Thứ Sáu, 18 tháng 8, 2023

NGÔ THƯ QUYỂN 20 - Vương Lâu Hạ Vi Hoa truyện

 


Tranh Huynh đệ cơ nghiệp quân - Tôn Quyền phúc khí đại
của họa sĩ Hứa Lực.
Như là Thiên nhân hợp nhất (天人合一)

NGÔ THƯ QUYỂN 20 - Vương Lâu Hạ Vi Hoa truyện

Vương Phồn, Lâu Huyền, Hạ Thiệu, Vi Chiêu, Hoa Hạch.

 

VƯƠNG PHỒN TRUYỆN

 

Vương Phiền tự Vĩnh Nguyên, người quận Lư Giang. Xem rộng biết nhiều, thông thạo đạo thuật. Lúc đầu làm Thượng thư lang, rồi bỏ quan. Tôn Hạo lên ngôi, cùng với Hạ Thiệu, Tiết Oánh, Ngu Dĩ làm Tán kị thường thị, đều bái làm Phụ mã đô úy. Người đời bàn cho là hay. Sai đi sứ đến nước Thục, người Thục khen ngợi, về làm Hạ Khẩu Giám quân.

 

Đầu thời Tôn Hạo, lại vào làm Thường thị, cùng chức với Vạn Úc. Úc có thân quen với Hạo, là kẻ tầm thường hẹp hòi, bảo là Phiền tự khinh mạn. Lại có viên Trung thư thừa Trần Thanh là sủng thần của Hạo cũng nhiều lần vu hãm Phiền. Phiền vốn tính ngay thẳng, không chịu theo mặt thuận ý họ, có lúc làm trái ý họ, do đó thêm bị ganh ghét.

 

Năm Cam Lộ thứ hai, Đinh Trung đi sứ đến nhà Tấn về, Hạo mở hội lớn gặp bầy tôi, Phiền say rượu ngã nép xuống, Hạo ngờ vực không vui, lấy xe đưa Phiền ra ngoài. Chốc lát lại xin quay lại, uống rượu cũng không tốt. Phiền tính có uy nghiêm, đi đứng tự ý, Hạo cả giận, quát tả hữu ở dưới điện chém Phiền; Vệ tướng quân Đằng Mục, Chinh tây tướng quân Lưu Bình xin tha nhưng không được.

 

Giang Biểu truyện chép: Hạo tin nghe lời thầy mo, bảo là cung Kiến Nghiệp không tốt, bèn chuyển về phía tây đến Vũ Xương, vẫn có ý dời đô, sợ bầy tôi không theo, bèn mở hội lớn, ban tặng cho quan tướng, hỏi Phiền rằng: "Bắn không cốt trúng đích, mà cốt ở sức có đều hay không, ý là thế nào"? Phiền suy nghĩ chưa đáp, Hạo liền ở dưới điện chém Phiền, ra ngoài lên núi, sai tướng thân cận đá đầu Phiền, bày trò hổ vồ sói nhảy cắn gặm đầu Phiền, đầu đều vỡ nát, muốn để ra oai, khiến cho mọi người không dám phạm. Ở đây chép không giống với truyện gốc. Ngô lục chép: Hạo hễ ở hội, nhân lúc uống rượu liền sai cận thần cợt giễu công khanh, lấy đó làm vui. Vạn Úc đã làm Tả thừa tướng, Phiền chê Úc rằng: "Cá lặn ở ao, ra khỏi nước thì quẫy nhảy, vì sao? Vật đều có tính thường, không thể ở nơi khác chỗ của mình vậy. Úc xuất thân từ hang núi, thân dê da hổ, được nhận ân sủng hiển hách, nhảy qua ba chín thứ bậc; chó ngựa còn biết người nuôi mình, làm sao để báo ân dày đây"! Úc nói: "Ở đình của Đường-Ngu không có người tài được chọn xằng, ở cửa của Tạo Phủ không có con ngựa gầy yếu, (1) Phiền trên cợt hãm người được chọn sáng suốt, dưới chê bai người cốt cán, do đó biết người này phần nhiều không biết cân nhắc vậy". Thần là Tùng Chi xét truyện gốc chép là Đinh Trung đi sứ đến nhà Tấn về, Hạo mở hội lớn, ở trong hội giết Phiền, xét rằng Trung từ phương bắc về là vào mùa xuân năm ấy, bấy giờ Úc vẫn chưa làm Thừa tướng, đến mùa thu mới làm Thừa tướng vậy. Lời mà Ngô lục chép là không giống nhau như thế.

 

Thừa tướng Lục Khải dâng sớ nói: "Thường thị Vương Phiền hiểu thấu lí lẽ, biết trời biết vật, trung với triều đình, là người quan trọng của xã tắc, là Long Phùng (2) của nhà Đại Ngô vậy. Ngày xưa thờ Cảnh Hoàng, (3) ở bên tả hữu can gián, Cảnh Hoàng khen ngợi, than là lời bàn hay lạ. Vậy mà bệ hạ giận người này nói lời khó nghe, ghét tính thẳng thắn của người này, chém bêu đầu ở trên điện, phanh thây vứt xương, khiến cho người trong nước đau lòng, có kẻ lo lắng". Lời lẽ xót Phiền như thế.

Phiền chết vào lúc ba mươi chín tuổi, Hạo đày người nhà Phiền đến Quảng Châu. Hai em là Trứ, Diên đều tò lòng ngay, vào lúc Quách Mã nổi dậy, không chịu để Mã dùng, bị hại.

 

Chú thích

(1) Ở đình của Đường-Ngu không có người tài được chọn xằng, ở cửa của Tạo Phủ không có con ngựa gầy yếu: Đường-Ngu chỉ vua Nghiêu của nhà Đường và vua Nghiêu của nhà Đường thời xưa, giỏi chọn dùng quan lại, dựng nên thời thái bình. Tạo Phủ là người đánh xe của Chu Mục Vương, giỏi nuôi ngựa, đánh Từ Yển Vương có công, phong tước ở Triệu Thành, trở thành ông tổ của họ Triệu.

(2) Long Phùng: là vị quan giỏi thời vua Kiệt của nhà Hạ, vì can gián vua Kiệt đừng ham rượu, gái đẹp mà bị giết.

(3) Cảnh Hoàng: tức Cảnh Đế của nhà Ngô là Tôn Hưu.

 

 

LÂU HUYỀN TRUYỆN

 

Lâu Huyền tự Thặng Tiên, người huyện Kì nước Bái. Vào thời Tôn Hưu làm Giám nông ngự sử. Tôn Hạo lên ngôi, cùng với Vương Phiền, Quách Trác, Vạn Úc làm Tán kị trung thường thị, ra làm Cối Kê Thái thú, lại vào làm Đại tư nông. Trước đây những người coi việc trong cung được tự chọn người thân cận làm việc, Úc dâng tấu xin lấy người thân quen làm việc, nên dùng người tốt, Hạo nhân đó hạ lệnh sai quan coi việc cầu tìm kẻ sĩ trong sạch để ứng chọn, bèn dùng Huyền làm Cung hạ trấn cấm trung hầu, chủ việc trong điện. Huyền theo cửu khanh đeo đao ở bên làm thị vệ, tự thân thống lĩnh mọi người, theo phép mà làm, đối đáp thẳng thắn, nhiều lần làm trái ý Hạo, dần dần bị oán trách. Sau có người vu cho Huyền gặp nhau với Hạ Thiệu, ở lại nói bên tai mà cười lớn, giễu cợt chính sự, bèn hạ chiếu xét hỏi, đày đi Quảng Châu.

 

Đông quán lệnh Hoa Hạch dâng sớ nói: "Thần trộm nghĩ cái gốc của trị nước cũng như trị nhà. Người chủ làm ruộng đều nên chọn người thật thà, lại nên lấy một người coi xét cả các việc, để làm phép tắc, do đó mọi việc mới thông. Luận ngữ chép: 'Không cần làm gì mà thiên hạ yên ổn, vua Thuấn là người như vậy chăng! Chỉ là thong thả ngoảnh mặt về phía nam mà thôi'. Ý nói là dùng đúng người, cho nên thảnh thơi mà tự yên vậy. Nay trong nước chưa định, thiên hạ nhiều việc, các việc không kể lớn nhỏ đều tự xem nghe, tự mình coi xét thì tổn hao tâm ý. Bệ hạ đã rủ ý xét việc xưa, tìm tòi đạo thuật, chăm chỉ học phép hay, nên tùy lúc mà xét, phải chọn lúc yên tĩnh để suy nghĩ, tìm lấy điều tốt, hợp với ý trời. Thần ngày đêm nghĩ ngợi, trong các quan lại coi việc cốt cán đủ để giao phó chẳng ai hơn được Lâu Huyền. Huyền trong sạch trung trinh vâng theo phép công, tài giỏi ở đời, mọi người phục khí tiết, chẳng ai tranh hơn được. Người trong sạch thì lòng yên lặng mà thẳng thắn, người trung trinh thì giữ đạo chính mà làm theo. Như tính của Huyền, trước sau đều giữ vững. Xin bệ hạ tha lỗi trước của Huyền, sai tự sửa mới, trao cho chức cao, đòi phải chuộc tội, sai phải chọn người tùy tài mà dùng, lúc ấy cái sự thong thả của vua Thuấn chỉ gần nữa thôi". Hạo ghét danh tiếng của Huyền, lại đày huyền và con là Cứ giao cho tướng ở quận Giao Chỉ là Trương Dịch, sai phải đánh trận mà chuộc tội, ngầm hạ lệnh riêng sai Dịch giết Huyền. Cứ đến Giao Chỉ, mắc bệnh chết. Một thân Huyền theo Dịch đánh giặc, cầm đao lăn lội, gặp Dịch thì bái, Dịch không nỡ giết. Gặp lúc Dịch chết, Huyền liệm thây Dịch, thấy trong đồ có chiếu lệnh, trở về liền tự sát.

 

Giang Biểu truyện chép: Hạo sai tướng là Trương Dịch ban thuốc độc cho Huyền, Dịch thấy Huyền là người hiền, không nỡ đọc chiếu lệnh bắt uống thuốc độc, Huyền cũng ngầm biết được, bảo Dịch rằng: "Nếu báo cho Huyền biết sớm, Huyền há tiếc sao". Liền uống thuốc độc mà chết. Thần là Tùng Chi cho rằng: Cái tính thanh cao của Huyền, chắc không vì an nguy mà đổi ý, vậy mà vô cớ ruổi ngựa sai Trương Dịch giết Huyền để làm bẩn khí tiết của người này. Lại nữa tai họa đã phát, há trăm lần bái mà thoát được sao? Lời mà Giang Biểu truyện chép, về lí là đúng.

 

 

HẠ THIỆU CHUYỆN

 

 

Hạ Thiệu tự Hưng Bá, người huyện Sơn Âm quận Cối Kê.

 

Ngô lục chép: Thiệu là cháu của Hạ Tề, con của Hạ Cảnh.

 

Tôn Hưu lên ngôi, từ chức Trung lang làm Tán kị thường thị, ra làm Ngô Quận Thái thú. Vào thời Tôn Hạo, vào làm Tả điển quân, chuyển làm Trung thư lệnh, lĩnh chức Thái tử thái phó.

Hạo hung bạo kiêu căng, chính sự ngày càng tệ, Thiệu dâng sớ can rằng:

"Vua hiền thời xưa ở trong chỗ sâu kín mà biết được cái tình của vạn vật, ở nơi cao thả tay mà biết rõ được chỗ ngoài tám cõi, đấy là vì cái công dùng người hiền vậy. Bệ hạ vì có đức hay đẹp, nối thay nghiệp đế, nên tự thân sửa đạo, kính theo phép thường, dùng hiền nêu thiện để làm yên chính sự. Từ mấy năm trở lại đây, triều chính lầm lỗi, thật giả lẫn lộn, trên dưới xa cách, văn võ trống rỗng, ngoài không có cái vững của tướng tá già dặn, trong không có tôi thần sửa lỗi; bọn nịnh bợ vỗ cánh bay cao, gây loạn triều đình, trộm lấy vinh lợi; mà kẻ trung lương lại bị đẩy ngã, kẻ có tín cũng bị hại. Cho nên kẻ sĩ ngay thẳng cũng phải vứt bỏ tiết tháo, tôi thần bên cạnh cũng phải a dua, dõi theo ý vua, đều muốn theo thời, người dân giữ lời lẽ sai trái, kẻ sĩ thổ lời bàn giả dối, rút cuộc khiến cho trong sạch trở thành bẩn đục, kẻ trung thần phải ngậm miệng. Bệ hạ ở ngôi cao chín tầng, náu trong cung trăm vòng, nói ra thì gió lướt, ban lệnh thì bóng theo; nếu tự sửa nắn bầy tôi a dua, hằng ngày nghe lời thuận ý, chọn người hiền có tài thực, như vậy thì thiên hạ được yên vậy. Lòng thần không được yên, cho nên dám nói ra tấu lên.

 

Thần nghe nói rằng nước hưng thịnh thì vua vui nghe nói về cái lỗi của mình, nước loạn lạc thì vua thích nghe khen danh của mình; vua vui nghe nói về cái lỗi của mình thì cái lỗi ngày một trừ mà phúc đến, vua thích nghe khen danh của mình thì danh ngày một tổn mà họa đến. Cho nên người làm vua thời xưa nhún nhường để tìm người hiền, cúi mình để cầu người ta nói về cái lỗi của mình, nêu ngôi vị ở bánh xe, cầm đuôi hổ làm răn mình. Đến như bệ hạ, dùng hình pháp nghiêm ngặt để cấm lời nói thẳng, bỏ kẻ sĩ tốt lành để ngăn tôi thần can gián, mê hoặc bởi tiếng khen ngợi, đắm chìn bởi lời của cận thần. Ngày xưa Cao Tông (1) nghĩ cách trị nước, nằm mộng gặp được người hiền, vậy mà bệ hạ chỉ mong quên, khinh thường mà bỏ họ. Thường thị Vương Phiền trung trinh với vua, có tài làm phụ tá, chỉ vì say rượu mà bị dùng hình nặng. Gần đây Hồng lư Cát Hề là tôi thần cũ của tiên đế, chỉ vì trái ý, nói lời trong lúc say, sau ba chén rượu tỏ lễ không kiêng húy, bệ hạ chợt nổi giận đùng đùng, cho là khinh mạn, lấy rượu nồng bắt uống, trúng độc mà chết. Từ đấy về sau, trong nước đau lòng, bầy tôi thất vọng, người làm quan xem việc lui về là may, người phủ đình coi việc bỏ ra là phúc, đấy chẳng phải là nêu rõ công lao, không phát triển đạo hóa vậy.

Lại còn Hà Định là đứa tiểu nhân xu nịnh, nô bộc thấp kém, thân chẳng có đức chút gì, không có cái tài của ưng khuyển, (2) vậy mà bệ hạ yêu cái tính xu nịnh của hắn, trao cho oai quyền, khiến cho Định cậy sủng mà phóng túng, tự ra oai gây phúc, nói bàn việc nước, gâyrối lẽ trời, trên làm mờ cái sáng của nhật nguyệt, dưới chặn đường tiến thân của người quân tử; kẻ tiểu nhân xin vào thì bày kế gian mưu lợi, Định xằng bậy sắp đặt lao dịch, phát lính thú ở ven sông để đuổi bắt hươu nai, kết lưới ở gò núi, cắt cỏ ở rừng sâu, đem hết thú ngoài đồng tụ hết ở trong vườn cung; trên không bày việc có ích, dưới có tổn phí hao hụt. Lại còn binh sĩ mệt mỏi vì chuyển chở, sức dân kiệt cạn vì đuổi bắt, già yếu đói rét, lớn nhỏ than oán. Thần trông xem thiên văn, từ năm trước đến nay âm dương lẫn lộn, bốn mùa đảo ngược, đất động nhật thực, giữa mùa hạ có sương muối, xét ở sách cũ, đấy đều là điềm khí âm lấn khí dương, kẻ tiểu nhân chuyên quyền mới thế. Thần từng xem sách truyện, xét rõ các việc, đấy là ứng điềm diệt vong, cho nên run rẩy. Ngày xưa Cao Tông tu thân để trừ cái điềm gở chim trĩ đậu trên tai đỉnh, Tống Cảnh Công sửa đức để đầy lùi cái biến của sao Huỳnh hoặc; (3) mong bệ hạ trên sợ cái điềm báo chê trách của trời cao, dưới xét cái đạo trừ họa của hai vị vua ấy, xem rộng cái công dùng người hiền của đời trước, tỉnh biết cái lỗi trao chức bừa bãi ở ngày nay, làm trong sạch triều đình, chọn dùng người tuấn nghĩa, vứt bỏ kẻ nịnh bợ, thu lại quyền bính, như thế người hiền được dùng lại, cất nhắc người tài đức, nghe ngóng lời nói thẳng, vâng theo mệnh trời, kính nhận nghiệp vua, vậy thì giáo hóa sáng rõ, người trong thiên hạ trông mong vậy.

 

Kinh truyện chép: 'Vua của nước hưng thịnh thì xem dân như con đỏ, vua của nước sắp mất thì xem dân như cỏ rơm'. Ngày xưa bệ hạ ẩn ý sáng suốt, tỏ đức ở miền đông, có phong thái bậc thánh triết như rồng bay thẳng trời, khiến cho bốn cõi ngoái cổ, tám phương liếc mắt, nếu nêu cao giáo hóa thì tất chỉ thành trong sớm tối vậy. Nhưng từ khi lên ngôi đến nay, pháp lệnh rườm rà, tô thuế thêm nhiều, nội quan trong cung chia ra các châu quận bày đặt lao dịch, mưu cầu lợi riêng, trăm họ gặp phải cảnh hao tổn, dân đen mệt mỏi vì cái mong muốn không cùng, già trẻ đói rét, sắc mặt nhợt nhạt, mà quan lại ở đấy lại lấn ép gây khó, hình pháp nghiêm nghiêm ngặt, làm cho dân khổ. Cho nên sức dân không gánh nổi, nhà cửa li tán, kêu tiếng than thở, cảm thương sụt sùi. Lại nữa lính thú ở ven sông, ở xa nên mở mang bờ cõi, ở gần phải giữ đất phòng nạn, nên được đãi hậu để đợi lúc có việc, vậy mà kêu gọi phát động, kéo đến tụ tập, áo chẳng vẹn cúc ống, ăn chẳng đủ sớm tối, ra thì đến chỗ nạn mũi chọn, vào thì chuốc nỗi buồn không vui. Do đó cha con bỏ nhau, kẻ làm phản nổi lên. Mong bệ hạ nới lỏng tô thuế, cứu chẩn người nghèo cùng, giảm những việc không cần gấp, bớt xén hình phạt, vậy thì trong nước vui mừng, giáo hóa tràn khắp. Dân là gốc của nước, lương thực là mạng sống của dân vậy. Vậy mà nay nước không chứa lương thực đủ một năm, nhà không còn lương thực một tháng, lại còn những kẻ chỉ ngồi ăn trong hậu cung có đến hơn vạn người. Trong có cái oán li tán, ngoài có cái tổn phí hao mòn, khiến cho kho tàng trống rỗng đến nỗi không có dùng, quân dân đói đến nỗi phải bã cám.

 

Lại nữa giặc bắc đảo mắt, dòm ngó cái thịnh suy của nước ta, bệ hạ không cậy vào oai đức của mình mà chỉ dựa vào việc giặc không đến, trong nước thì khốn cùng mà khinh địch không cho đấy là cái nạn, đấy thực chẳng phải là kế sách cốt yếu để giữ tông miếu vậy. Ngày xưa Đại Hoàng Đế chăm chỉ làm việc, lập nghiệp ở cõi nam, cắt chiếm sông núi, mở đất vạn dặm, dẫu gặp thời vận nhưng thực là do sức người vậy. Qua mấy lần nối, đến thời bệ hạ, bệ hạ nên sùng kính đức hạnh để nêu rõ cái oanh liệt của đời trước, yêu dân nuôi quân, giữ vững phép cũ, há coi thường công lao của tổ tiên, sao nhãng việc giữ nghiệp lớn, quên việc những người còn chưa được cấp chẩn trong thiên hạ, quên cái sự biến hưng suy sao? Thần nghe nói rằng tốt xấu vô thường, lành dữ là do người, cái hiểm trở của sông dài không cậy được lâu, nếu ta không giữ thì địch chỉ cần một cái bè nhỏ là đi qua được vậy. Ngày xưa nhà Tần lập hiệu xưng Hoàng đế, giữ cái hiểm của Hào-Hàm (4) mà không tu sửa đức hóa, pháp lệnh hà khắc, gây độc dân chúng, trung thần ngậm miệng, cho nên một người hô lớn thì xã tắc nghiêng lật. (5) Gần đây họ Lưu giữ cái vững của ba cửa quan, chặn cái hiểm của núi cao, có thể nói là thành vàng nhà đá, dựng nghiệp muôn đời, nhưng tin dùng những kẻ không phải người hiền, cho nên một sớm vỡ đổ, vua tôi trói cổ, (6) đều làm nô bộc. Đấy là cái gương sáng cho đời nay, cái răn bảo ở trước mắt vậy. Mong bệ hạ xa thì xét việc trước, gần thì soi sự biến đời nay, đắp nền giữ móng, sửa nắn giáo hóa, vậy thì cái thời thịnh của Thành-Khang (7) được nổi lên, cái lộc lớn của tổ thánh được phát rõ vậy".

亲近
Sớ tấu lên, Hạo rất ghét Thiệu. Thiệu vâng phép công thẳng thắn, người thân cận cũng phải e ngại, bèn cùng gièm pha rằng Thiệu cùng Lâu Huyền giễu cợt việc nước, đều bị trách hỏi, Huyền bị đày đi miền nam, Thiệu được tha mà làm chức khác. Sau đó Thiệu trúng gió độc, miệng không nói được, bỏ chức mấy tháng, Hạo ngờ Thiệu mượn cớ bệnh, bắt uống rượu vào, khảo xét nghìn lần, Thiệu đến chết không nói một lời, cuối cùng bị giết hại, người nhà bị đày đến quận Lâm Hải. Lại hạ chiếu sai giết con cháu của Huyền, bấy giờ là năm Thiên Sách thứ nhất, Thiệu vừa bốn mươi chín tuổi.

 

Con của Thiệu là Tuần, tự Ngạn Tiên.

 

Tấn thư của Ngu Dự chép: Tuần vào lúc cha bị hại, bị đày đến bờ biền, kịp khi nước Ngô bình, về quê nhà. Tiết tháo thẳng thắn, thủa nhỏ đã không tầm thường, nói làm việc gì tất theo lễ nghĩa; ham học thích nghe, giỏi ở đọc 'tam lễ'; (8) cử tú tài, bái làm Dương Tiện-Vũ Khang Lệnh. Cố Vinh, Lục Cơ, Lục Vân dâng biểu tiến cử Tuần rằng: "Cúi thấy viên Vũ Khang Lệnh thuộc quận Ngô Hưng là Hạ Tuần đức tính nồng hậu, tài năng sâu xa, trong lòng trong sạch, tiết tháo cao đẹp, trải qua ba thành, phép lệnh nghiêm túc, coi giữ huyện nhỏ mà nêu danh nơi xa; xuất từ nước mới cho nên triều đình không biết đến, ở yên nơi ngoài, chí không tự mưu, năm tháng dây dưa, vẫn thờ ơ không tiến thủ, thực là khiến cho kẻ ngu kẻ khôn cũng tiếc nuối. Bọn thần đều là kẻ tầm thường, được trao thêm chức, nhận được ân trạch, làm quan trong triều, nếu biết kẻ sĩ tài năng mà giữ miệng không nói thì sợ rằng đấy là cái lỗi che lấp người hiền, cho nên không kìm nén cái ngu hèn, xin liều chết tiến cử". Lâu sau, gọi làm Thái tử xá nhân. Vào lúc Thạch Băng (9) phá Dương Châu, Tuần cũng hợp quân, việc xong, đóng cửa không ra. Vào lúc Trần Mẫn (10) làm loạn, lấy Tuần làm Đan Dương Nội sử, Tuần cũng xưng bệnh cố từ chối, Mẫn không dám ép. Bấy giờ nhà quyền thế ở Giang Đông không ai không nhận tước vị của Mẫn, riêng Tuần và người cùng quận là Chu Đản không treo vào lưới giặc. Sau đó bái làm Ngô Quốc Nội sử, không đến. Vào lúc Nguyên Hoàng Đế (11) còn làm Trấn đông tướng quân, mời Tuần làm Quân tư mã; vào lúc Đế làm Tấn Vương, lấy Tuần làm Trung thư lệnh, cố nhường không nhận; chuyển làm Thái thường, lĩnh chức Thái tử thái phó. Bấy giờ triều đình mới dựng, làm gì liền bàn nghị, phép tắc tông miếu đều do Tuần sắp đặt, trong triều ngoài nội bàn tán cho là nhà Nho nổi tiếng một thời. Năm Thái Hưng thứ hai thì chết, thọ sáu mươi tuổi. Truy tặng chức Tư không, thụy là Mục. Các bài luận mà Tuần soạn đều truyền ở đời. Con là Thấp, làm Lâm Hải Thái thú.

 

Chú thích

(1) Cao Tông: chỉ vua Vũ Đinh của nhà Ân, sau khi mất truy hiệu là Cao Tông.

(2) Cái dùng của ưng khuyển: thời xưa nhà vua đi săn thường dùng khuyển (chó) và chim ưng để đuổi bắt thú, do đó nói là 'ưng khuyển' để chỉ những người làm nanh vuốt phụ tá của nhà vua.

(3) Ngày xưa Cao Tông tu thân để trừ cái điềm gở chim trĩ đậu trên tai đỉnh, Tống Cảnh Công sửa đức để đầy lùi cái biến của sao Huỳnh hoặc: Cao Tông là vua Vũ Đinh của nhà Ân, lúc tế Mặt trời chợt có một con chim trĩ bay đến đậu ở trên tai đỉnh (cái vạc), bầy tôi cho là quái gở, chính sự thiếu sót nên mới thế, bèn nói: "Xét thấy các vị vua hiền thời trước nếu gặp điềm gở thì phải sửa nắm chính sự mới giải trừ được". Tống Cảnh Công là chư hầu thời Xuân thu, vào năm thứ ba mươi bảy, sao Huỳnh hoặc chuyển vào vùng sao Tâm, bầy tôi có người nói: "Sao Huỳnh hoặc là điềm báo trời phạt, sao Tâm ứng vào phận nước Tống, họa sắp giáng vào ngài, nhưng có thể chuyển sang quan Tể tướng". Cảnh Công không nỡ làm thế. Bầy tôi lại nói là có thể chuyển sang dân chúng, cũng không nỡ. Cuối cùng bầy tôi nói: "Trời cao mà rủ thấp, ngài có lòng như thế thì tất sao Huỳnh hoặc cũng chuyển sang phận khác". Quả nhiên đúng thế, mấy năm sau đó nước Tống không bị họa binh đao.

(4) Hào-Hàm: chỉ núi Hào và cửa Hàm Cốc, là những vùng then chốt của nhà Tần

(5) Một người hô lớn thì xã tắc nghiêng lật: chỉ thời nhà Tần vô đạo, thiên hạ khổ sở, có một người dân phu là Trần Thắng nhân lúc bị bắt lao dịch mà dương tay kêu gọi nổi dậy, sau đó bọn Hạng Vũ, Lưu Bang cũng dấy binh phản nhà Tần, rút cuộc khiến cho nhà Tần sụp đổ.

(6) Vua tôi trói cổ: chỉ việc vua tôi nhà Hán phải nhường ngôi cho nhà Ngụy.

(7) Thành-Khang: chỉ Thành Vương và Khang Vương của nhà Chu, thời hai vị này thì nhà Chu cường thịnh.

(8) 'Tam lễ': chỉ ba sách Chu lễ, Nghi lễ, Lễ kí.

(9) Thạch Băng: là bộ tướng của thủ lĩnh người Man ở miền Kinh Châu là Trương Xương. Theo Tấn thư - Huệ Đế kỉ chép rằng: Mùa thu tháng bảy năm Thái An thứ hai, Thạch Băng đánh cướp miền Dương Châu, Dương Châu Thứ sử Trần Huy đánh với Băng, thua to, các quận vỡ cả. Người quận Lâm Hoài là Phong Vân cũng dấy binh theo Băng. Tháng ba năm Vĩnh Nguyên thứ nhất bị Quảng Lăng Độ chi Trần Mẫn đánh bại.

(10) Trần Mẫn: là người quận Lư Giang, có tài cán, làm Quảng Lăng Độ chi, đánh phá bọn Thạch Băng, Phong Vân có công, bái làm Quảng Lăng Tướng. Bấy giờ Trung Quốc rối loạn (loạn tám vị vương của nhà Tấn), bèn chiếm giữ huyện Lịch Dương, tự xưng Đô đốc trong coi việc quân ở miền Giang Đông.

(11) Nguyên Hoàng Đế: chỉ Nguyên Đế của nhà Đông Tấn, lúc người Ngũ Hồ vào lấn Trung Quốc, nhà Tấn chỉ giữ được miền Giang Nam mà thôi, tức nhà Đông Tấn.



 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét