Thứ Sáu, 18 tháng 8, 2023

NGÔ THƯ QUYỂN 18 - Ngô Phạm Lưu Đôn Triệu Đạt truyện

 


Xích Bích đồ của họa sĩ Vũ Nguyên Trực thời nhà Kim (1115-1234).
Niên đại khoảng 1190-1196.

NGÔ THƯ QUYỂN 18 - Ngô Phạm Lưu Đôn Triệu Đạt truyện

Ngô Phạm, Lưu Đôn, Triệu Đạt

 

TRUYỆN NGÔ PHẠM

 

Ngô Phạm tự Văn Tắc, người huyện Thượng Ngu quận Cối Kê. Vì hiểu thuật số, (1) biết phong khí (2) mà nổi tiếng ở quận. Cử hữu đạo, (3) gọi đến kinh đô, nhưng thời loạn không đi. Gặp lúc Tôn Quyền nổi dậy ở miền đông nam, Phạm trao thân theo giúp, hễ có điềm xấu, liền đoán số mà báo việc, thuật số phần nhiều ứng nghiệm, bèn vì thế mà nổi tiếng.

 

Lúc đầu, Quyền ở tại quận Ngô, muốn đánh Hoàng Tổ. Phạm nói: “Năm nay ít có lợi, không bằng đến năm sau. Năm sau là năm mậu tí, Lưu Biểu chết thì đất Kinh Châu cũng mất”. Quyền vẫn đánh Tổ, rút cuộc chẳng thắng. Năm sau, lại phát quân, đi đến Tầm Dương. Phạm xem phong khí, nhân đó lên thuyền chúc mừng, khuyên đem quân đi nhanh, đến liền phá Tổ, Tổ liền buổi đêm chạy trốn. Quyền sợ không bắt được, Phạm nói: “Không lâu nữa tất bắt sống được Tổ”. Đến giữa canh năm, quả nhiên bắt được. Lưu Biểu đã chết, Kinh Châu bị chia cắt.

 

Đến năm nhâm thìn, Phạm lại bẩm rằng: “Vào năm giáp ngọ, Lưu Bị sẽ lấy được Kinh Châu”. Sau đó Lữ Đại từ đất Thục về, gặp Bị ở thành Bạch Đế, nói là quân sĩ của Bị tan lạc, chết thương quá nửa, việc tất chẳng xong. Quyền lại hỏi Phạm, Phạm nói: “Lời mà thần nói là mệnh trời, nhưng lời mà Đại nói là việc người mà thôi”. Bị rút cuộc lấy được đất Thục.

 

Quyền cùng Lữ Mông mưu đánh Quan Vũ, bàn với bầy tôi thân cận, nhiều người nói là không đánh được. Quyền lại hỏi Phạm, Phạm nói: “Đánh được”. Sau Vũ đến tại Mạch Thành, sai sứ xin hàng. Quyền hỏi Phạm rằng: “Nên cho hàng không”? Phạm nói: “Bên ấy có ý chạy, nói là hàng tất là dối thôi”. Quyền sai Phan Chương chặn đường đi của Vũ, quân dò thám về, nói là Vũ đã bỏ đi. Phạm nói: “Dẫu bỏ đi nhưng chẳng thoát được”. Hỏi lúc nào, đáp nói: “Giữa ngày hôm sau”. Quyền dựng đồng hồ nước để đợi xem. Đến giữa ngày không thấy tin, lại hỏi vì sao, Phạm nói: “Lúc này chưa đúng giữa ngày vậy”. Chốc lát, có gió thổi lay động màn trướng, Phạm vỗ tay nói: “Vũ đến rồi”. Lát sau, người ngoài xưng vạn tuế, truyền lời là bắt được Vũ.

 

Sau đó Quyền hòa thân với nhà Ngụy, Phạm nói: “Xét phong khí mà nói, bên ấy bề ngoài là đến, nhưng thật ra có mưu, nên phòng bị đi”. Lưu Bị đem quân nhiều đến ở Tây Lăng, Phạm nói: “Sau lại hòa thân”. Cuối cùng như lời Phạm. Lời đoán bói đúng nghiệm như thế.

 

Quyền lấy Phạm làm Kị đô úy, lĩnh chức Thái sử lệnh, (4) Quyền nhiều lần theo học hỏi, muốn được bày dạy. Phạm giữ kín thuật ấy, không đem thuật mà bày nói cho Quyền. Do do Quyền lấy làm tiếc.

 

Ngô lục chép: Phạm chỉ để trong lòng, cho là mình được coi trọng là vì biết thuật ấy, thuật mà mất thì thân cũng bị ruồng bỏ, cho nên không nói.

 

Trước đây, lúc Quyền làm Tướng quân, Phạm từng nói rằng miền Giang Nam có khí của bậc Đế vương, vào năm hợi-tí tất có phúc lộc lớn. Quyền nói: “Nếu rút cuộc như lời này, sẽ phong ông làm tước Hầu”. Lúc lập làm Ngô Vương, bấy giờ Phạm hội yến, nói: “Ngày trước tại quận Ngô, từng nói việc này, Đại vương còn nhớ chăng”? Quyền nói: “Có nhớ”. Nhân đó gọi tả hữu, ban dải thao tước Hầu cho Phạm. Phạm biết Quyền muốn chối bỏ lời lúc trước, liền xua tay không nhận. Lúc sau luận công ban phong, lấy Phạm làm Đô đình hầu. Chiếu lệnh sắp ban ra, Quyền ghét Phạm chỉ biết giữ thuật cho riêng mình, bèn trừ bỏ tước phong.

 

Phạm là người thẳng thắng, lại có phần tự kiêu, nhưng lại thân tình trước sau với bạn cũ. Vốn thân nhau với người cùng ấp là Ngụy Đằng. Đằng từng có tội, Quyền trách mắng rất nghiêm, lệnh ai dám can sẽ giết, Phạm bảo Đằng rằng: “Sẽ cùng chết với ông”. Đằng nói: “Chết mà không có ích, chết để làm gì”? Phạm nói: “Ta nghĩ gỡ được việc này, há ngồi xem ông chết sao”? Bèn cắt tóc tự trói đến dưới cửa, sai lính hầu vào báo, lính hầu không dám, nói: “Ta vào tất chết, không dám nói”. Phạm nói: “Ngươi có con không”? Đáp nói: “Có”. Phạm nói: “Nếu ngươi vì Ngô Phạm ta mà chết, con ngươi sẽ đưa cho ta nuôi". Lính hầu nói: "Dạ". Liền cho vào cửa. Nói chưa xong, Quyền cả giận, muốn lấy kích để đâm. Lính hầu lùi lại đi ra, Phạm nhân đó xông vào, rập đầu chảy máu, nói mà khóc lóc. Hồi lâu, Quyền có ý tha, bèn tha tội Đằng. Đằng gặp Phạm tạ rằng: "Cha mẹ nuôi ta lớn được, nhưng không tha cho ta khỏi chết được. Bậc trương phu quen biết nhau, như ông là đủ rồi, há cần chi nhiều"!

 

Cối Kê điển lục chép: Đằng tự Chu Lâm, ông nội là Hà Nội Thái thú Lãng, tự Thiếu Anh, được xếp vào hàng 'bát tuấn'. (5) Đằng tính thẳng thắn, chẳng mấy hòa mục với ai, dẫu gặp khốn bức, cũng chẳng đổi tính. Lúc đầu cũng vì làm trái ý Sách mà suýt chết, may nhờ thái phi (6) cứu mới thoát, chép ở Phi tần truyện. Làm quan qua các chức Lệnh của ba huyện Lịch Dương, Bà Dương, Sơn Âm, rồi làm Bà Dương Thái thú.

 

Năm Hoàng Vũ thứ năm, Phạm bệnh chết. Con cả chết trước, con út còn nhỏ, do đó nghiệp dứt. Quyền nghĩ nhớ Phạm, chọn những người biết được thuật số như Ngô Phạm, Triệu Đạt ở ba châu (6), phong tước Hầu thực ấp nghìn hộ, nhưng cuối cùng chẳng có ai.

 

Ngô lục chép: Phạm biết trước ngày mình chết, bảo Quyền nói: "Bệ hạ đến ngày đó sẽ để tang Quân sư". Quyền nói: "Ta không có Quân sư, sao mà để tang được"? Phạm nói: "Bệ hạ đem quân chống địch, nhờ thần nói trước rồi mới đi. Thần là Quân sư của bệ hạ vậy". Đến ngày đó quả nhiên chết. Thần là Tùng Chi xét: Vào lúc Phạm chết, Quyền chưa xưng Đế, mà sách này xưng là bệ hạ, sai vậy.

 

TRUYỆN LƯU ĐÔN

 

Lưu Đôn tự Tử Nhân, người quận Bình Nguyên. Gặp loạn tránh nạn, làm khách tại quận Lư Lăng, theo giúp Tôn Phụ. Vì biết thiên văn thuật số mà nổi danh ở miền nam. Hễ có nạn khô hạn, giặc cướp, đều đoán biết trước được, không gì là không đúng. Phụ lấy làm lạ, cho làm Quân sư, trong quân đều kính phục Đôn, khen là thần minh.

 

Giữa năm Kiến An, Tôn Quyền ở tại quận Dự Chương, bấy giờ có sao rơi, đến hỏi Đôn, Đôn nói: "Có họa tại quận Đan Dương". Quyền nói: "Vì sao"? Đáp nói: "Khách lấn cả chủ, đến ngày ấy sẽ nói rõ". Bấy giờ, Biên Hồng làm loạn, (7) đúng như lời Đôn.

 

Đôn đối với các thuật đều giỏi, giỏi rõ nhất là thuật thái ất, đều suy đoán từng việc, rất là kì diệu, soạn thành sách có hơn trăm thiên, nhà Nho nổi tiếng là Điều Huyền cũng khen là thần kì; nhưng Đôn cũng quý tiếc thuật của mình, không chịu dạy cho người khác, cho nên người đời chẳng ai biết rõ vậy.

 

 

TRUYỆN TRIỆU ĐẠT

 

Triệu Đạt là người quận Hà Nam. Thủa trẻ theo học quan Thị trung của nhà Hán là Đan Phủ, suy nghĩ sâu xa, nói là miền đông nam có khí của bậc Đế vương, nên đến tránh nạn được, do đó đem thân vượt sông. Xét thuật cửu cung nhất toán, (7) nghiên cứu cái tinh diệu của thuật ấy, cho nên biết tùy cơ mà ứng biến, đối đáp như thần, đến như tính xem có nạn châu chấu bay, đoán vật ẩn náu, không gì là không đúng. Có người hỏi Đạt rằng: "Những con vật biết bay vốn không xét đoán được, ai biết được là đúng, đấy chỉ là nói bừa thôi". Đạt sai người ấy lấy mấy hạt đậu nhỏ đặt ở trên chiếu, để ở vài chỗ trên đó, đến lúc đoán đúng người ấy mới tin thật. Từng qua nhà bạn cũ, bạn cũ mời Đạt ngồi ăn. Ăn xong, bảo Đạt rằng: "Kho ít rượu thiếu, lại không có món ngon, không làm vừa ý, được sao"? Đạt nhân đó lấy một cái đũa trong mâm, lại khua ngang khua dọc ba lần, rồi nói: "Dưới vách phía đông nhà ông có một hộc rượu ngon, lại có ba cân thịt hươu, sao lại nói là không có"? Bấy giờ có người khách khác cũng ngồi, trong lòng biết ý của chủ nhà, chủ nhà thẹn nói: "Ông giỏi đoán vật ẩn náu thật không, muốn thử xem sao thôi, không ngờ hiệu nghiệm như thế". Bèn đem rượu ra uống. Lại có thẻ tre, trên ấy chép mấy nghìn vạn chữ, cất giấu ở trong kho, nhờ Đạt tính xem. Đạt tính số đoán, nói: "Chỉ là có danh mà không có thật". Sự tinh diệu của Đạt đại khái như thế.

 

Đạt quý tiếc thuật ấy, bọn Khám Trạch, Ân Lễ đều là nhà Nho hay kẻ sĩ giỏi, cúi mình nhún nhường theo học, nhưng Đạt giữ kín không nói ra. Thái sử thừa Công Tôn Đằng thủa trẻ theo học Đạt, chăm chỉ nhiều năm, Đạt hứa truyền dạy cho chỉ mấy năm thôi, lúc sắp nói ra nhưng rồi lại dừng. Ngày sau Đằng đem rượu ngon đến, xem sắc mặt, quỳ bái mà xin, Đạt nói: "Tổ tiên ta biết được thuật này, muốn mưu làm thầy của Đế vương, làm quan đến nay trải ba đời vua, nhưng không hơn chức Thái sử lang, thật là không muốn truyền dạy nữa. Vả lại thuật này thần kì, cộng đầu trừ đuôi, như thuật nhất toán, không thể cùng nói với ông. Nhưng thấy ông chăm học không chán, nay sẽ truyền dạy cho ông". Uống mấy chén rượu xong, Đạt đứng dậy lấy hai quyển sách giấy trắng, dày bằng ngón tay, Đạt nói: "Nên chép lại mà đọc nó thì tự hiểu được. Ta bỏ đã lâu, không còn xem nữa. Nay muốn bàn nghĩ riêng một lúc, mấy ngày sau đến nói cùng". Đằng theo hẹn lại đến, đến thì sách thuật đã mất rồi, kinh ngạc mà trách, Đạt nói: "Hôm qua con rể đến, tất là do hắn trộm lấy". Bèn từ đó thôi học.

 

Lúc trước, Quyền đem quân đánh dẹp, hễ lệnh sai Đạt bói đoán xem, đều như Đạt nói. Quyền hỏi cách đoán, Đạt rút cuộc chẳng nói, do đó mà đối đãi càng bạc, chẳng cho bổng lộc.

 

Ngô thư chép: Lúc đầu, Quyền lên ngôi vị, sai Đạt đoán số của thiên tử sẽ được mấy năm. Đạt nói: "Cao Tổ lập được được mười hai năm, nay bệ hạ sẽ gấp đôi". Quyền cả mừng, tả hữu đều hô: "Vạn tuế". Đúng như lời Đạt.

 

Đạt thường cười bảo những người xem sao, phong khí, thuật số rằng: "Phải tính đoán ở trong màn trướng, không cần ra cửa mà vẫn biết mệnh trời, lại chẳng phải ngày đêm hứng sương gió để xem điềm khí, cũng chẳng khó hơn sao"! Ở trong nhà không đi đâu, tính toán đều ứng nghiệm, lại than rằng: "Ta tính được ngày tháng năm hết mệnh, sắp đến rồi". Vợ của Đạt nhiều lần biết Đạt đoán đúng, nghe nói thế thì khóc lóc. Đạt muốn xoa dịu ý vợ, rồi lại đoán nữa, nói: "Nếu đoán sai lầm thì chưa đến lúc vậy". Sau quả đúng chết thật. Quyền nghe nói Đạt có sách thuật, xin nhưng chẳng được, lại gọi con gái của Đạt đến hỏi, mở quan quách cũng chẳng có, thuật ấy bèn mất.

 

Ngô lục chép: Hoàng Tượng tự Hưu Minh, người huyện Giang Đô quận Quảng Lăng. Thủa nhỏ tập viết chữ. Bấy giờ có Trương Tử Tinh, Trần Lương Phủ cũng giỏi viết chữ. Phụ viết chữ nhỏ, Tinh viết chữ to, Tượng bèn chọn viết sách kết hợp giữa hai cách viết chữ ấy, rất là tinh diệu, những người viết chữ giỏi của Trung Quốc chẳng ai theo kịp. Nghiêm Vũ tự Tử Khanh, là cháu họ của Vệ úy Tuấn, (8) chơi cờ vây chẳng ai sáng bằng. Tống Thọ giỏi đoán mơ, mười chẳng sai một. Tào Bất Hưng giỏi vẽ tranh, Quyền sai vẽ bức bình phong, vẽ sai, bèn lấy bút chấm một nét, nhân đó liền vẽ hình con ruồi. Dâng lên vua xem, Quyền cho là như con ruồi thật, cử tay mà bắt. Người huyện Cô Thành là Trịnh Ẩu giỏi xem tướng người, cùng với Phạm, Đôn, Đạt là tám người, người đời khen là thần diệu, gọi là 'bát tuyệt' (9) vậy. Tấn dương thu chép: Nước Ngô có Cát Hành, tự Tư Chân, hiểu rõ thiên văn, lại có tài khéo, làm ra máy 'hồn thiên', đặt quả đất trong đó, lấy máy mà làm cho chuyển động, trời chuyển thì đất dừng, ở trên ứng với quỹ đạo.


Bình rằng: Ba người đối với thuật số đều giỏi vậy, suy nghĩ thần kì thay! Nhưng bậc quân tử để lòng ở chỗ thần minh, nên hợp với nơi xa nơi lớn, cho nên gọi là kẻ sĩ hiểu biết thì phải bỏ cái thuật ấy mà tìm lấy việc của bậc quân tử vậy.

 

Tôn Thịnh nói: "Ôi, dựa vào thuật huyền hoặc chưa chắc đã đúng mà đoán xét việc mai sau, dẫu là Bì Táo-Tể Thận (10) còn sai sót nữa là, huống chi là cái thuật số thấp kém ấy? Sách sử nước Ngô chép rằng Đạt biết miền đông nam sẽ có khí của Đế vương cho nên nhanh chân vượt sông. Nhà Ngụy thay nhà Hán, nhận lệnh ở Trung Nguyên, vậy mà Đạt không xem biết trước cái mầm mống ấy mà lại trốn dạt đến miền Ngô-Việt. Lại không biết cái thấp kém của thuật số, cho nên bấy giờ bị đỗi đãi bạc bẽo, há lại hiểu rõ mệnh trời và biết xét điềm báo của bậc Đế vương sao? Ngày xưa vua hiền xem tượng của trời đất để vẽ nên hình của tám quẻ, cho nên liền lập thành cách bói cỏ thi, biến hóa hình tượng ở sáu hào, cho nên ba loại kinh Dịch dẫu khác nhưng ý nghĩa của quẻ vẫn là một, há có lập quẻ tính đếm để suy sâu xét xa, chú ý đoán bói mà biết được việc sắp xảy ra sao? Thói thường ưa lạ, nói bừa là thần kì. Như cái chẳng hai là cái mà Trọng Ni vứt bỏ. Cho nên quân tử chú ý ở điều hay, không chọn ở thuật ấy. Thần là Tùng Chi cho rằng: Tôn Thịnh nói: "Quân tử chú ý ở điều hay, không chọn ở thuật ấy". Đấy là có ý bàn xét người khác, không có ý mới vậy. Các lời chê khác thì đều không có lí. Vì sao? Từ lúc Trung Nguyên nhiễu loạn đến năm Kiến An, trong mấy chục năm, dân chúng chết cả, đến như có ít lúc yên ổn, cũng chỉ là một phần trăm thôi. Miền Giang Tả dẫu có binh đao nhưng không bằng cái khổ cực của Trung Quốc, đấy há chẳng phải Đạt tính đến việc an nguy, biết được họa nhiều ít, có lợi ở miền đông nam để giữ vẹn thân mình sao? Sao lại trách Đạt không biết nhà Ngụy sắp nổi lên, đi dạt vào miền Ngô-Việt! Như suy tính của Kinh Phòng, vẫn không tự thoát được tội chết, (11) huống chi Đạt dùng cái thuật ấy mà chỉ bị đỗi đãi bạc bẽo, trong thế hối tiếc mà thôi! Cái đạo thuật thời xưa, không chỉ có một, cái hay của xét đoán, há chỉ ở việc dùng sáu hào? Nếu hiểu được điều cốt yếu thì dễ mà biết được vậy. Lập quẻ tính đếm, sao gọi là gở? Cái suy đoán của Đạt, hiểu thấu cái kì diệu để biết được cái sâu xa, nào thẹn với người xưa! Vậy nên mượn Bì-Tể để chê Đạt, cho rằng Đạt là bậy bạ, thì chẳng phải là lời bàn đúng đắn vậy. Bão Phác Tử chép: Bấy giờ có người là Cát Tiên Công, hễ uống rượu say lại thường vào nằm giữa khe nước trước cửa nhà người ta, hết ngày mới ra. Từng theo Ngô chủ đi đến Liệt Châu, lúc về gặp gió lớn, thuyền của trăm quan phần nhiều bị chìm, thuyền của Tiên Công cũng chìm đắm. Ngô chủ rất lo sợ. Hôm sau sai người móc tìm thuyền của Tiên Công, lại lên chỗ cao để nhìn xem. Hồi lâu, thấy Tiên Công đi bộ trên mặt nước đến, nhưng dày áo không ướt, có vẻ uống rượu. Đã gặp mà nói rằng: "Hôm qua thần theo hầu thì Ngũ Tử Tư mời gặp, rồi uống rượu hơi nhiều, chểnh mảng không tỉnh, nên mới thế". Lại có người tên là Diêu Quang, biết thuật lửa, Ngô chủ tự đến thử hắn, chất mấy nghìn bó cỏ, sai Quang ngồi lên đó, lại lấy mấy nghìn bó cỏ trùm lên hắn, rồi thổi gió mà đốt. Cỏ cháy hết, cho rằng Quang tất đã hóa thành tro, nhưng Quang chui ra từ giữa tro, rũ áo mà đứng dậy, cầm một quyển sách. Ngô chủ cầm sách ấy mà xem, không hiểu được gì. Lại chép: Ngô Cảnh Đế có bệnh, tìm thầy mo xem, được một người. Cảnh Đế muốn thử người ấy, bèn giết một con ngỗng rồi chôn ở trong vườn, treo màn nhỏ, đặt giường ghế, sai đàn bà đi guốc mặc áo đi trên ấy, rồi sai thầy mo xem, báo rằng: "Nếu nói được hình dạng của hồn người đàn bà trong mộ ấy sẽ ban thưởng và tin theo ngay". Suốt ngày thâu đêm không nói, Cảnh Đế cố hỏi người ấy, bèn nói: "Thực là không thấy có hồn, chỉ thấy một con ngỗng trắng đứng ở trên mộ, thần không bẩm ngay là vì ngờ rằng quỷ thần biến hóa thành hình ấy, phải đợi nó biến thành hình thật mới định rõ. Nhưng nó lại không thay đổi, không biết vì sao cho nên không dám không đem sự thực để bẩm". Cảnh Đế bèn ban thưởng hậu hĩnh. Vậy thì con ngỗng chết rồi cũng có hồn vậy. Thần tiên truyện của Cát Hồng chép: Có người tiên là Giới Tượng, tự Nguyên Tắc, người quận Cối Kê, hiểu các phương thuật. Ngô chủ nghe tin, gọi Tượng đến Vũ Xương, rất kính trọng hắn, gọi là Giới Quân, giúp dựng nhà, cấp trướng ngự cho hắn, trước sau ban tặng đến nghìn vàng, theo Tượng học thuật che thân. Thử về hậu cung, lúc ra khỏi cửa điện, chẳng ai nhìn thấy. Lại sai Tượng bày phép biến hóa, trồng rau dưa hoa quả, đều mọc ra ăn được. Ngô chủ cùng luận rằng trong các loài cá thì loài nào đẹp nhất, Tượng nói: "Cá truy (12) là nhất". Ngô chủ nói: "Luận về loài cá gần đây thôi, loài ấy sống ở giữa biển, sao mà bắt được"? Tượng nói: "Bắt được vậy". Liền sai người đào một cái hố vuông ở giữa sân điện, múc nước đổ đầy vào, xin được câu, Tượng làm mồi câu, rủ dây câu ở trong hố. Chốc lát, quả nhiên câu được cá truy. Ngô chủ cả mừng, hỏi Tượng rằng: "Ăn được không"? Tượng nói: "Cố vì bệ hạ mà lấy nó làm món thịt sống, sao dám không làm được món ăn được"! Bèn sai thuộc hạ làm thịt cá. Ngô chủ nói: "Nghe tin sứ Thục đến, nếu đem củ khương (13) của đất Thục đến thì tốt quá, tiếc là bấy giờ không có nó". Tượng nói: "Củ khương của đất Thục há không dễ có, xin sai sứa giả đến để mua về". Ngô chủ sai một tả hữu, trao cho năm mươi xâu tiền. Tượng chép một lá bùa, bọc một cây gậy xanh ở trong, sai người đi phải nhắm cưỡi gậy, gậy dừng thì mùa củ khương, xong, lại nhắm mặt. Người ấy theo lời Tượng mà cưỡi gậy, chốc lát thì dừng, đã đến Thành Đô, không biết là chỗ nào, hỏi người, người ta nói là có bán ở trong chợ của đất Thục, bèn mua củ khương. Bấy giờ sứ Ngô là Trương Ôn đã đến đất Thục trước, rồi ở trong chợ biết nhau, rất kinh ngạc, rồi viết thư nhờ gửi về nhà mình. Người ấy mua củ khương xong, cầm thư vác củ khương, cưỡi gậy nhắm mắt, chốc lát là về đến nước Ngô, vừa lúc thuộc hạ làm món thịt xong. Thần là Tùng Chi cho rằng: Điều là Cát Hồng chép có vẻ mê hoặc mọi người, thư văn của người này có phần truyền ở đời, cho nên chọn lấy mấy việc, chép nó vào cuối truyện này. Cái thuật của thần tiên cũng xét đoán được.Theo suy đoán của thần, nếu cho là mê hoặc mọi người thì đấy gọi là 'sâu trùng mùa hạ không biết đến băng giá' (14) vậy.

 

Chú thích

(1) Thuật số: thuật bói toán dựa vào lí số, can-chi.

(2) Phong khí: thuật bói toán nhìn hướng gió thổi.

(3) Cử hữu đạo: cách tuyển chọn người tài ra làm quan thời xưa; hữu đạo là người có đạo đức theo khuôn phép của triều đình.

(4) Thái sử lệnh: còn gọi là Thái sử, chức quan trông coi việc xem thiên văn, tính toán lịch pháp và chép sử của triều đình.

(5) 'Bát tuấn': chỉ tám người tài cuối thời Đông Hán là Lí Ưng, Tuân Dục, Đỗ Mật, Vương Sướng, Lưu Hựu, Ngụy Lãng, Triệu Điển, Chu Ngụ.

(6) Thái phi: Chỉ Ngô phu nhân, vợ của Tôn Kiên và là mẹ của Tôn Sách, Tôn Quyền.

(7) Thuật cửu cung nhất toán: tên phép tính thời xưa, lập thành chín ô (cung) như ruộng hình chữ tỉnh, số 5 ở giữa, cặp số 6,8 ở hai ô dưới, cặp số 2,4 ở hai ô trên, tương tự sắp xếp theo quy luật là cặp số còn lại 3,7 và 1,9. Ở đây liên quan đến bói toán, chắc còn kết hợp với bát quái, can-chi ứng với từng số.

(8) Vệ úy Tuấn: chỉ Vệ úy Nghiêm Tuấn, tự Man Tài, người quận Bành Thành, xem ở Ngô thư - Nghiêm Tuấn truyện.

(9) 'Bát tuyệt': chỉ tám người tài hơn người của nước Ngô, như Ngô lục chép ở trên.

(10) Bì Táo-Tể Thận: Bì Táo là quan Đại phu của nước Trịnh, Tể Thận là quan Đại phu của nước Lỗ thời Xuân thu, đều là người có tài bói toán nổi tiếng.

(11) Như suy tính của Kinh Phòng, vẫn không tự thoát được tội chết: Kinh Phòng tự Quân Minh thời Tây Hán, giỏi bói Dịch, nhưng luận bàn khác với quan lại, cũng gây hiềm khích, cuối cùng bị giam ngục rồi bị xử chém ở chợ.

(12) Cá truy: còn gọi là cá đối, thường sống ở vùng ven biển nước lợ, thân tròn dài, vảy màu bạc.
(13) Củ khương: khương, là một tên gọi khác củ gừng, vị cay, dùng để nêm trong nấu ăn, ngày xưa từng trồng ở đất Thục.

(14) 'Sâu trùng mùa hạ không biết đến băng giá': sâu trùng ở mùa hạ không biết đến cái băng giá của mùa đông; ý chỉ những người hiểu biết nông cạn, như ếch ngồi đáy giếng, không biết cái rộng lớn bên ngoài.

 

 

 

 

 

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét