Thứ Bảy, 19 tháng 8, 2023

NGÔ THƯ QUYỂN 2 - NGÔ CHỦ TRUYỆN (4)


Cổng phía đông thành Kiến Nghiệp (Nam Kinh ngày nay)

 NGÔ THƯ QUYỂN 2 - NGÔ CHỦ TRUYỆN

TÔN QUYỀN TRUYỆN (Phần cuối)


Tháng giêng mùa xuân năm thứ ba, chiếu rằng: “Dùng quân lâu ngày không nghỉ, dân khổ vì lao dịch, có năm không được mùa. Nay nới tha cho bọn trốn tránh, không cần hạch tội”.

Tháng năm mùa hạ, Quyền sai bọn Lục Tốn, Gia Cát Cẩn đóng quân ở Giang Hạ, Miện Khẩu; bọn Tôn Thiều, Trương Thặng hướng đến Quảng Lăng, Hoài Dương; Quyền đem đại quân vây Tân Thành quận Hợp Phì. Bấy giờ Thừa tướng của nước Thục là Gia Cát Lượng ra huyện Vũ Công; Quyền cho là Ngụy Minh Đế không thể đi xa, nhưng Đế sai quân giúp Tư Mã Tuyên Vương chống Lượng, tự đem quân thủy đánh phương đông. Chưa đến Thọ Xuân, Quyền rút về, Tôn Thiều cũng bãi binh. Tháng tám mùa thu, lấy Gia Cát Khác làm Đan Dương Thái thú, đánh người Sơn Việt. Đầu tháng chín, sương nuối hại lúa. Tháng mười một mùa đông, Thái thường Phan Tuấn bình người Man Di ở quận Vũ Lăng, việc xong, về Vũ Xương. Chiếu lập lại tên huyện Khúc A thành huyện Vân Dương, tên huyện Đan Đồ thành huyện Vũ Tiến. Giặc ở quận Lư Lăng là bọn Lí Hoàn, La Lệ làm loạn.

Mùa hạ năm thứ tư, sai Lữ Đại đánh bọn Hoàn. Tháng bảy mùa thu, có mưa đá. Nhà Ngụy sai người đem ngựa xin đổi lấy châu cơ, phỉ thúy, đồi mồi, Quyền nói: “Đấy là cái mà ta không dùng, vả lại có ngựa, sao lại lo mà không cho trao đổi”?

Mùa xuân năm thứ năm, đúc tiền lớn, một thoi tiền giá năm trăm tiền cũ. Hạ chiếu sai quan dân chuyển đồng, tính giá trị của đồng. Đặt phép tắc cấm tự đúc tiền. Tháng hai, người quận Vũ Xương nói là có sương ngọt giáng xuống ở điện Lễ Tân. Phụ Ngô tướng quân Trương Chiêu chết. Trung lang tướng Ngô Xán bắt được bọn Lí Hoàn; Tướng quân Đường Tư bắt được bọn La Lệ. Từ tháng mười không có mưa như mùa hạ. Tháng mười mùa đông, sao chổi xuất hiện ở phương đông. Giặc ở quận Bà Dương là bọn Bành Đán làm loạn.

Tháng giêng mùa xuân năm thứ sáu, hạ chiếu rằng: “Để tang ba năm là phép thường của thiên hạ, là lúc đau xót nhất của tình người vậy; người hiền theo lễ mà để tang, kẻ không tốt cũng bắt phải làm theo. Thời bình đạo chính, trên dưới không rối, quân tử không ép lòng người, cho nên ba năm không đến nhà của người để tang. Đến như lúc có việc thì bỏ lễ để theo việc cần làm, nhưng vẫn phải mặc đồ tang mà làm việc. Cho nên phép tắc của thánh nhân là có lễ không phải lúc nào cũng làm theo. Gặp tang cũng không bỏ lễ không phải phép xưa vậy, đại khái là nên theo từng lúc, được nghĩa thì mất ân vậy. Ngày trước đặt phép tắc, trưởng lại giữ chức thì chốc lát phải giao lại, nếu cố phạm cấm, dẫu theo từng tội mà vẫn bị trừ bỏ. Nay đang lúc việc lớn, nhà nước có nhiều nạn, hễ là quan lại đang coi việc đều phải dốc hết lòng, làm việc công trước mà làm việc riêng sau, nếu không vâng theo là rất sai vậy. Các quan trong ngoài phải thay nhau bàn bạc, các việc phải đúng, làm rõ phép độ”. Cố Đàm bàn, cho rằng: “Bỏ tang mà làm việc, nhẹ thì không đủ để cấm cái tình của con hiếu, nặng thì không bị tội phải chết. Dẫu hình pháp thêm nghiêm, nhưng thì kẻ làm trái tất ít . Nếu có kẻ phạm pháp, nếu tăng hình phạt thì về tình lại không nỡ, nếu giảm hình phạt thì hình pháp không dùng được. Kẻ ngu này cho rằng trưởng lại ở xa nếu không báo tin thì không biết được sự tình. Như việc chọn người thay, nếu người làm sai thì phải tăng hình phạt, vậy thì trưởng lại không phạm lỗi bãi chức, con hiếu không phạm tội nặng”. Tướng quân Hồ Tống bàn cho rằng: “Phép tắc để tang dẫu đã có phép thường, nhưng nếu không đúng lúc thì cũng không làm được. Nay đang có việc quân thì nhà nước dễ bỏ qua, nhưng trưởng lại gặp tang, biết có hình cấm, nhưng vì việc công cũng dám phá bỏ được, nếu nghĩ đến nỗi nhục không tránh được thì không mưu tính việc làm kẻ phạm pháp, đấy là vì cái tính coi khinh hình pháp nên như thế. Lòng trung với nước, tình hiếu với nhà, đã là bầy tôi, há trọn được hết? Cho nên làm tôi trung thì không được con hiếu. Nên đặt rõ điều mục, nêu rõ đó là tội chết, nếu mắc lỗi thì không tha, giết để ngăn giết. Làm gương ở một người thì sau đó tất hết”. Thừa tướng Cố Ung cũng tấu nên thêm tội nặng. Sau đó có Ngô Lệnh là Mạnh Tông gặp tang mẹ mà bỏ tang, rồi bị bắt đến Vũ Xương chịu tội. Lục Tốn tấu là Tông là người đức hạnh, nhân đó xin tha, Quyền mới giảm một tội. Sau không ai dám làm theo, do đó bèn dứt.

Tháng hai, Lục Tốn đánh bọn Bành Đán, năm đó đều phá chúng. Tháng mười mùa đông, sai Vệ tướng quân Toàn Tông đánh úp huyện Lục An, không thắng. Gia Cát Khác dẹp người Sơn Việt xong việc, lên phía bắc đóng quân ở quận Lư Giang.

Mùa xuân năm Xích Ô thứ nhất, đúc tiền lớn đáng nghìn tiền cũ. Mùa hạ, Lữ Đại đánh giặc ở quận Lư Lăng, xong, về Lục Khẩu. Tháng tám mùa thu, người quận Vũ Xương nói là có kì lân xuất hiện. Quan coi việc nói rằng kì lân là điềm ứng thái bình, nên đổi niên hiệu. Chiếu nói: “Mới đây có chim đỏ đậu ở trước điện, trẫm tự thân thấy, nếu thần linh báo điềm lành thì nên đổi niên hiệu thành năm Xích Ô thứ nhất”. Bầy tôi tấu rằng: “Ngày xưa Vũ Vương đánh Trụ có điềm báo quạ đỏ, vua tôi cùng xem, rút cuộc có thiên hạ, sách vở của thánh nhân ghi chép đấy là điềm lành nhất, cho rằng vì gần đây việc đã tốt, mà tự thân thấy thì đã rõ rồi vậy”. Do đó đổi niên hiệu. Bộ phu nhân chết, truy tặng là Hoàng hậu. Trước đây, Quyền tin dùng Hiệu sự Lữ Nhất, Nhất tính tàn ác, dùng hình pháp khắc nghiệt. Thái tử Đăng nhiều lần can gián, Quyền không nghe. Các đại thần do đó chẳng ai dám nói. Sau này Nhất phạm tội gian, việc phát lộ, bắt giết; Quyền nhận lỗi trách mình, rồi sai Trung thư lang Viên Lễ báo lỗi với các Đại tướng, nhân đó hỏi việc được mất thời ấy. Lễ về, lại hạ chiếu trách mắng bọn Gia Cát Cẩn, Bộ Chất, Chu Nhiên, Lữ Đại rằng: “Viên Lễ về nói là gặp nhau với Tử Du, Tử Sơn, Nghĩa Phong, Định Công, cùng nói các việc trước sau thời nay, đều không tự coi việc của dân, không chịu bày tỏ liền ngay, lại đùn đẩy cho Bá Ngôn, Thặng Minh. Bá Ngôn, Thặng Minh gặp Lễ, khóc lóc tha thiết, lời lẽ cay đắng, đến nỗi mang lòng sợ hãi, không có ý tự yên. Nghe đến đây thì ta buồn bã, trong lòng tự thấy lạ. Sao vậy? Xét nghĩ thánh nhân không làm việc có lỗi, người sáng suốt là tự thấy mình vậy. Người ta nâng đặt, sao cho vừa đúng, nếu chỉ muốn vì mình mà làm trái với ý dân, sao nhãng không tự nghĩ, cho nên các ông nghi ngờ thôi; nếu không thế thì sao lại dẫn đến như thế? Từ khi ta dấy binh năm mươi năm nay, trăm việc thuế khóa lao dịch đều lấy ở dân. Thiên hạ chưa định, bọn xấu vẫn còn, quân dân chăm chỉ, thực là điều các ông biết rõ. Nhưng làm khổ trăm họ, chỉ là bất đắc dĩ mà thôi. Cùng các ông làm việc, từ nhỏ đến lớn, nay tóc đã hai màu, để nói trong ngoài đủ để lộ rõ, việc công tư phân chia, đủ cùng giúp nhau. Hết lời can gián là điều mà ta mong ở các ông; cứu vớt lỗi sai, ta cũng mong vậy. Ngày xưa Vệ Vũ Công đã qua tuổi khỏe mạnh mà vẫn chăm tìm người giúp đỡ, thường tự than trách.

Giang Biểu truyện chép: Quyền lại nói: “Thiên hạ không có con cáo trong trắng, mà có cái áo lông cừu trong trắng, đấy là cái mà dân làm nên vậy. Người làm lẫn tạp thành thuần nhất, há chẳng làm được? Cho nên dùng được sức dân thì không ai địch nổi ở thiên hạ, dùng được trí dân thì không sợ lỗi với thánh nhân vậy”.

Vả lại kẻ áo vải buộc dải da kết bạn với nhau, trở thành hòa hợp, nhơ bẩn vẫn không khác. Ngày nay xác ông cùng ta làm việc. Dẫu còn nghĩa vua tôi, nhưng gọi là cốt nhục thì cũng không là sai. Phúc lộc vui buồn cùng hưởng với nhau. Tỏ lòng không dấu, mưu kế không khác, coi việc đúng sai, các ông há được thảnh thơi mà thôi sao! Cùng thuyền vượt sông, ai lại cùng khác? Tề Hoàn Công làm Bá của chư hầu, có điều hay thì Quản Tử chưa từng không khen ngợi, có điều sai thì Quản Tử chưa từng không can ngăn, không cho can ngăn cũng không ngừng can ngăn. Nay ta tự xét không có cái đức của Hoàn Công, mà các ông can ngăn chưa ra khỏi miệng, vẫn giữ lấy nghi ngờ. Do đó nói rằng, ta so với cái tốt lành của Tề Hoàn Công, không biết các ông so với Quản Tử thì thế nào? Lâu ngày không gặp nhau, nhân việc đáng cười này mà cùng bàn nghiệp lớn, sửa sang thiên hạ, nay còn có ai? Như trăm việc quan trọng được mất thời nay, ta vui nghe kế lạ để sửa điều không được”.

Tháng ba mùa xuân Giang Biểu truyện chép chiếu tháng giêng của Quyền rằng: “Quan Lang là bầy tôi túc vệ, là kẻ sĩ vâng mệnh từ thời xưa vậy; vậy mà gần đây có vẻ không dùng quan này. Từ nay chọn ba người đều dựa vào bốn phép thử, không được dựa vào lời lẽ sáo rỗng”.

năm thứ hai, sai sứ giả là Dương Đạo, Trịnh Trụ, Tướng quân Tôn Di đến quận Liêu Đông, đánh tướng giữ thành của nước Ngụy là bọn Trương Trì, Cao Lự, bắt được trai gái của chúng.

Văn sĩ truyện chép: Trụ tự Kính Tiên, người nước Bái. Cha là Lễ, học thức sâu rộng. Vào lúc Quyền làm Phiếu kị tướng quân, lấy Lễ làm Tòng sự Trung lang, cùng Trương Chiêu, Tôn Thiệu sắp đặt lễ nghi. Trụ là con út của Lễ, có tài cả văn võ, lúc nhỏ được biết tên, cử hiền lương, dần dần chuyển làm Kiến An Thái thú. Bọn tân khách của Lữ Nhất ở quận phạm pháp, Trụ bắt giam ngục, xét tội. Nhất mang giận, sau đó ngầm vu vạ Trụ. Quyền cả giận, gọi Trụ về, bọn Phan Tuấn dâng biểu cầu xin, được thả. Sau bái làm Tuyên tín hiệu úy, đến cứu Công Tôn Uyên, đã bị quân Ngụy phá, trở về làm Chấp kim ngô. Con là Phong, tự Mạn Quý. Có tài văn lại đức hạnh, thân với Lục Vân, cùng làm thơ qua lại với Vân. Tư không Trương Hoa mời gọi, chưa đến thì chết.

Thần là Tùng Chi nghe nói Tôn Di là người miền đông, không phải họ hàng của Quyền vậy.

Người quận Linh Lăng nói là có sương ngọt giáng. Tháng năm mùa hạ, đắp thành ở huyện Sa Tiện. Tháng mười mùa đông, Tướng quân Tưởng Bí xuống phía nam đánh giặc người Di. Bộ đốc Liêu Thức mà Bí lĩnh giết bọn Lâm Hạ Thái thú Nghiêm Cương, tự xưng là Bình nam tướng quân, cùng em là Tiềm cùng đánh các quận Linh Lăng, Quế Dương; các quận Uất Lâm, Thương Ngô thuộc Giao Châu nhiễu động, có mấy vạn quân. Sai Tướng quân Lữ Đại, Đường Tư đánh chúng, hơn một năm đều phá được.

Tháng giêng mùa xuân năm thứ ba, chiếu nói: “Vua không có dân thì không lập được, dân không có lúa thì không sống được. Gần đây đến nay, dân phân nhiều bị bắt lao dịch, có năm lại khô hạn, lúa trong năm bị giảm, mà quan lại có kẻ không tốt, có lúc cướp đoạt của dân, dẫn đến đói khổ. Từ nay về sau, các quan Thái thú, Bộ đốc phải xem xét kẻ nào không theo hình pháp, vào lúc cày bừa mà dùng lao dịch để quấy nhiễu dân, phải bắt trói báo lên”. Tháng tư mùa hạ, đại xá, hạ chiếu lệnh các quận huyện sửa thành quách, dựng lầu gác, đào hố vét kênh để phòng giặc cướp. Tháng mười một mùa đông, dân đói, hạ chiếu mở kho thóc để cứu giúp dân nghèo khó.

Tháng giêng mùa xuân năm thứ tư, có tuyết lớn, mặt đất lấp sâu đến ba thước, chim thú chết quá nửa. Tháng tư mùa hạ, sai Vệ tướng quân Toàn Tông cướp miền Hoài Nam, khơi đê Thược Bi, đốt lầu gác ở huyện An Thành, thu bắt dân chúng huyện ấy. Uy bắc tướng quân Gia Cát Khác đánh huyện Lục An. Tông đánh với tướng Ngụy là Vương Lăng ở Thược Bi, hơn vạn người bọn Trung lang tướng Tần Hoảng chết trận. Xa kị tướng quân Chu Nhiên vây thành Phàn, Đại tướng quân Gia Cát Cẩn đánh lấy huyện Tổ Trung.

Hán Tấn xuân thu chép: Linh Lăng Thái thú Ân Lễ nói với Quyền rằng: “Nay trời bỏ họ Tào, càng thêm vỡ lở, đang lúc tranh giành mà cho trẻ con nắm việc. Bệ hạ tự thân cầm quân, nhân lúc loạn mà đánh lấy, nên quét sạch miền Kinh Dương, phát cả bọn khỏe gầy, sai bọn khỏe cầm kích, bọn gầy chuyển chở, phía tây sai người Ích Châu đem quân đến miền Lũng Hữu, cấp đại quân cho bọn Gia Cát Cẩn, Chu Nhiên coi việc ở Tương Dương; sai bọn Lục Tốn, Chu Hoàn đi riêng đánh Thọ Xuân, đem xe lớn vào miền Hoài Dương, Lệ Thanh, Từ Châu. Nếu vùng Tương Dương, Thọ Xuân khốn vì bị đánh, từ miền Trường An về phía tây phải chống quân Thục thì dân miền Hứa, Lạc tất bị rời rã; tự nhau dao động, dân tất làm nội ứng, tướng súy bỏ chạy, làm mất thế lợi; một quân thua vỡ thì ba quân lìa ý, rồi nên ruổi ngựa kéo xe đến dẫm xéo thành ấp, thừa thắng mà đuổi lên phương bắc, đến định miền Hoa Hạ. Nếu không đem hết quân đi, chỉ đem ít ỏi thì không đủ dùng cho việc lớn, dễ phải rút lui về; lúc ấy dân mệt uy giảm thì bấy giờ lực kiệt, đấy không phải là kế phát binh vậy”. Quyền không theo lời này.

Tháng năm, Thái tử Đăng chết. Tháng đó, Thái phó của nước Ngụy là Tư Mã Tuyên Vương đến cứu thành Phàn. Tháng sáu, đem quân về. Tháng nhuận, Đại tướng quân Cẩn chết. Tháng tám mùa thu, Lục Tốn đắp thành ở huyện Chu.

Tháng giêng mùa xuân năm thứ năm, lập con là Hòa làm Thái tử, đại xá, đổi niên hiệu Hòa Hưng thành Gia Hưng. Trăm quan tấu xin lập Hoàng hậu và bốn vị Vương, chiếu nói: “Nay thiên hạ chưa định, muôn dân mệt mỏi, lại nữa người có công có kẻ chưa được ghi chép, kẻ đói rét vẫn chưa được cứu giúp, vậy mà cắt xét đất đai phong cho con em, ban tước vị cho thê thiếp, ta rất không nên làm. Nên bỏ lời bàn này”. Tháng ba, người huyện Hải Diêm nói là có rồng vàng xuất hiện. Tháng tư mùa hạ, cấm dâng nạp cho vua, sai Thái quan giảm món ăn ngon. Tháng bảy mùa thu, sai Tướng quân Niếp Hữu, Hiệu úy Lục Khải đem ba vạn quân đánh quận Châu Nhai, Đam Nhĩ. Năm đó có bệnh dịch lớn, quan coi việc lại tấu xin lập Hoàng hậu và các vị Vương. Tháng tám, lập con là Bá làm Lỗ Vương.

Tháng giêng mùa xuân năm thứ sáu, người huyện Tân Đô nói là có hổ trắng xuất hiện. Gia Cát Khác đánh huyện Lục An, phá trại của tướng Ngụy là Tạ Thuận, bắt lấy người dân huyện ấy. Tháng mười một mùa đông, Thừa tướng Cố Ung chết. Tháng mười hai, vua nước Phù Nam là Phạm Chiên sai sứ dâng nhạc kĩ và phương vật. Năm đó, Tư Mã Tuyên Vương đem quân vào huyện Thư, Gia Cát Khác từ huyện Hoản dời đến huyện Sài Tang.

Tháng giêng mùa xuân năm thứ bảy, lấy Thượng đại tướng quân Lục Tốn làm Thừa tướng. Mùa thu, người huyện Uyển Lăng nói là có lúa tốt mọc. Năm đó, bọn Bộ Chất, Chu Nhiên dâng sớ rằng: “Người từ đất Thục về đều nói họ muốn trái thề ước và giao thông với Ngụy, làm nhiều thuyền bè, sửa đắp thành quách. Lại sai Tưởng Uyển giữ Hán Trung, lúc nghe tìnTư Mã Ý xuống phía nam mà không đem quân ra chỗ trống mà hai mặt đánh phá, trái lại còn bỏ Hán Trung, về gần Thành Đô, việc đã rõ ràng, không còn nghi ngờ nữa, nên nhanh phòng bị”. Quyền xét không cho là phải, nói: “Ta đãi Thục không bạc, thăm hỏi thề ước, không có chỗ nào sai, sao lại như thế? Lại nữa Tư Mã Ý trước đây vào huyện Thư, một tuần thì rút, đất Thục ở xa vạn dặm, người Thục há biết được nguy cấp mà đem quân đi sao? Xưa kia người Ngụy muốn vào miền Hán Xuyên, vùng này mới giữ nghiêm, cũng không phát động, lúc nghe quân Ngụy về mới thôi. Đối với Thục há lại vì điều này mà ngờ sao? Vả lại người ta trị nước, thuyền bè thành quách, sao không phải là để giữ? Nay vùng ấy luyện quân, há lại muốn để chống người Thục sao? Người ta nói là không đáng tin, trẫm vì các ông dẫu phá nhà cũng giữ ý mình”. Người Thục rút cuộc không có mưu khác như ý mà Quyền xét.

Giang Biểu truyện chép chiếu của Quyền rằng: “Tướng súy phản trốn mà giết vợ con của họ là khiến cho vợ mất chồng, con mất cha, rất tổn hại lễ giáo, từ nay không được giết”.

Tháng hai mùa xuân năm thứ tám, Thừa tướng Lục Tốn chết. Mùa hạ, sấm sét đánh vào cột cửa cung, lại đánh vào cột cầu lớn bờ nam sông. Nước lớn tràn ngập ở huyện Trà Lăng, cuốn trôi hơn hai trăm nhà dân. Tháng bảy mùa thu, bọn Tướng quân Mã Mậu mưu phản, giết ba họ. Tháng tám, đại xá. Sai Hiệu úy Trần Huân đem quân đóng đồn làm ruộng và đem ba vạn quân làm đường giữa huyện Câu Dung, từ huyện Tiểu Kì đến thành phía tây huyện Vân Dương, mở hội chợ, làm lầu gác.

Ngô lịch chép: Mậu vốn làm Chung Li Trưởng ở quận Hoài Nam, nhưng bị Vương Lăng ruồng bỏ, phản theo nước Ngô, nước Ngô dùng làm Chinh tây tướng quân, Cửu Giang Thái thú, Ngoại bộ đốc, phong tước Hầu, lĩnh nghìn quân. Quyền nhiều lần ra giữa vườn thú, cùng các tướng công khanh săn bắn. Mậu cùng bọn Kiêm Phù Tiết Lệnh là Chu Trinh, Vô Nạn Lệnh là Ngu Hâm, Nha môn tướng Chu Chí hợp mưu, đợi Quyền ở giữa vườn thú, các tướng công khanh ở ngoài cửa chưa vào, sai Trinh cầm cờ tiết đọc chiếu, bắt trói hết họ; Mậu dẫn quân vào đánh Quyền, chia giữ giữa cung và lũy Thạch Đầu, sai người báo cho nhà Ngụy. Việc lộ, đều giết cả họ.

Tháng hai mùa xuân năm thứ chín, Xa kị tướng quân Chu Nhiên đánh huyện Tổ Trung của nước Ngụy, bắt chém hơn nghìn người. Tháng tư mùa hạ, người quận Vũ Xương nói là có sương ngọt giáng. Tháng chín mùa thu, lấy Phiếu kị tướng quân Bộ Chất làm Thừa tướng, Xa kị tướng quân Chu Nhiên làm Tả đại tư mã, Vệ tướng quân Toàn Tông làm Hữu đại tư mã, Trấn nam tướng quân Lữ Đại làm Thượng đại tướng quân, Uy bắc tướng quân Gia Cát Khác làm Đại tướng quân.

Giang Biểu truyện chép: Năm đó, Quyền hạ chiếu rằng: “Ngày trước Tạ Hoành bày kế đúc tiền lớn, nói là để mở rộng mua bán, cho nên ta nghe theo. Nay nghe dân nói không cho là tiện, nên giảm bớt đi, đúc thành đồ vật, quan lại chớ đem ra dùng nữa. Nhà nào có riêng phải đem vào kho tàng để tính đếm giá của nó, không được làm trái vậy”.

Tháng giêng mùa xuân năm thứ mười, Hữu đại tư mã Toàn Tông chết.

Giang Biểu truyện chép: Năm đó Quyền sai Gia Cát Nhất giả phản để dụ Gia Cát Đản, Đản đem vạn quân bộ kị đón Nhất ở núi Cao Sơn, Quyền ra huyện Đồ Trung, rồi đến núi Cao Sơn, náu quân để đợi. Đản biết, bèn lui.

Tháng hai, Quyền đến Nam cung. Tháng ba, đổi dựng cung Thái Sơ, các tướng và châu quận đều cùng làm.

Giang Biểu truyện chép chiếu của Quyền rằng: “‘Cung Kiến Nghiệp là dinh phủ Tướng quân mà trẫm từ kinh đến dựng, cột chống hơi nhỏ, lại đều đã mục nát, thường sợ vỡ đổ. Nay chưa về lại miền tây, nên dời ngói gỗ của cung Vũ Xương đến để sửa lại”. Quan coi việc tấu nói: “Cung Vũ Xương đã dựng hai mươi tám năm, sợ cũng không dùng được, nên hạ lệnh chỗ ấy đập dỡ ra”. Quyền nói: “Đại Vũ cho rằng cung nhỏ là đẹp, nay việc quân chưa thôi, chỗ ấy nhiều thuế, nếu lại dỡ bỏ thì tổn hại đến việc cày bừa trồng dâu. Dời ngói gỗ của cung Vũ Xương đến là tự dùng được vậy”.

Tháng năm mùa hạ, Thừa tướng Bộ Chất chết. Tháng mười mùa đông, tha người tử tội.

Tháng giêng mùa xuân năm thứ mười một, Chu Nhiên đắp thành ở Giang Lăng. Tháng hai, đất vẫn rung.

Giang Biểu truyện chép chiếu của Quyền rằng: “Trẫm vì đức kém, làm sai việc tế tổ, làm việc không tốt, mắc tội với thần minh, ngày đêm cầu đảo, không có lúc dừng. Các quan đều có cái tài giỏi gì phải xem xét lỗi lầm của trẫm, chớ được e ngại”.

Tháng ba, cung được dựng xong. Tháng tư mà hạ, có mưa đá; người huyện Vân Dương nói là có rồng vàng xuất hiện. Tháng năm, người quận Bà Dương nói là có hổ trắng nhân từ.

Thụy ứng đồ chép: Hổ trắng nhân từ là điềm báo vua không bạo ngược, đấy là hổ nhân từ thì không làm hại vậy.

Chiếu nói: “Vua hiền thời trước sửa đức tích thiện, tu thân hành đạo để có thiên hạ, cho nên có điềm lành ứng báo là để tỏ rõ công đức vậy. Trẫm vì không sáng suốt, làm sao sánh được? Kinh Thư chép: ‘Dẫu là điềm lành nhưng chẳng lành’, trăm quan công khanh phải gắng sửa việc mà mình làm để uốn nắn điều không tốt”.

Tháng ba mùa xuân năm thứ mười hai, Tả đại tư mã Chu Nhiên chết. Tháng tư, có hai con quạ ngậm chim thước rơi ở Đông quán. Ngày bính dần, Phiếu kị tướng quân Chu Cứ lĩnh chức Thừa tướng, đốt chim thước để tế.

Ngô lục chép: Ngày mậu tuất tháng sáu, có cái vạc quý xuất lộ ở hồ Lâm Bình. Ngày quý sửu tháng tám, có chim câu trắng xuất hiện ở huyện Chương An.

Ngày hạ chí tháng năm mùa hạ năm thứ mười ba, sao Huỳnh hoặc chuyển vào chòm sao Nam đẩu. Tháng bảy mùa thu, phạm vào ngôi sao thứ hai là sao Khôi rồi chuyển về phía đông. Tháng tám, các núi của huyện Câu Dung quận Đan Dương, huyện Ninh Quốc quận Cố Chương lở, nước lớn ngập. Hạ chiếu tha cho người mang nợ, cấp lương thực cho người nghèo. Phế Thái tử Hòa, đuổi đến quận Cố Chương. Hạ lệnh ép Lỗ Vương là Bá phải chết. Tháng mười mùa đông, tướng Ngụy là Văn Khâm giả phản để dụ Chu Dị, Quyền sai Lữ Cứ đến chỗ Dị đón Khâm. Bọn Dị giữ chỗ hiểm, Khâm không dám đến. Tháng mười một, lập con là Lượng làm Thái tử. Sai mười vạn quân làm bờ đê ở huyện Thường Ấp để chặn đường phía bắc. Tháng mười hai, Đại tướng Ngụy là Vương Sưởng vây Nam Quận, Kinh Châu Thứ sử Vương Cơ đánh Tây Lăng, sai Tướng quân Đái Liệt, Lục Khải đến chống, do đó đều dẫn về.

Dương đô phú chú của Dữu Xiển chép: Dùng đuốc lửa làm hiệu đặt ở núi Hồ Đầu, đều men sông mà nhìn nhau, hoặc trăm dặm, hoặc năm mươi dặm, ba mươi dặm, giặc đến thì giơ lên để báo cho nhau, một đêm có thể đi vạn dặm. Bấy giờ Tôn Quyền vào lúc chiều giơ đuốc lửa ở Tây Lăng, kịp lúc tiếng trống canh ba thì đến huyện Nam Sa quận Ngô.

Năm đó người thần trao sách, nói là nên đổi niên hiệu, lập Hoàng hậu. Tháng năm mùa hạ năm Thái Nguyên thứ nhất, lập Hoàng hậu Phan thị, đại xá, đổi niên hiệu. Lúc trước ở huyện La Dương quận Lâm Hải có thần, tự xưng tên là Vương Biểu,

Ngô lục chép: Huyện La Dương là huyện An Cố ngày nay.

đi khắp trong dân, tiếng nói ăn uống không khác với người thường, chỉ không thấy hình dáng. Lại có một người hầu gái tên là Phưởng Tích. Tháng đó, sai Trung thư lang Lí Sùng đem theo ấn thao Phụ quốc tướng quân La Dương Vương đến đón Biểu. Biểu theo Sùng cùng đi, nói chuyện với Sùng và các quan lệnh trưởng, Quận thú của các quận, bọn Sùng không dễ đối đáp. Đi qua sông núi nào liền sai người hầu gái nói chuyện với các vị thần của sông núi ấy. Tháng bảy mùa thu, Sùng và Biểu đến, Quyền ở ngoài cửa Thương Long dựng quá xá, nhiều lần sai cận thần đem rượu thịt đến. Biểu nói về các việc nhỏ như nước khô hạn, nơi nơi đều ứng nghiệm.

Tôn Thịnh nói: “Thịnh nghe nói rằng nước sắp hưng thì được dân nói cho nghe, nước sắp mất thì được thần nói cho nghe. Quyền tuổi già chí kém, bọn gièm pha ở bên, bỏ con cả mà lập con thứ, lấy vợ lẽ làm vợ cả, có thể nói là nhiều đức mỏng vậy. Lại trá đặt bùa chú, cầu phúc ở bọn yêu tà, đấy là điềm báo sắp mất, cũng chẳng rõ sao”!

Đầu tháng sáu mùa thu, có gió lớn, sông biển tràn ngập, đất bằng chìm sâu đến tám thước, cây tùng bách ở Cao Lăng thuộc Ngô Quận nứt bật, chim ở cửa phía nam thành quận rơi xuống. Tháng mười một mùa đông, đại xá. Quyền tế đàn nam giao về, mắc bệnh.

Ngô lục chép: Quyền bị bệnh trúng gió.

Tháng mười hai, sai người gọi Đại tướng quân Khác về, bái làm Thái tử thái phó. Hạ chiếu giảm lao dịch, bớt thu thuế, trừ cái khổ nhọc của dân.

Tháng giêng mùa xuân năm thứ hai, lập Thái tử Hòa ngày trước làm Nam Dương Vương, trú ở quận Trường Sa; lập con là Phấn làm Tề Vương, trú ở Vũ Xương; lập con là Hưu là Lang Da Vương, trú ở Hổ Lâm. Tháng hai, đại xá, đổi niên hiệu là Thần Phong. Hoàng hậu Phan thị hoăng. Các quan tướng nhiều lần đến chỗ Vương Biểu cầu phúc, Biểu bỏ đi. Tháng tư mùa hạ, Quyền hoăng, bấy giờ bảy mươi mốt tuổi, thụy là Đại Hoàng Đế. Tháng bảy mùa thu, táng ở Tưởng Lăng.

Phó Tử nói: “Tôn Sách là người sáng suốt quyết đoán, dũng trùm thiên hạ, vì cha là Kiên chết trận cho nên từ nhỏ đã tụ quân tướng để trả thù, ruổi đánh nghìn dặm, chiếm hết miền Giang Nam, đánh hào súy của miền ấy, oai lừng các quận. Đến lúc Quyền thay nghiệp, có Trương Tử Bố lấy làm tim bụng, có Lục Nghị, Gia Cát Cẩn, Bộ Chất lấy làm đùi tay, có Lữ Phạm, Chu Nhiên lấy làm nanh vuốt, trao quan ban chức, rình chờ chỗ hở, quân không dùng bừa, do đó đánh ít thua mà miền Giang Nam được yên”.

Bình rằng: Tôn Quyền cúi mình nhẫn nhục, ưa tài chuộng kế, có cái anh hào của Câu Tiễn, là bậc hùng kiệt trong muôn người vậy. Cho nên tự nắm giữ được miền Giang Biểu, lập nên nghiệp chân vạc. Nhưng tính hay nghi ngờ, vội vàng giết chóc, cho đến năm cuối đời lại càng thêm xấu. Đến như tin lời gièm mà làm mất đức, phế bỏ người nối dõi,

Mã Dung chú Thượng thư rằng: “Điễn là cắt đứt, cắt đứt cái đức của người quân tử”.

há gọi là mưu nghĩ giúp đỡ cho con cháu được yên sao? Dòng dõi sau này suy yếu, bèn dẫn đến mất nước, không hẳn là không do từ đó vậy.

Thần là Tùng Chi cho rằng: Tôn Quyền phế bỏ người con không có tội, dẫu chuốc lấy mầm loạn, nhưng nước nghiêng đổ là tự do ở Hạo bạo. Nếu Quyền không phế Hòa, nhưng Hạo vẫn nối ngôi, cuối cùng mất nước, cũng có khác gì? Đó là mất nước do ở bạo ngược, không ở tại phế bỏ vậy. Nếu Lượng giữ được lộc nước, Hưu không chết sớm thì Hạo không được lập. Hạo không được lập thì nước Ngô không mất vậy.

(Hết TÔN QUYỀN TRUYỆN)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét