Thứ Bảy, 5 tháng 8, 2023

8. Chương VI. VIỆC NGƯỜI

 

8. Chương VI. VIỆC NGƯỜI


 

Thiên đạo với nhân đạo là một


 

Các học giả phương Tây đều nhận thấy triết học Trung Quốc có đặc điểm này: cho vũ trụ vạn vật cũng một thể. Tư tưởng đó là tư tưởng căn bản của dân tộc Trung Hoa mà triết gia nào: Nho, Lão, hay Mặc cũng chấp nhận[47].

 

Đại biểu vũ trụ là trời, đất; đại biểu vạn vật là người. Trời, đất, người cùng một thể, cho nên người được sắp ngang hàng với trời đất, thành một bộ “tam tài” (ba ngôi). Trời (đất) với người quan hệ mật thiết với nhau (thiên nhân tương dữ); phép tắc của trời đất làm mô phạm cho hành vi của người, thiên đạo tức là nhân đạo; hơn nữa, trời với người còn tương cảm tương ứng với nhau, cho nên người Trung Hoa thời xưa rất coi trọng phép bói, mà quan “Chúc” coi về thiên sự (cầu nguyện trời ban phúc lành cho dân, xem tượng trời, làm lịch để ứng dụng vào nhân sự, coi việc bốc phệ để đoán việc cát hung) luôn luôn làm cố vấn cho các vua chúa, chức ngang với quan “Sử” coi về nhân sự.

 

Thuyết “Thiên nhân tương dữ” đó chắc đã có từ đời Thương hay trước nữa, và tôi đoán rằng nó với thuyết âm dương phải có liên quan với nhau. Cả vũ trụ chỉ là âm dương, trời là dương, đất là âm, trai là dương, gái là âm, như vậy là “nhất thể” rồi; mà loài người bị luật âm dương chi phối, tức luật tự nhiên của trời đất chi phối, thì thiên đạo tức là nhân đạo.

 

Hệ Từ hạ, Ch.10 bảo trong Dịch “gồm cả đạo trời, đạo người, đạo đất, thế là đủ tam tài; rồi nhân hai lên thành sáu hào (dịch… hữu thiên đạo yên, hữu nhân đạo yên, hữu địa đạo yên; kiêm tam tài nhi lưỡng chi, cố viết lục). Ý muốn nói mỗi quẻ gồm sáu hào thì hào 1, 2 là đất; 3, 4 là người; 5, 6 là trời.

 

Thuyết Quái truyện Ch.2 nói rõ thêm, “cho Dịch lập đạo trời là âm dương đạo đất là cứng mềm, đạo người là nhân nghĩa” (lập thiên chi đạo viết âm dữ dương, lập địa chi đạo viết cương dữ nhu, lập nhân chi đạo viết nhân dữ nghĩa)…

 

Những lời đó đúng hay sai, chúng ta chưa cần bàn, chỉ biết rằng Dịch cũng chủ trương thiên đạo với nhân đạo là một, do luật âm dương chi phối.



 

Hình ảnh một xã hội trung chính trong 64 quẻ


 

Phùng Hữu Lan bảo Dịch là “hình ảnh thu nhỏ của toàn thể vũ trụ”. Trong vũ trụ đó có xã hội Trung Hoa thời Chiến Quốc, cả các nước thời sau nữa vì xã hội Trung Hoa thay đổi rất ít cho tới đầu thế kỉ chúng ta; và nếu ta đừng câu nệ từng chữ, thì có thể là có xã hội loài người thời nay nữa.

 

Chương trên chúng ta đã được biết vài nét chính về hình ảnh trời đất; chương này chúng ta sẽ biết thêm về hình ảnh xã hội.


 

Việc hàng ngày


 

- Việc đầu tiên là việc ăn uống. Có quẻ Di (Sơn Lôi Di), quẻ Tỉnh (Thủy Phong Tỉnh), quẻ Đỉnh (Hỏa Phong Đỉnh).

 

Nuôi thân thể, quẻ Di khuyên phải tiết ẩm thực (vì bệnh tòng khẩu nhập) đừng vì miếng ăn mà mang nhục. Nhưng nuôi thân thể không quan trọng bằng nuôi tinh thần: ba hào cuối quẻ Di có nghĩa là nuôi tinh thần, đều được cho là “cát”. Bậc hiền nhân nuôi tinh thần dân chúng có công lớn nhất, ngang với công trời đất nuôi vạn vật. Cho nên xem cách một người tự nuôi mình và nuôi người mà biết được tốt hay xấu (Quan Di, tự cầu khẩu thực – Thoán Từ quẻ Di).

 

- Về việc nuôi tinh thần, có rất nhiều quẻ và chúng tôi sẽ xét trong mục Tu thân, đây chỉ xin kể ít quẻ.

 

Quẻ Li (Thuần Li) dạy ta cách ở đời: Dịch cho rằng mới ra đời, con người có tính chất phác, trong trắng (gần giống thuyết “tính thiện” của Mạnh Tử), nên giữ vững tính đó, giữ đường chính, đừng tự phụ, phải thận trọng, như vậy cho tới suốt đời.

 

Phải biết trau giồi tài đức (quẻ Đại súc Sơn Thiên), biết sửa lỗi (quẻ Phục Địa Lôi), nhưng đừng ham tiến mau quá, mà nên tiến lần lần thôi, như con chim hồng trong quẻ Tiệm Phong Sơn). Tới tột bực thì thành một hạng xuất thế, khí tiết thanh cao, khác phàm, dù không trực tiếp giúp đời, nhưng tư cách có thể làm gương cho đời, nhờ mình mà xã hội văn minh, cũng như cái lông con hồng trang điểm cho đời sống (kì vũ khả dụng vi nghi – hào 6). Ví một bậc cao khiết với con hồng, hình ảnh đó thật đẹp và nên thơ.

 

     Muốn nuôi tinh thần thì phải nhóm bạn tìm thầy: quẻ Tỉ Thủy Địa). Trong việc nhóm bạn, phải cẩn thận từ lúc đầu, thành tín, vì đạo chứ không vì lợi, nhất là phải trọng sự tự do của nhau: ai muốn tới với mình thì niềm nở đón, ai chống mình thì cứ rút lui, không ép ai cả (hào 5).

     Nuôi tinh thần để giúp đời như nước giếng trong quẻ Tỉnh  , thức ăn trong quẻ Đỉnh ; để biết cách tiếp xúc với tiểu nhân: quẻ Lâm , để giúp quân tử thắng tiểu nhân: quẻ Cấu , quẻ Quải 

     Một trong những vấn đề Dịch quan tâm tới nhất là vấn đề nam nữ, vợ chồng. Vì nó là cái “thiên địa chi đại nghĩa”. Có âm dương, nam nữ thì mới có vợ chồng, gia đình và xã hội.

Dịch khuyên:

“Khi trai gái cảm nhau phải cho chính đáng, biết tự chủ, giữ lễ; quẻ Hàm . “Khi con gái về nhà chồng thì phải khiêm tốn; quẻ Qui muội , hào 5; “Vợ chồng ăn ở với nhau theo luật tự nhiên của Càn, Khôn mà phu xướng phụ tùy: quẻ Hằng . Ở dưới chế độ phụ hệ, như vậy là hợp lí.

-     Có gia đình rồi thì phải tề gia, cho nên có quẻ Gia nhân .

 

Tuy phu xướng phụ tùy nhưng phải phân công, đàn bà lo việc trong nhà, đàn ông lo việc ở ngoài, và nam nữ đều có bổn phận, trách nhiệm ngang nhau, đều phải có tư cách đạo đức làm gương cho con cháu (nữ chính vị hồ nội, nam chính vị hồ ngoại; nam nữ chính, thiên địa chi đại nghĩa dã). Trong các triết thuyết thời Tiên Tần chỉ có Khổng giáo chú trọng tới gia đình hơn cả, và Dịch học phải theo chủ trương đó.

 

     Trong việc dạy trẻ, quẻ Mông khuyên phải ngăn ngừa trước lỗi của trẻ, phải nghiêm, đừng quá dùng hình phạt mà sẽ ân hận (hào 1); nhưng thà quá nghiêm còn hơn là quá dễ dãi để tới nổi trẻ luông tuồng mà nhà sẽ suy, loạn (Gia nhân – hào 3).

 

Cũng lại là luật tuần hoàn: cương quá thì trở lại nhu, nhu quá thì trở lại cương, giữ mực trung là hơn cả, nhưng ít ai học được bài học đó.

 

  Nên đọc thêm quẻ Quán : người trên nêu gương cho người dưới.

 

Cha mẹ có bổn phận dạy dỗ, nêu gương cho con; ngược lại con cũng có bổn phận can ngăn cha mẹ để cha mẹ khỏi làm một điều trái đạo lí.

 

Nhiều người hiểu lầm rằng đạo hiếu của Khổng giáo rất khắt khe, bắt con cái phải nhất nhất tuân lệnh cha me, cũng như bề tôi nhất nhất phải tuân lệnh vua, vua có bắt chết cũng phải chết. Tư tưởng đó của Hán Nho, Tống Nho, không phải của Khổng Tử. Quan niệm của Khổng Tử rất hợp tình hợp lí, hiểu trước hết là giữ được danh dự cho gia đình, làm vẻ vang cho tổ tiên.

 

Luận Ngữ, thiên Lí Nhân – bài 18[48], Khổng Tử bảo: “Thờ cha mẹ nên nhỏ nhẹ khuyên can; nếu cha mẹ không nghe theo ý mình thì vẫn cung kính mà không xúc phạm cha mẹ, như vậy tuy khó nhọc, lo buồn, nhưng không được oán hận” (Sự phụ mẫu ki gián, kiến chí bất tòng, hựu kính bất vi, lao nhi bất oán – [事父母幾諫。見志不從,又敬不違,勞而不怨]).

 

Con phải khuyên can cha mẹ vì nếu không, cha mẹ sẽ mắc lỗi trái đạo lí mà cha mẹ mang tiếng xấu, xấu lây với tổ tiên, cả dòng họ; như vậy cha mẹ mang tội bất hiếu với ông bà, tổ tiên, mà mình cũng mang tội bất hiếu với cha mẹ.

 

Khổng Tử chỉ nói vắn tắt thôi. Dịch, quẻ Cổ diễn rõ hơn: 

     Hào 1: Sửa lỗi cho cha, nhờ con mà cha không có lỗi, nhưng phải thận trọng thì mới tốt. 

     Hào 2: Sửa lỗi cho mẹ, không nên cố chấp mà phải mềm dẻo.

     Hào 3: Nếu sửa lỗi cho cha mà nói thẳng quá thì đáng ăn năn, nhưng không có lỗi lớn vì giữ được đạo lí cho cha.

     Hào 4: Nếu do dự, không dám can cha, để cha mắc lỗi thì sẽ hối tiếc.

     Hào 5: Can cha để cha sửa lỗi thì được tiếng khen.

 

Chúng ta thấy 5 hào (không kể hào 5 nói chung về các hiền nhân sửa lỗi cho thiên hạ) thì có 4 hào sửa lỗi cha, chỉ có 1 hào sửa lỗi mẹ: rất hợp tâm lí vì đàn bà vốn nhu thuận, dễ nghe lời khuyên hơn. Khi sửa lỗi cha, vì đàn ông vốn cương nghị nên Hào Từ khuyên con phải rất thận trọng. Thận trọng nhưng vẫn cương quyết (hào 4) nếu vì quá trực ngôn mà làm phật ý cha thì tuy đáng ân hận đấy, nhưng không mắc lỗi lớn; mà khi thành công còn được tiếng khen nữa. 

Như vậy Dịch còn cương quyết hơn Luận Ngữ. Kính trọng cha mẹ thì phải trọng đạo lí, tiếng tốt của cha mẹ. Quan niệm đó đâu có hẹp hòi, tôi cho là hợp tình, hợp lí. 

Còn nhiều quẻ nói về các việc hàng ngày nữa, tôi dành lại cho một tiết sau: Đạo làm người.

 

Ở đây tôi chỉ xin giới thiệu thêm quẻ Tụng nói về việc kiện cáo và quẻ Lữ nói về cảnh lưu lạc quê người. 

     Quẻ Tụng gồm Càn ở trên, Khảm ở dưới. Từ cái hình tượng trời ở trên nước mà suy diễn ra thành việc kiện tụng, thật là điều làm cho ta ngạc nhiên. Đọc lời giảng của Thoán truyện (trong quẻ 6 phần II) chúng ta thấy sự suy diễn đó có lí. 

Có hai cách giảng: 

     Tách ngoại quái và nội quái ra mà giảng, coi ngoại quái Càn là người trên cương quá, áp chế người dưới; nội quái Khảm là kẻ âm hiểm, hai kẻ đó đụng chạm nhau tất sinh ra kiện cáo.

     Gồm cả ngoại quái và nội quái, coi trùng quái chỉ là một người, trong lòng thì nham hiểm (nội quái là Khảm), mà ngoài thì cương (ngoại quái là Càn), tất hay gây sự, sinh ra kiện cáo.

 

Rồi tới sáu hào: 

     Hào 1: Đã xảy ra vụ kiện thì dù có chỗ dựa, mình cũng không nên ỷ thế sinh sự kéo dài vụ kiện; nên nhường nhịn có thua thiệt một chút thì cũng thôi, sau sẽ được biện minh.

     Hào 2: Nếu thế mình yếu, thì rút lui, tránh đi (trứng không chọi nổi với đá), như vậy mới không bị tội lỗi.

     Hào 3: Nếu bề trên của mình muốn lôi kéo mình vào một vụ kiện, một vụ tranh chấp, mình không thể từ chối được thì mình cứ giữ đạo chính, phải giúp bề trên thì giúp lấy lệ thôi, đừng khoe tài, ham lập công.

     Hào 4: Bỏ ý ham kiện đi, theo lẽ phải, ở yên thì tốt.

    Hào 5: Người xử kiện nên có đức có tài; người đi kiện hay bị kiện mà gặp được người xử kiện như vậy thì không gì tốt bằng.

     Hào 6: Kẻ nào ham kiện quá thì dù có may ra được kiện, rốt cuộc cũng bất lợi.

 Ý các hào rất nhất trí, hào nào cũng nói về kiện tụng, không lạc ra ngoài: lại sáng sủa mà xét đủ các hoàn cảnh tốt xấu trong các vụ kiện; nhất là lời khuyên răn thật sáng suốt; nên tránh sự kiện cáo. Hào 3 không kiện với ai: tốt; hào 2 và 4 muốn kiện mà sau thôi, cũng tốt, hào 1 bị kiện thì nên nhường nhịn một chút, rốt cuộc rồi sẽ tốt; duy có hào 6 hăng kiện tới cùng thì xấu. Hào 5 tỏ ý ước mong có một toà án công minh.

 

Chỉ dùng luật tương ứng của âm dương, dùng cái thế và vị của các vạch liền và đứt, không gượng ép chút nào mà suy diễn ra được những điều hợp lí để răn đời như vậy, tôi cho là tài tình rất mực. Có thể áp dụng quẻ đó vào các vụ tranh chấp trên thế giới thời nay.

 

     Quẻ Lữ gồm Li ở trên, Cấn ở dưới, là lửa ở trên núi . Chỗ ở của lửa là bếp, lò, nay lại xuất hiện trên núi thì là mất chỗ ở, là di cư, ở đậu (Lữ). 

Thời nào cũng có cảnh ở đậu đất khách: Người lớn thì vì nghèo phải bỏ quê, đi làm ăn ở nơi khác; trẻ con thì vì mồ côi hay vì cha mẹ không nuôi nổi mà phải ở nhờ ông chú bà bác. Nhưng trong những thời loạn lạc như thời Chiến Quốc ở Trung Hoa hay thời chúng ta trên khắp thế giới thì cảnh “Lữ” mới gần như không tránh một ai và non triệu đồng bào chúng ta ở ngoại quốc lúc này không khỏi bùi ngùi khi đọc quẻ Lữ.

 

Cảnh ở đậu là cảnh bất đắc dĩ, nhiều lắm chỉ có thể hơi hanh thông được thôi, cho nên trong sáu hào, không có hào nào được coi là rất tốt; ngay đến hai hào tốt nhất, đắc trung đắc chính là hào 2 và hào 5 cũng chỉ được khen là tốt lành (hào 3) là có phúc, lộc (hào 5). Còn bốn hào kia thì xấu nhiều hay ít cả: ít thì như hào 4; không được ai giúp đỡ, trong lòng không vui; nhiều như hào 3, hào 1 và hào 6: hào 3 vì quá cương, không biết mềm mỏng nên dù mình có ngay thẳng thì cũng nguy; hào 1 vì tư cách hèn hạ, tham lam nên bị người ta ghét mà rước họa vào mình; hào 6 vì thân đi ở trọ mà lại muốn lấn chủ nhà, nên bị người ta đuổi đi.

 

Tóm lại, theo Dịch, cái đạo ở đậu là mềm mỏng, đừng tham lam, đừng làm để người ta khỏi ghét; nhưng mặt khác cũng phải sáng suốt, giữ tư cách để người ta khỏi khinh. Lời khuyên đó rất đúng.



 

Việc trị dân


 

     Về nhiệm vụ dưỡng dân, giáo dân của nhà cầm quyền, chúng ta có thể suy từ những quẻ Di, Mông, Đại Súc chúng tôi đã giới thiệu ở tiết trên, khỏi phải nhắc lại, chỉ xin nói thêm về chính sách kinh tế trong quẻ Tiết và quẻ Khiêm.

 

Thoán truyện quẻ Tiết bảo nhà cầm quyền nên theo luật tiết chế của trời đất “bốn mùa nắng, mưa, nóng lạnh đều có chừng mực”, mà trị dân: hạn chế lòng ham muốn, tính xa xỉ của con người, bắt dân làm việc vừa sức thôi, như vậy không tốn của cải, không hại dân (Tiết dĩ chế độ, bất thương tài, bất hại dân).

 

Đại Tượng truyện hiểu xa hơn, khuyên người trị dân hạn định một chừng mực nào đó trong sự làm việc và hưởng thụ của dân, tùy đạo đức, tài nghệ của mỗi người (Quân tử dĩ chế số độ, nghị đức hạnh). Như vậy là cho chữ Tiết một tác dụng rất lớn: tiết chế có nghĩa gần như kế hoạch hóa ngày nay và có mục đích thi hành sự công bằng trong xã hội, như lời Đại Tượng truyện quẻ Khiêm: “xứng vật bình thí”: cho sự vật được cân xứng, quân bình.

 

Muốn “xứng vật bình thí” thì phải “biều đa ích quả”: bớt chốn nhiều bù chốn ít. Đó là đạo của trời:

 

“Khuy doanh nhi ích khiêm”: đầy thì làm cho vơi đi, kém thì bù đắp vào.

 

Khổng, Lão đều đã nghĩ như vậy. Luận Ngữ, thiên Quí Thị, bài một, Khổng Tử bảo Nhiễm Cầu: trong nước hễ phân phối quân bình thì dân không nghèo (quân vô bần); và Lão Tử trong Đạo Đức Kinh Chương 77 bảo: “Đạo trời bớt chỗ dư bù chỗ thiếu. Đạo người thì không vậy: bớt chỗ thiếu mà thêm chỗ dư. Ai là người có dư mà cung cấp cho người thiếu thốn trong thiên hạ đây? (Thiên chi đạo tổn hữu dư bổ bất túc. Nhân chi đạo tắc bất nhiên, tổn bất túc dĩ phụng hữu dư. Thục năng hữu dư dĩ phụng thiên hạ?)

 

Về việc hình pháp có quẻ Phệ hạp, đại ý khuyên người xử hình phải sáng suốt trước hết, cương quyết mà cũng cần có đức nhu (để bớt cương đi), có chút từ tâm, và luôn luôn giữ đạo chính, thận trọng như hai hào 4, 5. Nếu không trung chính, dùng hình ngục mà không được người phục, có phần bị oán nữa thì tuy đáng ân hận đấy mà không có lỗi lớn vì mình muốn giữ trật tự trong xã hội. Tôi cho như vậy không hợp với chủ trương trọng lễ hơn hình pháp, chủ trương trung hậu của đạo Nho (tội mà còn nghi ngờ thì nên phạt nhẹ – tội nghi duy khinh), và tôi ngỡ rằng Dịch truyện đã chịu chút ít ảnh hưởng của thời Chiến Quốc, của phái pháp gia.

 

Nhưng quẻ Phệ hạp cũng khuyên nên răn đe từ khi dân mới mắc tội nhỏ, nếu không dân sẽ quen làm bậy, ác cứ tích lũy mà mắc tội lớn. Lời đó rất đúng.

 

Thời Xuân Thu và Chiến Quốc, người ta thường coi quẻ trước khi ra quân. Quẻ  bàn về việc ra quân, nghĩa hay, đủ, lời gọn mà không gượng. Quẻ một hào dương (hào 2) với 5 hào âm: nhất dương thống lĩnh quân âm, như một ông tướng điều khiển đoàn quân. 

Đại ý của quẻ: 

     Bất đắc dĩ mới phải ra quân, ra quân phải có chính nghĩa.

    Dùng tướng phải lựa người xứng đáng (như hào 2, dương cương mà đắc trung), đừng để cho kẻ bất tài (hào 3) tham gia.

     Phải cẩn thận từ lúc đầu, kỉ luật nghiêm minh, nhưng phải khéo léo để khỏi mất lòng dân, quân.

     Nếu gặp kẻ địch đương ở thế mạnh thì hãy tạm tránh, không sao.

     Điều này đáng để ý nhất: khi thành công rồi, luận công ban thưởng thì kẻ tiểu nhân (ít tài, ít đức, chỉ giỏi giết giặc thôi) có công, chỉ nên thưởng họ tiền bạc, đừng giao cho họ trọng trách (như cai trị một vùng, cầm đầu một bộ, một viện…); trọng trách phải về những người có tài đức, như vậy mới thịnh được. Từ xưa tới nay, biết bao nhà cầm quyền mắc lỗi đó khiến cho “thắng trong chiến tranh mà lại bại trong hòa bình”. Bất đắc dĩ mới ra quân, ra quân phải có chính nghĩa, đó là chủ trương chung của các phái Khổng, Lão, Mặc. Họ trọng văn hơn võ. Dịch cho Càn là chính, Khôn phụ thuộc Càn, nhưng cũng nhận âm có các ý văn vẻ, khiêm nhu, là đức của người văn minh, cho nên cho hào 6 quẻ Khôn là rất tốt, và tượng trưng bằng cái xiêm vàng, xiêm thì đẹp đẽ mà màu vàng vừa đẹp vừa sáng, quí, chỉ vua chúa mới được dùng. Dân tộc Trung Hoa thời Xuân Thu hiếu hòa cũng như mọi dân tộc nông nghiệp, nên trên hai ngàn năm mấy lần điêu đứng vì các dân tộc du mục hiếu chiến ở phía Bắc và Tây, hết rợ Hồ, tới rợ Kim, rợ Mông, rợ Mãn.

 

     Cách đối với dân, có các quẻ Đồng nhân , Tỉ , Hoán . 

    Điều quan trọng nhất là đoàn kết được nhân dân, khiến cho trên dưới hòa đồng. Muốn vậy thì phải bỏ tinh thần đảng phái, tôn trọng quyền của mỗi người, phân biệt nhiều hạng người, cho mỗi người được phát triển sở năng, thỏa mãn sở nguyện (Đại Tượng truyện quẻ Đồng nhân). Công việc hòa đồng nào mới đầu cũng bị nhiều kẻ ngăn cản, không dễ gì thực hiện ngay được, dù là hợp với công lí, với hạnh phúc số đông (hào 5 quẻ Đồng nhân).


Cũng nên nhớ thêm hào 5 quẻ Tỉ: để cho người ta tự do, ai phục tòng mình thì tới, không thì cứ rút lui, mà mình thì phải trung, chính; nếu mình có tà tâm, mưu cầu tư lợi, dùng thủ đoạn để ép buộc người ta thì người ta miễn cưỡng theo rồi cũng chống lại mình.

 

Có khi để đoàn kết toàn dân, mình phải biết giải tán bè phái của mình, như lời khuyên trong các hào 3, 4 quẻ Hoán. 

     Hào 3 bảo: đánh tan lòng riêng tư của mình đi thì không hối hận. 

    Hào 4: giải tán bè phái của mình đi, rất tốt, vì như vậy là giải tán cái nhỏ để tập hợp thành cái lớn (như tập hợp cả quốc dân mà cùng lo cứu nước).

     Ngược lại với quẻ Hoán là quẻ Tụy nói về sự lập đảng hay liên minh.

 

Thoán truyện quẻ đó khuyên người lập đảng hoặc vị minh chủ phải là bậc đại nhân, tài đức hơn người, được mọi người tin, trọng, phải giữ vững đạo chính có đường lối chính đáng, nhất là phải có lòng chí thành như khi vua vô nhà Thái Miếu dâng lễ.

 

Đại Tượng truyện khuyên thêm: khi nhóm họp, nên có tinh thần hòa thuận.

 

     Cách dùng người: không có một quẻ riêng nói về cách dùng người, nhưng xét các hào 5, 4, 2 trong các quẻ thì chúng ta gặp rất nhiều trường hợp dùng người. Hào 5 thường là vị nguyên thủ, người cầm đầu, có quyền nhất; hào 4 thường là vị cận thần tay chân của vị nguyên thủ; còn hào 2 thường là một chức quan lớn hay nhỏ ở xa nguyên thủ; hoặc một kẻ sĩ chưa ra làm quan; hào 5 và hào 2 tương ứng với nhau nhưng ở xa nhau; hào 5 và hào 4 không tương ứng nhưng ở gần nhau.

 

Trường hợp tốt nhất là vị nguyên thủ có tài đức mà gặp được một kẻ sĩ cũng có tài đức, người trên biết tin dùng người dưới, người dưới cùng chí hướng với người trên thì dễ làm nên việc lớn như hào 5 và hào 2 quẻ Càn .

 

Người trên ít tài nhưng sáng suốt, biết dùng người có tài thì cũng tốt, như hào 5 với hào 2 quẻ Lâm , hoặc như hào 5 và hào 2 quẻ Sư : vua trao toàn quyền cầm quân cho một vị tướng lão thành.

 

Ông vua có tài, có đức mà cận thần biết phục đức sáng của vua, đem tài đức ra giúp đời thì cũng tốt, như hào 5 và hào 4 quẻ Quán .

 

Nếu hào 5 và 4 đều là dương cương cả, vua và cận thần đều có tài, đều cương cường cả thì dễ lập được sự nghiệp, nhưng cận thần công lao lớn quá mà lại được lòng dân nữa thì khi công thành rồi, sẽ bị vua ghen ghét mà nguy cho mình, như trường hợp Nguyễn Trãi.

 

Nếu hào 5 và 4 đều khiêm nhu như trong quẻ Khiêm thì tốt cho 4 nhưng không tốt mấy cho 5, vì 5 thiếu uy.

 

Theo luật âm dương thì như vậy, nhưng Dịch phải có tính cách biến thông, cho nên tốt xấu còn tùy ý nghĩa của cả quẻ, tức của thời (coi tiết Thời ở sau), chứ không phải chỉ tùy ý nghĩa của mỗi hào.

 

Nguyên tắc chung trong sự dùng người là người trên phải chí thành mới cảm hóa được người dưới, nhưng cũng phải có uy mới sai khiến được họ; mà người dưới cũng phải có lòng chí thành với người trên: như hào 5 và 2 quẻ Trung phu (có đức tin trong lòng, tức có lòng chí thành). 

     Hào 5: Ở ngôi chí tôn, có đức trung chính, thành tín, buộc được lòng thiên hạ.

     Hào 2: Ứng với hào 5, cũng có đức dương cương, có lòng thành thực như 5, nên tương đắc nhau, như hạc mẹ gáy, hạc con họa lại. 

Hai hào đó hợp thành một cặp rất tốt, cũng như hai hào 5 và 2 quẻ Càn . Trái lại, hào 5 quẻ Đại hữu tuy cũng có đức chí thành nhưng ở vị chí tôn mà là âm, nhu nhược, nên Hào Từ khuyên phải có chút uy. Hào 5 quẻ Khiêm  cũng vậy, tuy đắc trung thu phục được nhiều người, nhưng vì là âm, nhu quá, không phải là tư cách ông vua, nên Hào Từ khuyên nên dùng võ uy.

 

Tôi xin giới thiệu thêm hai quẻ nữa: Cách Giải :

 

Cách có nghĩa thay đổi (như từ ngữ cải cách), mà trong xã hội, sự thay đổi lớn nhất là Cách mạng, thay đổi mạng trời, tức hạ một ông vua tàn bạo không làm tròn sứ mạng trời trao cho, để lập một triều đại mới, như vua Thang đuổi Kiệt mà cách mạng nhà Hạ, vua Võ diệt Trụ mà cách mạng nhà Thương. 

Thoán Từ của Văn Vương chỉ nói “thay cũ đổi mới là một việc phải lâu ngày người ta mới tin được”, vì người ta có thói quen thủ cựu, “lại phải hợp thời, hợp chính đạo thì người ta mới phục”. 

Thoán truyện giảng thêm: phải sáng suốt, hòa duyệt (hợp lòng dân) thì mới thành công. Mà như vậy là hợp đạo trời: trời đất thay đổi bốn mùa, mà vạn vật mới sinh trưởng được. Hào Từ của Chu Công bàn kĩ hơn về điều kiện, tư cách người làm cách mạng, sự chuẩn bị và kết quả. 

Điều kiện là phải hợp thời. Tư cách là phải có địa vị, có tài (hào 1) tức như Mạnh Tử sau này nói, phải là một bực “thiên lại” có thể “thế thiên hành đạo” được. 

Phải chuẩn bị kĩ, tạo những hoàn cảnh thuận tiện để người trên kẻ dưới tin mình (hào 2); nếu nóng nảy làm liều thì hỏng việc, nên thận trọng tính toán kế hoạch ba lần (hào 3), nên có lòng chí thành, và biết uyển chuyển vừa cương vừa nhu (hào 4).

 Được như vậy thì dân chúng hết lòng tin và sẽ thành công mĩ mãn, làm cho “xã hội thay đổi, tốt đẹp, mới mẻ lên, như con hổ thay lông” (hào 5). 

Tuy nhiên, ta nên nhớ bản tính con người vốn ghét sự thay đổi thói quen, lối sống, cho nên chỉ có bậc quân tử mới thực tâm hiểu và theo sự cải cách, còn hạng tiểu nhân thì chỉ miễn cưỡng theo ngoài mặt. Như vậy cũng tốt đẹp rồi; và nên ngưng lại đừng cải cách hoài mà gây lòng oán của dân (hào 6). Tóm lại, bất đắc dĩ mới phải làm cách mạng. Lời khuyên đó thật sáng suốt, thấu tâm lí con người; phải là người đã làm cách mạng như Chu Công mới nghĩ tới. 

Quẻ Cách này là tài liệu duy nhất tôi được thấy về thuật làm cách mạng thời Tiên Tần.

 

Trong một cuộc cách mạng dù hợp thời, hợp lòng dân tới mấy, thế nào cũng có một số người vì trung thành với triều đại cũ, vì tư lợi, chống đối mình, gây rối loạn, mình phải dẹp để giải nạn. Đó là ý nghĩa quẻ Giải . 

Thoán TừThoán truyện quẻ này khuyên: Khi giải nạn xong, thì dân chỉ mong an cư lạc nghiệp, người trị dân nên có chính sách khoan đại, giản dị, đừng đa sự, cứ khôi phục trật tự cũ cũng đủ tốt rồi. Tuy nhiên cũng phải trừ những tệ đã gây ra những hoạn nạn trước kia, cũng phải sửa đổi cho sự bình định được lâu dài, công việc đó làm cho mau xong (vẫn là ý đừng đa sự) thì tốt. 

Đại Tượng truyện bảo nên tha tội cho những kẻ lầm lỗi trước, nếu không thể tha được thì cũng nên giảm án nhẹ đi. 

Những lời khuyên đó đều xác đáng.


 

Chúng tôi nhận thấy trong 64 quẻ, không quẻ nào nói riêng về việc tế lễ, một việc thời xưa từ nhà cầm quyền tới dân đều cho là rất quan trọng; nhưng rải rác trong nhiều quẻ, và nhiều hào hễ ngẫu nhiên nói về tế lễ thì bao giờ cũng khuyên trước hết phải chí thành.

 

Như quẻ Tụy nói về việc nhóm họp, phải chí thành, Thoán Từ bắt đầu bằng 4 chữ “vương cách thái miếu” (Như vua đến tế lễ ở nhà thái miếu).

 

Quẻ Hoán 
, trái lại, nói về việc lìa tan, cũng khuyên phải có lòng chí thành và Thoán Từ cũng mở đầu bằng 4 chữ “vương cách thái miếu”

 

Vậy người Trung Hoa cho công việc tế lễ cần có lòng chí thành nhất, và hễ nói đến lòng chí thành thì lấy việc tế lễ làm thí dụ. Có lòng chí thành là đủ, lễ vật nhiều ít là điều phụ.

 

Như quẻ Tụy , Thoán Từ bảo: “lễ vật hậu hĩ thì tốt” (dụng đại sinh, cát) nhưng hào 2 cùng quẻ đó lại bảo “chí thành thì như trong việc tế lễ, dùng lễ mọn cũng tốt”.

 

Quẻ Kí tế , hào 5, lại nói: “Hàng xóm bên đông (hào 5) mổ bò (làm tế lễ lớn) mà thực tế không được hưởng phúc bằng hàng xóm bên tây (hào 2) chỉ tế lễ sơ sài”. Cả hai đều có lòng chí thành ngang nhau, nhưng hào 2 gặp thời hơn nên may mắn hơn, được hưởng phúc hơn.

 

Độc giả có thể coi thêm Thoán Từ quẻ Quán  , các Hào Từ hào 2 quẻ Tốn , hào 2 quẻ Thăng , hào 5 quẻ Khốn



 

Tu thân, đạo làm người


 

Thoán TừHào Từ thường khuyên ta nên có thái độ ra sao, giữ những đức nào, nhưng vẫn nhằm mục đích xu cát tị hung, nghĩa là vẫn chú trọng vào việc bói toán. Thoán truyện còn dựa vào Thoán Từ mà bàn rộng thêm về đạo làm người; đến Tượng truyện thì coi thường việc bói mà chỉ xét về đạo làm người, đem nhiều tư tưởng của Nho giáo vô Kinh Dịch, tới nỗi có người trách tác giả Tượng truyện là “làm công tác tuyên truyền” cho đạo Nho, như trong Chương II chúng tôi đã nói.

 

Chúng tôi lấy thí dụ quẻ Đại Súc để độc giả nhận thấy rõ điều đó. 

Thoán Từ chỉ nói: Chứa lớn: chính đáng (theo chính đạo) thì lợi. Không phải ăn cơm nhà (tức được hưởng lộc của vua), tốt (Đại Súc: lợi trinh, bất gia thực, cát).

Thoán truyện giảng: chứa lớn là chứa đức cương kiện của quẻ Càn, đức thành thực, rực rỡ của quẻ Cấn (vì quẻ Đại Súc gồm quẻ Càn ở dưới, quẻ Cấn ở trên), mỗi ngày phải sửa đức cho mới hoài (nhật tân kì đức). Giảng như vậy tuy có rộng thật, nhưng còn dựa vào lời Thoán truyện.

 

Tới Đại Tượng truyện thì bảo người quân tử phải tìm tòi nghiên cứu, những lời xưa vết cũ của Thánh hiền, mà biết cho đến nơi đến chốn, làm cho đến nơi đến chốn để nuôi chứa đức của mình (Quân tử dĩ đa thức tiền ngôn vãng hành dĩ súc kì đức). Rõ ràng là một bài luân lí không còn liên quan gì tới việc bói toán nữa.

 

Cả Văn Ngôn truyệnHệ Từ truyện cũng nhấn vào tính cách luân lí đó mà người thời Chiến Quốc và thời Hán lần lần gán thêm cho Kinh Dịch.



 

Chín đức để tu thân


 

Chương VII – Hệ Từ hạ chỉ ra chín quẻ mà người quân tử phải nghiền ngẫm để sửa đức, tức các quẻ:

 

     Lí, cái nền của đức, vì Lí là lễ, cung kính, thận trọng. (Quẻ Thiên Trạch Lí). 

     Khiêm, cái cán của đức, khiêm là khiêm tốn, tự hạ. (Quẻ Địa Sơn Khiêm).

     Phục, cái gốc của đức, vì phục là trở lại, khôi phục lại thiên lí. (Quẻ Địa Lôi Phục).

     Hằng, là cái bền vững của đức, vì hằng là giữ lòng cho bền, không thay đổi. (Quẻ Lôi Phong Hằng).

     Tổn, là sự trau giồi đức, trau giồi bằng cách bớt lòng dục, bớt lòng giận. (Quẻ Sơn Trạch Tổn).

     Ích là sự nảy nở đầy đủ của đức, ích có nghĩa là tăng tiến cái đức. (Quẻ Phong Lôi Ích).

   Khôn là để nghiệm xem đức mình cao hay thấp, vì có gặp thời khốn, gặp nghịch cảnh mới biết mình giữ được đạo, được tư cách không. (Quẻ Thuần Khôn).

    Tỉnh là sự dày dặn của đức, tỉnh là giếng là nơi nước không cạn mà cũng không tràn, giúp ích cho đời, công dựng đầy khắp dày dặn. (Quẻ Thủy Phong Tỉnh).

     Tốn là sự chế ngự đức, để được thuần thục, linh hoạt, biết quyền biến.  (Quẻ Thuần Tốn).

 

Chín đức đó quan trọng thật đấy, nhất là đức Khiêm mà Thoán truyện quẻ Khiêm rất đề cao, coi nó là đạo của trời đất: “Đạo trời giao tế xuống dưới thấp, đó là đức Khiêm của trời, vì thế mà phát dục được vạn vật, công tạo hóa càng ngày càng rực rỡ, đạo đất chịu ở dưới thấp hết thảy vạn vật, đó là đức khiêm của đất, vì thế mà khí âm bốc lên giao tế với khí dương, như vậy là trời đất cùng khiêm cả” (Thiên đạo hạ tế nhi quang minh, địa đạo ti nhi thượng hành). “Đạo trời làm vơi chỗ đầy mà thêm vào chỗ thiếu (khiêm) đạo đất biến đổi (làm sụp) chỗ đầy mà đổ vào chỗ thiếu; quỉ thần làm hại chỗ đầy là làm phúc cho chỗ thiếu; đạo người ghét chỗ đầy yêu chỗ thiếu. Khiêm thì cao quí mà sáng, thấp (tự hạ) mà không ai có thể vượt qua, đó là mức cuối cùng của người quân tử” (Thiên đạo khuy doanh nhi ích khiêm, địa đạo biến doanh nhi lưu khiêm; quỉ thần hại doanh nhi ích khiêm, nhân đạo ố doanh nhi hiếu khiêm. Khiêm tôn nhi quang, ti nhi bất khả du, quân tử chi chung dã)

 

Câu cuối: “Khiêm tôn nhi quang, ti nhi bất khả du” sao mà có giọng Đạo Đức Kinh thế: “Thánh nhân hậu kì thân nhi thân tiên” – Chương 7, “Thánh nhân dục thượng dân bất dĩ ngôn hạ chi, dục tiến dân tất dĩ thân hậu chi” – Chương 66.

 

Tiểu Tượng truyện hào 1 quẻ Khiêm (Quẻ Địa Sơn Khiêm) cũng khuyên như Lão Tử:

“Người quân tử khiêm rồi lại khiêm, tự ti để nuôi đức mình” (Khiêm khiêm quân tử, ti di tự mục dã). 

“Người quân tử khiêm rồi lại khiêm, dùng đức đó mà qua được sông lớn (qua được tai nạn)” (Khiêm khiêm quân tử, dụng thiệp đại xuyên).

 

Hào 3: “Bậc quân tử cần mẫn, khó nhọc mà khiêm thì vạn dân đều theo” (Lao khiêm quân tử, vạn dân phục dã). 

Đạo khiêm còn được nhắc trong nhiều chỗ khác nữa, như trong:

 

     Quẻ Đại Hữu , hào 4: Tuy giàu có mà đừng làm ra vẻ thịnh vượng, phải khiêm tốn thì không có lỗi. 

     Quẻ Qui Muội , hào 5: Em gái vua Đế Ất mà gả cho người bình dân. Và khi về nhà chồng, y phục lại không đẹp bằng y phục cô phù dâu, như vậy là rất khiêm tốn, tốt.

     Quẻ Minh Di , Thoán truyện khuyên nên giấu bớt sự sáng suốt của mình đi, mà vẫn giữ được chí hướng, không khoe tài khoe giỏi, cũng là khiêm tốn nữa. Nên so sánh với câu “Tri, bất tri, thượng” (Biết mà làm ra bộ không biết, như vậy là sáng suốt nhất) – Chương 71 trong Đạo Đức Kinh.



 

Thêm vài đức nữa


 

Nhưng nào chỉ có 9 đức nêu trong Hệ Từ hạ đó mà thôi, còn nhiều đức khác cũng quan trọng, như đức Cường, tự cường trong quẻ Càn. 

Càn gồm 6 hào đều là dương cả, tượng trưng cho trời. 

“Sự vận chuyển của trời mạnh, người quân tử (nên theo đạo của trời) mà tự cường mãi, không nghỉ” (Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức – quẻ Càn – Đại Tượng truyện) 

Hào Từ hào 3 quẻ Càn cũng nói: “Người quân tử suốt ngày hăng hái tự cường” (Quân tử chung nhật càn càn).

 

Còn nhiều quẻ khác nữa cũng thường nhắc tới đạo cường như:

 

     Quẻ Mông , Đại Tượng truyện giảng: quẻ này ngoại quái là Cấn, núi, nội quái là Khảm, nước suối, vậy là dưới núi có suối phun ra, thế nước mạnh; người quân tử nên mạnh mẽ như giòng suối đó, quả cảm hành động để nuôi cái đức. (Sơn hạ xuất tuyền, mông; quân tử dĩ quá hành dục đức).

 

     Quẻ Hằng , Đại Tượng truyện giảng: quẻ này ngoại quái là Chấn, sấm, nội quái là Tốn; gió; (trời đất có lúc biến động như sấm, gió, nhưng đạo trời thì vạn cổ y nhiên), người quân tử nên bắt chước thế mà tự lập không bao giờ thay đổi ý chí (lôi phong hằng, quân tử dĩ lập, bất dịch phương).

 

     Quẻ Nhu , Thoán truyện bảo: Cương kiện mà không hãm (nghĩa là thông đạt) thì không khốn cùng: (Cương kiện nhi bất hãm, kì nghĩa bất khốn cùng hĩ).

     Quẻ Đại Hữu , Thoán truyện giảng: Nội quái là Càn, tức ở trong có đức cương kiện, ngoại quái là Li là ở ngoài có đức văn minh; như vậy đức của quẻ Đại Hữu là cương kiện mà văn minh, ứng với trời mà tùy thời thi hành thì rất tốt (kì đức cương kiện nhi văn minh, ứng hồ thiên nhi thời hành, thị dĩ nguyên hanh).

  Quẻ Đại Súc , Thoán truyện bảo: cứng mạnh, thành thực, rực rỡ mỗi ngày phải sửa đức cho mới hoài, ở ngôi tôn, nghiêm nghị mà chuộng người hiền, ngăn được sự mạnh, như vậy là bậc đại chính (Cương kiện, đốc thực, huy quang, nhật tân kì đức, cương thượng nhi thượng hiền, năng chỉ kiện, đại chính dã).

 

Còn nhiều chỗ khác, không thể dẫn hết được. Dịch học phái cho hào dương tượng trưng người quân tử, mà dương thì cương kiện vậy đức đầu tiên của người quân tử phải là tự cường bất tức.

 

Nhật tân, cương quyết tự trau giồi đạo đức không nghỉ, mỗi ngày thêm một điều mới.


 

Nhưng Dịch có dương thì có âm, có Càn thì có Khôn, cho nên đức nhu cũng được trọng, mà như vậy không phải là mâu thuẫn vì Dịch học chủ trương phải tùy thời, phải biết biến đổi, không cố chấp; đàn ông trọng cương, đàn bà trọng nhu, người trên nên cương, người dưới nên nhu, lại có lúc người trên cũng nên nhu mà người dưới cũng nên cương. Cương là ý nghĩa của quẻ Càn, nhu là ý nghĩa quẻ Khôn. Sau Càn tiếp ngay tới Khôn.

 

Dịch cho Khôn có đức nhu thuận, nhờ vậy mà tiếp tục công việc của Càn để nuôi vạn vật, chở được vạn vật. Cho nên bài học của Càn là “quân tử tự cường bất tức”, thì bài học của Khôn là “Quân tử dĩ hậu đức tải vật” (Người quân tử nhờ đức đầy mà dung chở được vạn vật. Đại Tượng truyện quẻ Khôn).

 

Thoán truyện bảo: “An tĩnh giữ đức trinh (bền vững), hợp với đạo vô cùng của đất” (An trinh chi cát, ứng địa vô cương)

     Quẻ Hằng cũng trọng đức nhu: “Hằng nghĩa là lâu dài: cứng ở trên mà mềm ở dưới, sấm gió cùng hiện với nhau (vì quẻ Hằng gồm quẻ Chấn ở trên là sấm, quẻ Tốn ở dưới là gió, sấm thì cương, gió thì nhu), nhún nhường mà động, cứng mềm đều ứng nhau” (Hằng, cữu dã,… Cương thượng nhi nhu hạ, lôi phong tương dữ, tốn nhi động, cương nhu giai ứng – Thoán truyện)

 

     Quẻ Tùy cũng khuyên phải cương mà cũng phải nhu: “Quẻ Tùy: cái cứng đến mà ở dưới cái mềm (vì gồm quẻ Chấn là sấm, cứng, ở dưới quẻ Đoái là chằm, mềm), động mà đẹp lòng (đoái còn có nghĩa là đẹp lòng)” – (Tùy: cương lai nhi hạ nhu, động nhi duyệt – Thoán truyện).

 

Tự cường bất tức, cương kiện là chủ trương của Nho. Chúng ta nhớ cách Khổng Tử dạy học, bắt môn sinh phải tận lực tiến hoài, mỗi ngày mỗi tháng biết thêm được điều mới mà không quên điều cũ, luôn luôn ôn cố tri tân, “học thì như sợ không kịp, học được điều gì rồi thì sợ quên mất” (Học như bất cập, do củng thất chi – Luận Ngữ – Thái Bá – bài 17), khiến môn sinh ưu tú nhất của ông là Nhan Hồi phải than thở:

 

“Thầy – tức Khổng Tử – dùng thư tịch mà mở rộng tri thức ta, dùng lễ tiết ước thúc hành vi của ta, dù ta muốn thôi cũng không được. Ta tận dụng năng lực mà cơ hồ vẫn thấy có cái gì cao lớn sừng sửng ở phía trước, ta muốn leo lên tới cùng mà không sao theo cho nổi” (Luận Ngữ – Tử Hãn bài 10).

 

Nhu , trái lại là chủ trương của Lão.

 

Đạo Đức Kinh Chương 35, Lão bảo: “Nhu nhược thắng cương cường” – Chương 78, ông chứng minh:


“Trong thiên hạ không có gì nhu nhược hơn nước, mà phá được cái cương cường thì không gì hơn nó: như nước chảy hoài mà đá phải mòn.

 

Chương 76 ông lại nói: “Người ta sinh ra thì mềm yếu mà khi chết thì cứng đơ. Thảo mộc sinh ra thì mềm dịu mà khi chết thì khô cứng. Cho nên cứng mạnh là cùng loài với chết, mềm yếu là cùng loài với sống” (Nhân chi sinh dã nhu nhược, kì tử dã khô cảo. Cố kiên cường giả, tử chi đồ; nhu nhược giả, sinh chi đồ).

 

Hai chủ trương ngược nhau: Khổng hữu vi nên trọng cương cường, Lão vô vi nên thích nhu nhược.

 

Lão biết rằng “vật cùng tắc phản”, thịnh cực thì suy, đầy rồi thì vơi, cho nên không muốn lên tới cùng, không muốn thịnh, không muốn đầy, không muốn ở trên cao, không muốn mạnh. Không muốn cương mà muốn yếu, muốn nhu. Ở thời loạn thì thái độ đó khôn, yên thân.

 

Dịch học phái cũng nghĩ rằng “vật cùng tắc phản”, cho nên cũng trọng đức nhu; nhưng cũng trọng đức cương, cho rằng phải có cả cương lẫn nhu như trong hai quẻ HằngTùy tôi mới dẫn ở trên.

 

Hơn nữa, Dịch còn cho rằng kẻ dưới phải thuận tòng người trên, nhưng phải lựa bậc đại nhân có tài đức mà tin, mà thuận tòng (Thoán truyện quẻ Tốn ) chứ không phải thuận tòng bất kì kẻ trên nào, lại nên thuận tòng vừa phải thôi, nếu quá mức thì đáng xấu hổ (như hào 3 quẻ Tốn), nếu thuận lòng tới mực ti hạ, siểm nịnh, mất tư cách con người thì chẳng những xấu mà còn bị họa nữa. (như hào 6 quẻ Tốn).

 

Vậy Dịch học phái đã dung hòa được Khổng và Lão.


 

Dưới đây chúng tôi dẫn thêm hai quẻ nữa để chứng minh thêm tính cách dung hòa đó: Quẻ Cấn và quẻ Bí .

 

Khổng hữu vi, tất nhiên chủ trương động, ông (và cả Mặc Tử nữa) suốt đời bôn ba lo việc thiên hạ, ít ai động hơn ông, nhưng ông không đặt ra vấn đề động tĩnh, có lẽ vì cho nó là tự nhiên quá khỏi phải bàn. “Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ” (Luận Ngữ – Tử Hãn, 16) đạo trời như vậy thì đạo người cũng vậy.

 

Lão, trái lại, từ đời sống đến tư tưởng đều chủ tĩnh. Ông cho “tĩnh là chủ của náo động” (tĩnh vi táo quân Đạo Đức Kinh Ch.26)

 

Chương 37, ông bảo: “Không ham muốn để được điềm tĩnh thì thiên hạ sẽ tự yên” (Bất dục dĩ tĩnh, thiên hạ tương tự định). Càng động, càng muốn cứu đời thì thiên hạ càng loan, cứ yên tĩnh, không ham muốn gì cả thì thiên hạ sẽ trị.

 

“Hoạt động, cứu đời mà làm gì? Mọi vật trùng trùng (theo luật tự nhiên) sẽ trở về cội rễ của nó. Mà trở về cội rễ, là tĩnh” (Phù vật vân vân, các phục qui kì căn. Qui cân viết tĩnh – Chương 16). Chương 45, ông nhắc lại: “Thanh tĩnh mới chính được thiên hạ” (Thanh tĩnh vi thiên hạ chính).

 

Dịch dĩ nhiên cũng chủ trương động như Khổng; âm dương có động thì mới giao nhau, thay thế nhau, mới có biến. Trong năm quẻ căn bản, quẻ Chấn, quẻ Tốn, có nghĩa động. Nhưng quẻ Cấn quẻ Đoái thì tĩnh. Tĩnh nhất là quẻ Cấn; ta vẫn nói trơ trơ như núi. Cấn có nghĩa là núi, là rừng, là tĩnh, là trọng hậu nữa.

 

Thoán truyện quẻ Cấn  giảng: Hễ tĩnh thì con người không bị tình dục chi phối, không làm điều ác, không nghĩ tới mình (bất hoạch kì thân) mà cũng quên cả người khác, tức là không phân biệt mình và người, như vậy thì không có lỗi. Ý đó giống ý của Lão.

 

Nhưng Thoán truyện lại nói thêm: “Lúc đáng ngừng thì ngừng, đáng đi thì đi, động tĩnh đều hợp thời, thì đạo đó (đạo ngưng) mới sáng sủa” (Thời chỉ tắc chỉ, thời hành tắc hành, động tĩnh bất thất kì thời, kì đạo quang minh).

 

Đại Tượng truyện khuyên người quân tử chỉ nên ngừng ở chỗ làm trọn bổn phận của mình.

 

Vậy là dịch chủ trương động mà cũng trọng tĩnh, nhưng không quá đề cao tĩnh như Lão.

 

Một vấn đề nữa: Lão chủ trương “qui căn”, trở về gốc, về sự chất phác thời nguyên thủy. Muốn vậy thì phải “tuyệt thánh khí tri”, “tuyệt xảo khí lợi”, (dứt thánh, bỏ trí, dứt trí xảo, bỏ lợi), mà “kiến tố bảo phác”, (ngoài thì biểu hiện sự mộc mạc, trọng thì giữ sự chất phác) – Chương 19. Cái gì người ta gọi là văn minh thì phải bỏ hết. Chương 28, ông nhắc lại: “Phục qui ư phác” (trở về chất phác, mộc mạc như gỗ chưa đẽo).

 

Một vấn đề nữa: Lão chủ trương “qui căn”, trở về gốc, về sự chất phác thời nguyên thủy. Muốn vậy thì phải “tuyệt thánh khí tri”, “tuyệt xảo khí lợi”, (dứt thánh, bỏ trí, dứt trí xảo, bỏ lợi), mà “kiến tố bảo phác”, (ngoài thì biểu hiện sự mộc mạc, trọng thì giữ sự chất phác) – Chương 19. Cái gì người ta gọi là văn minh thì phải bỏ hết. Chương 28, ông nhắc lại: “Phục qui ư phác” (trở về chất phác, mộc mạc như gỗ chưa đẽo).

 

Khổng Tử không cực đoan như vậy, trọng văn minh mà cũng trọng chất phác: “Chất phác thắng văn nhã thì là người quê mùa, văn nhã thắng chất phác thì là người chép sử (giữ việc văn thư); văn và chất đều nhau


mới là người quân tử” (Chất thắng văn tắc dã; văn thắng chất tắc sử; văn chất bân bân, nhiên hậu quân tử:

 

Luận Ngữ – Ung dã – 16).

 

Dịch có vẻ hơi trọng chất (phác) hơn văn (vẻ). Thoán Từ quẻ Bí bảo: “Làm việc gì mà chỉ nhờ ở trang sức thì lợi chỉ bé nhỏ thôi” (Bí; hanh, tiểu lợi).

 

Thoán truyện bàn thêm: cái văn vẻ tự nhiên (thiên văn) thì tốt, còn cái văn vẻ nhân tạo (nhân văn) thì nên hạn chế.

 

Đại Tượng truyện cũng khuyên: việc chính trị nhỏ thì dùng trang sức được, còn việc quan trọng (…) thì đừng tô điểm thêm.

 

Hào 5 dặn thêm: trang sức mà tằn tiện thì bị chê cười, nhưng như vậy còn hơn là sa hoa, mà biết trọng cái gốc là sự chất phác, cho nên rốt cuộc vẫn được tốt lành, có hạnh phúc cho dân. (Tiểu Tượng truyện).

 

Hào 6, ý nghĩa còn rõ hơn: Lấy sự tố phác như màu trắng (không màu mè gì cả) làm trang sức thì không có lỗi (Bạch bí, vô cữu).

 

Vậy, Dịch tuy cũng cho có trang sức mới là văn minh như Khổng, nhưng vẫn trọng chất hơn văn, lấy chất làm thể, lấy văn làm dụng; tóm lại hơi chịu ảnh hưởng của Lão.



 

Tổng hợp lại chỉ có hai chữ chính, trung.


 

Trong 64 quẻ gần như không quẻ nào không khuyên ta một đức này hay đức khác (những quẻ Trung phu, Di, Gia nhân, Tỉ, Tụy, Đại hữu… (trong các mục Việc hàng ngày, Việc trị dân ở trên đều chứa ít nhiều lời khuyên về đạo làm người cả), liệt kê ra thì cực phiền toái, mà tổng hợp thì rất đơn giản, chỉ gồm trong 2 chữ Trung Chính như Trương Kì Quân đã nói: “Đạo lí trong thiên hạ (theo Dịch) chỉ là khiến cho việc không trung trở về chỗ trung, việc không chính trở về chỗ chính”. Trung chính là quan niệm căn bản của Dịch: muốn đoán tính cách cát hung của một hào, Dịch xét trước hết xem hào đó có chính, trung không, có được ứng viện không và hào ứng viện nó có chính trung hay không.

 

Chính

 

Chính không phải chỉ có nghĩa là ngay thẳng, mà còn có nghĩa là hợp chính nghĩa, hợp đạo.

 

Phần Kinh ít dùng chữ chính mà thường dùng chữ trinh. Trinh là chính và bền, như trong Thoán Từ các quẻ Càn , Khôn , Đại Tráng , Hằng … hoặc trong các hào 1, 3, 5 quẻ Hằng ; các hào 2, 3, 4 quẻ Đại Tráng .

 

Nhưng trong phần Truyện (Thoán truyện, Tượng truyện) thường dùng chữ chính để thay chữ trinh. Như Thoán truyện quẻ Đại Tráng bảo chính đại là tĩnh của trời đất (Chính đại nhi thiên địa chi tình khả kiến dã).

 

Quẻ Lí  khuyên ta ở đời phải giữ tính trong trắng và đường chính (hào 1 và 2).

 Quẻ Phục bảo phải trở về đạo (phản phục kì đạo), tức trở về điều thiên (hào 5), nếu không thì sẽ bị tai vạ (hào 6). Như vậy là sửa đổi để trở về đường chính.

 Quẻ Vô Vọng có nghĩa là không càn bậy hợp với chính đạo; cứ thấy việc chính thì làm, không tính toán cái lợi trước rồi mới làm (hào 2); và nếu chẳng may có gặp tai nạn thì cứ thản nhiên, rồi tai nạn sẽ qua khỏi (hào 5).

 

Tôi chỉ dẫn mấy thí dụ trên (còn rất nhiều nữa) để độc giả thấy quan niệm về chính trong Dịch. Có thể coi nó là đạo của người quân tử. Người Trung Hoa có từ ngữ “chính nhân quân tử” là nghĩa vậy.

 

Trung

 

Nhưng Dịch cho rằng chính không quí bằng Trung, vì hễ trung thì cũng là chính, mà chính chưa chắc đã là trung (trung là không thiên lệch).

 

Như hào 2 quẻ Đại tráng . Nó là hào dương ở vị âm (chẵn: 2) tức bất chính (dương ở vị dương, âm ở vị âm mới là chính), nhưng nó ở giữa nội quái, thế là đắc trung, mà trung thì không bao giờ bất chính, cho nên Hào Từ khen là tốt.

 

Hào 2 quẻ Hằng cũng vậy: cũng là dương ở vị âm, chỉ nhờ đắc trung mà không phải hối hận.

 

Nên coi thêm hào 2 (dương) quẻ Tốn , và hào 2 (dương) quẻ Vị tế .

 

Phan Bội Châu (Chu Dịch I – trang 233) cho rằng người Trung Hoa đặt chữ chính trước chữ trung vì quí trung hơn chính, trung bao gồm được chính, chứ chính không bao gồm được trung.

 

Theo Phùng Hữu Lan thì Huệ Đống đếm trong Thoán truyện được 35 quẻ và trong Tượng truyện được 36 quẻ nói về đức Trung, nghĩa là số quẻ chiếm già nửa Kinh Dịch. Khi thì gọi là trung chính hay chính trung, đại trung, khi thì gọi là trung đạo, trung hành, hành trung, cương trung, nhu trung…

 

Trung là tư tưởng của Khổng phái, Lão không hề nói tới.

 

Luận Ngữ đầu thiên Nghiêu viết chép: “(Khi nhường ngôi cho ông Thuấn) vua Nghiêu bảo: “Hỡi ông Thuấn, mệnh trời tuần hoàn, nay ngôi vua về ông: ông nên thành thực giữ đạo trung – (doãn chấp kì trung) – Nếu dân trong bốn bể khốn cùng thì lộc trời (ban cho ông) sẽ mất hẳn đấy”. Về sau, vua Thuấn lại truyền những lời đó cho ông Vũ”. Không biết đoạn đó có thực là lời của Khổng Tử, và có đúng không. Nếu đúng thì “Trung” là tư tưởng truyền lại từ Nghiêu, Thuấn.

 

Điều chắc chắn là Khổng Tử rất trọng đức trung.

 

Thiên Ung dã, bài 27 ông bảo: “Trung dung là đức cực đẹp” (Trung dung chi vi đức, kì chí hĩ hồ!).

 

Ông chê sự thái quá và sự bất cập, như trong bài 15 thiên Tiên tiến, ông cho Tử Trương là thái quá. Tử Hạ là bất cập, mà thái quá cũng như bất cập (quá do bất cập dã), đều xấu cả.

 

Trong bài 21 thiên Tử Lộ, ông lại bảo: “Không được hạng người trung chính để truyền đạo cho (hoặc để giao thiệp) thì tìm hạng người cuồng phóng hoặc cẩn hậu giữ tiết tháo vậy. Người cuồng phóng có tinh thần tiến thủ, người cẩn hậu giữ tiết tháo thì không chịu làm điều xấu”. (Bất đắc trung hành nhi dữ chi, tất dã cuồng quyền hồ! Cuồng giả tiến thủ, quyến giả hữu sở bất vi dã).


Cuồng là hạng thái quá, quyến là hạng bất cập.

 

Theo Tử Tư, cháu nội ông, thì ông còn nói: “Người quân tử giữ đạo trung dung, kẻ tiểu nhân làm trái đạo trung dung. Cái trung dung của người quân tử là đã có đức của người quân tử mà còn biết tùy thời cho hợp lẽ trung”. (Quân tử chi trung dung dã, quân tử nhi thời trung) – Trung Dung, Chương 2).

 

Tử Tư trong cuốn Trung Dung đem tư tưởng đó của Khổng, diễn rộng cho có tính cách siêu hình, cho trung là cái gốc lớn của thiên hạ, hòa là cái đường đi thông suốt trong thiên hạ, hể trung hòa rất mực thì trời đất được yên vị, muôn vật được phát triển, sung sướng.

 

Quan niệm “trung” trong Dịch gần với quan niệm Trung Dung hơn là với quan niệm trong Luận Ngữ chỉ đúng về phương diện tu thân, học đạo, về phương diện thị phi mà coi trọng đức trung, cho thái quá và bất cập đều xấu như nhau.

 

Dịch theo luật âm dương trong thiên nhiên, thấy cái gì thái quá thì gây phản ứng, nên khuyên phải trung, phải quân bình để tránh phản ứng, tránh họa.

 

Trung tức là có chừng mực: “Trời đất có chừng mực nên mới thành bốn mùa” (Thoán truyện quẻ Tiết ) mà vạn vật mới phát triển được. Chừng mực cũng là luật quân bình, nắng không nắng quá, mưa không mưa quá, nắng mưa, ấm lạnh phải thay nhau để điều hòa khí hậu. Cái gì thịnh quá thì phải suy, suy quá thì sẽ thịnh, Khổng, Lão, Dịch học phái đều thấy như vậy. Nhưng Lão cực đoan, không muốn thịnh, không muốn tiến, chỉ muốn ở dưới thấp, muốn yếu “thủ thư” (giữa phận con mái), thủ nhục (chịu nhục, kém người); còn Dịch và Khổng muốn tiến, muốn thịnh, muốn mạnh, nhưng tới một mức nào thôi. Lão trọng âm, vô vi; Dịch trọng dương, hữu vi, nhưng tới một mức nào thôi. Lão trọng âm, vô vi; Dịch trọng dương, hữu vi nhưng hữu vi vừa phải, tránh cực đoan.

 

Cho nên hầu hết các quẻ tốt trong Dịch, hào cuối cùng đều xấu: lúc đó đã thịnh cực rồi, bắt đầu suy.

 

Như quẻ Càn mà Dịch cho là quẻ rất tốt, có đủ các đức nguyên hanh lợi trinh, mà hào 6 có điều ăn năn, vì “rồng lên cao quá”, không xuống được nữa, và gặp hào đó thì không nên hoạt động gì nữa mà sớm rút lui đi để khỏi phải hối hận.

Hào 6 quẻ Thái cũng vậy. Tới cuối thời thông thuận rồi, sắp qua thời Bĩ, bế tắc nên Hào Từ khuyên: đừng hành động nữa mà sẽ thất bại xấu hổ.


Nhưng quẻ Bĩ thì hào cuối lại tốt: “trước còn bĩ, sau thì mừng” vì bỉ cực thì thái lai. (Những quẻ xấu khác cũng vậy, đa số hào cuối đều như các quẻ Bác, Độn , Khuê , Kiển , Hoán …).

 

Quẻ Thăng cũng là một quẻ tốt, vì là thời tiến lên, hào cuối cùng, Hào Từ cho là xấu, vì quá tham, cứ muốn tiến hoài, và khuyên phải sửa đức cho hợp đạo chính thì mới có lợi.

 

Như trên tôi đã nói, Dịch cho cương cường là một đức tốt, nhưng quá cương thì xấu. Chẳng hạn quẻ Đại quá có tới 4 hào dương ở giữa và chỉ có 2 hào âm trên và dưới. Đại quá có nghĩa là lớn quá. Hào Từ ghét những hào quá cương (hào 3 và 6); còn hào quá nhu như hào 6 (thể và vị đều nhu) thì tuy không có lỗi nhưng cũng cho là xấu. Hào 1 thể nhu mà vị cương; hào 2 và 4 thể cương mà vị nhu, nghĩa là vừa cương vừa nhu thì tốt hoặc không có lỗi.

 

Vậy là Hào Từ trọng đức trung (vừa cương vừa nhu) hơn cả. Ngay như đức biết tiết chế, một đức hợp với đạo trời, mà quẻ Tiết, hào 5 cũng bị chê là hung vì tiết chế tới mức quá đáng, khiến người ta cực khổ, không ai chịu được lâu mà sẽ oán.

 

Lòng thành tín vẫn là tốt, cần thiết trong sự giao thiệp với mọi người, trong việc trị dân, nhưng cũng phải đừng thái quá tới nổi không biết biến thông, như hào 5 quẻ Trung phu ; mà nên có đức trung như hào  2.Hào này là dương, có đức tin, mà ở giữa nội quái, là đắc trung, lại ứng với hào ở trên cũng dương cương, cũng đắc trung; hai hào cảm ứng, tương đắc với nhau như hạc mẹ gáy, hạc con họa lại, rất tốt.

 

Cả trong quẻ Sư nói về việc xuất quân mà cũng có hai hào khuyên phải giữ đức trung:

 Hào 2, ở trong quân, (vị tướng chỉ huy) có đức trung thì tốt, không tội lỗi. Hào này dương cương mà đắc trung, ở giữa nội quái.

     Hào 5, âm, ở vị chí tôn, tương ông vua ôn nhu không gây chiến mà thuận đạo trung (vì ở giữa ngoại quái), chỉ vì quân địch lấn cõi mà phải đánh đuổi đi, nên không có lỗi.

 

Đạo trời “Khuy doanh nhi ích khiêm”, cái gì đầy thì làm cho khuyết đi, cái gì thấp kém thì bù đắp cho (Thoán truyện quẻ Khiêm ), cũng chỉ là để cho vạn vật được cân xứng, quân bình, nghĩa là đắc trung.

 

Tuy nhiên trung không có nghĩa là lưng chừng như nhiều người hiểu lầm.

 

Nếu là lưng chừng thì đã không có hào 5 quẻ Càn . Quẻ này kể những bước đường đời của bậc đại nhân có tài đức muốn lập sự nghiệp lớn để giúp đời. Mới đầu như con rồng còn ẩn (hào 1), rồi tài đức mỗi ngày mỗi cao, đã có người biết tới (hào 2), nhưng vẫn chưa gặp thời còn phải thận trọng (hào 3), rồi tới lúc có thể tiến được (hào 4), sau cũng thành công ở hào 5. Như vậy đâu phải là lưng chừng, mà trái lại thận trọng tiến tùy thời mà hành động cho tới khi đạt được mục đích. Nếu lưng chừng thì đã ngưng ở hào 3 hay 4 rồi mà thất bại.

 

Trung cũng không nghĩa là nhu nhược, nếu nhu nhược thì ông vua trong hào 5 quẻ Sư đã không dám đánh đuổi quân địch lấn cõi mình, đã không giao quyền cho vị tướng lão thành trong hào 2. Trung trong quẻ Càn chỉ có nghĩa là lên cao tới cùng thì ngưng lại, trong quẻ Sư chỉ có nghĩa là không hiếu chiến mà biết tự vệ.

 

Trung, như Văn Ngôn truyện nói, là biết lúc nào nên tiến, lúc nào nên lui, biết vận trời (hoàn cảnh) lúc nào còn lúc nào mất mà xử sự cho hợp thời nhưng vẫn giữ được chính đạo (Tri tiến thoái tồn vong, như bất thất kì chính), nghĩa là biết tùy trời cho hợp đạo. Như vậy là trúng tiết độ; trúng tiết, sách Trung Dung gọi là hòa.

 

Theo Mạnh Tử và Tử Tư thì Khổng Tử chấp trung mà biết tùy thời. Mạnh Tử tôn Khổng là: “Thánh chi thời” (bậc thánh về đức tùy thời hành động”; còn Tử Tư thì cho câu “quân tử nhi thời trung” là của Khổng.

 

Nếu vậy thì Dịch học phái đã chịu ảnh hưởng của Khổng phái mà tiếp tục phát huy thuyết “thời trung”.



 

Chính, Trung gồm trong chữ Thời


 

Dịch là biến dịch, có biến hóa mới thích hợp (duy biến sở thích – Hệ Từ hạ, Ch.8), cho nên trọng cái thời, vì biến đến cực thì trở lại, cho nên trọng đức trung. Trung với thời, do đó mà liên quan mật thiết với nhau.

 

Thời gồm trung, vì phải hợp thời mới gọi là trung. Ở cảnh giàu sang mà sống bủn xỉn, ở cảnh nghèo hèn mà sống sa hoa, thì không hợp thời, không phải là trung.

 

Thời gồm chính nữa vì chính mà không hợp thời thì cũng xấu. Cương cường là đạo người quân tử mà ở cuối quẻ Càn, không hợp thời, cho nên có hối hận.

 

Vậy Dịch là chính trung, mà thực ra chỉ là hợp thời. “Cái nghĩa tùy thời lớn thật” (Tùy thời chi nghĩa đại hĩ tai! – Quẻ Tùy).

 

Thoán truyện:

 

     Quẻ Đại hữu bảo: “Ứng với trời và làm theo thời, nhờ vậy mà được tốt hơn cả” (Ứng hồ thiên nhi thời hành, thị dĩ nguyên hanh).

     Quẻ Tốn : “Bớt, thêm, đầy, rỗng, cùng với thời mà lưu hành” (Tốn, ích, doanh, hư, dữ thời giai hành).

     Quẻ Cấn : “Lúc đáng ngừng thì ngừng, lúc đáng đi thì đi. Động tĩnh không thất thời, đạo đó sáng sủa” (Thời chỉ tắc chỉ, thời hành tắc hành. Động tĩnh bất thất kì thời, kì đạo quang minh).

 

Văn Ngôn truyện cùng một chủ trương đó:

 

“Bậc quân tử tiến đức tu nghiệp là muốn cho kịp thời” (Quân tử tiến đức tu nghiệp, dục cập thời dã).

 

Muốn kịp thời thì phải biến cách, phải thay đổi. Thoán truyện quẻ Cách bảo: “Thay đổi mà được lòng người tin… thì rất tốt và chính đáng. Thay đổi mà đáng thì ăn năn phải mất. Trời đất thay đổi mà có bốn mùa: Vua Thang, vua Vũ đổi mạng (diệt Kiệt, Trụ mà lên làm vua) – thuận với trời mà ứng với người. Cái thời của quẻ Cách lớn thay!” (Cách nhi tín chi… đại hanh dĩ chính. Cách nhi đáng, kì hối nãi vong. Thiên địa cách nhi tử thời hành; Thang, Vũ cách mệnh, thuận hồ thiên nhi ứng hồ nhân. Cách chi thời đại hĩ tai!)


 

Mỗi quẻ là một Thời


 

Cũng theo Huệ Đống, trong Thoán truyện có 24 quẻ, trong Tượng truyện có 6 quẻ nói tới chữ Thời.

 

Phan Bội Châu bảo trong Thoán truyện có 11 quẻ đề cao chữ thời: quẻ Di, quẻ Đại quá, quẻ Giải, quẻ Cách chỉ nói tới Thời thôi; quẻ Dự , quẻ Độn , quẻ Cấn , quẻ Lữ nói tới Thời mà kiêm với Nghĩa; quẻ Khảm , quẻ Khuê , quẻ Kiển nói tới Thời mà kiêm với Dụng (Chu Dịch – trang 354).

 

Hai nhà đó chỉ kể những quẻ mà lời Thoán truyệnTượng truyện khuyên đạo tùy thời; chứ theo Dịch học phái thì 64 quẻ, quẻ nào cũng nói đến thời vì mỗi quẻ là một thời. Chữ thời này có nghĩa rộng.

 

Thái , Bĩ , Kí tế (đã xong rồi), Vị tế  (chưa xong), Khốn , Dự  (vui vẻ), Nhu (đợi chờ) v.v… đều là thời cả; mà ngay đến Càn , Khôn , Khảm , Cấn … cũng là thời nữa: Càn là thời của một đại nhân, có tài đức, thời hành động; Khôn là thời của người dưới, thời nhu thuận, thời văn minh; Khảm là thời gian nguy; Cấn là thời nên tĩnh, nên thận trọng, đề phòng…

 

Hệ Từ hạ, Chương VII, mở đầu bằng một lời cảm thán: “Đạo Dịch hưng thịnh lên ở thời Trung cổ chăng? (Trung cổ so với thời tác giả Hệ Từ, tức thời Văn Vương) Người làm Dịch (tức Văn Vương) có điều ưu tư, lo lắng đấy chăng? (Dịch chi hưng dã, kì ư trung cổ hồ? Tác giả Dịch, kì hữu ư hoạn hồ?). Đoạn đó ám chỉ việc Văn Vương bị Trụ giam ở ngục Dữu Lí mà đặt ra Thoán Từ cho mỗi quẻ.

 

Đọc 64 quẻ, chúng ta cảm thấy buồn rầu, ưu tư thật. Xã hội Trung Hoa trong Dịch sao mà đen tối! Cảnh nghịch nhiều hơn cảnh thuận, cảnh suy nhiều hơn cảnh thịnh.

 

Cảnh vui, thịnh, tôi chỉ thấy có bảy quẻ: 

     Dự  (vui) 

     Thái (thông thuận, trái với bĩ)

     Đại tráng  (thời cường thịnh)

     Phong (thời thịnh lớn)

     Đại hữu  (thời giàu có)

     Thăng (thời đương lên)

     Tấn (thời nên tiến)

 

Trong 7 quẻ đó, không có quẻ nào thật tốt, không cảnh nào tác gia Kinh Dịch không tô lên một vệt xám, không nhắc nhở ta: Coi chừng đấy, trong phúc nấp họa đấy (quẻ Dự , quẻ Đại Tráng ) phải đề phòng trước đi (quẻ Đại tráng ). Thái cực thì bĩ theo sau đấy (Thái ); trong cảnh giàu có (Đại hữu ) mà Dịch lại khuyên ta nên sống gian nan, đừng khoe của; đương lúc vận lên (Thăng ), nên tiến (Tấn ). Dịch cảnh cáo ta: tham lam thì chết đấy, tiến vừa vừa thôi, còn trong quẻ Phong  là thời thịnh lớn, rất tốt mà không có một hào nào thật tốt, hào nào cũng có lời răn đe: phải cẩn thận, phải thế này thế nọ thì mới tốt.

 

Và khi công việc vừa mới xong cũng như vừa mới qua sông (Kí tế ) thì đã tiếp ngay một quẻ bảo rằng việc chưa xong đâu (Vị tế ) đừng mong gì được nghỉ ngơi. Thế thì có chán không chứ! Còn cảnh lo buồn, cảnh nghịch, cảnh suy thì sao mà nhiều thế. Bên kia chỉ có một quẻ Thái , thì bên đây có quẻ:  Bĩ . 

Rồi còn tiếp thêm một chuỗi nữa: 

     Khảm  (nguy). 

     Truân (Gian truân).

     Kiển (Gian nan, hiểm trở).

     rồi tới Khốn (Khốn đốn). 

     Đối với Dự (vui vẻ) thì có: Chấn (lo sợ).

 Minh di (giấu tài đức đi, nép đi, không cho ai biết mình).

     Tiểu súc (bị bọn tiểu nhân ngăn cản).

     Bác (phải chống đối với bọn tiểu nhân đương tiến). 

     Lại còn những cảnh:

     Bị chia lìa: Khuê .

     Phải trốn tránh: Độn .

     Sau cùng là phải lưu lạc quê người: Lữ .

 

Xã hội hắc ám đó là xã hội thời Văn Vương (tác giả phần Kinh) thời Trụ, thời suy của nhà Ân, mà cũng là xã hội thời Xuân Thu và Chiến Quốc, thời suy của nhà Chu, thời của các tác giả phần Truyện.


Vì chính các tác giả này trong khi giải thích phần Kinh đã gởi vào đó tâm sự của mình, nhân sinh quan của mình.

 

Ví dụ quẻ Bĩ , Thoán Từ của Văn Vương chỉ nói: “Bĩ không phải là đạo người, vì nó không lợi với đạo chính của quân tử”; chính Đại Tượng truyện mới khuyên: bĩ là bế tắc tới cùng cực rồi, hành động chỉ vô ích, nên ở ẩn, cốt giữ cái đức và cái thân mình thôi.

 

Quẻ Đại Hữu , Thoán Từ khen là rất hanh thông, mà Đại Tượng truyện thì căn dặn: “Người quân tử trong quẻ này phải ngăn đón ngay điều dữ khi nó chưa phát hiện, và biểu dương điều tốt khi nó còn mập mờ để thuận mệnh tốt của trời”.

 

Những lời giảng thêm của người sau đó hầu hết bi quan hơn lời trong Kinh, vì thời Xuân Thu, Chiến Quốc của họ loạn hơn thời cuối Ân.


 

Mỗi hào là một thời trong quẻ


 

Mỗi quẻ là một thời, mà mỗi hào trong quẻ lại là một thời nhỏ trong cái thời chung của quẻ. Để khỏi lẫn lộn, tôi gọi mỗi thời nhỏ của hào là một giai đoạn một hoàn cảnh trong thời của quẻ.

 

Như quẻ Càn , hào 1 là giai đoạn ở ẩn (tiềm long) trong thời Càn; hào 2 là giai đoạn bắt đầu xuất hiện (hiện long); hào 3 là giai đoạn thận trọng chờ thời; hào 4 là giai đoạn có thể bay nhảy được; hào 5 là giai đoạn thành công, lên tới tột bực, hào 5 là giai đoạn rút lui.

 

Sáu giai đoạn trong quẻ Tiệm cũng rất rõ ràng: con chim hồng từ mặt nước mà lên tới bờ, tới phiến đá, tới đất bằng, tới cành cây, tới gò cao, rồi sau cùng lên tới mây, 6 hào là 6 giai đoạn trong thời Tiệm tiến.

 

Có thể kể thêm quẻ Nhu (tiến từ xa chỗ hiểm tới gần chỗ hiểm), quẻ Bác (tiêu mòn lần lần từ chân giường lên tới then giường, mặt giường), nhưng trước sau chỉ có độ mươi quẻ như vậy; còn các quẻ kia thì các giai đoạn không theo một thứ tự nào cả như quẻ Lữ , mỗi hào là một hoàn cảnh áp dụng cho một hạng người tư cách, tính tình khác nhau, không có ý nghĩa trước sau về thời gian.

 

Mỗi hào tuy có một ý nghĩa riêng nhưng ý nghĩa đó luôn luôn tùy ý nghĩa của quẻ, tức tùy cái thời chung của sáu hào, có vậy mới nhất trí, thành một quẻ được.

     Cùng là thể dương ở vị dương, ngôi chí tôn, mà hào 5 quẻ Càn  rất tốt, lập sự nghiệp lớn, còn hào 5 quẻ Truân chỉ hơi tốt thôi, chỉnh đốn việc nhỏ thì được, việc lớn thì xấu, vì hai hào đó ở thời khác nhau, một ở thời Càn, thời của bậc đại nhân, một ở thời Truân, thời gian nan, khó khăn, cho nên tài như nhau mà sự nghiệp khác nhau xa.

 

     Hào 2 và hào 5 quẻ Càn   đều là dương cương cả lại tương ứng, Hào Từ khuyên nên tìm nhau mà làm việc; còn hào 2 và hào 5 quẻ Lí , cũng đều là dương và tương ứng mà Hào Từ không khuyên như vậy, bảo 2 nên cô độc giữ vững đường chính, chỉ vì quẻ Càn là thời của một đại nhân (hào 5), có chí lớn giúp đời, mà muốn giúp đời thì cần có người đồng đức, đồng chí (hào 2), còn quẻ Lí nói về cách cư xử trong đời của một người thường như chúng ta thì có đại nhân nào kiếm mình (hào 2) mà mình cũng kiếm đại nhân để làm gì, cứ lo giữ vững đường chính là hợp nhất.

 

     So sánh hào 1 quẻ Kí Tế  và hào 1 quẻ Vị Tế  ta càng thấy rõ hơn nữa. Cả hai đều có ba chữ “nhu kì vĩ”: (con chồn qua sông để ướt cái đuôi; vậy mà trong quẻ Kí Tế thì cho là vô cứu), không có lỗi, còn trong quẻ Vị Tế thì cho là “lận”, đáng ân hận; vì thời của hai quẻ khác nhau; thời Kí Tế là thời đã qua sông rồi, đã xong việc, thời Vị Tế là thời chưa qua sông, chưa xong việc.

 

     Hào 4 quẻ Tùy là dương mà ở vị âm, như thế là bất chính, đáng lẽ xấu, nhưng ở thời Tùy (theo) thì làm nên sự nghiệp (gặp ông vua biết dùng tài của mình), và nếu cứ giữ lòng chí thành, sáng suốt, theo đạo lí, thì không có lỗi.

 

     Quẻ Khốn , hào 2 và hào 5 đều là dương, đắc trung, đáng lẽ tốt mà lại xấu, chỉ vì ở thời khốn đốn.

     Xin độc giả so sánh thêm cặp 1-4 quẻ Phong với cặp 2-5 quẻ Tụng . Ở quẻ Phong, 1 và 4 ứng nhau, đều dương cương cả (đồng đức) hợp thành một cặp bạn tốt. Ở quẻ Tụng, 2 và 5 cũng ứng nhau, cũng đều là dương cả, lại thêm đều đắc trung, đáng lẽ cũng thành một cặp bạn rất tương đắc, nhưng Hào Từ lại bảo 2 muốn kiện 5, và khuyên nên bỏ ý đó đi, sẽ như trứng chọi với đá thôi. Vì phong là thời thịnh, hanh thông; còn Tụng là thời kiện tụng, 2 và 5 không phải là đồng đức mà là ngang ngạnh như nhau; phải coi là đối địch nhau.


 

Dịch chỉ là thời


 

Đọc Dịch chúng ta so sánh, suy nghĩ như vậy sẽ nhận được rất nhiều bài học tùy thời, sẽ thấy cả bộ Dịch chỉ tóm lại trong chữ Thời (Chu Dịch nhật bộ thư, khả nhất ngôn nhi tế chi, viết: Thời). Tùy thời mà vẫn giữ được trung chính, đó lại là một luật bất biến nữa trong đạo biến dịch. Nắm được luật đó thì ta có thể ứng được với vạn cái biến trong đời (dĩ bất biến ứng vạn biến).

 

Chúng ta sẽ biết lúc nào nên cương, lúc nào nên nhu, lúc nào nên tiến, lúc nào nên thoái, lúc nào nên động, lúc nào nên tĩnh, lúc nào nên nhường nhịn, lúc nào nên tấn công, “ích” (tăng) không phải là luôn luôn tốt, cần phải biết khi nào nên ích, ích cái gì, ích cho ai, tổn không phải là luôn luôn xấu, tổn giảm được các tật của mình thì lại là tốt, tổn của người giàu để ích người nghèo là tốt; cải cách phải hợp thời mới tốt; mà đức thành tín cũng phải biết biến thông mới tốt.

 

Biết tùy thời là điều rất khó, phải bình tĩnh vô tư, sáng suốt, phải có trí. Dịch trọng cả đức lẫn trí, giống Khổng, khác Lão.


 

Dịch là đạo của người quân tử


 

Mới đầu chỉ là một phép bói dựng trên thuyết âm dương và những lịch duyệt của mọi người, rồi từ cuối thời Xuân Thu đến cuối thời Chiến Quốc hay đầu thời Hán, trong ba bốn trăm năm, một số học giả, hiền nhân khuyết danh lần lần thu thập thêm những tư tưởng của Khổng, Lão – Khổng nhiều hơn Lão – thêm bớt, sửa đổi, dung hòa thành một triết lí gồm một vũ trụ quan giống Lão mà không phải Lão, và một nhân sinh quan rất giống Khổng mà không hẳn là Khổng.

 

Nhân sinh quan đó là nhân sinh quan Trung Hoa vào đầu Hán, suốt hai ngàn năm sau không thay đổi gì nhiều, nó giúp cho Khổng và Lão, như dương với âm, xích lại gần nhau, bổ túc nhau, nhờ đó mà dân tộc Trung Hoa có một tinh thần quân bình, lành mạnh, một thái độ yêu đời, tự tin mà nhiều triết gia phương Tây nhận là hiền (sage).

 

Tôi gọi nhân sinh quan đó là đạo Dịch.

 

     Nó rất thực tiễn, thiết thực.

 

Thuyết âm dương làm cơ sở cho nó không có gì thần bí[49] cũng không quá huyền vi như đạo của Lão, mà chỉ là những luật thiên nhiên mọi người có thể nhận thấy hằng ngày.

 

     Nó không bàn tới những gì cao xa, siêu hình như linh hồn, kiếp trước, kiếp sau… mà chỉ xét những việc trong đời sống hằng ngày, và xét rất đủ. Độc giả có thấy một tác phẩm luân lí hay một cuốn viết về nghệ thuật sống nào là chỉ cho ta từ việc ăn uống, tu thân, tới việc kiện cáo, xuất quan, trang sức, tế gia, về nhà chồng, lập đảng, diệt kẻ tiểu nhân, can ngăn cha mẹ, cách xử sự trong mọi hoàn cảnh; lúc giàu, thịnh, lúc gian truân, lúc chờ thời, cả lúc phải bỏ nhà, bỏ nước mà lưu lạc quê người, ăn nhờ ở đậu… không? Sáu mươi bốn quẻ là sáu mươi bốn thời, và ba trăm tám mươi bốn hào là ba trăm tám mươi bốn hoàn cảnh. Bấy nhiêu mà khéo suy ra thì có thể áp dụng vào mọi việc trong đời được: từ việc can ngăn cha mẹ, suy ra việc can ngăn bề trên hay bạn bè, cách diệt tiểu nhân cũng là cách diệt cái ác; đức thận trọng, lo xa cần cho một cá nhân ra sao thì cũng cần cho một quốc gia như vậy trong suốt thời đương thịnh…

 

     Nó cho ta bài học tự cường bất tức (Càn ), kiên nhẫn, không lúc nào quên việc tu thân, luyện tài đức cho uẩn súc (Đại súc ) mỗi ngày thêm một chút (Tiệm ), tiến hoài để gặp thời thì giúp nước, không bao giờ từ bỏ trách nhiệm, mà không cầu danh lợi.

 

     Nó biết rằng có dương thì có âm, có thịnh thì có suy, việc đời thành rồi bại, bại rồi thành, không bao giờ hết, lúc xong việc là lúc việc mới bắt đầu, sinh là bắt đầu tử, tử là bắt đầu sinh, nó biết vậy, nhưng nó không chán nản, thấy việc phải thì cứ làm, theo đạo trung chính. Một cuộc sống như vậy nghiêm túc biết bao.

 

Nhưng nó không như Khổng Tử “Tri kì bất khả vi nhi vi chi”[50], nó hữu vi có mức độ, giữ mức trung, thấy thời còn có thể làm được thì làm, không thì hãy tạm ẩn nhẫn chờ thời, chờ thời mà không buông xuôi, không bỏ chí hướng. Nó biết giá trị của hạng cao sĩ, vì một lẽ gì đó không dự được vào việc đời thì làm như con chim hồng bay bổng trên chín tầng mây. Một cuộc đời như vậy đẹp biết bao! mà ai bảo được là vô ích?

 

     Nhất là nó rất lạc quan.

Nó thực tế nên nhận thấy trong xã hội nhiều cảnh nghịch hơn cảnh thuận, và mới xét, chúng ta tưởng như vậy là bi quan. Không phải nó an ủi ta rằng trong họa nấp phúc, suy rồi sẽ thịnh, cho nên những quẻ ý nghĩa xấu nhất thì hào cuối lại thường tốt nhất, như mục trên tôi đã nói. Trong họa nấp phúc thì trong phúc cũng nấp họa, cho nên nó khuyên ta gặp thời thịnh nên thận trọng đề phòng, để tránh họa sau này, chứ nó không bảo ta đừng nên hưởng phúc.

 

Tinh thần lạc quan đó hiện rõ cả trong cách quân tử chiến đấu với tiểu nhân.

Dịch không ghét tiểu nhân, vì có tiểu nhân mới có quân tử, có âm mới có dương, có thiện thì có ác không sao diệt hết được ác, cuộc chiến đấu với ác, với tiểu nhân không bao giờ chấm dứt. Nó khuyên ta thời bình thường phải khoan dung đôn hậu với tiểu nhân (quẻ Lâm ); mà vẫn sáng suốt để ý, thấy chúng ló dã tâm thì chế ngự ngay (quẻ Cấu ).


Nhưng khi tiểu nhân mạnh, đắc thời thì phải biết tùy hoàn cảnh mà đối phó một cách thận trọng: bước đầu, tình thế chưa khó khăn, có cơ cứu vãn được phần nào thì hành động (quẻ Truân ); Khi đã nguy rồi (quẻ Kiển và quẻ Khốn ) thì nên chờ thời mà vẫn giữ đức trung chính; tuy nhiên nếu có người nào quyết tâm hi sinh, chống chỏi một cách tuyệt vọng để cứu dân cứu nước (hào 2 quẻ Kiển ) thì vẫn quí, phục.

 

Tới lúc tiểu nhân bắt đầu suy thì đoàn kết nhau lại mà tấn công (quẻ Tụy ) chế ngự chúng (quẻ Đại súc ) và sau cùng diệt chúng (quẻ Quải ).

 Dịch lại nhắc ta rằng trong đám tiểu nhân vẫn có những người lỡ lầm nhưng biết phục thiện, khéo dẫn dụ thì họ sẽ trở về đường chính (quẻ Phục ); mà trong việc chiến đấu với tiểu nhân, có những tiểu nhân bỏ đảng của chúng mà về với phe quân tử (hào 3, hào 5 quẻ Bác ); còn trong phe quân tử mới đầu cũng có người thân cận với tiểu nhân rồi sau cải quá (hào 3 quẻ Quái ), cương quyết bỏ chúng để theo chính nghĩa. Cuối cùng phe quân tử thắng mà không bao giờ hết người quân tử (hào 6 quẻ Bác).

 

Có người cho rằng Dịch sắp đặt cho đạt được một kết quả tốt đẹp như vậy là thiên vị với phe quân tử, và quá lạc quan. Có thể là thiên vị với quân tử và chắc chắn là lạc quan. Lạc quan là tinh thần của dân tộc Trung Hoa: truyện Tàu nào cũng “có hậu” (Hoàng thiên bất phụ hảo tâm nhân mà!), nhưng ta cũng phải nhận rằng những việc kể trong mấy quẻ dẫn trên đây xảy ra rất thường, không phải là tưởng tượng: trong cuộc kháng Pháp rồi kháng Mĩ vừa rồi không thiếu gì địch bỏ hàng ngũ mà theo mình, mà cũng không thiếu gì người mình mới đầu theo địch rồi sau trở về với tổ quốc và rốt cuộc chính nghĩa thắng.

 

Cuộc chiến đấu giữa quân tử với tiểu nhân là cuộc chiến đấu giữa thiện và ác.

 

Lão cho rằng trong thiên nhiên không có gì thiện, không có gì ác, trời đất thản nhiên, coi vạn vật như chó rơm. Dịch trái lại cho trời đất, có công sinh thành nuôi nấng vạn vật; nhưng mới đầu cũng chỉ phân biệt cát hung, không phân biệt thiện ác, không cho dương là thiện, âm là ác. Về sau, Văn Vương và Chu Công mới cho dương là quân tử, âm là tiểu nhân. Nhưng quân tử và tiểu nhân thời đó chỉ là người cầm quyền và dân thường: tôi thấy tác giả Thoán truyệnTượng truyện mới cho có nghĩa là người thiện, người ác; như vậy là bỏ cái thái độ, cái vị trí hoàn toàn theo thiên nhiên mà trở về với loài người, với thực tế.

 

Thiện thắng ác thì có lúc ác cũng thắng thiện, đọc Dịch ai cũng hiểu điều đó, nhưng Dịch nhấn vào trường hợp thiện ác, chỉ vì Dịch muốn cho ta bài học tự cường, trọng chính nghĩa và lạc quan. Ai theo được bài học đó thì thành người quân tử. Dịch muốn đào tạo hạng người quân tử, khuyến khích tiểu nhân cải tà qui chánh (quẻ Bác ). Dịch “vị quân tử mưu”[51] là nghĩa vậy. Cho nên tôi cho đạo Dịch là đạo của người quân tử.

 

Một sách bói có những lời tiên đoán linh nghiệm mà được cả một dân tộc coi là một cuốn kinh, quả là xứng đáng. Hiện tượng đó độc nhất trong lịch sử triết học nhân loại.

 

Mùa xuân Kỉ Mùi (1979).


Chú thích 8: 47-51


            [47]. Vì vậy mà có người như J.J.M. de Groot, rồi J. de Glasemapy (trong Les cinq grand réligions du monde – Payot 1954) đã tạo danh từ Universime (vũ trụ giáo) để gọi triết học đó.


           [48]. Sách in là: bài 17. (Goldfish).


   [49]. Hệ Từ truyện có rất nhiều chỗ nói đến quỉ thần như: Thiên thượng, chương 9, đoạn 10: “tri quỉ thần chi trạng”, chương 11, đoạn 10: “tri thần chi sở vi”; Thiên hạ, chương 6, đoạn 1: “thần thông minh chi đức”; chương 12, đoạn 4: “nhân mưu, quỉ mưu”.

Nhưng đó chỉ là lời nói về sự mầu nhiệm của phép bói mà trong cuốn này không bàn tới.


           [50]. Nghĩa là: (Tuy) biết rằng không thể làm được mà vẫn làm. (Luận Ngữ, thiên Hiến Vấn). (Goldfish).


           [51]. Nghĩa là: “lo tính cho người quân tử”. (Theo lời giảng quẻ Sơn địa Bác của tác giả). (Goldfish).

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét