Thứ Hai, 27 tháng 3, 2023

PHONG NGUYỆT THU THANH - TÂY SƯƠNG KÝ ĐỒ SÁCH

 PHONG NGUYỆT THU THANH - TÂY SƯƠNG KÝ ĐỒ SÁCH

Trên rừng văn nghệ Trung Hoa xưa, nhóm tác phẩm nổi bật nhất dĩ nhiên là Tứ đại danh tác, nhưng ngoài ra còn có một nhóm nữa mà ít người biết đến hơn, ấy là Lục tài tử thư, tức sáu cuốn sách do những bậc tài tử viết ra, lần lượt là: Nam hoa kinh của Trang Chu, Ly tao của Khuất Nguyên, Sử ký của Tư Mã Thiên, thơ luật của Đỗ Phủ, Tây sương ký của Vương Thực Phủ, Thủy Hử của Thi Nại Am.
Danh sách ấy là do Kim Thánh Thán, một nhà phê bình kiệt hiệt đời Thanh lựa ra. Bây giờ nhìn lại thì thấy việc đó cũng thường, nhưng đặt vào bối cảnh bấy giờ, đấy thực là một hành vi kinh thiên động địa lắm. Như cụ Nhượng Tống đã bàn thế này:
“Khen văn thơ của Trang, của Khuất, của Tư Mã, của Đỗ, cái đó khác nào ta khen “Phò mã tốt áo”... Thế nhưng dám kéo Vương Thực Phủ với Thi Nại Am lên ngồi cùng một chiếu với bốn ông trên thì thực là một anh chàng gan nuốt búa mà mắt tầy rổ!
Bởi vì Tây sương là một vở tuồng mà Thủy hử chỉ là một bộ truyện.
Tuồng và truyện, người thời ấy cho là những thứ văn nhảm, kẻ đứng đắn không thèm viết!
Chẳng những thế, viết hai môn văn nhảm ấy, tác giả lại dùng một thứ chữ nhảm: chữ bạch thoại! Thứ tiếng nói thông thường của đàn bà con trẻ ấy, các nhà văn nói hàng ngày cũng ít khi nói đến, đừng kể chi là dùng vào văn chương!
Vậy, đem hai tập văn nhảm viết bằng một thứ chữ nhảm ấy mà khen rầm trời, tức là “nói cho thiên hạ vả miệng chơi” - lời cụ Đào Nguyên Phổ nhà ta đã dạy!”
Đại khái, nói cho dễ hiểu, thì việc ấy cũng như là ngày nay có người đem xếp mấy cuốn tiểu thuyết ngôn tình và võ hiệp - thậm chí là thứ ngôn tình và võ hiệp viết bằng teencode - vào chung một mâm với tiểu thuyết kinh điển. Dĩ nhiên, theo thời gian thì sự lựa chọn của Kim Thánh Thán đã được đánh giá là xác đáng, còn sự lựa chọn của người thời nay còn phải chờ thêm vài trăm năm nữa để xem kết quả thế nào.
Về phần bài này, như tiêu đề đã ghi, cốt để giới thiệu tranh về Tây sương ký, mấy lời ở trên xem như phụ họa cho vui. Nhưng sau rốt, cái nào phụ họa cho cái nào e cũng còn khó nói.
Đại để tập tranh này mang tên Phong nguyệt thu thanh, vẽ bởi Phí Đan Húc, một bậc danh họa đời Thanh, cả thảy gồm 12 bức, mỗi bức tương ứng với một cảnh trong Tây sương ký, khổ 26*21cm, hiện được lưu trữ tại Thư viện quốc gia Pháp.
Mời các bạn xem tranh!



























Xem trích đoạn vài bức thuộc bộ Phong nguyệt thu thanh













Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét