Trên là Khôn (đất), dưới là Li (lửa)
Tiến lên thì tất có lúc bị thương tổn, cho nên sau quẻ Tấn
tiếp tới Minh di. Di 夷 nghĩa là thương tổn.
Thoán Từ
明夷:利艱貞。
Minh di: Lợi gian trinh.
Dịch: Ánh sáng
bị tổn hại: Chịu gian nan, giữ điều chính thì lợi.
Giảng: Quẻ này
ngược với quẻ Tấn ở trên; mặt trời (Li) lặn xuống dưới đất (Khôn) ánh sáng bị
tổn hại, tối đi (Minh di).
Người quân tử ở thời u ám này, gặp nhiều gian nan, chỉ có
cách giữ đức chính trinh của mình thì mới có lợi. Muốn vậy thì ở trong lòng giữ
đức sáng mà ở ngoài thì nhu thuận để chống với hoạn nạn như tượng của quẻ Li là
sáng văn minh ở nội quái, Khôn là nhu thuận ở ngoại quái. Vua Văn Vương bị vua
Trụ nghi ngờ, giam vào ngục Dữu Lí, tỏ vẻ rất nhu thuận, không chống đối Trụ,
mà để hết tâm trí vào việc viết Thoán Từ
giảng các quẻ trong Kinh Dịch, nhờ
vậy Trụ không có cớ gì để giết, sau thả ông ra.
Không những ở ngoài phải tỏ vẻ nhu thuận, mà có khi còn nên
giấu sự sáng suốt của mình đi nữa mà trong lòng vẫn giữ chí hướng, như Cơ Tử,
một hoàng thân của Trụ. Trụ vô đạo, Cơ Tử can không được, giả điên, làm nô lệ,
để khỏi bị giết, mong có cơ hội tái tạo lại nhà Ân; khi nhà Ân mất, ông không
chết với Trụ, cũng không bỏ nước ra đi. Võ Vương – con Văn Vương – diệt Trụ
rồi, trọng tư cách Cơ Tử, mời ra giúp nước, ông không chịu; sau Võ Vương cho ra
ở Triều Tiên, lập một nước riêng. Như vậy là Cơ Tử giấu sự sáng suốt của mình
để giữ vững chí, không làm mất dòng dõi nhà Ân (Hối kì minh, nội nạn nhi năng
chính kì chí – Thoán truyện).
Đại Tượng
truyện bảo quân tử gặp thời Minh di, muốn
thống ngự quần chúng nên dùng cách kín đáo mà lại thấy được rõ (dụng hối nhi
minh), nghĩa là dùng thủ đoạn làm ngơ cho kẻ tiểu nhân, đừng rạch ròi, nghiêm
khắc quá mà sẽ bị hại, tóm lại là làm bộ như không biết để chúng không nghi ngờ
mình và để lộ hết dụng tâm của chúng ra mà mình sẽ biết được. Cơ hồ tác giả Đại Tượng truyện muốn dùng thuật của Hàn
Phi.
Hào Từ
1
初九:明夷,于飛垂其翼。君子于行,三日不食,有攸往,主人有言。
Sơ cửu: Minh di, vu phi thùy kì dực. Quân tử vu hành, tam
nhật bất thực, hữu du vãng, chủ nhân hữu ngôn.
Dịch: Hào 1,
dương: Ở thời u ám (ánh sáng bị tổn hại), hào này như con chim muốn bay mà cánh
rũ xuống. Người quân tử biết thời cơ thì bỏ đi ngay, dù (không có tiền) phải
nhịn đói ba ngày, mà đi tới đâu, gặp chủ cũ, cũng bị chủ cũ chê trách.
Giảng: Hào
dương ở đầu thời Minh di, là người quân tử gặp thời hắc ám, có thể bị hại như
con chim rũ cánh xuống. Cách xử thế là nên bỏ đi ngay, như Phạm Lãi bỏ nước
Việt vì biết vua Việt là Câu Tiễn sẽ nghi ngờ mà hại các công thần, nhờ vậy
tránh được cái họa bị giết như đại phu Chủng.
2
六二:明夷,夷于左股,用拯馬壯,吉。
Lục nhị: Minh di, di vu tả cổ, dụng chửng mã tráng, cát.
Dịch: Hào 2,
âm: Ở thời ánh sáng bị tổn hại, hào này như bị đau ở đùi bên trái, nhưng cũng
mau khỏi, sẽ như con ngựa mạnh mẽ tiến lên, tốt.
Giảng: Hào này
làm chủ nội quái Li (sáng suốt), đắc trung, đắc chính, là bậc quân tử có tài,
nhưng ở thời Minh di, hôn ám nên bị tiểu nhân làm hại ít nhiều, như bị thương ở
đùi bên trái, nhưng rồi sẽ mau khỏi (dụng chửng), mà như con ngựa mạnh mẽ.
Tốt vì hào 2 trung, chính, lại vẫn thuận theo (vì là hào âm)
phép tắc.
“Dụng chửng mã tráng” R. Wilhelm giảng là: sẽ dùng sức con
ngựa mạnh mà giúp đỡ người khác khỏi cơn nguy, J. Legge dịch là: tự cứu mình
bằng sức một con ngựa mạnh. Chúng tôi theo Chu Hi và Phan Bội Châu.
3
九三:明夷,于南狩,得其大首,不可疾,貞。
Cửu tam: Minh di, vu nam thú, đắc kì đại thủ, bất khả tật,
trinh.
Dịch: Hào 3,
dương: Ở thời ánh sáng bị tổn hại, đi tuần về phương Nam, bắt được kẻ đầu sỏ,
nhưng đừng hành động gấp, phải bền chí.
Giảng: Hào này
ở trên cùng nội quái Li là cực sáng suốt; nó là dương cương, ở vị dương, vậy là
rất cương kiện, nó ứng với hào âm ở trên cùng quẻ Khôn (ngoại quái), hào này
cực hôn ám. Nó sẽ đánh đổ hào âm đó. Nó cứ đem binh đi tuần về phương Nam (Nam
thú: Phan Bội Châu giảng là đem quân tiến lên phía trước để trừ loạn) sẽ bắt
được tên đầu sỏ phản loạn. Nhưng nó cương cường nóng nảy, nên phải khuyên: đừng
gấp, phải bền chí giữ đạo chính.
4
六四:入于左腹,獲明夷之心,于出門庭。
Lục tứ: Nhập vu tả phúc, hoạch minh di chi tâm, vu xuất môn
đình.
Dịch: Hào 4,
âm: Như vô phía bên trái của bụng (ý nói chỗ u ám); tấm lòng ở thời u ám (minh
di) là nên bỏ nhà mà ra đi.
Giảng: Hào này
âm nhu, ở vào thời Minh di, mà lại vượt quẻ Li, sang quẻ Khôn rồi, tức bỏ chỗ
sáng sủa, bước vào chỗ tối tăm, cho nên ví như vô phía bên trái của bụng. Nhưng
hào này đắc chính (âm ở vị âm) nên có thể rút chân ra khỏi cảnh khốn nạn ấy
được: cứ bỏ nhà ra đi, tức tránh cho xa cảnh đó, mặc nó.
Đó là hiểu theo Phan Bội Châu. Chu Hi nhận rằng không thấy
được nghĩa hào này.
5
六五:箕子之明夷,利貞。
Lục ngũ: Cơ tử chi minh di, lợi trinh.
Dịch: Hào 5,
âm: Như ông Cơ Tử ở thời u ám (Minh di), cứ bền giữ đạo chính thì lợi.
Giảng:
Thường các quẻ khác, hào 5 là ngôi chí tôn, quẻ Minh di này hào trên cùng mới
là ngôi chí tôn, hào 5 là người thân cận với ngôi chí tôn. Hào trên cùng là ông
vua rất hôn ám như vua Trụ, hào 5 là người thân cận có đức trung, như ông Cơ
Tử; ông giả điên để khỏi bị Trụ hại mà sau giữ được dòng dõi nhà Ân, như vậy là
giữ vững đạo chính, ở ngoài làm ra vẻ hôn mê, mà trong lòng vẫn sáng suốt.
6
上六:不明晦,初登于天,後入于地。
Thượng lục: Bất minh di, sơ đăng vu thiên, hậu nhập vu địa.
Dịch: Hào trên
cùng, âm: Không còn là ánh sáng bị tổn thương nữa, lên cao tới trời mà rồi sụp
xuống đất.
Giảng: Hào trên
cùng, âm; ở cuối cùng thời Minh di, lại ở trên cùng ngoại quái Khôn, tức như
người có địa vị tối cao mà lại hôn ám cùng cực; như vậy là tối mù mù, chứ không
phải chỉ là ánh sáng bị tổn hại (Minh di), nữa, cho nên Hào Từ bảo là “bất minh
di”. Có cái tượng lên cao tới trời (địa vị tối cao) mà rồi sụp xuống đất.
Quẻ này khuyên người quân tử ở thời hắc ám quá thì có thể bỏ
nhà, nước mà đi; hoặc muốn ở lại thì giấu sự sáng suốt của mình mà giữ vững đạo
chính để chờ thời.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét