Thứ Bảy, 19 tháng 8, 2023

NGÔ THƯ QUYỂN 2 - NGÔ CHỦ TRUYỆN (2)

Thành Kiến Nghiệp

NGÔ THƯ QUYỂN 2 - NGÔ CHỦ TRUYỆN

TÔN QUYỀN TRUYỆN (Phần II)


Năm đó, Lưu Bị đem quân đến đánh, đến huyện Vu Sơn, Tỉ Quy, sai sứ giả dụ dỗ người Man Di ở quận Vũ Lăng, trao cho ấn tín, hứa sẽ phong thưởng cho họ. Do đó các huyện cùng dân ở miền Ngũ Khê đều phản Ngô theo Thục. Quyền lấy Lục Tốn làm Đô đốc, sai bọn Chu Nhiên, Phan Chương đến chống quân Thục. Sai Đô úy Triệu Tư đi sứ đến nhà Ngụy. Ngụy Đế hỏi rằng: “Ngô Vương là chủ thế nào”? Tư đáp rằng: “Thông minh, có nhân, có trí, là vị vua hùng lược vậy”. Đế hỏi tình trạng, Tư nói: “Nạp Lỗ Lúc ở chỗ bọn phàm tục, đấy là cái thông đạt của Vương vậy; cử Lữ Mông ở chỗ đánh trận, đấy là cái sáng suốt của Vương vậy; bắt được Vu Cấm mà không làm hại, đấy là cái nhân của Vương vậy; lấy Kinh Châu mà mũi đao không vấy máu, đấy là cái trí của Vương vậy; dựa vào ba châu như hổ ngồi xem thiên hạ; đấy là cái hùng của Vương vậy; nhún nhường với bệ hạ, đấy là cái tài lược của Vương vậy”.

Ngô thư chép: Tư tự Đức Độ, người quận Nam Dương. nghe rộng hiểu nhiều, đối đáp nhanh nhẹn, lúc Quyền làm Ngô Vương, bái làm Trung đại phu, đi sứ nước Ngụy. Ngụy Văn Đế khen là hay, giễu Tư rằng: “Ngô Vương có vẻ biết học chăng”? Tư nói: “Ngô Vương có vạn chiếc thuyền bơi sông, trăm vạn quân mặc giáp, dùng người hiền, chọn người tài, chí muốn đánh dẹp, dẫu có chút rỗi nhưng vẫn xem qua sách sử kinh truyện, chọn nhặt cái kì dị, không chỉ bắt chước câu chữ của các nhà mà thôi”. Đế nói: “Có nên đánh nước Ngô không”? Tư đáp nói: “Nước lớn dẫu có quân đánh dẹp, nhưng nước nhỏ cũng có chỗ vững để phòng bị”. Lại nói: “Cái nạn của nước Ngô là nước Ngụy chăng”? Tư nói: “Có trăm vạn quân mặc giáp, có chỗ lầy lội của sông Giang, sông Hán, sao lại cho là nạn”? Lại nói: “Người Ngô như Đại phu có mấy người”? Tư nói: “Có tám, chín mươi người thông minh thấu suốt, như kẻ sánh với thần thì dùng xe chở đấu đong không thể kể hết”. Tư nhiều lần đi sứ phương bắc, người phương bắc kính phục Tư. Quyền nghe nói thì khen Tư, bái làm Kị đô úy. Tư nói rằng: “Xem phương bắc rút cuộc không thể giữ thề ước; tính kế ngày nay, triều đình nên nối theo sau bốn trăm năm của nhà Hán, ứng vận ở miền đông nam, nên đổi niên hiệu, dùng áo chính sắc để thuận ý trời theo lòng dân”. Quyền nghe theo.

Đế muốn phong cho con của Quyền là Đăng, Quyền cho rằng Đăng tuổi nhỏ, dâng thư chối phong, lại sai Tây tào duyện Thẩm Hành đến bày tạ, cùng dâng phương vật.

Ngô thư chép: Hành tự Trọng Sơn, người quận Ngô. Lúc nhỏ học rộng kinh nghệ, giỏi đọc Xuân thu nội ngoại truyện. Quyền thấy Hành có mưu trí, đối đáp hay, bèn sai đi sứ đến Ngụy. Ngụy Văn Đế hỏi rằng: “Ngô lo Ngụy hướng về phía đông chăng”? Hành nói: “Không lo”. Nói: “Vì sao”? Đáp nói: “Tin vào thề ước, theo việc kết thân, cho nên không ngại. Nếu Ngụy trái thề ước thì cũng tự có phòng bị”. Lại hỏi nói: “Nghe nói Thái tử sắp đến, đúng vậy không”? Hành nói: “Thần tại miền đông, chầu không ngồi cùng, ăn tiệc không cùng dự, như lời này, là điều mà thần không được nghe vậy”. Văn Đế cho là hay, bèn dẫn Hành đến gần, nói chuyện cả ngày. Hành tùy việc mà đối đáp, không có gì khuất phục. Hành về nói rằng: “Thần ngầm dò xét Thị trung Lưu Diệp nhiều lần bày kế gian cho giặc, cuối cùng chẳng được tin được lâu. Thần nghe nói phép dùng binh của người xưa là không nên tự dựa vào ý địch không đến xâm lấn ta, không nên dựa vào ý ta không xâm lấn địch. Nay vì triều đình mà lo việc này. Vả lại nên giảm bớt lao dịch, chăm chỉ trồng trọt để mở rộng đồ quân lương, luyện tập xe thuyền, sửa sang vũ khí, khiến cho đều đầy đủ, nuôi dưỡng quân dân, làm cho đâu ra đấy; tuyển chọn anh hào, khen thưởng tướng sĩ thì có thể chiếm được thiên hạ vậy”. Vì đi sứ có tiếng tốt, phong làm Vĩnh An Hương Hầu, làm đến chức Thiếu phủ. Lập Đăng làm Vương thái tử. Giang Biểu truyện chép: Năm đó Ngụy Văn Đế sai sứ đòi tước đầu hương, đại bối, ngọc châu, ngà voi, sừng tê, đồi mồi, khổng tước, phỉ thúy, vịt chọi, gà gáy lớn. Bầy tôi tấu nói: “Việc cống nạp của hai châu Kinh, Dương là có phép thường, vật báu mà nhà Ngụy đòi là trái lễ vậy, không nên cống”. Quyền nói: “Ngày xưa Huệ Thi tôn người Tề làm Vương, có người khách hỏi vặn Huệ Thi rằng: ‘Cái mà ông học là bỏ tôn hiệu, nay lại phong Vương cho người Tề, sao lại đảo ngược vậy’? Huệ Tử nói: ‘Có người dựa vào đó, muốn gõ đầu con yêu của ta, vậy thì có thể dùng đá để thay, đầu con thì quý mà đá thì rẻ vậy, lấy cái rẻ thay cái quý, sao lại không được’? Nay đang có việc ở phía tây bắc, dân chúng vùng Giang Biểu dựa vào vua ra lệnh, không phải là con yêu của ta sao? Cái mà bên ấy đòi, với ta chỉ là đá vậy, ta há tiếc sao? Bên kia ở giữa vùng đen ám, mà vật đòi như thế, nên nói lễ với ho chăng”’! Đều chuẩn bị cống vật trao cho.

Tháng giêng mùa xuân năm Hoàng Vũ thứ nhất, bộ tướng của Lục Tốn là bọn Tống Khiêm đánh năm đồn của quân Thục, đều phá được, chém tướng của chúng. Tháng ba, người quận Bà Dương nói là có rồng vàng xuất hiện. Quân Thục chia ra giữ các chỗ hiểm, trước sau dựng hơn năm mươi trại, Tốn tùy từng trại lớn hay nhỏ mà đem quân chống giữ, từ tháng giêng đến tháng nhuận, đại phá chúng, chém mấy vạn đầu lúc đánh trận và quân đến hàng. Lưu Bị chạy trốn, chỉ thoát thân được.

Ngô lịch chép: Quyền sai sứ đến thăm Ngụy, đem ấn thao và thủ cấp trong trận phá quân của Lưu Bị, đem các đất đai của Bị cùng dâng biểu tỏ ý muốn phong thưởng cho quan tướng. Văn Đế sai sứ đến, trao cho áo lông chồn, áo giáp sáng, ngựa phi, lại đem thơ phú, luận điển của mình làm trao cho Quyền.

Ngụy thư chép lời đáp của Trương Chiêu rằng: “Hổ già làm ổ ở biên giới, vượt chỗ hiểm vào sâu, chống giữ lâu ngày, trong thì mỏi mệt gò bó, ngoài thì trí sức khốn quẫn, cho nên tự đến núi Kê Đầu, chia quân mưu giữ Tây Lăng. Kế của nó chẳng qua chỉ là bước chân theo vết trước để gây nhiễu động miền Giang Đông. Nhưng rễ chưa cắm sâu xuống đất thì ta đã bẻ gãy cành của nó, dẫu chưa moi được ngũ tạng nhưng cũng khiến cho thân đầu rời rẽ, quân bị bắt giết cũng đủ khiến cho giặc sợ hãi rồi. Ngày xưa Ngô Hán đốt cửa Kinh Môn trước, sau mới đem quân đến Di Lăng mà khiến cho Tử Dương không còn cách tránh khỏi cái chết; Lai Thiệp mới đánh úp đất Lược Dương thì Văn Thúc mừng việc này, cho nên biết Ngôi Hiêu không có chỗ bày kế hay. Nay tính về con hổ này, đúng như việc ấy, Tướng quân gắng bày mưu lược, đánh trận chỉ thắng”.

Trước đây, Quyền mượn tiếng là thờ nhà Ngụy nhưng thực ra trong lòng không theo. Nhà Ngụy bèn sai Thị trung Tân Bì, Thượng thư Hoàn Giai đến cùng thề ước, cùng mời con đến nhận chức, Quyền từ chối không nhận. Tháng chín mùa thu, nhà Ngụy lại lệnh Tào Hưu, Trương Liêu, Tang Bá ra Đồng Khẩu; Tào Chân ra Nhu Tu; Tào Chân, Hạ Hầu Thượng, Trương Cáp, Từ Hoảng vây Nam Quận. Quyền sai bọn Lữ Phạm lĩnh năm quân, đem quân thuyền chống bọn Tào Hưu; sai Gia Cát Cẩn, Phan Chương, Dương Xán cứu Nam Quận; Chu Hoàn ở Nhu Tu coi việc chống Tào Nhân. Bấy giờ người Man Di ở miền Dương Việt phần nhiều chưa hợp yên, nạn trong chưa thôi, cho nên Quyền dùng lời lẽ nhún nhường gửi thư, xin tự sửa lỗi rằng “Nếu tội này khó tha, tất không được tự sắp đặt, sẽ dâng trả dân chúng đất đai, xin được gửi thân ở Giao Châu để sống trọn tuổi còn thừa”. Văn Đế đáp thư nói: “Ông sinh vào thời nhiễu nhương, vốn có chí ngang dọc, cúi mình thờ nhà nước mới được hưởng lộc ngày nay. Từ thời anh của ông là Sách đã có tiếng tăm đến nay, cống nạp nhiều đủ. Lại có công đánh Lưu Bị, nhà nước trông vào lòng thành ấy. Táng rồi lại đào lên là mối nhục của người xưa.

Quốc ngữ chép: Chôn con li rồi lại bới có lên, cho nên không thành công.

Trẫm đã phong cho ông, nghĩa lớn đã định, há vui lòng đem quân mỏi đi xa đến miền Giang Hán? Lời bàn nơi đình miếu, là cái mà bậc làm Vương không được thay; các quan Tam công kể tội lỗi của ông, đều có gốc ngọn. Trẫm không sáng suốt, dẫu có mối ngờ ‘ném máng của mẹ Tăng Tử’, vẫn mong rằng người nói lời kia là không đáng tin, cho rằng là phúc của nhà nước. Cho nên sai sứ giả đến an ủi trước, lại sai các quan Thượng thư, Thị trung nhanh đến nói lời của ta, đem việc trao chức cho con ông. Ông lại từ chối, không muốn sai sứ đến, người bàn đều lấy làm lạ.

Ngụy lược chép lời tấu của Tam công nhà Ngụy rằng: “Bọn thần nghe nói cành lớn thì che lòng, đuôi to thì không dễ vẫy. Là cái nên cẩn thận của bậc có nhà có nước vậy. Xưa nhà Hán học theo thói xấu của nhà Tần, thiên hạ mới định, trong những vua của các nước lớn còn chưa dốc hết lòng trung tiết, mà mưu lược của bọn Tiêu Hà, Trương Lương không đề phòng họ; dẫn đến sáu vua trước sau đều phản loạn, rồi đến đánh họ, chở xe đồ không ngừng. Lại đến thời Văn Đế, Cảnh Đế giữ lòng thành, bỏ quên việc đánh trận lao dịch, khiến cho các vua Ngô, Sở kiêu ngạo nuôi rết thành rắn, trở thành nỗi lo lớn của xã tắc. Xét khắp việc trước là điều không nên quên, là thầy dạy của đời sau vậy. Như Ngô Vương Tôn Quyền là con út của Tôn Kiên, không có công một thước một tấc, gặp phải thời loạn quân, dựa vào nền móng của cha anh, thuở nhỏ được nhận ân ôm ấp trứng, lớn lên lại mang lòng phản nghịch diều hâu, quay lưng lại với mệnh trời, tội lỗi chất lớn. Lại cùng nhòm ngó với Quan Vũ, mưu lợi tìm ích, lúc bị ép thì dùng lời nhún nhường. Tiên đế biết Quyền lừa xin được dùng, bấy giờ Vu Cấm thua vì nạn nước lụt, cùng lúc đến đánh Vũ, nhân đó giao lệnh cho Quyền. Tiên đế chọn dùng kẻ chiếu dưới nhưng Quyền không dốc hết lòng, thực còn lo xa. Lại nhân lúc tang lớn, nhà vua còn lẻ loi, mong mượn tiếng Đổng Đào truyền lệnh của Tiên đế, thừa lúc chưa báo về đất Hứa bèn tự ý đánh úp đất Tương Dương. Đến lúc bị xua đuổi, lại đổi ý thần phục, tỏ rõ vẻ tà xấu, lời gian xảo như nước chảy. Dẫu nhiều lần qua trạm dịch sai sứ đến, sai trả bọn Vu Cấm về, nhưng vẫn mang lòng gian ngưỡng trông của Ngôi Hiêu, ngoài muốn hoãn bị ta đánh, trong lại mong cứu giúp từ giặc Thục. Triều đình rộng lượng, đã còn không nỡ đánh, lại ưu đãi tha tội, cùng đổi lại từ đầu, cắt thêm đất phong Vương cho Quyền, sai phải ngoảnh mặt về phía nam xưng thần, cùng ban thêm chức quan, tăng thêm ngôi vị, ban lễ cửu tích, cho trăm con ngựa tứ để tạo thế cho Quyền, thực là ân sủng rực rỡ, xưa nay không có hai. Quyền có dáng dê chó, lại có vẻ hổ báo bao bọc, không nghĩ đến khí tiết dốc hết sức đến chết mới thôi, để đền đáp cái ân không kể xiết và cái ân không có trên đời. Bọn thần hễ thấy biểu thư nhún nhường mà Quyền gửi lại xét trộm ý của Quyền, tự cho rằng ngăn trở ở sông hồ, dựa chỗ hiểm không phục đã thành thói nhiều đời rồi, lừa dối lập công, trên có cái kế sách của Úy Đà, Anh Bố, dưới có cái lời lẽ nhún nhường kẻ mạnh của Ngũ Bí, đấy không phải là không bầy tôi không xâm không phản vậy. Cho nên Triều Thố không bày mưu làm Vương Hầu yếu kém thì bảy nước cùng phản, để lại mối họa lâu dài và to lớn; Khoái Thông không quyết theo kế đánh úp đất Lịch Hạ thì Điền Hoành tự mưu tính, tội càng thêm nặng. Bọn thần mưu xét phép tắc ‘cửu phạt’ trong sách Chu lễ thì Quyền đã hung ác, lòng phản mọc mầm, bị mười lăm tội rồi. Xưa người Cửu Lê gây loạn thì Hoàng Đế đến đánh; Hạng Vũ có mười tội thì Hán Cao Tổ không tha. Cái tội lỗi của Quyền đã rõ ràng, không được cái nuôi dưỡng của lòng nhân ái, không được lòng bao che của xã tắc. Bọn thần xin bãi chức Quyền, sai phủ Hồng lư bỏ tước phong, bắt trói trị tội. Nếu dám có ý không theo thì đem quân đến đánh để tỏ rõ phép thường khen tốt phạt xấu của nhà nước, dẹp cái khổ của dân chúng ở ba châu”.

Mười lăm tội trong lời tấu, lời văn nhiều cho nên không chép.

Lại có Đô úy Hạo Chu trước đây khuyên ông nên sai con đến mới tỏ thực ý giao kết của bầy tôi, cho nên báo cho ông biết, ông lại từ chối, ngoài thì như việc muốn Ngôi Hiêu sai con đi không có gì khác, trong thì như việc dụ Đậu Dung giữ lòng trung mà thôi. Thế khác thời khác, người ta đều có ý riêng. Hạo Chu trở về nói rõ ý đồ, khiến cho người bàn thêm ý nghi ngờ. Gốc của trước sau, không có chỗ dựa được, cho nên bèn trông vào lời bàn của bầy tôi vậy. Nay lại xét thờ vua trên, lòng thành rất sâu, tỏ ý khảng khái, thương cảm chất chứa. Cho nên liền hạ chiếu, lệnh các quân sớm đào hào sâu đắp lũy cao, không được đánh bừa. Nếu ông theo giữ lòng trung để cởi bỏ nỗi nghi ngờ thì nên tự thân đến chầu, sớm gọi quân rút về. Lời này thành thật như sông lớn vậy”!

Ngụy lược chép: Hạo Chu tự Khổng Dị, người quận Thượng Đảng. Giữa năm Kiến An làm Tiêu Lệnh, làm đến Từ Châu Thứ sử. Sau đem quân giúp Vu Cấm, quân chìm, bị Quan Vũ bắt. Quyền đánh úp Vũ, cùng bắt được Chu, dùng lễ đãi rất hậu. Lúc Văn Vương lên ngôi Vương, Quyền mới sai Chu về, viết thư cho Ngụy Vương nói: “Trước đây đánh Quan Vũ, bắt được Vu Tướng quân, liền báo cho Tiên vương, sẽ sai trở về. Đấy là có lòng kính thờ, không cần nói mà sai về. Tiên vương chưa có ý sâu xa mới cho rằng Quyền trong lòng có mưu khác. Kẻ ngu này cung kính, chưa từng quyết mưu khác. Bèn nhận lộc phong đất của Tiên vương trao, điện hạ nối dõi, tình kẻ hèn này mới thông. Công dẫu mang lòng bao bọc, nhưng chưa được dấy lên, đấy là khiến cho lời thề cũ chưa được sáng rõ. Lương Ngụ truyền lệnh, giáo cho Khúc Chu đến, biết rõ điện hạ cho rằng là trông mong. Tấm lòng son của Quyền không dám có lòng khác, nguyện theo ý bao bọc, giữ cái mà Quyền đang có. Kính sai Hạo Chu, Đông Lí Cổn về, lòng rất thành thật, cứ để bọn Chu nói rõ”. Lại nói: “Tính Quyền vốn vụng về, văn võ không rõ, dựa vào cơ nghiệp cha anh dấy quân, được Tiên vương khen ngợi, bèn dựa vào ân điển của nhà nước mà vỗ về miền đông. Lại trong lòng mưu tính, làm việc khác được rõ, sợ oai quên đức, do đó làm việc ngang trái. Tiên Vương tỏ lòng nhân, không nỡ xua đuổi, lại tha tội lỗi, lại mở rõ thề tín. Dẫu trao lệnh ở chỗ Man Di nhưng đã treo đầu Quan Vũ, công chỉ nhỏ nhoi không đền đáp được phần nhỏ ân điển. Cơ nghiệp chưa xong thì Tiên vương lìa đời. Điện hạ lên ngôi, oai phong đến miền biên giới, trong lòng sợ hãi bày tỏ việc đầu cuối. Lương Ngụ đi đến, biết điện hạ không muốn xa lánh, chắc muốn vỗ về, là vì nhớ đến cơ nghiệp của tổ tiên vậy. Quyền thấy được ý đó, hớn hở nhảy nhót, lòng mở mắt sáng, không kịp mừng nữa. Quyền mấy đời nhận ân sủng, dốc lòng tín nghĩa. Việc ngày nay, mãi giữ một lòng, chỉ có ý cung kính, chan chứa trong bụng”. Lại nói: “Tiên vương vì Quyền đã rõ thành thật, liền đem quân về, cho nên bỏ quân giữ đất Hợp Phì, giữ tín hai miền nam bắc, sai Quyền rong ruổi không được ngoảnh lại. Chỉ được sai các tướng giữ đất là bọn Chu Thái, Toàn Tông coi việc. Qua sáu ngày một tháng, có bảy trăm quân kị bộ đi tắt đến huyện Hoành Giang, lại có Đốc tướng Mã Hòa lại đem bốn trăm người đi đến Cư Sào, bọn Toàn Tông nghe tin có quân bị bộ vượt sông, ra xem, bị quân kị bộ đánh, vào lúc giao tranh, giết hại lẫn nhau, rút cuộc bị hỏi việc này, trong lòng sợ hãi. Quyền thực ở chỗ xa, không được nghe biết, lời thề không dám coi thường, xin dám tạ lỗi này. Lại nghe nói Trương Chinh đông, Chu Hoành hải nay được về Hợp Phì. Lời thề của Tiên vương đến nay còn chưa lâu, vả lại Quyền tự nghĩ rằng mình chưa mắc tội lỗi, không vướng phải việc ngày, nay sao lại phát động dẫn quân đến nơi xa? Cơ nghiệp chưa xong, lại vừa vì nước đánh dẹp giặc Bị, nghe nói câu hỏi ấy, thật không ngờ tới. Cái nà kẻ ở xa trông đợi là ở thề tín rõ ràng, mong điện hạ nhớ đến ý trước, tỏ rõ thong thả, khiến cho Quyền giữ lời thề, được sửa theo thói cũ. Những lời mong mỏi của Quyền cứ để bọn Chu truyền lại”. Lúc trước, Đông Lí Cổn làm Tư mã của quân Vu Cấm, lúc trước thua cùng Chu, lại cùng trở về, có chiếu đều gọi vào gặp. Đế hỏi bọn Chu, Chu cho rằng Quyền chắc thần phục, rồi Đông Lí Cổn cho là Quyền không phải là phục hẳn. Đế theo lời Chu, cho rằng có biết Quyền. Mùa đông năm đó, Ngụy Vương nhận ngôi của nhà Hán, sai sứ giả phong Quyền làm Ngô Vương, chiếu sai Chu và sứ giả cùng đến. Chu đã đem chiếu lệnh đến, bấy giờ ăn tiệc tiệc riêng với Quyền, bảo Quyền nói: “Bệ hạ chưa tin Vương sai con đến hầu, Chu sẽ đem trăm người nhà để làm rõ”. Quyền nhân đó tự bảo Chu nói: “Hạo Khổng Dị, nếu khanh đem trăm người nhà giúp ta, ta còn nói gì nữa”? Bèn khóc nước mắt đẫm cả vạt áo. Lúc từ biệt với Chu, lại chỉ lên trời mà thề. Sau khi Chu về, Quyền không sai con đi lại từ chối, Đế bèn giữ sứ giả của Quyền ở lại. Đến tháng tám, Quyền gửi thư tạ lỗi, lại gửi thư cho Chu nói: “Từ khi đường lối mở thông, không quên ý của ông. Vừa mời nhận lệnh của nhà nước, lại biết đang dựng nhà, dựa vào miền Hà Bắc, cho nên trong lòng không dám quả quyết. Lại nghĩ đến cái khó nhọc, sao cho đi ngay. Ta là kẻ tối tăm, chức phận không rõ, trong còn mang tội, chịu bị ruồng bỏ, may nhờ ân của nhà nước, lại được tha tội, vui lòng báo cho ông biết ý trước, còn không được sao. Dẫu không có khởi đầu, nhưng cuối có thể được vậy”. Lại nói: “Trước ông đến đây, muốn sai con vào hầu, bấy giờ dốc lòng vui để nhận lệnh, nhưng con đang tuổi nhỏ, muốn đợi đến năm sau vậy. Vả lại tấm lòng son này chưa nhận được lòng tin, lại bị trách mắng, thường thấy sợ hãi. Từ khi chịu ân điển của nhà nước, mới được dẫn dắt, quên lỗi lầm trước đây, sau này sẽ chuộc lỗi, vui được ghi nhớ lời thề trước. Trước đây đã có ý khuyên bảo sai con đến, nghĩ rằng ông trở về đã biết ý ấy rồi”. Lại nói: “Nay con nên vào hầu, nhưng chưa được lấy vợ, trước đây quân nghĩ cho nó, cho là có thể khuyên Nhà vua dẫn dắt vào họ hàng như họ Hạ Hầu, dẫu trong lòng tự bỏ, nhưng trong tim thường vâng theo. Nay đêm nằm lo nghĩ, sao cho tốt trước sau, khiến cho được vin vào rồng dựa vào ngựa kí, mãi được yên ổn. Nó được theo chức phận, há có lo gì nữa! Như thế muốn sai Tôn Trưởng Tự và con nhỏ cùng vào, đem lễ thăm hỏi, thực nhờ vào ông”. Lại nói: “Con nhỏ tuổi trẻ, còn chưa dạy dỗ đủ, lo nếu chia rời, làm nó nhớ nghĩ, ân tình cha con há như thế! Lại muốn sai sai Trương Tử Bố đi theo giúp đỡ nó. Tính ta không khác, hễ cái gì muốn làm, đến nay đã nói rõ hết. Chỉ sợ tấm lòng son này không được thỏa thích, cho nên đem hết việc nói nói ra cho ông, kể rõ nguyên nhân”. Do đó hạ chiếu nói: “Quyền trước đây đáp lời Hạo Chu, tự kể không dám rời xa, vui vẻ đem con làm tin, mãi làm phiên thần, sau lại trước sau từ chối, đầu đuôi chạm đất, đấy là con chuột tự biết không thể giữ được đất đai của nó vậy. Nay lại gửi thư cho Chu, xin đến tháng mười hai sai con đi, lại muốn sai Tôn Trưởng Tự, Trương Tử Bố theo con cùng đến, hai người này đều là tim bụng của Quyền vậy. Lại muốn cho con ở kinh sư tìm vợ, đấy rõ là Quyền không có lòng khác”. Đế đã tin lời ngon ngọt của Quyền, lại cho rằng Chu nói là thật. Nhưng Quyền vẫn nói lời hão, rút cuộc không có ý sai con đi. Từ đó về sau, Đế đã ghi tội của Quyền, Chu cũng bị xa lánh, cả đời không được dùng.

Quyền bèn đổi niên hiệu, đến sông chống giữ. Tháng mười một mùa đông, có gió lớn, quân của bọn Lữ Phạm chết đuối mấy nghìn người, quân còn lại về phía nam sông. Tào Hưu sai Tang Bá đem năm trăm chiếc thuyền nhẹ, vạn quân liều chết đánh úp thành Từ Lăng, đánh đốt xe trong thành, giết cướp mấy nghìn người. Tướng quân Toàn Tông, Từ Thịnh đuổi chém tướng Ngụy là Doãn Lư, bắt giết mấy trăm người. Tháng mười hai, Quyền sai Thái trung đại phu Trịnh Tuyền đến thăm Lưu Bị ở thành Bạch Đế, bắt đầu kết thân trở lại.

Giang Biểu truyện chép: Quyền nói: “Gần đây nhận được thư của Huyền Đức, đã tự trách lỗi nặng, xin được kết thân như trước. Trước đây nói phía tây là đất Thục, từ khi nhà Hán vẫn còn vậy. Nay nhà Hán đã bỏ, tự lấy tên là Hán Trung Vương’”.

Ngô thư chép: Trịnh Tuyền tự Văn Uyên, người quận Trần. Học rộng, có chí lạ, lại có tính thích uống rượu, ở trong nhà thường nói: “Muốn lấy được rượu ngon chất đầy năm trăm chiếc thuyền để bốn mùa đặt món ngon ở hai đầu, trùm lại cho chìm vào mà uống rượu, mỏi thì đứng lên ăn món ngon. Rượu có giảm đấu thăng, tùy đó mà thêm vào, cũng chẳng khoái sao”! Quyền cho làm Lang trung. Thường cùng Tuyền nói: “Khanh ưa can ngăn trước mặt mọi người, có chỗ làm mất lễ kính, há dọa lân rồng sao”! Đáp nói: “Thần nghe nói vua sáng thì tôi thẳng, nay đúng là lúc triều đình trên dưới không có lỗi, thực là nhờ vào ân lớn, không sợ lân rồng”. Sau dự yến, Quyền lại dọa Tuyền, sai lôi ra cho quan Hữu ti vội vàng trị tội. Tuyền ra đến lầu thì cúi xuống, Quyền gọi lại, cười nói: “Khanh nói không sợ lân rồng, sao lại đi ra rồi cúi xuống”? Đáp nói: “Thực là được nhờ ân sủng, biết không sợ chết, đến thì nên ra lầu, được mang uy linh, không thể không cúi mình vậy”. Đi sứ Thục, Lưu Bị hỏi nói: “Ngô Vương sao lại không đáp lại thư ta, vì ta không có danh chính nên không đáp sao”? Tuyền nói: “Cha con Tào Tháo dày xéo nhà Hán, cuối cùng đoạt ngôi vị. Điện hạ đã là họ hàng của nhà vua phải có trách nhiệm giữ thành, vậy mà không vác qua cầm kích làm kẻ đứng đầu trong nước, lại tự khen mình, là chưa hợp với lời bàn của thiên hạ, cho nên vua ta chưa đáp lại thư vậy”. Bị rất hổ thẹn. Tuyền sắp chết, bảo người nhà nói: “Phải táng ta ở bên lò gốm, để sau trăm năm nữa hóa thành đất, may ra được lấy đất ấy làm bầu rượu, đấy đúng ý ta vậy”.
Nghi Xương ngày nay (địa danh Di Lăng thờ Tam Quốc)

Nhưng vẫn kết thân với Ngụy Văn Đế, đến năm sau mới dứt. Năm đó đổi tên Di Lăng thành Tây Lăng.

Tháng giêng mùa xuân năm thứ hai, Tào Chân chia quân giữ bãi đất giữa quận Giang Lăng. Tháng đó, đắp thành ở núi Giang Hạ. Đổi lịch Tứ phân, dùng lịch Càn tượng.

Giang Biểu truyện chép: Quyền nghĩ vận của ngũ đức, cho rằng hành thổ chi mùi làm đầu, chi thìn làm chạp.

Chí lâm chép: Hành thổ lấy chi thìn làm chạp, được số của nó vậy. Hành thổ thịnh ở can mậu, lại lấy chi mùi làm đầu, nghĩa này là sai vậy. Hành thổ sinh ở chi mùi, cho nên chi mùi là khôn sơ. Cho nên chương Nguyệt lệnh chép: ‘Tháng kiến mùi, tế sao Hoàng ở ngoài thành, lấy cốc đựng tế tổ’. Nay nay tế tổ đầu tiên, há ứng vận sao?

Tháng ba, Tào Nhân sai bọn Tướng quân Thường Điêu đem năm nghìn quân cưỡi thuyền dầu buổi sớm vượt bãi đất giữa lũy Nhu Tu. Con của Nhân là Thái nhân đó dẫn quân gấp đánh Chu Hoàn, quân của Hoàn chống lại, sai bọn Tướng quân Nghiêm Khuê đánh phá bọn Điêu. Tháng đó, quân Ngụy đều lui. Tháng tư mùa hạ, bầy tôi của Quyền khuyên nên xưng tôn hiệu, Quyền không ưng.

Giang Biểu truyện chép: Quyền từ chối nói: “Nhà Hán đổ vỡ, không cứu được nữa, sao lại còn có ý thế “? Bầy tôi nói là mệnh trời báo điềm lành, cố xin nhiều lần. Quyền vẫn chưa ưng tranh nữa”? Bầy tôi nói là mệnh trời báo điềm lành, cố xin nhiều lần. Quyền vẫn chưa ưng, lại bảo các quan văn võ nói: “Năm trước ta vừa vì Huyền Đức mà đến miền tây, cho nên sai Lục Tốn chọn quân để đợi họ trước. Nghe tin miền bắc sắp đặt, muốn đến giúp ta. Ta trong lo có thế kìm kẹp, không bằng nhận phong của họ, đấy là chịu nhún nhục để làm nhanh việc gấp, lại lúc quân miền tây cùng đến, ta hai phía gặp địch, do đó ta làm trò, liền tự đón rước, nhận phong Vương của họ. Ta cúi mình đón nhận nhưng các ông vẫn chưa hiểu hết, nay đem việc cũ ra giải thích vậy”.

Lưu Bị chết ở thành Bạch Đế.

Ngô lịch chép: Quyền sai Lập tín đô úy Phùng Hi đến thăm Thục, điếu tang Bị vậy. Hi tự Tử Nhu, người quận Dĩnh Xuyên, là dòng dõi của Phùng Dị vậy. Thời Quyền làm Xa kị tướng quân, Hi đến phía đông làm Tào duyện, đi sứ Thục về, dùng làm Trung đại phu. Sau đi sứ Ngụy. Ngụy Văn Đế hỏi nói: “Ngô Vương muốn sửa lại việc kết thân, nên đem quân mạnh đến Giang Quan, treo cờ tinh ở đất Ba Thục, nhưng nghe nói lại sai đến sửa việc kết thân, tất có thay đổi”. Hi nói: “Thần nghe nói sứ giả phương tây đến thăm hỏi, tạm để xem kẽ hở, không có mưu vậy”. Lại nói: “Nghe nói nước Ngô năm nay gặp khô hạn, muôn vật tổn hại, dựa vào cái sáng suốt của Đại phu, xem nó thế nào”? Hi Đáp nói: “Ngô Vương tính vốn thông minh, giỏi ở việc sai sứ giả, các việc thu thuế lao dịch, mỗi việc đều tất lo liệu, nuôi dạy quân lữ, gần người hiền, yêu kẻ sĩ, thưởng không phân biệt kẻ thù, mà phạt tất không thêm tội, bầy tôi đều mang ân cảm đức, chỉ có lòng trung nghĩa. Vạn quân mang giáp, lúa vải chất cao như núi, lúa mọc ở đồng lầy, dân không có năm đói, đấy gọi là thành vàng đầm thuốc, là nước giàu mạnh vậy. Do đó thần xem thấy, chức phận nặng nhẹ, chưa thể đo hết”. Đế không vui, vì Trần Quần là người cùng quận với Hi, sai Quần dụ Hi, đem nhiều lợi lộc để dụ. Hi không lấy về. Kịp đến Ma Bản, muốn nhân đó gây khó Hi. Sau lại gọi về, chưa đến, Hi sợ bị ép mà ý chẳng muốn, bèn rút đao tự đâm cổ. Người đánh xe thấy, ngăn không được chết. Quyền nghe tin, rơi nước mắt nói: “Đấy có khác gì với Tô Vũ sao”? Rút cuộc chết ở nước Ngụy.

Tháng năm, người huyện Khúc A nói là có sương ngọt giáng. Lúc đầu tướng giữ thành Hí Khẩu là Tấn Tông giết tướng là Vương Trực, đem quân đến hàng Ngụy. Nhà Ngụy lấy làm Kì Xuân Thái thú, nhiều lần phạm cõi biên. Tháng sáu, Quyền sai Tướng quân Hạ Tề đem bọn Mi Phương, Lưu Thiệu đánh úp quận Kì Xuân, bọn Thiệu bắt sống Tông. Tháng mười một mùa đông, sứ Thục là Trung lang tướng Đặng Chi đến thăm.

Ngô lịch chép: Người Thục đem hai trăm con ngựa, nghìn đọan gấm cùng phương vật. Từ đó về sau, sứ giả thăm hỏi qua lại bình thường. Người Ngô cũng đem sản vật địa phương đến để đáp ý tốt ấy.

Mùa hạ năm thứ ba, sai Phụ nghĩa Trung lang tướng Trương Ôn đến thăm nước Thục. Tháng tám mùa thu, tha tử tội. Tháng chín, Ngụy Văn Đế đến quận Quảng Lăng, đứng nhìn sông lớn từ xa, nói: “Bên ấy có người, chưa đánh lấy được vậy”. Rồi về.

Tấn kỉ của Can Bảo chép: Ngụy Văn Đế đến ở Quảng Lăng, người Ngô kinh hãi, bèn đến sông đắp Nghi Thành, từ huyện Thạch Đầu đến huyện Giang Thặng, lấy cây gỗ làm xe, lấy chiếu cỏ làm áo, thêu thêm hoa văn. Một chiều là xong. Người Ngụy từ phía tây sông nhìn, rất e ngại, bèn rút quân. Quyền sai Triệu Đạt tính đoán, nói: “Tào Phi chạy rồi, nước Ngô suy vào năm canh tí”? Quyền nói: “Được mấy năm”? Đạt cúi xuống chỉ tay mà tính, nói: “Năm mươi tám năm”. Quyền nói: “Ta có nỗi lo của ngày nay, không rỗi mà lo xa, đấy là việc của con cháu vậy”.

Ngô lục chép: Năm đó vua Thục lại sai Đặng Chi đến thăm, kết thêm thề hiếu. Quyền bảo Chi nói: “Người miền núi làm loạn, quân giữ bên sông bày nhiều là sợ Tào Phi thừa lúc trống rỗng mà gây rối, cho nên quay lại xin hòa. Người bàn cho rằng trong có việc không rỗi mớimong đến xin hòa, với ta thì có lợi, nên cùng qua lại để tự phân định. Sợ miền tây không rõ lòng son của ta, dẫn đến nghi ngờ. Ngoài biên đất đai của ta có vạn chỗ rỗng, mà từ Trường Giang đến biển, đều phải phòng giữ. Tào Phi dòm ngó thì động binh, chỉ lo không được yên, há quên đều này, mà có ý khác sao”?

(Còn nữa)



Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét