Thứ Sáu, 18 tháng 8, 2023

NGÔ THƯ QUYỂN 10 - TỪ THỊNH CAM NINH TRUYỆN


Kênh đào ở Đồng Lý Tô Châu

NGÔ THƯ QUYỂN 10 - TRÌNH HOÀNG HÀN TƯỞNG CHU TRẦN ĐỔNG CAM LĂNG TỪ PHAN ĐINH TRUYỆN

Trình Phổ, Hoàng Cái, Hàn Đương, Tưởng Khâm, Chu Thái, Trần Vũ, Đổng Tập, Cam Ninh, Lăng Thống, Từ Thịnh, Phan Chương, Đinh Phụng

 

TỪ THỊNH TRUYỆN

Từ Thịnh tự Văn Hương, người đất Cử vùng Lang Da, gặp thời loạn thế phiêu dạt xa quê dến ở đất Ngô, nhờ gan dạ dũng cảm mà nổi danh. Tôn quyền thống lĩnh công việc, dùng Thịnh làm Biệt Bộ Tư Mã, nhận năm trăm quân, thường trụ giữ Sài Tang, chống lại Hoàng Tổ. Con Tổ là Xạ, từng chỉ huy mấy nghìn quân đến đánh Thịnh. Lúc ấy tướng sĩ của Thịnh chưa đủ hai trăm, phòng thủ Xạ đánh đến, hạ quân của Thịnh hơn nghìn người, rồi mở của đánh ra, đại phá quân của Xạ. Xạ rốt cuộc tuyệt hẳn không dám quay lại cướp phá nữa. Quyền lấy Thịnh làm Hiệu Uý, giữ chức Lệnh ở Vu Hồ. Thịnh lại thảo phạt sơn tặc ở vùng núi Nam A thuộc Lâm Thành lập nên chiến công, được chuyển làm Trung Lang Tướng, chỉ huy hiệu quân.

Tào Công đến đánh Nhu Tu, Thịnh theo Quyền tới chống cự. Quân Nguỵ từng kéo ra đông đảo đầy cả mặt sông, Thịnh cùng các tướng đều xuất chiến. Lúc ấy quân Ngô cưỡi thuyền Mông Trùng gặp phải gió thốc, thuyền trôi về bờ bên địch. Các tướng hoảng sợ, chưa có kế gì. Thịnh một mình dẫn quân bất ngờ xông lên chém giết. Địch lùi rẽ ra mà chạy, nhiều kẻ bị quân Thịnh đánh hạ giết chết. Kịp lúc gió ngưng toàn quân thuận lợi quay về. Quyền vô cùng khen ngợi.

Đến khi Quyền nhận làm phiên thân của Nguỵ. Nguỵ sai Hình Trinh đến phong cho Quyền tước Ngô Vương. Quyền rời cung đình ra chờ đón Hình Trinh. Trinh lộ vẻ ngạo mạn. Trương Chiêu đã giận mà Thịnh thì uất ức tức hận, nghoảng lại bảo các tướng cùng hàng rằng: ”Bọn Thịnh này chẳng thể gắng hết sức mình tuân theo mệnh lệnh, vì quốc gia gồm thâu Hứa, Lạc; nuốt gọn Ba, Thục khiên cho chủ của chúng ta thệ ước với Trinh, cũng chẳng phải là nhục nhã lắm sao!” Vì vậy rơi lệ khóc ở ngang đường. Trinh nghe chuyện, bảo với người cùng đi rằng: ”Tướng sĩ Giang Đông khí chất thế này, chẳng chịu mãi làm kẻ dưới người người ta vậy.”

Sau Thịnh đổi sang chức Kiến Vũ Tướng Quân, tước phong Đô Đình Hầu, làm Thái Thú ở Lư Giang, được cho ăn lộc huyện Lâm Thành. Lưu Bị đến Tây Lăng, Thịnh đánh giữ các đồn trại, lập được công lao trên hướng của mình. Tào Hưu tấn công Động Khẩu. Thịnh cùng Lã Phạm, Toàn Tông vượt sông phòng thủ chống cự. Gặp cơn gió lớn, thuyền phần lớn đều chìm, Thịnh thu thập quân binh còn lại, cùng với Tào Hưu cầm cự bên sông. Hưu sai quân tụ tập đánh Thịnh. Thịnh lấy ít chọi nhiều, địch không thắng nổi, hai bên đều dẫn quân về. Thịnh được phong An Đông Tướng Quân, tước Vu Hồ Hầu.

Sau Nguỵ Văn Đế đẫn đại quân đến, có chí muốn vượt sông. Thịnh hiến kế từ Kiến Nghiệp xây tường bao, làm thành hàng rào, trên tường bao dựng các lầu giả, ngoài bải sông thả nổi chiến thuyền. Các tướng cho là vô ích nhưng Thịnh không nghe, kiên quyết dựng lên. Văn Đế đến Quảng Lăng, nhìn thấy tường bao tràn khắp mấy trăm dặm rất ngạc nhiên, mà nước sông rất lớn, liền dẫn quân về. Các tướng đều phục kế của Thịnh..

Can Bảo Tấn Kỷ(44) gọi thành ấy là thành mơ, đã chú ở Tôn Quyền  truyện.

Nguỵ Thị Xuân Thu(45) chép: Văn Đế than rằng: Nước Nguỵ có vũ sĩ kỵ binh nghìn đội mà không có chỗ dùng.

Thịnh chết trong những năm Hoàng Vũ(46). Con là Giai kế thừa tước vị, thống lĩnh binh sĩ.


CHÚ THÍCH

(44)  Can Bảo Tấn Kỷ: Do Can Bảo đời Tấn soạn

(45)  Nguỵ Thị Xuân Thu: Do Tôn Thịnh đời Tấn soạn.

(46)  Hoàng Long: Niên hiệu của Ngô Vương Tôn Quyền, bắt đầu từ năm 222 đến 229.

 


Tranh vẽ Cam Ninh của một danh họa đời nhà Thanh


CAM NINH TRUYỆN

Cam Ninh tự Hưng Bá, người ở Lâm Giang thuộc Ba Quận (47).

Ngô Thư (48) chép: Ninh quê gốc ở Nam Dương, tổ tiên phiêu dạt đến Ba Quận. Quan lại đề cử Ninh làm Kế Duyện, rồi lại bổ dụng làm Quận Thừa ở Thục Quận, nhưng chẳng bao lâu Ninh bỏ quan về nhà.

Ninh từ lúc nhỏ đã có sức mạnh, thích dao du hành động vì nghĩa, chiêu nạp tụ tập đám thiếu niên nhanh nhẹn hư hỏng để làm thủ lĩnh của chúng. Thường cùng nhau tụ hội thành bè, giữ cung cầm nỏ, đội lông thú đeo chuông nhỏ. Dân nghe tiếng chuống liền biết là Ninh.

Ngô Thư chép: Ninh làm việc nghĩa mà giết người, phải trốn lánh giữ mạng, tiếng tăm vang dội trong quận.

Mỗi khi Ninh ra vào, trên bộ thường sắp đặt ngựa xe, dưới nước liên tiếp ngồi thuyền nhẹ, người hầu đi theo được ăn mặc hoa lệ, giống như ánh sáng vút qua trên đường. Dừng nghỉ ở đâu luôn lấy gấm lụa buộc thuyền, rời đi có người cắt bỏ, lấy thế làm xa hoa. Thường dân và quan lại các thành gặp gỡ Ninh, hễ ai đón tiếp đãi đằng trọng hậu thì Ninh cũng người đó giao hảo vui vẻ; Nếu không liền buông thả cho bộ hạ cướp đoạt tài sản của người ta. Trong giới trưởng lại cũng có người bị cướp đoạt làm hại, làm cho tiếng tăm của Ninh dựa vào đó càng hưng thịnh đến hơn hai mươi năm. Ninh thôi không đánh cướp nữa, hơi đọc sách vở của chư tử, bèn đến nương tựa vào Lưu Biểu, nhân đó định cư ở Nam Dương, nhưng không được nhận ra mà tiến cử sử dụng. Sau chuyển sang gửi gấm vào Hoàng Tổ. Tổ lại coi như kẻ tầm thường mà lưu lại.

Ngô Thư chép: Ninh đem gia đồng trang khách tám trăm người về theo Lưu Biểu. Biểu là người văn vẻ, không thạo việc quân. Bấy giờ các lộ anh hùng mỗi người mỗi khởi binh. Ninh xem cách Lưu Biểu tham dự vào thời cuộc, biết rằng cuối cùng Biểu tất không làm nên sự nghiệp gì. Lại sợ rằng một ngày cương vực của Biểu tan tành, sẽ phải chịu chung tai hoạ, nên muốn đi sang đất Ngô. Hoàng Tổ lúc ấy đóng ở Giang Hạ, quân của Ninh không đi qua được nên ở lại nương nhờ vào Tổ, trải qua ba năm mà Tổ không hậu đãi. Quyền đánh Tổ. Tổ thua quân bỏ chạy, bị đuổi theo rất gấp. Ninh vốn bắn giỏi, cầm quân đi sau, bắn chết Hiệu Úy Lăng Tháo. Tổ đã được thoát, cho quân về trại nghỉ ngơi, lại đối xử với Ninh như lúc ban đầu. Đô Đốc của Tổ là Tô Phi mấy lần tiến cử Ninh nhưng Tổ không dùng, lại sai người dùng lời cám dỗ gia khách của Ninh. Gia khách dần dần bỏ trốn. Ninh muốn rời đi, lại sợ không thoát được, một mình lo lắng buồn rầu. Phi hiểu lòng Ninh, bèn hẹn gặp Ninh, bày tiệc rượu, bảo Ninh rằng: ”Tôi đã mấy lần tiến cử ông nhưng chúa công không chịu dùng. Ngày tháng phôi pha, đời người mấy độ, nên tự lo xa, sau sẽ gặp người tri kỷ.” Ninh im lặng hồi lâu rồi nói: ”Tuy tôi có ý đó, nhưng chưa biết có cơ hội nào không.” Phi nói: ”Tôi muốn thưa lên để ông làm Trưởng ở huyện Chu. Ở nơi ấy có ai cùng nhìn để xoi xét việc dẹt biến thành tròn được đâu.” Ninh nói: ”Thật là rất may mắn vậy.” Phi trình với Tổ, thuận cho Ninh đến huyện ấy. Ninh chiêu mộ gọi về gia khách đã bỏ đi cùng những người vì nghĩa mà theo được mấy trăm người.

Vì vậy Ninh theo về với Ngô. Chu Du và Lã Mông đều cùng tiến cử. Tôn Quyền lấy làm lạ, đối xử giống như cựu thần. Ninh trình bày kế sách rằng: ”Nay phúc khí nhà Hán mỗi ngày một suy vi. Tào Tháo càng thêm ngạo mạn, cuối cùng sẽ làm việc soán đoạt. Vùng đất phía nam Kinh Châu núi đồi địa hình thuận lợi, sông ngòi vận động linh hoạt, quả thật là có hình thế một quốc gia. Ninh đã quan sát thế lực của Lưu Biểu. Ông ta nghĩ đã chẳng xa mà các con lại kém cỏi, không phải là người đủ tài gánh vác nền móng, đảm đương cơ nghiệp. Chí Tôn nên sớm trù liệu việc này, không thể tính toán châm trễ. Kế sách chiếm đoạt đất ấy, trước tiên nên chọn lấy Hoàng Tổ. Tổ nay tuổi già, đã rất u mê tăm tối. Tiền của lương thực đều thiếu thốn, bộ hạ thì trí trá khinh nhờn. Lại chỉ biết chăm chú vào việc thủ lợi từ quan chức và tướng sĩ. Quan chức và tướng sĩ đã đem lòng thống hận, thuyền bè chiến cụ hư hỏng không sửa chữa, trồng cấy nông tang bỏ bê lười nhác, quân binh không giữ pháp độ hàng ngũ. Chí Tôn nay đến, nhất định có khả năng đánh bại được. Một khi phá tan quân Hoàng Tổ, lại đánh trống tiến sang phía tây, chiếm giữ ải quan nước Sở. Khi ấy đại thế càng tăng, liền có khả năng dần dần thôn tính Ba Thục.” Quyền rất tán thành. Trương Chiêu ngồi một bên căn vặn rằng: ”Đất Ngô nguy cơ trùng điệp, nếu ngài nhất quyết tiến hành, sở rằng tất xảy ra loạn lạc.” Ninh bảo Chiêu rằng: ”Quốc gia đem trách nhiệm của Tiêu Hà(49) giao phó cho ngài. Ngày lưu thủ mà lo loạn lạc, lấy gì mà tưởng nhớ đến cổ nhân đây?” Quyền nâng chén rươu dặn Ninh rằng: ”Hưng Bá, năm nay tiến hành thảo phạt, bằng chén rượu này quyết định phó thác cho khanh. Khanh nếu gắng gỏi đảm đương xây dựng phương kế sách lược. Mệnh lệnh ban ra tất khắc chế được Tổ, ấy là công của khanh. Khanh hà tất phải không bằng lòng với lời của Trương Trưởng Sử.” Quyền tiến sang phía tây, quả nhiên bắt được Tổ, thu hết tướng sĩ của hắn, rồi giao quân cho Ninh, đóng đồn cai quản quan ải.

Ngô Thư chép: Lúc đầu khi Quyền đánh bại Tổ, trước tiên làm hai cái hộp, muốn đựng đầu Tổ và Tô Phi.Phi sai người cấp báo với với Ninh. Ninh nói: ” Dù Tô Phi không nói, ta há lại quên sao?” Quyền vì các tướng đặt tiệc rượu, Ninh rời chỗ ngồi xuống dập đầu, huyết lệ chảy lẫn vào nhau, nói với Quyền: ”Phi ngày xưa có ơn đức cũ với thần. Ninh này không gặp được Phi nhất định đã vùi xương trong ngòi trong rãnh, không được hiến dâng tính mạng dưới cờ. Nay tội của Phi đáng bị chém giết. Ninh đặc biệt theo tướng quân xin được nhận đầu Phi.” Quyền thương cảm cho lời ấy, bảo rằng: ”Nay khiến cho người hết lòng như vậy nhưng nếu Phi bỏ chạy thì sao?” Ninh nói: ”Phi tránh được cái hoạ bị cắt chém, nhận lấy ơn đức sinh ra thêm lần nữa, đã hơn chỗ mong cầu tất sẽ không bỏ chạy, há còn dám mưu tính trốn tránh làm gì! Nếu là như thế xin lấy đầu Ninh thay thế bỏ vào hòm.” Quyền bèn tha cho.

Sau Ninh theo Chu Du chống cự đánh bại Tào Công ở Ô Lâm. Khi đánh Tào Nhân ở Nam Quận vẫn chưa hạ được, Ninh hiến kế trước theo đường tắt ra lấy Di Lăng. Tới nơi liền đoạt ngay được thành này, nhân đó bèn vao trong thành phòng giữ. Lúc ấy thủ hạ của Ninh có mấy trăm người, cộng với lính mới mộ ở địa phương chưa đầy một nghìn quân. Tào Nhân bèn sai năm sáu nghìn người đến vây Ninh. Ninh bị tấn công ngày này qua ngày khác. Địch dựng lầu cao ở bên ngoài bắn như mưa vào trong thành. Quân sĩ đều sợ hãi, riêng Ninh vẫn cười nói như thường lại sai sứ đến báo với Du. Du dùng kế của Lã Mông, chỉ huy các tướng đến giải vây. Sau Ninh lại theo Lỗ Túc đến trấn phủ canh giữ Ích Dương, chống lại Quan Vũ. Vũ huyênh hoang có ba vạn quân, đích thân tuyển chọn ra lấy dũng sĩ năm nghin người, đưa đến chỗ nước cạn trên thượng du cách huyện hơn mười dặm, bảo rằng muốn đương đêm vượt sông sang. Túc với các tướng cùng nhau bàn luận. Ninh lúc ấy có ba trăm quân, bèn nói: ”Có thể lại đem thêm năm trăm quân nữa cấp cho tôi. Tôi đến đó chống chọi. Đảm bảo Vũ nghe tiếng tôi ho hắng khạc nhổ không dám lội xuống nước, mà nếu có lội xuống tất bị tôi bắt.” Túc lập tức chọn lấy nghìn quân trao thêm cho Ninh. Ninh trong đêm đến nơi. Vũ nghe tin, thôi không vượt sông nữa mà dựng trại gỗ đóng quân. Nhân đó ngày nay tên xứ ấy là khe Quan Vũ. Quyền khen công lao của Ninh, bái làm Tây Lăng Thái Thú, thống suất hai huyện Dương Tân và Hạ Trĩ.

Sau đó Ninh theo đi đánh đất Hoàn, chỉ huy đội Thăng Thành. Tay Ninh cầm lụa trắng thân dẫn đầu tướng sĩ trèo lên thành, cuối cùng đánh bại bắt được Chu Quang. Tính toán công lao, Lã Mông thứ nhất, Ninh thứ hai. Ninh được phong Chiết Xung Tướng Quân. Sau Tào Công đánh Nhu Tu. Ninh chỉ huy quân tiên phong nhận lệnh xuất trận đánh đội tiền quân của địch. Quyền đặc biệt ban Mễ Tửu làm đồ ăn cho mọi người. Ninh bèn đem chia cho thủ hạ hơn trăm người. Ăn xong, Ninh lấy chén bạc rót rượu, tự mình uống trước hai chén rồi mới rót cho viên đô đốc đám thủ hạ. Đô đốc phục xuống không nguyện nắm lấy thời cơ. Ninh rút Bạch Tước(50) đặt trên đùi, quát bảo rằng: ”Người hiểu biết hơn Chí Tôn, thành thục hơn Cam Ninh chăng? Cam Ninh ở trên không tiếc cái chết, sao ngươi một mình tiếc cái chết đến thế?” Đôc đốc thấy Ninh thần sắc nghiêm trang đứng ngay dậy vái lạy đón lấy chén rượu, lại rót cho quân binh mỗi người một chén. Đến lúc canh hai, cưỡi ngựa ngậm hàm thiếc ra đánh địch. Địch chấn động bèn lui lại. Ninh càng được kính trọng hơn, quân được cấp thêm hai nghìn người.

Giang Biểu truyện chép: ”Tào Công đánh Nhu Tu, lệnh cho bốn chục vạn bộ kỵ dắt ngựa xuống uống nước Trường Giang. Quyền thống suất bộ tốt bảy vạn người ra ứng chiến. Sai Ninh chỉ huy ba nghìn quân đốc suất đội tiền phong. Quyền mật ra lệnh cho Ninh, sai đang đêm tập kích vào trại quân Nguỵ. Ninh bèn lựa chọn lấy thủ hạ dũng mãnh hơn trăm người, theo lối tắt đến chỗ Tào Công hạ trại, sai nhổ chông chà, vượt luỹ vào trại, chém được mấy chục đầu. Bắc quân chấn động đánh trống ầm ĩ, đốt đuốc sáng như sao. Ninh quay chở về trại, đánh trống kéo đàn tấu khúc quân ca, hô vang vạn tuế. Ngay trong đếm đó đến yết kiến Quyền. Quyền mừng nói: ”Đủ để làm lão già kinh hãi hay chăng? Nhờ ở chỗ được thưởng thức lòng can đảm của khanh đó.” Lập tức ban cho lụa nghìn xấp, đao trăm thanh. Quyền lại nói: ”Mạnh Đức có Trương Liêu, cô có Hưng Bá, đủ để đối chọi với nhau vậy.” Đóng quân chông giữ hơn một tháng, bắc quân liền lùi.

Ninh tuy thô hào mạnh mẽ thích giết chóc nhưng hào sảng khoáng đạt có mưu kế thao lược, lại biết coi nhẹ tiền tài, kính trọng kẻ sĩ, hơn nữa có tài hậu đãi nuôi dưỡng sĩ tốt. Sĩ tốt cũng vui vẻ tuân theo lệnh Ninh. Năm Kiến An thứ hai mươi, Ninh theo đi đánh Hợp Phì, gặp lúc có dịch bệnh, các cánh quân đều dừng tiến phát, chỉ có đội Hổ Sĩ hơn nghìn người ở dưới xe cùng bọn Lã Mông, Tưởng Khâm, Lăng Thống và Ninh tuỳ tùng Quyền đi lên bờ bắc bến Tiêu Diêu. Trương Liêu dò xét dòm dở biết được, liền chỉ huy bộ kỵ đột ngột sấn đến. Ninh dương cung bắn giặc, cùng bọn Thống tận lực chiến đấu, nghiêm giọng hỏi quân nhạc sao chẳng tấu lên, khi phách hào hùng kiên cường quả cảm. Quyền lại càng khen ngợi.

Ngô Thư chép: Lăng Thống oán Ninh giết cha Thống là Tháo. Ninh luôn đề phòng Thống, không cùng gặp gỡ. Quyền cũng lệnh cho Thống không được hận thù. Có lần yến hội ở nhà Lã Mông, vui rượu, Thông bèn múa đao. Ninh đứng dậy nói: ”Ninh có tài múa song kích.” Mông bảo: "Ninh tuy tài nhưng chưa được khéo bằng Mông.” rồi cầm đao giữ mộc, tự mình đứng giữa hai người. Sau Quyền biết ý Thống bèn lệnh cho Ninh cầm quân chuyển đến đóng đồn ở Bán Châu.

Thuộc hạ đầu bếp nhỏ tuổi của Ninh từng có tội, bỏ chạy đến nương nhờ Lã Mông. Mông sợ Ninh giết nó nên không lập tức trả về. Sau Ninh đem lễ vật đến hiếu kính mẹ Mông. Gặp lúc cùng nhau lên công đường, Mông bèn đem đứa đầu bếp nhỏ tuổi nọ ra trả về cho Ninh. Ninh hứa với Mông sẽ không giết nó, rồi chờ tới khi về đến thuyền thì trói vào cây dâu, tự mình dương cung bắn chết. Xong, Ninh bảo người trong thuyền thả thêm neo, tự mình cởi áo vào nằm bên trong. Mông rất giận, đánh trống hội quân, muốn đến thuyền đánh Ninh. Ninh nghe biết, vẫn nằm như cũ không dậy. Mẹ Mông chân trần đi bộ ra can Mông rằng: ”Chí Tôn đãi Ninh như ruột thịt, lại phó thác việc lớn cho con.Sao lại có việc vì nỗi tức hận riêng tư mà muốn đánh giết Cam Ninh? Ngày Ninh chết, cho dù Chí Tôn không hỏi đến, con vẫn là thân tử làm trái pháp luật.” Mông vốn chí hiếu, nghe mẹ nói đột nhiên thông suốt tiêu tan ý định, tự mình dến thuyền Ninh gọi to: ”Hưng Bá, mẹ ta chờ ông đến ăn cơm, mau dậy!” Ninh rơi nước mắt khóc sụt sùi: ”Tôi đã phụ ông.” rồi cùng Mông về gặp mẹ, vui vẻ ăn uống trọn ngày.

Ninh chết, Quyền rất thương tiếc. Con Ninh là Khiết, mắc tội bị chuyển đến Cối Kê, chẳng bao lâu thì chết.

 

CHÚ THÍCH

(47)  Lâm Giang: Nay là huyện Trung tỉnh Trùng Khánh, Trung Quốc.

(48)  Ngô Thư: Do Vi Chiêu người Đông Ngô soạn.

(49)  Tiêu Hà: Khai quốc công thần của Hán Cao Tổ. Trong chiến tranh Hán Sở, Tiêu Hà có công giữ vững hậu phương, đảm bảo hậu cần cho quân viễn chinh.

(50)  Bạch Tước: Chưa rõ là vũ khí gì.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét