Thứ Bảy, 11 tháng 3, 2023

Giữa Truyện và Chuyện

Lê Thị Huệ

 

Giữa Truyện và Chuyện

 

tản mạn

 


Khi xuất bản quyển truyện vừa Kỷ Niệm Với Mỵ Ánh tôi quảng cáo đây là một Truyện vừa lập thể.

 

Có lẽ sự phân tách hai từ Truyện và Chuyện là do nhu cầu viết của tôi. Do điều yêu thích trong khi lắng nghe âm thanh của tiếng Việt, và do sự quan sát các tác phẩm của tác giả khác, trong tôi.

 

Tôi người gốc xứ Hà Tịnh. Vừa sanh tôi ra, mẹ tôi và gia đình chạy loạn năm 1954 vào Nam. Những năm thơ ấu tôi lớn lên ở các thành phố Đà Nẵng Nha Trang và Qui Nhơn. Các thành phố Miền Trung này có một âm giọng rất xa với chính tả. Âm giọng của thầy mẹ tôi đến từ Hà Tịnh cũng rất xa với chính tả tiếng Việt.

 

Tôi lớn lên và nghe Thầy Mẹ tôi toàn kêu là "người Hà Tịnh", chữ "Tịnh" dấu nặng. Nhưng khi viết chính tả, tôi phải viết "Tĩnh". Đi ra ngoài giao tiếp, tôi gặp các bạn người Đà Nẵng, nói "số Bả" nhưng khi viết chính tả tôi phải viết "số Bảy". Các bạn Nha Trang thì gọi là "Bình Keng Nhe Treng", tôi viết xuống trang vở học trò là "Bình Cang Nha Trang", thì mới được mười điểm chính tả. Còn dân Nẫu Qui Nhơn thì tôi nghe họ nói "người Nâu" và biết là họ phát âm chữ "Nẫu", một danh từ họ ám chỉ độc quyền dân Bình Định.

 

Tôi lớn lên trong sự tinh tế của các âm giọng lung tung xà bèng này. Và tôi rất hãnh diện những năm tiểu học, tôi giỏi chính tả hạng nhất lớp.

 

Giờ này làm chủ biên chủ bút kiêm webmaster cho gio-o, tôi thú vị, tôi xin mở ngoặc là khi tôi nói thú vị là tôi thích thú thật, để khám phá ra có những người viết nổi tiếng như giáo sư Nguyễn Văn Trung, hay Ngu Yên, viết sai dấu hỏi dấu ngã một cây xanh rờn.

 

Có nhiều vấn đề về ngôn ngữ nói và ngôn ngữ viết là một điều thú vị mà tôi rất thích nghiên cứu. Tôi không cứng ngắc và tôi không phải là người phu chữ tin vào chính tả 100%. Cho nên khi giáo sư Nguyễn Văn Trung gửi bài đến và tôi sửa lỗi x ra s hay s ra x, dấu hỏi ngã cho đúng chính tả, tôi muốn bàn lại với giáo sư Nguyễn Văn Trung về vấn đề này. Tuy nhiên vì thấy mất thì giờ, nên tôi thôi. Riêng với Ngu Yên thì anh thường nói sửa mấy cái dấu hỏi dấu ngã lại cho anh, nên tôi cũng im lặng mà sửa.

 

Có khi cũng sửa sót đấy.

Nhưng mà phải thú thật tôi vốn thường là kẻ ngoại đạo trong đời sống . Nên trong vụ việc dấu hỏi dấu ngã.

 

Vì có một đôi tai thính với tiếng Việt như thế nên khi bắt đầu viết, tôi muốn nghịch chơi với chữ Truyện và Chuyện.

 

Có lẽ nhu cầu phân tách Chuyện và Truyện đến từ nhu cầu của người viết, như tôi.

 

Chuyện với tôi là kể chuyện, một loại story teller của Tây Phương. Nghĩa là thấy sao kể lại y hệt. Càng y hệt càng tốt. Trong tinh thần này, các quyển tự chuyện là đúng nghĩa nhất. Nếu tác giả viết lại câu chuyện, thì tác giả cũng mang theo cái tinh thần càng giống sát thực tế ngoài đời chừng nào càng đạt mục tiêu của tác giả chừng đó

 

Tôi bị ám ảnh bởi những đời sống, những con người thật, những câu chuyện thật ngoài kia. Mà khi mang nó vào cõi viết, tôi cố đến gần sự thật của đời sống càng tinh tế chừng nào, càng tốt. Văn chương và nghệ thuật ở đây phục vụ cho Sự Thật của Con Người và Đời Sống. Chuyện là một sự chạy đuổi đời sống. Tôi kể lại một câu chuyện có thật 100% hay 70% ngoài đời kia. Tài năng của tác giả ở cái chỗ "Kể Như Thật" và có độc giả nghe theo. Dĩ nhiên có rất nhiều câu chuyện thật hay ho ngoài đời sống phong phú kia, nhưng một tác giả được đánh giá là sư phụ viết chuyện ngắn thì càng nắm bắt được Sự Thật của đời sống, càng sử dụng ngôn ngữ và nghệ thuật tài hoa để mô tả lại Sự Thật của con người thì tác phẩm của tác giả đó càng có giá trị.

 

Khi tôi viết chuyện ngắn "Rán Yêu Đời, Hỡi Nhỏ" tôi gần như kể lại những chi tiết thật mà tôi ráp nối giữa các nhân vật tôi gặp gỡ và quen biết trong đời. Tôi đã không bao giờ có một người yêu lính sư đoàn 22 bộ binh Thủ Đức, nhưng tôi đã ráp nối những người lính bồ bịch hay bạn bè của những người quanh tôi. Người đàn ông tên Sơn trong chuyện được chắp nối bởi những chi tiết có thật mà tôi đã gặp trong giai đọan ấy. Hai nhân vật nữ cũng thế, một người bạn gái của tôi ở Phan Rang lên Đà Lạt và bồ bịch với hai anh bồ như thế, đã là nền câu chuyện của tôi. Nhưng hơn hết tất cả, cái ám ảnh những người đàn ông hiền lành bị nướng vào chiến tranh đã làm cho tôi nhiều lần tuyệt vọng về đời sống như tôi đã ẩn thân vào nhân vật tôi trong chuyện Rán Yêu Đời, Hỡi Nhỏ.

 

Một trong những hạn chế của Chuyện theo tôi, Chuyện chỉ có thể nên được viết bởi nhân vật chính trong cuộc, hoặc bởi thứ ngôn ngữ và tác giả ngay trong chính thời đại đó. Ví dụ Thụy Vũ không làm điếm không phải là me Mỹ, nhưng Thụy Vũ sống trong thời lính Mỹ sang Miền Nam Việt Nam khoảng thập niên 1960 và 1970, nên tương đối Thụy Vũ sống và viết sát với những nhân vật của Lao Vào Lửa hơn. Nhã Ca về Huế và bị kẹt lại Tết Mậu Thân ở đó, nên Giải Khăn Sô Cho Huế là chuyện sát với đời Thật hơn. Vì không phải là tự chuyện, nhưng mức độ sát với Sự Thật của con người và khung cảnh Huế Tết Mậu Thân 1968 trong Giải Khăn Sô Cho Huế của Nhã Ca sẽ được đánh giá cao hơn là một tác giả Mỹ chưa đến Việt Nam.

 

Vì Truyện được giải phóng bởi sự Tưởng Tượng, cho nên Truyện ít biên giới hơn.

 

Vai trò của Tưởng Tượng đóng một nhiệm vụ khá lớn trong Truyện.

 

Khi viết Truyện, tôi tha hồ pha chế sự Tưởng Tượng vào đấy. Khi dựng nhân vật Mỵ Ánh tôi không nghĩ đến một nhân vật nhỏ bé ngoài đời kia, mà tôi hoàn toàn xử dụng các mô típ tâm lý xã hội Việt Nam, một đại tượng nhân vật, để làm nền cho Mỵ Ánh. Nói tóm lại Mỵ Ánh chính là tâm lý tâm linh tập thể đất nước Việt Nam. Nhân vật Tôi, Quang, là đại diện cho Miền Nam. Và cái bối cảnh sự sụp đổ của Miền Nam Việt Nam năm 1975 là sườn chính câu chuyện mà tôi dùng để phân tách cho cái chết của một tập thể Việt Nam vào thời điểm lịch sử đó. Kỷ Niệm Với Mỵ Ánh là một tiểu thuyết lịch sử,

 

Cũng như khi đọc lại tác phẩm Ngày Xuân Đêm Xuân của nhà văn Tuý Hồng vừa đánh máy lại và gửi cho gio-o vào tháng Sáu 2008, tôi phải kết luận là Ngày Xuân Đêm Xuân là Truyện chứ không phải Chuyện, theo định nghĩa của tôi.

 

Vì trong tác phẩm này, nhà văn Tuý Hồng đã thả lỏng chữ nghĩa vào mồm các nhân vật khi cho các nhân vật xử dụng ý tưởng là một cung nữ dưới thời nhà Nguyễn tương tư các chuyện kiếm hiệp.

 

Mà chuyện kiếm hiệp chỉ mới được yêu mến kể từ thời Kim Dung viết khoảng thập niên 1960. Trong khi các nhân vật của Ngày Xuân Đêm Xuân sống vào mấy chục năm trước đấy chưa biết truyện Kiếm Hiệp để tương tư.

 

Kiếm Hiệp của Kim Dung ứng hợp vào mẫu Truyện của tôi tối đa. Vì dù nói truyện nào giống nhân vật nào ngoài đời đi chăng nữa, nhưng vì mô típ viết của tác giả là pha chế óc tưởng tượng vào Đời Thật của các nhân vật nhiều qúa, dù các nhân vật có thể có thật, cho nên cái sự Không Thật của tác phẩm chiến thắng. Mà khi sự Không Thật làm nền tảng cho sự viết của tác giả, tôi liệt loại sáng tác ấy là Truyện,

 

Truyện Cô Gái Đồ Long hoàn toàn hướng dẫn bởi óc tưởng tượng, vì những tình tiết của Trương Vô Kỵ Triệu Minh cùng những cú đấm đánh giang hồ khiến cho nhân vật được biết là nhân vật thật, Chu Nguyên Chương, cũng khó tin là chuyện Chu Nguyên Chương thật.  Theo câu chuyện trong Cô Gái Đồ Long, vì Trương Vô Kỵ bỏ đời đi theo Triệu Minh không chịu đi lên làm bang trưởng Cái Bang. Nên Chu Nguyên Chương, một thủ lãnh khác mới có cơ hội lên giành chức bang trưởng Cái Bang và sau này trở thành người đánh đuổi quân Nguyên, thống nhất nước Trung Hoa và lên làm vua, tức là Minh Thái Tổ.

 

Khi viếng thăm thành phố Nam Kinh bên Tàu năm 2006, tôi có đến thăm viếng lăng mộ của Minh Thái Tổ.

 

Nhưng cái ngòi bút tưởng tượng thần sầu của Kim Dung đã đẩy nhân vật Minh Thái Tổ lên xa qúa đời thường. Nên mặc dù đứng đấy nhìn lăng mộ của Minh Thái Tổ ở đất Nam Kinh nước Tàu và được nghe giải thích là nhân vật Minh Thái Tổ có thật, tôi vẫn thấy nhân vật Minh Thái Tổ của Cô Gái Đồ Long là một nhân vật Truyện. Và cái hay của Minh Thái Tổ là cái hay của ngòi bút Kim Dung. Chứ tôi vẫn chưa biết đời thật của Minh Thái Tổ hay thật ở những tác phẩm nào khác, mà tôi chưa được đọc.

 

 

Như vậy chẳng qua là vì nghịch ngợm chơi với chữ nghĩa và tác phẩm mà tôi đà đặt ra Truyện với Chuyện khác nhau như thể nào. Điều hoàn toàn là do tôi dựng lên cho nhu cầu sáng tác của tôi.

 

Tôi nhận được khá nhiều i meo của độc giả bảo phải sửa các chữ chuyện thành truyện trên gio-o. Tôi mất công giải thích nhiều lần.

 

 

Đây cũng chỉ là một ngẫu nhiên phát xuất ra trong sự giao thiệp giữa tôi với Viết và Tiếng Việt. Chỉ vì thích chơi với cái âm tr của truyện và ch của chuyện mà tôi dựng thành kỹ thuật viết của mình.

 

Tuy có theo học các lớp dạy về kỹ thuật sáng tạo ở các đại học Mỹ (creative writing), nhưng các kỹ thuật viết của Tây Phương không tạo nên cú đột phá trong tôi như khi tôi ngồi ngẫm lại và hai âm tr và ch trong tiếng Việt.

 

Đó là một bí mật của ngôn ngữ và sáng tác.

 

Lê Thị Huệ

 2003 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét