Tôn Quyền đón nhận cơ nghiệp Giang Đông
(Bản in Tam quốc diễn nghĩa năm 1591)
NGÔ
THƯ QUYỂN 12 - Ngu Lục Trương Lạc Lục Ngô Chu truyện
Ngu
Phiên, Lục Tích, Trương Ôn, Lạc Thống, Lục Mạo, Ngô Xán, Chu Cứ
TRUYỆN
LỤC MẠO
Lục Mạo tự Tử Chương, là em của Thừa tướng Tốn vậy. Thủa trẻ ham học lại ưa việc nghĩa. Người nước Trần là Trần Dung, người quận Trần Lưu là Bộc Dương Dật, người nước Bái là Tưởng Toản, người quận Quảng Lăng là Viên Địch đều nghèo hèn mà có chí, đến chỗ Mạo giao du,
Cháu của Địch là Diệp, tự Tư Quang, soạn
sách Hiến Đế xuân thu, chép là Địch cùng với bọn Trương Hoành vượt sông,
cha của Trụ là Tuy, làm Thái phó duyện; vào lúc Trương Siêu đi đánh Đổng Trác,
lấy Tuy coi việc ở quận Quảng Lăng.
Mạo chia ngọt xẻ bùi, cùng nhau giao kết. Vào
lúc người cùng quận là Từ Nguyên chuyển đến ở quận Cối Kê, vốn không biết nhau,
nhưng sắp chết gửi thư xin gửi gắm con nhỏ, Mạo vì người ấy mà đắp dựng phần
mộ, nhận nuôi dạy con của người ấy. Lại nữa chú ruột là Tích chết sớm, để lại
hai con trai một con gái đều mới vài tuổi, liền đem về nuôi dưỡng, đến lớn mới
thôi. Châu quận cử gọi, đều không đến.
Bấy giờ Thượng thư Kị Diễm soi xét tốt xấu, xử
đoán tam thự, (1) nêu kể cái ám mội để bày rõ cái lỗi sai của họ. Mạo gửi thư
rằng: "Thánh nhân yêu thiện ghét ác, quên tội ghi công để lập giáo hóa tốt
đẹp. Nay nghiệp vương mới dựng, sắp thống nhất chính thống, đây là buổi Hán Cao
Tổ bỏ lỗi chọn dùng vậy. Như việc khiến cho thiện ác khác biệt, quý lời bình
nguyệt đán của người miền Nhữ-Dĩnh, (2) thực là có thể khuyến khích phong tục,
nhưng sợ rằng chưa dễ làm vậy. Chỉ nên xa thì bắt chước tấm lòng rộng lượng của
Trọng Ni, giữa thì học theo việc giúp đỡ của Quách Thái, (3) gần thì tăng thêm
đạo lớn thôi". Diễm không làm theo được, rút cuộc thất bại.
Năm Gia Hòa thứ nhất, xe công mời Mạo, bái làm Nghị lang, Tuyển tào thượng thư.
Tôn Quyền giận cái tính xảo trá phản phúc của Công Tôn Uyên, muốn tự đánh hắn,
Mạo dâng sớ can rằng: "Thần nghe nói vua hiền ngăn giữ người rợ phương xa
chỉ lỏng lẻo mà thôi, không thường giữ được, cho nên người xưa chia đất, gọi
đấy là miền hoang phục, ý nói là miền xa xôi vô thường, không giữ được vậy.
Ngày nay Uyên là rợ Đông Di nhỏ nhoi, lánh tại bờ biển, dẫu mang mặt người
nhưng không khác với cầm thú. Nhà nước không thích hàng hóa của hắn mà đi xa
tặng cho hắn, đấy không phải là khen đức nghĩa của hắn vậy, chỉ là muốn khuyên
răn cái tính phóng túng để thu lấy ngựa của hắn mà thôi. Uyên là kẻ kiêu căng, cậy
ở xa mà chống lệnh, đấy là thói thường của rợ Mạch ở nơi xa lánh, há đáng xem
là lạ? Ngày xưa nhà Hán cũng từng chú ý theo đuổi người rợ ngoài nước, sai sứ
giả đem hàng hóa đi tặng cho người miền Tây Vực, họ dẫu có lúc theo phục nhưng
sứ giả lại bị họ làm hại, hàng hóa cũng bị cướp mất, không kể hết được. Nay bệ
hạ không nhịn cái giận đùng đùng, muốn vượt biển lớn mà tự giẫm lên đất ấy, bọn
thần bàn nghị cho là không yên. Vì sao? Giặc bắc liền tiếp bờ cõi với nước ta,
nếu có kẽ hở thì thừa cơ mà đến vậy. Vả lại vượt biển tìm ngựa vốn do từ ý của
Uyên, đấy chỉ là tìm cái thuốc chữa trước mắt để trừ cái bệnh ở tim bụng, lại
là vứt gốc mà tìm ngọn, bỏ gần mà theo xa. Nổi giận mà đổi phép tắc, nóng nảy
mà phát quân, đấy là ý mốn của con hổ dữ, không phải là kế hay của nước Đại Ngô
vậy. Theo phép tắc của nhà binh, đem quân đánh nhau, lấy nhàn đợi mỏi, trong
lúc được mất, lại càng phải biết điều này. Vả lại bến Đạp cách chỗ Uyên đường
đi còn xa; nay đến bờ ấy, thế quân phải chia ba, sai quân khỏe đi đánh, thứ nữa
phải giữ thuyền, lại còn chuyển lương, người đi dẫu nhiều nhưng khó mà dùng hết
được; lại nữa phải đi bộ mà chở lương, đường xa vào sâu, đất giặc lại nhiều
ngựa, gập ghềnh vô thường; nếu Uyên xảo trá, chưa dứt qua lại với giặc bắc thì
vào ngày ta phát quân tất răng môi giúp nhau. Còn nếu hắn thực không có chỗ dựa
cậy thì tất sợ hãi mà trốn xa, lúc ấy cũng khó mà diệt được. Nếu quân ta ngưng
trệ ở bãi bắc thì bọn giặc trong núi lại thừa cơ mà nổi lên, sợ rằng đấy không
phải là kế hay vẹn toàn vậy". Quyền không nghe.
Mạo lại dâng sớ rằng: "Binh đao là thứ để
đánh dẹp bạo loạn, uy hiếp người rợ ở bốn phương vậy. Nhưng trận này ở thời kẻ
gian hùng đã bị trừ, thiên hạ không có việc gì, chỉ nên ung dung trở trên triều
đình mà nghe lời bàn nghị mà thôi. Đến như thời Trung Quốc rối loạn, chín cõi
tranh giành vẫn phải chờ đợi rễ sâu gốc bền, giữ sức tiếc của, chăm chỉ nuôi
dưỡng để đợi kẽ hở của nước địch; nếu chưa đúng vào thời cơ mà bỏ gần đánh xa,
đấy là tự phá vỡ quân mình vậy. Ngày xưa Úy Đà phản nghịch, tiếm hiệu xưng Đế,
bấy giờ thiên hạ yên ổn, trăm họ no đủ, áo giáp xếp rộng, lương thực chứa đầy,
có thể nói là nhiều, nhưng Hán Văn Đế vẫn cho là đánh phương xa không dễ, chỉ
nêu oai giễu quân để khuyên dụ mà thôi. Nay kẻ hung nghịch chưa diệt, bờ cõi
vẫn có hấn, dẫu có loạn của Xi Vưu-Quỷ Phương thì vẫn nên vỗ về chúng, chớ nên
xem việc đánh Uyên là việc đầu. Mong bệ hạ nhịn oai mà dùng kế, tạm dừng sáu
quân, bỏ giận mà theo phép để mưu tính về sau, vậy thì thiên hạ may lắm".
Quyền lại xem thư của Mạo, khen lời lẽ thẳng thắn, bèn không đi.
Trước đây, người cùng quận của Mạo thường có
danh tiếng được phong tước thì tặng cấp cho họ hàng, riêng Mạo cho là không
đúng, sau đó quả như lời ấy.
Năm Xích Ô thứ hai, Mạo chết. Con là Hỉ cũng học
sách vở, có đức hạnh tốt; vào thời Tôn Hạo làm Tuyển tào thượng thư.
Ngô lục chép: Hỉ tự Văn Trọng, là con thứ
hai của Mạo; vào thời Tấn làm Tán kị thường thị. Cháu của Mạo là Diệp, tự Sĩ
Quang, làm đến Xa kị tướng quân, Nghi đồng tam ti. Em của Diệp là Ngoạn, tự Sĩ
Dao. Tấn Dương thu chép: Ngoạn khí độ nhã nhặn, làm đến Tư không, truy tặng
chức Thái úy.
Chú
thích
(1) Tam thự: chỉ ba dinh Ngũ quan, Tả, Hữu, mỗi
dinh đều đặt quan Trung lang tướng để trông coi. Châu quận cử hiếu liêm để chọn
người vào làm việc ở ba dinh ấy, người năm mươi tuổi trở lên thì cho vào dinh
Ngũ quan, dưới thì cho vào hai dinh Tả, Hữu.
(2) Lời bình nguyệt đán: cuối thời Hán, có danh
sĩ Hứa Thiệu tự Tử Tương, người quận Nhữ Nam, mỗi khi đến đầu tháng (nguyệt
đán) thì lại cùng người trong ấp là Lí Tĩnh bàn luận về đức hạnh của người
khác, cho nên người miền Nhữ-Dĩnh (hai quận Nhữ Nam-Dĩnh Xuyên) gọi là lời bình
nguyệt đán.
(3) Việc giúp đỡ của Quách Thái: cuối thời Hán
có danh sĩ là Quách Thái tự Lâm Tông, người quận Thái Nguyên, học rộng sách vở,
có phẩm hạnh, giỏi bàn luận, quan phủ mời gọi nhưng không đến, đóng cửa dạy
học, có đến nghìn học trò.
TRUYỆN
CHU CỨ
Chu Cứ tự Tử Cứ, người huyện Ngô quận Ngô. Có
dáng vẻ khỏe mạnh, lại biết luận nghị. Đầu năm Hoàng Sơ, gọi đến bái làm Ngũ
quan lang trung, lĩnh chức Thị ngự sử. Bấy giờ Tuyển tào thượng thư Kị Diễm
ghét kẻ làm quan mà tham ô, muốn bãi bỏ chúng; Cứ cho là thiên hạ chưa định,
nên lấy công chuộc tội, xóa lỗi chọn dùng, (1) cử người trong sạch, khơi trong
gạn đục, đủ để khuyên răn, nếu một chốc phế bỏ thì sợ có lỗi về sau. Diễm không
nghe, rút cuộc bại.
Quyền tiếc nuối quân tướng, buồn bã than thở,
nghĩ nhớ bọn Lữ Mông, Trương Ôn, cho là Cứ có tài cả văn võ, thay thế được họ,
từ đấy bái làm Kiến nghĩa hiệu úy, đem quân đóng đồn ở Hồ Thục. Năm Hoàng Long
thứ nhất, Quyền dời đô đến Kiến Nghiệp, gọi Cứ về lấy công chúa, bái Tả tướng
quân, phong Vân Dương Hầu. Khiêm nhường đối đãi kẻ sĩ, khinh tiền của, ưa bố
thí, bổng lộc dẫu nhiều mà thường không đủ dùng. Giữa năm Gia Hòa, bắt đầu đúc
tiền lớn, một tiền ngang năm trăm tiền cũ; sau đó bộ khúc của Cứ được nhận ba
vạn xâu tiền, nhưng có người thợ là Vương Toại lừa mà nhận lấy, Điển hiệu Lữ
Nhất nghi rằng Cứ chiếm lấy, xét hỏi người coi việc, chết ở dưới gậy, Cứ thương
quan coi việc không có tội, thu liệm mà táng hậu. Nhất lại tấu là quan thuộc
của Cứ giúp Cứ che giấu cho nên táng hậu. Quyền mắng trách hỏi Cứ, Cứ không
biết lấy gì làm để tự làm rõ, quỳ trên chiếu đợi tội. Được mấy tháng, Điển quân
Lưu Trợ biết được, nói là do Vương Toại lấy, Quyền mới rất cảm thương, nói:
"Chu Cứ mà còn bị oan, huống chi là quan dân khác đây"! Bèn xét trị
tội của Nhất, thưởng trăm vạn tiền cho Trợ.
Năm Xích Ô thứ chín, chuyển làm Phiếu kị tướng
quân. Gặp lúc hai cung tranh giành, (2) Cứ giúp đỡ Thái tử, nói rất thống thiết,
nghĩa tỏ ra mặt, giữ ý dẫu chết, bèn bị chuyển làm Tân Đô Quận thừa.
Thông ngữ của Ân Cơ chép lời bàn của Cứ
rằng: "Thần nghe nói Thái tử là gốc rễ của nhà nước, tính tình nhân hiếu,
thiên hạ ngóng theo, nay chợt trách mắng, đấy là sắp có nỗi lo một sớm vậy.
Ngày xưa Tấn Hiến Công dùng Li Cơ thì Thân Sinh chẳng còn, Hán Vũ Đế tin Giang
Sung thì Lệ thái tử chết oan. (3) Thần sợ rằng Thái tử không gánh nổi
nỗi lo này. Dẫu dựng cung Tư Tử (4) thì hối cũng chẳng kịp nữa
vậy".
Chưa đến nhận chức, Trung thư lệnh Tôn Hoằng
gièm vu Cứ, nhân lúc Quyền nằm bệnh, Hoằng soạn chiếu lệnh đuổi theo bắt chết,
bấy giờ năm mươi bảy tuổi.
Vào thời Tôn Lượng, hai con là Hùng, Tổn đều
được lĩnh binh, bị Toàn công chúa gièm pha, đều chết. Giữa năm Vĩnh An, ghi nhớ
công cũ, dùng con của Hùng là Tuyên nhận tước Vân Dương Hầu, lấy công chúa. Vào
thời Tôn Hạo, Tuyên làm đến Phiếu kị tướng quân.
Chú
thích
(1) Xóa lỗi chọn dùng: chỉ không màng lỗi lầm cũ
mà vẫn chọn dùng.
(2) Hai cung tranh giành: chỉ cung Thái tử Tôn
Hòa và cung Lỗ Vương là Tôn Bá tranh giành sự sủng ái của Tôn Quyền. Chu Cứ
cùng bọn Gia Cát Khác, Cố Đàm, Đằng Dận ủng hộ Thái tử; bọn Toàn Tông, Tôn
Hoằng lại hùa theo Lỗ Vương mưu phế trưởng lập thứ.
(3) Ngày xưa Tấn Hiến Công dùng Li Cơ thì
Thân Sinh chẳng còn, Hán Vũ Đế tin Giang Sung thì Lệ thái tử chết oan: Thân
Sinh là Thế tử của Tấn Hiến Công, sau khi Hiến Công sủng ái Li Cơ thì bị Li Cơ
gièm pha mà lập con mình là Hề Tề làm Thế tử, do đó Thân Sinh trốn đến ấp Tân
Thành rồi tự sát ở đấy. Lệ thái tử của Hán Vũ Đế là Lưu Cứ bị sủng thần của Vũ
Đế là Giang Sung gièm pha, cũng tự sát.
(4) Cung Tư Tử: một cung do Hán Vũ Đế dựng
ở huyện Hồ. Sau khi Lệ thái tử chết, Vũ Đế biết là oan, dựng cung ấy ấy để ghi
nhớ Lệ thái tử.
TRUYỆN
NGÔ XÁN
Ngô Xán tự Khổng Hưu, người huyện Ô Trình quận
Ngô.
Ngô lục chép: Xán sinh được mấy tuổi, có
người đàn bà ở huyện Cô Thành (1) thấy Xán, bảo mẹ Xán rằng:
"Thằng này có cốt của khanh tướng".
Vào lúc Tôn Hà làm huyện trưởng, Xán làm viên
quan nhỏ, Hà rất cho là lạ. Sau đó Hà làm Tướng quân, được tự chọn trưởng lại,
cử Xán làm Khúc A Thừa, chuyển làm Trưởng sử, làm việc có công tích. Dẫu xuất
thân hèn kém nhưng cùng sánh vai nổi danh với người cùng quận là bọn Lục Tốn,
Bốc Tĩnh. Tôn Quyền làm Xa kị tướng quân, gọi làm Chủ bạ, ra làm Sơn Âm Lệnh,
lại về làm Tham quân hiệu úy.
Năm Hoàng Vũ thứ nhất, cùng với bọn Ngô Phạm, Hạ
Tề đem quân thuyền chống tướng Ngụy là Tào Hưu ở Động Khẩu. Gặp lúc trời có gió
lớn, các thuyền đứt mất dây buộc, trôi nổi vào bờ, bị quân Ngụy thu được, có
cái nghiêng lật chìm đắm, riêng thuyền lớn là vẫn còn, quân sĩ giữa nước níu
dây kêu cứu, các quan tướng khác sợ thuyền chìm lật, đều lấy qua mâu chặt đứt
không chịu cứu. Riêng Xán cùng Hoàng Uyên sai người trên thuyền đến cứu họ, tả
hữu cho là thuyền nặng tất chìm vỡ, Xán nói: "Thuyền chìm thì nên cùng
chết thôi! Người ta khốn cùng, sao lại bỏ mặc được"! Hơn trăm người được
Xán, Uyên cứu sống.
Về, chuyển làm Cối Kê Thái thú, gọi kẻ sĩ ở ẩn
là Tạ Đàm làm Công tào, Đàm lấy cớ bệnh không đến, Xán bảo rằng: "Ứng long
(2) vì ưỡn bay mà thành thần, phượng hoàng vì kêu hay mà thành quý, sao phải ẩn
hình ở ngoài trời, giấu thân ở vực sâu như thế"? Xán chiêu tập dân chúng,
bái làm Chiêu nghĩa trung lang tướng, cùng Lữ Đại đánh dẹp người Sơn Việt, vào
làm Đồn kị hiệu úy, Thiếu phủ, lại chuyển làm Thái tử thái phó. Gặp lúc hai
cung sinh biến, nói lời thẳng thắn, chia rõ phận trưởng thứ, muốn sai Lỗ Vương
là Bá ra đóng đồn ở Hạ Khẩu, lệnh Dương Lan không được làm quan Lệnh tại vùng
kinh đô. Lại nhiều lần đưa tin tức nói với Lục Tốn, bấy giờ Tốn đóng đồn ở Vũ
Xương cũng liên tiếp dâng biểu can gián. Do đó bị bọn Bá, Lan vu hại, bắt giam
ngục giết chết.
Chú
thích
(1) Người đàn bà ở huyện Cô Thành: chỉ
Trịnh Ẩu. Ngô lục chép rằng người huyện Cô Thành là Trịnh Ẩu giỏi xem tướng
người, cùng với bọn Ngô Phạm, Lưu Đôn, Triệu Đạt là tám người, người đời khen
là thần diệu, gọi là 'bát tuyệt' vậy.
(2) Ứng long: theo truyền thuyết, ứng long là
loài rồng có cánh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét