Thứ Hai, 29 tháng 5, 2023

XÍCH LÔ (1995) BỘ PHIM “KỲ LẠ” NHẤT

 


ĐÃ HƠN 20 NĂM VÀ XÍCH LÔ (1995) VẪN LÀ BỘ PHIM VIỆT NAM “KỲ LẠ” NHẤT 



Lưu ý: bài viết có tiết lộ trước một số nội dung quan trọng.

Phim này nếu làm hỏng là người ta không cho tôi tiền làm phim nữa đâu, anh Lộc ạ!

Đạo diễn Trần Anh Hùng đã chia sẻ thật lòng với Lê Văn Lộc – nam diễn viên chính của Xích Lô như thế trước khi bấm máy. Và xui rủi làm sao, Xích Lô “hỏng” thật, “hỏng” đến mức cái lệnh cấm trình chiếu rộng rãi tại Việt Nam qua 2 thập kỷ rồi vẫn nằm nguyên đấy, chưa được gỡ bỏ. “Hỏng” đến mức sau này, khi Hùng “chuộc tội” bằng Mùa Hè Chiều Thẳng Đứng, vẫn chỉ như muối bỏ biển, chẳng được mấy ai quan tâm.


…….

Cái câu chuyện ầm ĩ, đấu đá nội bộ ngành điện ảnh Việt Nam (lấn sang cả vấn đề chính trị) vì phim Xích Lô, vẫn còn sót lại đâu đó trong tâm trí những người liên can, đâu đó trong những bài viết trên internet.

Ngày ấy, Xích Lô đạt danh hiệu Phim Hay Nhất LHP Venice 1995 và đem lại cho Trần Anh Hùng giải Grand Prix tại Ghent International Film Festival. Với cái nền tảng như thế, nó dư khả năng để trở thành một tác phẩm gây chấn động mạnh mẽ toàn cầu trong thập niên 90s của thế kỷ trước, và quan trọng hơn: thay đổi cả bộ mặt của điện ảnh Việt Nam. Nhưng rốt cuộc, Xích Lô lại bị chôn vùi bởi những thế lực, những suy nghĩ của những cá nhân không tiện nêu tên.


Thôi bỏ qua yếu tố cấm đoán đi. Giả như ngày ấy Xích Lô vượt qua vòng kiểm duyệt, tôi cũng chẳng tin được rằng khán giả sẽ đón nhận nó. Thập niên 90s, phim “mì ăn liền” thống trị phòng vé Việt Nam (đến tận bây giờ).

Khi tôi làm phim Cyclo tôi không hề nghĩ đến chuyện bôi nhọ đất nước của tôi. Tôi là một nghệ sĩ Việt Nam định cư ở nước ngoài. Và tổ quốc Việt Nam rất thiêng liêng đối với tôi. Nếu ai không hiểu về tôi mà kết luận vội vàng về tôi thì đó là một ác cảm ghê tởm tôi không thể tưởng tượng nổi … Cái mục đích của tôi khi làm phim này là để đưa vào nền điện ảnh thế giới một tác phẩm nghệ thuật do một người Việt Nam làm.

…….

Những bản phim Xích Lô kém chất lượng bắt đầu rò rỉ trên mạng từ độ vài năm trước, và tôi may mắn (cộng thêm chút kiên trì) cuối cùng cũng được thưởng thức nó một cách trọn vẹn, không cắt xén nhập nhòe, ở mức độ hình ảnh – âm thanh khá tốt.

Vẫn nhớ đó là dịp nghỉ lễ đầu năm, tôi chỉ có một mình (như đa số thời gian khác). Xem xong, tôi mệt đến mức chỉ muốn ngủ vùi, nhưng không tài nào nhắm mắt được. Lần đầu tiên, một bộ phim Việt Nam làm tôi sốc đến thế.

Xích Lô vẽ nên bức tranh hiện thực, tàn khốc về những con người ở dưới đáy xã hội nơi Sài Gòn phồn hoa. Và tất cả các nhân vật, chẳng một ai có nổi cái tên riêng.

vô danh người

vô danh sông

hoa thì vô sắc

hương không thành lời

Nguyễn Trung Bình

Đó là cậu trai đạp xích lô mưu sinh qua ngày. Đó là cô gái trẻ ngây thơ bị biến thành thứ đồ mua vui cho những kẻ bệnh hoạn. Đó là gã đại ca giang hồ thích làm thơ. Đó là bà trùm xã hội đen mưu mô xảo quyệt, nhưng đồng thời cũng vô cùng mềm yếu.

Không chỉ có 4 diễn viên chính gồm: Trần Nữ Yên Khê – Lương Triều Vỹ – Như Quỳnh – Lê Văn Lộc đã làm tròn vai; ta dễ dàng nhận ra những gương mặt quen thuộc khi kể đến tuyến nhân vật phụ: Trịnh Thịnh, Mạc Can, Lê Công Tuấn Anh, Thanh Lam, Quang Hải … và còn rất, rất nhiều cái tên khác. Khán giả bị bất ngờ đến sửng sốt. Tại sao từ trước đến nay, chúng ta lướt qua họ không ít lần trên màn ảnh, nhưng chỉ đến Xích Lô thì những con người ấy mới trở nên ấn tượng như vậy?


…….

Để nói rõ sự thật về tôi, trước hết tôi xin nói đến vấn đề bạo lực trong phim Cyclo. Người ta thấy bạo lực trong phim này rất ghê tởm. Tôi cho đó là điều tốt. Bạo lực phải đưa ra một cảm giác ghê tởm.

Thứ bạo lực mà Xích Lô mang tới không đơn giản là những màn đấu đá, thanh toán giữa băng đảng giang hồ. Mục đích của nó là khiến người xem rùng mình bởi vì sự chân thật quá quắt: vụ tai nạn giao thông bất ngờ, giết heo trong lò mổ, cú đánh lén trả thù, màn “âu yếm” mèo vờn chuột của kẻ sát nhân trước khi xuống tay, người cha quật roi túi bụi vào con trai mình … tất cả những phân đoạn ấy đều bắt đầu và kết thúc chẳng báo trước. Chúng được đặt trong những khung cảnh đời thường và tầm thường. Nói cách khác, bạo lực trong Xích Lô được miêu tả như một yếu tố gắn liền với cuộc sống của các nhân vật. Họ dửng dưng trước nó. Thậm chí, bạo lực qua miêu tả của Trần Anh Hùng còn toát lên nét nghệ thuật kỳ quái.

Và tôi chọn một con đường đi cực kỳ khó khăn là vì phim Cyclo không phải là một loại phim dễ thương. Sự giằng xé giữa cái thiện và cái ác là một đề tài rất nặng nề, rất khó xử. Đã nói đến cái thiện và cái ác thì đừng nói đến sự cân bằng giữa hai khái niệm này. Cái ác thường phô trương một cách ly kỳ. Còn cái thiện thì không. Cái thiện không phải là loại sức mạnh biểu hiện ở bên ngoài.

Nói đến chuyện phô trương và không phô trương của phim Xích Lô, chẳng thể thể bỏ qua hai khía cạnh hình ảnh và âm thanh. Theo ý nghĩ cảm quan của tôi, Xích Lô là một bộ phim khá phô trương về mặt hình ảnh. Qua ống kính của Benoît Delhomme, nhà quay phim người Pháp nổi tiếng, những khung cảnh Sài Gòn thập niên 90s quả thật khiến người ta ngợp thở: từ sự huyên náo, hỗn loạn của lễ chùa đầu năm, đường phố đông đúc, cho đến nét thô kệch trong sinh hoạt đời thường, chốn đồng quê tĩnh lặng … Mỗi cảnh quay lại ẩn chứa nhiều tầng ý nghĩa, nhiều hình ảnh tượng trưng. Ở hướng ngược lại, phần nhạc phim do Tôn Thất Tiết phụ trách luôn giữ nhịp chậm rãi trong hầu hết thời lượng, chỉ bùng lên trong vài khoảnh khắc rồi biến mất. Nhạc phim Xích Lô tuy ấn tượng nhưng nó không bao giờ lấn lướt âm thanh thực của cuộc sống: tạp nham – bất ổn – bí bách. Tiếng ru con, tiếng trò chuyện, tiếng xe cộ trên đường phố, tiếng lửa cháy … chúng chẳng hề phô trương nhưng vẫn hiện diện, làm nền tảng vững chắc cho mạch phim tiếp nối.

Cách sử dụng yếu tố bạo lực và điều tiết hình ảnh, âm thanh như Xích Lô, có lẽ chưa bao giờ được sử dụng ở điện ảnh Việt Nam. Vậy trên thế giới, bao nhiêu bộ phim từng làm được tương tự như thế? Tôi cho rằng không nhiều, có thể lấy vài ví dụ như Taxi Driver (1976) của Martin Scorsese hay Inglourious Basterds (2009) của Quentin Tarantino; nhưng chắc chắn, phong cách làm phim của Trần Anh Hùng là độc nhất.


…….

Như tôi đã nói ở đầu bài viết: Xích Lô bị “hỏng”. Không phải “hỏng” bình thường, mà là “hỏng” đến mức không thể sửa chữa.

Một tượng đài chiến tranh giữa thành phố bỗng sụp đổ.

Vẻ quan liêu, xa cách của chính quyền được miêu tả hời hợt.

Những kẻ đam mê sex ở mức quái đản: tôn thờ bàn chân, cuồng si nước tiểu, hành hạ – cưỡng hiếp …

Sự lộng hành của các băng nhóm tội phạm.

Cơn mê ảo giác khi dùng ma túy.

Cuộc sống nghèo khổ, bế tắc dẫn người ta vào con đường tội ác.

Chẳng có gì bị giấu diếm hay tô vẽ.

Nhưng khi nhìn lại thì đây vẫn là một trải nghiệm điện ảnh hơi “tham lam” của Trần Anh Hùng (chưa kể đến việc bộ phim này dễ bị PETA sờ gáy vì những hình ảnh có vẻ “tra tấn” động vật). Thành thật mà nói, tôi nghĩ rằng có vài phân đoạn trong Xích Lô: hoặc bị cường điệu hóa, hoặc bị thi vị hóa quá mức.

Ở tuyến nhân vật của Trần Nữ Yên Khê và Lương Triều Vỹ, câu chuyện dường như được nhấn chìm trong cảm xúc lãng mạn. Cô gái trinh trắng si mê tên đại ca giang hồ. Cô chấp nhận để hắn lôi mình vào con đường nhơ nhuốc, chấp nhận bản thân cũng chỉ là một trong những người phụ nữ mà hắn đùa vui. Còn hắn thì sao? Vài khoảnh khắc người xem cảm tưởng như hắn cũng quan tâm, yêu thương cô gái ấy. Hắn có thể giết người vì cô cơ mà. Nhưng rồi ta giật mình khi nghe những vần thơ hắn ngâm nga trước khi tự sát, chúng chỉ mang đậm mùi vị của nỗi cô đơn và hối hận. Khi cầu nguyện cho linh hồn người yêu siêu thoát, có bao giờ cô tự hỏi rằng mình ở vị trí nào trong trái tim hắn ta?

Trong khi đó, Như Quỳnh cùng Lê Văn Lộc lại mang tới một góc nhìn khác về thiện & ác. Bà trùm không chỉ có những mưu mô hiểm độc. Bà còn là một người mẹ, và như đa số những người phụ nữ khác, bà cần một người tình. Bà ôn tồn dịu dàng, bà giận dữ nóng nảy. Bà lên kế hoạch để khiến cậu trai đạp xích lô phải trở thành tay sai để thực hiện những trò ném đá dấu tay. Và cũng chính bà là người giải thoát cho cậu.


Lê Văn Lộc cũng là một điểm kỳ lạ trong bộ phim này, Xích Lô là tác phẩm điện ảnh đầu tiên và cuối cùng mà anh tham gia. Tuy nhiên theo những lời Lộc chia sẻ, anh chẳng cần phải diễn chút nào. Tôi cũng có thể khẳng định là anh không đã không diễn. Anh không diễn khi cầm chai bom xăng cháy rừng rực trên tay. Anh không diễn khi lao xuống sình lầy rồi nhúng mặt vào bể nước để con cá vàng gột rửa lũ dòi bọ nhung nhúc. Anh không diễn khi nhìn khao khát những cử chỉ yêu thương của bà trùm với người con trai tật nguyền. Anh không diễn khi oằn mình đạp xe. Lộc luôn ngơ ngác trước mọi thứ vì rõ ràng anh chẳng hiểu được chuyện gì đang diễn ra xung quanh, nhưng đó chính là thứ mà Trần Anh Hùng đang tìm kiếm.

…….

Cách Trần Anh Hùng chọn để kết thúc Xích Lô cũng chẳng phải bình thường. Mọi thứ tự dưng quay về đúng quỹ đạo của nó và cứ thế tiếp diễn. Nhân vật cậu trai lái xích lô dường như cũng chẳng có gì thay đổi trong tâm hồn cũng như vẻ bên ngoài. Mở đầu phim, cậu nhớ đến cha mình, tự nhủ những lời về cái nghề “gia truyền” cực khổ. Ở kết phim, cậu lại mường tượng về ông, về hình ảnh cái đầu gối người đạp xích lô quanh năm suốt tháng, và về con mèo đi lạc.


Hôm qua con mèo nó về, cả nhà tưởng nó chết đã lâu rồi. Trong nhà ai cũng thấy nó đẹp hơn hồi trước khi đi lạc, đến nỗi ai cũng ngỡ không phải là nó.

Kết thúc ấy tựa một lời khẳng định về khái niệm của Trần Anh Hùng khi bàn đến vẻ đẹp của sự lương thiện. Không giống như cái ác trải dài suốt mạch phim và khiến người xem phải rùng mình ớn lạnh, cái thiện dường như dễ dàng bị bỏ qua, dù nó đã và đang hiển hiện rõ ràng trước mắt chúng ta.

Tôi vẫn luôn tự hỏi rằng, biết bao giờ Việt Nam mới lại có một tác phẩm điện ảnh “kỳ lạ” như thế?

Nguồn: Blacksnow308

Thanh Lam hát trong phim Xích Lô: https://www.youtube.com/watch?v=p4459UDRZvE




Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét