Xuân
Sách Và Thơ Chân Dung Nhà Văn (Bài
2) |
Ở bài trước, tôi đã nói về sự hình thành cũng
như sự ra đời của tập thơ “Chân dung Nhà văn” của Xuân Sách (1) và
sự giải mã chân dung (2) của bốn nhà văn, nhà thơ là Hồ
Phương, Võ Huy Tâm, Chính Hữu, Tố Hữu. Ở bài viết thứ hai này, ta sẽ xem Xuân
Sách đã “giải mã chân dung” các nhà văn Nguyên Ngọc (3), Nguyễn
Khải (4), Nguyễn Minh Châu (5), Phù Thăng (6).
Chân dung các nhà văn này rất đặc biệt bởi đó là những nhà văn “chung một
chiến hào” với Xuân Sách khi họ có nhiều năm tháng cùng sống và viết ở Tạp
chí Văn nghệ quân đội, trong căn nhà số 4 Lý Nam Đế, Hà Nội. Điều đặc biệt
nữa là Nguyên Ngọc và Nguyễn Minh Châu gần
như là “Tâm điểm” của thời kỳ đầu phong trào “Cởi trói” và “Đổi mới” trong
văn học. Các nhà văn của chúng ta đã “Đổi mới” như thế nào và kết quả đến
đâu? Đó là điều tác giả Hồi ký Giải mã chân dung muốn
nói với bạn đọc… * Nguyên Ngọc là nhà văn năng động, xông xáo, có cá tính và
đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong đời sống văn học. Năm 1950, khi đang học
trung học chuyên khoa (nay là trung học phổ thông), ông nhập ngũ, chủ yếu
hoạt động ở Tây Nguyên - chiến trường chính của Liên khu V bấy giờ. Sau
một thời gian ở đơn vị chiến đấu, ông làm phóng viên báo Quân đội nhân dân
liên khu V và lấy bút danh Nguyên Ngọc. Sau hòa bình 1954, Nguyên Ngọc nổi
tiêng với tác phẩm Đất nước đứng lên viết về Anh hùng Núp
của Tây Nguyên… Năm 1962 ông trở lại miền Nam, lấy tên là Nguyễn Trung Thành,
hoạt động ở khu V, là chủ tịch chi hội Văn nghệ giải phóng miền Trung Trung
Bộ, phụ trách Tạp chí Văn nghệ quân giải phóng của quân khu V. Thời gian này
Nguyên Ngọc viết tùy bút Đường chúng ta đi, truyện Rừng
Xà Nu có tiếng vang lớn… Sau chiến tranh ông có thời gian làm Phó
Tổng thư ký Hội Nhà văn Việt Nam, Tổng biên tập báo Văn nghệ.
Trong thời kỳ Đổi Mới và phong trào Cởi Mở ông đã có những đổi mới quan trọng
về nội dung tư tưởng của tờ báo và được coi là người có công phát hiện, nâng
đỡ nhiều nhà văn tên tuổi sau này như Nguyễn Huy Thiệp, Nguyễn Ngọc Tư, Phạm
Thị Hoài... Tuy nhiên, sau đó báo Văn nghệ bị chính thức phê
phán là "chệch hướng" và Nguyên Ngọc đã thôi chức Tổng biên tập để
thay thế bằng Hữu Thỉnh… Là người cùng tuổi và có nhiều năm cùng “lăn
lộn” với Nguyên Ngọc ở Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Xuân Sách rất “thuộc” tính
cách Nguyên Ngọc và qua những đoạn văn cũng như chân dung viết về Nguyên
Ngọc, người đọc thấy hiện lên một Nguyên Ngọc khao khát và quyết tâm “Đổi
mới” nhưng cũng đầy bất trắc, sóng gió: “Nguyên Ngọc mở đầu công việc của mình (Bí thư
Đảng đoàn Hội Nhà văn) là bằng triệu tập một hội nghị những nhà
văn là đảng viên và trong hội nghị ngày ( 11-13/6/1976) để đọc bản
đề dẫn, thực sự là một tuyên ngôn về văn học trong thời kỳ mới. Đối với các
bậc trưởng lão có ý nghĩa là chúng nó sắp mời các cụ về vườn. Ngay
lập tức có người lên trình với Tố Hữu rằng lấy trẻ đánh già. Cho nên hôm sau
ông đã đến hội nghị lấy danh nghĩa tôi đến đây với tư cách nhà văn chứ không
phải tư cách Ủy viên Bộ Chính trị của Đảng. Nghe thế các đảng viên văn chương
cười đẹp và nghĩ thầm “chúng em biết chứ ạ.” “Lớn là thế nào hè? Thời đại là thế nào
hè? Văn học phải đi từng bước. Phải có cây số một, rồi mới có cây số hai, số
ba. Thực tế của ta bây giờ là rất đẹp, có thể nói là tuyệt diệu. Cứ thế mà
ghi chép, thậm chí sao chép cũng được.” Tố Hữu nói hơn nửa buổi.
Suốt buổi Tố Hữu chỉ biểu dương hai tác phẩm là Hòn Đất của
Anh Đức và Vụ lúa chiêm của Đào Vũ. Ông còn gọi Hòn
Đất là Hòn Ngọc. Dĩ nhiên cử tọa người thì sướng rơn, người thì toát
mồ hôi hột về những lời vàng ý ngọc như thế thì nền văn học chúng ta cứ là
lên mây. Điều đó hồi sau sẽ rõ còn ngay bây giờ là cuộc chiến tranh không có
tiếng súng giữa hai phe, mà thực chất là tranh giành mấy chiếc ghế ở cái “suối
cạn Hội Nhà văn “. Nguyên Ngọc người nhỏ
nhưng gan lớn vẫn khẳng định những quan điểm của mình. Số đông ủng hộ Nguyên
Ngọc, nhưng khổ thay đó lại là số đông im lặng, các nhà văn linh động giống
như các triết gia còn những người có vị trí ở ban chấp hành ở Đảng đoàn,
trước hội nghị tỏ bày ủng hộ thì sau lời nói của ông Tố Hữu, hầu như đều
“thay đổi sắc phù sa” một cách chóng vánh và quyết liệt. Nhất là khi ông Trần
Độ, một người thành tâm hướng tới sự tiến bộ của văn học bằng tự do dân chủ
bị chuyển sang công tác khác, và nhà lý luận Hà Xuân Trường trúng vào chân dự
khuyết Trung ương Đảng được bổ nhiệm làm trưởng ban tư tưởng và văn hóa thì
coi như thuyền thay lái, gái thay chồng, Nguyên Ngọc trơ trọi. Ông Trường mời
Nguyên Ngọc lên thương lượng để thay đổi quan điểm, Nguyên Ngọc không nhân
nhượng và lẽ tất nhiên phải xảy ra. “Anh không “đổi” thì tôi phải “thay” như
lời miệng nói của ông Tố Hữu. “Cậu Ngọc chỉ làm được bí thư chi bộ, làm bí
thư Đảng đoàn thì quá sức. Việc đặt Nguyên Ngọc ngồi chỗ đó coi như tôi làm
bài thơ dở, phải làm lại”. Mấy ủy viên Đảng đoàn thì
dao động. Giang Nam, nhà thơ “yêu quê hương vì có chim có bướm”
được Nguyễn Khải cũng là ủy viên trong Đảng đoàn bàn tìm người thay Nguyên
Ngọc. Nguyễn Khải cũng tự biết mình không được cấp trên yêu vì nhiều lẽ. Hôm
diễn ra vở kịch cách mạng Tố Hữu đã có nhận xét “thằng Khải xỏ lá”. Nguyễn
Đình Thi cũng tự coi như gái lỡ thì. Chỉ còn một nhân vật có thể
thay Nguyên Ngọc ai cũng thấy đấy là Chế Lan Viên và ông cũng thấy đã đến lúc
cờ đến tay. Ông tập hợp mấy nhà văn gặp Nguyên Ngọc để đòi Ngọc từ chức. Nhà
văn Tô Hoài thì tủm tỉm đứng ngoài vòng tọa sơn quan hổ đấu. Bình luận về sự
kiện này nhà văn Hải Hồ tạp chí chúng tôi nói: đó là cách dùng khỉ vặt lông khỉ.
Không khí sáng tác chìm trong không khí im lìm giống như nền kinh tế những
năm đầu 80. Năm tám mươi gạo tám mươi / dân xứ Nghệ mặt vàng như
nghệ. Nguyễn Khải khôn ngoan bỏ của chạy lấy người, anh chuyển cả
gia đình vào Sài Gòn sinh sống và viết. Trần Mạnh Hảo nhận xét Nguyễn Khải là
người “ta không ra ta địch không ra địch”. Nguyên Ngọc thành
danh rất sớm. Tôi bằng tuổi anh. Người ta nói tuổi Nhâm Thân là con khỉ bạc.
Lúc đó tôi đang là viên trợ lý văn hóa văn nghệ dưới sư đoàn pháo binh còn
anh đã là nhà văn nổi tiếng với tiểu thuyết “Đất nước đứng lên” giành giải
nhất văn học quốc gia. Thời ấy giải văn học danh giá hơn bây giờ nhiều. Sách
in ra hàng vạn cuốn, nhuận bút cũng lớn, anh Ngọc đang độc thân không biết
tiêu gì cho hết tiền. Anh Ngọc lại là người nghiêm chỉnh, không chè rượu đàn
đúm. Mãi đến năm 1960 tôi về Văn nghệ Quân đội mới biết anh.
Một người nhỏ bé nhưng tài cao chí lớn. Cùng ở cơ quan nhưng tôi ít có dịp
trò chuyện với anh. Nguyên Ngọc đi nhiều, anh lên tận Bắc Kạn, Cao Bằng viết
tập truyện ngắn “Rẻo cao”. Rồi đó đi về Thái Nguyên khi ấy đang xây
dựng một khu gang thép lớn, một trong những đứa con đầu lòng của nền công
nghiệp XHCN. Được viết về anh vừa là trách nhiệm vừa là vinh dự. Anh Ngọc
viết tập truyện “Mạch nước ngầm” ẩn ý là sau cái tưng bừng vĩ đại của
công trình và những người mới của giai cấp công nhân tương lai, thì đã có một
mạch nước ngầm đang chảy rì rầm không được trong lành lắm. Anh bị rắc rối vì
chuyện đó, cuốn sách phải xé bỏ một số trang mới được phát hành.
Truyện đó không ảnh hưởng gì nhiều đến con người vốn cứng rắn như Nguyên
Ngọc. Anh không biết đi xe đạp, và anh cũng không định tập, dù có nhiều người
tình nguyện hướng dẫn. Anh em nói vụng: “Ông Ngọc kiên trì đường lối đi lên
CNXH không qua giai đoạn tư bản, cũng từ đi bộ đi luôn ô tô, bỏ qua giai đoạn
xe đạp, xe máy”. Một lần người yêu anh Ngọc từ Vĩnh Phú về Hà Nội, Nguyễn
Khải và tôi tự nguyện làm phu pooc-tê cho hai người. Tôi đèo chị, Khải đèo
anh, chúng tôi đạp xe song song với tốc độ đồng đều để hai anh chị ngồi phía
sau tâm sự trên đường quanh Hà Nội. Nguyên Ngọc làm TKTS, anh
làm rất giỏi và mọi người ủng hộ, vì như vậy mọi người được tự do đi viết.
Năm 1962, Nguyên Ngọc vào chiến trường, khu Năm và Tây Nguyên quen thuộc của
anh thời kỳ chống Pháp. Không lâu sau anh gửi ra bài viết từ chiến trường.
Bài tùy bút “ Đường chúng ta đi” mang âm hưởng một bài hịch.
Truyện “Rừng xà nu” như một áng sử thi của con người và đất Tây
Nguyên. Những anh Núp chị Niêu mới lại đứng lên chống Mỹ, đất nước
lần nữa lại đứng lên. Nguyên Ngọc lấy bút danh là Nguyễn Trung Thành. Đây là
điều bắt buộc với những nhà văn miền bắc khi vào chiến trường miền Nam.
Năm 1974 Nguyên Ngọc ra Bắc rồi năm 1975 anh lại đi chiến dịch giải phóng MN. Khi đất nước thống nhất,
Nguyên Ngọc đã đứng ở vị trí cao trong văn nghệ. Anh cũng xứng đáng như vậy,
anh cũng mong muốn được thổi vào văn nghệ một không khí mới. Tôi nhớ hồi còn
ở chiến trường anh có viết thư về tòa soạn nhắc nhở chúng tôi đại ý, nếu cứ
viết như những gì đăng trên tạp chí thì không góp gì được cho công cuộc chiến
đấu trên chiến trường. “Muốn thực hiện được những ý tưởng đó, tất nhiên phải
nắm giữ một vị trí lãnh đạo càng cao càng tốt”. Một lần Nguyễn Khải nói với
tôi: “Chúng ta “nịnh” ông Ngọc đi thì vừa”. Một lần
Nguyễn Khải đèo Nguyên Ngọc trên xe đạp đi qua báo Quân đội Nhân dân,
mấy ông bạn hàng xóm trêu: “Thằng lớn đèo thằng bé”. Nguyễn Khải cười
toét: “Cái bóng bao giờ cũng lớn hơn người! “Anh em chúng tôi đối với Nguyên
Ngọc thường kính nhi viễn chi, thân thiện nhưng không suồng sã. Nguyên Ngọc rời quân đội
chuyển sang Hội nhà văn, được bổ nhiệm làm phó tổng thư ký hội. Và anh chuẩn
bị thực hiện ý tưởng của mình chuẩn bị cho “sự kiện” bản đề dẫn. Nguyên Ngọc
tổ chức cuộc họp một số nhà văn chủ chốt, trình bày bản đề dẫn Để làm mới văn
nghệ, để phù hợp với tình hình mới , để sáng tác đa dạng hơn, trung thực hơn,
và vấn đề giữa chính trị và văn nghệ. Nguyễn Khải nói với tôi
rằng lần này Nguyên Ngọc sẽ vào ban chấp hành Trung ương Đảng. Anh còn kể cho
tôi nghe những gì mà anh biết, nhưng chuyện tưởng là ngoài lề nhưng lại có
tính quyết định ai ngồi đâu, làm chức gì, nhiều khi nghe cứ tưởng chuyện đùa
mà có thật. Như chuyện anh Ngọc làm việc với một vị lớn ở Quốc hội. Lúc này
Nguyên Ngọc là đại biểu Quốc hội. Hai người làm việc đêm, ông tối đó có việc
đi ra ngoài, khi trở vào kêu lên : “Ngọc ơi, mình đã nhầm dép của cậu”. “Chân
ông Ngọc cũng nhỏ như chân cấp trên”. Thân mật như thế, hòa hợp đến thế thì
vào Trung ương là cái chắc. Lúc đầu tôi nghĩ anh Khải đùa nhưng rồi nghĩ lại
thấy đúng. Lại nữa, với Nguyên Ngọc việc vào Trung ương cũng không phải xa
vời lắm. Nhưng lại nghĩ như nhà văn Nguyễn Đình Thi bề dày còn hơn Nguyên
Ngọc, ông đã nổi tiếng là đại biểu trẻ nhất Quốc hội năm 1946, là thư ký Quốc
hội trong phiên họp cử Cụ Hồ đứng đầu chính phủ Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa đầu
tiên. Vậy mà bao nhiêu năm ông không được vào Trung ương, có lẽ tại vì chân
ông to, giày dép không vừa như chân cấp trên. Tôi tán dóc một cách cù lần như
thế với Nguyễn Khải. Nhưng rồi chính Nguyễn Khải lại nói: “Hỏng rồi, thủ
trưởng của chúng ta hụt rồi”. Và cũng là lý do rất dở hơi. Rồi kết quả đúng
như vậy, Nguyên Ngọc hụt vào Trung ương vào phút chót. Nguyễn Khải có lối nói
đùa chết cây chết cá. Sau sự thể ấy, Nguyễn Khải nói với Nguyên Ngọc: “Giá
ông cho Xuân Sách một bao thuốc lá, hắn sẽ giúp ông cách vào Trung ương”. Tôi không biết chuyện đó,
mãi sau này khi anh Ngọc với tôi có mối quan hệ thân thiết hơn. Lần Đại hội
văn nghệ Vũng Tàu tôi mời Nguyên Ngọc vào dự, trong bữa rượu vui vẻ Nguyên
Ngọc mới nhắc lại chuyện đó. Tôi nói: - Anh lạ gì ông Khải, ông ấy đùa
thôi mà, báo hại tôi rồi! - Tôi không lạ ông Khải,
ông ấy đùa bao giờ cũng có một nửa sự thật, ông cứ nói tôi nghe. - Khi anh đã
được chấm tên vào sổ thiên tào rồi, anh có thể ngủ yên chờ đợi không cần phải
làm gì nữa, và khi đã yên vị lúc ấy làm gì mới có thể làm. Chính
nhiệt tâm của anh và cả sự nóng vội nữa, anh đã làm cái việc mà người ta
thường nói là cầm đèn đi trước ô tô. Cầm đèn đi trước ô tô dù với thành tâm
và thiện chí cũng rất dễ làm bận lòng đối với những người đang ghen tỵ với
anh. Lưu Bang là người biết dùng người tài, tin cậy Trương Lương như cha, vậy
mà Trương muốn Lưu làm gì vẫn khôn khéo gợi ý sao cho những ý nghĩ những việc
làm ấy là nhờ “tài năng và hồng phúc của chúa công”. “Mất mùa là tại thiên
tai/ Được mùa là bởi thiên tài Đảng ta”. Dân gian đã đúc kết như vậy mà. Nguyên Ngọc cười:
- Sao lúc đó
ông không nói thẳng với tôi, chắc hẳn không phải là ông sợ rồi? - Tôi không
phải là Trương Lương và anh… Nhưng thôi, việc đó nói cho cùng không có gì
quan trọng. - Đúng vậy,
tôi nghĩ trong cái rủi có cái may. Nếu Nguyên Ngọc thành ông Trung ương, thì
không có Nguyên Ngọc làm tổng biên tập báo Văn nghệ thời kỳ
đổi mới. Cái thời mà ông tổng bí thư thứ tư của Đảng Nguyễn Văn Linh trong
một ngày đẹp trời tuyên bố “cởi trói” cho văn nghệ sĩ, tự cứu trước khi trời
cứu, thời tướng Trần Độ với nhãn quan chính trị tiến bộ, với nhiệt tâm đối
với văn nghệ đã dựng được cái “nghị quyết năm”, một nghị quyết góp phần cho
việc tự do sáng tạo, thì tờ báo Văn nghệ của Nguyên Ngọc là
thành phẩm sáng giá nhất. Có người chủ trì ấy tờ báo mới có “Cái đêm hôm
ấy đêm gì” của Phùng Gia Lộc, một anh cán bộ văn hóa làng xã viết
rất hay tố cáo nỗi đau khổ của người nông dân bị bọn cường hào mới áp bức và
bóc lột. Mới có những truyện ngắn mới mẻ xuất sắc của Nguyễn Huy Thiệp và một
số nhà văn khác. Mới có những bài tuyển luận như Nguyễn Minh Châu viết: “Đọc
lời ai điếu cho một thời kỳ văn nghệ minh họa”… và đặc biệt là tạo được
bầu không khí dễ thở trong trường văn trận bút và manh nha không khí dân chủ
không chỉ trong văn chương mà cả trong toàn xã hội. Mới có được Đại hội nhà
văn lần thứ tư 1989, một đại hội rất đáng hãnh diện của những người cầm bút.
Một đại hội được nhân dân tin cậy, cơm đùm cơm nắm lên thủ đô đem đơn từ đi
khiếu kiện tới trao cho các nhà văn. Với một khúc ngâm “đặc tả” Đại hội với
mấy câu mở đầu: Thuở trời đất nổi cơn Đại
hội/ Khách làng văn nhiều nỗi truân chuyên/ Trời kia thăm thẳm tầng trên/ Vì
ai gây dựng cho nên nỗi này/ Trống Ba Đình tùng tùng… Rồi ban chấp hành
Hội nhà văn trong đó có Nguyên Ngọc tặng giải thưởng cho tiểu thuyết “Nỗi
buồn chiến tranh” của Bảo Ninh. Cuốn tiểu thuyết lần đầu mô tả chiến
tranh ở một khía cạnh khác, một hiện thực mà từ trước chưa ai dám viết. Và
chúng ta biết sau thời gian mở và cởi trói cho văn nghệ người ta lại thấy
hiểm họa mà nó mang tới nên phải trói trở lại. Một số người trong ban chấp
hành tự kiểm điểm và xóa bỏ giải thưởng của cuốn sách kia. Theo đó cũng là
lúc Nguyên Ngọc phải lặng lẽ rời bỏ chức Tổng biên tập tờ báo Văn
nghệ. Nhưng dù sao có trói lại cũng không thể trói chặt như trước. Nguyên Ngọc chuyển hoạt
động của mình sang một hướng khác. Anh lại đem tài năng của mình để làm được
điều gì đó có lợi ích cho dân cho nước, và lại phải vượt qua những thử thách
gian nan mới. Qua những bước thăng trầm của Nguyên Ngọc, tôi đã viết chân
dung anh: “ Mấy lần đất nước đứng
lên Đứng lâu cũng mỏi cho nên lại nằm..” Cách đây mấy năm, Nguyên
Ngọc từ Hà Nội gọi điện vào Vũng Tàu cho tôi: “Sách ơi, lần này mình lại đứng
lên rồi và không nằm nữa đâu!” Tôi tin và mong như thế. Bây giờ sống đến U80
không còn là chuyện xưa nay hiếm. Nhưng đến độ ấy mà còn “đứng lên” đi về
phía trước thì vẫn được gọi là xưa nay hiếm” (Hồi ký Giải mã chân
dung). Chân dung Nguyên Ngọc
Đứng lâu cũng mỏi cho nên phải nằm Hại thay một mạch nước ngầm Cuốn trôi đất Quảng lẫn rừng Xà nu!
* Những năm cuối đời Nguyễn Khải có
viết hai tùy bút chính trị rất đáng chú ý là Nghĩ muộn và Đi
tìm cái Tôi đã mất . Talawas có bài Dương
Tường chia sẻ một vài suy nghĩ về những trang ghi chép này (ngày 13-6 Viet-studies đã đưa
lại). Dương Tường nói, trong Nguyễn Khải có hai con người: “Một Nguyễn
Khải khôn khéo giả dối và một Nguyễn Khải thành thật trắng trợn. Một Nguyễn
Khải hèn nhát và một Nguyễn Khải khinh ghét tay Nguyễn Khải hèn nhát
kia. Và sự tranh chấp giữa hai con người ấy không bao giờ ngã
ngũ.”. Với phần viết về Nguyễn Khải trong Hồi ký Giải mã
chân dung, Xuân Sách cũng sẽ giúp bạn đọc hiểu được phần nào cả hai con
người Nguyễn Khải: “VTN viết: ở Văn nghệ Quân đội, Xuân
Sách là người hiểu Nguyễn Khải đến chân tơ kẽ tóc. Anh VTN quá lời. Nhưng
cũng có thể nói mối quan hệ giữa tôi và anh Khải có phần mật thiết, như anh
Khải đã nói công khai: Sở dĩ tôi với ông Sách làm bạn với nhau được lâu dài
và có vẻ thân thiện vì chúng tôi biết giữ một khoảng cách. Với tôi, cái
khoảng cách ấy là biết mình ngồi ở đâu, biết gần gũi các bậc đàn anh mình học
hỏi được những gì về đời cũng như về nghề. Tôi nghĩ viết về đời và về văn của
Nguyễn Khải cũng đáng nhưng ở đây tôi chỉ nói tới mối quan hệ của tôi với
Nguyễn Khải trong việc tôi viết về chân dung các nhà văn. Bởi lẽ anh là người
quảng giao, lại có những nhận xét về người khác sâu sắc và nêu bật được tính
cách những người đó… Còn gì hơn cái kho tư liệu dồi dào như vậy. Nói thế
không phải Nguyễn Khải ủng hộ tôi hoàn toàn. Như tôi xin nhắc lại bài thơ đầu
tiên của tôi xuất hiện nhiều người coi như chuyện đùa nhưng Nguyễn Khải đã
phát hiện ngay. “Thằng này không đùa nữa rồi”. Nhưng Nguyễn Khải vẫn cứ giúp
tôi. Khuyến khích tôi viết và còn khuyến khích tôi đọc
trước mặt các đối tượng. Như một lần trong cuộc liên hoan ở NXB Quân đội có
mời một số nhà văn bản ngoài như các anh Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài…
Nguyễn Khải lại giới thiệu tôi đọc. Tôi cũng biết anh Khải làm thế không phải
chỉ làm vui như anh nói, nhưng tôi thì có dịp là đọc, cũng là phép thử những
gì mình viết ra, được công khai bao giờ cũng hơn vụng trộm. Sau này anh Khải
có viết ý của mình về cái đó: …Theo tôi biết, các anh Nguyễn Đình Thi, Tô
Hoài, Chế Lan Viên, Hoàng Trung Thông, đều có nghe những đoạn thơ nói về mình,
nhưng họ chỉ cười và bỏ qua, không chấp, chuyện đùa mà, chuyện vui của đám
trẻ mà. Nhưng in những đoạn thơ đó cho công chúng đọc thì khó mà vui, khó mà
tha thứ được. Ví như ông Chế Lan Viên. Tôi cũng có nhiều điều muốn bàn cãi
với ông Chế, nhưng trong thâm tâm tôi vẫn vô cùng kính phục cái tiết tháo,
cái niềm tin rất mãnh liệt của ông Chế, còn cái tài của ông là cái tài của
bậc thầy làm sao ta bì được. Nói cho cùng với các bậc tiền bối của giới văn,
dẫu bọn ta còn chưa đồng tình một tính cách nào đó, một quan niệm nào đó,
nhưng vẫn cứ từ trong vạt áo của họ mà ra cả. Như tôi đã kể, khi tôi đọc bài thơ về Chế Lan
Viên cho hai người đầu tiên nghe là Nguyễn Khải và VTN. Tôi thấy mặt anh VTN
đỏ lên, đó là thói quen của VTN khi có gì xúc động. Còn anh Khải thì nói: Ông
Sách chuốc lấy kẻ thù số một rồi. Tôi biết trong thâm tâm anh Khải cũng thích
bài viết của tôi, vì những ý tưởng đó tôi cũng rút ra từ trong tay áo của
anh. Vì cái khẩu khí cũng có tính “ác” như anh. Như anh đã cảnh báo tôi,
nhưng vì tính cách vốn có mâu thuẫn nội tại nên anh vừa ủng hộ tôi vừa muốn
có người trị tội tôi, như sau này anh đã viết : … Không ngờ Xuân Sách cũng khôn ngoan mà về
già lại có tính toán lẩm cẩm, cho in những đoạn thơ giễu một thời thành tác
phẩm văn học chủ chốt của đời mình. Bữa nọ ở Hà Nội có một ông bạn thuộc giới
quân nhân chẳng biết đọc được ở đâu tập Chân dung bảo tôi
nửa đùa nửa thật: “Các ông xấu xa như thế mà luôn đòi dạy bảo thiên hạ thì
buồn cười quá”. Tôi chỉ còn biết cười gượng thôi, vì xấu hổ quá, xấu hổ
cho mình, cho bè bạn, cho cả giới. Tất nhiên dù người từng trải sắc sảo như
Nguyễn Khải cũng không thể tránh khỏi sai lầm. Và rồi cuối cùng tôi không
phải là kẻ thù số một của Chế Lan Viên. Người như anh Chế chắc biết kẻ thù
của mình là ai? Và tôi lại có ý nghĩ hơi huênh hoang rằng, biết đâu tôi góp
phần để anh Chế Lan Viên hiểu ra điều đó. Nguyễn Khải lại nói: Xuân Sách không hiểu rằng
từ truyền miệng đến việc in ra trên giấy trắng mực đen là một khoảng cách
chết người. Anh Khải đã nói với anh Lữ Huy Nguyên giám đốc NXB Văn Học rằng
in tập thơ của tôi là dại dột - nhà xuất bản dại, tác giả dại. Vì theo anh
Khải trong nghề văn có một điều cấm kỵ, tuy không có văn bản, là không được
phép chê tài của nhau. Hoặc giả có chê là chê vụng giữa mấy người với nhau
còn lên tiếng trước đám đông là không bao giờ. Anh Khải quên rằng cái việc chê tài nhau trong
giới thì đông tây kim cổ đều có. Tôi nghĩ rằng chê nhau có sai còn hơn khen
thối. Tôi nghĩ chê đúng mà khối người “chết”, còn khen thối làm ô nhiễm môi trường
vẫn đầy rẫy. Như anh Hoàng Yến, chỉ vì chê thơ ông Tố Hữu sau này nhạt như
nước sirô pha loãng mà cả đời lận đận. Nhạc sĩ Văn Cao chỉ vì nói thơ ông Tố
Hữu như ca dao hò vè mà chịu trận mãi về sau này. Khen chê tài văn chương chưa chết ai
nhưng khen chê về lập trường quan điểm qua văn chương mới chết người la
liệt.Và điều này thì anh Khải rõ hơn ai hết . Chỉ cần nêu ra một ví dụ mà nhà
văn đều biết. Trong thời kì Nhân văn giai phẩm anh Khải là
một trong những ngọn cờ đầu tiên phong nói và viết về những nhà văn sai lầm
về đường lối văn nghệ của Đảng, trong đó có nhà văn Vũ Bão qua quyển tiểu
thuyết Sắp cưới, mà tôi đã viết: Sắp cưới bỗng có thằng
phá đám/ Nên ông chửi bố chúng mày lên … Chao ôi anh Vũ Bão
ngậm bồ hòn gần suốt cuộc đời. Anh Khải rồi cũng thấy ân hận, nên năm 95 nhân
Đại hội nhà văn, anh Khải đã chủ động xin lỗi anh Vũ Bão trước mặt mọi người.
Hai người đã bắt tay nhau, thời buổi khép lại quá khứ hướng tới tương lai mà.
Nhưng rồi đến cuối đời anh Vũ Bão kiểm tra lại đời mình lại thấy nỗi oan
khuất không thể nào quên được, anh lại làm bức thư ngỏ gửi anh
Khải và bạn bè rằng anh không thể nuốt hận được để tha thứ cho anh Khải. Giờ
đây anh Vũ Bão đã qua đời, không biết sang thế giới bên kia anh có quên được
không? Năm 1976 Nguyễn Khải viết vở kịch Cách
Mạng, nói về dân Sài Gòn trong những ngày vừa giải được phóng. Anh lấy
nguyên mẫu chính những người trong gia đình anh ở Sài Gòn làm nhân vật cho
kịch. Kịch của anh kén đoàn diễn bởi anh viết không theo mảng miếng thắt nút
cởi nút như thông thường. Hơn nữa, nội dung cũng có nhiều điều gay cấn. Nhưng
lúc nhiều diễn viên điện ảnh chưa có phim làm, anh Khải thuyết phục họ dàn
dựng. Có thể nói kịch của Nguyễn Khải là loại kịch để đọc, đọc văn ông Khải
trên sân khấu. Vở Cách Mạng được dựng xong vào lúc Đại hội
Đảng lần thứ tư sắp khai diễn. Tôi biết anh đã quyết định diễn
trước đại hội cho các đại biểu xem. Anh Khải cũng hỏi tôi. Tôi nói diễn trước
một đối tượng như vậy thì còn gì hơn nữa. Tôi cho rằng không còn thời điểm
nào tốt hơn… Anh Khải nhờ tôi một việc, tối nay ông đi xem
nhờ ông để ý đến thái độ của thủ lĩnh chúng ta như thế nào, rất khó qua mắt
ông này. Tức là ông Tố Hữu. Thường diễn viên kịch chạy tay ngang sang đóng
phim, phim trở nên rất kịch. Còn vở kịch này do các diễn viên đóng tôi lại
thấy họ diễn tự nhiên rất hợp. Khi vai chính ông chủ gia đình ra sân khấu tôi
giật mình: nhân vật giống như cụ thân sinh ra tác giả, người mà nhà văn lấy
làm nguyên mẫu. Người mà tôi được tiếp
chuyện cụ nhiều lần trở thành người thân trong gia đình. Và chị Tuệ Minh diễn
viên điện ảnh có đài từ khá tốt, chị nói lưu loát và biểu cảm đúng ý tác giả
khi chị nói: “Các vị nói với tôi một cách không thân thiện rằng xã hội chủ
nghĩa (XNCN) vào đây có nghĩa là xếp hàng cả ngày, nhưng thưa các vị tôi từng
xếp hàng không chỉ cả ngày mà cả nửa đời người mà không kiếm nổi tấm chồng. “Đấy
là lời lẽ của cô Phượng cô gái Sài Gòn không chịu đi làm sở Mỹ và bây giờ vui
vẻ khi gặp được Cách Mạng”. Vở kịch đã kết thúc êm ả. Tôi làm nhiệm vụ của
mình ngồi trong góc khuất thỉnh thoảng liếc nhìn ông Lành. Tôi thấy ông lim dim
mắt, không biểu lộ gì rõ rệt. Lúc ra về, tôi đi phía sau ông. Một nhà thơ cỡ
nhớn hỏi ông: “Thưa anh, thấy thế nào?” Ông trả lời ngay: “Thằng Khải xỏ lá”. Vợ chồng nhà thơ Vũ Cao cũng đi xem. Chị Khang
nói với tôi: - Anh Khải bạo gan quá! Tôi cũng bạo gan dù không hiểu gì nhiều về
kịch nghệ cũng viết bài phê bình “Cách mạng” đăng trên tạp chí có ngụ ý làm
vài cái nút chặn, vài lỗ hỏng của vở kịch để ngăn ai đó khỏi suy diễn. Anh Khải cũng không lấy làm lo về ý kiến ông
Tố Hữu vì có nhiều vị cấp trên của ông ngồi xem, và tác giả biết rõ tâm lý
các cụ đang để vào một Đại hội Đảng rực rỡ sau chiến thắng không hơi đâu để ý
đến chuyện nhỏ. Một lần tôi được đi cùng các anh bên điện ảnh quân đội vào
chiếu một cuốn phim tài liệu quan trọng để ông Trường Chinh thông qua. Cùng
dự có cả ông Tố Hữu. Ông Trường Chinh nhận xét cuốn phim tốt và chỉ ra vài
chi tiết cần xem thêm, ông còn nhấn đó là ý kiến riêng các anh thấy đúng thì
sửa, không thì thôi. Lúc đi ra ông Tố Hữu có bá vai người phụ trách điện ảnh
nói gì đó. Ông Trường Chinh liền nói: Phim như thế là được, anh Lành đừng làm
anh em phân tâm. Tôi rất phục Nguyễn Khải về cái tài sáng tác
nhanh nhạy những vấn đề mới mẻ và rất giỏi gửi gắm nhiều điều xuôi lọt được,
không phải ai cũng làm được như thế. Tôi biết anh Khải là người tính toán rất kỹ,
hầu như anh nói cũng như viết đều được cân nhắc ít khi có cái cảm hứng nghệ
sĩ, tài tử bất chợt. Vậy mà không hiểu anh đã giải quyết như thế nào những mâu
thuẫn nội tại của anh, khiến tôi phải giật mình khi đọc cái thư của anh gửi
Ban chấp hành vào năm 1988 lại có cái đoạn nói về ông Nguyễn Hữu Đang như
vậy. Tôi xin nói thêm vài lời tóm tắt về ông Nguyễn
Hữu Đang. Nhiều người đều xem ông là trí thức với nghĩa đẹp, người đã tham
gia cách mạng từ rất sớm, được sự ưu ái của cụ Hồ, nên cụ mới giao cho ông là
trưởng ban tổ chức ngày lễ độc lập 2/9/1945 trong 4 ngày cuối tháng Tám: rồi
sau này trong vụ án Nhân văn ông bị đi tù một cuộc 15 năm như cô
Kiều, đến nỗi khi được tha ông không biết là Việt Nam có cuộc chống Mỹ. Chắc
chắn ông Khải biết về ông. Nguyễn Khải viết: “ … bỗng nhiên có một nhà chính trị, cũng là
dân làm văn làm báo của Đảng từ trước cách mạng, nhưng đã mất ngôi mất quyền,
liền đứng ra tổ chức tờ báo cho những nghệ sỹ ham chuộng tự do được tự do bày
tỏ nỗi niềm. Mình thì nói tự do về nghệ thuật, họ thì nói tự do về chính trị,
họ muốn giành quyền, muốn đòi quyền. Nhưng họ không thể làm được những chuyện
đó. Thân phận họ tầm thường, tài nghệ thì vớ vẩn, tập hợp thế nào được dư
luận và công chúng, nhất là công chúng của chúng ta, mượn cả tiếng kêu thống
thiết và cảm động đòi tự do để sáng tạo của chúng ta nữa. Nhà chính trị ấy là
ông Nguyễn Hữu Đang, ông đó mới thật là linh hồn, kẻ xúi giục và tổ
chức ra mọi sự của cái thời ấy. Mưu mô bị vỡ lở, kẻ chủ mưu phải ngồi tù, anh
em mình không đi tù nhưng bị treo bút những mấy chục năm còn đau khổ cực hơn
cả đi tù. Mấy ông chính trị thất thế, lắm tham vọng, lắm mưu mô có đi tù tôi
cũng không thương. Đã theo cái nghề ấy ắt phải chịu cái nghiệp ấy. Chỉ thương
anh em mình lòng trong dạ thẳng, nông nổi thơ ngây, cứ nghĩ bụng dạ họ cũng
như mình, nào ngờ họ lại nghĩ ngợi sâu xa như thế.” (Bổ sung về Nguyễn Hữu Đang: Rồi ông phải về
quê sống trong túp lều và dưới sự quản chế của địa phương. Ông xin vỏ bao
thuốc lá đổi cho trẻ con làm đồ chơi để chúng nó bắt cóc nhái cho ông làm
thực phẩm nuôi sống cái xác phàm. Sau thời kì đổi mới ông mới được về Hà Nội,
có một sự đền bù nào đó cũng lu mờ như án đi tù không rõ là tội gì và xử như
thế nào đó là cách hành xử về luật pháp thời đó. Tôi nhớ một lần nhà văn Nam
bộ Hà Mậu Nhai ở Văn nghệ Quân đội, người trung thực thẳng tính,
anh cãi với một ông tướng cấp trên rằng anh làm đúng pháp chính vô sản, là
chỉ thị nghị quyết của Đảng. Anh Phùng Quán có nói với ông Đang : - Bọn em
bàn hỏi vợ cho anh, anh thấy thế nào ? - Lấy vợ có thú không ? - Thú lắm anh ạ ! Đến tuổi tám mươi bạn bè tổ chức lễ mừng thọ
cho ông Nguyễn Hữu Đang, trưởng ban tổ chức Phùng Quán tuyên bố: “Hôm nay
chúng ta làm lễ thượng thọ cho cụ Đang. Ông là người sống độc thân và đặc
biệt năm nay tám mươi xuân ông còn là trai tân”. Lúc trẻ ở Hà Nội ông đã có người yêu là cô gái
đẹp con nhà thế gia. Sau 1945 hai người cũng có ý định kết hôn. Nhà gái đòi
“Sính lễ” rất độc đáo. Biết ông là người thân cận của cụ Hồ nên nhà gái chỉ
yêu cầu làm sao cho con gái họ được cái vinh dự tiếp kiến Cụ Hồ một lần. Ông
Đang không muốn làm điều đó nhưng bạn bè đã giúp ông. Nhân dịp bộ phận hậu
cần đã may áo trấn thủ để bộ đội chống rét, trước khi gửi xuống các đơn vị có
tổ chức buổi lễ dâng chiếc áo lên Bác Hồ và bắn phát lệnh gửi cho
các chiến sĩ. Mấy người bạn đã mời cô gái người yêu của ông Đang làm người
cầm áo trấn thủ trực tiếp dâng lên Bác. Rồi đám cưới chưa kịp tổ chức thì kháng chiến
bùng nổ, ông Đang lên chiến khu Việt Bắc. Sau chín năm trở về Hà Nội thì mọi
chuyện đổi thay. Ông Đang cũng chưa muốn lập gia đình khi còn bộn bề công
việc và mọi chuyện xảy ra với ông như ta biết. Tám mươi vẫn là trai tân. Các
nhà khoa học đã sai khi chứng minh rằng những người sống độc thân thường chết
sớm vậy mà cụ trai tân Nguyễn Hữu Đang đang đi tới mốc sống trên
đời tròn bách tuế. Chao ôi, một đời như vậy có bao nhiêu chuyện đáng nói,
đáng suy ngẫm. Và
nhà văn Nguyễn Khải năm 1988 đã viết về Nguyễn Hữu Đang như sau: …. Cũng
trong bức thư đó Nguyễn Khải tiếp lời trấn tỉnh của mình: “Lại thêm một kinh nghiệm nữa của riêng tôi
thôi. Năm 74 một nhà chính trị đương quyền có nhờ tôi viết một loạt bài chống
cách sống tiêu cực, góp phần xây dựng một cách sống thật cộng sản. Tôi nhận
lời ngay, và đã viết một loạt bài trong tâm trạng hào hứng và xúc động. Vì nó
cần thiết, vì nó thỏa lòng. Bỗng dưng bài gửi tiếp không được đăng nữa. Những
bài được đăng được các cơ quan có trách nhiệm duyệt xét lại, và tôi trở thành
tên cầm đầu của một nhóm “Nhân văn giai phẩm” gì đó, nhưng nguy hiểm hơn là
đã lấy chính báo Đảng làm diễn đàn để truyền bá tư tưởng chống đối của mình.
Người phê phán tôi gay gắt nhất là người đã yêu cầu tôi viết bài .Tôi không nói
lại một lời nào, cũng không oán hận một ai cả… Nhưng tôi tự thề
với mình là từ nay chỉ viết bằng vài suy nghĩ độc lập của chính tôi, không
nghe lời dẫn dụ của bất cứ ai, cho dầu là người mình rất quý mến. Mình là người tử tế chẳng lẽ suy nghĩ riêng lại
không tử tế hay sao? Tôi không thích lại một lần nữa Hội nhà văn và lĩnh vực
văn nghệ lại trở thành trận địa quyết chiến của mấy ông lắm mưu tranh
bá đồ vương. Tôi không nói vu đâu, cái sự chửi bới bôi nhọ vu
khống tất cả ai dám nói ngược, đe dọa ra mặt hoặc bắn tin đe dọa bất cứ ai tỏ
vẻ lạnh nhạt, hoài nghi cái sự tàn sát tận diệt, gây một không khí căng thẳng
hung bạo ấy là sặc mùi chính trị … Một lần nữa, với mấy anh muốn mượn nhà văn để
xây mộng công hầu, tôi xin có lời kêu gọi khẩn thiết: “Hãy buông tha chúng
tôi, đừng xúi giục anh em tôi đánh nhau lần nữa, đừng quấy rầy chúng tôi,
đừng lợi dụng chúng tôi.” Vào những năm đầu thế kỷ mới Nguyễn Khải viết
cuốn tiểu thuyết “Thượng đế thì cười” mà anh nói là quyển sách của đời
mình. Quyển sách được Tạp chí Hội Nhà văn in trong
ba số. Đến số thứ ba thì có lệnh miệng ở Ban tư tưởng dừng in đoạn ba vì có
vấn đề nhạy cảm. Tổng biên tập là nhà văn Hà Đình Cẩn vốn là lính nói: Tôi
không thể không đăng tiếp, còn nếu muốn dừng thì cho ngay cái quyết định cách
chức tổng biên tập. Rồi quyển sách cũng được in trọn, người đọc
tìm được vấn đề nhạy cảm ấy là đoạn Nguyễn Khải viết về giai đoạn anh được
bầu vào Quốc hội. Vì quyển sách là dạng hồi ký Nguyễn Khải tổng kết cuộc đời
mình. Có thể tóm tắt đoạn ấy như sau, cũng chưa đến nửa trang. Trước hết anh phải giải thích việc anh được
trúng cử nghị sĩ. Ở Thành phố Hồ Chí Minh mấy ai biết được nhà văn
Nguyễn Khải, sở dĩ trúng cử là vì trùng tên với tên ông Phan Văn Khải. Và anh
kể những buổi họp cứ tưởng Quốc hội bàn về những vấn đề lớn của đất nước hóa
ra tốn quá nhiều thì giờ vào việc thay vài câu vài chữ trong những bản dự
luật nên nhiều đại biểu tranh thủ ngồi chợp mắt như các ông nghị gật. Và năm
năm ở khóa Quốc hội đại biểu Khải chỉ phát biểu được một câu một
lần với ý kiến đề nghị cho ra đời nhà xuất bản tư nhân và báo tư nhân. Tất
nhiên không phải ông nghị Khải ngu ngơ mà ông biết rõ đó là một “yếu huyệt”
kiêng đụng đến. Vì thế hội trường im phăng phắc rồi có một người
lên tiếng, đấy là bà nghị sĩ Ngô Bá Thành. Bà phản đối ông Khải với lý lẽ và
giọng hùng biện của luật gia. Nguyễn Khải viết: “Hóa ra tôi là thằng cộng sản
lại bị bà tư bản phê phán về việc đòi tự do dân chủ cho báo chí”. Khỏi phải nói dài. Nếu dám nhìn thẳng vào sự
thật thì đó là sự thật mà nhà văn đã viết. Còn không thì tất nhiên nhà văn
phải ăn đòn. Khi nhà xuất bản Hội nhà văn in thành sách theo đúng như đã đăng
trên tạp chí. In xong có lệnh quyển sách phải “đắp chiếu” nằm đấy chờ phán
quyết cuối cùng. Cuối cùng là muốn phát hành thì phải bỏ cái đoạn nhạy cảm ấy
đi, như thế cũng là nhẹ đối với một nhà văn nổi tiếng đã vào tuổi
thất tuần. Nguyễn Khải lại phải tự vấn tự đấu tranh. Cùng lúc đó báo Văn
nghệ không biết tình cờ hay có chủ ý cho đăng một bài báo kể về
chuyện một nhà văn nước Cộng hòa Séc. Một nhà văn đương đại đang nổi tiếng có
thói quen la cà uống bia ở quán bình dân. Lần đó Tổng thống Hoa Kỳ Bill
Clinton sang thăm Séc gặp Tổng thống chủ nhà, ông Havel cũng là một
nhà văn. Ông Bill có nghe tiếng nhà văn nọ, đề nghị ông Havel cho
mời nhà văn tới gặp mặt. Ông Havel cho đánh xe đến quán bia tìm và đã gặp
nhưng nhà văn trẻ kia nói: “Tôi chẳng có chuyện gì để gặp các ông ấy, còn nếu
muốn gặp tôi xin mời hai vị đến quán bia này ta nói chuyện”. Rồi hai vị Tổng thống đã đến quán bia. Kể
chuyện này vì Nguyễn Khải cũng có một hành xử tương tự khi ông cấp trên mời
Nguyễn Khải đến gặp để thương thảo về cuốn sách. Một người biết chuyện hồi
hộp chờ đợi về cuốn sách “Thượng đế thì cười” cũng được công khai
ra mắt bàn dân thiên hạ. Nhưng… cái đoạn kia đã bị cắt, chỉ để lại ba dấu
chấm tượng trưng. Sự dũng cảm để nói lên sự thật bao giờ cũng có giới hạn,
không được hưởng sự vô biên của những lời dối trá. Sau khi vở kịch “Cách Mạng” được công
diễn tôi đã hoàn thành bài thơ chân dung viết về nhà văn là bạn gần gũi của
tôi. Tôi hạ hai câu cuối: Xung đột mỗi ngày thêm gay gắt Muốn làm cách mạng nhưng lại dát. Trong thâm tâm tôi mong mình nói sai, không
ngờ ba mươi năm sau vẫn đúng. Tiếc lắm anh Khải ạ!” (Hồi ký Giải
mã chân dung). Chân dung Nguyễn Khải
Hết bay mùa thóc lẫn mùa lạc Cho nên chiến sĩ thiếu lương ăn Họ sống chiến đấu càng khó khăn Tháng Ba ở Tây nguyên đỏ lửa Tháng tư lại đi xa hơn nữa Đường đi ra đảo đường trong mây Những người trở về mấy ai hay Xung đột mỗi ngày thêm gay gắt Muốn làm cách mạng nhưng lại dát! * Nguyễn Minh Châu cùng tuổi với Nguyễn Khải nhưng có tác phẩm
muộn hơn. Năm 1966 tiểu thuyết đầu tay Cửa sông ra
đời, báo hiệu một nhà tiểu thuyết Nguyễn Minh Châu. Nhưng phải đến tiểu
thuyết Dấu chân người lính (1972) thì văn tài của
nhà tiểu thuyết mới được khẳng định. Tuy nhiên, phải hơn chục năm sau,
khi Người đàn bà trên chuyến tàu tốc hành(1983), Bến quê (1985) và “Hãy
đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa”(1987) (5*) xuất
hiện và làm chấn động đời sống văn học thì độ lớn của nhà
tiểu thuyết Nguyễn Minh Châu mới hiện rõ. Hồi ký Giải mã chân dung của
Xuân Sách đã giúp chúng ta có được cái nhìn bao quát văn nghiệp cũng như cuộc
đời của Nguyễn Minh Châu từ lúc tác phẩm đầu tay ra đời cho đến lúc ông vật
vã ra đi vào cõi vĩnh hằng: “Nguyễn Minh Châu cùng một lứa như tôi: học
sinh vào bộ đội, có điều anh không làm việc trong ngành chính trị, báo chí
như chúng tôi mà làm sĩ quan tham mưu. Sau này khi hiểu rõ về anh chúng tôi
thường trêu: Ông Châu làm tham mưu, không biết ông đưa bộ đội đi đánh nhau
như thế nào nhỉ? Châu
đỏ mặt: Tôi vạch kế hoạch tác chiến trên giấy rất chính xác. Sau năm 1954, tạp chí cử tôi về Quân khu Tả
ngạn mở lớp “ Bồi dưỡng bạn viết” Nguyễn Minh Châu có dự trại. Anh ngồi co
chân trên bậu cửa sổ để có đủ ánh sáng đọc cái truyện ngắn đầu tay của mình có
cái tiêu đề giản dị “Củ sắn”. Tôi không lạ về thái độ hồi hộp rụt rè của
những người mới viết, nhưng tôi ngạc nhiên vì cái vẻ có phần uể oải chán ngán
của Nguyễn Minh Châu, nhất là lúc anh nghe mọi người góp ý về cái chuyện của
mình. Chuyện của anh chưa phải là hay nhưng rõ ràng không có tì vết về sự ấu
trĩ cẩu thả và đã ló dạng nét tài hoa, nhất là về mặt chữ nghĩa. Nhưng anh
chán nó, xấu hổ về nó. Anh đã ý thức về cái nghiệp anh sắp dấn thân vào. Đó
không phải là công việc tài tử, dễ dàng, nó sẽ cuốn hút cuộc đời mình vào con
đường khó khăn, đau khổ không lường hết được. Hầu như suốt đời Nguyễn Minh
Châu vẫn giữ cái ý nghĩ ấy, và anh chấp nhận sự thách thức ấy một cách bền bỉ
và dũng cảm. “Truyện của ông viết được đấy”- Tôi nói riêng
với Châu. Anh cười phá lên, thường anh ít cười như thế trừ khi có gì kích
thích đột ngột từ bên trong: “Cảm ơn ông đã động viên tôi”. Nửa năm sau tôi gặp anh đang học ở trường văn
hóa tại Lạng Sơn. Trường này bồi dưỡng một số kiến thức cần thiết trước khi
ra nước ngoài học tập. Nguyễn Minh Châu được chọn đi học ở Liên Xô về báo
chí. Tôi lại gặp cái vẻ chán ngán của anh sau khi nghe tôi chúc mừng vận may anh
đang có mà nhiều người thèm muốn. - Này ông, tôi về Văn nghệ Quân đội được
không? Nguyễn Minh Châu thường có cách nói đột
ngột không rào đón. Sau này tôi còn được nghe nhiều lần cách nói ấy. Lần cuối
cùng là vào năm 1988 khi tôi đã vào cư trú ở Vũng Tàu. Tôi đến chùa Pháp Hoa
ở Đồng Nai thăm anh đang nằm chữa bệnh hiểm nghèo. Trông thấy tôi anh reo
lên: - Sướng quá ông ơi, từng chữ,
từng chữ cứ rơi sang sảng trên mặt giấy, là tôi nói cái bài của Dương Thu
Hương đăng trên báo Văn nghệ. Bọn trẻ chúng nó hào sảng trong cách nói cách
viết. Bọn chúng mình uốn éo quá lâu đâm ra mất nết. Xin được trở lại câu chuyện ở Lạng Sơn. - Ông bỏ học ư? Bỏ xuất ngoại ư? Tôi lẩm bẩm. - Là tôi nói thế, chứ về chỗ tạp chí các ông
khó lắm. Bọn tôi đến cái nhà số 4 Lý Nam Đế cứ như con chiên đến
tòa thánh, ông cũng chả giúp được tôi đâu. Cuối năm, sau một đợt đi thâm nhập thực tế trở
về, tôi thấy Nguyễn Minh Châu đã có mặt ở nhà số 4. Phải qua một bước đệm,
anh công tác ở Phòng Văn nghệ là cơ quan theo dõi phong trào văn nghệ quần
chúng, lúc đó cùng chung nhà với chúng tôi, hai năm nữa anh mới về tạp chí. Mỗi khi có một lính mới về
Tòa soạn, tuy không có văn bản nào quy định, nhưng ai cũng trải
qua một thời kì thử thách gay go, gọi là thử. Nản thì thôi, bài được đăng hay
bỏ đi, buồn vui đấy, nhưng cũng chẳng sao. Bước chân về đây, viết đã trở
thành một nghề một nghiệp. Thành hay bại ảnh hưởng đến cả một đời. Những sáng
tác đầu tiên trình làng giống như tấm hộ chiếu nhập cảnh làng văn. Sau một thời gian đi thực tế trở về, Nguyễn
Minh Châu nộp cho tòa soạn một cái truyện ngắn dài tới 30 trang viết tay khổ
giấy học trò. Kỳ đó Nguyễn Khải và tôi trực biên tập. Chúng tôi đọc xong
không nói gì, đúng ra là không cần nói gì nữa. Chúng tôi pha ấm trà, mở bao
thuốc và mời tác giả đến phòng mình. Người trong nhà không phải rào đón,
Nguyễn Khải nói luôn: - Thôi khỏi vờ vịt nữa, ông Châu, thế là chúng
tôi biết tay ông rồi. Nếu có gì muốn nói với ông thì đấy là ông tiêu hoang
quá dù ông đã viết đến ba chục trang nhưng vẫn còn dồn nén quá. Cái này đủ
dùng cho một cuốn tiểu thuyết. Tôi là thằng ít vốn, thấy ông tiêu hoang tôi
xót của lắm. Châu
vốn kín đáo, trầm tĩnh, lúc này mắt sáng lên: - Cám ơn các ông. Rồi Châu châm thuốc, bậm môi chép miệng như
người vừa được ăn một bữa ngon lành. Hai năm sau, “Cửa sông” ra đời. Nguyễn
Minh Châu perestroika (dỡ ra làm mới lại) cái truyện kia
thành cuốn tiểu thuyết: anh vào nghề bằng tấm hộ chiếu đỏ không cần thủ tục
kiểm tra rườm rà. Quyển sách được đón nhận nồng nhiệt và cũng có
những vấn đề gay cấn cho những người thích soi tìm, nhất là với một tác phẩm
đầu tay, với một tác phẩm mới toanh. Vào thời đó mà tác giả đã ”dám” viết một
ông bí thư huyện ủy có hai vợ. Có lẽ vì nó hay nên cũng yên ổn. Có một vị
tướng tài ba đã khen hết lời và công khai bảo vệ. Năm 1967, tôi và Nguyễn Minh Châu vào chiến
trường miền Nam như một người lính. Ba lô, mũ tai bèo, khẩu súng
lục và chiếc gậy Trường Sơn, tôi và Châu đều hút thuốc nên mang theo gói
thuốc lá sợi nén chặt với tập giấy pơluya để cuốn thuốc và một bút danh mới
cho những bài viết từ chiến trường gửi ra cho Tòa soạn. Một hôm, tôi đang ngồi trong lán thấy Nguyễn
Minh Châu từ cửa rừng đi vào. Anh ra trạm đón tiếp gặp một đồng chí đại đội
trưởng công binh có nhiều chiến công về bộ chỉ huy mặt trận để báo
cáo. Tôi giật mình thấy Châu người đầy máu, từ mặt mũi đến quần áo, anh ném
vội túi tài liệu cho tôi rồi nhảy ùm xuống suối. Trước đó tôi có nghe tiếng máy bay và tiếng
một phát rocket nổ ngoài cửa rừng, ở mặt trận như vậy được coi là yên tĩnh.
Phát đạn ấy đã bắn trúng vào chỗ nhà văn và đại đội trưởng công binh. Với
kinh nghiệm chiến trường, đại đội trưởng đẩy vội nhà văn xuống hầm trú ẩn rồi
lao tiếp xuống sau. Phát đạn đã trúng vào hầm và người đại đội trưởng hứng
trọn, để lại máu và thịt vụn trên người Nguyễn Minh Châu và anh
hiểu mình đã thoát chết nhờ đồng đội. Buổi tối hôm đó nằm cạnh tôi, anh trằn
trọc, đốt thuốc liên hồi, thỉnh thoảng quay sang tôi: ”Này ông…” rồi lại im
bặt. Tính Châu vốn ít nói, không ưa diễn đạt bằng lời những ý nghĩ của mình. Tôi
cũng nghĩ không cần nói gì nữa lúc này. Mấy hôm sau cũng ở nơi này chúng tôi cùng
chứng kiến một bi kịch hiếm có trong hoàn cảnh thời bấy giờ. Tôi hay đến tiểu
đội trinh sát gồm những chàng trai ưu tú, công việc này không chỉ cần dũng
cảm mà còn phải mưu trí linh hoạt. Tiểu đội phải bổ sung luôn, mỗi
lần đi không phải lần nào cũng trở về đầy đủ. Lần đó có một tổ đi trinh sát
trong vùng sâu do tiểu đội trưởng Ð chỉ huy. Ð là người Nghệ An đang yêu một
cô gái làm kế toán ở cơ quan bộ chỉ huy. Cô S người Quảng Bình đẹp mặn mà,
nhiều chàng trai để ý nhưng cô đã yêu Đ khiến một chàng trung úy sầu não làm
thơ gửi cho S thường bị cô khéo léo trả lại. Một lần tôi bắt gặp Nguyễn Minh
Châu đi vòng quanh chỗ S đang sàng gạo. Tôi nói: - Trông ông rất giống con
gà trống xòe cánh lượn vòng. Tên cô ấy là Sạn nhưng không phải hòn
sạn đâu mà là đường sạn đạo, đường vào đất Ba Thục gập ghềnh hiểm trở lắm
đấy! - Thằng hủ nho! Châu đỏ mặt nói lại. Đêm hôm đó đang ngủ say chúng tôi giật mình
tỉnh dậy vì một tràng súng tiểu liên nổ. Chúng tôi lao đến nơi ấy. Trước mắt
một cảnh tượng không thể tin nổi. Cô Sạn nằm trên giường đã chết, máu loang
ngực, và tiểu đội trưởng Đ ngồi dựa vào giường đã chết, tay còn cầm khẩu tiểu
liên. Chiều tối hôm đó, Đ đi trinh sát
về, S dọn cơm cho anh. Đơn vị làm thịt chó S có để dành cho anh một đĩa thịt
ngon. Một cậu lính trẻ thiếu ý thức đã để vào đĩa thịt đó một miếng thịt chó
mà khi làm thịt người ta đã khoét vứt đi. Khi ăn miếng thịt đó Đ biết ngay,
anh bỏ bát đũa đứng dậy. Khi S hiểu ra sự thể chạy đi tìm Đ nhưng không gặp
được, biết tính người yêu cô đã dự cảm một chuyện ghê gớm sẽ xảy ra. Điều
ngạc nhiên là cô bình tĩnh đón nhận nó. Chập tối cô bảo cô cấp dưỡng thường
ngủ chung: “Tối nay em ngủ chỗ khác nhé, chị bận tính toán sổ sách”. S đã xem lại sổ sách tính toán rành mạch mọi
khoản, sắp xếp gọn gàng rồi cô vặn ngọn đèn dầu thật nhỏ ngồi đợi
người yêu. Nửa đêm Đ đến rồi tiếng súng nổ. Không ai biết sự thể xảy ra như
thế nào . Tôi và Châu dự đoán về tấn bi kịch ấy. Châu nói: - Trong chiến tranh tâm trạng con người khác lắm. Không có thời gian suy nghĩ kĩ càng. Đối với cậu trinh sát ấy lại càng thiếu thời gian. Biết đâu ngày mai vào trận không trở về. Mối tình của họ sâu sắc lắm họ mới có thể kết thúc một cách nhanh chóng như vậy. Đơn vị chôn cất hai người bên cạnh nhau trên bãi cỏ dưới
tán những cây rừng. Tôi và Châu kiếm được một bó hoa dại, trong đó có mấy mẫu
đơn rừng màu đỏ như máu. Khi còn lại hai đứa, Châu nói: - Cả ông, cả tôi cùng
có trách nhiệm trong cái chết này. - Đúng, chúng ta đều có tội. Đó là món nợ của người cầm bút phải trả bằng
tác phẩm. Đã ở chiến trường, đã hiểu thế nào là vẻ đẹp và nỗi gian nan cực
nhọc của người lính, uốn cong ngòi bút là phản lại đồng đội. Nguyễn Minh Châu rèn luyện bản lĩnh của mình
theo hướng đó. Những tác phẩm của anh lần lượt ra đời ngày một khởi sắc:
Dấu chân người lính, Lửa từ những ngôi nhà, Bến quê - và hai truyện
ngắn xuất sắc theo ý tôi là có tầm cỡ thế giới là Người đàn bà trên
chuyến tàu tốc hành và Khách ở quê ra rồi sau này
là Cỏ lau - và Phiên chợ Giát. Tôi đọc Nguyễn
Minh Châu nhiều khi bồi hồi ngẩn ngơ trước những trang viết xuất
thần. Tôi vừa đùa có chút ghen tị nói với anh: “Ông đừng vội lên
mặt, chẳng qua trời cho ông đấy thôi.” Năm 1988 được tin Nguyễn Minh Châu vào chữa
bệnh ở chùa Pháp Hoa thuộc Đồng Nai. Lúc này tôi vào Nam đã được 4
năm và đang ở Vũng Tàu. Tôi đến chùa Pháp Hoa thăm bạn. Anh già đi nhiều, tóc
rụng, răng rụng, căn bệnh hiểm nghèo mà anh đã cảm nhận được, khiến cặp mắt
chợt lạc đi như đang nhìn vào cõi hư vô vậy. Nhưng rồi lập tức anh trở lại
cõi thực, ngồi dậy linh hoạt hẳn đi như muốn trút ra với tôi bao
nhiêu điều định nói: -
Nhưng mà thôi, ông ở lại đây với tôi một ngày thì mới nói chuyện được. Tôi trở lại. Chúng tôi nằm trên chiếc giường
cá nhân kiểu bộ đội. Không khí nồng mùi hơi người, mùi lá cây thuốc phơi đầy
sân. Nhiều người đến thăm anh, chung quanh giường còn đầy quà. Anh đưa cho
tôi một chùm nho chín mọng. - Của một ông tướng cho mình. Ông
này hay lắm, hôm đến đây tình cờ có cả Trần Văn Thủy. Mình giới thiệu với ông
ấy đây là đạo diễn của phim: “Hà Nội trong mắt ai” và “Người tử tế”.
Không biết anh đã xem chưa? - “Tôi là tướng nên tôi khâm phục lòng dũng
cảm của anh, văn nghệ phải thế, các ông cầm bút phải thế cho nhân dân được
nhờ.” Trần Văn Thủy
đến thăm Châu và cũng có ý định xem Châu có ý định viết một kịch
bản phim không. Nguyễn Minh Châu nói những ngày nằm ở đây anh có cảm hứng từ
văn chiêu hồn của Nguyễn Du gợi ý viết cái gì gì đó về cõi “đêm trường dạ tối
tăm mù mịt”. Anh đang lo bệnh tật không cho anh được viết. Anh nói với Thủy
có thể anh sẽ phác thảo một kịch bản phim đưa Thủy. Lúc này Châu đang suy
nghĩ tìm một nhân vật chính. Nghe vậy tôi chợt có liên tưởng liền nói với anh
rằng tôi đọc bài báo viết một chuyện có thật hiện đang xảy ra ở
Thái Bình. Một người đi bộ đội chiến đấu trong nam hi sinh, có giấy báo tử về
nhà, gia đình và địa phương đã làm lễ truy điệu, giải quyết chính sách liệt
sĩ cho gia đình. Không ngờ người lính trở về. Chuyện đó cũng không hiếm,
nhưng chuyện đáng nói là anh bộ đội trở về không làm cách nào để trở lại là
người đang sống. Bao nhiêu rắc rối về thủ tục, vô tình anh ta trở thành người
chưa chết nhưng cũng không còn sống. Nguyễn
Minh Châu ngồi bật dậy như một người khỏe mạnh reo lên: - Thế là xong rồi, cái chuyện ông kể giúp tôi
tìm ra cái thằng cha ấy rồi, không ai khác được nữa. Khi anh ta là người chết
thì đi lang thang trong cái thế giới cô hồn của Nguyễn Du, có bao nhiêu
chuyện của thế giới bên kia để nói. Rồi khi anh ta là người sống lại phải lo
về chuyện đời trước mắt: Vợ đi lấy chồng, ông nhớ chứ, cái truyện ngắn mà
chúng mình rất thích của một bạn viết gửi về tạp chí? Tôi xen lời: - Đó là truyện: Tôi là
chồng của vợ anh ta. Đúng đúng, Châu hào hứng. Thế rồi sao nữa … anh
chìm đắm trong mạch truyện, cả lũ chúng ta giàu nghèo, sang hèn… cùng trở về
cái kiếp chúng sinh phân ra mười loại, mà văn nhân chúng ta được xếp ở bậc
chín, dưới đĩ trên ăn mày… Chẳng là cái gì cả, chúng mình chẳng làm nên cơm
cháo gì đâu… Nhưng chí ít cũng phải làm cái gì đó để không hổ thẹn với mình. Tôi biết Nguyễn Minh Châu đang đau
khổ, biết mình sắp rời bỏ tất cả khi cuộc đời còn dang dở, mọi chuyện còn dở
dang. Tôi tìm chuyện vui nói với anh. Kể vài chuyện tiếu lâm, đọc thơ Bút Tre
rồi tôi đọc bài thơ chân dung về một nhà phê bình lý luận đến hai câu cuối: “Suốt
ngày đêm ông lắng nghe ngọn gió xoay chiều/ Nên đôi tai mới dài đến thế”.
Anh cười ngất, miệng mở rộng, mặt đỏ bừng. Tôi phát hoảng. Nhưng chị Doanh,
vợ anh, vốn người trong ngành quân y, nói ngay: - Anh đừng lo, anh Châu cười được như thế là
sướng lắm đấy, tôi ngại anh ấy buồn, còn vui thì không sao! - Các cụ đến lúc chết còn cầu nguyện cho nhau
được ngậm cười nơi chín suối cơ mà! Năm sau Nguyễn Minh Châu qua đời, đem
theo kịch bản “Cõi trường dạ” cảm hứng từ Văn chiêu hồn của
Nguyễn Du” (Hồi ký Giải mã chân dung). Chân dung Nguyễn Minh Châu:
* Phù Thăng là một bi kịch của người cầm bút, cũng gần
giống như Hữu Loan với bài thơ “Màu tím hoa sim”. Phù Thăng nhập ngũ năm
1947, cùng thời gian với Nguyễn Khải. Năm 1963, Phù Thăng đã là trung
đội trưởng trinh sát trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Năm 1963 ông được độc
giả biết nhiều nhờ cuốn tiểu thuyết Con nuôi của Trung đoàn rồi
sau đó là Phá Vây. Nhưng đến cuốn sau thì “gặp nạn”. Cuốn
sách có trên 500 trang viết về chiến tranh thời chống Pháp, về người lính,
chỉ có một câu như thế này: “ đời lính là đời quá nhọc nhằn”. Câu
văn ấy bị kết tội: Đang chống Mỹ - Ngụỵ, giải phóng miền Nam, viết thế
ai còn muốn đi lính nữa?”. Phù Thăng và Xuân Sách có nhiều kỷ niệm sâu sắc và
phần viết về Phù Thăng thật cảm động: “Thiếu úy Nguyễn Trọng Phu là lính trinh sát của
Trung đoàn 42 nổi tiếng, chiến đấu trong vùng địch hậu thời kỳ kháng chiến
chống Pháp. Anh có năng khiếu và máu mê văn chương. Tác phẩm đầu tay “Con
những người du kích”, một truyện ngắn đăng trên tạp chí Văn nghệ Quân
đội năm 1953 được ngay giải cao trong một cuộc thi với bút danh ngồ
ngộ: Phù Thăng. Đó là cách nói lái của “thằng Phu”. Thằng Phu có thân
xác nhỏ thó, còm cõi, trọng lượng chỉ du di trong khoảng từ 37 đến 42 kí lô.
Vì sao anh lại trụ được ở bộ đội, lại là bộ đội trinh sát vừa cực nhọc vừa
nguy hiểm? Ðấy là nhờ có cái đầu to quá khổ và cặp mắt sáng trưng. Nhờ cặp
mắt ấy và trí nhớ cực tốt mà anh làm được trinh sát. Bí mật chui sâu vào đồn địch,
khi trở về anh vẽ lại bản đồ bằng trí nhớ rất chính xác. Ngoài chú thích bản đồ
bằng tiếng Việt anh còn ghi thêm bằng tiếng Pháp bằng cái vốn kha khá của
mình. Chiến công đầy mình nhưng có lẽ vì cái tính cách vừa “phù” vừa “thăng”
nên anh không được kết nạp Đảng. Tôi gặp Phù Thăng trong hoàn cảnh tức cười ấy.
Bấy giờ đang có một công trường lớn, công trường Bắc- Hưng-Hải, xây dựng công
trình thủy lợi cho ba tỉnh đồng bằng Bắc Ninh, Hưng Yên, Hải Dương. Lực lượng
lao động chủ yếu là bộ đội, với những đơn vị miền Bắc và bộ đội miền Nam tập
kết. Lúc đó tôi đang làm báo Quân Bạch Đằng thuộc
quân khu Tả ngạn. Tôi được cử đến công trường vừa viết bài vừa làm công tác
cổ động tuyên truyền tại chỗ. Một buổi tối, tôi đến chỗ đặt máy nổ của công
trường cho chạy máy để chuẩn bị cho buổi phát thanh Tiếng nói Bắc
Hưng Hải thì thấy một anh chàng nhỏ thó lại mặc bộ bà ba đen đến bắt
tay rồi gào lên như thằng điên để át tiếng máy nổ: - Anh là Xuân Sách phải không? Tôi là Phù Thăng! - Chào anh, tôi đã đọc “Con những người du kích” -
Tôi cũng vừa đọc cái “Đứa con” của anh trên báo Quân đội Nhân dân. Phù Thăng ở một đơn vị trong công trường, anh
cùng được phân công làm công việc như tôi. Chúng tôi rất mừng. Từ đó hai
thằng xuống công trường viết tin, tối về trao đổi rồi thay nhau đọc trên đài.
Xen vào là đọc thơ trên báo liếp của bộ đội, thỉnh thoảng mời chị em nuôi
quân hát vài lời quan họ. Một lần, tôi tóm được một vụ “người
thật việc thật” khá ấn tượng. Một chiến sĩ miền Nam, vốn là tấm gương
lao động xuất sắc của đơn vị vừa phát minh một sáng kiến độc đáo. Để tranh
thủ thời gian cho công việc, đồng chí ấy thấy thời gian đi tiểu là lãng phí
nên khoét một lỗ tròn ở đũng quần, bình thường không ai nhìn thấy, khi cần
chỉ việc kéo quần lên một chút vừa vặn cho vòi thoải mái tự nhiên rót nước
xuống đất bùn. Tôi nói với Phù Thăng rằng chuyện đó hay, nhưng phát thanh
trên loa ngượng thế nào ấy. Suy nghĩ một lát, Phù Thăng nói: - Ông để tôi pha chế,
tìm cách diễn đạt biến cái thô thành cái thanh, biểu dương một tinh thần lao
động quên mình. Rằng thì là ở chiến trường máu chiến sĩ đổ xuống thấm vào đất
mẹ, lao động thì mồ hôi rơi quyện vào đất quê hương. Mà nước tiểu là gì? Xét
về mặt khoa học thì mồ hôi là nước tiểu pha loãng, ngược lại, nước tiểu là mồ
hôi cô đặc… Tối hôm đó khi công việc đã xong xuôi hai đứa
kéo nhau ra quán phở mậu dịch phục vụ riêng cho công trường. Vì thế được ưu
tiên có thịt bò. Hồi đó Mỹ có loại máy bay không người lái, loại phở chỉ có
bánh và một chút mì chính gọi là phở không có người lái. Cho nên lính tráng
buổi tối đói bụng lại được ăn phở có thịt thì không còn gì bằng. Lúc này quán
đã hết khách, chủ quán cũng biết chúng tôi liền hỏi: - “Bốc mả” chứ? Tôi để dành cho 2 ông đây. Đó là những khúc xương còn lại trong nồi nước
dùng, vớt ra bát gặm gân thịt còn sót, có chén rượu nữa thì bốc
lắm. Phù Thăng hỏi tôi: - Tôi có nghe nói Tổng cục Chính trị có chủ
trương mở một trại sáng tác văn học, ông có biết không? - Tôi cũng nghe loáng thoáng, nhưng có trại
liệu cánh tò te như chúng ta có được triệu tập không? - Con có khóc mẹ mới
cho bú, ta cũng phải trinh sát xem thực hư thế nào, nếu trời phù hộ hai thằng
mình được về trại thì coi như được lên thiên đường. Tôi đã tích lũy được một
số vốn kha khá trong cuộc chiến tranh ở địch hậu ông biết rồi đấy, ở đơn vị
mình viết cái truyện ngắn cũng phải giấu giếm kín đáo, muốn viết dài hơi phải
có thời gian và điều kiện. Xong việc ở công trường ông thử về Hà Nội vào chỗ
tạp chí Văn nghệ xem sao. Nào ta cạn chén với niềm hy vọng
vào tương lai tươi sáng. Và chúng tôi được bước qua
cửa thiên đường, hai đứa được gọi về trại sáng tác đầu năm 1950. Hơn một chục
trại viên đều còn trẻ, đã lặn lội ở chiến trường nên đã biết sợ súng đạn,
nhưng với văn chương thì còn điếc. Chúng tôi lao vào công việc viết lách hùng
hục như trâu bò. Trại đặt ở thành Liệt ngoại thành Hà Nội, vừa rộng rãi vừa
tĩnh lặng, họa hoằn ngày chủ nhật mới rủ nhau đi xe điện leng keng về bờ hồ
ăn kem hoặc đĩa thịt bò khô loại một hai hào. Điện thiếu, không có quạt máy,
đèn đỏ quạch, đêm viết phải đốt đèn dầu hít khói muội, lỗ mũi đứa nào cũng
thâm sì. Tất cả đều đánh trần ngồi viết, thảm hại nhất là Phù Thăng, trông
giống bộ xương cách trí. Nhưng hắn cũng là kẻ cày khỏe nhất, thu hoạch khá
nhất, thứ nhì là Hoàng Văn Bổn cũng gầy guộc vêu vao. Đúng là người gầy cày
khỏe, người gầy thầy cơm, người gầy thầy… Phù Thăng viết bằng bút sắt chấm
mực. Hắn kẻ hàng cũng trên tờ giấy dày, đặt giấy pơ luya lên rồi viết. Hắn
viết chữ rất chuẩn, như đàn kiến bò mà sáng sủa, đều đặn, đẹp mê hồn. Hơn vậy
còn viết đến 300 trang bản thảo, sau này đưa xuống nhà in, công nhân cứ thế
xếp chữ không cần đánh máy. In ra quyển tiểu thuyết gần 600 trang mang tựa đề
“Phá vây” viết về chiến tranh trong vùng địch hậu khu Ba. Thời đó người viết ít, sách
được in ra càng hiếm, loại như chúng tôi thường được in một tập sách mỏng
trên dưới trăm trang mang dòng chữ căng ngang trên bìa một “Tủ sách đầu mùa”.
Mới thấy quyển sách 600 trang của Phù Thăng là một hiện tượng. Hơn nữa, quyển
sách lại được dư luận khen ngợi, sách in nhiều bản, nhuận bút được lĩnh trên
3.000 đồng , trừ tiền khao còn xây được ngôi nhà ngói năm gian ở quê, hắn
khoe còn hơn nhà Chánh tổng ngày xưa. Được thế tác giả cứ phù nổi, thăng thiên
thì cũng không lấy gì làm quá đáng lắm. Phù Thăng mời bạn bè khoảng
15 người ra cửa hàng ăn mậu dịch vào loại nổi tiếng nhất Hà Thành, nhà hàng
Mỹ Kinh, phố Hàng Buồm. Mỗi suất năm đồng gồm 8 món mà lũ lính tráng chúng
tôi chưa bao giờ được nếm như đùi ếch rán, cá hấp, bồ câu tẩn hạt sen… Phù
Thăng đặt vò rượu nút lá chuối khô từ làng Vân lên bàn mở lời: - Tôi định chiêu đãi các ông suất 10.000 đồng,
nhưng quy định ở đây chỉ có thế! Mời các ông chiếu cố! Mọi
người nâng chén: -Nào, chúng ta cùng “phá vây” với tác giả! Không một ai có thể ngờ rằng tác giả và tác
phẩm đang nổi lên như cồn mà chỉ một năm sau “Phá Vây” và tác giả của nó hứng
chịu một tai họa cực kỳ vô duyên và cay đắng tới số. Năm 1962 ở Liên Xô, người anh cả của phe xã
hội chủ nghĩa nổ ra sự kiện xét lại Chủ Nghĩa Mác Lê nin đứng đầu là ông
Kruscher. Đã có xét lại thì ắt có chống xét lại. Nước ta lúc bấy giờ miền Bắc đang xây dựng chủ
nghĩa xã hội, miền Nam đang đấu tranh giành độc lập, hai miền đều
hướng về nhau. Chưa ai hiểu “xét lại” là cái giống gì. Nhưng về mặt tư tưởng
bao giờ cũng phải đi trước một bước, phòng bệnh hơn chữa bệnh. Trung ương
Đảng ra nghị quyết, các cuộc học tập chỉnh huấn được mở ra, khí
thế mạnh mẽ quyết liệt, chẳng khác gì một chiến dịch. Một số cán
bộ chính trị trung cao cấp được cử sang học bên Liên Xô bây giờ phải gọi về,
số đông trở về nước để chống xét lại, một số ít ở lại để…. xét lại! Cho đến bây giờ tôi cũng
chưa hiểu vì sao cứ mỗi lần có sự biến động về tư tưởng chính trị, người ta
lại đưa các chú văn nghệ vào tuyến đầu. Những tư tưởng tiêu cực, thậm chí là
phản động được lôi ra trong các tác phẩm, chủ yếu là văn học để phán xét, để
trị tội mà cấm được thưa lại, cãi lại. Kể cả những tác phẩm từ xửa từ xưa,
những tác giả đã qua đời. Và tất nhiên những tác phẩm đương thời, tác giả
đương thời được ưu tiên đưa lên “bàn mổ”. Trong cuộc chống xét lại
này, 2 cuốn tiểu thuyết được đưa ra là Phá vây của
Phù Thăng và Vào đời của Hà Minh Tuân (7).
Tôi xin kể về Phá vây trước. Như tôi đã nói ở trên, Phá
vây đã phát hành được một năm, được dư luận hoan nghênh. Báo chí có
nhiều bài khen, có chê đôi chỗ về mặt kỹ thuật. Tác giả của nó đã làm xong
nhà và đang hy vọng được tái bản. Kỹ thuật in lúc đó còn thấp, quyển sách dày
như Phá vây phải mất vài ba tháng mới xong. Tác giả bám sát
nhà in để chữa lỗi. Đúng lúc đó nhà xuất bản Quân đội Nhân dân định in tiểu
thuyết “Tấc đất” của Liên Xô viết về đề tài chiến tranh vệ quốc.
Phù Thăng đọc ngay và tâm đắc với cuốn sách. Anh tiếc rằng giá được đọc trước
khi viết Phá vây sẽ viết được tốt hơn. Bây giờ thì muộn rồi,
anh chỉ thêm vào được mươi dòng trong đoạn nhân vật chính của anh với ý nghĩa
để cho hình tượng anh hùng của nhân vật được mềm mại, đa dạng hơn một chút.
Lúc in ra mươi dòng đó nằm ở cuối trang 147 của cuốn sách. Và bằng chứng của
tội phạm tày đình chỉ nằm trong mươi dòng đó. Tôi nói với Phù Thăng: - Tôi cam đoan với ông là trong
thời buổi nóng bỏng các ông trên chẳng ai có thì giờ đọc cuốn sách dày tổ bố
của ông, mà có đọc cũng lướt qua đoạn ấy mà thôi. Cả cuốn sách của ông đầy ắp
những hình ảnh dũng cảm hy sinh mà không tô vẽ, ông viết về đời ông kia mà,
trí lực và xương máu của ông kia mà. Phải có thằng cha nào đó hoặc có mối thù
truyền kiếp với ông, hoặc tính bản ác quen, mới đưa nó lên bàn mổ…” (Hồi
ký Giải mã Chân dung). Chân
dung Phù Thăng: Sài Gòn, tháng 11-2010 ---- Chú thích: (1) Xuân Sách (1932 - 2008): tên thật Ngô
Xuân Sách, bút danh khác: Lê Hoài Đăng,. Quê tại xã Trường
Giang, huyện Nông Cống, tỉnh Thanh Hóa. Nơi ở trước khi ông qua đời: TP. Vũng
Tàu, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu. Xem thêm chú thích về Xuân Sách ở bài 1. (2) Tập Hồi ký Giải mã Chân dung của Xuân
Sách do ông Nguyễn Hòa VCV cung cấp. Những dẫn chứng không đánh số
chú thích là đều lấy từ Hồi ký Giải mã Chân dung này. (3) Nguyên Ngọc: (5 tháng 9, 1932 - ) tên thật là Nguyễn
Ngọc Báu, bút danh khác là Nguyễn Trung Thành.Ông quê huyện Thăng Bình, tỉnh
Quảng Nam. Những tác phẩm chính: Đất nước đứng lên; Rẻo
cao; Đường chúng ta đi; Đất Quảng; Rừng Xà nu; Có một đường mòn trên biển
Đông; Cát cháy; Nghĩ dọc đường; Bằng đôi chân trần… (4) Nguyễn Khải (1930-2008):
quê Nam Định. Ông vào quân đội từ năm 1947, giai đoạn 1951-1955 ông
làm phóng viên, thư ký tòa soạn báo Chiến Khu 3. Từ năm 1955, ông là phóng
viên, biên tập viên, cán bộ sáng tác tại tạp chí Văn Nghệ Quân Đội. Tác
phẩm chính: Mùa lạc (tập truyện -
1961), Gặp gỡ cuối năm (tiểu thuyết - 1982), Thời
gian của người (tiểu thuyết - 1982), Điều tra về một cái
chết (tiểu thuyết - 1985), Thượng đế thì cười (2003)…
và một số tác phẩm kịch. Cuối đời, ông dành thời gian đúc kết những nghĩ suy
trong 2 tùy bút chính trị "Nghĩ muộn" và "Đi
tìm cái tôi đã mất". Giải thưởng của Hội Văn nghệ VN
1952-1953, giải thưởng tiểu thuyết - truyện ngắn của Hội Nhà văn VN 1983,
1997, Giải thưởng Hồ Chí Minh (đợt 2), Giải thưởng văn học Asean năm 2000. (5) Nguyễn Minh Châu (1930 - 1989): quê Quỳnh Lưu,
Nghệ An. Là một nhà văn có ảnh hưởng quan trọng đối với văn học
Việt Nam trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ và những năm đầu của
thời kỳ đổi mới. Nhập ngũ năm 1950, học trường sỹ quan lục quân
Trần Quốc Tuấn. Từ năm 1952 đến 1956, ông công tác tại Ban tham mưu các tiểu
đoàn 722, 706 thuộc sư đoàn 320. Từ năm 1956 đến 1958, Nguyễn Minh Châu là
trợ lý văn hóa trung đoàn 64 thuộc sư đoàn 320. Năm 1961, ông theo học trường
Văn hóa . Năm 1962, Nguyễn Minh Châu về cộng tác tại phòng Văn nghệ quân đội,
sau chuyển sang tạp chí Văn nghệ quân đội. Tác phẩm chính: Cửa sông (tiểu thuyết,
1966); Dấu chân người lính (tiểu thuyết, 1972); Người đàn bà
trên chuyến tàu tốc hành (truyện ngắn, 1983); Bến quê (truyện ngắn,
1985); Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn văn nghệ minh họa (1987); Cỏ
lau (truyện vừa, 1989); Nguyễn Minh Châu toàn tập (NXB
Văn Học, 2001)- (Nguyễn Minh Châu toàn tập gồm 5 tập, 5.000 trang) … Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật (2000); Tác phẩm Cỏ
lau đạt giải thưởng Hội nhà văn Việt Nam (1990); Giải thưởng Văn học
Bộ Quốc phòng 1984 - 1989 cho toàn bộ sáng tác của Nguyễn Minh Châu viết về
chiến tranh và người lính. (5*) Toàn văn bài viết “Hãy đọc lời ai điếu cho một giai đoạn
văn nghệ minh họa”: Là một người sáng tác, chắc tôi cũng giống như
nhiều anh em sáng tác khác, có thói quen vừa viết vừa tự quan sát, nhìn theo
cái ng̣òi bút của mình có lúc đầy hào sảng có lúc lại đầy đắn đo hồi hộp lẫn
e ngại chạy trên mặt tờ giấy định mệnh. Chao ôi, để bụng không nói ra thì thôi chứ nói
ra cái chuyện này nó vui lắm, mà nó cũng buồn lắm, có đôi khi buồn đến thối
ruột! Thú thật chừng ba bốn năm trở lại đây tôi cứ nổi lên những cơn ngán
giấy bút, hay so sánh mình với những anh em bạn bè cầm bút một cách suôn sẻ
bình thản, được trời đất ban cho một cái tạng nhà văn luôn luôn sẵn sàng
thích nghi với mọi thứ lý luận và luật lệ văn học, họ thật sướng, viết ra
trang giấy mà trong bụng chẳng bao giờ có điều gì phải sợ sệt, lo lắng, như
một người bao giờ cũng sống đĩnh đạc, cứ thẳng đường chính rộng lớn mà đi;
còn mình thì y như một kẻ gian phi lúc nào cũng như đang lén lút thu giấu cái
gì quốc cấm trong cạp quần hay dưới áo. Nghĩ mà buồn quá, nghề giấy bút nó
chẳng nuôi gì được mình mà chỉ thấy nó hành mình. Có lúc – nói ra thật lẩm cẩm – tôi lại hay đem
so sánh mình với các nhà văn của những đất nước hàng trăm năm bình ổn, các
nhân vật của họ phải chịu đựng nỗi đau khổ dằn vặt thật là sang trọng, chứ
đâu như cái đám nhân vật của mình, không những cái đau khổ, hoạn nạn mà cả
cái vui, cái hạnh phúc của họ nó cũng nhem nhuốc, nhớn nhác, tội nghiệp quá!
Hỡi ôi, bao giờ nhân vật của mình mới được sang trọng, để cho mình cũng sang
trọng lây! Có lúc tôi lại đem công việc của chúng ta so
sánh với công việc của các nhà tiền chiến cầm bút trước cách mạng, gọi là các
nhà văn hiện thực phê phán. Ví dụ như ông Nam Cao chẳng hạn. Có lần ông ấy la
lối, hô hoán ầm lên rằng thiên hạ bít hết lối của ngòi bút ông ấy. Viết cây
chuối hay con chó hoặc kẻ say rượu đều phạm húy, đều có người đe đánh, đe đốt
nhà. Bị o ép đến vậy tưởng không viết được gì, thế mà cuối cùng, cả một đời
cầm bút của Nam Cao trước cách mạng số năm có là bao nhiêu đâu, vậy mà đủ để
lại khá nhiều, nhất là có thể có cái quyền viết rất thực, bao nhiêu lẽ đời,
sự đời, bao nhiêu khuôn mặt người đời thực đến thế. Chí Phèo thực đến thế.
Thật là vừa được viết vừa được nói. Chứ như đám chúng tôi, từ nhà văn trẻ đến
lớp nhà văn già được chăm sóc chăn dắt kỹ lưỡng quá đi mất. Sao lại như vậy
nhỉ, sau bốn chục năm nhìn trở lại những nhà văn tiêu biểu của nền văn học
phần đông nếu không phải là tất cả, đều có tì vết trong lịch sử đời cầm bút?
Rồi thì từ đấy bắt buộc sinh ra một cái thói quen không biết bắt đầu từ lúc
nào mà tôi nghĩ nó rất thảm đối với tư cách của một người nghệ sĩ, hễ cầm bút
là phải nghĩ đến né tránh, che chắn, rào đón, đối phó. Có vẻ tuồng như mỗi
nhà văn mỗi khi ngồi trước trang giấy là cùng một lúc phải cầm hai cây bút:
một cây bút để viết cho người đọc bình thường, cho đời, một cây bút khác viết
cho đạo, lo việc che chắn, viết cho lãnh đạo văn nghệ đọc. Mà cái ngòi bút
thứ hai này – buồn thay – các nhà văn cầm lâu ngày để tự bảo vệ mình cho nên
cũng lắm kinh nghiệm, mà cũng tài hoa lắm! Quả thật tôi không có tài rào đón, che chắn
nhưng cầm bút viết văn đến một lúc ngồi nghĩ lại cũng tự nhiên sinh ra giận
mình đến phát chán mình, chán cả cho đồng nghiệp, bè bạn. Điều đáng buồn nhất
là những người phải xoay trở, vặn vẹo cây bút, phải làm động tác giả nhiều
nhất là những nhà văn có tâm huyết, có tài, muốn văn học phải có cái gì của
văn học, chứ không muốn văn học chỉ là một sự minh họa. Trong khi đó những
cây bút minh họa, những tác phẩm minh họa hoặc ca ngợi một chiều thì lại
thoải mái, người viết cầm bút thoải mái mà chẳng có gì phải luồn lách, phải
đắp đậy, rào đón, chỉ phải cái nó công thức và sơ lược, nó nhạt, và càng ngày
người đọc càng thấy nó giả, mỗi ngày người đọc càng thấy rõ ở những tác phẩm
minh họa và ca ngợi một chiều một sự giả dối không thể nào bào chữa nổi, đắp
đậy nổi, so với cuộc đời thực bên ngoài. Tôi không hề nghĩ rằng mấy chục năm qua nền
văn học cách mạng – nền văn học ngày nay có được là nhờ bao nhiêu trí tuệ, mồ
hôi và cả máu của bao nhiêu nhà văn – không có những cái hay, không để lại
được những tác phẩm chân thực. Nhưng về một phía khác, cũng phải nói thật với
nhau rằng: mấy chục năm qua, tự do sáng tác chỉ có đối với lối viết minh họa,
văn học minh họa, với những cây bút chỉ quen với công việc cài hoa, kết lá,
vờn mây cho những khuôn khổ đã có sẵn mà chúng ta quy cho đấy đã là tất cả
hiện thực đời sống đa dạng và rộng lớn. Nhà văn chỉ được giao phó công việc
như một cán bộ truyền đạt đường lối chính sách bằng h́nh tượng văn học sinh
động, và do nhiều lý do từ những ngày đầu cách mạng, các nhà văn cũng tự
nguyện tự giác thấy nên và cần làm như thế (thậm chí có phần nào các nhà văn
mới đi theo cách mạng và kháng chiến còn coi đó là cái mới, là hoàn cảnh “lột
xác”). Từ đấy rồi trở thành thói quen. Thói quen của một người vốn quen đi
trong một hành lang hẹp, vừa hẹp vừa thấp. Lần lượt bắt đầu là các nhà văn
tiền chiến rồi hết lớp người cầm bút này đến lớp người cầm bút khác, với một
khả năng thích nghi hết sức ghê gớm, các nhà văn đã thích nghi với văn học
minh họa như thích nghi với cách sống gian khổ, thiếu thốn trong chiến tranh.
Những nhà văn tuy đều cảm thấy thiếu thốn và bức bối nhưng lại tự dụ dỗ mình
và khuyên nhủ lẫn nhau tự bạt chiều cao cho thấp đi khỏi chạm trần, tự ép
khuôn khổ chiều ngang lại để khỏi kềnh càng, để đi lại được thoải mái trong cái
hành lang kia. Tuy vậy, cứ mỗi lần hết chiến tranh chuyển
sang hòa bình hoặc cứ lâu lâu sau một số năm, đường hướng minh họa và tình hình
mất dân chủ trong văn nghệ lại làm dấy lên những vụ này vụ khác. Những
người “lính gác” lại có dịp “khép lại” và không rời mắt khỏi từng người, đặc
biệt là những người có tài hay có tật và không ngừng thuyết phục với tất cả
cũng như với từng người rằng cái hành lang kia là tất cả thế giới của văn
nghệ cách mạng. Không khí để thở, bầu trời để ngắm, đất dưới chân để đi lại
chỉ có thế và đấy là tất cả thế giới minh họa, ở trong đó nhà văn tha hồ vùng
vẫy, sáng tạo và phát huy tài năng. Trong nghệ thuật hội họa châu Âu chẳng đã
từng để lại những tác phẩm danh họa về lịch sử tôn giáo và đời các thánh,
thực sự những tác phẩm hội họa cổ điển sẽ sống đời đời ấy là những tác phẩm
minh họa. Tôi nghĩ rằng đường lối chính sách của Đảng, kể cả những cái sáng
suốt đúng đắn cũng như cái sai lầm đang được điều chỉnh trong từng thời kỳ
bao giờ cũng có thể soi rọi, giúp nhà văn nhìn thấy những vấn đề thực tế rất
sâu xa của đất nước, gợi ý cho nhà văn những suy nghĩ, chiêm nghiệm quý báu.
Nhà văn như một người trinh sát cuộc đời, vậy thì việc tìm hiểu sự hình thành
những đường lối chính sách chính là sự tìm hiểu việc đời từ trong quá trình. Ý nghĩa tác dụng của đường lối, chính sách đối
với văn nghệ là như vậy. Tôi nghĩ rằng khi nhà nghệ sĩ đứng trước một sự vật,
nảy ra ý tưởng minh họa khi tìm thấy ở nó tràn ngập cảm xúc về cái chân lý và
cái đẹp. Thất thiệt to lớn nhất của văn nghệ minh họa của
ta là từ đấy những nhà văn đánh mất cái đầu và những tác phẩm văn học đánh
mất tính tư tưởng, – nghĩa là những tư tưởng mới và độc đáo mang tính khái
quát cuộc đời của riêng từng nhà văn. Như một người đánh mất phần hồn chỉ còn
phần xác, hoặc chỉ còn cái phần hồn do nhà nước bao cấp. Chúng ta không thiếu những nhà văn có
lòng và có thực tài nhưng cũng không vì thế hàng chục năm qua có khi họ phải
ôm hai thứ đó trong người như hai thứ tội nợ, vì thế mà đâm ra sợ chính mình.
Sau một vài lần viết ra bị vấp váp, bị thổi còi, bị phê phán trên báo, được
tập thể góp ý xây dựng, nhà văn ngồi một mình giữa vắng vẻ ngâm nga: “Chút
lòng trinh bạch từ nay xin chừa”, nhưng làm sao mà chừa được. Con người nghệ
sĩ là thế đấy, dù cho rằng anh ta hèn đớn vẫn không chừa được thói quen khao
khát sáng tạo, lời nói thật và chút lòng với đời. Nó như một thứ bản chất
thiên phú, hay một thứ bản chất giời đày? Rồi vẫn được viết, vẫn cầm bút, vừa muốn phô
diễn tư tưởng, chõ miệng ra giữa hai hàng chữ để cảnh tỉnh với đời một cái điều
gì đó tiên cảm thấy trong đời sống nhưng lại muốn giấu đi, gói nó trong bao
lần lá, rào nó sau bao tầng chữ. Văn chương gì mà muốn viết một câu trung thì
phải viết một câu nịnh? Hèn, hèn chứ? Nhà văn nước mình tận trong tâm can ai
mà chẳng thấy mình hèn? Cái sợ nó làm mình hèn. Vì thế mà từ xưa tới nay có
bao nhiêu nhà văn nhà thơ đã đi ở ẩn ngay trong tác phẩm? Chúng ta vắng thiếu
những cây thông đứng sừng sững. Có một nhà văn đàn anh nâng chén rượu lên
giữa đám đàn em: “Tao còn sống, còn cầm bút được đến bây giờ là nhờ
biết sợ!”, nói rồi ngửa mặt lên trời cười rung giường, nước mắt tuôn
lã chã, giọt đổ xuống đất, giọt đổ vào lòng. Có người cầm bút đến lúc sắp
bước sang thế giới bên kia vẫn chưa dám thốt lên một lời nói thật tự đáy
lòng, không dám viết hồi ký thực, vì sợ để liên lụy đến đời con cái. Có người
lại biến cái sợ cái hèn thành một thứ vật trang sức và thách thức, vật biểu
hiện của sức sống dai dẳng. Giữa chồng sách trước mặt tôi lúc này là hai
tập Các nhà thơ cổ điển Việt Nam của nhà thơ
Xuân Diệu. Một nhà thơ lớn như Xuân Diệu làm một công việc rất công phu là
bình giá và giải thích những giá trị văn học cổ điển của nước nhà, mà sao
Xuân Diệu phải rào đón, dựng lên bao nhiêu là lớp phên giậu để tự che chắn?
Sao mà khổ vậy? Rồi thì dù không muốn tôi cũng phải nói rằng sự độc đoán và
chế áp của lãnh đạo văn nghệ trong nhiều năm qua đã khiến cho những nghệ sĩ
chân chính luôn luôn gắn bó với cách mạng, với Đảng, suốt đời cảm thấy phạm
tội. Cũng trong một con người cầm bút, có khi cái
phần bất tài nhảy lên bục tao đàn để múa may, còn cái phần tài năng thì trùm
chăn nằm chờ ngày xuống mồ! Con đường của một cây bút trẻ hăm hở phấn đấu
hết mình để trở thành nhà văn cũng là con đường phải giết đi cái phần nhà văn
trong con người mình, con đường tự mài mòn đi mọi cá tính và tính trung thực
trong ngòi bút! Chúng ta phải nhìn lại kỹ càng cái hành trình
văn học đã đi qua bằng con mắt thông minh, không phiến diện và thực sự cầu
thị, để một mặt không phủ định tất cả, một mặt khác, với một tinh thần tự phê
phán thấy cho được rằng: có thể đôi khi với động cơ tốt chúng ta đã trói buộc
lẫn nhau trong một thời gian hơi quá dài của mấy lớp người cầm bút, trong khi
lại đòi hỏi phải có những tác phẩm lớn. Thật là mâu thuẫn. Chả khác
nào trói lại rồi bảo đố mày bay lên! Muốn có tác phẩm lớn, nhưng liệu chúng ta có
chấp nhận nổi những tính cách ngòi bút của một nghệ sĩ với tầm tư tưởng lớn
mà tôi nghĩ bao giờ nó cũng quá chói sáng, với những điều nói thật không phải
bao giờ cũng dễ nghe, thậm chí có thể làm đảo lộn mọi quan niệm với những nỗi
dằn vặt, băn khoăn lớn chung quanh cái bề mặt nhãn tiền và tận chín tầng đất
sâu của cuộc sống con người trên dải đất này. Và tác phẩm lớn là gì? 40 triệu dân của đất nước
Tây Ban Nha được nhân loại biết đến và kính trọng bằng một lão gàn vĩ đại vì
mang trên mình tất cả tính ảo tưởng muôn đời của toàn thể nhân loại. Và gần một tỷ người của
đất nước Trung Hoa được nhân loại thấu hiểu sâu sắc bằng một anh chàng nông
dân A.Q. Cả Don Quichotte lẫn A.Q
chẳng hề làm xấu Tây Ban Nha lẫn Trung Quốc, mà làm đẹp cho cả hai đất nước
này. Tài năng, nhất là những
thiên tài bao giờ cũng như là của bắt được, của trời cho, ai mà biết được bao
giờ thì họ đến, nhưng cũng như một Nguyễn Du, họ đến cũng trong khắc khoải
nhân sinh, chỉ có điều đau đớn hơn mọi chúng ta, và cũng trong lầm lũi cát
bụi cuộc đời thường. Nhiệm vụ của chúng ta là chuẩn bị bầu không khí cho họ
thở, cho họ sống, đừng giết chết họ, đừng ghen tỵ với họ, đừng làm họ sống dở
chết dở mà vẫn phải nở nụ cười, đừng làm cho họ thui chột trí tuệ lẫn tình
cảm, đừng khiến họ cuối cùng trở thành chúng ta. Công việc chuẩn bị cho
thế hệ trẻ của Hội Nhà văn hôm nay không phải là chuẩn bị cái lò ấp hàng trăm
hàng ngàn quả trứng gà trứng vịt, mà là chuẩn bị cho những tư cách nghệ sĩ và
tài năng lớn ra đời. Nói thế có bốc đồng
chăng, cao vọng quá chăng? Nhưng chúng ta phải đốt lên ngọn lửa cao vọng!
Chẳng lẽ mãi mãi thế hệ nhà văn Việt Nam chúng ta vẫn cứ yên tâm
sản xuất ra toàn những sản vật không bao giờ được ngó đến trong nền văn học
thế giới. Chẳng lẽ Việt Nam ngày nay chỉ hưởng của thiên hạ mà
không làm ra được cái gì góp vào của chung của thiên hạ? Chẳng lẽ các nhà văn
Việt Nam đi ra ngoài mãi mãi chỉ có chung một cái tên riêng là nhà
văn Việt Nam? Để rồi quay trở về, con hát mẹ khen hay? Và đàn con cứ mãi
mãi suốt đời tự hào được người mẹ ở trong nhà khen ngợi!? Tôi nghĩ rằng trước hay
sau, ai cũng trở thành bảo thủ, lạc hậu, cũ kỹ cả. Bảo thủ về già là một quy
luật. Trong khoa học, đến một bộ óc mới mẻ như Einstein về già còn bảo thủ cơ
mà! Cái mới nào mà chả cũ đi, – trên dòng thác biến đổi qua thời gian? Cái
chính là chúng ta biết cười xòa chợt nhận ra mình đã sai lầm, đã bảo thủ.
Chúng ta sẽ trở nên sáng suốt hơn sau cái tiếng cười ấy. Bởi vì sau đó chắc
chắn chúng ta sẽ không bao giờ giơ tay ngăn cản cái mới, cái tiến bộ, mà sẽ
xuất hiện một quyết tâm làm mới lại mình với thái độ chân thành, xởi lởi, cởi
mở, để cùng nhau xây dựng một giai đoạn văn học và văn nghệ mới. Vừa qua chúng ta có in
lại tuyển tập của các nhà văn đàn anh. Giở những bản tổng kết những đời văn
như còn đẫm mồ hôi ấy, điều khôn ngoan cuối cùng rút ra là không chừa một ai,
tất cả chúng ta phải biết lễ phép trước quy luật đào thải. Những
cái gì đích thực văn chương thì nó còn, không tái bản, không tuyển tập, báo
chí không đề cao lên nó cũng còn. Nó còn như đất cát, cây cỏ, như ca dao, tục
ngữ, như cuộc sống bình dị và bền vững luôn luôn còn đó. Còn những gì phe
phẩy, ưỡn ẹo hoặc cứ nhảy cẫng lên thì ngược lại, nó mất, cát sỏi lại trở về
cát sỏi. Tôi đọc những tuyển tập thấy rất tiếc cho những tài năng. Giá mấy
chục năm qua văn nghệ không chủ yếu lấy minh họa làm đường hướng, đừng có cái
hành lang hẹp và thấp ấy, cả cái bầu không khí nghi ngờ lơ lửng trên đầu các
văn nghệ sĩ, mà chủ trương khuyến khích cá tính, khuyến khích sáng tạo và
chấp nhận đa dạng, chấp nhận sáng tối, hoàn toàn đặt lòng tin vào lương tri
của các nhà văn, không nửa tin nửa nghi ngờ và đề phòng, để cho văn nghệ một
khoảng đất rộng rãi hơn nữa thì các nhà văn và những nghệ sĩ sáng tạo đến nay
đã đầu bạc phơ, kẻ còn người mất, họ còn để lại cho chúng ta nhiều hơn thế
này. Và không khéo những cái gì và những người mà lâu nay chúng ta kêu ca,
lên án hoặc cố tình quên đi lại là những cái, những người còn lại, còn để lại. Sự còn lại mất đi của số
phận những tác phẩm văn học cũng như những đời văn trong độ lùi thời gian bao
giờ cũng ngầm chứa đựng một sự lựa chọn đầy huyền diệu và công bằng. Hình như nhân dân, cái
nhân dân Việt Nam đầy trầm tĩnh và kỳ tài mà hình ảnh đã được nghệ thuật điêu
khắc từ hàng trăm năm nay chạm khắc lên khối gỗ thành bức tượng ngàn mắt ngàn
tay, đến hôm nay vẫn không ngừng sáng suốt lựa chọn giúp cho chúng ta những
cái gì đích thực của nghệ thuật, giữa những đồ giả, để bỏ vào cái gia tài văn
hóa của đất nước để lại từ Đinh, Lê, Lý, Trần. Và cũng nhân dân, cái nhân dân
Việt Nam dũng cảm sau mỗi lần đánh giặc xong lại lặng lẽ và lầm lụi làm ăn
đang giơ bàn tay chai sạn vẫy chúng ta lại, kể cho chúng ta nghe về cái nhất
thời ở trong cái muôn đời, cái độc ác nằm giữa cái nhân hậu, cái cực đoan nằm
giữa tinh thần xởi lởi, cởi mở, cái nhẩy cẫng lên lấc láo giữa cái dung dị,
thái độ bình thản chịu đựng và tinh thần trách nhiệm đầy suy nghĩ. Nguồn: Văn
Nghệ, số 49 & 50 (5-12-1987) (6) Phù Thăng (1928-2008):
quê ở thôn Tất Lại, xã Cộng Lạc, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương. Tên thật là
Nguyễn Trọng Phu, từng là chiến sĩ trinh sát Trung đoàn 42, rồi làm phóng
viên báo Quân Giải Phóng. Sau tai nạn chữ nghĩa, nhà văn Phù Thăng chuyển
sang làm biên kịch cho Xưởng phim truyện VN (từ 1964 đến 1988) đến khi nghỉ hưu
ở quê. Thời gian ở Xưởng phim truyện, Phù Thăng có hai kịch bản điện ảnh
“Biển lửa”, “Tiếng gọi phía trước”.
Tác phẩm đầu tay: truyện
ngắn “Con những người du kích” đăng trên tạp chí Văn nghệ quân đội năm 1958. Năm 1960, Phù Thăng nhận
giải thưởng của Hội Nhà văn cho trường ca “Hoa vạn thọ”.
Tác phẩm đã xuất bản:
Những ngày máu lửa (ký sự, 1949); Trong lòng Hà Nội (tiểu thuyết, 1957); Hai
trận tuyến (tiểu thuyết, 1960); Vào đời (tiểu thuyết 1962, 1991); Vẻ đẹp bình
dị (tiểu thuyết, 1977). Chân dung Hà Minh Tuân
(Hết) |
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét