Quán trà ở Tô Châu |
NGÔ THƯ QUYỂN 11- CHU TRỊ CHU NHIÊN LÃ PHẠM CHU HOÀN TRUYỆN
Chu Trị, Chu Nhiên, Lã Phạm, Chu Hoàn.
LÃ PHẠM TRUYỆN
Lã Phạm tự Tử Hành,
người quận Nhữ Nam huyện Tế Dương. Thời trẻ làm huyện lại, có dáng dấp, nghi
dung đẹp đẽ. Người họ Lưu trong ấp, gia đình giàu có lại có người con gái rất đẹp,
Phạm đến cầu thân. Mẹ người con gái không thích, muốn cấm giao du, Lưu thị nói:
“Con xem Lữ Tử Hành há lại chịu nghèo hèn mãi sao?” Bèn hứa hôn. Về sau Phạm
tránh loạn ở Thọ Xuân, Tôn Sách gặp được lấy làm lạ, Phạm bèn tự uốn mình thân
gần, đem trăm người khách riêng của mình quy phục Sách. Bấy giờ Thái phi(13) ở
Giang Đô, Sách phái Phạm đến nghênh đón. Từ châu mục Đào Khiêm bảo Phạm là Viên
thị đang dò xét, khuyên quan huyện bắt lấy Phạm để tra khảo, Phạm chọn những
thân cận trẻ khoẻ cướp phu nhân đưa về. Bấy giờ chỉ có Phạm và Tôn Hà thường đi
theo Sách, lặn lội đắng cay khổ ải, nguy nan chẳng nề hà, Sách cũng đãi Phạm
như người thân thích.
Sau Phạm theo Sách đi công phá Lư Giang, cùng về đông qua sông, đến Hoành Giang, Đương Lợi, đánh tan Trương Anh, Vu Mi, hạ Tiểu Đan Dương, Hồ Thục, Phạm được lĩnh chức Hồ Thục tướng. Sách bình định Mạt Lăng, Khúc A, bắt Trích Dung, Lưu Do và bộ hạ của chúng, lại tăng thêm cho Phạm hai nghìn binh, năm mươi quân kỵ. Sau Phạm lĩnh chức Uyển Lăng lệnh, đánh dẹp phá giặc cướp ở Đan Dương, khi về Ngô, được thăng làm Đô đốc.
Giang Biểu truyện
chép: Sách thong dong một mình cùng với Phạm đánh cờ, Phạm nói: “Nay tướng quân
sự nghiệp ngày một lớn, quân sĩ ngày càng đông, Phạm ở nơi xa, nghe nói cương kỷ
còn có chỗ chưa nghiêm chỉnh, Phạm tình nguyện tạm lĩnh chức Đô đốc, gánh giúp
một bộ phận quân đội cho tướng quân.” Sách nói: “Tử Hành, khanh đã là sĩ đại
phu, hơn nữa thủ hạ cũng có đại quân, lập công ở bên ngoài, há nên khuất thân
nhận một chức vụ nhỏ, khanh có biết những việc ở nhỏ mọn ở trong quân chăng?”
Phạm nói: “Không đúng. Nay tôi bỏ cố hương mà thác thân theo tướng quân, không
vì vợ con, là muốn chuyên chú vào việc giúp đời. Cũng như cùng thuyền lội bể, mọi
việc chẳng phải lo lắng, tức là cùng cam chịu thất bại. Ấy cũng là toan tính của
Phạm này, chẳng phải chỉ vì tướng quân vậy.” Sách cười, không đáp. Phạm ra
ngoài, đổi áo ngắn, mặc khố kép, cầm roi, đến cửa nách phía dưới bầy giải công
việc, tự xưng là đã lĩnh chức Đô đốc, Sách bèn trao cho quyền bính, uỷ thác cho
việc quân. Bởi thế hiệu lệnh trong quân nghiêm chỉnh, pháp lệnh được thi hành rộng
rãi.
Bấy giờ người ở Hạ Bi
là Trần Vũ tự xưng là Thái thú Ngô quận, trú ở Hải Tây, cùng với cường tộc(14)
là Nghiêm Bạch Hổ thông đồng. Sách thân đến đánh dẹp Hổ, biệt phái Phạm cùng Từ
Dật đánh Vũ ở Hải Tây, đánh thắng, chém bêu đầu đại tướng của Vũ là Trần Mục.
Cửu Châu Xuân Thu
chép: Năm Sơ Bình tam niên, Thứ sử Dương Châu là Trần Y(15) chết, Viên Thuật
sai Vũ lĩnh chức Dương Châu mục. Sau Thuật bị Tào công đánh bại ở Phong Khâu,
xuôi nam định phản Vũ, Vũ cự Thuật.
Thuật chạy trốn tới
Âm Lăng, xong đưa thư trách Vũ, Vũ không hiểu quyền nghi, lại khiếp nhược,
không lập tức đánh Thuật. Thuật ở Hoài Bắc tụ tập binh lính hướng đến Thọ Xuân.
Vũ sợ, sai em mình là Công Diễm tới xin hoà với Thuật. Thuật bắt Diễm rồi tiến
lên, Vũ chạy trốn về Hạ Bi.
Phạm lại theo đi đánh
Tổ Lang ở Lăng Dương, Thái Sử Từ ở Dũng Lý. Bảy huyện bình định, Phạm được bái
làm Chinh lỗ Trung lang tướng, đi chinh chiến ở Giang Hạ, rồi về bình định Bà
Dương.
Sách chết, Phạm đưa về
táng ở Ngô quận. Sau Quyền lại đi đánh Giang Hạ, Phạm cùng với Trương Chiêu ở lại
giữ Ngô quận.
Tào công đến Xích
Bích, Phạm giúp bọn Chu Du cùng chống cự phá được, Phạm được bái là Bì tướng
quân, lĩnh chức Thái thú Bành Trạch, lấy Bành Trạch, Sài Tang, Lịch Dương làm
phụng ấp(16). Lưu Bị đến kinh đô gặp Quyền,
Phạm bí mật xin giữ Bị lại. Sau Phạm được thăng làm Bình nam tướng quân, đóng
trại ở Sài Tang.
Quyền đánh Quan Vũ,
đi qua công quán của Phạm, bảo rằng: “Xưa kia ta sớm theo lời khanh, thì không
phải nhọc nhắn thế này. Nay ta đang ngược dòng bắt hắn, khanh hãy vì ta mà giữ
Kiến Nghiệp.” Quyền phá Vũ trở về, bái Phạm làm Kiến uy tướng quân, phong tước
Uyển Lăng hầu, lĩnh chức Thái thú Đan Dương, trị sở ở Kiến Nghiệp, đốc trách từ
Phù Châu ra đến biển, chuyển lấy Lật Dương, Hoài An, Ninh Quốc làm phụng ấp.
Bọn Tào Hưu, Trương
Liêu, Tang Bá đến đánh, Phạm đốc suất bọn Từ Thịnh, Toàn Tông, Tôn Thiều, đem
thuyền binh chống cự bọn Hưu ở Đỗng Khẩu. Phạm được thăng làm Tiền tướng quân,
ban cho Giả tiết, đổi phong làm Nam Xương hầu. Lúc ấy bất ngờ gặp gió lớn, thuyền
nhân bị lật chìm, chết mấy nghìn người, quân kéo về, Phạm được bái làm Dương
châu mục.
Phạm tính thích uy vũ
và nghi thức, người trong châu như Lục Tốn, Toàn Tông cùng là công tử quý tộc,
đối với Phạm đều sửa mình cung kính trang nghiêm, chẳng dám khinh mạn. Phục sức
của Phạm ở xứ mình thì xa hoa mĩ miều, nhưng lại chuyên cần việc tuân theo phép
nước, cho nên Quyền vui mừng với cái trung của Phạm, chẳng quái lạ về việc xa xỉ
của Phạm.
Giang Biểu truyện
chép: Có người bẩm rằng Phạm cùng với Hạ Tề dùng lụa đẹp xa xỉ, phục sức bắt
chước như bậc vương giả, Quyền nói: “Xưa kia Quản Trọng vượt cả lễ giáo, Hoàn
Công vẫn bao dung cho, không tổn hại tới ngôi bá, Nay Tử Hành, Công Miêu, bản
thân không có cái lỗi của Di Ngô, chỉ là khí giới của họ tinh xảo, xe thuyền
nghiêm chỉnh mà thôi, thế là vừa đủ cho nghi dung của quân đội, có tổn hại gì đến
việc trị quân nhỉ?” Người mách bảo bèn không dám nói lại nữa.
Khi trước Sách sai Phạm
giữ chức Chủ tài kế(17), Quyền bấy giờ ít tuổi, tới xin tiền để dùng riêng, Phạm
quả là vị quan thanh bạch, không dám tự tiện đồng ý, vì thế được người đương thời
ngưỡng vọng. Quyền giữ chức trưởng huyện Dương Tiễn, có lấy ở đó ít của riêng,
Sách ngờ hoặc cho tra xét, viên Công tào là Chu Cốc liền giúp Quyền sửa sổ sách
giấy tờ, khiến Sách không hỏi han trách móc gì. Quyền ngay lúc bấy giờ rất hài
lòng về Cốc, đến sau này khi thống quản công việc, vì Phạm trung thành, được hậu
đãi tín nhiệm, còn Cốc có thể dối lừa sửa đổi sổ sách giấy tờ, không được dùng
vậy.
Năm Hoàng Vũ thất
niên, Phạm được thăng làm Đại tư mã, ấn thụ chưa ban xuống, Phạm đã bị bệnh chết.
Quyền mặc áo trắng cử ai, phái sứ giả truy tặng ấn thụ. Lúc trở về kinh đô Kiến
Nghiệp, Quyền đi qua mộ Phạm gọi to rằng: “Tử Hành!” Gọi xong rơi nước mắt, rồi
tự mình làm cỗ thái lao để tế.
Giang Biểu truyện
chép: Khi trước, Quyền dời đô về Kiến Nghiệp, đại hội tướng văn tướng võ, bấy
giờ bảo Nghiêm Tuấn rằng: “Cô trước đây khen Lỗ Tử Kính sánh được với Đặng Vũ,
Lã Tử Hành so được với Ngô Hán(18), khanh là một trong những người không đồng ý
với lời ấy, hôm nay định nói gì đây?” Tuấn lui về chỗ ngồi nói: “Thần chưa hiểu
rõ đại ý, nhưng Túc, Phạm nhận được nhiều lời tán dương như thế, tiếng khen là
quá với sự thực vậy.” Quyền nói: “Xưa kia giữa lúc Đặng mới gặp được Quang Vũ, Quang
Vũ bấy giờ vâng mệnh Canh Thuỷ(19) đi sứ, phủ dụ Hà Bắc, tạm giữ công việc của
Đại tư mã thôi, chưa có cái chí của bậc đế vương vậy. Vũ khuyên Quang Vũ đế
khôi phục lại nghiệp Hán, thế là Vũ là người đầu tiên bàn định là đầu mối việc
khai quốc vậy. Tử Kính là người anh vũ hào sảng có mưu lược khác thường, Cô mới
cùng nói mọi chuyện, nhân tiện đề cập đến đại kế, so với Vũ cũng tương tự, cho
nên Cô mới so sánh vậy. Lã Tử Hành dốc lòng trung sáng suốt thẳng thắn, bản
tính dẫu ưa xa xỉ, nhưng trước tiên là vì lo lắng đến việc công, chẳng đủ để tổn
hại, lìa Viên Thuật tự theo về với anh Cô, anh Cô nhấc lên làm đại tướng, riêng
lĩnh bộ khúc, bởi lo lắng cho công việc của anh Cô, mới xin làm Đô đốc, làm việc
sửa sang chỉnh đốn quân đội, hơn nữa lại kính cẩn siêng năng, so với Ngô Hán
cũng tương tự, cho nên Cô mới so sánh với ông ta. Đều là có căn cứ cả, chẳng phải
là ý của riêng cô vậy.” Tuấn mới phục.
Con trưởng của Phạm
chết sớm, con thứ là Cứ nối tự. Cứ tự Thế Nghị, nhờ cha được nhận chức Lang,
sau Phạm ốm nặng, Cứ được bái làm Phó quân Hiệu uý, giúp cai quản việc quân. Phạm
chết, Cứ được thăng làm An quân Trung lang tướng. Mấy lần đi đánh dẹp sơn tặc,
những nơi thâm ác kịch địa(20), đánh ở đâu cũng đều phá được. Cứ theo Thái thường
Phan Tuấn đi đánh dẹp Ngũ Khê, lại lập công. Chu Nhiên tấn công Phàn thành, Cứ
cùng Chu Dị đánh phá các thành ngoại vi, khi về được bái làm Thiên tướng quân,
vào triều được bái làm Mã Nhàn hữu bộ đốc, rồi thăng làm Việt kỵ Hiệu uý. Năm
Thái Nguyên nguyên niên, có gió lớn, nước sông Giang tràn mênh mông, ngấm đọng ở
cửa thành, Quyền sai người xem kỹ thế nước, chỉ thấy mình Cứ sai người dùng
thuyền lớn để phòng hại. Quyền khen ngợi, bái Cứ làm Đãng Nguỵ tướng quân. Quyền
ốm nặng, lấy Cứ làm Thái tử Hữu bộ đốc. Thái tử lên tức vị, bái Cứ làm Hữu tướng
quân. Nước Nguỵ xuất binh ra Đông Hưng, Cứ đến đánh dẹp có công. Năm sau, Tôn
Tuấn giết Gia Cát Khác, thăng Cứ làm Phiêu kỵ tướng quân, coi việc ở cung Bình
Tây. Năm Ngũ Phượng nhị niên, được ban Giả tiết, cùng với bọn Tuấn tập kích Thọ
Xuân, khi quay về bất ngờ gặp tướng nước Nguỵ là Tào Trân, phá Trân ở Cao Đình.
Năm Thái Bình nguyên niên, Cứ thống suất binh sư xâm lấn nước Nguỵ, chưa đến
sông Hoài, nghe tin Tôn Tuấn chết, em họ là Lâm tự lên thay, Cứ cả giận, dẫn
quân về, muốn phế Lâm. Lâm nghe được tin ấy, sai quan Trung thư vâng chiếu chỉ,
chiếu lệnh sai bọn Văn Khâm, Lưu Toản, Đường Tư bắt lấy Cứ, lại phái anh họ là
Lự đem Đô hạ binh(21) đón đánh Cứ ở Giang Đô. Tả hữu khuyên Cứ hàng Nguỵ, Cứ
nói: “Ta hổ thẹn vì kẻ phản thần.” Bèn tự sát. Bị tru di tam tộc.
CHÚ THÍCH
(13) Tức mẹ của Tôn
Sách.
(14) Cường tộc là cường
hào địa phương, có lực lượng quân binh trong họ tộc rất mạnh, tụ tập nhau lại
đóng trại tự giữ.
(15) Có sách dịch là
Trần Ôn.
(16) Ấp được thu thuế,
ăn lộc.
(17) Tức là chủ quản
về tài chính, nắm giữ tiền bạc trong quân.
(18) Đặng Vũ là công
thần của Hán Quang Vũ đế Lưu Tú, giữ chức Tư Mã, sau này Ngô Hán lên thay Đặng
Vũ giữ chức ấy.
(19) Canh Thuỷ đế Lưu
Huyền do Quang Vũ lập nên, để giương cờ khởi nghĩa đánh lại Vương Mãng, người
cướp ngôi Hán.
(20) Những khu vực đất
đai cực kỳ hiểm trở.
(21) Không rõ những
binh này là thế nào? Là tên một doanh quân của Đông Ngô chăng?
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét