi. Quyền xem thư mà chảy nước mắt.
Hoành viết thơ, phú,
minh, lụy (30) có mấy chục quyển.
Ngô thư viết: Hoành
thấy cái gối làm bằng cái u của cây gỗ nam, (31) thích hoa văn trên ấy, bèn làm
bài phú. Có người ở miền bắc là Trần Lâm thấy bài ấy, đem cho mọi người xem,
nói: “Đấy là bài phú mà người cùng quê của ta là Trương Tử Cương viết ra vậy”.
Sau đó Hoành thấy Trần Lâm viết bài Vũ khố phú, Ứng cơ luận, gửi thư cho Lâm rất
khen ngợi các bài ấy. Lâm đáp rằng: “Kẻ ngu này ở tại miền bắc sông Hoàng Hà,
cách trở với thiên hạ, ở đây đại khái ít ưa với người giỏi văn chương, nhưng dễ
xưng hùng làm bá, cho nên kẻ hèn này được nhận lời khen hay đẹp, nhưng không phải
là thật vậy”. Ngày nay Cảnh Hưng (32) ở đây, túc hạ và Tử Bố (33) lại ở chỗ
kia, đấy gọi là kẻ ngu sánh với người giỏi, khí thần rất lắm vậy”. Hoành đã hay
văn chương, lại giỏi viết chữ khải triện, (34) gửi thư cho Khổng Dung, tự viết
chữ ấy. Dung gửi thư cho Hoành nói: “Trước tự tay viết chữ, phần nhiều là chữ
triện. Hễ nâng sách xem chữ, vẫn vui cười mừng rỡ, như được thấy lại người vậy’.
Con là Huyền, làm đến
Nam Quận Thái thú, Thượng thư.
Giang Biểu truyện viết:
Hoành trong sạch có đức cao, nhưng tài không bằng Hoành.
Con Huyền là Thượng,
Giang Biểu truyện viết:
Thượng có tài năng.
thời Tôn Hạo làm Thị
lang, vì ăn nói nhanh nhẹn mà được biết tiếng, bái làm Thị trung, Trung thư lệnh.
Hạo sai Thượng đánh trống gảy đàn, Thượng đáp rằng: “Thần vốn không biết”. Sai
phải học đánh gảy. Sau đó có hội yến nói về cái tinh diệu của tiếng đàn, Thượng
nhân đó nói: “Vua Bình Công của nước Tấn sai Sư Khoáng (35) gảy tiếng đàn trong
trẻo, Khoáng nói là: ‘Vua ta đức mỏng, không đáng được nghe tiếng đàn ấy’”. Hạo
trong lòng cho rằng Thượng nói thế để giễu mình, không vui. Sau mượn việc khác
mà bắt Thượng vào ngục, đều đem việc ấy mà xét hỏi.
Ngô kỉ của họ Hoàn viết:
Hạo từng hỏi rằng: “Kinh Thi viết: ‘Chèo thuyền gỗ bách’, chỉ có gỗ bách làm
thuyền chăng”? Thượng đáp rằng: “Kinh Thi viết: ‘Thuyền gỗ tùng chèo gỗi cối’,
vậy thì gỗ tùng cũng dùng để làm thuyền vậy’”. Lại hỏi rằng: “Trong các loài
chim lớn chỉ có chim hạc, (36) chim nhỏ chỉ có chim tước (37) chăng”? Thượng
đáp nói: “Chim lớn thì có chim bằng thu, (38) chim nhỏ thì có chim tiêu liêu”.
(39) Tính Hạo ghét những ai hơn mình, mà Thượng bàn luận thường tỏ ra trước mặt
mình, do đó càng thêm ghét. Sau lại hỏi rằng: “Ta uống rượu đến cỡ nào”? Thượng
đáp nói:
“Bệ hạ uống được trăm
cốc”. Hạo nói: “Thượng biết Khổng Khâu không làm vua, mà lại sánh với ta”! (40)
Nhân đó cả giận sai người bắt lấy Thượng. Thượng thư Sầm Hôn đem hơn trăm người
từ bọn Công khanh trở xuống đến cung rập đầu xin tha, dó đó Thượng được giảm tội
chết.
Sai đến quận Kiến An
làm thuyền. Lâu sau, lại đến ban giết.
Lúc trước, người cùng
quận với Hoành là Tần Tùng tự Văn Biểu, Trần Đoan tự Tử Chính, đều cùng Hoành
được Sách đối đãi, tham dự bày mưu, nhưng đều chết sớm.
NGHIÊM TUẤN TRUYỆN
Nghiêm Tuấn tự Mạn
Tài, người quận Bành Thành. Thủa trẻ ham học, giỏi đọc kinh Thi, kinh Thư, Tam
lễ, (41) lại ưa xem sách Thuyết văn. (42) Tránh loạn đến miền Giang Đông, cùng
thân thiện với Gia Cát Cẩn, Bộ Chất.
Tính thẳng thắn thật
thà, đối với mọi người đều nói rõ lẽ phải, có ý giúp đỡ.
Trương Chiêu tiến cử
với Tôn Quyền, Quyền cho làm Kị Đô úy, Tòng sự Trung lang. Lúc Hoành giang Tướng
quân Lỗ Túc chết, Quyền lấy Tuấn thay Túc, đốc lĩnh vạn quân, đóng giữ Lục Khẩu.
Mọi người đều mừng cho Tuấn, Tuấn trước sau cố từ chối rằng: “Ta vốn là người đọc
sách, không thạo việc quân, chẳng có tài mà giữ chức ấy, tất dẫn đến lỗi lầm”.
Nói lời khảng khái đến chảy nước mắt.
Chí lâm viết: Quyền lại
thử Tuấn cưỡi ngựa, lên ngựa làm rơi cả yên.
Quyền đành nghe theo.
Người đời khen Tuấn biết được cái tài của mình mà nhún nhường. Quyền làm Ngô
Vương, rồi xưng tôn hiệu, Tuấn từng làm Vệ úy, đi sứ đến nước Thục, Thặng tướng
của nước Thục là Gia Cát Lượng rất khen Tuấn. Không chứa bổng lộc, đều chia ra
cho họ hàng bạn bè, nhà thường không đủ. NgườI quận Quảng Lăng là Lưu Dĩnh có
quen biết với Tuấn, Dĩnh học giỏi mà ở quê nhà, Quyền nghe tin liền gọi đến, lấy
cớ bệnh không đến. Em Dĩnh là Lược làm Linh Lăng Thái thú, chết ở sở quan, Dĩnh
đến dự tang, Quyền biết Dĩnh giả bệnh, sai người ruổi nhanh đến bắt lấy. Tuấn
cũng nhanh đến khuyên Dĩnh, sai về tạ lỗi với Quyền. Quyền giận mà bãi chức Tuấn,
rồi Dĩnh cũng được thoát tội. Lâu sau, lấy Tuấn làm Thượng thư lệnh, rồi đó thì
chết.
Ngô lục viết: Bấy giờ
Tuấn bảy mươi tám tuổi. Hai con là Khải, Sảng.
Sảng làm đến Thăng
bình Thiếu phủ, Tuấn soạn sách Hiếu kinh truyện, Triều thủy luận, lại cùng Bùi
Huyền, Trương Thặng (43) bàn về Quản Trọng, Quý Lộ, (44) đều truyền cho đời.
Huyền tự Ngạn Hoàng, người quận Hạ Bì, cũng có tài học, làm đến Thái trung Đại
phu. Hỏi con là Khâm về sự tài giỏi của bốn người Tề Hoàn, Tấn Văn, Di, Huệ,
(45) Khâm đáp điều mà mình được thấy, trái ngược nhau với Huyền, nhưng đều có
lí lẽ. Khâm giao kết với Thái tử Đăng, Đăng khen văn chương của Khâm.
Bình rằng: Trương
Hoành có văn chương hay đẹp, người đời xem trọng, được Tôn Sách đối đãi chỉ sau
Trương Chiêu, thực là vì lẽ ấy. Bọn Nghiêm, Trình, Khám là nhà Nho một thời vậy.
Đến như Tuấn từ chối vinh hiển để giúp người quen cũ, cũng chẳng phải là người
cao cả sao! Tiết Tống hiểu biết phép tắc, là tôi giỏi của nước Ngô, rồi Oánh nối
theo, có đủ phong thái của tổ tiên, dẫu gặp triều đình tàn bạo mà vẫn được rạng
rỡ, đại khái là bậc quân tử vậy.
CHÚ THÍCH
(22) Dẫu
nước Sở có gỗ tốt nhưng nước Tấn mới dùng được: theo 《 Xuân thu Tả tru》 chép: “Quan Đại phu
của nước Sở là Ngũ Cử (伍举)
có tài năng nhưng bị người Sở ruồng bỏ, chạy sang ở nhờ nước Tấn. Quan Lệnh
doãn của nước Sở là Tử Mộc bấy giờ đi sứ nước Tấn, hỏi quan Đại phu của nước
Thái là Thanh Tử (声⼦)
cũng đang ở đấy rằng: ‘Quan Đại phu của nước Tấn so với quan Đại phu của Sở, ai
hiền hơn’? Tử Thanh nói: ‘Quan Đại phu của Tấn không bằng Đại phu của nước Sở,
quan Đại phu của nước Sở thì hiền tài, như gỗ tốt vậy. Dẫu nước Sở có gỗ tốt ấy,
nhưng nước Tấn mới dùng được’”. Ý nói rằng Trương Hoành là người quận Quảng
Lăng thuộc Từ Châu nhưng không được quan phủ Từ Châu dùng được, chỉ có quan ở đất
Ngô thuộc Dương Châu là Tôn Sách dùng được thôi.
(23) Dẹp bằng ba quận:
ý chỉ đánh chiếm được ba quận Ngô, Cối Kê, Đan Dương ở miền Giang Đông.
(24) Thái phu nhân: chỉ phu nhân Ngô thị, là vợ của
Tôn Kiên, mẹ của Tôn Quyền.
(25) Lí Quảng kết tóc hăng hái, vui một mình đánh
chống với Thiền vu: theo Sử kí - Lí Tướng quân liệt truyện chép: “Lí Quảng là
tướng giỏi ở nơi biên giới phía bắc thời Vũ Đế của nhà Hán, bấy giờ tuổi già,
theo Đại tướng quân Vệ Thanh đi đánh người Hung Nô, Vệ Thanh ngầm nghe lời vua
dặn chớ để Quảng địch với Thiền vu của người Hung Nô vì sợ lầm lẫn. Quảng nói:
‘Thần từ khi kết tóc mà đánh với người Hung Nô, nay mới được đánh với Thiền vu.
Thần xin đi đầu đánh với Thiền vu trước’. Nhưng Vệ Thanh không nghe, sau đó Quảng
giận mà tự đâm cổ chết.
(26) Giáng, Quán thô kệch: Giáng chỉ Giáng Hầu là
Chu Bột, Quán chỉ Dĩnh Âm Hầu là Quán Anh, là người vũ dũng thô kệch, công thần
của nhà Hán. Vào thời Văn Đế dùng người trẻ tuổi có tài văn chương là Giả Nghị
làm chức cao, nhưng bị Giáng, Quán ghen tài mà chê bai, giáng Nghị đi làm Thái
phó của nước Trường Sa.
(27) Bôn, Dục: tức Mạnh Bôn (孟贲)
và Hạ Dục (夏育)
, là dũng sĩ người nước Vệ thời Xuân thu, có sức khỏe hơn người.
(28) ‘Bát bính’: chỉ tám cách ngăn ngừa trông coi
bầy tôi của Đế vương thời xưa.
(29) ‘Dễ theo’: ý nói vui cái vui sướng, ham muốn
thường ngày.
(30) Thơ, phú, minh, lụy: thơ ( 诗
) là thể văn có vần điệu, phú ( 赋 ) là thể văn có vần
điệu tả cảnh hoặc tự thuật, minh ( 铭 ) là thể văn ghi
chép công đức hoặc tự răn mình, lụy (诔) là thể văn có vần
điệu để viếng và ca ngợi công đức của người đã mất.
(31) Cái u của cây gỗ nam: tức cái bướu trên thân
cây nam, dùng để làm các đồ vật có hoa văn đẹp.
(32) Cảnh Hưng: tức Vương Lang (王朗) tự Cảnh Hưng, người
quận Đông Hải.
(33) Tử Bố: tức Trương Chiêu (张昭)
tự Tử Bố, người quận Bành Thành.
(34) Chữ khải triện: tức chữ khải và chữ triện.
(35) Sư Khoáng: Sư Khoáng ( 师
旷
) tự Tử Dã, người ấp Dương nước Tấn thời Xuân thu, giỏi âm nhạc, thời vua Bình
Công của nước Tấn làm thầy
nhạc.
(36) Chim hạc: hạc ( 鹤
) là một loài chim lớn, đầu nhỏ, chân dài, cổ dài, đầu và đuôi có lông xám,
lông giữa thân màu trắng, ăn cá, sò hến, hoặc rêu cỏ ở bên hồ nước, biểu tượng
cho sự sống lâu.
(37) Chim tước: tước (雀) là một loài chim nhỏ,
đuôi ngắn, ăn hạt cây hoặc con trùng.
(38) Chim bằng thu: bằng thu (秃鹙)
là loài chim giống hạc, nhưng to hơn, đầu và cổ không có lông, long thân màu
xanh đen, ưa ăn cá, rắn, tính hung tợn.
(39) Chim tiêu liêu: tiêu liêu ( 鹪
鹩
) là một loài chim nhỏ, lông màu xám hoặc màu đen, thường ăn côn trùng hoặc nhện.
(40) Thượng đáp nói: “Bệ hạ uống được trăm cốc”. Hạo
nói: “Thượng biết Khổng Khâu không làm vua, mà lại sánh với ta”!: theo sách Khổng
Tùng Tử người nước Tần
thời Chiến quốc là Khổng Phụ (孔鲋)
chép: “Ngạn ngữ nói: ‘Vua Nghiêu, vua Thuấn uống được nghìn vò rượu, Khổng Tử uống
được trăm cốc rượu, Tử Lộ nhấm nháp, chỉ uống mười chén’”. Ý nói Hạo giận vì
Thượng không sánh với vua Nghiêu, vua Thuấn uống được nghìn vò rượu mà lại sánh
với Khổng Tử chỉ uống được trăm cốc, có ý không xem Hạo là vua mà chỉ xem là
tôi thần.
(41) Tam lễ: chỉ ba sách Chu lễ , Nghi lễ do Chu
Công là Cơ Đán soạn, Lễ kí tương truyền là do nhiều nhà Nho từ thời Chiến quốc
đến thời Tần, Hán soạn, được ấn định vào thời Hán.
(42) Thuyết văn: còn gọi là Thuyết văn giải tự do
người quận Nhữ Nam là Hứa Thận (许慎) thời Đông Hán soạn.
(43) Trương Thặng: Trương Thặng (张承)
tự Trọng Tự, là con của Trương Chiêu vậy.
(44) Quản Trọng, Quý Lộ: Quản Trọng (管仲) còn có tên là Quản
Di Ngô, làm Tướng quốc của vua Hoàn Công của nước Tề thời Xuân thu, xưng bá chư
hầu. Quý Lộ ( 季
路 ) tự Tử Lộ, họ Trọng,
tên Do, còn gọi là Quý Do, từng làm người nhà của họ Quý cho nên được gọi là
Quý Lộ, là học trò giỏi của Khổng Tử.
(45) Tề Hoàn, Tấn Văn, Di, Huệ: Tề Hoàn chỉ vua
Hoàn Công của Tề, Tấn Văn chỉ vua Văn Công của nước Tấn thời Xuân thu, đều một thời
xưng bá. Di chỉ Bá Di (伯夷),
họ Mặc Thai, cùng Thúc Tề là hai anh em của vua nước Cô Trúc thời vua Trụ của
nhà Thương, khi vua Vũ Vương của nhà Chu đánh vua Trụ, diệt nhà Thương, hai anh
em bỏ lên núi Thủ Dương ăn rau cỏ, không chịu ăn thóc của nhà Chu, cuối cùng chết
đói trên núi. Huệ chỉ Liễu Hạ Huệ ( 柳 下
惠 ), họ Triển, tên Hoạch,
tự Cầm, người nước Lỗ thời Xuân thu, được phong ở ấp Liễu Hạ, thụy là Huệ, do
đó gọi là Liễu Hạ Huệ, tính thẳng thắn, giữ đạo tốt.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét