Thứ Sáu, 18 tháng 8, 2023

NGÔ THƯ QUYỂN 19 - Gia Cát Đằng nhị Tôn Bộc Dương truyện

 


Tôn Quyền trêu Gia Cát Cẩn mặt dài như lừa,
Gia Cát Khác nhanh chóng ứng biến

NGÔ THƯ QUYỂN 19 - Gia Cát Đằng nhị Tôn Bộc Dương truyện

Gia Cát Khác, Đằng Dận, Tôn Tuấn, Tôn Lâm, Bộc Dương Hưng

 

GIA CÁT KHÁC TRUYỆN

 

Gia Cát Khác tự Nguyên Tốn, là con cả của Cẩn vậy. Thuở nhỏ được biết tiếng.

 

Giang Biểu truyện viết: Khác trẻ tuổi mà có tài năng, văn vẻ hay đẹp, biện luận ứng đáp, chẳng ai sánh kịp. Quyền gặp mà khen lạ, bảo Cẩn rằng: "Lam Điền sinh ngọc(1), thật chẳng sai vậy".

Ngô lục viết: Khác cao bảy thước sáu tấc, râu ria thưa, mũi hếch trán rộng, miệng lớn tiếng to.


Lúc thành người lớn được bái Kị Đô úy, giảng luận đạo học hầu bên Thái tử Đăng với bọn Cố Đàm, Trương Hưu, cùng làm bè bạn. Từ chức Trung thứ tử chuyển làm Tả phụ Đô úy.

 

Cha Khác là Cẩn mặt dài như mặt con lừa, Tôn Quyền hội gặp bầy tôi, sai người dắt một con lừa vào, thấy con lừa mặt dài, đề chữ 'Gia Cát Tử Du'. Khác quỳ nói: "Xin cho viết thêm hai chữ". Nhân đó nghe theo cho viết. Khác viết tiếp ở dưới là 'chi lư'(2). Người ngồi cười vui, lại ban con lừa cho Khác. Hôm sai lại gặp, Quyền hỏi Khác rằng: "Cha khanh so với chú(3) khanh ai hiền hơn"? Đáp nói: "Cha thần hiền hơn". Quyền hỏi vì sao, đáp nói: "Cha thần biết người mà mình theo giúp, chú thần không biết, cho nên hiền hơn". Quyền lại cười vang, sai Khác mời rượu, đến trước mặt Trương Chiêu, Chiêu trước đã có vẻ say rượu, không chịu uống, nói: "Đấy không phải là cái lễ chăm người già vậy". Quyền nói: "Khanh có thể làm cho Trương Công chịu phục lại phải uống nữa không"? Khác hỏi Chiêu rằng: "Ngày xưa Sư Thượng Phủ(4) chín mươi tuổi còn cầm cờ mao lưỡi búa, vẫn chưa cho là già. Ngày nay có việc quân thì Tướng quân ở sau, có hội ăn uống thì Tướng quân ở trước, sao lại nói là không chăm người già"? Chiêu rút cuộc không từ chối, bèn uống hết chén rượu. Sau có sứ giả của nước Thục đến, bầy tôi cùng hội gặp, Quyền bảo sứ giả rằng: "Đấy là Gia Cát Khác giỏi lại ưa cưỡi ngựa, khanh về báo Thặng tướng, tặng cho con ngựa tốt". Khác nhân đó cảm tạ, Quyền nói: "Ngựa chưa đến mà tạ là sao"? Khác đáp nói: "Nước Thục chỉ là cái chuồng ngựa ngoài cung của Bệ hạ, nay có chiếu ban ân, ngựa tất dắt đến, sao dám không tạ"? Sự lanh lợi của Khác đều đại khái như thế.

 

Khác biệt truyện viết: Quyền từng mời sứ giả của nước Thục là Phí Y ăn yến, hạ lệnh bầy tôi trước rằng: "Sứ giả đến, ngồi ăn chớ đứng dậy". Y đến, Quyền đã ăn xong nhưng bầy tôi không đứng dậy. Y cười cợt họ rằng: "Chim phượng hoàng đến đậu, con kì lân còn phải thổ nhả, nhưng con lừa la không biết, cứ ngồi ăn như thế". Khác đáp rằng: "Trồng cây ngô đồng để đợi chim phượng hoàng, vậy mà có con chim én tự đâu bay đến đậu? Sao không bắn đuổi nó về chỗ cũ"! Vĩ dừng chén cơm, muốn làm bài phú về cây lúa mạch, Khác cũng tự xin làm bài phú về cây gai, đều khen là hay. Quyền từng hỏi Khác rằng: "Gần đây sao lại tự làm vui mà da thịt béo mĩm"? Khác đáp nói: "Thần nghe nói làm cho nhà giàu có, khiến cho đức thấm thân, thần không dám tự làm vui, chỉ là tu thân mà thôi". Lại hỏi rằng: "Khanh thấy Đằng Dận thế nào"? Khác đáp nói: "Lên điện coi việc thì thần không bằng Dận; bày kế đặt mưu thì Dận không bằng thần". Khác từng dâng ngựa cho Quyền, cắt tai ngựa trước, Phạm Thận bấy giờ đang ngồi, cợt Khác nói: "Ngựa dẫu là con thú lớn nhưng được trời sinh cho khí lạ. Nay cắt tai nó, há chẳng làm tổn hại đến lòng nhân sao"? Khác đáp nói: "Người mẹ đối với con gái có thể nói là ân tình sâu lắm, vậy mà xuyên tai đeo ngọc, có tổn thương đến lòng nhân sao? Thái tử từng cợt Khác rằng: "Gia Cát Nguyên Tốn ăn được phân ngựa". Khác nói: "Thái tử ăn được trứng gà". Quyền nói: "Người ta nói khanh ăn phân ngựa, khanh lại bảo người ta ăn trứng gà là sao"? Khác đáp nói: "Những thứ ấy xuất ra cùng chỗ(5) vậy". Quyền cười lớn.

Giang Biểu truyện viết: Từng có con chim đầu trắng đậu ở trước điện, Quyền nói: "Đấy là chim gì"? Khác nói: "Là chim 'ông đầu trắng' vậy". Trương Chiêu tự thấy trong đám người ngồi thì mình là già nhất, ngờ rằng Khác lấy con chim ấy mà cợt mình, nhân đó nói: "Khác lừa Bệ hạ, chưa từng nghe nói có chim nào tên là 'ông đầu trắng', thử sai Khác tìm con chim 'bà đầu trắng' xem". Khác nói: "Có con chim tên là 'mẹ vẹt', chưa hẳn là có cặp đôi, thử sai Phụ Ngô Tướng quân(6) tìm con chim tên là 'bố vẹt' xem". Chiêu không đáp được, người ngồi đều cười vui.

 

Quyền rất khen lạ, muốn đem việc để thử, sai làm Tiết độ. Quan Tiết độ trông coi lương thực của quân đội, sách vở rườm rà, không phải là việc Khác ưa vậy.

 

Giang Biểu truyện viết: Quyền làm Ngô Vương, vừa đặt chức Tiết độ, sai trông coi lương thực của quân đội, không phải là theo phép chế của nhà Hán. Lúc đầu dùng Thị trung Thiên tướng quân Từ Tường, lúc Tường chết lại chọn dùng Khác. Gia Cát Lượng nghe tin Khác thay Tường, gửi thư cho Lục Tốn rằng: "Anh ta tuổi già mà Khác còn trẻ dại, nay sai trông coi lương thực, mà lương thực là thứ cốt yếu của quân đội. Ta dẫu ở xa nhưng vẫn không yên. Mong túc hạ hãy bẩm với bậc chí tôn xin chuyển việc khác đi". Tốn đem việc ấy báo Quyền, liền chuyển cho Khác lĩnh quân.

 

Khác cho rằng quận Đan Dương hiểm yếu, dân lại phần nhiều cứng cỏi, dẫu lúc trước phát binh, chỉ dời được dân thường ngoài huyện mà thôi, còn lại ở nơi sâu xa, chẳng bắt hết được, thường tự xin ra đấy làm quan, cho là ba năm thu tất được bốn vạn quân mang giáp. Mọi người bàn luận đều cho rằng: "Địa thế Đan Dương hiểm trở, liền kề với bốn quận Ngô, Cối Kê, Tân Đô, Bà Dương, vòng quanh mấy nghìn dặm, hang núi liên tiếp, người dân ở nơi sâu tối, chưa từng vào thành ấp, còn các quan lại chỉ đều đem quân ở nơi đồng ruộng, tự giữ ở ven rừng mà thôi. Kẻ trốn tránh đều cùng ẩn náu ở đấy. Núi lại có nhiều đồng thiếc, tự đúc thành áo giáp, tục lại giỏi đánh trận, ưa thích dùng sức, người ở đất trèo núi lội suối, băng đạp rừng gai như cá bơi đầm vực, vượn khỉ trèo cây vậy. Bấy giờ nơi ấy xa lánh, ra làm giặc cướp, hễ đem quân đánh dẹp họ lại ẩn náu, lúc đánh trận thì đến như ong, lúc thua thi như chim bay, từ thời trước đến nay không ràng buộc được vậy". Đều cho là khó. Cha Khác là Cẩn nghe tin, cũng cho rằng việc ấy khó thành, than nói: "Khác không giúp nhà ta rạng rỡ lại muốn làm cho nhà ta trơ trụi vậy". Khác gắng bày kể việc tất xong. Quyền bèn bái Khác làm Phủ Việt Tướng quân, lĩnh chức Đan Dương Thái thú, trao ba trăm quân kị cầm kích cứng. Bái xong, sai Khác sắm sửa đồ nghi trượng, đặt trống sáo, cho đem về nhà, bấy giờ ba mươi hai tuổi.

 

Khác đến phủ, liền gửi thư cho quan lại các thành của bốn quận, sai đều tự giữ bờ cõi, sắp đặt đội ngũ, những người dân theo giáo hóa đều lệnh ở yên. Lại chia sai các tướng đem quân chặn chỗ hiểm, chỉ đóng giữ rào lũy, không ra giao tranh, đợi thóc lúa của địch sắp chín thì tung quân ra gặt hái, khiến cho địch không còn lúa giống. Lúa cũ đã hết, ruộng mới lại không gặt, dân thường ở yên, địch không vào cướp được, do đó dân trên núi đói khốn, dần dần ra hàng. Khác bèn hạ lệnh lại rằng: "Người trên núi bỏ điều ác theo giáo hóa, đều nên vỗ về, dời ra huyện ngoài, không được gây nghi ngờ, nếu có sẽ bắt giam". Cữu Dương Trưởng là Hồ Kháng bắt được dân hàng là Chu Di, Di vốn là dân ác cũ, vì khốn cùng mà ra hàng, trong lòng mưu phản nghịch, Kháng bắt trói đến phủ. Khác thấy Kháng làm trái lệnh, liền chém để răn chúng, đem tình trạng báo lên. Dân nghe tin Kháng vì có tội bắt người mà bị giết, biết rằng quan lại chỉ muốn bọn mình ra hàng mà thôi, do đó già trẻ dắt nhau mà ra, đến hẹn, số người ra hàng đều như phép cũ. Khác tự thu lấy vạn người, còn lại cấp cho các tướng. Quyền khen công ấy, sai Thượng thư Bộc xạ Tiết Tống đến an ủi quân sĩ. Tống gửi thư cho bọn Khác trước rắng: "Người trong núi cậy chỗ hiểm, không thần phục đã nhiều đời, vỗ về thì như chuột rúc đầu, đánh dẹp thì như sói dòm ngó. Hoàng đế giận dữ, sai tướng đi đánh, trong bày kế thần, ngoài tỏ khí mạnh. Quân không dùng đao, giáp không nhuộm máu mà kẻ ác treo đầu, bè đảng theo hàng, dẹp bằng rừng núi, thu mười vạn quân. Đồng không còn giặc cướp, ấp chẳng còn ác ngược. Đã quét bọn xấu, lại nạp vào quân, cây dại bụi rậm hóa thành cỏ tốt. Ma quái quỷ tà trở thành quân hổ. Dẫu thực là dựa vào uy nghi của nhà nước nhưng cũng do cái tín nghĩa của tướng súy mới dẫn đến như thế vậy. Dẫu kinh Thi khen công vỗ về, kinh Dịch ngợi công chém đầu(7), dẫu Phương, Thiệu của nhà Chu, Vệ, Hoắc của nhà Hán(8), há đủ để bàn? Công hơn người xưa, huân quá thời trước. Vua trên mừng rỡ, ở xa xuýt xoa. Cảm cái phép cũ 'tứ mẫu'(9), nhớ cái thói xưa 'ẩm chí'(10), cho nên sai quan lại thân cận đến đón ban thưởng để nêu rõ công to, để tỏ ý an ủi". Bái Khác làm Uy bắc Tướng quân, phong Đô Hương Hầu. Khác xin đem dân đến làm ruộng ở Lư Giang, Hoản Khẩu, nhân đó đem quân đánh úp huyện Thư, bắt được dân ở đấy rồi về. Lại sai người dò ngóng gần xa, xem xét nơi hiểm yếu, muốn đánh lấy Thọ Xuân, Quyền cho là không được.

 

Giữa năm Xích Ô, Tư Mã Tuyên Vương của nhà Ngụy mưu muốn đánh Khác, Quyền đang phát binh đến cứu, người bói khí gió cho là không lợi, do đó dời Khác đến đóng đồn ở Sài Tang. Gửi thư cho Thặng tướng Lục Tốn nói: "Dương Kính Thúc bàn luận thẳng thắn, cho rằng ngày nay người tài sạch nhẵn, kẻ giữ đức không có mấy ai, nên chọn lựa tả hữu, lại cho giúp đỡ, trên làm rõ việc nước, dưới sửa nắn lỗi sai. Lại nữa những kẻ tầm thường ưa vu vạ lẫn nhau, khiến cho trở thành thói quen, trong ngày càng tổn hại, do đó người tiến cử không được vui cười. Nghe nói thế mà than thở, thực là đúng vậy. Kẻ ngu này cho rằng bậc quân tử không phòng bị ở một người, học trò trong nhà họ Khổng có đến ba nghìn người, trong đó có bảy mươi hai người giỏi, đến như bảy mươi người bọn Tử Trương, Tử Lộ, Tử Cống là những kẻ có đức chỉ đứng sau bậc thánh mà vẫn có những chỗ kém, Sư thiên lệnh, Do thô lậu(11), không chịu an phận, huống chi những kẻ sau bọn họ mà không có chỗ thiếu sao? Vả lại Trọng Ni không lấy việc không phòng bị nhiều học trò mà cho làm bạn, không lấy chỗ kém của người ta mà bỏ chỗ mạnh của người ta vậy. Lại nữa ngày nay chọn kẻ sĩ, nên rộng rãi hơn thời xưa, vì sao? Ngày nay việc nhiều mà người giỏi lại ít, các quan lại của nhà nước thường phải làm việc vất vả mà chẳng chọn thêm người. Nếu khiến cho tính không gian ác, chí hay gắng sức thì mới thành công, làm tròn chức phận. Nếu với những việc nhỏ vừa hợp, không đủ để làm riêng, đều nên tha thứ, không cần trách phạt. Vả lại kẻ sĩ thực không nên xét hỏi quá kĩ, quá kĩ thì thì người ấy dẫu là hiền thánh vẫn có chỗ không trọn vẹn, huống chi là tầm thường vào đây? Cho nên nói lấy đạo mà xem người thì khó, dùng người xem người thì dễ, như thế hiền ngu có thể biết. Từ cuối thời nhà Hán đến nay, kẻ sĩ của Trung Quốc như bọn Hứa Tử Tương(12), chỉ lo mỉa mai nhau, có kẻ bị họa, vì đó mà có vậy, không phải vì có kẻ thù, chỉ là ngồi giữ thân mà không dốc hết lễ nghĩa, không lấy lẽ phải để trách người vậy. Đã không dốc hết lễ nghĩa thì người khác không phục. Lấy lẽ phải để trách người thì người không chịu theo. Trong không phục đức ấy, ngoài không chịu lỗi ấy thì không thể không oán nhau. Một khi oán nhau thì kẻ tiểu nhân được chứa trong đó. Được chứa trong đó thì có lời đồn 'ba lần truyền đến', lời gièm vu hại, giằng co tranh giành, dẫu sai người sáng suốt hay người thân cận của mình đến xét xử thì cũng khó mà quyết định được, huống chi là người đã có hiềm khích lại không sáng suốt đây? Cho nên Trương, Trần bị nạn đao máu, Tiêu, Chu không trọn tiếng tốt(13), chỉ là do đấy mà thôi. Nếu không tha lỗi nhỏ mà vẫn xét nét trách phạt thì lâu dần dẫn đến oán giận trong nhà, lúc ấy cả nước không còn kẻ sĩ trọn đức vậy". Khác biết Tốn vì công ấy mà hiềm mình, cho nên xét rõ lí lẽ mà khen ý tốt vậy. Gặp lúc Tốn chết, Khác chuyển làm Đại Tướng quân, Giả tiết, trú ở Vũ Xương, thay Tốn lĩnh việc Kinh Châu.

 

Lâu sau, Quyền không vui, mà Thái tử còn nhỏ, liền gọi Khác làm Đại Tướng quân, lĩnh chức Thái tử Thái phó, Trung thư lệnh Tôn Hoằng làm Thiếu phó. Quyền bệnh khốn, gọi Khác, Hoằng cùng Thái thường Đằng Dận, Tướng quân Lữ Cứ, Thị trung Tôn Tuấn đến trao việc sau này.

 

Ngô thư viết: "Quyền bệnh nặng, bàn việc trao gửi. Bấy giờ bầy tôi đều cùng chú ý đến Khác, lại nữa Tôn Tuấn nói Khác có tài chính trị, nên trao cho việc lớn. Quyền lại hiềm Khác cứng cỏi quá tất tự chuyên quyền, nhưng Tuấn lại cho rằng triều đình ngày nay chẳng ai bằng Khác, bèn cố giữ ý ấy, do đó liền gọi Khác đến. Sau đó dẫn bọn Khác đến bên chỗ nằm, nhận chiếu dưới giường, Quyền hạ chiếu rằng: "Ta bệnh nặng rồi, sợ không được gặp nhau nữa, các việc đều giao cho các ngươi". Khác than thở khóc lóc nói: "Chúng thần đều nhận ân dày, sẽ vâng lệnh đến chết, mong Bệ hạ giữ yên tinh thần, giảm suy nghĩ, không cần lo lắng việc khác". Quyền hạ chiếu cho các quan lại đem mọi việc giao cho Khác, được xét việc giết phạt trước rồi mới báo lên. Lại dựng phủ quán, đặt quân vệ, được nhận lễ nghi bái tạ của trăm quan, đều có phẩm trật. Còn các hình pháp không tiện lợi thì sắp xếp báo lên, Quyền liền nghe theo. Trong ngoài yên ổn, lòng người vui mừng.

 

Hôm sau, Quyền hoăng. Hoằng vốn không hợp với Khác, sợ bị Khác trị tội, nhân lúc Quyền chết muốn lén sửa chiếu mà trừ diệt Khác. Tuấn đem việc ấy báo cho Khác, Khác mời Hoằng đến bàn việc, trong lúc ngồi mà giết Hoằng. Lại mặc áo phát tang, gửi thư cho em là Công An Đốc là Dung rằng: "Hôm nay là ngày kỉ mùi mùng sáu tháng mười, Đại Hành Hoàng Đế(14) rời khỏi vạn nước, bầy tôi lớn nhỏ chẳng ai không đau thương. Đến như anh em cha con ta cùng nhận ân lớn, không chỉ là bầy tôi tầm thường cũng buồn bã, tim gan chia cắt mà thôi. Hoàng Thái tử đến ngày đinh dậu lên ngôi vị, vui buồn cùng lúc, không biết làm sao. Thân ta chịu mệnh gửi gắm, giúp đỡ vua nhỏ, tự mình xét đoán, tài năng không rộng lớn mà phải chịu mệnh gửi gắm như Chu Công, lo làm nhục cái tiếng tăm Thặng tướng giúp nhà Hán, sợ làm tổn cái sáng suốt Tiên đế gửi mệnh, cho nên thẹn thùng sợ hãi, lo nghĩ vạn bề. Vả lại dân ghét vua trên, động thì bị dò xét, thời này dễ sao? Nay dựa vào dáng dấp ngu tối mà được giữ chức Tể tướng, nạn nhiều mà trí ít, việc nặng mà mưu cạn, ai là răng môi? Gần đây vào thời nhà Hán, Yên, Cái kết mưu, có sự biến của Thượng Quan(15), ta đem thân làm quan lớn, dám vui mừng được sao? Lại còn em ở đấy chống nhau kèn cựa với giặc, ngày nay nên chỉnh đốn quân mã, khích lệ tướng sĩ, phòng bị hơn thường, phải nghĩ vào nơi vạn chết, không mong một sống để báo đền triều đình, không làm nhục tổ tiên của mi. Lại nữa các tướng phòng giữ các chỗ, vân sợ quân giặc nghe biết lỗi sai, dòm ngó lén cướp. Các quan lại ở biên giới cấp dưới đều phải ràng buộc, các tướng lĩnh bộ khúc không được tự ý trao cho quân sĩ, không được bỏ chỗ đến chịu tang. Dẫu trong lòng đau buồn, nhưng vì nghĩa công mà quên lợi riêng, Bá Li đánh rợ Nhung vẫn phải làm trái lễ(16), không chỉ là lỗi nhỏ. Lấy người thân mà giúp người ngoài là điều răn rõ ràng của người xưa vậy". Khác liền được bái làm Thái phó. Do đó bỏ dò xét, bãi Hiệu quan, tha kẻ trốn tránh, giảm tô thuế, ban phát ân trạch, dân chẳng ai không vui. Khác hễ ra vào, trăm họ ngoái cổ, nhìn xem hình dạng.

 

Lúc trước vào năm Hoàng Long thứ nhất, Quyền dời đô đến Kiến Nghiệp, đến năm thứ hai thì đắp đê Đông Hưng để ngăn nước hồ. Sau lại đánh miền Hoài Nam, thua vì dùng thuyền ở đấy, do đó bỏ mà không sửa lại. Khác hẹn đến tháng mười năm Kiến Hưng thứ nhất hội quân ở Đông Hưng, lại đắp đê lớn, đắp hai tòa thành liền núi ở hai phía trái phải, đều đặt nghìn quân ở đấy, sai Toàn Đoan, Lưu Lược giữ thành rồi dẫn quân đi về. Nhà Ngụy thấy quân Ngô vào bờ cõi của mình, thẹn vì bị lấn, sai bọn Đại tướng Hồ Tuân, Gia Cát Đản đem bảy vạn quân muốn vây đánh hai thành, mưu phá vỡ đê. Khác phát bốn vạn quân ngày đêm đến cứu. Bọn Tuân lệnh các quân làm cầu nổi vượt sông, bày trận ở trên đê, chia quân đánh hai thành. Thành ở chỗ cao, không đánh hạ được. Khác sai Tướng quân Lưu Tán, Lữ Cứ, Đường Tư, Đinh Phụng làm Tiền bộ, bấy giờ tuyết lạnh, các tướng Ngụy đang uống rượu, thấy quân của bọn Tán ít lại cởi bỏ áo giáp, không cầm mâu kích, chỉ đội mũ cầm đao khiên, cởi trần đi dọc bờ đê, bèn cười lớn chê giễu, không lo chỉnh đốn quân sĩ. Quân Ngô lên bờ, lại gõ trống vang lừng, quân Ngụy kinh hãi tan chạy, tranh qua cầu nổi, cầu đứt gãy, tự rơi xuống nước, lại giẫm đạp nhau. Bọn An Lạc Thái thú Hoàn Gia cùng lúc bị chìm, chết đến mấy vạn người. Tướng đã phản trước đây là Hàn Tống làm Tiền quân đốc của nhà Ngụy cũng bị chém. Bắt thu xe ngựa, trâu, lừa, la đến mấy nghìn con, đồ vũ khí chất đống, rồi rút quân về. Tiến phong Khác làm Dương Đô Hầu, bái thêm chức Kinh Châu Mục, trông coi việc quân trong ngoài, ban một trăm cân vàng, hai trăm con ngựa, vạn thất gấm lụa.

 

Khác bèn có ý khinh địch, thắng trận vào tháng mười hai, đến mùa xuân năm sau lại muốn phát quân.


Hán Tấn Xuân thu viết: Khác sai Tư mã Lí Hành đến nước Thục khuyên Khương Duy cùng dấy binh, nói: "Người xưa có nói thánh nhân không thể tạo ra thời cơ, nhưng thời cơ đến cũng không nên làm mất. Ngày nay chính trị của nước địch rơi vào tay kẻ khác, trong ngoài nghi ngờ, quân thua ở ngoài mà dân oán ở trong, từ thời Tào Tháo đến nay, thế nguy vong của nước địch chưa có khi nào như ngày nay vậy. Nếu phát đại quân đánh chúng, cho quân Ngô đánh phía đông, quân Thục đánh phía tây. Nếu bên ấy cứu phía tây thì phía đông tất trống trải, coi trọng phía đông thì trống trải phía tây, đem quân khỏe mạnh đến đánh kẻ địch trống trải thì tất phá được vậy". Duy nghe theo.

 

Các đại thần cho rằng mấy lần phát quân mỏi mệt, cùng nói lời can ngăn, Khác không nghe. Trung tán Đại phu Tưởng Diên vẫn cố giữ ý, bị đuổi ra. Khác lại viết bài luận dụ ý mọi người rằng: "Trời không có hai Mặt trời, nước không có hai vua, xưa nay chưa có bậc làm vua nào mà không nghĩ việc thu gom thiên hạ và truyền lộc cho đời sau vậy. Ngày xưa vào thời Chiến quốc, chư hầu tự dựa vào quân mạnh đất rộng, cứu giúp lẫn nhau, như thế cũng đủ để truyền cho đời sau, chẳng ai gây nguy được. Tự cho là thỏa ý, sợ bị vất vả, khiến cho nước Tần ngày càng lớn mạnh, rồi đến chiếm cả các nước ấy. Đấy là thế chắc chắn vậy. Gần đây Lưu Cảnh Thăng ở tại Kinh Châu có mười vạn quân, lương thực chất cao như núi, không chịu nhân lúc Tào Tháo còn yếu mà dốc sức tranh giành đi mà lại ngồi xem hắn lớn mạnh lên chiếm diệt họ Viên. Sau khi dựng đô ở miền bắc, Tháo đem ba mươi vạn quân hướng đến Kinh Châu, bấy giờ dẫu là người khôn ngoan cũng không thể bày kế chống, do đó con nhỏ của Cảnh Thăng phải trói tay xin hàng, trở thành người tù. Hễ là nước địch muốn chiếm nhau thì thù hận muốn diệt nhau vậy. Có thù mà kéo dài nó thì họa không tại mình mà là tại người, không thể không nghĩ kĩ vậy. Ngày xưa Ngũ Tử Tư(17) nói: 'Nước Việt được mười năm sinh sôi, mười năm được dạy dỗ, nếu hơn hai mươi năm thì nước Ngô sẽ bị thành cái ao thôi"! Phù Sai tự cậy lớn mạnh, nghe nói thế mà coi thường, do đó giết Tử Tư mà không có ý phòng bị nước Việt, đến khi thua trận mới hối tiếc, há còn kịp không? Nước Việt nhỏ hơn nước Ngô mà vẫn là mối họa của nước Ngô, huống chi là nước lớn mạnh đây? Ngày xưa nước Tần chỉ có đất Quan Tây(18) mà thôi mà vẫn chiếm được sáu nước, nay giặc đều có được đất chín châu xưa là Tần, Triệu, Hàn, Ngụy, Yên, Tề, đất gồm cả xứ có nhiều giáp ngựa, kẻ sĩ nhiều như rừng rậm. Ngày nay đem nhà Ngụy sánh với nước Tần thời xưa, đất đai rộng hơn gấp đôi, lấy nước Ngô và nước Thục sánh với sáu nước thời xưa lại không bằng một nửa. Nhưng ngày mà địch được bên ấy chỉ là vì quân sĩ bên ấy vừa sạch nhẵn hơn cả thời Tào Tháo và kẻ nối nghiệp chưa được lớn mạnh cả vậy. Ngày nay là lúc giặc suy yếu chưa lớn lên, lại thêm Tư Mã Ý giết Vương Lăng trước, sau đó tự tổn hại, con còn nhỏ dại mà nắm giữ quyền lớn, dẫu là kẻ sĩ có mưu kế cũng chưa dùng được. Ngày nên nên đánh đi, là vận xấu của địch vậy. Thánh nhân gấp theo thời cơ, đúng là bảo về ngày nay vậy. Nếu thuận lòng người, giữ ý cầu yên, chỉ cậy vào cái hiểm của sông lớn để truyền cho đời sau, không bàn về cái trước sau của nhà Ngụy, lại đem việc ngày nay mà gửi cho đời sau, đấy là điều mà ta thường than thở vậy. Từ nay về sau phải chăm nuôi dưỡng, ngày nay dân bên ấy năm tháng càng đông nhiều, nhưng vẫn còn yếu, chưa thể dùng được vậy. Nếu sau mấy chục năm nữa thì dân bên ấy tất nhiều mạnh gấp đôi ngày nay, mà nhà nước ta đang có quân mạnh thì lúc ấy sẽ trống trơn, chỉ có dùng quân ấy mới định được việc. Nếu không sớm dùng quân mạnh ấy, ngồi yên mà đợi già, lại sau mấy chục năm nữa sẽ tổn khoảng một nửa, lại thấy con em không đủ nói đến. Nếu quân địch đông thêm mà quân ta tổn một nửa thì dẫu có Y, Quản giúp mưu cũng chẳng làm gì được. Nay có người không biết nghĩ kĩ thì hẳn là cho đấy là xa vời. Nhưng nhân lúc tai họa chưa đến mà suy xét trước đi, đấy là sửa nắm cái xa vời của mọi người vậy. Đến lúc nạn đến mới chau mày, dẫu là người có trí cũng chẳng giúp được. Đấy cũng là cái nạn xưa nay, không chỉ một thời mà thôi. Ngày xưa vua Ngô cho rằng ý của Ngũ Viên là xa vời, cho nên nạn đến thì không cứu được. Lưu Cảnh Thăng không nghĩ đến việc mười năm sau, cho nên không truyền được lộc cho con cháu. Nay Khác không có cái tài của tôi thần giỏi mà nhận chức lớn của Tiêu, Hoắc(19) ở Đại Ngô, trí giống mọi người, suy nghĩ chẳng sâu xa. Nếu không theo thời cơ ngày nay để giúp nước mở đất, ngồi đợi tuổi già, khiến cho giặc thù càng mạnh, lúc ấy muốn đâm cổ để tạ lỗi còn làm được không? Nay nghe nói mọi người vì trăm họ còn nghèo, muốn cho nghỉ ngơi, đấy là không biết lo nghĩ cái họa lớn mà lại yêu thích cái công nhỏ vậy. Ngày xưa Hán Cao Tổ may lắm mới có được đất Tam Tần(20), sao lại không đóng cửa giữ chỗ hiểm để tự vui vẻ, đừng ra đánh Sở để tránh thân bị thương tật, để cho giáp trụ sinh chấy rận, tướng sĩ khỏi bị khốn khổ, há lại chịu xông vào đao nhọn mà quên đi yên ổn sao? Nếu lo nghĩ lâu dài thì không trọn hai đường vậy! Ta hễ xem việc Kinh Hàm đem mưu tiến đánh để khuyên Công Tôn Thuật(21), gần đây lại xem biểu của chú ruột bày kế tranh giành với quân giặc mà chưa từng than thở cảm khái vậy. Sớm tối trằn trọc, lo nghĩ đến ngư thế, cho nên liều bày tỏ ý ngu để mong đạt được hai, ba ý ngọn của người quân tử. Nếu một sớm chết đi, chí mưu không thành, cũng khiến cho người đời biết được nỗi lo của ta, được người đời sau suy nghĩ". Mọi người đều muốn từ chối lời lẽ trong bài luận ấy của Khác nhưng chẳng ai dám nói.

 

Đan Dương Thái thú Niếp Hữu vốn thân thiện với Khác, gửi thư can ngăn Khác rằng: "Đại Hành Hoàng Đế vốn có kế ngăn chặn miền Quan Đông nhưng kế chưa kịp làm. Nay ông giúp dựng nghiệp lớn, tạo thành chí của Tiên đế, giặc xa tự chịu phục, tướng sĩ cậy dựa uy đức, dấn thân vâng mệnh, một sớm lập công khác thường, há không phải là nhờ phúc của xã tắc anh linh tông miếu chăng! Nay nên tạm đóng quân nuôi thế mạnh, đợi cơ hội mà phát động. Nhân có thế ấy mà muốn phát binh, thời cơ chưa đúng vậy. Vả lại nên tin nghe ý của nhiều người, nếu theo ý riêng thì sẽ không yên". Khác đọc bài luận xong, viết thư đáp Hữu nói: "Túc hạ dẫu có lí chắc chắn nhưng chưa thấy được vận lớn. Xét kĩ bài luận ấy, có thể làm cho hiểu rõ vậy". Do đó làm trái ý mọi người, phát hai mươi vạn đại quân của châu quận, trăm họ nhiễu động, bắt đầu làm mất lòng người.


Ý Khác muốn diễu oai đến miền Hoài Nam, bắt cướp người dân, nhưng các tướng có người can ngăn rằng: "Nay đem quân vào sâu, dân ở biên giới tất dắt nhau chạy xa, sợ rằng quân mệt mà lập công ít, không bằng chỉ vây Tân Thành, nếu Tân Thành khốn thì quân cứu tất đến, đến thì đánh chúng, có thể thắng lớn". Khác theo kế ấy, đem quân về vây Tân Thành, vây đánh liên ngày, không hạ được thành. Quân sĩ mệt mỏi, nhân trời nóng mà uống nước, đái tháo nặng nề, mắc bệnh quá nửa, nằm chết đầy đất. Các tướng các trại cũng tự nói là mắc bệnh rất nhiều, Khác cho là dối, muốn chém họ, từ đấy chẳng ai dám nói. Khác trong lòng thì chẳng có kế gì, ngoài thì thẹn vì không hạ được thành, buồn giận tỏ rõ ra mặt. Tướng quân Chu Dị có chỗ đúng sai, Khác giận, liền đoạt lấy quân sĩ của hắn. Đô úy Sái Lâm mấy lần bày kế, không lại không dùng, liền ruổi ngựa trốn sang quân Ngụy. Nhà Ngụy biết quân sĩ mỏi mệt, liền đem quân đến cứu. Khác dẫn quân đi về. Quân sĩ bệnh tật, vứt qua đầy đường, có kẻ đâm đầu xuống hang hố, có kẻ lại bị bắt cướp, sống chết buồn giận, lớn nhỏ kêu than. Vậy mà Khác vẫn tỉnh bơ tự vui. Ra đóng quân ở bến sông một tháng, mưu lập đồn điền ở Tầm Dương, hạ chiếu gọi về, bèn thong thả rút quân. Từ đấy quân dân thất vọng, tiếng oán thán nổi lên vậy.

 

Tháng tám mùa thu, quân về. Đem quân kéo theo đi vào phủ quán. Liền gọi Trung thư lệnh Tôn Mặc đến, lớn tiếng mắng rằng: "Các ngươi sao dám tự tiện soạn chiếu"? Mặc sợ hãi mà nói ra, nhân đó xưng bệnh về nhà. Sau khi Khác đi đánh về, các quan lại sắp đặt trong phủ đều bị bãi, rồi chọn lại, coi xét thêm nghiêm ngặt, trách phạt nhiều người, người ta đứng xem, không ai không lo sợ. Lại thay đổi quân vệ, dùng người thân của mình, rồi lệnh sửa quân, muốn hướng đến miền Thanh Châu, Từ Châu.

 

Tôn Tuấn nhân lúc nhiều người dân oán giận, quân sĩ nghi ngờ, muốn phát biến bắt lấy Khác, bày mưu với Lượng, đặt mâm rượu mời Khác đến. Khác buổi đêm nằm nghỉ, tinh thần rối bời, cả đêm không ngủ. Trời sáng, muốn tắm rửa, ngửi thấy mùi nước tanh hôi, người hầu trao áo, áo quần cũng hôi. Khác lấy làm gở, muốn thay nước đổi áo mà vẫn hôi như lúc đầu, do đó lòng buồn bã không vui. Xong rồi đi ra, có con chó ngậm chặt lấy áo Khác, Khác nói: "Chó không muốn ta đi sao"? Lại ngồi, chốc lát lại đứng dậy, con chó lại ngậm chặt áo, Khác sai người đi theo đuổi chó, rồi lên xe.

 

Lúc trước, Khác sắp đánh miền Hoài Nam, có người con mất cha mẹ mặc áo tang vào trong cửa nhà Khác, người hầu bẩm báo, sai ra ngoài hỏi xem, người con ấy nói: "Không tự biết là đi vào". Bấy giờ quân vệ trong ngoài cũng đều không thấy, mọi người đều cho là lạ. Sau khi đi đánh, có một cây cột chống ở chỗ mà Khác ngồi bị gãy. Từ Tân Thành ra đến Đông Hưng, có cầu vồng trắng xuất hiện trên thuyền, trở về bái lễ ở Tưởng Lăng, cầu vồng trắng lại vòng quanh xe.

 

Đến lúc sắp gặp, dừng xe ngoài cửa cung, Tuấn đã ém quân ở trong trướng, sợ Khác không chịu vào thì việc lộ, bèn tự ra gặp Khác nói: "Nếu thân thể của sứ quân không khỏe, hãy tự thong thả, Tuấn sẽ bẩm báo vua trên". Muốn xét thử ý Khác. Khác đáp rằng: "Tự ta vào được". Bọn Tán kị Thường thị Trương Ước, Chu Ân ngầm gửi thư cho Khác nói: "Ngày nay sắp đặt khác thường, ngờ có việc khác". Khác xem thư rồi bỏ ra. Chưa ra khỏi cửa, gặp Thái thường Đằng Dận, Khác nói: "Bụng ta đau, không muốn vào". Dận không biết là Tuấn có kế gian, bảo Khác nói: "Ông từ lúc đi đánh về chưa gặp, nay Nhà vua bày rượu mời ông, ông đã đến cửa, nên gắp sức đến". Khác do dự rồi quay lại, đeo kiếm lên điện, tạ Lượng, về chỗ ngồi. Bày rượu, Khác ngờ vẫn chưa uống, Tuấn nhân đó nói: "Sứ quân mắc bệnh chưa khỏi, nên thường uống rượu thuốc, tự sẽ đỡ được". Lòng Khác mới yên, uống riêng rượu mà mình mang theo.

 

Ngô lịch viết: Trương Ước, Chu Ân ngầm báo cho Khác, Khác đem việc này hỏi Đằng Dận, Dận khuyên Khác ra về, Khác nói: "Tuấn là đứa trẻ ranh thì làm được chi! Chỉ sợ là nhân lúc uống rượu mà hại người thôi". Bèn đem rượu thuốc vào.

Tôn Thịnh nói: "Khác thân thiết với Dận, bọn Ước báo tin, đấy là việc lớn khác thường mới bảo cho Dận biết, cùng mưu an nguy, nhưng tính Khác cứng cỏi, lại vốn coi thường Tuấn, không tự ti, cho nên đi vào, há phải là do Dận khuyên vào mà dẫn đến bị họa sao? Ngô lịch chép đúng vậy".

 

Uống mấy chén rượu, Lượng vào trong, Tuấn đứng dậy đi vào nhà xí, cởi áo dài, mặc áo ngắn, ra nói: "Có chiếu bắt Gia Cát Khác"!

 

Ngô lục viết: Tuấn đọc chiếu giương đao bắt Khác, Lượng đứng dậy nói: "Không phải ta ra lênh! Không phải ta ra lệnh"! Vú nuôi dẫn Lượng vào trong.

Ngô lịch viết: Tuấn dẫn Lượng vào trước rồi mới đọc chiếu. So với truyện gốc thì giống nhau.
Thần là Tùng Chi cho rằng: Tuấn muốn đọc chiếu đúng như truyện gốc và
Ngô lịch chép, không như lời mà Ngô lục chép vậy.

 

Khác kinh hoàng đứng dậy, chưa kịp rút kiếm ra thì đao của Tuấn đã xông tới. Trương Ước ở bên cạnh chém Tuấn, cắt thương tay trái, Tuấn lại vung tay chém Ước, cắt đứt tay phải. Các quân võ vệ đều xông lên điện, Tuấn nói: "Kẻ bị bắt là Khác, nay đã chết". Đều sai bỏ đao, lại rửa nền đất uống rượu tiếp.

 

Sưu thần kí viết: Khác vào, đã bị giết, vợ Khác ở nhà, hỏi người hầu gái nói: "Mi sao lại có máu hôi"? Người hầu gái nói: "Không có". Chốc lát thêm nồng nặc, lại hỏi người hầu gái rằng: "Con mắt mi nhìn xem, có gì khác thường"? Người hầu gái bỗng nhiên nhảy lên, đập đầu vào cột nhà, nắm tay nghiến rằng mà nói rằng: "Gia Cát Công sẽ bị Tôn Tuấn giết"! Do đó lớn nhỏ biết Khác chết rồi, lúc ấy quan quân vừa đến.

Chí lâm viết: Lúc trước Quyền bệnh nặng, gọi Khác phụ chính. Sắp đến, Đại Tư mã Lữ Đại răn bảo Khác rằng: "Thời nay nhiều nạn, ông hễ làm việc phải suy nghĩ kĩ càng". Khác đáp nói: "Ngày xưa Quý Văn Tử(22) ba lần nghĩ mới làm, Phu Tử(23) nói: 'Nghĩ trước mới được'. Nay ông khuyên Khác nghĩ kĩ, làm rõ việc của Khác vậy". Đại không đáp nữa, người bấy giờ đều cho là lời sai. Ngu Hi nói: "Trao gửi thiên hạ là việc rất lớn vậy, cho bầy tôi mượn oai của vua là việc rất khó vậy, có cả hai cái kia mà trông coi muôn việc, người gánh vác nổi xưa nay ít có vậy. Nếu không chọn nạp mưu của mọi người, không xét hỏi cả người nơi đồng cỏ, không nhún nhường nghe lời người khác, ý chí không vững thì chẳng lập nên công danh, công lao chẳng rõ vậy. Huống chi Lữ Hầu Quốc(24) là bậc già cả, mưu nghĩ sâu xa, vẫn đem việc suy nghĩ kĩ càng mà răn bảo Khác, vậy mà lại đem việc chối bỏ, đấy là cái lỗi sót của Nguyên Tốn, mưu lược chẳng đủ vậy. Nếu theo cái lẽ suy nghĩ kín kẽ ấy, hỏi rộng các việc thời ấy, nghe lời hay gấp như sấm động, theo lời can ngăn nhanh như gió giật, há bị mất đầu ở triều đường, chết bởi tay của thằng ác ranh sao? Người đời khen cái tài đối đáp của Khác, ý hay đáng xem, vậy mà chê cười Lữ Hầu Quốc không đáp được mà cho là thô lậu, không nghĩ đến cái trước sau của mối an nguy, đấy là vui thích vẻ tươi đẹp của hoa nở mùa xuân mà quên đi vị ngon lành của quả chín mùa thu vậy. Ngày xưa người Ngụy đánh nước Thục, người Thục chống lại, chí vững tóc rủ, sáu quân rối loạn, quân mã mặc giáp, thư từ qua lại, Phí Y bấy giờ làm tướng đầu, nắm việc lớn của nước, vậy mà vẫn chơi cờ với Lai Mẫn, ý chẳng mảy may. Mẫn bảo riêng Y rằng: 'Ông tất uy hiếp được giặc vậy'. Nói lời sáng suốt mưu định ở trong, vẻ mặt không lo lắng ở ngoài, Huống Trường Ninh(25) cho rằng đấy là người quân tử lúc gặp việc vẫn lo sợ, chỉ bày mưu hay mới thành công. Vả lại Thục là nước nhỏ bé, lại đang chống địch mạnh, vậy mà vẫn mưu tính, chỉ đánh và giữ, sao lại có thừa ý kiêu căng, thản nhiên không lo lắng như thế? Là vì người ấy có tính rộng rãi, không xét nét cái nhỏ nhặt, rút cuộc bị kẻ hàng là Quách Tu (26) hại chết, há chẳng phải có điềm báo từ việc ấy mà rước họa ấy ư"? Ngày trước ta nghe nói việc Trường Ninh xem xét Văn Vĩ, ngày nay ta xem Nguyên Tốn làm trái ý của Lữ Hầu, hai việc ấy giống nhau, cho nên cùng chép vào, có thể làm tấm gương răn bảo người đời sau, mãi làm gương cho đời vậy.

 

Trước đây, trẻ con hát rằng: "Gia Cát Khác mặc áo cỏ tranh buộc đai câu lạc, sao lại chọn đến ở gò Thành Tử". Gò Thành Tử là tiếng lóng của gò Thạch Tử vậy. Phía nam thành Kiến Nghiệp có một cái gò dài, tên là gò Thạch Tử, táng vào đấy vậy. Đai câu lạc là đai cỏ có thiêu gắn, người đời gọi là đai câu lạc. Quả nhiên Khác bị lấy cỏ tranh bọc thây và lấy đai cỏ buộc eo rồi táng ở gò ấy.

 

Ngô lục viết: Bấy giờ Khác năm mươi mốt tuổi.

 

Con cả của Khác là Xước, làm Kị Đô úy, vì giao kết với Lỗ Vương, Quyền lệnh trao cho Khác, sai phải sửa lỗi, Khác bắt uống rượu độc chết. Con giữa là Tủng, làm Trường thủy Hiệu úy. Con út là Kiến, làm Bộ binh Hiệu úy. Nghe tin Khác bị giết, lấy xe chở mẹ mà chạy trốn. Tuấn sai Kị đốc Lưu Thặng đuổi chém Tủng ở Bạch Đô. Kiến vượt được sông, muốn chạy lên phía bắc vào nước Ngụy, đi được mấy chục dặm, bị quân đuổi bắt được. Cháu ngoại của Khác là bọn Đô hương hầu Trương Chấn và Thị trung Chu Ân đều bị giết ba họ.

 

Lúc trước, Tủng nhiều lần can ngăn Khác, Khác không nghe, thường lo bị mắc vạ. Lúc chết, người quận Lâm Hoài là Tang Quân dâng biểu xin nhặt thây táng Khác rằng: "Thần nghe nói sấm động điện xẹt không đầy một sớm, gió lớn thổi giật ít khi suốt ngày, mà vẫn tiếp đó có mây mưa, nhân đó mà thấm ướt vạn vật, đấy là cái oai của trời đất, không thể tỏ ra suốt ngày vậy. Cái giận của Đế vương cũng không nên quá sức hết ý. Thần là kẻ ngu liều, không biết kiêng húy, dám liều với cái tội giết chóc để đón gặp lúc mưa gió. Cúi nghĩ Thái phó Gia Cát Khác ngày trước nối cái tráng liệt truyền lại của tổ tiên, các chú bác gặp buổi vận nhà Hán đã hết, chín châu lập thế chân vạc, chia thành ba miền, cùng tỏ sức lực, gây dựng cơ nghiệp. Truyền đến đời Khác, lớn lên giúp nhà nước, nuôi dưỡng giáo hóa, nổi tiếng là anh hoa, làm việc theo phép, ý phản không có, Tiên đế trao cho chức nặng của Y, Chu(27), gửi lại các việc trăm bề. Tính Khác vốn cứng cỏi, kiêu căng lấn lướt người khác, không thể kính giữ vật thần, vỗ yên trong nước, chỉ dấy quân mạnh, chưa một năm mà ba lần phát binh, quân dân tổn hại, kho tàng trống rỗng, chuyên quyền phép nước, tự ý đổi chuyển, mượn hình pháp để điều động dân chúng, lớn nhỏ đều lo sợ. Thị trung Vũ vệ Tướng quân Đô Hương hầu cùng nhận chiếu gửi gắm của Tiên đế, thấy hắn ác nghịch ngày càng nhiều thêm, lo sợ tông miếu lay động, xã tắc nghiêng đổ, do đó tỏ rõ oai giận, chí ngút trời xanh, mưu kế hơn cả thần minh, trí dũng quá cả Kinh, Niếp, thân cầm đao sắc, chém Khác ở triều đường, công vượt Chu Khư, huân quá Đông Mâu. Kẻ ác của nhà nước, một sớm bị diệt trừ, đem đầu thị chúng, sáu quân vui mừng, nhật nguyệt thêm sáng, gió bụi không bay, đấy thực là oai thần của tông miếu, người giỏi của nhà trời vậy. Nay đầu ba cha con Khác đã treo ở phố chợ, mấy vạn người đứng xem, tiếng mắng thành gió. Hình phạt của nhà nước, không gì là không lừng lẫy, già cả trẻ nhỏ, không ai không thấy. Lòng người hơn cả vạn vật, hết vui thì sinh buồn, thấy Khác quý hiển, trên đời chẳng có hai, thân nắm chức cao trong vòng mấy năm, lại lại bị giết chóc không khác gì cầm thú, người xem lại động lòng, không khỏi cảm thương! Vả lại người ta đã chết, nằm cùng đất đai, nên đào huyệt chôn cất, chẳng gây hại được nữa. Mong triều đình noi theo lẽ thường của trời đất, chẳng nên giận mãi, sai quan dân thôn ấp cũ của Khác, thu lấy áo của quân lính, ban cho quan tài rộng ba tấc. Ngày xưa Hạng Tịch vẫn được nhận đất chôn táng, Hàn Tín còn được ân thu liệm, đấy là tiếng tốt thần minh của Hán Cao Tổ vậy. Mong Bệ hạ học theo lòng nhân ái của Tam Hoàng, tỏ ý thương xót, khiến cho ân trạch của nhà nước ban đến cả tấm xương khô chết chóc, phát ân không ngừng để nêu cao tiếng tăm đến phương xa, khuyến khích thiên hạ, há chẳng tốt lành sao! Ngày xưa Loan Bố liều mình liệm thây của Bành Việt(28), thần rất cảm khái, không muốn cầu xin Nhà vua để chuốc lấy cái tiếng phóng túng ấy, chỉ mong không bị giết là may lắm rồi. Nay thần không dám nói ra ý ngu để lay động ân trời, kính tự tay viết thư, liều chết bày tỏ, xin triều đình xét kĩ". Do đó Lượng, Tuấn cho quan lại cũ của Khác thu liệm thây, rồi táng ở gò Thạch Tử.

 

Giang Biểu truyện viết: Trong bầy tôi có người xin lập bia ghi công lao của Khác, Bác sĩ Thịnh Xung cho rằng không nên. Tôn Hưu nói: "Giữa mùa hạ xuất quân, quân sĩ hao tổn, không có công chút ít, không thể nói là có tài; chịu mệnh lớn gửi gắm mà chết bởi tay của thằng ranh, không thể coi là có trí. Lời Xung phải đấy". Bèn thôi.

 

Lúc trước, Khác rút quân về, Niếp Hữu biết Khác sắp thua, gửi thư cho Đằng Dận rằng: "Người ta gặp buổi lớn mạnh còn nhổ vớt được núi sông. Nếu một sớm suy yếu thì lòng người vạn mối, nói ra thì đau xót". Sau khi Khác bị giết, Tôn Tuấn hiềm Hữu, muốn cho làm Uất Lâm Thái thú, Hữu lo lắng phát bệnh mà chết. Hữu tự Văn Đễ, người quận Dự Chương vậy.

 

Ngô lục viết: Hữu có tài ăn nói, thủa nhỏ làm quan trong huyện. Ngu Phiên bị đày đến Giao Châu, quan Huyện lệnh sai Hữu đưa tiễn, Phiên nói chuyện cùng mà cho là lạ, gửi thư cho Dự Chương Thái thú Tạ Phỉ, khuyên dùng làm Công tào. Huyện bấy giờ đã có quan Công tào, Phỉ thấy vậy, hỏi mọi người rằng: "Quan huyện là Niếp Hữu có gánh vác được việc không"? Đáp nói: "Người này chỉ là viên quan nhỏ trong huyện mà thôi, chỉ nên cho làm quan giúp việc". Phỉ nói: "Người bàn cho rằng nên làm Công tào, các ông sao lại hiềm". Bèn cho làm Công tào, sai đến kinh, Gia Cát Khác kết bạn với Hữu. Bấy giờ người bàn là Cố Tử Mặc, Cố Tử Trực(29) không ai chịu mang chứa, Khác muốn đưa Hữu về nhà mình ở, do đó mà nổi danh. Sau đó làm tướng đi đánh quận Đam Nhĩ, trở về bái làm Đan Dương Thái thú, chết vào năm ba mươi ba tuổi.

Chú thích

(1) Lam Điền sinh ngọc: Lam Điền là tên đất ở thuộc nước Tần thời xưa, nổi tiếng sản sinh ra ngọc đẹp. Ý nói cha hiền thì sinh con hiền.

(2) 'Chi lư': Khác viết thêm hai chữ này thành câu "Gia Cát Tử Du chi lư", nghĩa là "con lừa của Gia Cát Tử Du".

(3) Chú: ý nói chú ruột của Khác là Gia Cát Lượng tự Khổng Minh, bấy giờ làm Thặng tướng của nước Thục.

(4) Sư Thượng Phủ: là danh hiệu của Lữ Thượng hay Khương Tử Nha.

(5) Những thứ ấy xuất ra cùng chỗ: ý nói phân ngựa và trứng gà cùng được xuất ra từ hậu môn cả.
(6) Phụ Ngô Tướng quân: tức Trương Chiêu tự Tử Bố, bấy giờ được Tôn Quyền bái làm Phụ Ngô Tướng quân.

(7) Kinh Thi khen công vỗ về, kinh Dịch ngợi công chém đầu: kinh Thi có câu viết: "Bắt được giặc xấu, vỗ về mà thả về". Kinh Dịch có câu viết: "Vua đi đánh dẹp, chém đầu vua nước Hữu Gia, lại bắt được kẻ xấu, không có lỗi". Ý nói khen ngợi công lao đánh dẹp.

(8) Phương, Thiệu của nhà Chu, Vệ, Hoắc của nhà Hán: Phương tức Phương Thúc (方叔), Thiệu tức Thiệu Hổ (召穆公), là hiền thần thời vua Tuyên Vương của nhà Chu, đánh dẹp rợ Hiểm Duẫn ở phía bắc và rợ Man Kinh ở phía nam. Vệ tức Vệ Thanh, Hoắc tức Hoắc Khứ Bệnh, là danh tướng thời vua Vũ Đế của nhà Hán, đánh dẹp rợ Hung Nô ở phía bắc.

(9) 'Tứ mẫu': kinh Thi có bài hát Tứ mẫu nói về nỗi lòng nhớ về quê nhà của một viên quan đi vỗ về phương xa. Tả truyện có chép: "Tứ mẫulà bài hát mà vua hát để an ủi sứ giả vậy". Ý nói an ủi người đi xa về.

(10) 'Ẩm chí': 'Ẩm chí' là đem rượu ra uống. Tả truyện có chép: "Đi đánh trận thì cáo tế ở tông miếu. Lúc quay về thì đem rượu uống rồi ban tước, thưởng công, đấy là lễ vậy". Ý nói lễ mừng thắng trận.

(11) Sư thiên lệnh, Do thô lậu: Sư tức Tử Trương, Do tức Tử Lộ là học trò giỏi của Khổng Tử, nhưng vẫn có chỗ kém, Khổng Tử xét rằng: "Sư thiên lệnh, Do thô lậu".

(12) Hứa Tử Tương: tức Hứa Thiệu tự Tử Tương, người quận Hà Nam thời Đông Hán, từng bình luận Tào Tháo rằng: "Ông là gian thần thời bình, anh hùng thời loạn".

(13) Trương, Trần bị nạn đao máu, Tiêu, Chu không trọn tiếng tốt: Trương, Trần là Trương Lương và Trần Bình, Tiêu, Chu là Tiêu Hà và Chu Bột. Theo sử sách, Lương, Trần đều trọn vẹn không chết vì binh đao, Tiêu, Chu cũng trọn vẹn cả, lời văn này khá lạ và khó hiểu.

(14) Đại Hành Hoàng Đế: chỉ Tôn Quyền.

(15) Yên, Cái kết mưu, có sự biến của Thượng Quan: Yên chỉ Yên Vương Lưu Đán (燕王刘旦), Cái chỉ Trưởng công chúa Ngạc Ấp (鄂邑长公主), Thượng Quan chỉ Thượng Quan Kiệt (上官桀). Sau khi Hán Vũ Đế chết, truyền ngôi cho con nhỏ mới sáu tuổi là Hán Chiêu Đế, nhưng Yên Vương là Lưu Đán cùng Trưởng công chúa Ngạc Ấp, Tả tướng quân Thượng Quan Kiệt mưu phản, mưu lộ, bọn Thượng Quan Kiệt bị bắt giết, Yên Vương và Trưởng công chúa cũng tự sát.

(16) Bá Li đánh rợ Nhung vẫn phải làm trái lễ: Bá Li là con cả của Chu Công Cơ Đán, là vua mở nước Lỗ, vào lúc tang Văn Vương, Bá Li vẫn làm trái lễ để tang thì không được đánh trận, nhưng Bá Li đánh dẹp rợ Nhung ở miền Từ Châu, giữ gìn nước Lỗ.

(17) Ngũ Tử Tư: tức Ngũ Viên tự Tử Tư, người nước Sở, trốn sang nước Ngô giúp vua Ngô là Phù Sai, khuyên đánh diệt nước Việt nhưng Phù Sai không nghe, cuối cùng nước Việt diệt nước Ngô.
(18) Đất Quan Tây: tức vùng đất phía tây cửa Hàm Cốc (
函谷关), phía đông cửa Hàm Cốc là đất Quan Đông vậy.

(19) Tiêu, Hoắc: chỉ đại thần của nhà Hán là Tiêu Hà và Hoắc Quang.

(20) Đất Tam Tần: cuối thời Tần, Hạng Vũ đem quân chư hầu diệt nhà Tần, phong cho Lưu Bang làm Hán Vương, Chương Hàm làm Ung Vương, Tư Mã Hân làm Tái Vương, đều ở trên đất Tần cũ, do đó gọi là Tam Tần.

(21) Kinh Hàm đem mưu tiến đánh để khuyên Công Tôn Thuật: đầu thời Đông Hán, Công Tôn Thuật chiếm giữ đất Thục xưng Đế, bái Kinh Hàm làm Kị Đô úy, thấy Quang Vũ Đế là Lưu Tú dẹp yên miền đông, khuyên Công Tôn Thuật đem quân đánh trước nhưng Thuật không nghe. Cuối cùng bị Lưu Tú diệt.

(22) Quý Văn Tử: là đại thần của nước Lỗ thời Xuân thu, giúp ba đời vua là Tuyên Công, Thành Công, Tương Công của nước Lỗ, tự mình xét việc, chăm chỉ tiết kiệm.

(23) Phu Tử: danh hiệu tôn kính của Khổng Khâu tự Trọng Ni, thường gọi là Khổng Tử.

(24) Lữ Hầu Quốc: chỉ Lữ Đại tự Hầu Quốc.

(25) Huống Trường Ninh: người nước Thục thời Tam quốc, không rõ hành trạng.

(26) Quách Tu: con gọi là Quách Tuần (郭循) tự Hiếu Tiên, người quận Tây Bình, làm Trung lang tướng của nhà Ngụy. Năm Diên Hi thứ mười ba (năm 250 Công nguyên), tướng Thục là Khương Duy đem quân ra Lũng Hữu, đánh cướp quận Tây Bình, bắt được Tu đem về. Tháng giêng năm Diên Hi thứ mười sáu, Tu cầm đao đâm chết Phí Vĩ trong hội yến.

(27) Y, Chu: tức Y Doãn của nhà Ân và Chu Công của nhà Chu.

(28) Loan Bố liều mình liệm thây của Bành Việt: cuối thời Tần và đầu thời Hán, Loan Bố và Bành Việt thân thiện với nhau. Bành Việt bị Hán Cao Tổ nghi ngờ làm phản mà bị giết, treo đầu ở thành Lạc Dương, lại hạ lệnh rằng: "Ai dám thu liệm thì bắt ngay". Loan Bố không theo lệnh cấm, đến dưới thành quỳ khóc cúng tế dưới đầu Việt. Hán Cao Tổ muốn giết nhưng rồi lại tha cho.

(29) Cố Tử Mặc, Cố Tử Trực: tức con của Thặng tướng Cố Ung của nước Ngô là Cố Đàm tự Tự Mặc và Cố Thặng tự Tử Trực.

 

 

ĐẰNG DẬN TRUYỆN

 

Đằng Dận tự Thặng Tự, người huyện Kịch quận Bắc Hải. Bác ruột là Đam, cha là Trụ, là thông gia cùng châu huyện với Lưu Do, vì thời nhiễu loạn mà vượt sông nương dựa Do. Tôn Quyền làm Xa kị Tướng quân, bái Đam làm Hữu Tư mã, vì rộng lượng mà được khen, chết sớm, không có con nối dõi. Trụ giỏi văn thư, Quyền lấy lễ tân khách mà đối đãi, thư từ việc quân còn sơ sài, thường sai sửa chữa thêm bớt câu từ, cũng không may mệnh ngắn. Quyền làm Ngô Vương, ghi nhớ ân cũ, phong Dận làm Đô đình hầu. Thuở nhỏ có khí tiết, dáng vẻ đẹp đẽ.

Ngô thư viết: Dận năm mười hai tuổi cô lẻ một mình, biết tu thân sửa đức. Là người trong sạch, uy nghi đáng xem. Hễ vào ngày đầu năm chầu mừng thì chỉnh trang, các đại thần nhìn thấy, chẳng ai không khen ngợi.

 

Lúc thành người lớn lấy công chúa. Năm ba mươi tuổi, rời nhà đi làm Đan Dương Thái thú, dời đến Ngô Quận, Cối Kê, ở đấy được khen.

 

Ngô thư viết: Dận dâng biểu bày kể việc nên làm, đến như các việc giúp dân, phần nhiều giúp đỡ. Quyền vì việc của Dận mà thêm thưởng cho công chúa, thường đến thăm hỏi. Dận hễ nghe lời kiện tụng, xét đoán tội trạng, nghe lời nói và xem sắc mặt, các việc rất có tình lí. Có người bị oan nói lời đau thương, đối mặt người ấy mà khóc lóc.

 

Năm Thái Nguyên thứ nhất, Quyền ốm nặng, đến kinh, ở lại làm Thái thường, nhận chiếu lệnh phụ chính với bọn Gia Cát Khác. Tôn Lượng lên ngôi, bái thêm chức Vệ tướng quân.

 

Khác đem hết quân đánh Ngụy, Dận can ngăn Khác rằng: "Ông gặp lúc có tang, chịu mệnh gửi gắm của Y, Hoắc, vào thì vỗ yên triều đình, ra thì bẻ gãy địch mạnh, danh tiếng lẫy lừng cả nước, thiên hạ chẳng ai không chấn động, lòng của trăm họ chỉ mong ngài dừng nghỉ. Nay bỗng nhiên sau cuộc đánh dẹp mỏi mệt lại muốn đem quân ra đánh, dân mỏi sức mệt, nước kia lại phòng giữ trước. Nếu đánh thành mà không thắng, cũng chẳng thu được lợi gì thì vứt công lao trước kia mà chuốc lấy trách phạt sau này vậy. Không bằng xếp giáp dừng quân, xem kẽ hở mà phát động. Vả lại việc quân là việc lớn, việc lụy đến dân, nếu dân không vui thì ông há được yên sao? Khác nói: "Mọi người đều nói là không nên, đều không biết tính kế, chỉ mong yên thân mà thôi, như ông lại cho là như vậy, ta còn mong vào ai? Bên kia Tào Phương u tối, chính trị rơi vào tay kẻ khác, dân chúng bên kia vốn đã có lòng chia lìa. Nay ta dựa vào cái giàu có của nhà nước, cậy vào cái oai thắng trận, thì đến đánh sao chẳng thắng được"! Lấy Dận làm Đô hạ đốc, ở lại coi việc kinh đô. Dận sáng ngày tiếp đãi tân khách, buổi đêm xem xét văn thư, có khi đến hửng sáng vẫn không ngủ.

 

Ngô thư viết: Dận được tin dùng thêm trọng, tiếp đãi kẻ sĩ thêm chăm chỉ, các biểu tấy thư sớ đều tự xét ý, không giao cho kẻ dưới.

 

 TÔN TẪN TRUYỆN 

Tôn Tuấn tự Tử Viễn, là cháu của em Tôn Kiên là Tĩnh vậy. Tĩnh sinh Hạo. Hạo sinh Cung, làm Tán kị Thị lang. Cung sinh Tuấn. Thuở nhỏ giỏi bắn cung cưỡi ngựa, cứng cỏi dũng cảm. Cuối thời Tôn Quyền, chuyển Vũ vệ Đô úy, làm Thị trung. Quyền sắp hoăng, trao lệnh phụ chính, lĩnh chức Vũ vệ Tướng quân, trông coi quân cấm vệ, phong Đô hương hầu. Sau khi giết Gia Cát Khác, chuyển làm Thặng tướng Đại Tướng quân, trông coi việc quân trong ngoài, Giả tiết, tiến phong Phú Xuân Hầu. Đằng Dận vì là bố vợ của con Khác là Tủng nên xin từ chức, Tuấn nói: "Tội của Cổn không gán cho Vũ(30) Đằng Hầu sao bị"? Tuấn, Dận dẫu trong lòng không hòa hợp nhưng ngoài mặt lại bao chứa, tiến phong Dận làm Cao Mật Hầu, cùng làm việc như trước.

Ngô lục viết: Bầy tôi dâng tấu cùng bầu Tuấn làm Thái úy, bàn bái Dận làm Tư đồ. Bấy giờ có kẻ nịnh bợ Tuấn, cho rằng chính thống nên trao cho họ hàng của Nhà vua, nếu Dận làm Tư đồ thì tiếng tăm đã nổi, lại thêm lòng người theo phục, không nên cho làm. Rồi dâng biểu lấy Tuấn làm Thặng tướng, lại không đặt quan Ngự sử Đại phu, kẻ sĩ đều thất vọng.

 

Tuấn vốn không có danh tiếng, kiêu ngạo hiểm ác, ưa dùng hình phạt, trăm họ im lặng. Lại gian dâm với cung nữ, tư thông với công chúa Lỗ Ban. Năm Ngũ Phượng thứ nhất, Ngô Hầu là Anh mưu giết Tuấn, việc phát lộ, Anh bị giết.

 

Năm thứ hai, tướng Ngụy là Quán Khâu Kiệm, Văn Khâm đem quân phản, đánh với quân Ngụy ở Lạc Gia. Tuấn đem Phiếu kị Tướng quân Lữ Cứ, Tả Tướng quân Lưu Tán đánh úp thành Thọ Xuân, gặp lúc Khâm thua hàng, rút quân về.

 

Ngô thư viết: Lưu Tán tự Chính Minh, người huyện Trường Sơn quận Cối Kê. Thuở trẻ làm quan trong quận, đánh với tướng giặc Khăn vàng là Ngô Hoàn, tự tay chém được Hoàn. Một chân Tán bị thương, bèn bị co quắp không duỗi thẳng được. Nhưng tính cứng mạnh, ưa đọc sách binh pháp và sách sử, thường đọc truyện về các tướng giỏi đánh trận thời xưa, hễ đọc xong lại than, nhân đó gọi người thân cận đến bảo rằng: "Ngày nay thiên hạ nhiễu loạn, anh hùng cùng nổi dậy, xem qua các thời trước, người tầm thường không được phú quý, mà chân ta bị co quắp ở tại nhà cửa, sống chết cũng không khác. Nay muốn cắt bỏ chân ta, may ra không chết mà chân lại duỗi thẳng được, mong lại được dùng, nếu chết thì thôi vậy". Người thân đều can ngăn. Chốc lát, Tán bèn lấy dao tự cắt gân chân, máu chảy đầm đìa, tắt thở hồi lâu. Sau đó người nhà kinh hãi, cũng đã thấy dậy, bèn duỗi thẳng được chân. Vết thương ngày càng lành, rồi đi bộ được. Lăng Thống nghe tin, xin cùng gặp nhau, rất khen là lạ, bèn dâng biểu tiến cử Tán, rút cuộc được dùng. Nhiều lần lập công, dần dần chuyển làm Đồn kị Hiệu úy. Bấy giờ chính trị thiếu sót, thường hay can gián, nói lời thẳng thắn mà không a dua, Quyền do đó mà e ngại. Gia Cát Khác đánh ở Đông Hưng, lấy Tán làm Tiền bộ, hợp đánh xông vào trận trước, đại phá quân Ngụy, chuyển làm Tả Tướng quân. Tôn Tuấn đánh miền Hoài Nam, trao Giả tiết cho Tán, bái Tả hộ quân. Chưa đến Thọ Xuân, trên đường phát bệnh, Tuấn sai Tán đem đồ xe nặng về trước. Tướng Ngụy là Tưởng Ban đem bốn nghìn quân kị bộ đuổi theo Tán. Tán bệnh khốn, không thể điều trận, biết tất thua, bèn cởi ấn thao mũ lọng trao cho con em đưa về, nói: "Ta tự làm tướng, phá tướng chặt cờ, chưa từng bị thua. Nay bệnh nặng quân mỏi, quân ít khó địch, các ngươi mau về đi, nếu cùng chết thì không có ích gì cho nhà nước, chỉ riêng ta quyết đánh mà thôi". Con em không chịu vâng lệnh, rút đao muốn chém Tán, nhưng lại đi. Lúc trước, Tán làm tướng, gặp địch thì hô to về phía địch trước, rồi hòa theo tiếng hô mà hát, tả hữu đều ứng theo, rồi mới đến đánh, đánh không trận nào không thắng. Lúc thua, than rằng: "Ta đánh có phép thường. Nay bệnh nặng như thế, là mệnh trời vậy". Bèn bị hại, bấy giờ bảy mươi ba tuổi, quân sĩ đều thương xót. Hai con là Lược, Bình đều làm Đại tướng.

 

Năm đó, sứ giả của nước Thục đếm thăm, bọn Tướng quân Tôn Nghi, Tôn Thiệu, Tôn Di muốn nhân đó mà giết Tuấn. Việc lộ, bọn Nghi tự sát, mấy chục người khác và công chúa Lỗ Dục đều bị giết.

 

Tuấn muốn đắp thành ở Quảng Lăng, bầy tôi biết không đắp thành được, nhưng sợ không ai dám nói. Chỉ có Đằng Dận can ngăn, cũng không theo, do đó làm chẳng thành.

 

Năm sau đó, Văn Khâm khuyên Tuấn đánh Ngụy, Tuấn sai Khâm và Lữ Cứ, Xa kị Tướng quân Lưu Toản, Trấn nam Tướng quân Chu Dị, Tiền tướng quân Đường Tư từ Giang Đô vào miền Hoài, Tứđể mưu đánh miền Thanh, Từ. Tuấn cùng Dận đến Thạch Đầu, nhân đóđưa tiễn, lĩnh hơn trăm người đi theo vào trại của Cứ. Cứ giữ quân nghiêm ngặt, Tuấn sợ Cứ, trong lòng đau đáu, buổi đêm nằm mơ bị Gia Cát Khác đánh, sợ hãi phát bệnh mà chết, bấy giờ ba mươi tám tuổi, đem việc sau này giao cho Sâm.

 

 Chú thích

 (30) Tội của Cổn không gán cho Vũ: thời vua Thuấn có nạn nước lớn ngập tràn, vua Thuấn dùng Cổn ngăn nước, mười năm không xong, bèn giết Cổn mà dùng Vũ thay làm. Ý nói Khác bị giết thì Dận không bị tội lây.

 

 

TÔN SÂM TRUYỆN

 

Tôn Sâm tự Tử Thông, là người cùng tổ với Tuấn. Cha Sâm là Xước làm An dân Đô úy. Sâm lúc đầu làm Thiên Tướng quân, lúc Tuấn chết, làm Thị trung Vũ vệ Tướng quân, lĩnh các việc quân trong ngoài, thay nắm việc triều đình. Lữ Cứ nghe tin ấy thì cả giận, cùng đề tên với các tướng lại tiến cử Đằng Dận làm Thặng tướng, Sâm lại cho Dận làm Đại Tư mã, thay Lữ Đại đóng giữ Vũ Xương. Cứ dẫn quân về, sai người báo cho Dận, muốn cùng phế Sâm. Sâm nghe tin, sai anh họ là Hổ đem quân chặn Cứ ở Giang Đô, lệnh Trung sứ sai bọn Văn Khâm, Lưu Toản, Đường Tư hợp quân đánh Cứ, sai Thị trung Tướng quân Hoa Dung, Trung thư thặng Đinh Yến lệnh Dận bắt Cứ, cùng dụ ý Dận nên nhanh bỏ đi. Dận tự thấy họa đến, nhân đó bắt giữ Dung, Yến, đem quân tự giữ, gọi Điển quân Dương Sùng, Tướng quân Tôn Tư, báo việc Sâm gây loạn, ép bọn Dung viết thư về kể tội Sâm. Sâm không nghe, tấu nói Dận làm phản, phong tước cho Tướng quân Lưu Thặng, sai đem quân kị nhanh vây đánh Dận. Dận lại cướp bọn Dung đi, sai viết chiếu giả phát binh. Bọn Dung không nghe, Dận liền giết họ.

 

Văn sĩ truyện viết: Hoa Dung tự Đức Nhuy, người huyện Giang Đô quận Quảng Lăng. Ông nội tránh loạn ở dưới núi Nhị huyện Sơn Âm. Bấy giờ Hoàng Tượng cũng ẩn náu ở huyện Sơn Âm, người quận Ngô là Trương Ôn đến chỗ Tượng theo học, muốn đến chỗ ấy. Có người bảo Ôn rằng: "Dưới núi Nhị có Hoa Đức Nhuy dẫu tuổi trẻ mà có đức cao chí lớn, đến học được". Ôn bèn đến nhà Dung, sớm tối giảng luận. Chốc lâu, Ôn làm Tuyển bộ Thượng thư, bèn tiến cử Dung làm Thái tử Thứ tử, do đó được hiển đạt nổi danh. Con Dung là Tư, làm Hoàng môn lang, cùng bị hại với Dung. Con út là Đàm, có tài biện luận, thời nhà Tấn làm Bí thư giám.

 

Dận giữ vẻ mặt không đổi, cười nói như thường, có người khuyên Dận dẫn quân đến cửa Thương Long, tướng sĩ thấy Dận đi ra thì tất bỏ Sâm đến chỗ Dận vậy. Bấy giờ đã nửa đêm, Dận đợi hẹn với Cứ, lại khó đem quân vào cung, bèn hạ lệnh bộ khúc ở yên, nói là Lữ Hầu đã ở gần bên đường, do đó đều vì Dận mà chết cả không có ai thoát được. Bấy giờ có gió lớn, hửng sáng, Cứ không đến, quân Sâm hội tụ, bèn giết Dận và mấy chục tướng sĩ, giết ba họ của Dận.

 

Thần là Tùng Chi cho rằng: Tôn Sâm dẫu ác nghịch, nhưng vốn không có hiềm khích với Đằng Dận, nếu Dận tạm theo ý của Sâm, ra giữ Vũ Xương thì há bị cái họa giết chóc kia? Lúc ấy vẫn giữ được tốt lành. Vậy mà phạm lấn vào chỗ nguy, tự chuốc lấy di diệt. Thương thay!

 

Sâm chuyển làm Đại Tướng quân, Giả tiết, phong Vĩnh Ninh Hầu, dựa vào chức cao, nhiều lần vô lễ. Lúc trước, em họ của Tuấn là Lự từng cùng mưu giết Gia Cát Khác, Tuấn rất coi trọng, cho làm đến Hữu Tướng quân, Vô Nạn Đốc, trao cho ô lọng, coi việc ở các cung. Sâm đối đãi Lự bạc bẽo hơn thời Tuấn, do đó Lự giận, cùng Tướng quân Vương Đôn mưu giết Sâm. Sâm giết Đôn, Lự uống thuốc độc chết.

 

Đại tướng quân Gia Cát Đản của nhà Ngụy đem quân trong thành Thọ Xuân làm phản, giữ thành xin hàng. Vua Ngô sai bọn Văn Khâm, Đường Tư, Toàn Đoan, Toàn Dịch đem ba vạn quân cứu Đản. Trấn nam Tướng quân Vương Cơ của nhà Ngụy vây Đản, bọn Khâm phá vây vào thành. Nhà Ngụy tăng thêm hơn hai mươi vạn quân trong ngoài đến vây Đản. Chu Dị đem ba vạn quân đóng giữ ở thành An Phong, giúp oai cho Văn Khâm. Duyện Châu Thứ sử Trần Thái của nhà Ngụy chống Dị ở Dương Uyên, Dị thua chạy, bị Thái đuổi đánh, chết thương hai nghìn người. Do đó Sâm phát đại quân ra đóng đồn ở Hoạch Lí, lại sai Dị đem bọn Tướng quân Đinh Phụng, Lê Phỉ dẫn năm vạn quân đánh quân Ngụy, để đồ xe nặng ở Đô Lục. Dị đóng đồn ở Lê Tương, sai bọn Tướng quân Nhậm Độ, Trương Chấn chọn sáu nghìn quân dũng cảm đến phía tây đồn sáu dặm mà làm cầu nổi nhân buổi đêm vượt sông, dựng trại hình nửa mặt trăng, bị Giám quân Thạch Bao của nhà Ngụy đánh phá, liền rút quân về chỗ cao. Dị lại làm rương xe đến vây thành Ngũ Mộc. Bao, Thái đánh Dị, Dị thua rút về, nhưng Thái Sơn Thái thú Hồ Liệt của nhà Ngụy lại đem năm nghìn quân mượn đường đánh úp Đô Lục, đốt sạch đồ lương thực của Dị. Sâm trao ba vạn quân cho Dị, sai liều chết mà đánh, Dị không theo, Sâm chém Dị ở Hoạch Lí, lại sai em là Ân đến cứu, gặp lúc Đản thua trận bèn rút quân về. Sâm đã không cứu được Đản, lại làm tổn hại quân sĩ, tự giết tướng giỏi, chẳng ai không oán giận.

 

Sâm thấy Tôn Lượng bắt đầu tự thân nắm chính trị, nhiều chỗ xét hỏi, rất lo sợ. Về đến Kiến Nghiệp, xưng bệnh không chầu, dựng nhà ở phía nam cầu Chu Tước, sai em là Uy viễn Tướng quân Cứ vào cung Thương Long làm Túc vệ, em là Vũ vệ Tướng quân Ân, Thiên Tướng quân Cán, Trường thủy Hiệu úy Khải chia ra đóng giữ các trại, muốn để chuyên quyền tự giữ. Trong lòng Lượng hiềm Sâm, lại nghĩ Lỗ Dục bị giết không rõ tội, trách giận Hổ Lâm Đốc là Chu Hùng, em Hùng là Ngoại bộ đốc Chu Tổn theo giúp Tôn Tuấn, bèn sai Đinh Phụng giết Hùng ở Hổ Lâm, giết Tổn ở Kiến Nghiệp. Sâm vào can ngăn nhưng không nghe, Lượng lại cùng công chúa Lỗ Ban, Thái thường Toàn Thượng, Tướng quân Lưu Thặng bàn mưu giết Sâm. Vợ Lượng là con gái của chị họ Sâm vậy, đem mưu ấy báo cho Sâm. Sâm đem quân buổi đêm đánh úp Toàn Thượng, sai em là Ân giết Lưu Thặng ở ngoài cửa Thương Long, rồi vây cung.

 

Giang Biểu truyện viết: Lượng gọi con của Toàn Thượng là Hoàng môn Thị lang Kỉ ngầm mưu rằng: "Tôn Sâm chuyên quyền, khinh thường cả trẫm. Ta đã hạ lệnh, sai người nhanh lên bờ cứu giúp bọn Đường Tư, lại ở lại trong hồ, không lên bờ một bước. Lại đổ lỗi cho Chu Dị, tựý giết công thần, không dâng biểu lên trước. Dựng nhà ở phía nam cầu, không chịu vào chầu. Đấy là phóng túng, không biết sợ ai nữa, không nên để lâu. Nay theo phép mà bắt lấy hắn, cha khanh là Trung quân Đô đốc, sai chỉnh đốn quân sĩ nghiêm ngặt, trẫm sẽ tự ra đến cầu, đem quân túc vệ hổ bôn, hai mặt trái phải cùng lúc vây đánh hắn. Viết chiếu thư sai các bộ tướng của Sâm phải giải tán, không được phát động, lúc đó sẽ tự bắt được. Khanh đi ra chỉ nên giữ kín mà thôi. Khanh nên báo cho cha khanh, chớ báo cho mẹ khanh biết được, đàn bà đã không hiểu việc lớn, vả lại là chị họ của Sâm, không hẹn mà tiết lộ, sẽ làm làm hỏng việc của trẫm vậy". Kỉ vâng chiếu, đến báo cho Thượng, Thượng không lo xa, báo cho mẹ Kỉ biết. Mẹ Kỉ liền sai người ngầm báo cho Sâm. Đêm đó Sâm phát binh phế Lượng, vừa sáng, quân đã vây cung. Lượng cả giận, trèo lên ngựa, cầm roi đeo cung muốn ra, nói: "Ta là người nối nghiệp của Đại Hoàng Đế, giữ ngôi đã năm năm, ai dám không theo phục"? Thị trung cận thần và vú nuôi cùng giằng tay ngăn lại, bèn không ra được, khóc lóc ba ngày không ăn, mắng vợ mình rằng: "Cha ngươi ngu dốt, làm hỏng việc lớn của ta rồi"! Lại gọi Kỉ đến, Kỉ nói: "Cha thần vâng chiếu mà không cẩn thận, làm hỏng việc của chúa thượng, thần không còn mặt mũi nào nhìn người khác nữa"! Rồi tự sát. Tôn Thịnh nói: "Tôn Lượng truyện chép Lượng thuở nhỏ thông minh, việc tất mưu với Kỉ trước mà không mưu với vợ trước là biết vậy. Giang Biểu truyện chép là việc tiết lộ là có nguyên nhân, như việc này là rõ rồi".

 

Sai Quang lộc huân Mạnh Tông tuyên cáo việc phế Lượng ở tông miếu, gọi bầy tôi đến bàn rằng: "Vua nhỏ xấu xa hôn loạn, không nên giữ ngôi cao, nay ở tông miếu báo cho Tiên đế việc phế bỏ, các ông nếu không vừa ý hãy bàn bạc". Đều sợ hãi, nói: "Xin theo lệnh của Tướng quân". Sâm sai Trung thư lang Lí Sùng đoạt lấy ấn thao của Lượng, đem tội của Lượng ban bố khắp gần xa. Thượng thư Hoàn Di không chịu tin tội ấy, Sâm giận mà giết đi.

 

Hán Tấn Xuân thu viết: Di là em của Thượng thư lệnh Hoàn Giai vậy.

Ngô lục viết: Tấn Vũ Đế hỏi Tiết Oánh về các danh thần của nước Ngô, Oánh đáp khen Di có khí tiết trung trinh.

 

Điển quân Thi Chính khuyên Sâm lập Lang Nha Vương là Hưu, Sâm nghe theo, sai Tông chính Khải tấu thư cho Hưu rằng: "Sâm có tài kém, được trao chức lớn, không giúp đỡđược Nhà vua. Từ tháng trước đến nay, nhều lần chọn lập, người thân cận là Lưu Thặng vui mừng tỏ ra mặt, phát con gái của quan dân, chọn người đẹp trong số đó đưa vào trong cung, lấy con em binh lính từ mười tám tuổi trở lên được hơn ba nghìn người, luyện tập ở trong vườn, suốt ngày qua đêm, lớn nhỏ hô gọi, chặt mâu khích trong kho hơn năm nghìn chiếc để làm đồ vui chơi. Chu Cứ là bầy tôi cũ của Tiên đế, con trai là Hùng, Tổn đều nối nghiệp của cha, dốc hết lòng trung nghĩa, ngày xưa giết Chu công chúa, từ đấy bị Toàn công chúa ghét, Đế lại không xét rõ gốc ngọn mà giết Hùng, Tổn, can ngăn cũng chẳng nghe, bầy tôi chẳng ai không than thở. Đế làm hơn ba trăm chiếc thuyền ở trong cung, lấy vàng bạc gắn vào, sai thầy mo ngày đêm hát múa không dứt. Thái thường Toàn Thượng nhiều đời nhận ân trên lại không giúp đỡ họ hàng tông thất, khiến cho bọn Toàn Đoan bỏ thành hàng Ngụy. Chức quan của Thượng rất trọng, lại không có một lời can ngăn Nhà vua, lại còn qua lại với kẻ địch, khiến cho nhà nước lung lay, thần sợ sẽ làm xã tắc nghiêng đổ, bèn xét theo phép cũ, tụ họp các Vương hầu, liền hẹn đến ngày hai mươi bảy tháng này bắt Thượng, chém Thặng, giáng Đế làm Cối Kê Vương, sai Khải vâng lệnh đến đón. Trăm quan ngưỡng trông, đợi ở bên đường".

 

Sâm sai tướng quân Tôn Đam đem Lượng đến nước(31), đày Thượng đến Linh Lăng, dời công chúa đến Dự Chương. Ý Sâm càng phóng túng, thường ép lấn dân chúng, rồi đốt miếu thờ Ngũ Tử Tư ở đầu cầu lớn, lại phá chùa Phù Đồ, (32) chém người theo đạo. Hưu đã lên ngôi, xưng là bầy tôi nơi đồng cỏ đến cửa khuyết dâng thư rằng: "Thần cúi mình tự xét, tài chẳng giúp được nước, vì làm tim bụng mà được nắm chức cao nhất của bậc bầy tôi, tổn hại vua trên, tội lỗi rõ rệt, thiếu sót càng thêm, ngày đêm sợ hãi. Thần nghe nói trời cũng giúp người thành thật, tất cứu đỡ người có đức, cho nên U, Lệ(33) làm mất đức thì Chu Tuyên Vương(34) trung hưng, Bệ hạ có đức thánh nên được nối nghiệp chính thống, được tôi hiền giúp đỡ, nêu cao tiếng đẹp. Dẫu thời vua Nghiêu cường thịnh vẫn tìm cầu Tắc, Tiết(35) giúp đỡ để nêu rõ đức sáng vậy. Người xưa có nói: 'Nếu có tài thì làm quan, không có tài thì thôi'. Thần tài hèn sức kém, không có ích cho chính trị, kính dâng ấn thao tiết việt, lui về ruộng vườn để tránh con đường làm quan của người hiền". Hưu dẫn đến an ủi, lại hạ chiếu rằng: "Trẫm không có đức, giữ ở phên dậu, kịp gặp thời mà được công khanh trăm quan đến đón, về nối giữ tông miếu. Trẫm thêm lo lắng, như lội vực sâu. Đại Tướng quân giữ lòng trung trinh, cứu nguy dẹp nạn, vỗ yên xã tắc, công huân hiển hách. Ngày xưa Hán Hiếu Tuyên lên ngôi, Hoắc Quang(36) được vinh hiển, khen đức thưởng công, đấy là lẽ thường xưa nay vậy. Nay lấy Đại tướng quân làm Thặng tướng, Kinh Châu Mục, thực ấp năm huyện". Ân làm Ngự sử Đại phu, Vệ Tướng quân, Cứ làm Hữu Tướng quân, đều phong Huyện hầu. Cán làm Tạp hiệu Tướng quân, phong Đình hầu, Khải cũng phong làm Đình hầu. Một nhà Sâm có năm người phong tước hầu, đều nắm quân cấm vệ, quyền lấn cả vua, từ khi nước Ngô lập nước đến đấy chưa từng có vậy.

 

Sâm đem trâu rượu đến chỗ Hưu, Hưu không nhận, đem đến chỗ Tả Tướng quân Trương Bố; mời rượu, nói lời oán giận rằng: "Lúc trước vào thời phế vua nhỏ, nhiều lần khuyên ta tự làm lấy. Ta thấy Bệ hạ hiền minh cho nên đón về. Nếu Đế không có ta thì chẳng được lập, nay dâng lễ vật lại từ chối, đấy là coi ta không khác gì bầy tôi tầm thường vậy, ta sẽ mưu đổi vua thôi". Bố đem lời ấy báo cho Hưu, Hưu mang giận trong lòng, nhưng sợ có biến, nhiều lần ban thưởng, lại bái thêm Ân làm Thị trung, cùng Sâm coi xét văn thư. Có kẻ báo việc Sâm mang lòng oán giận vua trên mà muốn làm phản, Sâm bắt người ấy trao cho Sâm, Sâm giết người ấy, do đó thêm lo, nhân lúc Mạnh Tông xin ra đóng giữ Vũ Xương, Hưu hứa cho, đem hết hơn vạn quân tinh nhuệ trong các trại cho Tông, sai đều luyện tập, đồ vũ khí trong kho tàng mà mình giữ đều cấp cho dùng.

 

Ngô lịch viết: Sâm xin làm Trung thư lưỡng lang, trông coi việc các quân Kinh Châu, người chủ việc tấu là không nên cho quan Trung thư ra ngoài, Hưu vẫn nghe lời Sâm, những thứ mà Sâm xin làm đều cấp cho cả.

 

Tướng quân Ngụy Mạc khuyên Hưu rằng: "Sâm ở ngoài tất có biến". Vũ vệ sĩ là Thi Sóc lại báo nói: "Sâm có ý làm phản". Hưu ngầm hỏi Trương Bố, Bố và Đinh Phụng mưu hẹn giết Sâm.

 

Ngày đinh mão tháng mười hai năm Vĩnh An thứ nhất, trong thành Kiến Nghiệp có câu hát nói là sắp có biến, Sâm nghe tin, không vui. Buổi đêm có gió lớn thổi cây lá xào xạc, cát bụi mù mịt, Sâm thêm sợ. Vào ngày chạp mậu thìn, Sâm xưng bệnh. Hưu cố gọi đến, hơn mười bọn sứ giả đến mời, Sâm bất đắc dĩ, sắp vào, mọi người can ngăn, Sâm nói: "Nhà nước có phép thường, không thể chối. Nên phòng bị quân sĩ, sai người trong phủ nổi lửa, lúc đó thì mới được về nhanh". Bèn vào, rồi có lửa nổi, Sâm xin ra, Hưu nói: "Quân ở ngoài giữ nhiều, không đáng phiền đến Thặng tướng vậy". Lâm đứng dậy rời chiếu, Phụng, Bố liếc mắt sai tả hữu bắt trói Sâm. Sâm rập đầu nói: "Xin đày đi Giao Châu". Hưu nói: "Sao khanh không đày Đằng Dận, Lữ Cứ"? Sâm lại nói: "Xin giáng làm nô lệ của quan lại". Hưu nói: "Sao không lấy Dận, Cứ làm nô lệ"! Rồi chém Sâm, đem đầu Sâm bảo cho quân sĩ rằng: "Những kẻ cùng mưu với Sâm đều được tha". Do đó tha năm nghìn người. Khải cưỡi thuyền muốn lên phía bắc hàng Ngụy, đuổi giết được, diệt ba họ. Phá quan quách của Tôn Tuấn, thu lấy ấn thao, chặt quan rồi chôn lại, vì đã giết bọn Lỗ Dục vậy.

 

Sâm chết lúc hai mươi tám tuổi. Hưu thẹn vì là cùng họ với Tuấn, Sâm, liền xóa tên ra khỏi dòng họ, gọi họ là Cố Tuấn, Cố Sâm. Hưu lại hạ chiếu rằng: "Gia Cát Khác, Đằng Dận đại khái không có tội mà bị anh em Tuấn, Sâm giết hại, rất là đau lòng, mau cho táng lại, đều cúng tế cho họ.

hững người khác vì việc của Khác mà bị đày đến phương xa đều cho gọi về".

Chú thích

 (31) Đến nước: tức đến nước phong là quận Cối Kê.

(32) Phù Đồ: tức Phật Đà, phiên âm của từ 'Buddha' trong tiếng Phạn cổ, nghĩa là "đấng giác ngộ", "người thông thái"...

(33) U, Lệ: chỉ U Vương, Lệ Vương của nhà Chu, làm việc bạo ngược, dâm ác.

(34) Chu Tuyên Vương: tức Tuyên Vương của nhà Chu, là con của Lệ Vương. Lệ Vương bạo ngược vô đạo, dân chúng nổi dậy, phải chạy về phía đông ở nhờ trên đất của người Hoài Di miền sông Hoài rồi chết ở đấy, Tuyên Vương lên thay, sửa sang chính trị, đuổi rợ Hiểm Doãn, Nhung,

(33) U, Lệ: chỉ U Vương, Lệ Vương của nhà Chu, làm việc bạo ngược, dâm ác.

(34) Chu Tuyên Vương: tức Tuyên Vương của nhà Chu, là con của Lệ Vương. Lệ Vương bạo ngược vô đạo, dân chúng nổi dậy, phải chạy về phía đông ở nhờ trên đất của người Hoài Di miền sông Hoài rồi chết ở đấy, Tuyên Vương lên thay, sửa sang chính trị, đuổi rợ Hiểm Doãn, Nhung,

Địch ở phía bắc, dẹp rợ Man Kinh, Hoài Di ở phía nam.

(35) Tắc, Tiết: Tắc, Tiết là hai đại thần của vua Nghiêu. Tiết là tổ của nhà Thương.

36) Hoắc Quang: tự Tử Mạnh, người quận Hà Đông thời Vũ Đế của nhà Hán, là em khác mẹ của danh tướng Hoắc Khứ Bệnh, vâng lệnh phụ chính Chiêu Đế, Chiêu Đế chết lại lập Tuyên Đế, nắm quyền cao trọng thời ấy.

 

 

 

BỘC DƯƠNG HƯNG TRUYỆN 

Bộc Dương Hưng tự Tử Viễn, người quận Trần Lưu. Cha là Dật, cuối thời Hán tránh loạn đến miền Giang Đông, làm đến Trường Sa Thái thú.

Việc của Dật thấy trong Lục Mạo truyện.

Hưng thuở nhỏ có tiếng tăm, thời Tôn Quyền làm Thượng Ngu Lệnh, dần dần chuyển đến chức Thượng thư Tả tào, giữ chức Ngũ quan Trung lang tướng đi sứ đến nước Thục, chuyển làm Cối Kê Thái thú. Bấy giờ Lang Nha Vương là Hưu trú ở Cối Kê, Hưng thân thiện cùng liên kết. Lúc Hưu lên ngôi, gọi Hưng về làm Thái thường Vệ tướng quân, trông coi các việc quân trong nước, phong Ngoại Hoàng Hầu.

 

Năm Vĩnh An thứ ba, Đô úy Nghiêm Mật lập ruộng bên hồ ở quận Đan Dương, mở ruộng bên sông, hạ chiếu trăm quan bàn luận, đều cho là tốn nhiều công mà ruộng lại khó thành, chỉ có Hưng cho là làm được. Bèn hội các quân dân đến làm, các đồ tổn phí không thể kể hết, quân sĩ bị chết, có kẻ bị giặc giết, trăm họ oán giận việc này.

 

Hưng chuyển làm Thặng tướng. Cùng với sủng thần là Tả tướng quân Trương Bố bao che cho nhau, người trong nước thất vọng.

 

 

Tháng bảy năm thứ bảy, Hưu hoăng. Tả Điển quân Vạn Úc vốn thân thiện với Ô Trình Hầu là Tôn Hạo, bèn khuyên Hưng, Bố, do đó Hưng, Bố phế con cả của Hưu mà lập Hạo. Hạo đã lên ngôi, bái thêm Hưng làm Thị lang, lĩnh chức Thanh Châu Mục. Chốc lát Úc gièm Hưng, Bố hối tiếc việc trước. Đầu tháng mười một vào chầu, Hạo nhân đó bắt giam Hưng, Bố, đày đi Quảng Châu, trên đường đuổi theo giết chết, diệt cả ba họ.

 

Bình rằng: Gia Cát Khác tài năng mưu lược, được người trong nước khen ngợi, nhưng kiêu căng lại hẹp hòi, Chu Công cũng chẳng khinh địch, huống chi là Khác? Kiêu căng thì lấn lướt người khác, có thể không thua sao? Nếu nghe theo lời thư mà Lục Tốn và em là Dung khuyên răn thì chẳng đến nỗi hối tiếc, còn lo gì tai vạ nữa đây? Đằng Dận tu sửa khí tiết của kẻ sĩ, làm theo phép tắc, do đó thời Tôn Tuấn vẫn giữ được tôn quý, nhưng đấy là cái lí tất bị nguy hại vậy. Tuấn, Sâm ngang ngược ác nghịch, vốn không đáng bàn luận. Bộc Dương Hưng đem thân nắm chức Tể tướng, không nghĩ giúp nước, chỉ kết hợp với Trương Bố, nghe lời của Vạn Úc, dẫn đến bị di diệt là phải thôi.

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét