Thứ Bảy, 19 tháng 8, 2023

NGÔ THƯ QUYỂN 2 - NGÔ CHỦ TRUYỆN (3)

Tôn Kiên - Tôn Quyền - Tôn Sách

NGÔ THƯ QUYỂN 2 - NGÔ CHỦ TRUYỆN

TÔN QUYỀN TRUYỆN (Phần III)

Tháng năm mùa hạ năm thứ năm, Thừa tướng Tôn Thiệu chết.

Ngô lục chép: Thiệu tự Trưởng Tự, người quận Bắc Hải, thân cao tám thước. Làm Công tào của Khổng Dung, Dung khen nói: “Người tài trong đình miếu vậy”. Theo Lưu Do ở Giang Đông. Lúc Quyền coi việc, nhiều lần bày kế nên làm, cho là nên đến nạp cống, Quyền liền nghe theo. Bái làm Lư Giang Thái thú, chuyển làm Xa kị trưởng sử. Đầu năm Hoàng Vũ làm Thừa tướng, Uy viễn tướng quân, phong Dương Tiện Hầu. Trương Ôn, Kị Diễm tấu việc của Thiệu, Thiệu từ chức xin chịu tội, Quyền tha cho rồi lệnh làm chức cũ, sáu mươi ba tuổi thì chết.

Chí lâm chép: Ngô dựng cơ nghiệp thì Thiệu là Thừa tướng đầu tiên, sử không có truyện về người này, trộm nghĩ cũng lạ. Ta từng hỏi Lưu Thanh Thúc. Thanh Thúc là người quân tử học rộng, nói: “Nghĩ về chức vị của người này đáng phải viết truyện. Nhưng bọn Hạng Tuấn, Ngô Phu, Đinh Phu bấy giờ đã có ghi chép, cho là người này không hợp với Trương Huệ Thứ. Sau đó họ Vi soạn sử, có lẽ cũng là cùng bọn của Huệ Thứ cho nên không được chép vào sách.

Tháng sáu, lấy Thái thường Cố Ung làm Thừa tướng.

Ngô thư chép: Lấy Thượng thư lệnh Trần Hóa làm Thái thường. Hóa tự Nguyên Diệu, người quận Nhữ Nam. Xem rộng các sách, cứng cỏi khí khái, thân dài bảy thước chín tấc, nhã nhặn lại có vẻ uy phong. Làm Lang trung lệnh đi sứ Ngụy. Ngụy Văn Đế nhân đó rót rượu, hỏi cợt rằng: “Ngô, Ngụy đứng đối, ai sẽ một ngày bình định được trong nước vậy”? Hóa đáp nói: “Kinh Dịch chép nói Đế xuất ở cung chấn, lại nghe nói người hiền biết mệnh trời, người xưa nói rằng ô đỏ cờ vàng, ứng vận tại miền đông nam”. Đế nói: “Ngày xưa Văn Vương làm bá miền tây mà làm vua của thiên hạ, há lại tại phương đông sao”? Hóa nói: “Nhà Chu mới đầu dựng nghiệp làm bá ở miền đông, cho nên Văn Vương nổi lên được ở phương tây”. Đế cười, không cho là khó, trong lòng khen lời biện ấy. Đi sứ xong phải về, dùng lễ tống tiễn rất hậu. Quyền thấy Hóa nhận lệnh làm nhà nước rạng rỡ, bái làm Kiền Vi Thái thú, đặt quan thuộc. Chốc lát, chuyển làm Thái thường, kiêm chức Thượng thư lệnh. Cả quận nghiêm túc, răn con em bỏ ruộng vườn, dứt bỏ của cải, chỉ trông vào bổng lộc của chức quan, không tranh lợi với trăm họ. Vợ mất sớm, Hóa lấy việc xưa mà soi, bèn không lấy vợ nữa. Quyền nghe nói mà quý Hóa, thấy Hóa còn khỏe, khuyên lấy con gái của tông thất làm vợ dòng chính, Hóa xưng bệnh cố từ, Quyền không làm trái ý của Hóa. Đến bảy mươi tuổi mới dâng sớ xin từ quan, bèn được về ở huyện Chương An, chết ở nhà. Con cả là Sí, tự Công Hi, thuở nhỏ có chí cao, giỏi tính toán. Vệ tướng quân Toàn Tông cử Sí làm Đại tướng quân, đến gọi, trên đường đi thì chết.

Người huyện Hoàn Khẩu nói là có cây gỗ khác rễ. Tháng mười hai mùa đông. Giặc ở quận Bà Dương là Bành Ỷ tự xưng Tướng quân, đánh diệt các huyện, có mấy vạn quân. Năm đó đất động liên tiếp.

Ngô lục chép: Mùa đông năm đó, Ngụy Văn Đế đến Quảng Lăng, đến sông xem quân, có hơn mười vạn quân, cờ tinh kéo dài mấy trăm dặm, có ý vượt sông. Quyền đặt quân cố giữ chắc. Bấy giờ có băng tuyết lớn, thuyền không thể vào sông. Đế thấy sóng vỗ ầm ầm, than rằng: “Ô hô! Là chỗ mà trời cố ngăn nam bắc vậy”! Rồi về. Tôn Thiều lại sai tướng là bọn Cao Thọ đem năm trăm quân liều chết buổi đêm đi đường tắt chặn đường, Đế kinh hãi, bọn Thọ thu được xe ngựa, lọng lông đem về.

Mùa xuân năm thứ năm, lệnh nói: “Dấy quân lâu ngày, dân bỏ việc cày cấy, cha con vợ chồng không được gặp nhau, ta rất thương xót. Nay giặc bắc rút lui, cõi ngoài không có việc, hạ lệnh cho các châu quân phải được nghỉ ngơi”. Bấy giờ Lục Tốn ở chỗ mình thiếu lúa, dâng biểu xin lệnh các tướng tăng thêm ruộng cày. Quyền báo nói: “Rất hay. Nay cha con ta tự thân nhận ruộng, lấy bốn con trâu của tám con trâu trong xe để cày bừa. Dẫu không bằng người xưa, cũng muốn cùng dân chúng làm việc vậy”. Tháng bảy mùa thu, Quyền nghe tin Ngụy Văn Đế băng, liền đánh quận Giang Hạ, vây huyện Thạch Dương, không thắng mà về. Người quận Thương Ngô nói là có chim phượng hoàng xuất hiện. Chia mười huyện đất xấu của ba quận lập ra quận Đông An,

Ngô lục chép: Sở trị của quận ở huyện Phú Xuân.

lấy Toàn Tông làm Thái thú, đánh dẹp người Sơn Việt. Tháng mười mùa đông, Lục Tốn bày kế nên làm, khuyên nên ban đức nới hình phạt, giảm tô bớt thuế. Lại nói: “Lời nói trung thẳng, không thể kể hết, xin nghe lời tôi thần, sẽ kể lợi truyền lên”. Quyền báo nói: “Pháp lệnh đặt ra, muốn để trừ ác ngừa xấu, ngăn chặn cái chưa tốt vậy. Há không có hình phạt để ra uy với kẻ tiểu nhân sao? Đấy là lệnh trước phạt sau, không muốn khiến cho có kẻ phạm cấm mà thôi. Ông là người chức rất cao, ta cũng được lợi vậy, nhưng chỉ là buộc phải làm thôi. Nay nhận ý ngươi, nên hỏi mưu nhiều người, phải theo việc nào nên làm. Vả lại cận thần ra sức can ngăn, họ hàng cũng có ý khuyên răn, là vì giúp ông làm rõ trung tín với vua vậy. Kinh Thư chép: ‘Ta làm trái thì ngươi phải giúp sửa, ngươi không được làm theo. Ta há không vui khi nghe lời trung để tự bù đắp cái dở sao’? Lại chép: ‘Không dám nói hết, đấy là lời trung thẳng sao’? Như trong bọn tôi thần, có kẻ đáng dùng được, há bỏ lời người ta mà không chọn lấy lời hay sao? Nhưng lời nịnh bợ cầu yên thân, dẫu che dấu nhưng ta cũng biết rõ vậy. Đến như việc thu thuế, vì thiên hạ chưa định, việc cần dân giúp. Như chỉ giữ miền Giang Đông, tu sửa nới lỏng chính lệnh thì quân chỉ tự đủ dùng. Miễn thuế thì dùng được bao nhiêu? Cố ngồi tự giữ là thấp. Nếu không dự sẵn tô thuế, sợ rằng lúc gặp việc thì không không lợi vậy. Lại nữa ta và ông chức phận có khác, nhưng cùng chung vui lo, biểu đến nói là không dám theo nhiều người lo yên thân mà cẩu thả, đấy thực là cái mà ta mong ông vui lòng vậy”. Do đó sai quan coi việc ghi hết các việc, sai Lang trung Trữ Phùng đem đến chỗ Lục Tốn và Gia Cát Cẩn, xét chỗ không yên thì lệnh thêm hoặc bớt đi. Năm đó chia Giao Châu đặt ra Quảng Châu, chốc lát đặt lại như cũ.

Giang Biểu truyện chép: Quyền sửa mới thuyền lớn ở Vũ Xương, đặt tên là ‘thuyền Trường an’, thử chèo ra ở chỗ câu cá. Bấy giờ có gió to mạnh, Cốc Lợi sai người lái thuyền giữ lấy cửa rào. Quyền nói: “Nên dương đầu đến lấy La Châu”. Lợi rút đao hướng về người lái thuyền nói: “Ai không giữ lấy rào thì chém”. Người lái thuyền chuyển bánh lái vào cửa rào, gió bèn đổi mạnh không đi được, lại về. Quyền nói: “A Lợi sợ nước sao mà khiếp thế”? Lợi quỳ nói: “Đại vương là vua của nước vạn cỗ xe, vậy mà coi rẻ chỗ vực sâu không đo được, chơi đùa ở giữa sóng lớn, thuyền lầu dựng cao, lỡ bị nghiêng nguy thì xã tắc sẽ ra sao? Cho nên Lợi liền liều chết can ngăn”. Do đó Quyền quý trọng Lợi, từ đó về sau không còn gọi tên, thường gọi là ‘Cốc’.

Tháng giêng mùa xuân năm thứ sáu, các tướng bắt được Bành Ỷ. Tháng nhuận, con của Hàn Đương là Tống đem quân của mình hàng nhà Ngụy.

Tháng ba mùa xuân năm thứ bảy, phong con là Lự làm Kiến Xương Hầu. Bãi quận Đông An. Tháng năm mùa hạ, Bà Dương Thái thú Chu Phường giả phản, dụ tướng Ngụy là Tào Hưu. Tháng tám mùa thu, Quyền đến Hoản Khẩu, sai Tướng quân Lục Tốn đem các tướng đại phá quân của Tào Hưu ở Thạch Đình. Đại tư mã Lữ Phạm chết. Năm đó, đổi tên quận Hợp Phố thành quận Châu Quan.

Giang Biểu truyện chép: Năm đó, Tướng quân Trạch Đan phản đến nước Ngụy. Quyền sợ các tướng sợ tội mà bỏ trốn, bèn hạ lệnh nói: “Từ nay nếu các tướng mắc ba tội nặng thì mới bị xét tội”.

Mùa xuân năm Hoàng Long thứ nhất, trăm quan công khanh đều khuyên Quyền xưng tôn hiệu. Tháng tư mùa hạ, người huyện Hạ Khẩu, huyện Vũ Xương đều nói là có rồng vàng, chim phượng hoàng xuất hiện. Ngày bính thân, lên ngôi Hoàng đế ở đàn nam giao.

Ngô lục chép lời văn cáo trời rằng: “Hoàng đế, thần là Quyền dám dùng ngựa đen báo rõ cho Hoàng Hoàng Hậu Đế: Nhà Hán giữ nước hơn hai mươi tư đời, trải qua hơn bốn trăm ba mươi tư năm, khí số đã hết, phúc lộc đã cạn, trời cao buông bỏ, đất đai chia vỡ. Bọn nghịch thần là Tào Phi bèn cướp lấy vật thần, con của Phi là Duệ nối thay làm việc ác, làm loạn chế lệnh. Quyền sinh ở miền đông nam, ứng gặp thời vận, nắm giữ binh quyền, có chí dẹp đời, nhận lệnh đánh kẻ có tội, nhấc chân giúp dân. Bọn bầy tôi là các tướng văn, tướng võ, người coi việc của các thành trong châu quận đều cho rằng ý trời bỏ nhà Hán, nhà Hán đã dứt tế với trời, Hoàng đế chỉ là ngôi hão, không có chủ cúng tế. Đón lấy điềm lành, trước sau đều hợp, khí vận tại mình, không thể không nhận. Quyền sợ mệnh trời, không dám không theo, kính chọn ngày tốt, lên đàn đốt tế, lên ngôi Hoàng đế. Chỉ có thế để thần hưởng lấy, để giúp đỡ nước Ngô, mãi được trọn lộc trời”.

Hôm đó đại xá, đổi niên hiệu. Truy tôn cha là Phá lỗ tướng quân Kiên làm Vũ Liệt Hoàng Đế, mẹ là Ngô thị làm Vũ Liệt Hoàng hậu, anh là Thảo nghịch tướng quân Sách làm Trường Sa Hoàn Vương. Ngô Vương Thái tử Đăng làm Hoàng thái tử. Các tướng lại đều được thưởng thêm.

Trước đây, giữa năm Hưng Bình, trẻ con ở quận Ngô hát rằng: “Xe hoàng kim, quai ban lan, mở cửa Xương, sinh thiên tử”.

Cửa Xương là cửa thành phía tây quận Ngô, do Phù Sai làm.

Tháng năm, sai Hiệu úy Trương Cương, Quản Đốc đến quận Liêu Đông. Tháng sáu, nước Thục sai Vệ úy Trần Chấn đến mừng Quyền lên ngôi. Quyền bèn phân chia thiên hạ, các châu Dự, Thanh, Từ, U thuộc Ngô, các châu Duyện, Kí, Tinh, Lương thuộc Thục. Các đất mình quản thì lấy cửa Hàm Cốc làm ranh giới, làm văn thề rằng: “Thiên hạ vỡ lở, rường mối đứt gãy, nghịch thần phản loạn, cướp lấy quyền bính, bắt đầu từ Đổng Trác, cuối cùng về tay Tào Tháo, ác cùng hung cực, bốn cõi chao đảo, đến nay chín châu rách xé, trời cao không có chính thống, thần người đau đáu, không có ở yên. Đến lúc con của Tháo là Phi làm việc trái để lại cái xấu, khơi dẫn gian ác, dám đổi ngôi trời, rồi thằng nhóc Duệ đi theo vết xấu của Phi, ngầm đem quân cướp đất, còn chưa bị đánh dẹp. Ngày xưa Cộng Công làm loạn thì Cao Tân dùng quân, Tam Miêu phạm pháp thì Ngu Thuấn đến đánh. Ngày nay diệt Duệ, bắt sống bọn chúng, không phải Hán và Ngô thì ai sẽ làm được? Như việc trừ nghịch dẹp bạo, phải kể rõ tội của chúng, nên phân chia trước, sau đó lấy đất đai của chúng, khiến cho lòng quân dân đều biết chỗ nên quay về. Cho nên thời Xuân thu có Tấn Hầu đánh nước Vệ, chia ruộng của nước ấy để cấp cho nước Tống, đấy là nghĩa của Tấn Hầu vậy. Vả lại thời xưa làm việc lớn tất thề ước trước, cho nên sách Chu lễ chép quan coi việc thề ước, sách Thượng thư chép có lời văn cáo thề, Hán và Ngô, dẫu tin ở trong lòng nhưng chia cắt đất đai vẫn phải có thề ước. Gia Cát Thừa tướng uy đức lan xa, che chở cho nước ấy, coi việc quân ở ngoài, lòng tín cảm âm dương, ý thành động trời đất, lập lại kết thân, mở rộng thề ước, khiến cho dân chúng đông tây đều cùng nghe biết. Cho nên lên đàn giết vật tế, cáo rõ cho thần minh, lại thêm thư máu, trao cho nhà trời. Trời cao nghe người dưới, uy linh bao trùm, các vị thần tư thận, tư minh được cúng tế, chẳng ai không đến. Từ nay sau khi Hán và Ngô đã thề ước, phải hợp sức một lòng, cùng đánh giặc Ngụy, cứu nguy trừ nạn, chia buồn xẻ vui, trị kẻ gây ác, khiến cho người dân không có lòng khác. Nếu có kẻ hại nhà Hán thì nước Ngô đánh kẻ đó. Nếu có kẻ hại nước Ngô thì nhà Hán đánh kẻ đó. Đều giữa đất đai, không xâm lấn nhau. Truyền cho đời sau, trọn vẹn trước sau, như trăm điều ước, đều như sách chép. Lời viết không đẹp nhưng thực là cốt ở hòa thân. Nếu có đổi lời thề, gây họa chước loạn, làm trái không giúp, coi thường mệnh trời thì thần minh Thượng Đế đánh phạt kẻ đó, trăm thần sông núi sẽ trị tội kẻ đó, khiến cho kẻ đó vỡ đổ, không được hưởng lộc. Các vị thần lớn, soi xét việc này”! Tháng chín mùa thu, Quyền dời đô đến thành Kiến Nghiệp, nhân đó phủ cũ không đổi quán, gọi Thượng đại tướng quân Lục Tốn đến giúp Thái tử Đăng, ở lại coi việc ở Vũ Xương.

Tháng giêng mùa xuân năm thứ hai, nhà Ngụy đắp Tân Thành ở quận Hợp Phì. Chiếu lập quan Đô giảng tế tửu để dạy các con học. Sai Tướng quân Vệ Ôn, Gia Cát Trực đem vạn quân giáp sĩ vượt biển tìm Di Châu và Đản Châu. Đản Châu ở giữa biển, người già nói rằng Tần Thủy Hoàng sai phương sĩ là Từ Phúc đem mấy nghìn trẻ con trai gái vào biển, tìm thuốc tiên và núi thần Bồng Lai, bèn ở lại đó không về. Đến nay dòng dõi có mấy vạn nhà, bấy giờ người dân trên đó có người đến quận Cối Kê mua vải, người huyện Đông Dã quận Cối Kê đi biển cũng có người gặp gió lớn trôi lạc vào Đản Châu. Chỗ này xa cách, rút cuộc không đến được, nhưng bắt được mấy nghìn người ở Di Châu đem về.

Tháng hai mùa xuân năm thứ ba, sai Thái thường Phan Tuấn đem năm vạn quân đánh người Man Di ở quận Vũ Lăng. Bọn Vệ Ôn, Gia Cát Trực đều làm trái chiếu lệnh mà không lập công, bắt vào ngục. Mùa hạ, có con tằm hoang làm thành kén, lớn như quả trứng. Vì có cây lúa hoang tự mọc, đổi thành huyện Hòa Hưng. Trung lang tướng Tôn Bố giả hàng để dụ tướng Ngụy là Vương Lăng. Lăng đem quân đón Bố. Tháng mười mùa đông, Quyền đem đại quân ẩn đợi ở gò Phụ Lăng đợi, Lăng biết bèn lui. Người huyện Nam Thủy Bình quận Cối Kê nói là có lúa tốt mọc. Ngày đinh mão tháng mười hai, đại xá, đổi niên hiệu năm sau.

Tháng giêng mùa xuân năm Gia Hòa thứ nhất, Kiến Xương Hầu là Lự chết. Tháng ba, sai Tướng quân Chu Hạ, Hiệu úy Bùi Tiềm vượt biển đến quận Liêu Đông. Tháng chín mùa thu, tướng Ngụy là Điền Dự chặn đánh, chém bọn Hạ ở núi Thành Sơn. Tháng mười mùa đông, Liêu Đông Thái thú Công Tôn Uyên của nhà Ngụy sai Hiệu úy Túc Thư, Lãng Trung Lệnh là Tôn Tống xưng thần với Quyền, cùng dâng ngựa, điêu. Quyền rất mừng, phong tước vị cho Uyên.

Giang Biểu truyện chép: Mùa đông năm đó, bầy tôi vì Quyền chưa tế giao, tấu bàn rằng: “Gần đây có điềm lành thường đến, nước xa mộ nghĩa, ý trời lòng dân trước sau tụ tập, nên sửa soạn tế giao để theo ý trời”. Quyền nói: “Tế giao phải ở Trung Thổ, nay không có chỗ ấy, sao mà làm được”? Lại tấu nói: “Dưới vòm trời này không đâu là không phải đất của vua; vua lấy thiên hạ làm nhà. Ngày xưa Văn Vương, Vũ Vương nhà Chu tế giao ở ấp Phong, ấp Cảo, không phải là Trung Thổ”. Quyền nói: “Vũ Vương đánh Trụ, lên ngôi vua ở ấp Cảo, cho nên tế giao ở đấy. Văn Vương chưa làm thiên tử, lập đàn tế giao ở ấp Phong, thấy ở kinh điển nào”? Lại tấu nói: “Coi thấy trong Hán thư - Giao tự chí có chép Khuông Hành tấu xin dời đàn tế trời ở miền Cam Tuyền quận Hà Đông đến ở thành Tràng An, nói rằng Văn Vương tế giao ở đất Phong”. Quyền nói: “Văn Vương tính khiêm nhường, đặt chức vị của chư hầu, rõ là chưa lập đàn tế giao vậy. Kinh truyện không có chép rõ. Khuông Hành là nhà Nho phàm tục, không được chép thẳng trong điển tịch, không dùng được”. Chí lâm chép: Ngô Vương xét bỏ lời tấu tế giao, chê bai Khuông Hành, gọi là nhà Nho phàm tục. Những cái ta được thấy, không ai không cảm khái cho rằng là thấu hết lí lẽ, đúng với sự việc. Đến như nói là xem trong điển tịch, lại càng không thông. Lời của họ Mao nói: “Vua Nghiêu thấy thiên văn ứng vào đất Cáp mà sinh ra Hậu Tắc, cho nên dựng nước ở đất Cáp, sai phải thờ trời”. Cho nên kinh Thi chép: “Hậu Tắc cúng tế, gần như không mắc lỗi, đã truyền đến nay”. Nói rằng từ thời Hậu Tắc về sau đều phải tế trời, giống việc người nước Lỗ tế giao vậy. Cho nên trong bài Vực phác có chép là ‘chất củi đốt tế’. Văn Vương tế giao ở ấp Phong, kinh truyện có chép rõ. Khuông Hành mà phàm tục, nói oan chăng? Văn Vương dẫu chưa làm thiên tử nhưng đã có hai phần ba thiên hạ rồi. Lúc đánh người Sùng Kham Lê thì Tổ Y đến báo. Trời đã bỏ nhà Ân, bèn giữ lấy miền tây, Thái Bá ba lần nhường, do đó có thiên hạ. Văn Vương làm Vương, còn nghi ngờ gì? Vậy thì lời bàn về Khuông Hành có chỗ chưa phải. Xét Thế Tông dựng miếu thờ ở Cam Tuyền, Phần Âm, đều theo lời của bọn phương sĩ, không dựa vào điển tịch vậy. Bọn phương sĩ cho rằng Cam Tuyền, Phần Âm là chỗ Hoàng Đế tế trời đất, cho nên Hiếu Vũ Đế làm theo, bèn dựng hai đàn tế. Nhà Hán trị ở Trường An, mà Cam Tuyền ở phía bắc, ứng với vị trí của quẻ càn, cho nên Khuông Hành nói: “Vũ Đế trú ở cung Cam Tuyền, tế ở Nam cung”. Đấy là lầm vậy. Đàn tế tại Phần Dương là ở bãi bên sông, gọi là bãi Trạch Trung. Mà Khuông Hành nói: “Thiếu dương thuộc phía đông” là sai ý gốc. Đây là việc nước Ngô, chép ở truyện là không sai, tiếc là không có lời nói sửa cho đúng, cho nên dẫn ra sửa lại chỗ này. Thùy âm thùy, thấy ở Hán thư âm nghĩa.

Tháng giêng mùa xuân năm thứ hai, chiếu rằng: “Trẫm vì không có đức, vừa nhận mệnh lớn, ngày đêm nơm nớp, không dám nghỉ ngơi. Nghĩ dẹp nạn đời, cứu giúp dân thứ, trên đền thần minh, dưới yên lòng dân. Cho nên trông ngóng, cúi mình cầu hào kiệt, chung nhau hợp sức, cùng định trong nước, nếu có chung lòng, cùng hưởng đến già. Nay Sứ trì tiết Đốc U Châu lĩnh Dự Châu Mục Liêu Đông Thái thú Yên Vương lâu ngày bên sườn bọn giặc, ngăn giữ một vùng, dẫu hết lòng vì nước, nhưng đường lối chẳng thông. Nay theo mệnh trời, sai hai sứ giả đi xa, sai phải nêu lòng thành, tỏ rõ lòng ân cần, nếu trẫm được như thế, có gì vui bằng! Dẫu vua Thang gặp được Y Doãn, Chu Vương nạp được Lữ Vọng, Thế Tổ chưa định mà có được đất Hà Hữu, đến như ngày nay há hơn được sao? Thiên hạ một mối, do đó yên vậy. Kinh Thư không chép: ‘Một người được vui, triệu dân được nhờ’ sao? Nay đại xá thiên hạ, cùng nhau thay đổi, nói rõ cho châu quận đều được nghe biết. Ban riêng nước Yên, phải tuyên ân chiếu, lệnh trong nước chuẩn bị báo tin mừng”. Tháng ba, sai bọn Thư, Tống về, sai bọn Thái thường Trương Di, Chấp kim ngô Hứa Yến, Tướng quân Hạ Đạt đem một vạn quân, vàng ngọc hàng báu, các vật lễ cửu tích vượt biển đi cứu Uyên.

Giang Biểu truyện chép lời chiếu của Quyền rằng: “Báo cho Sứ trì tiết Xa kị tướng quân Liêu Đông Thái thú Bình Lạc Hầu của nhà Ngụy trước đây rằng: Trời đất mất thứ bậc, ngôi Hoàng đế chưa lập, kẻ ác hung hăng, làm hại muôn dân, trong nước chia vỡ, muôn vật chìm diệt, dẫu dân thứ còn sót, cũng chẳng còn một mống, đang buổi ngày nay, càng thêm nhiễu loạn. Trẫm ứng số vận, trông coi muôn nước, ngày đêm đánh dẹp, nghĩ cái nạn của thời nay như lội qua nước sâu mà không có chỗ qua được. Cho nên cầm cờ mao búa việt, tiễu trừ giặc ác, từ đông sang tây, chẳng chỗ nào yên, nếu dùng đúng sức thì dân không bị tai hại. Dẫu dòng dõi bọn giặc chưa bị đánh dẹp nhưng bắt trói như buộc gỗ khô, đợi lúc mà chôn thôi. Nghĩ Tướng quân bản tính thông đạt, gồm đủ văn vũ, đứng xem sự biến, xét kĩ được mất, vượt qua chỗ hiểm, tỏ rõ lòng son, sắp đặt kế lớn đứng đầu trong thiên hạ, công lao to lớn, sánh với người xưa. Dẫu Đậu Dung xưa kia chạy đến miền Lũng Hữu, rồi chiềm miền Hà Tây để giúp Quang Vũ, lập nên tiếng tốt, há hơn được sao? Ông mang lòng cao thượng, trẫm thực vui mừng. Từ xưa vua hiền đế giỏi, dựng nên chính thống, đem chức tước phong cho người có đức, dùng bổng lộc đền đáp cho người có công; người có công lớn thì lộc dày, người đức cao thì lễ trọng. Cho nên Chu Công có công giúp dỡ, Thái Sư Phủ có công nêu cao, đều được phong đất cùng được nhận lễ vật. Nay Tướng quân xem kế vạn năm trước, bày mưu không có trên đời, dứt qua lại với bọn giặc phản nghịch, thuận theo trời người, giúp thành nghiệp lớn, công không ai sánh kịp, việc của Tề Lỗ, há đủ nói đến sao! Kinh Thi không chép: ‘Không nói lời hay thì không đền, không có đức thì không báo’ sao? Nay đem bảy mươi huyện, bảy quận thuộc hai châu U, Thanh phong ông làm Yên Vương, sai Trì tiết Thái thường Trương Di trao cho ông ấn thao chiếu thư, hổ phù vàng hạng một đến hạng năm, phù sứ tre hạng một đến hạng mười. Ban cho ông đất đen, cờ bạnh mao, đốt mai rùa bói, ban dùng xã tắc. Nếu có việc quân thì thống lĩnh quân mã, dùng màn trướng ô khúc Đại Tướng quân, coi việc U Châu, Thanh Châu Mục, Liêu Đông Thái thú như cũ. Nay phong ông thêm vị cửu tích, ông nên kính theo lệnh trẫm. Vì ba đời nhà ông nối nhau giữ vững một vùng, tụ tập bốn quận, giáo hóa đến dân tục khác, không ai hai lòng, cho nên trao ông dùng xe lớn, xe quân, hai cỗ xe ngựa đen. Ông chăm khuyến nông, người biên giới nên công, kho lẫm chất đầy, quan dân đều đủ, cho nên trao ông dùng áo cổn miện, kèm theo dày đỏ. Ông dùng đức giáo hóa, dùng lễ kính kẻ dưới, chuộng nghĩa, ưa nhường, trong ngoài đều hòa hợp, cho nên trao ông dùng nhạc hiên huyền. Ông dẫn phong tục tốt, vỗ về biên giới, người phương xa ngưỡng trông, chẳng ai không nương dựa, cho nên trao ông dùng nhà cửa đỏ. Ông dựa tài lược của mình, phong quan kẻ sĩ, dùng người hiền, xét rõ người thẳng thắn, kẻ luồn cúi, tiến cử người hiền, cho nên trao ông dùng trăm quân hổ bôn. Ông sửa sang quân mã, oai động phương xa, kính theo mệnh trời, làm rõ kẻ có tội, cho nên trao ông dùng một búa phủ việt. Ông văn hòa với người trong, vũ tín với người ngoài, đánh bắt kẻ phản nghịch, chém kẻ xấc xược, bắt kẻ gây nạn, cho nên trao ông dùng một cây cung đỏ, trăm cây tên đỏ, mười cây cung đen, nghìn cây cung đen. Ông kính giữa lòng trung, lấy ôn hòa làm đức, tỏ rõ lòng thành, khiến lòng trẫm cảm động, cho nên trao ông dùng một vò rượu nếp, kèm theo ngọc khuê. Gắng lên! Noi theo huấn điển, xét rõ ý trời, giúp nước nhà ta, giữ mãi tốt đẹp cho ngươi”.

Gọi đại thần lên chầu, từ Thừa tướng Ung trở xuống đều can ngăn, cho rằng Uyên chưa tin được mà đãi sủng quá trọng, vẫn nên sai mấy trăm quan quân hộ tống bọn Thư, Tống, nhưng Quyền rút cuộc không nghe.

Thần là Tùng Chi cho rằng: Quyền làm trái lời can ngăn của mọi người, giữ ý tin theo Uyên, không có phép tắc đánh dẹp, chẳng có kế sách khôi phục. Ban mệnh cửu tích, lại dùng vạn người, đấy há không phải yêu dân, rất hôn ngược sao? Ở trận ấy, không chỉ mê thôi đâu, thực cũng là vô đạo.

Uyên quả nhiên chém bọn Di, đem đầu họ đến nhà Ngụy, thu hết đồ quân.

Quyền cả giận, muốn tự đánh Uyên, Giang Biểu truyện chép lời Quyền giận nói: “Trẫm đã sáu mươi tuổi, việc khó dễ trong đời, chưa từng không trải qua, gần đây bị con chuột từ chối, khiến khí tức giận bốc lên như núi. Không tự đem con chuột này ném xuống biển thì không còn mặt mũi nhìn muôn nước. Nếu có nghiêng lật thì cũng không cho là tiếc”.

Bọn Thượng thư bộc xạ Tiết Tống ra sức can ngăn mới thôi. Năm đó, Quyền đến Tân Thành quận Hợp Phì, sai Tướng quân Toàn Tông đánh huyện Lục An, đều không thắng mà về.

Ngô thư chép: Trước đây, bọn Trương Di, Hứa Yến cùng đến Tương Bình, có hơn bốn trăm quan thuộc đi theo. Uyên muốn đánh bọn Di, Yến, chia dân chúng của họ trước, đặt ở các huyện của quận Liêu Đông, lấy bọn Trung sứ Tần Đán, Trương Quần, Đỗ Đức, Hoàng Cương cùng hơn sáu mươi quan quân, đặt ở quận Huyền Thố. Quận Huyền Thố ở phía bắc quận Liêu Đông, cách nhau hai trăm dặm, Thái thú Vương Tán lĩnh hai trăm hộ cùng trông cả ba bốn trăm người. Bọn Đán đều ở trong nhà dân, trong mong vào ăn uống trong dân. Đợi được hơn bốn mươi ngày, Đán cùng Cương bàn nói: “Ta ở xa làm nhục mệnh nước, tự trốn ở đây, khác gì với chết mất? Nay xem quận này, thế lực rất yếu. Nếu cùng sớm chung lòng, thiêu đốt thành quách, giết trưởng lại ở đây, vì nước rửa nhục, dẫu sau này bị giết, cũng không lấy làm tiếc. Ai lại cùng bọn xấu sống lâu mà bị bắt giam thế này”? Bọn Cương cho là phải. Do đó ngầm hẹn ước với nhau, hẹn buổi đêm ngày mười chín tháng tám thì phát động. Giữa hôm đó, thuộc hạ là Trương Tùng tố cáo, Tán bèn hội quân sĩ đóng cửa thành. Bọn Đán, Quần, Đức, Cương đều trèo thành chạy được. Bấy giờ Quần bị thương ở đầu gối, không theo kịp bọn, Đức thường giúp đi cùng. Hang núi cao vút, đi được sáu bảy dặm, vết thương thêm nặng, không đi được nữa, nằm trong đống cỏ, ôm nhau khóc lóc. Quần nói: “Ta không may thương nặng, chết cũng không còn lâu, các ông nên nhanh đi đường, may mới thoát được. Nếu giữ nhau, cùng chết ở trong hang tận này thì ích gì”? Đức nói: “Trôi dạt vạn dặm, sống chết cùng nhau, không nỡ bỏ nhau”. Do đó dục Đán, Cương đi trước, riêng Đức ở lại giữ Quần, hái lấy quả để ăn. Đán, Cương chia tay được mấy ngày, đến được chỗ của vua Cao Câu Li là Cung, nhân đó tuyên chiếu cho vua Cao Câu Li là Cung và Chủ bạ, chiếu nói là đồ ban tặng bị người quận Liêu Đông đánh cướp. Bọn Cung cả mừng, liền nhận chiếu, lệnh sai người theo Đán đi đón bọn Quần, Đức. Năm đó, Cung sai hai mươi lăm quan Tạo y hộ tống bọn Đán về, tấu biểu xưng thần, cống nghìn tấm da chồn, mười tấm da chim hạt kê. Bọn Đán gặp Quyền, không kìm nổi vui buồn. Quyền khen họ, đều bái làm Hiệu úy. Được một năm, sai sứ giả là Tạ Hoành, Trung thư Trần Tuân đến bái Cung làm Thiền vu, ban thêm đồ trân bảo áo mặc. Bọn Tuân đến cửa An Bình, sai Hiệu úy Trần Phụng gặp Cung trước, nhưng Cung đã nhận ý chỉ của U Châu Thứ sử của nhà Ngụy rồi, sai đem sứ Ngô đến chuộc tội. Phụng nghe tin, quay về. Cung sai bọn Chủ bạ Tạc Tư, Đái Cố ra cửa An Bình gặp với bọn Hoành. Hoành liền bắt trói hơn ba mươi người làm con tin, Cung do đó tạ tội, dâng mấy trăm con ngựa. Hoành mới sai Tư, Cố nhận chiếu thư, vật ban trao cho Cung. Bấy giờ thuyền của Hoành nhỏ, chở tám mươi con ngựa mà về.

(còn nữa)






Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét