Thứ Bảy, 19 tháng 8, 2023

NGÔ THƯ QUYỂN 3 - TAM TỰ CHỦ TRUYỆN - Tôn Lượng, Tôn Hưu

 

Qinhuai (Sông Hoài)

QUYỂN 3 - TAM TỰ CHỦ TRUYỆN

Tôn Lượng, Tôn Hưu, Tôn Hạo

 

TÔN LƯỢNG TRUYỆN

Tôn Lượng tự Tử Minh, là con út của Quyền vậy. Tuổi Quyền đã cao, mà Lượng là con nhỏ nhất, do đó rất được chú ý. Chị là Toàn công chúa từng gièm pha mẹ con Thái tử Hòa, lòng chẳng tự yên, nhân đó có ý dựa vào Quyền, muốn tự lập mưu, nhiều lần khen ngợi con gái của Toàn Thượng, khuyên Lượng lấy làm vợ. Năm Xích Ô thứ mười ba, Hòa bị phế, Quyền bèn lập Lượng làm Thái tử, cho lấy Toàn thị làm vợ.

Mùa hạ năm Thái Nguyên thứ nhất, mẹ Lượng là Phan thị được lập làm Hoàng hậu. Mùa đông, Quyền mắc bệnh, gọi Đại Tướng quân Gia Cát Khác đến làm Thái tử Thái phó, Cối Kê Thái thú Đằng Dận làm Thái thường, cùng nhận chiếu giúp Thái tử. Tháng tư năm sau, Quyền hoăng, Thái tử lên ngôi vị, đại xá(1), đổi niên hiệu. Năm đó ứng với năm Gia Bình thứ tư của nhà Ngụy vậy.

Tháng nhuận năm Kiến Hưng thứ nhất, lấy Khác làm Thái phó, Dận làm Vệ Tướng quân, lĩnh chức Thượng thư, Thượng đại Tướng quân Lữ Đại làm Đại Tư mã, các quan văn võ đang giữ chức đều được phong tước ban thưởng, bọn quan nhàn rỗi đều được thêm chức. Tháng mười mùa đông, Thái phó Khác đem quân đến Sào Hồ, đắp thành ở Đông Hưng, sai Tướng quân Toàn Đoan giữ Tây Thành, Đô úy Lưu Lược giữ Đông Thành. Ngày bính thân đầu tháng mười hai, có gió lớn sấm sét, Ngụy sai bọn Tướng quân Gia Cát Đản, Hồ Tôn đem bảy vạn quân kị bộ vây Đông Hưng, Tướng quân Vương Sưởng đánh Nam Quận, Quán Khâu Kiệm đến Vũ Xương. Ngày giáp dần, Khác dẫn đại quân đến chống. Ngày mậu ngọ, quân đến Đông Hưng, giao tranh, đại phá quân Ngụy, giết bọn Tướng quân Hàn Tống, Hoàn Gia. Tháng đó, có mưa sấm, sét đánh vào cửa ngoài thành Vũ Xương, làm lại cửa Đoan Môn, lại dựng điện Tai Nội.

Thần là Tùng Chi xét: Năm Xích Ô thứ mười, Quyền hạ chiếu dời gạch ngói của cung Vũ Xương để dựng sửa cung Kiến Khang, như thế vẫn còn điện trong cửa Đoan Môn.

Ngô lục viết: Gia Cát Khác có ý dời đô, liền dựng cung Vũ Xương. Điện Nội Tai ngày nay là điện mới mà Khác dựng vậy.

Ngày bính dần tháng giêng mùa xuân năm thứ hai, lập Toàn thị làm Hoàng hậu, đại xá. Ngày canh ngọ, bọn Vương Sưởng đều rút quân. Tháng hai, đem quân từ Đông Hưng trở về, phong thưởng to lớn. Tháng ba, Khác đem quân đánh Ngụy. Tháng tư mùa hạ, vây Tân Thành, mắc bệnh dịch lớn, quân sĩ chết đến quá nửa. Tháng tám mùa thu, Khác dẫn quân về. Tháng mười mùa đông, mở hội yến lớn. Vũ vệ Tướng quân Tôn Tuấn ém quân giết Khác ở sảnh điện. Đại xá, lấy Tuấn làm Thặng tướng, phong Phú Xuân Hầu.

 Tháng mười một, có năm con chim xuất hiện ở huyện Xuân Thân, năm sau đổi niên hiệu.

Mùa hạ năm Ngũ Phượng thứ nhất, có nước lớn. Mùa thu, Ngô Hầu là Anh mưu giết Tuấn, biết được, Anh tự sát. Tháng mười một mùa đông, có sao chổi xẹt qua vùng sao Ngưu, sao Đẩu.

Giang Biểu truyện viết: Năm đó có cây cỏ dại ở quận Giao Chỉ hóa thành cây lúa.

Tháng giêng mùa xuân năm thứ hai, Trấn tây Tướng quân Quán Khâu Kiệm, Tiền Tướng quân Văn Khâm của nước Ngụy đem quân vùng Hoài Nam(2) vào phía tây, đánh ở huyện Lạc Gia. Ngày nhâm thìn tháng nhuận, Tuấn cùng Phiếu kị Tướng quân Lữ Cứ, Tả Tướng quân Lưu Tán đem quân đánh úp Thọ Xuân, đem quân đến Đông Hưng, nghe tin quân bọn Khâm thua. Ngày nhâm dần, đem quân đến ở Thác Cao, Khâm đến gặp Tuấn hàng, mấy vạn quân vùng Hoài Nam con lại bỏ chạy. Tướng Ngụy là Gia Cát Đản vào Thọ Xuân, Tuấn dẫn quân về. Tháng hai, kịp lúc Tướng quân Tào Trân của Ngụy gặp ở Cao Đình, giao tranh, Trân thua vỡ. Lưu Tán bị Biệt tướng của Đản là Tưởng Ban đánh bại ở Cô Bi, Tán cùng bọn Tướng quân Tôn Lăng, Tưởng Tu đều bị hại. Tháng ba, sai Tướng quân Chu Dị đánh úp An Phong, không thắng. Tháng bảy mùa thu, bọn Tướng quân Tôn Nghi, Trương Di, Lâm Tuân mưu giết Tuấn, biết được, Nghi tự sát, bọn Tuân chịu tội. Có tảng đá lớn trên núi Li Lí thuộc huyện Dương Tiện tự đứng được. Sai Vệ úy Phùng Triều đắp thành ở Quảng Lăng, bái Tướng quân Ngô Nhương làm Quảng Lăng Thái thú, Lưu Lược làm Đông Hải Thái thú. Năm đó khô hạn, dựng Thái Miếu. Lấy Phùng Triều làm Giám quân Sứ giả, trông coi việc quân của Từ Châu. Dân đói, quân sĩ oán giận.

Đầu tháng hai mùa xuân năm Thái Nguyên thứ nhất, Ngô lịch viết: Tháng giêng, lập miếu thờ Quyền, gọi là miếu Thái Tổ. thành Kiến Nghiệp bị cháy. Tuấn dùng kế của Chinh bắc Tướng quân Văn Khâm, sắp đánh Ngụy. Tháng tám, chọn sai Khâm cùng Phiếu kị Tướng quân Lữ Cứ, Xa kị Tướng quân Lưu Toản, Trấn nam Tướng quân Chu Dị, Tiền Tướng quân Đường Tư từ Giang Đô vào vùng Hoài, Tứ. Ngày đinh hợi tháng chín, Tuấn chết, lấy em họ là Thiên Tướng quân Sâm làm Thị trung, Vũ vệ Tướng quân, lĩnh các việc quân trong ngoài, gọi bọn Cứ về. Nghe tin Sâm thay Tuấn, cả giận. Ngày kỉ sửu, Đại Tư mã Lữ Đại chết. Ngày nhâm thìn, sao Thái bạch phạm vào vùng sao Nam đẩu. Bọn Cứ, Khâm, Tư tiến cử Vệ Tướng quân Đằng Dận làm Thặng tướng, Sâm không nghe theo. Ngày quý mão, lại lấy Dận làm Đại Tư mã, thay Lữ Đại đóng quân ở Vũ Xương. Cứ dẫn quân về, muốn đánh Sâm. Sâm sai sứ giả đem chiếu thư cáo dụ bọn Khâm, Tư, sai bắt Cứ. Ngày đinh mùi tháng mười mùa đông, sai Tôn Hiến và bọn Đinh Phụng, Thi Khoan đem quân thuyền chặn đánh Cứ ở Giang Đô, sai Tướng quân Lưu Thặng đem quân kị bộ đánh Dận. Quân Dận thua bị giết cả. Ngày kỉ dậu, đại xá, đổi niên hiệu. Ngày tân hợi, bắt được Lữ Cứ ở Tân Châu. Tháng mười một, lấy Sâm làm Đại Tướng quân, Giả tiết, phong Vĩnh Khang Hầu. Tôn Hiến cùng Tướng quân Vương Đôn mưu giết Sâm, việc lộ, Sâm giết Đôn, ép sai Hiến tự sát. Tháng mười hai, sai Ngũ quan Trung lang tướng Tập Huyền báo loạn cho nước Thục biết.

Ngày giáp dần tháng hai mùa xuân năm thứ hai, có mưa to, sấm sét. Ngày ất mão, có tuyết, rét đậm. Cắt phía đông quận Trường Sa lập thành quận Tương Đông, phía tây lập thành quận Hành Dương, cắt phía đông quận Cối Kê lập thành quận Lâm Hải, cắt phía đông quận Dự Chương lập thành quận Lâm Xuyên. Tháng tư mùa hạ, Lượng đến điện giữa, đại xá, bắt đầu coi chính sự. Tấu biểu mà Sâm dâng lên, nhiều lần bị xét hỏi, lại chọn con em của Đại tướng quân tuổi còn nhỏ mà có sức khỏe cho làm tướng súy. Lượng nói: “Ta lập quân này, muốn cùng họ lớn lên”. Hằng ngày luyện tập ở trong vườn.

Ngô lịch viết: Lượng nhiều lần đem sách ra xem việc cũ của Tôn Quyền, hỏi cận thần tả hữu rằng: “Tiên đế có nhiều phép tắc lạ, nay Đại Tướng quân hỏi việc, chỉ sai ta đọc sách mà biết được sao”! Sau đó Lượng ra mé tây vườn, đang ăn quả mai tươi, sai quan Hoàng môn đến kho Trung Tàng lấy quả mai tẩm mật, trong mật có phân chuột, gọi quan coi kho đến hỏi, quan coi kho rập đầu. Lượng hỏi quan rằng: “Quan Hoàng môn theo ngươi lấy mật chăng”? Quan nói: “Nếu lấy, thật không dám cho”. Quan Hoàng môn không chịu nhận, Thị trung Tập Huyền, Trương Bân nói: “Lời nói của quan Hoàng môn, quan coi kho không giống nhau, xin bắt vào ngục để xét kĩ”. Lượng nói: “Việc này dễ biết thôi”. Sai cắt phân chuột ra, trong phân khô. Lượng cười lớn bảo Huyền, Bân rằng: “Nếu phân ở trong mật trước, trong ngoài phải cùng ướt, nay ngoài ướt mà trong khô, đấy tất do quan Hoàng môn làm”. Quan Hoàng môn cúi đầu chịu tội, tả hữu chẳng ai không kinh ngạc.

Giang Biểu truyện viết: Lượng sai quan Hoàng môn lấy chén bạc và nắp đậy đến chỗ quan coi kho lấy kẹo mật mía mà người Giao Châu dâng. Quan Hoàng môn lúc trước giận quan coi kho, lấy phân chuột bỏ vào trong kẹo mật, nói là quan coi kho không cẩn thận. Lượng gọi quan lại cầm hộp kẹo mật vào, hỏi rằng: “Hộp này đã đậy nắp, lại có che trùm, không biết vì sao lại như thế, quan Hoàng môn có giận gì với ngươi chăng”? Quan coi kho rập đầu nói: “Từng đến chỗ thần xin chiếu cói trong cung, chiếu cói trong cung có nhiều, nhưng không dám cho”. Lượng nói: “Chắc là thế rồi”. Xét hỏi quan Hoàng môn, cúi đầu chịu tội. Liền phạt đánh roi cắt tóc trước mắt, đuổi ra ngoài phủ.

Thần là Tùng Chi cho rằng: Phân chuột mới thì trong ngoài đều ướt.

Quan Hoàng môn lấy phân mới thì chẳng ai biết được cái gian của mình vậy, nhưng dùng phân khô, cho nên Lượng được dịp trổ cái tài trí. Vậy thì Ngô lịch viết như thế, không thật bằng Giang Biểu truyện vậy.

Tháng năm, Chinh tây Đại Tướng quân của Ngụy là Gia Cát Đản đem quân vùng Hoài Nam giữ thành Thọ Xuân, sai Tướng quân Chu Thành dâng sớ xưng thần, lại sai con là Tịnh và các con em trong nhà của Trưởng sử Ngô Cương làm tin. Tháng sáu, sai bọn Văn Khâm, Đường Tư, Toàn Đoan đem ba vạn quân kị cứu Đản. Chu Dị từ Hổ Lâm đem quân đánh úp Hạ Khẩu, Hạ Khẩu Đốc là Tôn Nhất chạy sang Ngụy. Tháng bảy mùa thu, Sâm đem quân cứu Thọ Xuân, đến ở Hoạch Lí, Chu Dị bèn từ Hạ Khẩu đến đấy, Sâm sai Dị làm Tiền bộ đốc, cùng bọn Đinh Phụng đem năm vạn quân mang giáp giải vây. Tháng tám, người phía nam quận Cối Kê làm phản, giết quan Đô úy. Người quận Bà Dương, quận Tân Đô cũng làm loạn, Đình úy Đinh Mật, Bộ kị Hiệu úy Trịnh Trụ, Tướng quân Chung Li Mục đem quân đánh chúng. Chu Dị vì quân sĩ thiếu lương bèn rút về, Lâm cả giận, ngày kị tị đầu tháng chín, giết Dị ở Hoạch Lí. Ngày tân mùi, Sâm từ Hoạch Lí về Kiến Nghiệp. Ngày giáp thân, đại xá. Tháng mười một, con của Toàn Tự là Y, Nghi đem mẹ của mình trốn sang Ngụy. Tháng mười hai, bọn Toàn Đoan, Toàn Dịch từ thành Phú Xuân đến chỗ Tư Mã Văn Vương.

Tháng giêng mùa xuân năm thứ ba, Gia Cát Đản giết Văn Khâm. Tháng ba, Tư Mã Văn Vương chiếm Thọ Xuân, Đản cùng tả hữu chết trận, các  quan tướng thuộc hạ đều hàng. Tháng bảy mùa thu, phong Tề Vương là Phấn làm Chương An Hầu. Hạ chiếu sai quận huyện chặt gỗ để làm cung điện. Từ tháng tám trời đen tối nhưng không mưa hơn bốn mươi ngày. Lượng thấy Sâm chuyên quyền, bèn cùng Thái thường Toàn Thượng, Tướng quân Lưu Thặng mưu giết Sâm. Ngày mậu ngọ tháng chín, Sâm đem quân bắt Thượng, sai em là Ân giết Thặng ở ngoài cửa Thương Long, gọi các đại thần đến hội ở cửa cung, phế Lượng làm Cối Kê Vương, bấy giờ mười sáu tuổi.

 

TÔN HƯU TRUYỆN

Tôn Hưu tự Tử Liệt, là con thứ sáu của Quyền vậy. Năm mười ba tuổi theo Trung thư lang Xạ Ý, Lang trung Thịnh Xung chịu học. Tháng giêng năm Thái Nguyên thứ hai, phong Lang Nha Vương, trú ở Hổ Lâm. Tháng tư, Quyền hoăng, em Hưu là Lượng nối tự, Gia Cát Khác nắm quyền, không muốn các Vương ở tại vùng có quân mã nơi bến sông(3), bèn dời Hưu đến ở quận Đan Dương. Thái thú Lí Hành nhiều lần làm việc lấn áp Hưu, Hưu dâng thư xin dời đến quận khác, hạ chiếu sai dời đến quận Cối Kê. Ở được mấy năm, nằm mơ cưỡi rồng lên trời, ngoảnh lại không thấy đuôi, thức dậy mà cho là lạ. Tôn Lượng bị phế, ngày kỉ mùi, Tôn Sâm sai Tông chính Tôn Khải cùng Trung thư lang Đổng Triều đón Hưu. Hưu lúc đầu nghe tin, có ý ngờ, Khải, Triều kể rõ ý mà vì sao mà Sâm muốn đến đón Hưu, ở lại một ngày hai đêm, rồi đi. Ngày mậu dần tháng mười, đi đến Khúc A, có ông già gặp Hưu rập đầu nói: “Việc để lâu tất sinh biến, thiên hạ đang trông đợi, mong Bệ hạ đi nhanh”. Hưu khen hay, hôm đó kịp đến đình Bố Tắc. Vũ vệ Tướng quân Ân tạm làn việc quan Thặng tướng, dẫn trăm quan lấy xe kiệu  đi theo đón ở đình Vĩnh Xương, dựng cung, lấy trướng võ làm điện tạm, đặt chỗ ngồi. Ngày kỉ mão, Hưu đến, từ xa thấy điện mới bèn dừng lại, sai Tôn Khải gặp Ân trước. Khải về, Hưu ngồi xe đến, bầy tồi cúi lạy xưng thần. Hưu lên điện tạm, nhún nhường không ngồi vào ngay, dừng lại ở gian phía đông. Hộ tào Thượng thư liền đến dưới thềm tấu biểu, quan Thặng tướng dâng ấn phù. Hưu ba lần nhường, bầy tôi ba lần xin. Hưu nói: “Các quan lớn chư hầu đều bầu quả nhân, quả nhân dám không nhận lấy ấn phù sao”? Sau đó bầy tôi dẫn vào, rồi Hưu ngồi xe, trăm quan đi theo, Sâm đem nghìn quân đón ở Bán Dã, bái ở bên đường, Hưu xuống xe bái lại. Liền hôm đó ngồi ở điện chính, đại xá, đổi niên hiệu. Năm đó ứng với năm Cam Lộ thứ ba của nhà Ngụy vậy.

Ngày nhâm ngọ tháng mười mùa đông năm Vĩnh An thứ nhất, hạ chiếu nói: “Khen người có đức thưởng người có công là việc đúng nghĩa xưa nay. Nay lấy Đại Tướng quân Sâm làm Thặng tướng, Kinh Châu Mục, tăng thực ấp năm huyện. Vũ vệ Tướng quân Ân làm Ngự sử Đại phu, Vệ Tướng quân, Trung quân đốc, tước Huyện hầu. Uy viễn Tướng quân Viện làm Hữu Tướng quân, tước Huyện hầu. Thiên Tướng quân Cán làm Tạp hiệu Tướng quân, tước Đình hầu. Trường thủy Hiệu úy Trương Bố chăm chỉ giúp đỡ, lấy Bố làm Phụ nghĩa Tướng quân, phong Vĩnh Khanh Hầu. Đổng Triều tự đến đón, phong tước Hương hầu”. Lại hạ chiếu nói: “Đan Dương Thái thú Lí Hành ngày trước làm việc có hiềm khích, nhưng tự trói nơi sở quan. ‘Móc câu chặt áo’(4), cũng vì thời vua nào thì giúp vua ấy thôi. Nay sai Hành về kinh, chớ làm việc đáng ngờ nữa”.

Tương Dương kí viết: Hành tự Thúc Bình, vốn là con nhà lính ở Tương Dương vậy. Cuối thời Hán vào đất Ngô làm dân thường ở huyện Vũ Xương. Nghe nói Dương Đạo có tài xem xét người khác, đến hỏi Đạo, Đạo nói: “Trong đời nhiều việc, ngươi có cái tài của quan Thượng thư, Nghị tào lang vậy”. Bấy giờ Hiệu sự Lữ Nhất chuyên quyền nắm việc, đại thần sợ bị ép hại, chẳng ai dám nói, Đạo nói: “Không phải Lí Hành thì chẳng ai làm khó hắn được”. Bèn cùng tiến cử làm Tào lang. Quyền sai đến gặp, Hành nói mấy nghìn lời kể tội gian của Nhất, Quyền lấy làm thẹn. Được mấy tháng, Nhất bị giết, do đó danh tiếng Hành được rạng rỡ. Sau thường làm quan Tư mã cho Gia Cát Khác, làm việc trong phủ của Khác, Khác bị giết, xin làm Đan Dương Thái thú. Bấy giờ Tôn Hưu ở tại sở trị của quận, Hành nhiều lần dùng hình phép ép buộc Hưu. Vợ là Tập thị thường can ngăn Hành, Hành không nghe. Lúc Hưu lập, Hành lo sợ, bảo vợ nói: “Không nghe lời nàng mới đến thế này”. Bèn muốn trốn sang Ngụy. Vợ nói: “Không nên. Ông vốn là dân thường, Tiên đế coi trọng chọn dùng, đã nhiều lần làm việc vô lễ, lại làm trái tự gây hiềm khích, nếu chạy trốn tìm đường sống, đi về miền bắc, há còn mặt mà gặp người Trung Quốc sao”? Hành nói: “Có kế gì chăng”? Vợ nói: “Lang Nha Vương vốn là người ưa tiếng tốt, nay đang muốn rạng rỡ với thiên hạ, rút cuộc không vì thù riêng mà giết ông đâu. Nên tự trói đến nhà ngục, kể rõ lỗi trước, xin được chịu tội. Như thế mới là đáng được tha thứ, không chỉ được sống mà thôi”. Hành nghe lời, quả nhiên không bị họa, lại được bái làm Uy viễn Tướng quân, trao cho kích gỗ. Hành hễ muốn giúp nhà, vợ liền không nghe, sau ngầm sai hai mươi người khách lên bãi bồi ở huyện Long Dương quận Vũ Lăng làm nhà ở, trồng nghìn cây quất. Sắp  chết, bảo con nhỏ rằng: “Mẹ ngươi ngăn ta giúp nhà, cho nên mới nghèo thế này. Nhưng trong châu ta có nghìn cây quất, không làm ra áo cơm cho ngươi được, nhưng mỗi vụ một cây đổi được bốn thất lụa, cũng đủ dùng được rồi”. Sau khi Hành chết hơn hai mươi ngày, con nhỏ nói với mẹ, mẹ nói: “Đấy đúng là trồng cây quất vậy, nhà ta lạc mất mười hộ khác đã bảy, tám năm, chắc là cha ngươi sai họ đi làm nhà ở. Cha ngươi thường khen Thái sử công nói: ‘Nghìn cây quất ở Giang Lăng cũng đủ làm giàu cho nhà ông’. Ta đáp nói: ‘Người ta lo không có đức nghĩa, không lo không giàu. Nếu giàu có mà ăn ở nghèo khổ, đấy là việc tốt, cần dùng gì nữa”! Cuối thời nhà Ngô, cây quất của Hành lớn, mỗi vụ đổi được mấy nghìn thất lụa, nhà được đầy đủ. Giữa năm Hàm Khang thời nhà Tấn, cây khô nền nhà của Hành vẫn còn.

Ngày kỉ sửu, phong Tôn Hạo làm Ô Trình Hầu, em Hạo là Đức làm Tiền Đường Hầu, Khiêm làm Vĩnh An Hầu.

Giang Biểu truyện viết: Bầy tôi tấu xin lập Hoàng hậu, Thái tử, hạ chiếu nói: “Trẫm vì đức kém, thay lập nghiệp lớn, chính trị ngày càng nông cạn, ân đức chưa đủ, như việc phong Hậu, lập người nối tự, không phải là việc cần gấp vậy”. Trăm quan lại cố xin, Hưu từ chối không nghe.

Ngày giáp ngọ tháng mười một, gió thổi qua bay lại, sương mù liên ngày. Nhà cửa lầu gác của Sâm đều có quân vệ, oai lấn cả vua, có người tấu lên, Hưu kính mà không làm trái ý, do đó thêm chuyên quyền. Hưu sợ việc có biến, nhiều lần ban thưởng thêm. Ngày bính thân, hạ chiếu nói: “Đại Tướng quân giữ ý trung trinh, đứng đầu lập kế để làm yên xã tắc, các quan trong ngoài đều khen lời kế ấy, đều có công lao. Ngày xưa Hoắc Quang định kế, trăm quan cùng lòng, không lập lại lỗi trước. Xét ngày trước cùng bàn định việc ghi tên nơi tông miếu, dựa vào việc cũ nên phong thêm tước vị, phải mau làm theo”. Ngày mậu tuất, hạ chiếu nói: “Đại Tướng quân nắm các việc quân trong ngoài, công việc rất nhiều, nay bái thêm Vệ tướng quân Ngự sử Đại phu Ân làm Thị trung, chia ra làm các việc với Đại Tướng quân”. Ngày nhâm tí, hạ chiếu nói: “Nhà các quan lại có năm người thì ba người phải thay nhau lao dịch, cha anh ở tại kinh đô, con em giao cho quan lại ở quận huyện, đã phải nạp thuế gạo, lại quân đi đánh dẹp cũng phải đi theo, đến như việc nhà chẳng có ai trông nom, trẫm rấy thương xót. Như năm người thì ba người lao dịch, nay nghe theo ý cha anh họ muốn giữ ở lại, cho giữ lại một người, miễn nạp thuế gạo, quân đi đánh dẹp không phải đi theo”. Lại nói: “Các quan tướng vâng lệnh theo đi đón tại đình Vĩnh Xương đều được tăng chức một bậc”. Phút chốc, Hưu nghe tin Sâm mưu phản, bèn ngầm mưu tính với Trương Bố. Ngày mậu thìn tháng mười hai, tế chạp(5), trăm quan hội chầu chúc mừng, công khanh lên điện, hạ chiếu sai võ sĩ trói Sâm, liền hôm đó kể tội mà giết đi. Ngày kỉ tị, hạ chiếu sau Tả Tướng quân Trương Bố đánh gian thần, bái Bố làm Trung quân đốc, phong em là Đôn làm Đô Đình Hầu, cấp cho ba trăm quân, em Đôn là Tuân làm Hiệu úy.

Hạ chiếu nói: “Ngày xưa dựng nước lấy việc dạy học làm đầu, cho nên phải tu sửa đạo đức, nuôi dưỡng người tài. Từ năm Kiến Hưng đến nay, việc nước rối ren, quan dân có phần theo việc ở trước mắt, bỏ gốc làm ngọn, không theo phép cũ. Không xem trọng việc trung hậu thì phong tục vỡ hoại. Trẫm xét thời xưa đặt chức quan coi việc học, lập chức Ngũ kinh Bác sĩ, chọn lấy người tài, ban cho bổng lộc, xét thấy con em của bọn tướng lĩnh và quan lại có người chí lớn thì cho vào làm việc. Mỗi năm mở khoa thi, chọn theo thứ bậc, lại thêm ban thưởng. Khiến cho người được chọn vui vẻ vì được vinh hiển, người được dùng ham thích vì được nổi danh, để sửa giáo hóa, để tu phong tục”.

Tháng giêng mùa xuân năm thứ hai, có sấm sét. Tháng ba, hội đủ quan cửu khanh, hạ chiếu nói: “Trẫm đã không có đức, lại đứng trên các Vương công, ngày đêm run rẩy, quên ăn quyên ngủ. Nay muốn xếp võ tu văn để nêu cao giáo hóa. Xét cái đạo ấy, phải làm cho quân dân no đủ, nên chăm chỉ trồng trọt. Quản Tử có nói: ‘Kho lúa đầy thì biết lễ nghĩa. Cơm áo đủ thì biết vinh nhục’. Một người không cày cấy thì có kẻ bị đói, một người không dệt vải thì có kẻ bị rét. Nếu cùng bị đói rét mà dân không làm việc sai trái, đấy là điều chưa có vậy. Từ năm ngoái đến nay, quan dân và quân sĩ các đồn ở  châu quân phần nhiều làm trái việc ấy, đều cưỡi thuyền trên sông lớn, mua bán trên bờ dưới sông, do đó ruộng tốt dần dần bỏ hoang, thóc lúa ngày càng ít, như thế muốn yên ổn, há có được sao? Cũng vì tô thuế quá nặng, người cày cấy ít lợi khiến nên như thế chăng! Nay trẫm muốn mở rộng ruộng cày, giảm nhẹ tô thuế, xem xét giàu nghèo mà thu thuế ruộng đất, khiến cho cân bằng, quan lại cũng được lợi, nhà cửa được cấp đầy đủ, vừa giúp nuôi lẫn nhau, vậy thì thân nhận mệnh lớn, không phạm phép cấm, do đó không cần dùng hình phạt mà phong tục cũng được sửa. Nếu quan lại hiền lương, dốc hết lòng giúp đời, dẫu là giáo hóa thời xưa cũng không bằng, sự yên bình thời Hán Văn Đế(6) cũng chẳng theo kịp. Nếu được thế thì vua tôi cùng vinh hiển, nếu không được thế thì cùng bị tổn hại hổ nhục, há được thong thả ngẩng cao đầu mà thôi? Các quan Thượng thư nên cùng chăm lo, chọn làm việc hay. Ruộng vườn đã đến mùa, không nên chậm trễ. Việc này phải làm ngay, để làm đẹp ý trẫm”.

Tháng ba mùa xuân năm thứ ba, người quận Tây Lăng nói là có con quạ đỏ xuất hiện. Mùa thu, theo lời bàn của Đô úy Nghiêm Mật, làm ruộng đê ven bờ sông. Người quận Cối Kê nói phao Vương là Lượng sắp về làm Thiên tử, rồi cung nhân của Lượng báo là Lượng sai người cầu đảo ở miếu thờ, có lời nói xấu. Quan coi việc tấu lên, liền giáng làm Hầu Quan Hầu, sai đến đất ấy. Trên đường đi Lượng tự sát, người đi theo hộ tống đều bị kể tội.

Ngô lục viết: Có người nói Hưu dùng rượu độc giết Lượng. Đến giữa năm Thái Khang thời nhà Tấn, quan Thiếu phủ cũ của nước Ngô người quận Đan Dương là Đái Ngung đón tang Lượng, táng ở Lại Hương.

Cắt phía nam quận Cối Kê lập thành quận Kiến An, chia quận Nghi Đô lập ra quận Kiến Bình.

Ngô lịch viết: Năm đó đào được cái vạc lớn ở huyện Kiến Đức.

Tháng năm mùa hạ năm thứ tư, có mưa to, nước suối cuồn cuộn. Tháng tám mùa thu, sai Quang lộc Đại phu Chu Dịch, Thạch Vĩ đi tuần tra phong tục, xem xét các quan tướng trong sạch hay nhơ bẩn, xem điều mà dân khổ sở, do đó hạ chiếu bãi truất và cất nhắc quan lại.

Sở quốc tiên hiền truyện viết: Thạch Vĩ tự Công Tháo, người Nam Quận, tu đức không nhác, tự mình răn giới, có chí không thể đổi. Triều đình cử Mậu tài, Hiền lương phương chính, đều không đến. Tôn Hưu lên ngôi, cho gọi Vĩ, trải các chức làm đến Quang lộc huân. Lúc Hạo lên ngôi, triều đinh rối loạn, Vĩ liền nói là già cả đau bệnh xin về, liền bái làm Quang lộc Đại phu. Ngô đã bình, Kiến uy Tướng quân Vương Nhung tự thân đến chỗ Vĩ.

Năm Thái Khang thứ hai, hạ chiếu nói: “Quan Quang lộc Đại phu của nước Ngô cũ là Thạch Vĩ giữ chí trong sạch, đến đầu bạc cũng không đổi, đất nước nguy loạn, giữ tiết ngay thẳng. Tuổi đã già cả, không chịu được đi xa, nay bái Vĩ làm Nghị lang, thêm bổng hai nghìn thạch để hưởng tuổi còn lại”. Vĩ lại giả điên và mù, không nhận chức quan của nhà Tấn. Năm tám mươi  ba tuổi ứng với năm Thái Hi thứ nhất thì chết.

Tháng chín, người huyện Bố Sơn nói có rồng trắng xuất hiện. Năm đó, người huyện An Ngô là Trần Tiêu chết, chôn táng, sáu ngày sau sống lại, chui xuyên trong đất mà ra.

Tháng hai mùa xuân năm thứ năm, lầu phía bắc cửa Bạch Hổ bị cháy. Tháng bảy mùa thu, người huyện Thủy Tân nói có rồng vàng xuất hiện. Ngày nhâm ngọ tháng tám, có mưa to sấm sét, nước suối cuồn cuộn. Ngày ất dậu, lập Chu thị làm Hoàng hậu. Ngày mậu tí, lập con là Loan làm Thái tử, đại xá.

Ngô lục chép chiếu của Hưu nói: Người ta có tên để phân biệt nhau, lớn lên thì đặt tên chữ để kiêng kị tên gốc của mình vậy. Về lễ, đặt tên gốc và tên chữ muốn làm sao cho khó phạm dễ tránh húy, năm mươi tuổi gọi là bá trọng, thời xưa hoặc có một tên chữ. Người thời nay lại đặt tên gốc hay tên chữ đẹp, lại cho phối nhau, dùng không được hợp, đấy là tên chữ mù mờ mà cho là sáng suốt. Ta từng chê cười việc này. Hoặc do cha anh thầy bạn đặt tên cho, hoặc tự mình đặt tên; thầy bạn đặt tên cho còn được, cha anh đặt tên cho vẫn không nên, tự mình đặt tên cho mình là rất không nên. Nay ta giúp bốn con trai đặt tên gốc và tên chữ rằng: Thái tử có tên là Loan, chữ ‘loan’ đọc như chữ ‘loan’ trong từ ‘hồ thủy loan áo’, tên chữ là Hất, chữ ‘hất’ đọc như chữ ‘hất’ trong từ ‘hất kim’; con thứ có tên là Quang, chữ ‘quang’ đọc như chữ ‘quang’ trong từ ‘hủy quang’, tên chữ là Hân, chữ ‘hân’ đọc như chữ ‘hân’ trong từ ‘huyền hân’; con thứ có tên là Mãng, chữ ‘mãng’ đọc nhữ ‘mãng’ trong từ ‘thảo mãng’; con thứ có tên là Bao, chữ ‘bao’ đọc như chữ ‘bao’ trong từ ‘bao y hạ khoan đại’, tên chữ là Ủng, chữ ‘ủng’ đọc như chữ ‘ủng’ trong từ ‘hữu sở ủng trì’. Đấy đều không giống với chữ mà người đường thường dùng, cho nên ta xem chữ xưa mà tổng hợp đặt nên. Cắt vá tám loại chữ, dựa vào từng việc mà tạo ra, nay tạo thành tên gốc và tên chữ, đã không phối nhau, chữ lại chỉ có một, lại dễ bỏ kiêng húy, nay báo khắp thiên hạ, phải đều nghe biết”.

Thần là Tùng Chi cho rằng: Tả truyện viết: “Tên để lập nghĩa, nghĩa để làm lễ, lễ để coi chính(7), chính để giúp dân. Cho nên chính thành thì dân nghe theo, nếu dễ dãi thì sinh loạn”. Nói ra lời này, há cũng sáo rỗng chăng! Hưu muốn khó phạm tên húy, sao lại lo không biết đặt tên mà lại tạo nên tên chữ không cùng, đọc âm không theo phép tắc, làm trái với sách xưa, để bị người đời sau chê cười, cũng chẳng lạ sao! Cho nên phần mộ chưa khô mà vợ con mất diệt. Lời của Sư Phục(8), do đó mà ứng nghiệm vậy.

Tháng mười mùa đông, lấy Vệ Tướng quân Bộc Dương Hưng làm Thặng tướng, Đình úy Đinh Mật, Quang lộc huân Mạnh Tông làm Tả, Hữu Ngự sử Đại phu. Hưu vì Thặng tướng Hưng và Tả Tướng quân Trương Bố có ân cũ, trao việc cho họ, Bố coi việc trong cung, Hưng nắm việc quân cả nước. Hưu thông ý nơi sách vở, muốn chép lại lời nói của trăm nhà, lại ưa bắn chim,  vào mùa xuân mùa hạ thường đi từ sớm đến tối mới về, chỉ lúc ấy mới rời sách. Hưu muốn bàn luận đạo nghệ với Bác sĩ Tế tửu Vi Diệu, Bác sĩ Mạnh Xung; Diệu, Xung vốn đều là người thẳng thắn, Bố sợ vào hầu thì sinh chuyện lôi thôi, liền sai không được vào, nhân đó nói giấu bừa để ngăn chặn họ. Hưu đáp nói: “Ta đã học qua, xem khắp các sách, cái mà ta thấy không phải ít vậy; những vua áng vua tối, thần gian tôi giặc trong đó, xưa nay việc hiền ngu thành bại, không gì không đọc. Nay bọn Diệu vào, chỉ muốn cùng bàn luận các việc trong sách mà thôi, không phải là theo bọn Diệu bắt đầu chịu học. buông rỗi như thế, cũng có hại gì? Ông chỉ là vì sợ bọn Diệu gây việc gian biến của bầy tôi, cho nên không muốn cho vào mà thôi. Việc đã như thế, ta đã có phòng bị. Không cần bọn Diệu đến rồi mới làm vậy. Đấy không có gì tổn hại, là vì ý ông vẫn nghi ngờ nên như thế”. Bố nghe lời bèn tạ lỗi, tự mình bày kể, lại nói là sợ trở ngại đến chính trị. Hưu đáp nói: “Việc trong sách vở, chỉ hại người không tốt, người tốt thì không có hại. Đấy là không làm việc sai, mà ông cho là không nên, do đó ta có mới nói đến vậy. Việc học và chính trị, điều loại đều khác, không thể trở ngại nhau được. Không ngờ ngày nay ông làm việc lại làm việc này với ta vậy, đấy là điều mà người giỏi không làm”. Bố cúi đầu bái tạ, Hưu đáp nói: “Khanh nên tự hiểu ra, sao lại cúi đầu vậy! Như lòng trung thực của ông, là điều mà gần xa đều biết. Ngày trước giúp nhau là vì nghiệp lớn ngày nay vậy. Kinh Thi viết: ‘Chẳng ai không có công, nhưng ít người được trọn vẹn’. Trọn vẹn thật là khó, nhưng ông là trọn vẹn”. Lúc đầu vào thời Hưu làm Vương, Bố làm tướng đốc tả hữu, vốn được tin yêu, đến lúc lên ngôi Đế, lại được sủng kính nhưng chuyên quyền làm việc, nhiều lần vô lễ, tự thấy lỗi lầm, sợ Diệu, Xung nói ra cho nên rất lo lắng. Hưu dẫu cởi bỏ ý ấy, nhưng trong lòng không vui, lại sợ Bố lo lắng, lại an ủi Bố, bỏ việc bàn luận ấy, không gọi vọn Xung vào nữa. Năm đó sai quan Sát chiến đến quận Giao Chỉ thu chim khổng tước, heo lớn.

Thần là Tùng Chi xét: Sát chiến là tên quan của nước Ngô, ở Giang Đô ngày nay có cảng của quan Sát chiến.

Tháng tư mùa hạ năm thứ sáu, người huyện Tuyền Lăng nói là có rồng vàng xuất hiện. Tháng năm, quan lại của quận Giao Chỉ là bọn Lữ Hưng làm phản, giết Thái thú Tôn Tư. Lúc đầu Tư bắt hơn nghìn thợ khéo trong quận đưa đến Kiến Nghiệp, vừa lúc quan Sát chiến đến, sợ lại bị bắt, cho nên bọn Hưng nhân đó phát động quân dân, chiêu dụ người rợ vậy. Tháng mười mùa đông, Thục đem việc bị Ngụy đánh đến báo. Ngày quý mùi, thành nhỏ  Thạch Đầu ở Kiến Nghiệp bị cháy, đốt sạch tám trăm mười trượng ở góc tây nam. Ngày giáp thân, sai Đại Tướng quân Đinh Phụng đem các quân hướng đến thành Thọ Xuân của nước Ngụy, Tướng quân Lưu Bình sai riêng Thi Tích đến ở Nam Quận, bàn bạc chỗ mà quân đi đến, Tướng quân Đinh Phụng, Tôn Dị đến Miện Trung, đều cứu Thục. Vua Thục là Lưu Thiện sai người đem việc hàng Ngụy đến báo, do đó rút quân. Lữ Hưng đã giết Tôn Tư, sai sứ đến nước Ngụy, xin Thái thú và quân sĩ đến. Thặng tướng Hưng dâng tấu chọn vạn người làm ruộng cho làm quân sĩ. Chia quận Vũ Lăng lập ra quận Thiên Môn.

Ngô lịch viết: Năm đó có rồng xanh xuất hiện ở Trường Sa, chim én trắng xuất hiện ở Từ Hồ, chim khổng tước đỏ xuất hiện ở Dự Chương.

Tháng giêng mùa xuân năm thứ bảy, đại xá. Tháng hai, Trấn quân Tướng quân Lục Kháng, Phủ quân Tướng quân Bộ Hiệp, Chinh tây Tướng quân Lưu Bình, Kiến bình Tướng quân Thịnh Mạn đem quân vây tướng giữ thành Ba Đông của đất Thục(9) là La Hiến. Tháng tư mùa hạ, tướng vừa hàng phục nước Ngụy là Vương Trĩ vượt biển vào Câu Chương, đánh cướp trưởng lại là Thưởng Lâm cùng hơn hai trăm trai gái. Tướng quân Tôn Việt chặn đánh thu được một chiếc thuyền, bắt ba mươi người. Tháng bảy mùa thu, giặc biển phá bãi làm muối biển, giết Tư diêm Hiệu úy Lạc Tú. Sai Trung thư lang Lưu Xuyên phát quân ở Lư Lăng đi đánh. Người quận Dự Chương là bọn Trương Tiết làm loạn, có hơn vạn người. Ngụy sai Tướng quân Hồ Liệt đem hai vạn quân kị bộ vào Tây Lăng để cứu La Hiến, do đó bọn Lục Kháng dẫn quân rút về. Lại chia Giao Châu đặt ra Quảng Châu. Ngày nhâm ngọ, đại xá. Ngày quý mùi, Hưu hoăng, Giang Biểu truyện viết: Hưu mắc bệnh, miệng không nói được lời, bèn tự tay viết thư gọi Thặng tướng Bộc Dương Hưng vào, sai con là Loan ra bái đón. Hưu nắm tay Hưng, chỉ tay vào Loan để trao gửi.

bấy giờ ba mươi tuổi, thụy là Cảnh Hoàng Đế.

Bão Phác Tử của Cát Hồng viết: Vào thời Cảnh Đế của nước Ngô, có tướng giữ thành ở Quảng Lăng đào được các ngôi mộ, lấy ván để sửa thành, những tấm ván đó bị mục rất nhiều. Lại đào một ngôi mộ lớn, trong có tầng gác, cánh cửa đều xoay chuyển đóng mở được, bốn phía là đường hào vừa xe, cửa cao có cưỡi ngựa qua được. Lại đúc đồng làm mấy chục tượng người, cao năm thước, đều đội mũ lớn mặc áo đỏ, cầm kiếm đứng bên quan quách, tượng người đồng đều khắc chữ nạm ngọc xanh ở sau lưng tượng người đồng, nói là Điện trung Tướng quân, có tượng khắc chữ là Thị lang, Thường thị. Giống mộ của công chúa. Phá quan, trong quan có người, tóc đã bạc trắng, mũ áo sáng đẹp, vẻ mặt như người sống, trong quan có chất bám kết dày khoảng một thước, lấy ba chục tấm ngọc xanh trắng bọc thây. Bọn quân lính cùng đưa người chết ra, cho dựa vào ngọc trong mộ. Có một tấm ngọc dài khoảng một thước, hình giống quả dưa mát, từ trong bụng người chết lồi ra xuống đất. Trong hai tai và lỗ mũi đều có vàng ròng lớn như quả táo. Đấy chắc là xương cốt có vật che giữ nên không mục vậy.

 

CHÚ THÍCH

(1) Đại xá: tha tội chết hoặc giảm tội cho tội nhân.

(2) Vùng Hoài Nam: vùng phía nam sông Hoài cho đến phía bắc sông Trường Giang.

(3) Vùng có quân mã nơi bến sông: ý nói các vùng trọng yếu của nước Ngô ở ven sông Trường Giang.

(4) ‘Móc câu chặt áo’: ‘Móc câu’ chỉ việc Quản Trọng bắn móc câu vào Tề Hoàn Công. Tề Tương Công hôn ám, em là Kiểu trốn đến nước Lỗ, dùng Quản Trọng làm thầy; Tiểu Bạch trốn đến nước Cử, dùng Bão Thúc Nha làm thầy. Sau khi Tề Tương Công chết, Kiểu và Tiểu Bạch tranh nhau về nước Tề làm vua. Quản Trọng đem quân chặn đường Tiểu Bạch, lấy móc câu trong áo ra bắn, Tiểu Bạch giả chết, cuối cùng vào nước Tề làm vua, đấy là Tề Hoàn Công. Sau khi lên ngôi vua, Tề Hoàn Công không nhớ thù cũ, dùng Quản Trọng làm Tướng quốc. ‘Chặt áo’ chỉ việc Tấn Hiến Công (theo Sử kí - Tấn thế gia thì Tấn Huệ Công sai hoạn quan là Lí Đề đi giết Trùng Nhĩ) làm vua sợ Công tử Trùng Nhĩ tranh ngôi vua, bèn sai hoạn quan là Phi đi giết Trùng Nhĩ, suýt giết chết, chỉ chặt đứt được vạt áo của Trùng Nhĩ.  Trùng Nhĩ chạy thoát, sau này về nước Tấn làm vua, đấy là Tấn Văn Công, không nhớ oán cũ, vẫn bàn việc nước với hoạn quan Phi. Đều chỉ việc không nhớ oán cũ. Ở đây nói Tôn Hưu bắt chước Tề Hoàn Công và Tấn Văn Công mà tha và vẫn dùng cho Lí Hành.

(5) Tế chạp: tế cuối năm.

(6) Hán Văn Đế: vị vua thứ ba của nhà Hán, thời Hán Văn Đế là thời thiên hạ yên bình.

(7) Chính: chính trị, việc quan trọng của nhà nước.

(8) Sư Phục: người nước Tấn, làm quan Đại phu của nước Tấn, nói với Tấn Mục Công rằng: “Tên để lập nghĩa, nghĩa để làm lễ, lễ để coi chính, chính để giúp dân. Cho nên chính thành thì dân nghe theo, nếu dễ dãi thì sinh loạn”.

(9) Thành Ba Đông của đất Thục: bấy giờ nước Thục đã thuộc vào nước Tấn.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét