Bản đồ các thế lực ở Kinh Châu sau Xích Bích |
NGÔ
THƯ QUYỂN 17 - Thị Nghi Hồ Tống truyện
Thị
Nghi, Hồ Tống
THỊ
NGHI TRUYỆN
Thị Nghi tự Tử Vũ, người quận Bắc Hải huyện
Doanh Lăng. Nghi gốc họ Thị, ban đầu làm Huyện lại, sau ra làm quan ở quận,
tướng ở quận là Khổng Dung trào lộng Nghi, nói "chữ Thị" giống
"chữ Dân", là không có gì cao hơn nổi, nên đổi thành "chữ Thị”,
rồi đổi họ cho Nghi(1).
Từ Chúng bình rằng: Thời xưa đặt ra họ, hoặc lấy
nơi sinh trưởng, hoặc lấy quan hiệu, hoặc lấy tên của tổ tiên, đều có ý nghĩa
nhất định, để nêu rõ họ tộc. Cho nên nói đền đáp đất đai và ban đặt cho họ, đấy
là phép tắc của tiên vương, lý do là để sáng tỏ cội nguồn trọng cái thủa ban
đầu, biểu chương công đức, con cháu chẳng quên được. Nay chia văn tách chữ,
ngang ngược sinh ra kỵ huý, khiến cho Nghi phải đổi họ, quên gốc gác tổ tông,
chẳng là xằng bậy sao! Khiến cho người ta thay họ, theo người ta đổi dòng tộc,
là Dung đã có lỗi rồi, Nghi lại theo là không được vậy.
Về sau Nghi nương nhờ Lưu Do, tránh nạn ở Giang Đông. Dao thua quân, Nghi lại
dời về Cối Kê.
Tôn Quyền kế thừa nắm đại nghiệp, ưa văn chương của Nghi nên cho vời. Nghi đến
nhậm chức, được chuyên trách giữ việc cơ mật, bái làm Kỵ đô úy.
Lã Mông mưu đồ tập kích Quan Vũ, Quyền đem
chuyện hỏi Nghi, Nghi khen kế ấy, khuyên Quyền nghe theo. Nghi theo đi đánh Vũ,
được bái làm Trung nghĩa hiệu uý. Nghi bầy tỏ lời cảm tạ, Quyền xuống lệnh
rằng: "Cô dẫu chẳng phải là Triệu Giản, khanh sao chẳng tự khuất mình làm
Chu Xá được ru?(2)"
Sau khi định Kinh Châu, Quyền đóng đô ở Vũ
Xương, bái Nghi làm Bì tướng quân, sau phong tước Đô đình hầu, giữ chức Thị
trung. Quyền muốn lần nữa trao cho Nghi binh quyền, Nghi tự thấy mình không có
tài, cố từ không nhận. Năm Hoàng Vũ trung, Quyền phái Nghi đi huyện Hoàn tới
chỗ tướng quân Lưu Thiệu, muốn dùng mẹo dụ lừa Tào Hưu. Hưu đến nơi, quân Ngô
đại phá được, Nghi được thăng lên chức Thiên tướng quân, ở trong cửa khuyết thì
coi xét việc của Thượng thư, bên ngoài thì bình trị tất cả các quan lại, kiêm
quản việc tố tụng, lại lệnh cho Nghi dạy dỗ các công tử học hành sách vở.
Đại giá dời về Đông(3), Thái tử Đăng
ở lại trấn thủ Vũ Xương, Quyền sai Nghi giúp đỡ Thái tử. Thái tử kính trọng
Nghi, có việc thì hỏi Nghi trước, sau mới thi hành. Nghi được tấn phong tước Đô
hương hầu. Về sau Nghi theo Thái tử về Kiến Nghiệp, lại được bái làm Thị trung,
giữ việc chấp pháp, bình trị các quan lại, quản việc tố tụng như cũ. Điển hiệu
lang(4) là Lã Nhất vu khống cố Thái thú Giang Hạ là Điêu Gia
phỉ báng quốc chính, Quyền giận, bắt Gia hạ ngục, thẩm vấn cho rõ ràng. Bấy giờ
những người cùng ngồi hết thảy sợ hãi uý kỵ Nhất, đều nói là có nghe thấy việc
đó, riêng Nghi nói là không nghe thấy gì. Vì thế bị cật vấn khốn khổ mấy ngày,
chiếu chỉ chuyển xuống rất nghiêm khắc, quần thần vì việc đó mà khép nép. Nghi
đáp rằng: "Nay đao cưa đã ở cổ của thần, thần sao dám vì Gia mà giấu diếm,
đành tự chọn lấy cái chết, làm con quỷ bất trung! Song để biết rõ ràng phải có
gốc rễ ngọn ngành mới được." Nghi cứ sự thực đối đáp, lời lẽ chẳng hề dao
động. Quyền bèn tha cho Nghi, Gia cũng được thoát.
Từ Chúng bình rằng: Thị Nghi là lữ khách ở miền
khác đến, làm quan khách ở triều Ngô, gặp lời gièm pha trơ trẽn, mà uy thế
nghiêm trang quả cảm, đúng mực, ở thời khác tính mệnh treo lơ lửng, nguy cơ tai
vạ ở trước mắt, không nói theo kẻ khác để hại người, chẳng cẩu thả tránh hoạ để
tổn thương đạo nghĩa, có thể nói là kẻ sĩ trung dũng công chính(5),
dẫu Kỳ Hề cứu Thúc Hướng(6), Khánh Kỵ giúp Chu Vân(7),
sao đã hơn được? Trung là không siểm nịnh vua, dũng là chẳng run sợ oai thế,
công là không nghĩ cho riêng mình, chính là chẳng theo tà đảng, nhờ có bốn đức
tính ấy, lại thêm văn tài sáng suốt, đầy đủ vẻ nhún nhường, hành vi hoà thuận,
gánh vác công việc giúp nhị cung, giữ được thanh danh và sự ưu ái, chẳng cũng
nên sao!
Thục tướng Gia Cát Lượng chết, Quyền rủ lòng với
Tây châu(8), sai Nghi đi sứ Thục bầy tỏ tình đồng minh hữu hảo bền
vững. Nghi vâng mệnh đi sứ xưng ý chỉ, sau được bái làm Thượng thư bộc xạ.
Hai cung Nam, Lỗ mới lập(9), Nghi lấy
chức phận trước đây giúp đỡ Lỗ Vương. Nghi hiềm rằng hai cung được đối xử gần
ngang nhau, bèn dâng sớ rằng: "Thần thiết nghĩ Lỗ vương đức trời sinh trội
hơn các bậc thường, kiêm tài văn võ, nay đang là lúc thích hợp, nên trấn áp bốn
phương, làm phên dậu che chở cho quốc gia. Tuyên dương mỹ đức, làm rạng rỡ uy
linh, ấy là quy hoạch tốt đẹp của quốc gia, bốn cõi đều trông ngóng. Chỉ vì
ngôn từ của thần hạn hẹp, chẳng thể bày tỏ được hết ý mình. Ngu thần cho là hai
cung nên có hơn kém, phải có thứ tự trên dưới, để sáng tỏ cái gốc rễ của giáo
hoá." Thư dâng lên ba bốn lần. Nghi giúp việc tận trung, liên tục đưa lời
can gián; làm việc trên cả mức chuyên cần, cung kính giúp đỡ người(10).
Nghi chẳng vun vén sản nghiệp, không nhận ân huệ
bố thí, phòng ốc nhà cửa tiền của chỉ đủ dùng. Láng giềng có người xây nhà lớn,
Quyền ra ngoài trông thấy, hỏi rằng ai xây dựng ngôi nhà lớn đó, tả hữu thưa
rằng: "Hình như là nhà của Thị Nghi." Quyền nói: "Nghi là người
cần kiệm, tất không phải vậy." Hỏi ra quả nhiên là nhà khác. Nghi được
hiểu và tin tưởng đến như thế.
Nghi chẳng mặc áo trơn, ăn uống chẳng phải cỗ bàn, cứu giúp cho người nghèo hèn
khốn khổ, trong nhà không tích trữ gia súc. Quyền nghe chuyện, đến tận nhà
Nghi, xin một bữa cơm rau, tự mình nếm thử, rồi hướng vào Nghi mà than thở, lập
tức tăng bổng lộc thêm cho Nghi, lại cho thêm ruộng vườn. Nghi mấy lần nhún
nhường từ chối, cho rằng ân huệ là mối lo.
Nghi luôn luôn tiến cử cho người, chưa từng nói
đến sở đoản của người khác. Quyền thường trách Nghi vì đã không nói gì về việc
ấy, là không biết phải trái, Nghi đáp rằng: "Thánh chủ ở trên, thần ở dưới
giữ chức phận, sợ là còn chưa xứng, thật không dám nói những lời ngu dốt hẹp
hòi, mạo phạm đến tai thánh thượng."
Nghi thờ phụng quốc gia mấy chục năm, chưa từng
có lỗi lầm. Lã Nhất mấy lần tấu bẩm về các văn võ đại thần, có người bị hỏi tội
đến bốn lần, riêng Nghi không bao giờ bị bẩm bạch. Quyền than rằng: "Nếu
người người đều tận tâm như Thị Nghi, sao phải dùng luật pháp làm gì?"
Lúc Nghi ốm nặng, di mệnh là dùng áo quan mộc(11),
tẩm liệm dùng thường phục, cốt sao cho giản tiện, năm tám mươi mốt tuổi thì
Nghi chết.
Chú
thích:
(1) Chỗ này nghe chừng rắc rối, nguyên gốc họ của
Nghi là Thị (nghĩa là chi nhánh, ngành họ, vốn thuộc bộ Thị), viết gần giống chữ
Dân (nghĩa là người dân, cũng thuộc bộ Thị), Khổng Dung đổi họ cho Nghi thành
Thị (nghĩa là phải, chữ này thuộc bộ nhật, viết khác hẳn, song đọc vẫn giống
như thế.)
(2) Đây là một điển tích hay. Triệu Giản Tử là
đại thần nước Tấn, nổi tiếng thanh cao, uyên bác, có rất nhiều người theo ông.
Chu Xá đến gặp, xin làm công việc rất lạ là ở bên cạnh ông để ghi chép các việc
ông làm, nhưng là các việc sai sót, Triệu Giản Tử đồng ý. Sau một tháng, Chu Xá
trình những việc ghi chép lên, Triệu Giản Tử nổi giận, nhưng nghĩ lại thấy cũng
đúng, ông theo đó sửa mình, khắc phục được những cố tật, nên rất trọng Chu Xá.
Sau khi Chu Xá mất, ông rất buồn. Một lần ông tổ chức tiệc rượu, mọi người xúm
lại ca ngợi ông, ông buồn rầu nói: "Ngàn người vâng dạ, không bằng lời của
một kẻ sĩ chân chính."
(3) Tôn Quyền dời đô về Kiến Nghiệp ở phía
Đông.
(4) Là chức quan chuyên thẩm tra văn thư của
các quan lang. Đây là chức quan của riêng Đông Ngô vào thời Tam Quốc, tuy nhiên
ngay trong Tam Quốc Chí, Trần Thọ cũng có bất đồng trong cách gọi chức danh này,
ở Tôn Quyền truyện có câu: "Sơ, quyền tín nhậm giáo sự Lã Nhất", chưa
rõ là thế nào?
(5) Trung tín, dũng cảm, công minh, chính trực.
(6) Thúc Hướng tức Dương Thiệt Bật, con của
Dương Thiệt Chức, là người tài ở nước Tấn thời Xuân Thu, em Dương Thiệt Bật là
Dương Thiệt Hồ, thuộc phe đảng của Loan Doanh. Tấn Bình Công đuổi Loan Doanh,
lùng bắt phe đảng, Dương Thiệt Hổ làm loạn, bị bắt, cả họ mắc tội. Kỳ Hề bấy giờ
đã cáo lão về nghỉ hưu, nghe Dương Thiệt Bật sắp bị hại, liền chống gậy từ nhà
đến kinh đô cứu giúp, Dương Thiệt Bật được thoát.
(7) Chu Vân là quan dưới thời Hán Thành Đế, có
lần tấu rằng: "Nay đại thần, trên không phò chúa, dưới không giúp dân. Nếu
được ban bảo kiếm, thần nguyện sẽ chém một kẻ nịnh thần để răn chúng". Vua
hỏi chém ai? Vân tâu: "An Xương hầu Trương Vũ". Vua giận nói:
"Tiểu thần phạm thượng, không thể tha được". Sai lính bắt Vân, Vân
trèo lên xà ngang cung điện, xà gẫy. Vân kêu: "Thần mong được xé gan như Tỉ
Can khi xưa là mãn nguyện, không biết Thánh Triều rồi sẽ ra sao?" Tả Tướng
quân Khánh Kỵ bỏ mũ, rập đầu kêu xin cho Vân, vua tha. Sau các quan đề nghị
thay cây xà gẫy, vua phán đừng thay, hãy sửa lại, để ghi nhớ hành động quyết liệt
của kẻ trung thần. Chuyện này sau thành điển tích 'Xé gan bẻ cột.'
(8) Chỉ Tây Thục.
(9) Bấy giờ là niên hiệu Xích Ô, năm thứ năm
(242 Tây lịch), Tôn Quyền lập Thái tử là Tôn Hoà và Lỗ vương là Tôn Bá.
(10) Bấy giờ Tôn Quyền ưu ái Lỗ vương Tôn Bá,
nên đối xử với Bá cũng như Thái tử, Thị Nghi dù lúc ấy đang giúp Lỗ Vương,
nhưng thấy đó là việc không thoả đáng, nên dâng sớ nhắc Quyền là nên đưa Tôn Bá
đi xa để làm phên dậu cho quốc gia, và nói rõ là ngôi vị phải có hơn kém, có
trên dưới, lại tận trung với Lỗ vương, đưa lời can gián. Thị Nghi thực là trung
thần.
(11) Áo quan gỗ thường, không điêu khắc chạm trổ,
tô vẽ hoa văn, như người bình thường.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét