Thứ Sáu, 10 tháng 3, 2023

“bộ ba cây-lá-quả” thơ Hoàng Cầm

Gặp gỡ ở nhà Hoàng Hưng (Sài Gòn) sau Đổi Mới: từ trái sang: vợ chồng Hoàng Hưng, nhà điêu khắc Trương Đình Quế (?), vợ chồng Văn Cao, Hoàng Cầm, nhà điêu khắc Nguyễn Hải


“bộ ba cây-lá-quả” thơ Hoàng Cầm

Nhà thơ Hoàng Hưng kể lại: “... muốn hiểu vì sao có vụ án “Về Kinh Bắc”, phải ngược thời gian lên mười năm trước, khi một số bài trong bản thảo VKB bắt đầu được truyền tay hơi rộng trong giới yêu thơ, trong đó ba bài “Cây tam cúc”, “Lá diêu bông”, “Quả vườn ổi” (thường được gọi là bộ ba cây-lá-quả) được mến mộ nhất – phần quan trọng vì chúng được xì xầm diễn giải như lời oán trách của “em” (văn nghệ sĩ) với “chị” (Đảng), đại khái “em” yêu “chị”, nhưng “chị” đã lừa “em”, cho “em” ăn toàn “quả rụng”, rồi bỏ mặc “em” bơ vơ để đi lấy chồng… Theo Hoàng Cầm kể, thì năm 1974, CA Hà Nội có kêu tác giả lên răn đe về việc lưu truyền những bài thơ “có nội dung xấu” ấy. Hoàng Cầm phải ngưng, nhưng sau 1975, với không khí hào hứng của những ngày “miền Nam nhận họ, miền Bắc nhận hàng”, VKB lại có thêm độc giả ở miền Nam, và đến 1979, sự giao lưu với nước ngoài bắt đầu được cởi mở hơn, một số Việt kiều đã có được một số bài thơ chép tay của nhà thơ, trong đó dĩ nhiên “bộ ba cây-lá-quả” vẫn đứng đầu bảng. Hoàng Cầm có kể đích danh một nữ bác sĩ xưng tên là Cần Thơ ở Pháp đã xin ông gửi cho một số bài thơ, sau này bà cho biết bà là đệ tử của thiền sư Thích Nhất Hạnh ở Làng Mai. Trong khi xét hỏi bản thân tôi, một sĩ quan CA cho biết: VKB bắt đầu thành vấn đề nghiêm trọng chính là vì mấy bài thơ này được in trên một tờ báo ở Pháp kèm theo lời bình mang tính chống đối chính trị. Theo Hoàng Cầm thì CA có đọc cho ông nghe bài viết ấy trên báo Đất Mẹ (Quê Mẹ?)...)”

Cây tam cúc

Cỗ bài tam cúc mép cong cong
Rút trộm rơm nhà đi trải ổ
Chị gọi đôi cây!
                  Trầu cay má đỏ
Kết xe hồng đưa Chị đến quê Em

Nghé cây bài tìm hơi tóc ấm
Em đừng lớn nữa Chị đừng đi
Tướng sĩ đỏ đen chui sấp ngửa
Ổ rơm thơm đọng tuổi đương thì

Đứa được
           chinh chuyền xủng xoẻng
Đứa thua
           đáo gỡ ngoài thềm
Em đi đêm tướng điều sĩ đỏ
Đổi xe hồng đưa Chị đến quê Em

Năm sau giặc giã
Quan Đốc đồng áo đen nẹp đỏ
Thả tịnh vàng cưới Chị
                  võng mây trôi

Em đứng nhìn theo Em gọi đôi


Nguồn: Hoàng Cầm, Mưa Thuận Thành, NXB Văn hoá, 1991

 


Lá diêu bông

Váy Đình Bảng buông chùng cửa võng
Chị thẩn thơ đi tìm
Đồng chiều
        Cuống rạ

Chị bảo
        - Đứa nào tìm được lá Diêu Bông
Từ nay ta gọi là chồng

Hai ngày Em tìm thấy lá
Chị chau mày
        - Đâu phải lá Diêu Bông

Mùa đông sau Em tìm thấy lá
Chị lắc đầu
      trông nắng vãn bên sông

Ngày cưới Chị
        Em tìm thấy lá
Chị cười xe chỉ ấm trôn kim

Chị ba con
        Em tìm thấy lá
Xoè tay phủ mặt Chị không nhìn

Từ thuở ấy
        Em cầm chiếc lá
đi đầu non cuối bể
Gió quê vi vút gọi
        Diêu Bông hời!...
                 ...ới Diêu Bông!...


Bài thơ này đã được nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc thành bài hát cùng tên, và nhạc sĩ Trần Tiến phổ nhạc thành bài hát Chuyện tình lá diêu bông.

Nguồn: Hoàng Cầm, Mưa Thuận Thành, NXB Văn hoá, 1991

 

Qu vườn i

Em mười hai tuổi tìm theo Chị
Qua cầu bà Sấm, bến cô Mưa
Đi...
ngày tháng lụi
tìm không thấy
Giải yếm lòng trai mải phất cờ
Cách nhau ba bước vào vườn ổi
Chị xoạc cành ngang
Em gốc cây
- Xin chị một quả chín!
- Quả chín..
quá tầm tay
- Xin chị một quả ương
- Quả ương
chim khoét thủng
Lẽo đẽo Em đi vườn mai sau
Cúi nhặt chiều mưa dăm qủa rụng.

 Qua Vườn Ổi

Nhạc Phạm Duy Thơ Hoàng Cầm Ca sĩ Thái Hiền …………………….. Cách xa ba bước qua vườn ổi Chị xoạc cành ngang em đứng trông Này chị ơi! xin chị một quả non Ổi non, em ơi còn xanh chát a à Ổi non xanh chát lè.

Cách xa ba bước qua vườn ổi Chị xoạc cành ngang em đứng trông Này chị ơi! xin chị một quả ương Ổi ương, em ơi bị chim khoét a à Ổi ương chim khoét rồi.

Này chị ơi! xin chị một quả chín Ổi chín, em ơi tít ngọn cây a à Ổi chín quá tầm tay.

Cách xa ba bước qua vườn ổi Chị xoạc cành ngang em đứng trông...

Lẽo đẽo em đi đường mai sau Cúi nhặt chiều mưa dăm quả rụng. …………………………………………………

Ba bài thơ đều chép trong Thi viện

3 nhận xét:

  1. Lá Diêu Bông , Nhạc Phạm Duy , Thơ Hoàng Cầm , Ca sĩ Ý Lan

    Đứa nào tìm được lá diêu bông
    Từ nay tao sẽ gọi là chồng
    Tao sẽ gọi là chồng
    Đứa nào tìm được lá diêu bông.

    Vài ngày sau em tìm thấy lá
    Chị chau mày: Đâu phải lá diêu bông!
    Mùa Đông sau em tìm thấy lá
    Chị lắc đầu nhìn nắng vãng bên sông.

    Đứa nào tìm được lá diêu bông
    Từ nay tao sẽ nhận là chồng
    Tao sẽ nhận là chồng
    Đứa nào tìm được lá diêu bông.

    Ngày cưới chị, em tìm thấy lá
    Chị mỉm cười, se chỉ, cắm trôn kim
    Chị đã ba con, em tìm thấy lá
    Xoè tay, phủ mặt, chị không nhìn.

    Đứa nào tìm được lá diêu bông
    Thì từ nay tao sẽ gọi là chồng
    Tao sẽ gọi là chồng
    Đứa nào tìm được lá diêu bông.

    Từ thuở đó, em cầm chiếc lá
    Nơi đầu non cuối bể, em đi
    Lời vi vút gió quê lắng gọi
    Diêu bông hời hỡi diêu bông
    Em đi trăm núi nghìn sông
    Nào tìm thấy lá diêu bông bao giờ.

    Trả lờiXóa
  2. Quả vườn ổi

    Cách xa ba bước qua vườn ổi
    Chị xoạc cành ngang em đứng trông
    Này chị ơi ! Xin chị một quả non
    ổi non, em ơi còn xanh chát a à
    ổi non xanh chát lè.

    Cách xa ba bước qua vườn ổi
    Chị xoạc cành ngang em đứng trông
    Này chị ơi ! Xin chị một quả ương
    ổi ương, em ơi bị chim khoét a à
    ổi ương chim khoét rồi.

    Này chị ơi ! Xin chị một quả chín
    ổi chín, em ơi tít ngọn cây a à
    ổi chín quá tầm tay.
    . . . . . . . . . . . .
    Cách xa ba bước qua vườn ổi
    Chị xoạc cành ngang em đứng trông...
    . . . . . . . . . . . .
    Lẽo đẽo em đi đường mai sau
    Cúi nhặt chiều mưa dăm quả rụng...

    Trả lờiXóa
  3. Trong "VỤ NHÂN VĂN – GIAI PHẨM TỪ GÓC NHÌN..." Lê Hoài Nguyên viết:
    "Sau thời gian đi cải tạo lao động, Hoàng Cầm trở về Bắc Ninh quê hương ông. Vượt qua những dằn vặt đau đớn di chấn của vụ NVGP ông sống đằm mình vào văn hóa Kinh Bắc cái mạch nguồn đã cho ông làm nên Bên kia sông Đuống. Tập thơ liên hoàn Về Kinh Bắc có thể nói là một lâu đài thơ ca tráng lệ có không gian văn hóa cổ kính hoà trộn với tâm linh hiện đại, những ẩn ức về thân phận con người cùng với khát vọng sống của nó. Về Kinh Bắc là đỉnh cao trong sự nghiệp thơ ca của Hoàng Cầm, tiếc rằng 35 năm sau nó mới được ra mắt bạn đọc, sau khi Hoàng Cầm phải ngồi tù 2 năm cùng người bạn thơ Hoàng Hưng vì hệ lụy tập thơ. Trong thời gian 35 năm ấy một vài bài của Về Kinh Bắc, đặc biệt là Lá diêu bông đã được giới yêu thơ, thanh niên Hà Nội chuyền tay nhau cùng bản nhạc phổ lời bài thơ. Chuyện tình của Lá diêu bông cũng như Quả vườn ổi, Cây tam cúc chỉ là một phương tiện thể hiện, đặt các bài thơ ấy trong bối cảnh 1958-1960 mới hiểu được chủ nghĩa nhân văn, ám ảnh thân phận người nghệ sĩ, nỗi thất vọng to lớn giữa lý tưởng và cuộc đời của một thế hệ nhà văn… Ông vừa mới mất ngày 6-5-2010."

    Trả lờiXóa