NGÔ THƯ QUYỂN 6 - TÔNG THẤT TRUYỆN
Tôn Tĩnh, Tôn Bí, Tôn Phụ, Tôn Dực, Tôn
Khuông, Tôn Thiều, Tôn Hoàn
Tôn Tĩnh tự Ấu Đài, là em út của Kiên vậy. Kiên mới làm việc,
Tĩnh thu tập bộ khúc trong thôn ấp và họ hàng được năm, sáu trăm người để tự giữ
gìn, mọi người đều nương dựa. Sách phá Lưu Do, bình các huyện, đến đánh quận Cối
Kê, sai người mời Tĩnh, Tĩnh đem người nhà hội với Sách ở huyện Tiền Đường. Bấy
giờ Thái thú Vương Lãng chống Sách ở huyện Cố Lăng; Sách nhiều lần vượt sông đến
đánh, không thắng được. Tĩnh bảo Sách rằng: “Lãng cậy hiểm giữ thành, khó mà
đánh được, phía nam Tra Độc Tra, âm tổ gia phiên cách đấy mấy chục dặm, là lối
tắt trọng yếu; nên đến đấy giữ ở mé trong của chúng, đấy gọi là đánh chỗ không
phòng bị, ra chỗ không ngờ vậy. Ta sẽ tự đem quân làm đội tiền phong, tất phá
được chúng”. Sách nói: “Hay”. Bèn vờ lệnh trong quân rằng: “Vừa rồi mưa nhiều
nước đục, quân uống nước phần nhiều bị đau bụng, nay lệnh phải sắm mấy trăm cái
bình sứ để lọc nước”. Đến chiều tối, chợt lấy lửa đốt để lừa Lãng, lại chia
quân nhân buổi đêm xuống đường Tra Độc, đánh úp đồn Cao Thiên.
Thần là Tùng Chi xét: Ở huyện Vĩnh Hưng ngày nay có cầu Cao Thiên.
Lãng cả kinh, sai bọn
Đan Dương Thái thú Chu Hân đem quân đánh trước; Sách phá bọn Hân, chém chúng, rồi
định Cối Kê.
Cối Kê điển lục chép:
Hân tự Đại Minh. Thủa trẻ đến kinh sư, theo học Thái phó Trần Phiền, xem rộng
các sách, giỏi ở việc xem khí gió, xét đoán tai họa. Theo lời của phủ Thái úy,
được xếp vào hàng cao, dần dần chuyển làm Đan Dương Thái thú. Tào Công dấy
nghĩa binh, Hân trước sau sai hơn vạn quân đến giúp Tào Công đánh dẹp. Viên Thuật
ở tại miền Hoài Nam, Hân ghét tính phản nghịch của hắn, quyết không qua lại với
hắn.
Hiến Đế xuân thu
chép: Viên Thuật sai Ngô Cảnh đánh Hân, không thắng, Cảnh bèn dọa trăm họ rằng
nếu ai dám theo Chu Hân thì giết không tha. Hân nói: “Tại ta không có đức, trăm
họ có tội gì”? Bèn bỏ quân, về bản quận.
Cử bái Tĩnh làm Phấn
vũ hiệu úy, muốn trao cho chức cao, nhưng Tĩnh nhớ họ hàng phần mộ, không thích
làm quan, xin ở lại giữ; Sách nghe theo. Kịp lúc Quyền nắm việc, liền chuyển
làm Chiêu nghĩa trung lang tướng, chết ở nhà. Có năm con là Cảo, Du, Giao,
Hoán, Khiêm. Cảo có ba con là Xước, Siêu, Cung. Cung sinh Tuấn, Xước sinh Sâm.
Du tự Trọng Dị, làm
Cung nghĩa hiệu úy, bắt đầu lĩnh quân sĩ. Bấy giờ các tướng tân khách phần nhiều
là người miền Giang Tây(1); Du khiêm nhường vỗ về, rất được lòng họ. Năm Kiến
An thứ chín, lĩnh chức Đan
Dương Thái thú, được
mọi người theo phục, có đến hơn vạn người. Bái thêm chức Tuy viễn tướng quân.
Năm thứ mười một, cùng với Chu Du đánh hai đồn Ma-Bảo, phá được. Sau lại theo
Quyền chống Tào Công ở Nhu Tu, Quyền muốn giao chiến, Du khuyên Quyền nên giữ vững,
nhưng Quyền không nghe, quả nhiên quân không lập được công. Chuyển làm Phấn uy
tướng quân, trị quận như cũ, từ Lật Dương đến đóng đồn ở Ngưu Chử. Du lấy người
huyện Vĩnh An là Nhiêu Trợ làm Tương An Trưởng, người huyện Vô Tích là Nhan
Liên làm Cư Sào Trưởng, sai đi chiêu nạp người ở hai quận Lư-Giang(2), được họ
theo phục. Người huyện Tế Âm là Mã Phổ chăm học ưa cũ, Du lấy lễ đãi hậu người
này, sai mấy trăm con em của quan tướng ở hai phủ đến chịu học, bèn lập Học
quan(3), đến xem giảng dạy. Bấy giờ các tướng đều theo việc quân mà làm, mà Du
lại ưa thích sách vở, dẫu tại quân lữ nhưng tiếng ngâm không dứt. Năm Kiến An
thứ hai mươi thì chết, lúc ba mươi chín tuổi. Du có năm con là Di, Hi, Diệu, Mạn,
Hoành. Mạn làm đến Tướng quân, phong tước hầu.
Tôn Giao tự Thúc Lãng, lúc đầu bái làm Hộ quân hiệu úy,
lĩnh hơn hai nghìn quân sĩ. Bấy giờ Tào Công mấy lần ra Nhu Tu, Giao hễ đến chống,
tự gọi là quân tinh nhuệ. Chuyển làm Đô hộ chinh lỗ tướng quân, thay Trình Phổ
giữ Hạ Khẩu. Hoàng Cái và anh là Du chết, lại lĩnh quân của họ. Ban các huyện
Sa Tiện, Vân Đỗ, Nam Tân Thị, Cánh Lăng làm phụng ấp, tự đặt trưởng lại. Khinh
tiền của, ưa bố thí, giỏi ở việc giao kết, rất nồng hậu với Gia Cát Cẩn, giao
việc được mất cho người quận Lư Giang là Lưu Tĩnh; giao các việc cho người quận
Giang Hạ là Lí Doãn; giao việc quân cho người quận Quảng Lăng là Ngô Thạc, người
quận Hà Nam là Trương Lương, lại dốc lòng thân thiết, chẳng ai không đem hết sức.
Giao từng sai quân dò ngóng, bắt được gái đẹp của quan tướng nước Ngụy ở biên
giới đem cho Giao, Giao liền mặc quần áo
cho họ mà trả về, hạ lệnh rằng: “Ngày nay kẻ đáng đánh là họ Tào, trăm họ bên ấy
có tội gì? Từ nay về sau, không được đánh kẻ già yếu của bên ấy”. Do đó người
vùng Giang-Hoài phần nhiều đến nương dựa. Từng vì việc nhỏ mà tranh hiềm với
Cam Ninh, có kẻ can Ninh, Ninh nói: “Bầy tôi là cùng bậc, Chinh lỗ tướng quân dẫu
là tông thất, há được chuyên quyền ép người khác chăng! Ta gặp được vua sáng, gắng
sức gánh vác công việc để báo ân, thực là không thể tùy ý mà chịu khuất vậy”.
Quyền nghe tin, gửi thư trách Giao rằng: “Từ khi ta chống với phương bắc, đã được
mười năm, lúc đầu chống nhau còn ít tuổi, ngày nay cũng gần ba mươi tuổi rồi.
Khổng Tử nói: ‘Ba mươi tuổi thì tự lập thân’, không chỉ đọc ở ngũ kinh vậy. Lấy
quân khỏe trao cho khanh, lấy việc lớn giao cho khanh, trông coi các tướng ở
ngoài cõi nghìn dặm, muốn như vua Sở dùng Chiêu Hề Tuất(4), giễu oai miền bắc,
không chỉ chọn sai đi để tỏ cái ý riêng mà thôi. Gần đây nghe nói khanh uống rượu
với Cam Hưng Bá, nhân say rượu mà làm việc lấn ép người ta, người ta xin sai Lữ
Mông đến trông coi. Người ấy dẫu thô bạo, có lúc không hợp ý người khác, nhưng
đại khái cũng là bậc đại trượng phu. Ta thân thiện với người ấy, không phải là
vì tình riêng vậy. Ta ưa thích người ấy, vậy mà khanh lại ghét bỏ người ấy; nếu
khanh thường trái ý với ta thì có được lâu sao? Cung kính mà giản dị thì gần được
dân, yêu người mà rộng lượng thì được lòng người; hai điều này mà vẫn không biết
được, sao trông coi ở phương xa, trừ giặc cứu nạn được? Khanh có thứ bậc cao,
chịu nhận việc lớn, trên có cái nhìn ngó của người phương xa, dưới có bộ khúc
ngày đêm theo việc, há đáng tự ý tỏ cái cả giận sao? Người nào mà chẳng có lỗi,
quý ở chỗ biết sửa đổi, nên nghĩ về lỗi cũ, phải tự trách mình. Nay làm phiền
Gia Cát Tử Du đến truyền ý lớn của ta. Gửi thư cảm xót, bùi ngùi rơi lệ”. Giao
nhận thư, dâng sớ tạ lỗi, bèn thân thiện với Ninh. Sau đó Lữ Mông sắp đánh úp
Nam Quận, Quyền muốn sai Giao và Mông làm Tả-hữu bộ đại đốc, Mông bảo Quyền
riêng: “Nếu bậc chí tôn cho là Chinh lỗ làm được thì nên dùng Chinh lỗ; nếu cho
là Mông làm được thì nên dùng Mông. Ngày xưa Chu Du, Trình Phổ làm Tả-hữu bộ độc,
cùng đánh Giang Lăng, dẫu việc được Du quyết, nhưng Phổ tự cậy làm tướng lâu
ngày, lại cùng làm Bộ đốc, bèn không cùng hòa mục, suýt hỏng việc nước, đấy là
cái răn trước mắt vậy”. Quyền hiểu ra, tạ Mông rằng: “Lấy khanh làm Đại đốc,
sai Giao làm hậu quân”. Bắt Quan Vũ, định Kinh Châu, Giao cũng có công vậy. Năm
Kiến An thứ hai mươi tư thì chết, Quyền ghi nhớ công lao, phong con là Dận làm
Đan Dương Hầu. Dận chết, không có con, em là Hi nối tự, lĩnh binh, có tội mà tự
sát, tước mất. Em là Tư, Di, Nghi đều làm Tướng quân, phong tước hầu. Tư làm Vũ
lâm đốc, Nghi làm Vô Nạn Đốc. Tư bị Đằng Dận giết, Nghi bị Tôn Tuấn hại.
Tôn Hoán tự Quý Minh. Anh là Giao đã chết, thay lĩnh quân
sĩ, làm Dương vũ trung lang tướng, lĩnh chức Giang Hạ Thái thú. Làm việc một
năm, tôn kính người quen cũ của Giao, đối đãi bọn Lưu Tĩnh, Lí Doãn, Ngô Thạc,
Trương Lương và người quận Giang Hạ là Lư Cử, cùng thân với họ. Hoán nói lắp bắp
mà làm việc nhanh nhẹn, quân dân khen ngợi. Năm Hoàng Vũ thứ năm, Quyền đánh
huyện Thạch Dương, Hoán coi đất là quý, sai Tướng quân bản bộ là Tiên Vu Đan
đem năm trăm quân chặn đường vào miền sông Hoài, lại tự lĩnh năm nghìn người bọn
Ngô Thạc, Trương Lương làm quân tiền phong, hạ thành cao, bắt được ba tướng.
Đem đại quân về, Quyền hạ chiếu sai đi trước, qua quân của Hoán, thấy quân lữ
chỉnh tề, Quyền than rằng: “Lúc đầu ta lo hắn chậm chạp, nay hắn trị quân, các
tướng ít người theo kịp vậy. Ta chẳng lo nữa”. Bái làm Dương uy tướng quân,
phong Sa Tiện Hầu. Ngô Thạc, Trương Lương đều được bái làm Bì tướng quân, ban
tước Quan nội hầu.
Giang Biểu truyện
chép: Lúc trước Quyền ở Vũ Xương, muốn dời đô về Kiến Nghiệp, nhưng nghĩ rằng
đi đường sông phải ngược dòng hai nghìn dặm, nếu một sớm có biến thì không cứu
nhau được, do đó do dự. Kịp lúc đến Hạ Khẩu, ở trong lũy mở hội lớn gọi trăm
quan bàn định, hạ chiếu rằng:
“Các quan tướng không
kể vị thứ ra sao, phải bày kế sách, vì nước mà nói”. Các quan tướng có người
bày kế nên dựng đóng rào gỗ ở Hạ Khẩu, có kẻ lại nói nên bày xích sắt, Quyền đều
không cho là kế hay. Bấy giờ Lương là viên quan nhỏ, chưa có danh tiếng, liền rời
chiếu mà đến nói rằng: “Thần nghe nói mồi ngon mới dụ được cá trong ao, tiền
nhiều mới mua được dũng sĩ. Nay nên làm rõ cái tín của việc thưởng phạt, sai tướng
vào miền sông Miện, tranh lợi với địch, nếu hình thế đã thành thì bên kia không
dám phạm vậy. Nếu ở Vũ Xương có vạn quân tinh nhuệ, giao cho người mưu lược làm
tướng, phải thường giữ nghiêm túc, vậy thì một sớm có biến, hô gọi mà cứu nhau.
Lại đắp thành men sông Cam, làm mấy nghìn chiếc thuyền nhẹ, các đồ nên dùng phải
được sắm đủ. Như thế dẫu mở cửa mà đợi địch thì địch cũng không dám tự đến vậy”.
Quyền cho rằng kế của Lương là hay nhất, liền bái thêm chức cho Lương. Sau dần
dần có công mà làm đến Miện Trung Đốc.
Hoán cũng yêu thích đạo
Nho, lại sai con em của bộ khúc theo học, sau có mấy chục người làm quan ở triều
đình. Năm Gia Hòa thứ ba thì chết, lúc bốn mươi tuổi. Con là Thặng nối tự, làm
Chiêu vũ trung lang tướng, thay lĩnh quân, coi quận. Năm Xích Ô thứ sáu thì chết,
không có con, phong em thứ của Thặng là Nhất làm dòng dõi của Hoán, nối nghiệp
làm tướng. Vào lúc Tôn Tuấn giết Gia Cát Khác; Nhất cùng Toàn Hi, Thi Tích đánh
em của Khác là Công An Đốc tên là Dung, Dung tự sát. Nhất từ chức Trấn nam tướng
quân chuyển làm Trấn quân tướng quân, ban giả tiết, giữ ở Hạ Khẩu. Kịp lúc Tôn
Sâm giết Đằng Dận, Lữ Cữ; Cứ-Dận đều là chồng của em gái
Nhất(5) vậy, em Nhất
là Phong lại biết mưu của Cứ-Dận, bèn tự sát. Sâm sai Chu Dị lén đánh Nhất; Dị
đến Vũ Xương, Nhất biết hắn đánh mình, liền lĩnh hơn nghìn bộ khúc qua đem vợ của
Dận bỏ sang nhà Ngụy. Nhà Ngụy lấy Nhất làm Xa kị tướng quân, Nghi đồng tam ti,
phong Ngô Hầu, vua Ngụy là Phương lấy quý nhân Hình thị gả cho. Hình thị sắc đẹp
mà hay ganh ghét, người hầu dưới không chịu được, bèn cùng giết Nhất và Hình thị.
Từ khi Nhất vào nước Ngụy đến năm Hoàng Sơ thứ ba thì chết.
CHÚ THÍCH
(1) Giang Tây: chỉ
vùng đất phía tây sông Trường Giang, đối vưới miền Giang Đông.
(2) Hai quận
Lư-Giang: chỉ hai quận Lư Lăng và Giang Hạ.
(3) Học quan: quan lại
coi việc dạy học
(4) Chiêu Hề Tuất:
người nước Sở thời Chiến quốc, làm Tướng quốc thời vua Sở Tuyên Vương, các chư
hầu miền bắc sợ người này hơn cả vua Sở.
(5) Cứ-Dận đều là chồng
của em gái Nhất: tức Lữ Cứ và Đằng Dận đều là em rể của Tôn Nhất.
Tôn Bôn tự Bá Dương. Cha là Khương, tự Thánh Đài, là anh
cùng sinh (1) của Kiên vậy. Bôn sớm mất cha mẹ, em là Phụ còn nhỏ, Bôn tự chăm
sóc, rất có tình cảm. Làm quan Đốc bưu, Thú trưởng trong quận. Kiên dấy nghĩa
binh ở quận Trường Sa, Bôn bỏ quan mà theo đánh dẹp. Kiên hoăng, Bôn thống lĩnh
quân còn lại, chở linh cữu về. Sau đó Viên Thuật dời đến Thọ Xuân, Bôn lại theo
hắn. Anh họ của Thuật là Thiệu dùng người quận Cối Kê là Chu Ngang làm Cửu
Giang Thái thú, Thiệu không hợp với Thuật; Thuật sai Bôn đánh Ngang ở Âm Lăng,
lại cử Bôn lĩnh chức Dự Châu Thứ sử, chuyển làm Đan Dương Đô úy, làm Chinh lỗ
tướng quân, đánh dẹp người Sơn Việt, bị Dương Châu Thứ sử Lưu Do xua đuổi, nhân
đó đem tướng sĩ về trú ở Lịch Dương. Chốc lát, Thuật lại sai Bôn cùng với Ngô Cảnh
đánh bọn Phàn Năng, Trương Anh, không thắng được. Kịp lúc Sách qua miền đông,
giúp Bôn-Cảnh phá bọn Năng-Anh, rồi đến đánh Lưu Do; Do chạy đến Dự Chương.
Sách sai Bôn-Cảnh về Thọ Xuân báo cho Thuật; vừa lúc Thuật tiếm hiệu, sắp đặt
trăm quan, bái Bôn làm Cửu Giang Thái thú. Bôn không nhận, đem vợ con về miền
Giang Nam.
Giang Biểu truyện
chép: Viên Thuật lấy Ngô Cảnh giữ Quảng Lăng, anh họ của Sách là Hương cũng được
Thuật dùng làm Nhữ Nam Thái thú, lại bái Bôn làm Tướng quân, lĩnh binh ở Thọ
Xuân. Sách gửi thư cho Cảnh rằng:
“Nay ta đánh miền
Giang Đông, chưa biết ý của ba ông (2) thế nào”? Cảnh liền bỏ chức quay về, Bôn
nhân đó mà bị bãi quan, riêng Hương vì đường xa mà không về được. Ngô thư chép:
Hương tự Văn Dương. Cha là Nhụ, tự Trọng Nhụ, cũng là em họ của Kiên vậy, làm
quan Chủ bạ công tào trong quận; Hương theo Kiên đánh dẹp có công, bái làm Lang
trung. Sau được Viên Thuật mời gọi, bái thêm chức Chinh nam tướng quân, chết ở
Thọ Xuân.
Bấy giờ Sách đã bình
hai quận Ngô-Cối, (3) Bôn cùng Sách đánh Lư
Giang Thái thú Lưu Huân, Giang Hạ Thái thú Hoàng Tổ, quân đang đi, nghe
tin Do bệnh chết, bèn đánh dẹp Dự Chương, cho Bôn lĩnh chức Thái thú.
Giang Biểu truyện
chép: Bấy giờ người quận Đan Dương là Đồng Chi tự làm Lư Lăng Thái thú, Sách để
em của Bôn là Phụ lĩnh binh ở Nam Xương, Sách bảo Bôn rằng: “Nay anh giữ Dự
Chương, nên kẹp yết hầu của Đồng Chi mà chiếm lấy nhà cửa của hắn. Vẫn nên đợi
thời buổi thuận tiện, nhân đó sai Quốc Nghi đem quân đánh lấy, cũng nên sai
Công Cẩn làm thanh viện, chỉ một trận là định được vậy”. Sau đó Bôn nghe tin
Chi bị bệnh, liền theo kế của Sách. Chu Du đến Ba Khâu, lúc ấy Phụ bèn đến chiếm
được Lư Lăng.
Sau đó phong làm Đô
đình hầu. Năm Kiến An thứ mười ba, sứ giả là Lưu Ẩn cầm chiếu lệnh bái Bôn làm
Chinh lỗ tướng quân, coi quận như cũ. Làm quan mười một năm thì chết. Con là
Lân nối tự. Lân lúc chín tuổi thì thay lĩnh quận Dự Chương, tiến phong Đô hương
hầu.
Ngô thư chép: Lân tự
Công Đạt, tính nhã nhặn thông minh, thủa nhỏ có danh tiếng.
Tại quận ngót hai
mươi năm, đánh dẹp bọn giặc phản, lập được công lao; gọi về Vũ Xương làm Nhiễu
trướng đốc. Bấy giờ Thái thường Phan Tuấn coi việc quân ở Kinh Châu, viên Trùng
An Trưởng người quận Trần Lưu là Thư Tiếp có tội bị giam ngục, Tuấn từng gặp
lúc Tiếp làm sai, muốn xét định tội hắn. Người bàn phần nhiều có lời xin tha,
Tuấn vẫn không nghe. Lân bảo Tuấn rằng: “Em em Thư Bá Ưng tranh chết, cả nước
khen nghĩa, bàn nghị cho là hay; Trọng Ưng lại có ý theo mệnh. Nay ngài giết
con em họ, nếu thiên hạ thống nhất, che lọng xanh lên phía bắc, kẻ sĩ Trung Quốc
tất hỏi người nối tự của Trọng Ưng, đáp là Phan Thặng Minh giết Tiếp, lúc ấy thế
nào”? Tuấn liền hiểu ý, Tiếp được cứu sống.
Bác vật chí chép: Trọng
Ưng tên là Thiệu. Lúc trước bạn thân của Bá Ưng bị người khác giết, Trọng Ưng
vì thế mà báo thù. Việc lộ, anh em tranh chết, bèn được tha. Vào thời Viên Thuật,
Thiệu làm Phụ Lăng Trưởng. Cũng được chép ở Giang Biểu truyện.
Lân chuyển làm Hạ Khẩu-Miện
Trung Đốc, Uy viễn tướng quân, trú ở chỗ nhận chức. Năm Xích Ô thứ mười hai thì
chết. Con là Miêu nối tự. Em của Miêu là Lữ và chú ruột là An, Hi, Tích đều được
làm quan.
Ngô lịch chép: Lân lại
có con là Thuật làm Vũ Xương Đốc, Bình Kinh Châu sự. Chấn làm Vô Nạn Đốc. Khải
làm Thành môn hiệu úy. Hâm làm Nhạc Hương Đốc. Chấn sau đó chống quân Tấn, cùng
chết với Trương Đễ. Cháu ba đời của Bôn là Huệ, tự Đức Thi. Huệ biệt truyện
chép: Huệ ham học có tài trí, vào năm Vĩnh Ninh thứ nhất thời nhà Tấn, theo
nghĩa của Tề Vương là Quýnh, xét công phong Tấn Hưng Hầu, gọi làm Đại tư mã tặc
tào thuộc. Quýnh kiêu căng chuyên quyền, thiên hạ thất vọng. Huệ tấu nói với
Quýnh, nêu năm cái nạn, bốn điều không nên để nói, khuyên răn khiêm nhường, giữ
phận phiên thần, lời lẽ sâu sắc. Quýnh không nghe theo, chốc lát quả nhiên bại.
Thành Đô Vương là Dĩnh gọi làm Đại tướng quân tham quân. Bấy giờ Dĩnh muốn dấy
binh đến Trường Sa, lấy Lục Cơ làm Tiền phong đô đốc. Huệ với Cơ là người quen ở
quê nhà, lo Cơ bị họa, bảo Cơ rằng “Tử Hạp nhường chức Đô đốc cho Vương Túy
sao”? Cơ nói: “Muốn ta do dự mà tránh bọn giặc, lại khiến cho nhanh bị hại vậy”.
Rồi Cơ bị hại, hai em là Vân-Đam cũng bị giết, Huệ rất thương xót họ. Năm Vĩnh
An thứ nhất, ngồi xe đến đất Nghiệp, Tư không Đông Hải Vương là Việt trị quân ở
Hạ Bì, Huệ gửi thư can ngăn Việt, nói dối họ tên, tự xưng là người dân ẩn dật ở
núi Nam Nhạc (4) là Tần Bí Chi, khuyên bày con đường giúp vua cứu đời, lời lẽ rất
hay. Việt xem thư ấy, treo dán ở bên đường, cầu tìm người soạn thư này. Huệ bèn
ra gặp, Việt liền lấy làm Kí thất tham quân, coi xét văn thư, tham gia mưu việc.
Hễ soạn thư hịch, Viềt liền sai ruổi ngựa đến thúc dục, bèn vâng lệnh mà soạn
thành, đều có lí lẽ. Chuyển làm các chức cao, sau đó làm Quảng vũ tướng quân,
An Phong Nội sử. Bốn mươi bảy tuổi thì chết. Huệ soạn văn thư có mấy chục quyển.
Tôn Phụ tự Quốc Nghi, là em của Bôn vậy. Làm Dương vũ tướng
quân, giúp Tôn Sách bình ba quận. Sách đánh bảy huyện của quận Đan Dương, sai
Phụ sang phía tây đóng đồn ở Lịch Dương để chống Viên Thuật và chiêu dụ người
cô lẻ, tụ hợp dân li tán. Lại theo Sách đánh huyện Lăng Dương, bắt sống bọn Tổ
Lang.
Giang Biểu truyện
chép: Sách đã bình định Giang Đông, đuổi Viên Dận. Viên Thuật rất giận Sách,
bèn ngầm sai sứ giả lén đem ấn thao trao cho cừ súy ở Đan Dương người huyện
Lăng Dương là bọn Tổ Lang, sai phát động người Sơn Việt, tụ đại quân, mưu cùng
đánh Sách. Sách tự lĩnh tướng sĩ đánh Lang, bắt sống hắn. Sách bảo Lang rằng:
“Lúc trước mi đánh úp ta, chặt yên ngựa của ta; nay ta lĩnh quân dựng nghiệp,
trừ bỏ uất hận, chỉ chọn dùng người, thông tình với thiên hạ mà thôi. Không hại
mi đâu, mi đừng sợ hãi”. Lang rập đầu tạ tội. Liền phá gông, ban cho quần áo,
bái làm Môn hạ tặc tào. Kịp lúc quân về, Lang cùng với Thái Sử Tử cùng đi trước
dẫn đường, mọi người cho là vinh dự.
Sách sang phía tây
đánh úp Lư Giang Thái thú Lưu Huân, Phụ đi theo, tự đi trước quân sĩ, có công.
Sách cho Phụ làm Lư Lăng Thái thú, vỗ yên các thành, chia đặt trưởng lại, chuyển
làm Bình nam tướng quân, Giả tiết, lĩnh chức Giao Châu Thứ sử. Sai sứ giả qua lại
với Tào Công, việc lộ, Quyền ngầm bắt Phụ.
Điển lược chép: Phụ
lo Quyền không giữ được Giang Đông, nhân lúc Quyền ra đến huyện Đông Dã, bèn
sai người đưa thư gọi Tào Công. Người đi đường đến báo, Quyền liền về, vờ như
không biết, cùng với Trương Chiêu gặp Phụ; Quyền bảo Phụ rằng: “Anh có vui vẻ
gì chăng, sao lại gọi người khác”? Phụ nói là không phải vậy, Quyền nhân đó ném
thư cho Chiêu, Chiêu đưa cho Phụ xem, Phụ thẹn không nói được gì. Bèn chém hết
người thân cận của Phụ, chia bộ khúc của Phụ ra, đày Phụ đến miền đông.
Mấy năm sau thì chết.
Con là Hưng, Chiêu, Vĩ, Hân, đều cho làm quan.
Tôn Dực tự Thúc Bật, là em của Quyền vậy. Kiêu hùng tráng
liệt, có phong thái của anh là Sách. Thái thú Chu Trị cử hiếu liêm, quan Tư
không mời.
Điển lược chép: Dực
còn có tên là Nghiễm, tính giống Sách. Sách sắp mất, bọn Trương Chiêu bảo Sách
nên đem quân trao cho Nghiễm, nhưng Sách gọi Quyền đến đeo lấy ấn thao.
Năm Kiến An thứ sáu,
làm Thiên tướng quân, lĩnh chức Đan Dương Thái thú, bấy giờ hai mươi tuổi. Sau
rút cuộc bị tả hữu là Biên Hồng giết, Hồng cũng liền bị giết.
Ngô lịch chép: Vợ của
Dực là Từ thị, có tiết hạnh, nên xếp tiếp nhau với bọn Quy Lãm, cho nên chép
sau, ở trong Tôn Thiều truyện.
Con là Tùng làm Xạ
thanh hiệu úy, phong Đô hương hầu.
Ngô lục chép: Tùng giỏi
giao thiệp với người khác, khinh tiền của, ưa bố thí. Giữ Ba Khâu, nhiều lần
mưu tính được mất với Lục Tốn. Từng có lỗi nhỏ, Tốn đối mặt trách Tùng, Tùng có
vẻ không bằng lòng, Tốn thấy Tùng chưa hiểu, bảo Tùng rằng: “Ngài nghe qua
không đến nỗi thô lậu, nhiều lần bị xét đến, cho nên theo ý mà nói hết ra, lại
đổi sắc mặt, là sao”? Tùng cười rằng: “Ta cũng tự gắng mà làm việc như thế, há
có mong gì”!
Năm Hoàng Long thứ ba
thì chết. Thừa tướng của nước Thục là Gia Cát Lượng gửi thư cho anh là Cẩn rằng:
“Đã nhận đối đãi nồng hậu của miền đông, truyền trao cho con em. Lại nữa con là
Kiều có tính tốt vì người ấy mà thương xót. Thấy người ấy có lúc trao đồ vật
cho Lượng, cảm kích rơi lệ”. Tiếc xót Tùng như thế, vì con nuôi của Lượng là Kiều
kể lại cho nên thế.
Tôn Khuông tự Quý Tá, là em của Dực vậy. Cử hiếu liêm, mậu
tài, chưa được dùng thì chết vào lúc hơn hai mươi tuổi.
Giang Biểu truyện
chép: Tào Hưu ra Động Khẩu; Lữ Phạm đem quân chống lại. Bấy giờ Khuông làm Định
vũ trung lang tướng, sai Phạm phóng lửa, đốt cháy cỏ lúa để làm thiếu lương thực,
Phạm liền tấu xin đưa Khuông về quận Ngô. Quyền liền sai Khuông lập thành họ
Đinh, ngăn cấm suốt đời. Thần là Tùng Chi xét truyện gốc chép rằng “Khuông chưa
được dùng thì chết vào lúc hơn hai mươi tuổi”, vậy mà Giang Biểu truyện chép là
Lữ Phạm ở Động Khẩu, Khuông làm Định vũ trung lang tướng. Nếu đã làm Định vũ
thì không phải là chưa được dùng. Vả lại Tôn Kiên chết vào năm Sơ Bình thứ hai;
trận Động Khẩu xảy ra vào nào Hoàng Sơ thứ ba, từ lúc Kiên chết đến đây là ba
mươi mốt năm, nếu bấy giờ Khuông vẫn còn sống thì truyện gốc không nên chép là
chết vào lúc hơn hai mươi tuổi vậy. Đây có lẽ là Quyền có người em khác là
Lãng, nhưng Giang Biểu truyện chép nhầm cho là Khuông vậy. Danh vị của Lãng thấy
chép ở Tam triều lục và Chí lâm của Ngu Hỉ.
Con là Thái, là rể của
họ Tào vậy, làm Trường thủy hiệu úy. Năm Gia Hòa thứ ba, theo Quyền vây Tân
Thành, trúng tên bay chết. Con của Thái là Tú, làm Tiền tướng quân. Tú là tông
thất rất thân thiết, lĩnh binh ở ngoài, Hạo chẳng bằng lòng. Năm Kiến Hành thứ
hai, Hạo sai Hà Định đem năm nghìn người đi săn ở Hạ Khẩu. Lúc đầu, trong dân đều
nói là Tú sắp bị mưu giết, mà Định đi săn nơi xa, Tú bèn sợ, buổi đêm đem vợ
con và mấy trăm thuộc hạ trốn sang nhà Tấn. Nhà Tấn lấy Tú làm Phiếu kị tướng
quân, Nghi đồng tam ti, phong Cối Kê Công.
Giang Biểu truyện
chép: Hạo cả giận, đổi họ của Tú thành họ Lệ. Tấn kỉ của Can Bảo chép: Tú ở tại
nhà Tấn, mới nghe tin Hạo hàng, bầy tôi cùng chúc mừng, Tú xưng bệnh không cùng
chúc, hướng mặt về phía nam rơi lệ, nói: “Ngày xưa Thảo nghịch tướng quân vào
tuổi đội mũ làm một chức Hiệu úy mà dựng nghiệp, nay vua đời sau đem cả miền
Giang Nam mà vứt đi, lăng mộ tông miếu ở đấy thành gò hoang. Trời xanh thăm thẳm
hỡi, đấy là loại người gì”! Triều đình khen ngợi. Tấn chư công tán chép: Ngô
bình, giáng làm Phục ba tướng quân, lĩnh vị Khai phủ như cũ. Giữa năm Vĩnh Ninh
thì chết, truy tặng chức Phiêu kị tướng quân, Khai phủ. Con là Kiệm, tự Trọng Tiết, làm Cấp sự trung.
Tôn Thiều tự Công Lễ; bác ruột là Hà, tự Bá Hải, vốn là họ
Du, cũng là người quận Ngô. Tôn Sách yêu thích, ban họ là Tôn, xếp vào họ hàng.
Ngô thư chép: Hà là
con trong họ của Kiên, sinh từ người cô họ Du, sau đó lại lập thành họ Tôn. Hà
tính tình thẳng thắn, nói lắp bắp mà làm nhanh nhẹn, có khí tiết, rất chăm chỉ.
Thủa trẻ theo Kiên đánh dẹp, thường làm tiền phong, sau đó lĩnh quân tả hữu,
trông coi việc trong phủ, đối đãi làm người tim bụng, lại theo Sách bình miền
Ngô-Cối, theo Quyền đánh Lí Thuật, phá Thuật, bái làm Uy khấu trung lang tướng,
lĩnh chức Lư Giang Thái thú.
Sau đó làm Tướng
quân, đóng ở kinh thành. Lúc trước, Tôn Quyền giết Ngô Quận Thái thú Thịnh Hiến,
Cối Kê điển lục chép: Hiến tự Hiếu Chương, tính khí nhã nhặn, cử hiếu liêm, bái
làm Thượng thư lang, rồi chuyển làm Ngô Quận Thái thú, vì bệnh mà bỏ quan. Tôn
Sách đã bình định miền Ngô-Cối, giết kẻ anh hào của miền ấy, Hiến vốn có tiếng
cao, Sách rất ganh Hiến. Lúc trước, Hiếu thân thiện với Thiếu phủ Khổng Dung,
Dung lo Hiến không tránh được họa, bèn gửi thư cho Tào Công rằng: “Năm tháng
không dừng, thời tiết trôi đưa, vụt đến hôm nay đã được năm mươi tuổi. Ngài vừa
trọn đầy, Dung tròn lẻ hai. (5) Những người hiểu biết trong thiên hạ rơi rụng gần
hết, riêng người quận Cối Kê là Thịnh Hiếu Chương vẫn còn. Người này bị họ Tôn
gây khó, vợ con chết mất, riêng mình còn sống, lẻ loi buồn khổ, nếu để cho bên ấy
làm hại người thì người này không được sống trọn tuổi đời vậy. Xuân thu truyện
chép: ‘Chư hầu có kẻ đánh diệt nhau, nếu Tề Hoàn Công không cứu được thì Hoàn
Công cho là thẹn’. Ngày nay Hiếu Chương thực là anh hùng trong đám trượng phu,
kẻ sĩ trong thiên hạ khen là có danh tiếng, vậy mà thân không tránh khỏi bị
giam tù, tính mạng không được trọn ở sớm tối, do đó tổ của ta (6) không còn được
luận bàn việc được mất với bạn bè, Chu Mục cũng vì ghế mà soạn bài Tuyệt giao vậy.
Nếu ngài sai một sứ giả đến, mang một lá thư thước tấc thì Hiếu Chương được cứu,
cái đạo giúp bạn cũng được nêu rõ vậy. Ngày nay bọn sinh sau vui dựa theo bậc
sinh trước, có người được bàn luận phải trái với Hiếu Chương; Hiếu Chương là có
tiếng nổi trong thiên hạ, dân khắp chín cõi cùng khen ngợi. Vua Yên mua xương của
ngựa khỏe, không phải là để vứt ở giữa đường, mà là để dụ gọi con ngựa khỏe
khác vậy.
(7)Riêng ngài giúp đỡ
nhà Hán, xã tắc sắp mất mà cứu vớt được; cái thuật giúp đỡ, thực là vì được
lòng người hiền. Ngọc châu không có chân mà tự đến được, là vì người ta thích
nó vậy. Huống chi người hiền lại có chân! Yên Chiêu Vương đắp đài để tôn Quách
Ngôi, Ngôi dẫu tài ít mà còn được đãi hậu như thế, rút cuộc dốc hết lòng để báo
đền vua sáng, cho nên Nhạc Nghị từ nước Ngụy đi đến, Kịch Tân từ nước Triệu bỏ
sang, Trâu Diễn từ nước Tề chạy lại. Trước kia nếu Quách Ngôi nguy khốn mà
Chiêu Vương không cứu, sắp chìm đắm mà Chiêu Vương không vớt thì kẻ sĩ có cánh
muốn bay cao cũng chẳng ai ngoảnh về phía bắc sang nước Yên vậy. Nói như thế, tự
ngài đã biết, nay ta nói lại là muốn ngài thêm kính cái nghĩa ấy, thực là không
nói hết được”. Do đó gọi làm Kị đô úy; chế lệnh chưa đến, quả nhiên đã bị Quyền
hại. Con là Khuông trốn sang Ngụy, làm đến Chinh đông tư mã.
Viên hiếu liêm cũ của
Hiến là Quy Lãm, Đái Viên trốn nấp trong núi; vào lúc Tôn Dực làm Đan Dương
Thái thú, đều lấy lễ mời ra, bái Lãm làm Đại đô đốc lĩnh quân, Viên làm Quận thừa.
Kịp lúc Dực bị hại, Hà đến chịu tang ở Uyển Lăng, trách oán Lãm-Viên, cho là
không giữ gìn được, để cho bọn gian gây họa; hai người bàn rằng: “Bá Hải dẫu xa
cách với Tướng quân mà còn trách bọn ta như thế. Nếu Thảo lỗ đến thì bọn ta
không thoát được tội”. Bèn giết Hà, sai người lên phía bắc đón Dương Châu Thứ sử
Lưu Phức, sai đóng quân ở Lịch Dương, lấy quân ở Đan Dương theo về. Vừa lúc đó
thuộc hạ của Dực là bọn Từ Nguyên, Tôn Cao, Phó Anh giết Lãm-Viên.
Ngô lịch chép: Người
thân cận của Quy Lãm, Đái Viên là bọn Biên Hồng nhiều lần bị Dực gây khó, thường
muốn làm phản; nhân lúc vua Ngô đi đánh, bèn cùng mưu kế. Bấy giờ các quan huyện
trưởng đều hội gặp Dực, Dực vì vợ là Từ thị có biết bói đoán, Dực vào bảo Từ thị
rằng: “Hôm nay ta muốn vì các trưởng lại mà làm chủ hội, khanh thử bói xem”. Từ
thị nói: “Quẻ không được lành, nên đợi hôm khác”. Dực vì các trưởng lại đã đến
lâu rồi, liền sai về nhanh, rồi mời gặp tân khách. Dực ra vào thường cầm đao, bấy
giờ đã say rượu, tay không tiễn khách, Hồng từ phía sau chém Dực, người trong
quận hỗn loạn, chẳng ai cứu Dực, bèn bị Hồng giết, chạy trốn trong núi. Từ thị
treo thưởng người đuổi bắt, giữa đêm thì bắt được, Lãm- Viên xét tội giết Hồng.
Các tướng đều biết việc mà Lãm-Viên làm, nhưng sức không mưu được. Lãm vào ở
trong phủ quân, lấy hết vợ thiếp của Dực cùng người hầu tả hữu, lại muốn lấy Từ
thị. Từ thị sợ trái ý hắn thì bị hại, bèn gặp hắn nói: “Xin đợi cuối tháng cúng
tế để tang xong”. Bấy giờ đã tròn tháng, Lãm nghe theo đã tế xong. Từ thị ngầm
sai người thân tín bảo với tướng thân cận của Dực là bọn Tôn Cao, Phó Anh, nói
rằng: “Lãm đã bắt cướp tì thiếp, nay lại muốn ép ta, do đo ta ngoài mặt hứa
theo là để tạm tránh mối họa thôi. Ta muốn bày kế nhỏ, mong hai ngày cứu giúp”.
Cao-Anh khóc lóc đáp nói: “Bọn ta chịu ân của chủ tướng, không chết vì nạn ngay
là vì cho là chết thì không có ích, muốn mưu nghĩ kế sách, mưu kế chưa bày nên
chưa dám bẩm phu nhân. Cái việc hôm nay, thực là canh cánh ngày đêm vậy”. Liền
ngầm gọi hơn hai mươi người từng được Dực nuôi dưỡng đến, đem ý của Từ thị kể
cho, cùng thề ước hợp mưu. Đến cuối tháng, bày lễ tế, Từ thị khóc lóc rất đau
xót xong, rồi cởi áo tang, tô son bôi phấn, đến ở phòng khác, bày màn đặt rèm,
cười nói vui vẻ, tỏ ý không thương đau. Kẻ hầu lớn nhỏ đều thuơng đau, thấy thế
thì cho là lạ. Lãm ngầm ngó xem, không còn nghi ngờ. Từ thị gọi Cao-Anh cùng
các người hầu gái đặt bẫy trong cửa, sai người báo cho Lãm, nói là đã trừ tang
đón điều tốt, theo lệnh của phủ quân. Lãm vui lòng đi vào, Từ ra cửa bái, Lãm vừa
bái một lượt xong, Từ thị liền hô lớn: “Hai ngài ra được rồi”! Cao-Anh cùng xổ
ra, cùng giết được Lãm, những người khác liền ra ngoài giết Viên. Từ phu nhân
liền về mặc áo tang, đem đầu Lãm-Viên đến tế ở mộ Dực. Toàn quân chấn động, cho
là thần kì. Vua Ngô đến sau, giết hết phe đảng của Lãm-Viên, bái Cao-Anh làm
Nha môn tướng, những người khác đều ban cho vàng lụa, thưởng cho người nhà.
Bấy giờ Thiều mười bảy
tuổi, thu quân còn lại của Hà, đắp sửa kinh thành, dựng làm lầu gác, sửa vũ khí
để phòng địch. Quyền nghe tin có loạn, từ Tiêu Khâu về, qua bình quận Đan
Dương, dẫn quân về quận Ngô, buổi đêm đến doanh trại dưới kinh thành, thử đánh
để gây động họ, quân sĩ đều lên thành cầm khiên chuẩn bị, hô to dậy đất, muốn bắn
người ngoài; Quyền sai người dụ hiểu mới thôi. Hôm sau gặp Thiều, rất coi trọng,
liền bái làm Thừa liệt hiệu úy, lĩnh bộ khúc của Hà, ăn lộc hai huyện Khúc A,
Đan Đồ, tự đặt trưởng lại, đều như việc cũ của Hà. Sau đó làm Quảng Lăng Thái
thú, Thiên tướng quân. Quyền làm Ngô Vương, chuyển làm Dương uy tướng quân,
phong Kiến Đức Hầu. Quyền xưng tôn hiệu, làm Trấn bắc tướng quân. Thiều làm tướng
ở biên giới mấy chục năm, giỏi nuôi quân sĩ, được lòng của họ; thường việc cảnh
giác dò xét từ xa làm đầu, biết trước động tĩnh mà phong giữ, cho nên ít khi
thua vỡ. Người miền Thanh-Từ-Nhữ-Bái (8) thường đến theo dựa, các đồn canh ven
bờ sông ở miền Hoài Nam đều bày binh đi khắp miền Từ-Tứ-Giang-Hoài, (9) mấy
trăm dặm không có nhà ở. Từ lúc Quyền đánh miền tây cho đến khi dời đô về Vũ
Xương, hơn mười năm Thiều không đến gặp. Quyền về Kiến Nghiệp, mới được chầu gặp.
Quyền hỏi các chỗ yếu hại đồn canh, người gần xa, ngựa nhiều ít, tên họ của tướng
Ngụy ở miền Thanh-Từ ra sao, đều cùng biết cả, hỏi đều đáp rõ. Thân dài tám thước,
dáng vẻ uy nghi, Quyền vui mừng nói: “Ta lâu rồi không gặp khanh, không mưu
đánh Ích Châu mới thế”. Bái thêm làm U Châu Mục, Giả tiết. Năm Xích Ô thứ tư
thì chết. Con là Việt nối tự, làm đến Hữu tướng quân. Anh của Việt là Khải, làm
Vũ vệ đại tướng quân, tước Lâm Thành Hầu, thay Việt làm Kinh hạ đốc. Em của Khải
là Dị, làm đến Lĩnh quân tướng quân, Dịch làm Tông chính khanh, Khôi làm Vũ
Lăng Thái thú. Năm Thiên Tỉ thứ nhất, bái Khải làm Cung hạ trấn phiếu kị tướng
quân. Lúc trước giặc ở quận Vĩnh An là bọn
Thi Đán bắt cướp em của Hạo là Khiêm, đánh úp Kiến Nghiệp; có người nói Khải
mang hai ý không đến đánh cứu ngay, Hạo nhiều lần sai người trách hỏi Khải. Khải
thường sợ hãi, rút cuộc bị gọi, bèn đem vợ con và mấy trăm quân thân cận theo
nhà Tấn, nhà Tấn lấy làm Xa kị tướng quân, phong Đan Dương Hầu.
Tấn chư công tán
chép: Ngô bình, giáng làm Độ liêu tướng quân, năm Vĩnh An thứ nhất thì chết.
Ngô lục chép: Khải làm việc nghiêm túc không bằng Tôn Tú, nhưng được người đời
biết tên thì lại hơn vậy.
Tôn Hoàn tự Thúc Vũ, là con của Hà vậy.
Ngô thư chép: Hà có bốn
con: cả là Trợ, làm Khúc A Trưởng; thứ là Nghị, làm Hải Diêm Trưởng, đều chết sớm;
con thứ nữa là Hoàn, dáng vẻ đẹp đẽ, tính khí thông minh, học rộng biết nhiều,
giỏi bàn luận đối đáp, Quyền thường khen là Nhan Uyên của tông thất, bái làm Vũ
vệ đô úy. Theo đánh Quan Vũ ở Hoa Dung, dụ phe đảng của Vũ được năm nghìn người,
thu được trâu ngựa vũ khí rất nhiều.
Hai mươi lăm tuổi được
bái làm An đông trung lang tướng, cùng với Lục Tốn chống Lưu Bị. Quân sĩ của Bị
rất đông, đầy núi tràn hang, Hoàn cầm đao liều đánh, gắng sức với Tốn; Bị bèn
thua chạy, Hoàn chặn đường Thượng Đâu, cắt đường then chốt, Bị trèo núi vượt hiểm
mới thoát được thân, tức giận than rằng: “Khi xưa ta đến kinh thành, Hoàn còn
trẻ con, mà hôm nay đuổi ta đến thế này đây”! Hoàn vì có công mà được bái làm
Kiến vũ tướng quân, coi giữ ở Ngưu Chử, đắp lũy Hoành Giang, vừa lúc đó thì chết.
Ngô thư chép: Em của
Hoàn là Tuấn, tự Thúc Anh, tính khí rộng rãi, tài cả văn võ, làm Định vũ trung
lang tướng, đóng giữ lỏng lẻo; năm Xích Ô thứ mười ba thì chết. Con cả là Kiến
nối tước, làm Bình lỗ tướng quân. Con út là Thận, làm Trấn nam tướng quân. Con
của Thận là Chưng, tự Hiển Thế. Văn Sĩ truyện chép: Chưng ham học, có tài văn,
làm bài Huỳnh hỏa phú truyền ở đời. Làm Hoàng môn thị lang, cùng với Cố Vinh
làm thị thần. Vào thời Quy Mệnh, (10) nội quan phần nhiều bị tội, riêng
Vinh-Chưng được trọn vẹn. Thường sai hai người chép việc, Chưng đối đáp đâu ra
đấy, bèn hạ chiếu rằng: “Từ nay về sau, dùng quan Thị lang phải đều như tông thất
Chưng và Cố Vinh vậy”. Ngô bình, đến Lạc Dương, làm Phạm Dương, Trác Lệnh, rất
được khen ngợi. Giữa năm Vĩnh An, Lục Cơ làm Đại đô đốc của Thành Đô Vương, mời
Chưng làm Tư mã, cùng bị hại với Cơ.
Bình rằng: Ân nghĩa của
người thân là việc thường xưa nay. Tông thất giữ nước là điều mà nhà thơ khen
ngợi. Huống chi những người họ Tôn, hoặc dựng lập nền móng, hoặc đóng giữ biên
thùy, gánh vác chỗ thiếu, không làm thẹn cái vinh sủng của mình! Cho nên chép
rõ vậy.
CHÚ THÍCH
(1) Cùng sinh: tức
sinh đôi, cha của Bôn là Khương sinh trước là anh, Kiên sinh sau là em.
(2) Ba ông: chỉ ba
người là Tôn Bôn, Tôn Hương và Ngô Cảnh.
(3) Hai quận Ngô-Cối:
chỉ hai quận Ngô và Cối Kê, cũng gọi là vùng Ngô- Cối.
(4) Nam Nhạc: tức núi
Hành Sơn, một trong năm ngọn núi lớn ở Trung Quốc.
(5) Ngài vừa trọn đầy,
Dung tròn lẻ hai: ý nói Tào Công vừa năm mươi tuổi, Khổng Dung tròn năm mươi
hai tuổi.
(6) Tổ của ta: chỉ Khổng
Tử, vì Khổng Dung là dòng dõi của Khổng Tử cho nên nói thế.
(7) Vua Yên mua xương
của ngựa khỏe, không phải là để vứt ở giữa đường, mà là để dụ gọi con ngựa khỏe
khác vậy: vua Yên là Yên Chiêu Vương. Theo Chiến quốc sách chép: Yên Chiêu
Vương muốn tìm người hiền, Quách Ngôi nói rằng: “Thần nghe nói có một vị vua thời
xưa dùng nghìn vàng để tìm mua ngựa nghìn dặm (chỉ ngựa khỏe, mỗi ngày chạy được
nghìn dặm), ba năm không mua được, cận thần bảo vua rằng: ‘Xin đi tìm’. Vua sai
đi. Ba tháng sau, tìm được ngựa nghìn dặm nhưng ngựa đã chết, chỉ mua được
xương ngựa mất năm trăm vàng, quay về báo vua, vua cả giận nói: ‘Ta muốn tìm
mua ngựa sống, sao lại mua ngựa chết hết mất năm trăm vàng’? Cận thần nói: ‘Ngựa
chết mà mua phải mất năm trăm vàng, huống chi là ngựa sống! Lòng thiên hạ tất
biết vua biết mua ngựa, nay ngựa tất đến’. Do đó không cần đi tìm nữa, có ba
con ngựa nghìn dặm tự đến. Nay vương muốn cầu kẻ sĩ, trước là Ngôi, nếu Ngôi được
tin dùng thì huống chi những người hiền hơn Ngôi”! Chiêu Vương dựng đài mà bái
Ngôi làm thầy. Do đó kẻ sinh ranh nhau đến nước Yên. Nhạc Nghị từ nước Ngụy đi
đến, Kịch Tân từ nước Triệu bỏ sang, Trâu Diễn từ nước Tề chạy lại.
(8) Thanh-Từ-Nhữ-Bái:
chỉ vùng Thanh Châu, Từ Châu, quận Nhữ Nam, nước Bái.
(9) Từ-Tứ-Giang-Hoài:
chỉ vùng Từ Châu, sông Tứ, sông Giang, sông Hoài.
(10) Quy Mệnh: chỉ
vua Ngô là Tôn Hạo, sau khi hàng nhà Tấn đựoc phong làm Quy Mệnh Hầu, sử nhà Tấn
thường gọi là Hạo là Quy Mệnh Hầu hoặc Quy Mệnh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét