Thứ Bảy, 19 tháng 8, 2023

NGÔ THƯ QUYỂN 5 - PHI TẦN TRUYỆN

 


 Lời khuyên răn của quan nữ sử (Nữ sử châm đồ [女史箴圖]), (trích đoạn)
Cố Khải Chi [顧愷之] (~ 344 – 406, đời Đông Tấn).

NGÔ THƯ QUYỂN 5 - PHI TẦN TRUYỆN

Ngô phu nhân, Tạ phu nhân, Từ phu nhân, Vương phu nhân (hai người), Phan phu nhân, Toàn phu nhân, Chu phu nhân, Hà Cơ, Đằng phu nhân

 

Ngô phu nhân của Tôn Phá lỗ, là mẹ của Ngô chủ Quyền vậy. Vốn là người huyện Ngô, sau dời đến huyện Tiền Đường, cha mẹ mất sớm, ở với em trai là Cảnh. Tôn Kiên nghe nói về tài sắc của phu nhân, muốn lấy phu nhân. Người thân nhà họ Ngô ghét sự khinh nhờn của Kiên, ngăn chống lại, Kiên rất lấy làm tiếc giận. Phu nhân bảo người thân nói: “Sao lại yêu một đứa con gái mà rước họa vào thân? Nếu không được hắn đãi tốt thì đấy là mệnh trời vậy”. Do đó bèn hứa làm vợ, sinh bốn con trai, một con gái.

Sưu thần kí chép: Lúc trước, phu nhân mang thai thì nằm mơ thấy Mặt trăng rơi vào bụng, rồi mới sinh ra Sách. Đến lúc mang thai Quyền, lại nằm mơ thấy Mặt trời rơi vào bụng, kể việc này cho Kiên nói: “Lúc trước mang thai Sách, nằm mơ thấy Mặt trăng rơi vào bụng ta, nay cũng lại nằm mơ thấy Mặt trời rơi vào bụng ta, sao vậy”? Kiên nói: “Mặt trăng, Mặt trời là thần của âm dương, biểu tượng rất tôn quý, chẳng lẽ con cháu ta sẽ nổi lên sao”!

Cảnh thường theo Kiên đánh dẹp có công, bái làm Kị đô úy, Viên Thuật cử Cảnh làm Đan Dương Thái thú, đánh Thái thú Chu Hân lúc trước, bèn chiếm quận ấy. Tôn Sách cùng Tôn Hà, Lữ Phạm dựa vào Cảnh, hợp quân cùng đánh giặc trong núi ở huyện Kính là Tổ Lang, Lang thua chạy. Gặp lúc bị Lưu Do ép, Cảnh lại về phía bắc nương nhờ Thuật, Thuật cho làm Đốc quân trung lang tướng, cùng với Tôn Bôn đánh Phàn Năng, Vu Mi ở Hoành Giang, lại đánh Trách Dung, Tiết Lễ ở Mạt Lăng. Bấy giờ Sách bị thương ở Ngưu Chử, quân giặc đã hàng lại phản, Cảnh đánh dẹp, bắt hết chúng. Theo đi đánh Lưu Do, Do trốn đến quận Dự Chương, Sách lại sai Cảnh-Bôn đến Thọ Xuân báo cho Thuật. Thuật đang tranh Từ Châu với Lưu Bị, lấy Cảnh làm Quảng Lăng Thái thú. Sau đó Thuật tiếm hiệu, Sách gửi thư khuyên Thuật, Thuật không nghe, lại chặn bến sông, không qua lại với nhau nữa, sai người báo cho Cảnh, Cảnh liền bỏ quận về phía đông, Sách lại lấy Cảnh làm Đan Dương Thái thú. Nhà Hán sai Nghị lang Vương Phổ Đọc là ‘phổ’ vâng lệnh đi về phía nam, bái Cảnh làm Dương vũ tướng quân, lĩnh quận như cũ.

Đến lúc Quyền tuổi nhỏ nối nghiệp, phu nhân giúp trị việc quân, rất có bổ ích.

Cối Kê điển lục chép: Quan Công tào của Sách là Ngụy Đằng vì trái ý mà bị phạt, Sách muốn giết đi, các quan sĩ đại phu lo sợ, không bày được kế gì.

Phu nhân bèn dựa vào giếng lớn mà bảo Sách nói: “Mi vừa lấy đất Giang Nam, việc còn chưa yên, nay đang trọng người hiền dùng kẻ sĩ, tha lỗi ghi công. Ngụy Công tào dốc hết mưu làm việc công, mà ngày nay mi giết hắn thì ngày sau người khác sẽ đều phản mi. Ta không nỡ thấy họa đến thân, nên lao xuống giếng này trước đây”. Sách cả kinh, bèn tha cho Đằng. Mưu trí quyền biến của phu nhân đều đại loại như thế.

Năm Kiến An thứ bảy, sắp hoăng, sai bọn Trương Chiêu đến gặp, trao cho việc sau này, hợp táng ở Cao Lăng.

Chí lâm chép: Xét thấy quận Cối Kê cử chọn ít, từ năm Kiến An thứ mười hai đến năm thứ mười ba thì cử chọn thiếu, cũng cử chọn, nói rằng quan phủ gặp việc buồn, như thế Ngô Hậu hoăng vào năm thứ mười hai vậy(1). Năm thứ tám, năm thứ chín đều có cử chọn, việc này rất rõ ràng.

Năm thứ tám, Cảnh chết ở sở quan, con là Phấn được trao quân làm tướng, phong Tân Đình Hầu, rồi chết.

Ngô lục chép: Quyền đánh Kinh Châu, bái Phấn làm Ngô Quận Đô đốc để giữ miền đông.

Ngô thư chép: Kì kết thân với Trương Ôn, Cố Đàm, Quyền sai xét công bằng việc kiện tụng.

Con là An nối tự, An bị khép tội làm cùng phe đảng với Lỗ Vương là Bá mà bị giết chết. Em của Phấn là Kì nối tự, phong Đô Đình Hầu, rồi chết. Con là Toản nối tự. Vợ của Toản là con gái của Đằng Dận vậy, Dận bị giết, cùng bị hại.


Tạ phu nhân của Ngô chủ Quyền, người huyện Sơn Âm quận Cối Kê.

Cha là Cảnh, làm Thượng thư lang, Từ Lệnh của nhà Hán.

Con của Cảnh là Thừa soạn sách Hậu Hán thư, khen Cảnh thuả nhỏ lấy nhân hiếu làm đức, sáng suốt có tài năng. Em của Cảnh là Trinh, làm theo khuôn phép, chăm học trọng nghĩa, cử hiếu liêm, làm Kiến Xương Trưởng, chết lúc giữ chức.

Mẹ của Quyền là Ngô phu nhân giúp Quyền đem vật lễ đến đón về làm vợ, yêu mến sủng ái. Sau này Quyền lấy cháu của cô là Từ thị, muốn giáng Tạ phu nhân, Tạ phu nhân không chịu, do đó không còn ý chí, chết sớm. Hơn mười năm sau, em là Thừa được bái làm Ngũ quan tang trung, lại chuyển làm Trường Sa đông bộ đô úy, Vũ Lăng Thái thú, soạn sách Hậu Hán thư có hơn trăm quyển.

Cối Kê điển lục chép: Thừa tự Vĩ Bình, học rộng nghe nhiều, đã biết được điều gì thì suốt đời không quên. Con là Sùng làm Dương uy tướng quân, em của Sùng là Úc làm Ngô Quận Thái thú, đều nổi tiếng.


Từ phu nhân của Ngô chủ Quyền, người huyện Phú Xuân quận Ngô.

Ông nội là Chân, kết thân với cha Quyền là Kiên, Kiên gả em gái cho Chân, sinh ra Côn. Côn thủa nhỏ làm quan trong châu quận, cuối thời Hán nhiễu loạn, bỏ quan, theo Kiên đánh dẹp có công, bái Thiên tướng quân. Kiên hoăng, theo Tôn Sách đánh bọn Phàn Năng, Vu Mi ở Hoành Giang, đánh Trương Anh ở cửa Đương Lợi, mà thuyền ít, muốn đóng quân lại, về xin thêm quân. Bấy giờ mẹ của Côn ở trong quân, bảo Côn rằng: “Chỉ sợ người trong châu đem nhiều quân thủy đến chặn ta thì không được lợi, sao lại đóng quân lại? Nên chặt lau sậy để làm thuyền bè để chở quân qua sông”.

Phụ, đọc là ‘phu’. Quách Phác chú Phương ngôn chép: Phụ là tấm bè để đi trên nước vậy.

Côn kể cho Sách, Sách liền làm theo, quân đều qua sông hết, liền phá Anh, đánh đuổi Trách Dung-Lưu Do, cơ nghiệp được lập. Sách cho Côn làm Đan Dương Thái thú, gặp lúc Ngô Cảnh bỏ quận Quảng Lăng đến miền đông, lại làm Đan Dương Thái thú,

Giang Biểu truyện chép: Lúc trước, Viên Thuật sai em họ là Dận làm Đan Đương Thái thú, Sách sai Côn đánh mà thay Dận. Gặp lúc Cảnh về, vì Cảnh lúc trước làm Đan Dương Thái thú, nhân hòa được lòng người, quan dân yêu mến, mà quân thuộc hạ của Côn lại nhiều, Sách ngờ sự lớn mạnh của Côn, vả lại đang buổi đánh dẹp, nên thu lấy quân của Côn, liền lại dùng Cảnh, gọi Côn về quận Ngô.

Côn lĩnh quân, làm Đốc quân trung lang tướng, theo đi phá Lư Giang Thái thú Lí Thuật, phong Quảng Đức Hầu, chuyển làm Bình lỗ tướng quân, sau lại theo đi đánh Hoàng Tổ, trúng tên lạc chết.

Côn sinh ra Từ phu nhân, lúc đầu gả cho người cùng quận là  Lục Thượng. Thượng chết, Quyền làm Thảo lỗ tướng quân tại quận Ngô, đón về làm vợ, sai nuôi dưỡng con là Đăng. Sau Quyền dời đô, vì phu nhân hay ganh ghét, cho ở lại quậnNgô. Được hơn mười năm, Quyền làm Ngô Vương rồi xưng tôn hiệu, Đăng làm Thái tử, bầy tôi xin lập phu nhân làm Hậu, ý Quyền muốn lập Bộ thị, rút cuộc không nghe. Sau bị bệnh chết. Anh là Kiểu, nối tước Hầu của cha là Côn, đánh dẹp người Sơn Việt, bái Thiên tướng quân, chết trước phu nhân, không có con. Em là Tộ nối tước, cũng vì đánh trận có công mà được bái làm Vu Hồ Đốc, Bình Ngụy tướng quân.


Bộ phu nhân của Ngô chủ Quyền, người huyện Hoài Âm quận Lâm Hoài, là người cùng họ với Thừa tướng Bộ Chất. Cuối thời Hán, mẹ của phu nhân đem theo người trong họ dời đến quận Lư Giang, khi Lư Giang bị Tôn Sách phá, đều vượt sông về phía đông, vì xinh đẹp mà được Quyền yêu mến, được sủng ái đứng đầu hậu cung. Sinh ra hai con gái, cả là Lỗ Ban, tự Đại Hổ, lúc đầu gả cho con của Chu Du là Tuần, sau lại gả cho Toàn Tông; út là Lỗ Dục, tự Tiểu Hổ, lúc đầu gả cho Chu Cứ, sau lại gả cho Lưu Toản.

Ngô lịch chép: Lúc đầu Toản lấy con giữa của Quyền, chết sớm, cho nên lại lấy Tiểu Hổ làm vợ kế.

Tính phu nhân không ganh ghét, hay tiến cử người khác, cho nên được yêu mến rất lâu. Lúc Quyền làm Vương rồi làm Đế, ý muốn lập làm Hậu, nhưng bầy tôi bàn lập Từ thị, Quyền trái ý hơn mười năm, người trong cung đều gọi là Hoàng hậu, người thân dâng sớ gọi là ‘Trung cung’. Lúc hoăng, bầy tôi theo ý Quyền, xin truy đặt danh hiệu, bèn tặng ấn thao, hạ lệnh nói: “Vào ngày mậu tí tháng nhuận năm Xích Ô thứ nhất, Hoàng đế nói: Than ôi Hoàng hậu! Hoàng hậu giúp vua, cùng vâng mệnh trời, ngày đêm kính  thuận, vất vả cùng trẫm. Trong dạy con em, chẳng bỏ lễ nghĩa . Rộng rãi nhân ái, có đức hay đẹp. Vạn dân trông mong, gần xa theo về. Trẫm vì gặp thời nạn chưa trừ, đại thống chưa nối làm một, ý đẹp của Hậu là hay nhún nhường, cho nên bấy giờ chưa ban danh hiệu, cũng mong là Hậu được trời ban tuổi thọ lâu dài, cùng trẫm kính nhận lộc trời. Không may mất đi, mệnh lớn phải dừng. Trẫm tiếc vì ý trước không sớm sáng suốt, làm cho Hậu đau buồn mà lìa đời, không được hưởng trọn lộc trời. Rất là thương yêu, lòng này đau xót. Nay sai Sứ trì tiết Thừa tướng Lễ Lăng Hầu là Ung vâng lệnh ban cho danh hiệu, cúng tế cho Hậu. Hồn mà có linh, nhận lấy vinh sủng. Than ôi thương thay”! Táng ở Tưởng Lăng.


Vương phu nhân của Ngô chủ Quyền, người quận Lang Da.

Ngô thư chép: Cha của phu nhân có tên là Lô Cửu.

Phu nhân được chọn vào cung, giữa năm Hoàng Vũ được sủng ái, sinh con là Hòa, được sủng ái chỉ sau Bộ thị. Sau khi Bộ thị hoăng, Hòa được lập làm Thái tử, Quyền muốn lập phu nhân làm Hậu, nhưng Toàn công chúa(2) vốn ghét phu nhân, rồi bị vu hãm. Vào lúc Quyền bệnh nặng, phu nhân nói có vẻ mặt vui mừng, do đó Quyền trách giận lắm, bèn lo lắng mà chết. Con của Hòa là Hạo lập, truy tôn phu nhân là Đại Ý Hoàng Hậu, phong ba người em đều làm Liệt hầu.


Vương phu nhân của Ngô chủ Quyền, người quận Nam Dương, được chọn vào cung, giữa năm Gia Hòa được sủng ái, sinh con là Hưu. Vào lúc Hòa làm Thái tử, mẹ của Hòa được tôn quý, các phu nhân khác từng được sủng ái đều bị đày ra ở bên ngoài. Phu nhân ra tại huyện Công An, chết, táng ở đấy. Hưu lên ngôi, sai sứ đến truy tôn là Kính Hoài Hoàng Hậu, đổi tên lăng là Kính Lăng. Họ Vương không có dòng dõi, phong người em cùng mẹ là Văn Ung làm Đình hầu.


Phan phu nhân của Ngô chủ Quyền, người huyện Câu Chương quận Cối Kê. Cha làm quan, bị khép tội chết. Phu nhân và chị cùng ở nhà dệt vải, Quyền thấy mà cho là lạ, gọi vào hậu cung. Được sủng ái, mang thai, nằm mơ có một con rồng bay vào gần mình, rồi lấy mảnh quần ôm lấy, bèn sinh con là Lượng. Năm Xích Ô thứ mười ba, Lượng được lập làm Thái tử, xin gả chồng cho chị của phu nhân, Quyền nghe ưng theo. Năm sau, lập phu nhân làm Hậu. Tính ganh ghét nịnh bợ, từ đầu đến cuối, rất nhiều lần vu hại bọn Viên phu nhân.

Ngô lục chép: Viên phu nhân là con gái của Viên Thuật, có tiết hạnh nhưng không có con. Quyền mấy lần muốn đem con của các phu nhân khác giao cho phu nhân nuôi dưỡng, nhưng không chịu. Vào lúc Bộ phu nhân hoăng, Quyền muốn lập phu nhân làm Hậu. Phu nhân tự thấy mình không có con, cố từ chối không nhận.

Quyền không vui, phu nhân sai người hỏi Trung thư lệnh Tôn Hoằng xét việc cũ chuyên quyền của Lữ Hậu. Nhân lúc mắc bệnh, do đó chữa bệnh, các cung nhân rình chờ phu nhân nằm ngủ mà cùng thắt cổ giết đi, nói dối là bị trúng độc. Sau đó việc bị lộ, bắt giết sáu- bảy người. Quyền sau đó hoăng, hợp táng phu nhân ở Tưởng Lăng. Tôn Lượng lên ngôi, lấy chồng của chị phu nhân là Đàm Thiệu làm Kị đô úy, trao cho quân sĩ. Lượng bị phế, Thiệu cùng người nhà bị đày về quận cũ Lư Lăng.


Toàn phu nhân của Tôn Lượng là con gái của Toàn Thượng vậy. Bà nội của Thượng là chúa thích phu nhân, hễ đến gặp thường đi cùng. Lúc mẹ con Phan phu nhân được sủng ái, Toàn công chúa tự thấy có hiềm khích với mẹ của Tôn Hòa, bèn khuyên Quyền cho con trai của Phan phu nhân là Lượng lấy phu nhân, Lượng bèn được nối tự. Phu nhân được lập làm Hoàng Hậu, lấy Thượng làm Thành môn hiệu úy, phong Đô đình hầu, thay Đằng Dận  làm Thái thường, Vệ tướng quân, tiến phong Vĩnh Bình Hầu, Lục thượng  thư sự. Bấy giờ họ Toàn có năm người được phong tước Hầu, cùng lĩnh quân mã, còn lại đều làm Thị lang, Kị đô úy, Túc vệ tả hữu, từ lúc nước Ngô nổi lên, ngoại thích tôn quý chẳng ai bằng. Đại tướng Ngụy là Gia Cát Đản đem quân Thọ Xuân đến nương dựa, nhưng bọn Toàn Dịch, Toàn Đoan, Toàn Y, Toàn Nghi đều nhân việc ấy mà hàng Ngụy, Toàn Hi mưu lộ, bị giết, do đó họ Toàn suy yếu. Vào lúc Tôn Sâm phế Lượng làm Cối Kê Vương, sau lại giáng làm Hầu Quan Hầu, phu nhân theo đến ấp, ở tại Hầu Quan, Thượng đem người nhà dời đến quận Linh Lăng, rồi giết.

Ngô lục chép: Vợ của Lượng là Huệ Giải, có sắc đẹp, ở tại Hầu Quan, lúc Ngô bình lại về, giữa năm Vĩnh Ninh thì chết.


Chu phu nhân của Tôn Hưu là con gái của Chu Cứ. Do chị của Hưu là công chúa sinh ra.

Thần là Tùng Chi cho rằng: Hưu lấy cháu của mình làm vợ, việc này giống việc Hán Huệ Đế. Tuân Thuyết chê việc này là quá đáng, cho nên không nói nhiều nữa.

Cuối năm Xích Ô, Quyền cho Hưu lấy phu nhân làm vợ, Hưu làm Lang Da Vương, theo đến ở tại quận Đan Dương. Giữa năm Kiến Hưng, Tôn Tuấn chuyên quyền, tông thất đều lo lắng. Vợ của Toàn Thượng là chị của Tuấn, cho nên được Toàn công chúa giúp đỡ. Lúc đầu, vào lúc Tôn Hòa làm Thái tử, Toàn công chúa vu hại Vương phu nhân, muốn phế Thái tử, lập Lỗ Vương, Chu công chúa(3) không nghe theo, do đó có hiềm khích. Giữa năm Ngũ Phượng, Tôn Nghi mưu giết Tuấn, việc lộ mà bị giết. Toàn công chúa nhân đó nói Chu công chúa cùng mưu với Nghi, do đó Tuấn giết oan Chu công chúa. Hưu sợ, sai phu nhân về Kiến Nghiệp, cầm tay khóc chia tay. Đã đến, Tuấn sai phu nhân về chỗ Hưu. Giữa năm Thái Bình, Tôn Lượng biết Chu công chúa bị Toàn công chúa hại, vờ hỏi rằng: “Chu công chúa chết chưa”? Toàn công chúa sợ, nói: “Ta thật không biết, đều là do hai con của Cứ là Hùng-Tổn ép”. Lượng bèn giết Hùng-Tổn. Vợ của Tổn là em gái của Tuấn vậy, do đó Tôn Sâm càng ghét Lượng, bèn phế Lượng, lập Hưu. Năm Vĩnh An thứ năm, lập phu nhân làm Hoàng hậu. Hưu chết, bầy tôi tôn phu nhân làm Hoàng thái hậu. Tôn Hạo lên ngôi vừa hơn một tháng, giáng làm Cảnh Hoàng Hậu, gọi là An Định Cung. Tháng bảy năm Cam Lộ thứ nhất, bị ép chết, hợp táng ở Định Lăng.

Sưu thần kí chép: Tôn Tuấn giết Chu công chúa, táng ở đồi Thạch Tử. Tôn Hạo lên ngôi, sắp muốn đổi chỗ táng Chu công chúa, nhưng gò mộ liền nhau, không phân biệt được, mà cung nhân lại biết lúc công chúa chết thì mặc quần áo gì, bèn sai hai thầy mo đều trú ở một góc để cầu hồn, sai soi xét mộ, không được gần nhau. Lâu sau, hai thầy mo cùng nói rằng: “Thấy một người đàn bà khoảng hơn ba mươi tuổi, mặc áo gấm màu xanh bó đầu, váy áo màu đỏ nhạt, đi giày lụa màu đỏ, từ góc nửa đồi trên đồi Thạch Tử lấy tay ôm đầu gối than thở, chốc lát lại bước nhẹ, đến trên một ngôi mộ thì dừng lại, hồi hồi rất lâu, rồi ẩn mất không thấy nữa”. Lời của hai người, không mưu mà giống, do đó đào mộ, thấy áo quần như thầy mo nói.

Hà cơ của Tôn Hòa là người huyện Câu Dung quận Đan Dương. Cha là Toại, vốn là quân kị. Tôn Quyền từng đi tuần các trại mà gặp cơ ở giữa đường, Quyền đứng xem mà cho là lạ, sai hoạn quan gọi vào, gả cho con là Hòa. Sinh con trai, Quyền mừng, đặt tên là Bành Tổ, tức Tôn Hạo vậy. Thái tử Hòa bị phế, sau đó làm Nam Dương Vương, trú ở quận Trường Sa. Tôn Lượng lên ngôi, Tôn Tuấn phụ chính, Tuấn vốn yêu mến Toàn công chúa, mà Toàn công chúa lại có hiềm khích với mẹ của Hòa, bèn khuyên Tuấn dời Hòa đến ở tại huyện Tân Đô, sai sứ giả đến bắt chết, vợ cả là Trương thị cũng tự sát. Hà cơ nói: “Nếu đều chết theo, ai sẽ nuôi con côi”. Bèn nương dựa nhau mà nuôi Hạo cùng ba em của Hạo. Hạo lên ngôi, tôn Hòa làm Chiêu Hiến Hoàng Đế.

Ngô lục chép: Lúc đầu Hạo tôn Hòa làm Chiêu Hiến Hoàng Đế, chẳng bao lâu lại đổi là Văn Hoàng Đế.

Hà cơ làm Chiêu Hiến Hoàng Hậu, xưng là Thăng Bình Cung, hơn một tháng, tiến phong làm Hoàng thái hậu. Phong em là Hồng làm Vĩnh Bình Hầu, em là Tưởng làm Lật Dương Hầu, em là Thực làm Tuyên Thành Hầu. Hồng chết, con là Mạc nối tự, làm Vũ Lăng Giám quân, bị nhà Tấn giết. Thực làm đến Đại tư đồ. Cuối thời nhà Ngô suy kém, họ Hà chuyên quyền, con em ngang ngược, trăm họ lo sợ. Cho nên dân chúng nói phao rằng: “Hạo chết lâu rồi, lập con của họ Hà thôi”.

Giang Biểu truyện chép: Hạo thấy con gái của Trương Bố làm mĩ nhân(4), bèn sủng ái, Hạo hỏi nói: “Cha mi ở đâu”? Đáp nói: “Giặc đã giết cha ta”.

Hạo cả giận, lấy gậy đánh chết(5). Sau lại nhớ sắc đẹp của người con gái này, sai thợ khéo chạm gỗ thành tượng của người đẹp, thường đặt ở bên ghế. Hỏi tả hữu nói: “Bố còn có con gái không”? Đáp nói: “Con gái cả của Bố gả cho con trai của Vệ úy Phùng Triều ngày trước là Thuần”. Liền đoạt vợ của Thuần đem vào cung, rất sủng ái, bái làm Tả phu nhân, ngày đem ăn yến với phu nhân, không coi chính sự, sai phủ Thượng phương lấy vàng đúc đến hàng nghìn chiếc trâm đuốc hoa(6), dây buộc, kẹp tóc, sai cung nhân cầm để đùa nhau, sớm đùa chiều nghỉ, rồi làm việc khác, thợ đúc nhân đó cắp xén, do đó kho tàng trống rỗng. Vào lúc phu nhân chết, Hạo đau buồn thương nhớ, táng ở trong vườn, đắp mộ lớn, sai thợ đẽo gỗ bách làm tượng người, đặt ở trong mộ để làm quân vệ. Lấy các đồ vàng bạc vật báu táng theo, nhiều không kể hết. Sau khi đã táng, Hạo cử tang trong cung, nửa năm mới thôi. Người trong nước thấy rất xa xỉ, đều nói là Hạo đã chết nên mới táng như thế. Con cậu của Hạo là Hà Đô cũng có vẻ mặt như Hạo, người ta nói bịa là Đô thay lập Hạo. Lâm Hải Thái thú Hề Hi tin lời bịa đó, đem quân muốn về giết Đô; bấy giờ chú ruột của Đô là Thực làm Bị Hải Đốc, đánh giết Hi, giết ba họ, lời bịa mới thôi, nhưng lòng người vẫn nghi ngờ.

Đằng phu nhân của Tôn Hạo là con gái trong họ của Thái thường Đằng Dận ngày trước vậy. Dận bị giết, cha của phu nhân là Mục, liền bị dời đến quận nơi biên giới. Tôn Hưu lên ngôi, đại xá, được về, lấy Mục làm Ngũ quan trung lang. Hạo đã được phong Ô Trình Hầu, lấy con gái của Mục làm vợ. Hạo lên ngôi, lập làm Hoàng hậu, phong Mục làm Cao Mật Hầu, bái Vệ tướng quân, Lục thượng thư sự. Sau đó quan lại thấy Mục là ngoại thích được tôn quý, bèn có ý can gián. Mà phu nhân được sủng ái ngày càng giảm. Hạo càng không vui, mẹ của Hạo là Hà thị thường giúp đỡ phu nhân. Lại có quan Thái sử nói là theo lịch số, không nên thay Hậu, Hạo tin theo lời bói toán, cho nên không phế, phu nhân thường chăm sóc Thăng Bình Cung. Mục dẫu không trừ tước vị, nhưng bị sai đến ở tại quận Thương Ngô, là nơi xa xôi vậy, bèn trên đường lo lắng mà chết. Các quan Trưởng thu chỉ dự bị mà thôi, được đến chầu mừng dâng sớ như cũ. Nhưng các phu nhân được sủng ái của Hạo có nhiều người đeo ấn thao của Hoàng hậu cấp cho.

Giang Biểu truyện chép: Hạo lại sai quan Hoàng môn đi khắp châu quận, chọn lấy con gái của nhà quan tướng. Những con gái của đại thần ăn lộc hai nghìn thạch đều phải nói rõ tên tuổi, đủ tuổi mười lăm-mười sáu mới xét chọn, nếu xét chọn không trúng, lại cho đi lấy chồng. Hậu cung đã có mấy nghìn người, mà vẫn chọn lấy không ngừng.

Năm Thiên Kỉ thứ tư, theo Hạo chuyển đến Lạc Dương.

Bình rằng: Kinh Dịch chép: “Nhà yên thì thiên hạ định”. Kinh Thi chép “Lập phép tắc cho vợ con, rồi đến anh em, để trông coi nhà nước”. Lời này thật là đúng lắm! Xưa thì xem ở Hoàn Công, gần đây thì xét ở Tôn Quyền, họ đều biết cái sáng suốt của kẻ sĩ, hiểu cái chí của hào kiệt, nhưng trưởng thứ không phân biệt, hậu cung rối loạn, để lại việc đáng cười xưa nay, diệt dòng nối tự. Do đó mà nói rằng: Chỉ nên lấy đạo nghĩa làm đức, lấy thống nhất làm chủ, rồi mới dẹp bỏ được cái lo ấy chăng!


CHÚ THÍCH

(1) Chí lâm chép: Xét thấy quận Cối Kê cử chọn ít, từ năm Kiến An thứ mười hai đến năm thứ mười ba thì cử chọn thiếu, cũng cử chọn, nói rằng quan phủ gặp việc buồn, như thế Ngô Hậu hoăng vào năm thứ mười hai vậy: truyện gốc (Ngô phu nhân truyện) chép là Ngô phu nhân chết vào năm Kiến An thứ bảy, nhưng ở đây Chí lâm xét đoán là Ngô phu nhân chết vào năm Kiến An thứ mười hai vậy.

(2) Toàn công chúa: tức con gái cả của Bộ phu nhân và Ngô chủ Tôn Quyền, tên là Tôn Lỗ Ban, tự Đại Hổ, gả cho Toàn Tông cho nên gọi là Toàn công chúa; xem ở phần Bộ phu nhân truyện.

(3) Chu công chúa: tức tức con gái út của Bộ phu nhân và Ngô chủ Tôn Quyền, tên là Tôn Lỗ Dục, tự Tiểu Hổ, là em gái của Toàn công chúa, gả cho Chu Cứ cho nên gọi là Chu công chúa; xem ở phần Bộ phu nhân truyện.

(4) Mĩ nhân: một trong các danh xưng vợ của vua có từ thời Đông Hán, thứ bậc đứng sau Hoàng hậu.

(5) Giang Biểu truyện chép: Hạo thấy con gái của Trương Bố là người đẹp, bèn sủng ái, Hạo hỏi nói: “Cha mi ở đâu”? Đáp nói: “Giặc đã giết cha ta”. Hạo cả giận, lấy gậy đánh chết: theo Tam tự chủ truyện, Trương Bố đón Tôn Hạo về làm vua, sau bị Hạo giết, do đó con gái của Bố mới gọi Hạo là ‘giặc’, Hạo giận bèn đánh chết.

(6) Trâm đuốc hoa: trâm có đính trang sức giống đuốc hoa của phụ nữ thời xưa.



 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét