Tác giả: Hoàng Hưng
Gần đây trên mạng xuất hiện một số tư liệu mới về phong trào Nhân văn – Giai phẩm. Tiểu luận mang tên “Vụ Nhân văn – Giai phẩm từ góc nhìn một trào lưu tư tưởng dân chủ, một cuộc cách mạng văn học không thành” của nhà văn Lê Hoài Nguyên, nguyên đại tá Cục An ninh Tư tưởng Văn hóa Bộ Công an (A 25), là một tư liệu quan trọng góp phần vào lịch sử đấu tranh dân chủ của nước Việt Nam hiện đại. Trong tiểu luận trên, tác giả xếp vụ án “Về Kinh Bắc” 1982[1] vào mục “Hậu Nhân văn”. Chính điều này đã gợi hứng cho tôi quyết định viết về vụ “Về Kinh Bắc” với tư cách người trong cuộc, mong góp thêm phần hoàn chỉnh tư liệu về phong trào lịch sử này.
*
Vụ án “Về Kinh Bắc” chắc đã được khởi động từ
quãng giữa năm 1982, khi anh Nguyễn Mạnh Hùng, TS Kinh tế, GS đại học ở Canada,
cũng là nhà văn Việt Nam hải ngoại có bút hiệu Nam Dao, đang làm việc/thăm chơi
ở Hà Nội, xin nhà thơ Hoàng Cầm một bản chép tay tập thơ Về Kinh Bắc (VKB) để
đem về Canada. Nguyễn Mạnh Hùng được chính quyền Việt Nam coi là “Việt kiều yêu
nước”, đã đóng góp tích cực cho phong trào ủng hộ miền Bắc, chống Mỹ và chính
quyền miền Nam từ khi còn là sinh viên ở Canada. Sau khi đất nước thống nhất,
anh đã nhiều lần về nước, có tham gia tư vấn cho chính phủ về kinh tế. Mặt
khác, anh lại quan hệ thân thiết với các nhà văn trong nhóm Nhân văn – Giai
phẩm, đặc biệt với nhà thơ Hoàng Cầm mà anh yêu mến.
Việc Hoàng Cầm cho Nguyễn Mạnh Hùng một bản chép
tay VKB chẳng có gì cần bí mật, khi chưa hề có văn bản hay chỉ
thị miệng của cấp thẩm quyền nói rằng tập thơ bị cấm lưu hành. Vả lại, ở cái
quán rượu 43 Lý Quốc Sư mà Hoàng Cầm sống nhờ vào đó từ nhiều năm, lúc nào cũng
chật khách trầm ngâm say và âm u khói thuốc, trong đó hầu hết là những người
yêu văn nghệ “ngoài luồng”, và không ít “đặc tình” (cộng tác viên, nói nôm na
là chỉ điểm của CA), “cá chìm” (tiếng lóng để chỉ trinh sát công an thường
phục), thì có gì liên quan đến ông Hoàng “thơ chui” này mà giữ kín được! Nhưng
muốn hiểu vì sao có vụ án “Về Kinh Bắc”, phải ngược thời gian lên mười năm
trước, khi một số bài trong bản thảo VKB bắt đầu được truyền
tay hơi rộng trong giới yêu thơ, trong đó ba bài “Cây tam cúc”, “Lá diêu bông”,
“Quả vườn ổi” (thường được gọi là bộ ba cây-lá-quả)
được mến mộ nhất – phần quan trọng vì chúng được xì xầm diễn giải như lời oán
trách của “em” (văn nghệ sĩ) với “chị” (Đảng), đại khái “em” yêu “chị”, nhưng
“chị” đã lừa “em”, cho “em” ăn toàn “quả rụng”, rồi bỏ mặc “em” bơ vơ để đi lấy
chồng… Theo Hoàng Cầm kể, thì năm 1974, CA Hà Nội có kêu tác giả lên răn đe về
việc lưu truyền những bài thơ “có nội dung xấu” ấy. Hoàng Cầm phải ngưng,
nhưng sau 1975, với không khí hào hứng của những ngày “miền Nam nhận họ, miền
Bắc nhận hàng”, VKB lại có thêm độc giả ở miền Nam, và đến
1979, sự giao lưu với nước ngoài bắt đầu được cởi mở hơn, một số Việt kiều đã
có được một số bài thơ chép tay của nhà thơ, trong đó dĩ nhiên “bộ ba cây-lá-quả”
vẫn đứng đầu bảng. Hoàng Cầm có kể đích danh một nữ bác sĩ xưng tên là Cần Thơ ở
Pháp đã xin ông gửi cho một số bài thơ, sau này bà cho biết bà là đệ tử của
thiền sư Thích Nhất Hạnh ở Làng Mai. Trong khi xét hỏi bản thân tôi, một sĩ
quan CA cho biết: VKB bắt đầu thành vấn đề nghiêm trọng chính
là vì mấy bài thơ này được in trên một tờ báo ở Pháp kèm theo lời bình mang
tính chống đối chính trị. Theo Hoàng Cầm thì CA có đọc cho ông nghe bài viết ấy
trên báo Đất Mẹ (Quê Mẹ?)
Tóm lại, chậm nhất là vào mùa thu 1982, một
chuyên án VKB đã được mở ra, với mục đích ngăn chặn việc đưa bản thảo này ra
nước ngoài và bắt tội tác giả của nó, hoặc đơn giản chỉ là mượn cớ việc chuyển
bản thảo này ra nước ngoài để trừng trị tác giả cho bõ ghét. Theo Hoàng Cầm thì
khả năng 2 là chính, ông nhất định cho rằng chính Tố Hữu là người chủ trương,
vì căm ghét Hoàng Cầm đã dám chê thơ ông ta (vụ phê bình tập Việt Bắc năm
1956), chưa kể đã “dám nổi tiếng” hơn ông ta trong kháng chiến! Và cũng theo
Hoàng Cầm, để làm việc này, Tố Hữu đã sử dụng một số “CA riêng” của mình.
Thế là trong lúc một cái lưới đang giăng ra xung
quanh quán rượu Hoàng Cầm ở 43 Lý Quốc Sư, thì tôi ở Sài Gòn ra, vô tình chui
vào đó, trở thành con cá to (?) cuối cùng để CA cất vó!
Vì sao định mệnh lại chọn tôi làm con cá oan
nghiệt kia? Suốt mấy năm trời trong trại giam tôi vẫn tự hỏi, vì xét theo
logique, tôi chẳng thể nào hình dung mình có ngày “ách giữa đàng đâm quàng vào
cổ” như thế.
Bởi lẽ thứ nhất: từ khi Hoàng Cầm hoàn
thành VKB (mùa Xuân 1960) cho đến tháng 8 năm 1982, đã có hàng
trăm bản chép tay của nó được lưu truyền, mà không thấy ai làm sao, cũng không
ai phổ biến lệnh cấm dù chỉ là lệnh miệng. Lý lẽ này tôi lặp đi lặp lại trong
các buổi hỏi cung, tôi còn vặn lại người cán bộ xét hỏi: “Để một tài liệu ‘phản
động’ tự do lưu truyền trong 20 năm như thế thì trách nhiệm của cơ quan an ninh
ra sao?”. Tất nhiên họ không trả lời được. Và hậu quả của sự “cứng đầu” cộng
với ngây ngô của một anh nhà-giáo-nhà thơ-đi-làm-báo tưởng rằng trên đời có thứ
gọi là công lý, là tôi phải nhận đến 39 tháng tù trong khi “đầu vụ” chỉ có 16
tháng!
Lẽ thứ hai là quan hệ của tôi với tác giả VKB vốn
không có gì mật thiết. Là một trong số những nhà thơ trẻ nổi bật của “thế hệ
chống Mỹ”, nhưng vì “trót” đọc được tiếng Pháp, tôi sớm giác ngộ về “Chủ nghĩa
xã hội với bộ mặt người” qua những sách báo tiếng Pháp ở ngay trong Thư viện
Quốc gia (Nhà nước cho rằng rất ít người biết tiếng Pháp nên không kiểm duyệt
bỏ những ấn phẩm tiếng Pháp “nhạy cảm” được nhập vào đó theo con đường viện
trợ, trao đổi). Đó là thuyết “chủ nghĩa hiện thực không bờ bến” của Roger
Garaudy, một nhà lãnh đạo Đảng Cộng sản Pháp, những tư tưởng “xét lại” của
George Lukács, nhà lãnh đạo cộng sản Hungary, tiểu thuyết Docteur
Jivago của B. Pasternak, các tài liệu về Đại hội Đảng Cộng sản Liên Xô
lần thứ XX, về những biến động ở Hungary, Tiệp Khắc… Những sách vở ấy cộng với
thực tế nhiều phũ phàng mà tôi va chạm trong mấy năm dạy học và “đi thực tế
sáng tác” ở vùng công nghiệp Hải Phòng, Quảng Ninh, cộng với sự đổ vỡ niềm tin
chiến thắng sau Tết Mậu Thân và cái chết của “Bác”, khiến tôi ngày càng hoài
nghi sự đúng đắn của chế độ. Tất nhiên tôi cũng nhìn lại phong trào Nhân văn –
Giai phẩm bằng con mắt hoàn toàn khác những gì Đảng dạy. Vì thế, cuối năm 1969,
khi đã viết một số bài thơ “ngoài luồng” không thể công bố, tôi tìm đến làm
quen với anh Văn Cao qua dịch giả Dương Tường. Chính Văn Cao là người đã
khuyến khích tôi tiếp tục lối thơ “bàng thống” mà tôi đang bước vào. Anh
trở nên thân thiết với tôi, và đã đứng chủ trì buổi tiếp bạn bè văn nghệ trong
ngày cưới của vợ chồng tôi đầu năm 1975. Với Hoàng Cầm thì khác. Không chỉ “có vấn
đề” về tư tưởng, ông còn tai tiếng là con nghiện (thuốc phiện) và chủ quán rượu
chui. Tôi – một nhà thơ trẻ đang được ưu ái, lại là nhà giáo và nhà báo của
ngành giáo dục (Báo Người Giáo viên Nhân dân), cũng thấy ngại dây
dưa! Mãi sau khi đã chuyển vào Sài Gòn công tác, tư tưởng ngày càng “diễn biến
hòa bình” do tác động của cuộc sống và sách vở tàn dư của chế độ Sài Gòn, trong
một lần ra Hà Nội vào cuối những năm 1970 hay đầu 1980, tôi mới tìm đến Hoàng
Cầm, cũng do Dương Tường đưa dắt. Chính lần ấy, tôi được nhà thơ khoe một bản
thảo VKB do ông chép tay chữ rất đẹp, bay bướm uyển chuyển, có
mấy phụ bản tranh của Bùi Xuân Phái vẽ các cô gái quan họ. Đó là tập bản thảo
mà ông đã bán cho ông Lâm chủ quán cà phê chuyên sưu tầm tranh của các hoạ sĩ
nổi tiếng ở Hà Nội, nay ông mượn lại, có lẽ để khoe với những người bạn mới, có
thể là Việt kiều chăng? Nhân dịp, tôi đã xin nhà thơ chép cho ba bài Cây
– Lá – Quả đem về Sài Gòn khoe vài người bạn văn nghệ
“chui” vốn là dân Sài Gòn cũ (trong đó có anh Phương Kiến Khánh, sau trở thành
nhà thơ Chân Phương ở Mỹ).
Trong chuyến ra Hà Nội tháng 8 năm 1982, định
mệnh xui khiến tôi lại đến với Hoàng Cầm ngoài chủ ý. Một bữa tôi gặp Dương
Tường trên phố, anh sốt sắng bảo tôi đến an ủi Hoàng Cầm vì nhà thơ vừa trải
qua một bi kịch: con gái yêu của ông là nữ diễn viên kịch Hoàng Yến chết đột
ngột – nghe đâu là tự tử. Tôi đến chơi, lại nghe ông than là vừa bị mất tập bản
thảo VKB mượn lại của Lâm cà phê (chắc hẳn CA đã lấy đi làm hồ
sơ cho vụ án VKB đang chuẩn bị). Ông tỏ ra rất tiếc xót, vì khó có cơ hội làm
lại một tập đẹp như thế. Tôi hứng lên, nói sẽ làm lại cho ông một tập đẹp hơn
thế. Ông bảo tôi đến gặp Trần Thiếu Bảo ở phố Bát Đàn, nhờ ông này mua giấy và
bút bi loại tốt để ông chép. Trần Thiếu Bảo nhận lời ngay. (Chỗ này, nhân thể
nói bài nghiên cứu của tác giả người Đức Heinz Schütte công bố trên
talawas 31/7/2010 có chỗ lầm: ông cựu giám đốc NXB Minh Đức sau
khi ra tù không bị chỉ định cư trú ở Nam Định cho đến chết, ông đã được về lại
Hà Nội từ lúc nào đấy, và vào năm 1982, ông đang chuẩn bị mở quán ăn để sinh
sống tại số 5 (?) Bát Đàn. Thế là việc chép tay VKB tiến hành.
Tôi đồng thời đến xin Văn Cao một phác hoạ làm bìa tập thơ VKB, và
xin Bùi Xuân Phái mấy phụ bản. Ít ngày sau, tôi vui sướng có trong tay một bức
hoạ mấy cái lá bay (chắc là “lá diêu bông”) của Văn Cao và 4 phụ bản màu nước
của Bùi Xuân Phái vẽ những cô gái quan họ nón quai thao áo tứ thân. Có một chi
tiết mà những ngày đó tôi đã bỏ qua. Trong thời gian này, tôi hầu như ngày nào
cũng đến quán rượu Hoàng Cầm để giục nhà thơ chép cho xong tập thơ. Một tối,
tôi trông thấy trong quán có một người quen, anh nguyên là giáo viên cùng dạy
học với tôi ở Hải Phòng, nhưng đã chuyển về Hà Nội, nghe đâu làm ở Bộ Công an,
vì anh là cháu ruột ông tướng CA nổi tiếng Nguyễn Công Tài. Thấy tôi, anh cất
giọng lè nhè như của người say rượu bảo: “Cái ông Hưng này đến là rách việc”.
Tôi hồn nhiên không để ý, chỉ cười rồi đi ra. Sau khi bị bắt tôi mới đoán rằng
anh bạn đồng nghiệp cũ có lòng tốt cảnh báo để tôi khỏi sa bẫy. Nhưng lúc đó
tôi hoàn toàn ngây thơ và tự tin việc xin thơ Hoàng Cầm chẳng có vấn đề gì mà
phải đề phòng!
Ngày Hoàng Cầm hoàn thành việc chép VKB, tôi
muốn nhân đó có một cuộc liên hoan nhỏ với các bậc đàn anh để ăn mừng và cũng
là để chia tay lên đường vào lại Sài Gòn. Ông Trần Thiếu Bảo đề nghị làm ngay
tại nhà ông ấy, như cũng để khai trương quán của ông. Đầu bếp là Phan Tại, nhà
viết kịch và cũng là đồng phạm của ông trong vụ xử án “gián điệp phản động Nhân văn – Giai phẩm” năm
1960. Trong bữa ăn vui vẻ tình cảm dạt dào giữa những người cùng tâm
sự (có Hoàng Cầm, Văn Cao, Bùi Xuân Phái, Trần Thiếu Bảo, Phan Tại; tôi tuy
vong niên nhưng được các đàn anh cư xử như kẻ ngang hàng), ông Bảo khoe mọi
người hai cái “bìa” cho tập VKB và tập thơ của tôi mà ông
trình bày theo lối siêu thực (Trước đó ít lâu, tôi có khoe một tập bản thảo thơ
“chui” của mình cho một số bạn văn nghệ ở Hà Nội, trong đó có Nguyễn Thuỵ Kha,
tập thơ gây ấn tượng khá mạnh vì sự phá cách của nó. Ông Bảo xin mượn ít hôm).
Sau liên hoan, ông Bảo đề nghị tôi cho ông mượn tiếp tập ấy cùng với tập VKB vừa
mới hoàn thành.
Những ngày sau đó, tôi lo chuẩn bị để lên đường,
nên định bụng trước khi đi mới đến nhà ông Bảo lấy lại hai tập thơ. Không hiểu
sao ông Bảo rất sốt ruột, ngày nào cũng đến nhà bà chị tôi (là nơi tôi ở nhờ
trong thời gian lưu lại Hà Nội) thúc giục tôi tới lấy! (Sau mới ngã ngửa ra là
Trần Thiếu Bảo bị CA khống chế, phải làm chỉ điểm cho họ, ít ra là trong vụ VKB
này. Nếu vì lý do gì đó mà tôi không đến lấy hai tập bản thảo, thì vụ án bị
hẫng to!)
Hoá ra họ đã sắp xếp rất chu đáo để “cất vó” VKB
mà tôi là một con cá hẩm hiu ở đâu đến chui đầu vào lưới. Sau này một anh CA
quen thân với gia đình anh cả tôi còn cho biết họ đã bí mật theo dõi, quay phim
tôi suốt nửa tháng trời mà tôi không hề để ý!
Chiều 17/8/1982, sau khi sắp xếp xong hành lý để
đi chuyến tàu tối xuống Hải Phòng và sáng hôm sau đi tàu biển vào Sài Gòn, tôi
đến nhà Trần Thiếu Bảo lấy lại 2 tập thơ. Vào trong quán, tôi thấy hai người
đàn ông đang ngồi uống nước. Sau vào trại giam đi “cung” mới biết đó là ông
Khổng Minh Dụ ở A25, sau này sẽ là Thiếu tướng Cục trưởng và cũng là “nhà thơ”,
và anh Thuận, trợ lý của ông, sau này sẽ là Cục phó Cục chống Bạo lọan. Tôi cứ
hồn nhiên cầm tập thơ đi ra, lên xe đạp phóng. Được một đoạn, bỗng có hai anh
thanh niên đèo nhau xe gắn máy ép tôi vào lề đường. Hai anh nhảy xuống, giữ tôi
lại, bảo: “Cái xe đạp anh đang đi là xe của chúng tôi bị mất cắp”. Tôi kinh
ngạc, vì tôi đang đi chiếc xe của bà chị ruột. Đang cãi qua cãi lại, thì một
công an mặc sắc phục ở đâu tiến tới, nói: “Các anh lộn xộn gì thế, mời về đồn
giải quyết”. Đồn CA gần đấy là đồn Hàng Bạc. Vào trong đồn, anh CA xưng là đồn
trưởng, yêu cầu tôi bỏ hết các thứ trong túi xách ra. Thấy tập bản thảo của
Hoàng Cầm, anh ta hỏi: “Cái gì thế này? Thơ à? Thơ của ai đây?”. Tôi đáp: “Của
Hoàng Cầm.” “Hoàng Cầm là ai? Anh ngồi đây đợi, cái này tôi phải xin ý kiến cấp
trên”. Tôi ngu đến mức vẫn chưa biết đây chỉ là một màn bi hài kịch dàn dựng
sẵn.
Sau khoảng 20 phút chờ đợi, anh đồn trưởng bước
vào, bảo: “Đây là ý kiến cấp trên”. Anh giở ra một tờ giấy, đọc: “Lệnh bắt và
khám xét khẩn cấp” vì tội “lưu truyền văn hoá phẩm phản động”. Thế là nhanh như
cắt, hai anh thanh niên “mất xe đạp” lúc nãy hiện nguyên hình là CA, áp giải
tôi lên xe bịt bùng, đưa về… Hoả Lò!
Ngày 20/8/1982 thì đến lượt Hoàng Cầm bị bắt.
Còn Nguyễn Mạnh Hùng, khi ấy đang ở Sài Gòn chuẩn bị bay về Canada. May được
Dương Tường kịp báo hung tin, anh gửi ngay tập bản thảo VKB cho
Cao Xuân Hạo giữ, ra sân bay vô tang. (Tuy nhiên, khi khám xét hành lý của tôi,
CA thu được một bức thư Hoàng Cầm nhờ tôi đưa cho Nguyễn Mạnh Hùng khi vào Sài
Gòn, thư dán kín nên tôi không biết nói gì trong đó). Hùng bị cấm cửa về Việt
Nam trong suốt 20 năm. Chuyến anh trở lại Việt Nam sau 20 năm ấy, lần đầu tiên
hai người “đồng phạm” bất đắc dĩ chúng tôi mới gặp nhau.
Sau khi tôi và Hoàng Cầm bị bắt, tin đồn lung
tung, có cả tin tôi bị bắt vì mang thuốc phiện lậu! Theo nhà báo Trần Đức
Chính, TBT tờ báo của Hội Nhà báo VN, thì có tờ báo hồi ấy đăng tải cả một
chuyện vụ án mang tên “Vụ án hai ông Hoàng” với nhiều tình tiết ly kỳ! Gần đây,
một số sách báo ở nước ngoài và trên mạng vẫn viết là Hoàng Hưng bị bắt vì âm
mưu chuyển tập thơ VKB vào sứ quán Pháp! Mới biết trí tưởng
tượng của người ta phong phú thật!
Kết cục của vụ án tóm tắt như sau: Hoàng Cầm sau
mấy tháng bị giam thì kiệt sức vì bị khủng bố tinh thần liên tục mà lại không
có nàng tiên nâu trợ lực, phải nhận tội phản động, chống Đảng, chống chủ nghĩa
xã hội, chống chế độ, để mong sớm được ra.
Tôi không thể nào quên cái buổi sáng ấy trong Hỏa
Lò. Sau mấy tháng không thuyết phục được tôi thừa nhận VKB là
“phản động”, CA để tôi nghỉ một hơi dài. Rồi bỗng một hôm tôi lại được gọi đi
“làm việc”. Người CA đưa tôi vào một phòng hỏi cung, nhưng không có ai trong
đó. Mà lại có một tập giấy thếp viết sẵn để trên bàn. Tôi tò mò giở ra, thì…
trời ơi, đó là bản tự khai của Hoàng Cầm, tôi nhận ra chữ viết rất nắn nót,
đẹp, của ông. Tôi đọc lướt, càng đọc càng hoang mang vì ông nhận tuốt tuột các
ý tưởng chống Đảng, đả kích chế độ… trong tập thơ. Để cho tôi một mình đọc
xong, người ta mới đưa tôi trở lại phòng giam. Và họ bố trí rất khéo, để như
tình cờ tôi gặp Hoàng Cầm đang ngồi ở cổng chờ (giữa khu trại giam và khu “làm
việc” có một cái cổng lớn, sau khi “làm việc” xong phạm nhân ngồi đó chờ “quản
giáo” ra nhận để đưa vào buồng giam). Tôi xông đến bên ông, hỏi gay gắt: “Anh
nhận tội phản động thật à? Sao lại thế?” Hoàng Cầm cúi đầu xuống, không nói gì,
từ khóe mắt ông lăn ra những giọt nước mắt. Đến tận hôm nay, nhớ lại những giọt
lệ tủi nhục của nhà thơ đàn anh, lòng tôi vẫn còn đau. Với tôi, tự buộc mình
phải hèn để có thể tồn tại là điều không gì đau hơn cho một kẻ sĩ.
Nhưng trong lúc Hoàng Cầm ngong ngóng CA thực
hiện lời hứa (?) cho về vào dịp Tết, thì một số trí thức Pháp do Thiền sư Thích
Nhất Hạnh vận động đã gửi thư cho Lê Đức Thọ đề nghị thả nhà thơ. Tin đến tai
Tố Hữu, ông “bạn thơ” quý hoá phán một câu xanh rờn: “Nước ngoài can thiệp hả?
Thế thì giam thêm 1 năm nữa cho biết!” (theo lời Hoàng Cầm kể, Hoàng Hưng ghi, đăng trên talawas mở đầu
tập VKB 5/4/2007). Thế
là Hoàng Cầm bị giam tổng cộng 16 tháng (20/8/1982 – trước Noel 1983).
Còn bản thân tôi, chỉ vì tội bướng, mà bị CA lục
tung nhà trong Sài Gòn suốt một ngày trời. Họ tìm ra một số trang nhật ký bằng
văn vần làm từ đầu thập kỷ 1970 mà CA nhận định là “phản động gấp 100 lần thơ
Hoàng Cầm” (lời ông Khổng Minh Dụ)[2]. Sau gần ba năm điều tra rất công phu mà
không tìm thấy gì chứng tỏ tôi nằm trong đường dây liên lạc với bọn “văn nghệ
sĩ phản động hải ngoại”, cuối cùng, nhờ là “cán bộ nhà nước phạm tội lần đầu”,
tôi được đặc ân “chỉ xử lý hành chính nội bộ chứ không bị truy tố ra toà” (lời
viên CA khi công bố lệnh “tập trung cải tạo” dành cho tôi). Mãi đến cuối năm
1985, nhờ không khí chính trị có phần nới lỏng trước Đổi mới, và nhờ người anh
ruột là bác sĩ phục vụ các cán bộ cao cấp đứng ra bảo lãnh, tôi mới được về sau
39 tháng tù, với cái lệnh tha mang tội danh được cải thành “lưu truyền văn hoá
phẩm đồi trụy” (!) Không hiểu sao lại có sự cải đổi từ “văn hoá phẩm phản động”
sang “đồi trụy” như thế? Chắc là CA không muốn có bất cứ bằng chứng nào chứng
tỏ có tội danh “phản động” trong luật pháp Việt Nam, cũng như họ không bao giờ
thừa nhận có “tù chính trị” vậy. (Những người bạn vong niên của tôi bị tù đầy trong
vụ án “xét lại” khi ra tù không ai được cầm lệnh tha hay giấy ra trại!)
Một điều an ủi lớn cho tôi: bị nhà nước bỏ tù,
nhưng tôi được đồng nghiệp bạn bè cảm thông. Thời gian tôi bị bắt, có chuyện
được coi là hy hữu: Báo Người Giáo viên Nhân dân, cơ quan tôi, hết
sức bênh vực tôi. Báo còn trả lương đều đặn và gửi quà cho tôi, bất chấp CA
phàn nàn; phải 2 năm sau, khi CA công bố lệnh tập trung cải tạo với tôi, báo
mới đành ngưng việc ấy và Bộ Giáo dục mới ra quyết định “cho ông Hoàng Hưng
thôi việc vì vi phạm pháp luật bị tập trung cải tạo” (chứ không “buộc thôi
việc” như thường thấy trong các vụ tương tự). Người có vai trò lớn trong chuyện
này là nhà báo Trường Giang, Bí thư Chi bộ Đảng, Thư ký Toà soạn báo NGVND. Ở
Sài Gòn, gia đình tôi lâm vào cảnh “vợ dại con thơ” cực kỳ khốn đốn, có những
bữa phải ăn chuối trừ bữa, nhưng bù lại đã nhận được sự thông cảm yêu thương
của tất cả bà con khu phố, kể cả anh cảnh sát khu vực, của các thầy cô gíao dạy
cháu Hoàng Ly.
Sau khi ra tù, Hoàng Cầm mất hằng năm trời sống
trong trạng thái thường trực hoảng loạn, hậu quả của thời gian tù ngục. Nhờ sự
động viên của bạn bè văn nghệ ông mới dần dần hồi phục. Sau Đổi mới, thơ Hoàng
Cầm bắt đầu tái xuất, nhưng riêng VKB còn bị CA ngăn trở dài
dài cho đến tận năm 1994 mới ra mắt được. Hoàng Cầm trở thành gương mặt của
truyền thông không thua gì các “sao”, cuối cùng ông được trao tặng Giải thưởng
Nhà nước về văn học (2007). Tuy nhiên, cho đến khi ông qua đời (tháng 5/2010),
chính quyền không hề có một lời minh oan hay xin lỗi, đừng nói gì đến bồi
thường cho những năm tù đầy oan ức của ông.
Còn tôi, ngay sau khi tôi ra tù, GS Nguyễn Văn
Hạnh, Thứ trưởng Bộ Giáo dục, thầy dạy cũ của tôi ở Khoa Văn Đại học Sư phạm,
ngỏ ý sẵn sàng nhận tôi làm việc ở cơ quan Bộ. Nhưng tôi chọn tiếp tục nghề
báo, và năm 1988, tập Ngựa biển bao gồm hầu hết những bài thơ
trong tập bản thảo của tôi bị CA tịch thu năm 1982, là tập thơ “ngoài luồng”
đầu tiên tự xuất bản ở nước ta sau Đổi mới, nhờ được anh Trương Văn Khuê, Giám
đốc NXB Trẻ cương quyết bảo vệ. Từ đó tôi in thơ bình thường. Riêng tập
thơ Ác mộng viết về những trải nghiệm tù đầy thì đến nay vẫn
bị các nhà xuất bản từ chối. Tuy nhiên một số bài trong đó đã được công bố nhờ
sự “chịu chơi” của nhà thơ Quang Huy, Giám đốc NXB Văn hoá – Thông tin, rồi sau
đó bài “Người về” được đưa vào những tuyển
thơ quan trọng nhất; bản tiếng Anh của nó (Nguyễn Đỗ và Paul Hoover dịch) được
đưa vào dự án Tổng tập văn học thế giới của một tập đoàn xuất
bản quốc tế danh tiếng. Riêng có chuyện xuất cảnh thì tối kỵ. Chắc người ta
ngại tôi ra ngoài sẽ trở thành nhân chứng sống cho “thành tích nhân quyền” của
chế độ. Mãi đến năm 2000, do một đồng nghiệp bảo lãnh trực tiếp với ông Tổng
cục trưởng An ninh, tôi mới được ông đích thân cho phép ra khỏi nước mà không
kèm “điều kiện” nào.
Có hai chuyện thú vị về “hậu vụ án VKB”:
Năm 2002, khi tôi về hưu tại báo Lao
động, do khiếu nại của tôi, báo Lao động và Tổng Liên đoàn
Lao động Việt Nam đã kiến nghị Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội trả lương hưu
cho tôi theo cả thời gian làm việc trước khi bị bắt (quy định phi lý phi nhân
của Bộ này là vứt bỏ hết thời gian làm việc của cán bộ công nhân viên trước khi
họ bị kỷ luật hay bắt giam, như đã áp dụng với nhà văn Bùi Ngọc Tấn). Lý do
được nêu rõ trong công văn: Ông Hoàng Hưng bị bắt giam vì cầm tập thơ VKB của
Hoàng Cầm mà thời đó coi là phản động, nay xã hội đã có nhìn nhận khác, quyền
lợi của ông Hoàng Hưng phải được trả lại. Kiến nghị bị từ chối. Nhà báo Nguyễn
Thị Hằng Nga, đại biểu Quốc hội, bèn đưa thẳng hồ sơ cho bà Bộ trưởng Nguyễn
Thị Hằng, thế là Bộ này quay 180 độ, đổi ngay quyết định, phá lệ!
Năm 2005, trên một chuyến bay từ TPHCM ra Hà
Nội, tình cờ tôi ngồi ngay bên cạnh một viên CA trực tiếp hỏi cung tôi trong vụ
VKB. Quả đáng tội, hồi đó ông và tôi đã từng khá căng thẳng với nhau. Nay ông
giữ một chức vụ quan trọng trong ngành an ninh. Ông vui vẻ chủ động bắt chuyện.
Ông nói nhiều chuyện về văn nghệ, rồi bỗng bảo tôi thế này: “Tập thơ VKB hay
thật! Anh phải viết một kịch bản phim về nó đi! Tôi biết chỉ có anh là viết
được thôi!”
Lạy Trời! So với bao nhiêu người chịu oan khiên
cho đến lúc chết mà chẳng ai biết đến, như ông Lê
Nguyên Chí trong vụ Nhân văn – Giai phẩm chẳng hạn, thì Hoàng
Cầm và tôi thế là còn có phúc lắm! Nhớ lại lời ông CA họ Khổng phán khi tôi cãi
rằng nhật ký của tôi để trong nhà, có lưu truyền đâu mà các ông bắt tội? Ông
nói ngay: “May cho anh đấy! Anh mà lưu truyền thì đi tù không có ngày về”.
Kỷ niệm 25 năm ngày ra tù (30/10/1985 – 2010)
[1] Lê Hoài Nguyên nhớ nhầm là năm 1983
[2] Tôi chỉ còn nhớ vài đoạn, đại khái
như sau:
… Các anh bảo chúng tôi
Đi chiến đấu cho ngày mai tươi đẹp
Chúng tôi đi
Vì không sợ chết
Chúng tôi chết
Vì sợ sống hèn
Nhưng sẽ ra sao cái ngày mai ấy?
… Chúng tôi đấy
Đều ngoan ngoãn cả
Anh vừa lòng chứ ạ?
Vâng, chúng tôi cứ khoanh tay ngoan ngoãn ngồi
nhìn
Sự nặng nề ngu độn của các anh
Cứ chầm chậm dìm con tàu xuống biển
Một số Bình luận
4. VanLang viết:
Thời Hoàng Hưng xuất bản sách trở lại thì ở trong nước vẫn chưa nhiều người biết tên tuổi tác giả. Nhưng sau khi báo Nhân Dân có bài “đánh” Hoàng Hưng thì tình hình có khác. Tôi nhớ là bài báo đó (không nhớ ai viết) tố tác giả “Ngựa biển” là làm thơ đồi truỵ và đã nêu ra một dẫn chứng là câu thơ: “Anh đi giao hợp nơi đâu, về nơi xóm cũ sắc màu xôn xao”. Bản thân tôi thì chưa đọc tập “Ngựa biển”.
5. Phùng Tường Vân viết:
“.. anh biết tôi ấm ức, bảo: “cứ coi họ là những đứa bé nghịch ngợm lấy chân di một đàn kiến…”. Ngẫm nghĩ, anh an ủi cả anh lẫn tôi…”
” Nhưng có tội, bỏ tù hay bắt lưu đầy, cho chúng mày biết tội! Tội của những con kiến… “
Lạ nhỉ ! Tôi tự hỏi, chẳng lẽ đây là cái “mood” của dân tộc ta trước cường quyền, trước bạo ngược hay sao ? Lại xin tìm đến Nguyễn Du:
Ở đây tai vách mạch rừng
Thấy ai người cũ cũng đừng nhìn chi
Kẻo khi sóng gió bất kỳ
Con sâu cái kiến kêu gì được oan
Thôi thì, “Lấy câu vận mệnh khuây dần nhớ
thương” vậy !
6.
Nam Dao Nguyễn Mạnh
Hùng viết:
Cước chú cho Vụ án “Về Kinh Bắc”, một sự kiện
“Hậu Nhân văn”
Nhân đọc bài viết của Hoàng Hưng, xin chỉnh cho
thật chính xác dăm điều riêng tư: từ vụ án VKB tôi phải đợi 6 năm, đến 1988,
mới được về Việt Nam trong một phái đoàn GS Đại học Canada được Bộ Ngoại giao
tiếp đón. Đến năm 1990, mặc dầu có giấy mời của Viện Nghiên cứu Kinh tế Quản lý
Trung ương, về đến Nội Bài thì tôi được lịch sự mời ra… với lý do gì đến nay
tôi cũng chưa biết, nhưng đoán là sau khi bức tường Berlin sụp đổ thì phải cấp
tốc xây hàng rào bảo vệ Hà Nội. Xin visa vài lần sau đó mà không được, tôi biết
thân mình, nhưng khi Trịnh Công Sơn viết thư nói: “mình hết thời gian rồi”, tôi
có gặp bà Đại sứ Việt Nam thuở đó, xin và được phép về năm 1998. Như vậy, thời
gian tôi bị cấm cửa không đến 20 năm như Hoàng Hưng viết: chúng tôi chưa bao
giờ kể lể những chuyện này. Nhưng thôi, 20 hay 14, 15 năm thì cũng thế, vù đi
một cái là hết kiếp phù sinh. Cái oái oăm là có những nghịch lý khó chấp nhận:
khi Sơn đến Quebec thăm tôi năm 1992, anh biết tôi ấm ức, bảo: “cứ coi họ là
những đứa bé nghịch ngợm lấy chân di một đàn kiến…”. Ngẫm nghĩ, anh an ủi cả
anh lẫn tôi, tiếp: “nhưng rồi đứa bé ấy cũng phải lớn lên chứ”. Lớn lên thế nào
không biết, nhưng lớn đủ để chính thức nói một lời xin lỗi những con kiến càng
cỡ Nguyễn Hữu Đang, Trần Dần, Lê Đạt, Hoàng Cầm… thì chưa!
Hoàng Hưng nhắc tập VKB có tranh minh họa của Bùi Xuân Phái khiến tôi nhớ đêm Giáng sinh năm 81. Cùng Nguyễn Tuân, Nguyên Hồng, và Văn Cao đến cà phê Lâm (toét), tôi đã giở từng tờ, lắng mình trong ánh đèn dầu một tốí Hà Nội mất điện. Tập thơ thật đẹp, và thơ thật hay. Bây giờ, nó lưu lạc đâu rồi? Sau khi được “phục hồi”, Hoàng Cầm in VKB, giấy đen, mực lem nhem, gửi cho tôi, đề “gửi em để nhớ một năm đầy oan nghiệt nhưng cũng đầy hạnh phúc”. Kèm VKB, anh cũng gửi tôi tập Ngựa biển của Hoàng Hưng, dặn thơ hay phải đọc. Đấy, cái tội độc nhất của chúng tôi là yêu thơ. Nhưng có tội, bỏ tù hay bắt lưu đầy, cho chúng mày biết tội! Tội của những con kiến… Thế thôi, mà sao vẫn cứ chạnh lòng!
7.
Phùng Tường Vân viết:
Đốt Lò Hương Cũ
Trần Thiếu Bảo, nguyên gia đình có một ngôi nhà lớn ở Phan Bội Châu, Hà Nội, bị tịch thu và được sử dụng làm Tòa Đại sứ của Cộng Hòa Dân Chủ Đức (Đông Đức), sau khi ra tù ít lâu ông được cho về cư trú tại Hà Nội đúng như tác giả Hoàng Hưng đã cho biết và được cấp “đền bù” một căn nhà nhỏ đúng là ở 5 Phố Hàng Bát Đàn, nhỏ lắm, tuy nhiên không phải là mở quán càfé mà khi tôi đến đấy thì đó là một cửa hàng “Cho Thuê Sách”, một dịch vụ trước đây không có ở Hà Nội, văn nhân , thi sĩ dập dìu đông lắm.8.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét