Lê Thị Huệ – Bụi Hồng
Sinh năm 1953 tỵ nạn chính trị
đến Mỹ năm 1975 tác phẩm đầu tay, “Cánh Hoa Trước Gió”, chuyện ngắn,
đăng trên tờ Văn Học Nghệ Thuật do nhà văn Võ Phiến chủ trương ở Nam California
năm 1979. Một mình sáng lập và điều hành trang văn triết sử Gió O www.gio-o.com trên net từ 2001 đến nay.
Tác phẩm đã xuất bản:
Bụi Hồng, chuyện
ngắn, 1984.
Kỷ Niệm Với Mỵ Ánh,
truyện vừa, 1987.
Rồng Rắn, chuyện dài, 1989.
Khởi Đi Từ Ngây Thơ ĐểĐến Gần Sự Thật, tùy bút, 1995.
Canh Thức Cùng Thơ Mộng, tuyển thơ, cùng Trân Sa và Vũ Quỳnh
Hương, 1996.
Văn Hóa Trì Trệ, Nhìn Từ Hà Nội Đầu Thế Kỷ 21, ký, 2001
Tiếng Dỗi Hờn
Của Thân Xác, chuyện vừa, 2007
Bụi
Hồng
Bạn tôi có cái dáng lủi thủi của
một con gà con.
Nàng vừa nhỏ con lại vừa gầy,
chân dài, hai vai chùn và thường hay ho suyễn. Trên vóc dáng nhỏ bé ấy nổi bật
nhất là đôi bàn tay búp măng. Ngược lại với cái vẻ mảnh khảnh của một thân hình
học trò, hai bàn tay của nàng mát da mát thịt, cổ tay tròn lẵn vun những ngón
dài trau chuốt và nuôi lưng bàn tay thon mịn màng, bàn tay của một người nhàn
nhã. Một bà tướng số đã cầm bàn tay lên, lật qua lật lại rồi bảo: “Bàn tay thế
này ngày sau sẽ sướng”.
Vào những ngày trường tổ chức
hội chợ, lớp chúng tôi thường tổ chức “Bàn tay ngọc”, nàng là người được đề cử
và bàn tay của nàng vẫn thường đắt giá nhất. Những lúc ấy nàng tô một lớp sơn đỏ
óng lên mấy đầu ngón tay, rồi đưa ra trước một rèm của sổ nhỏ. Bao khách hàng
ngấp nghe ù thảy những chiếc vòng nhựa nhẹ và đủ màu vào cổ tay xinh xắn ấy.
Nàng thật thà, từ tốn và cả thẹn
nên chúng tôi thường gọi nàng là Nguyễn thị Hồng B con, để phân biệt với Nguyễn
thị Hồng A, tên của tôi.
Đấy là những chuyện của 6 năm
về trước, những ngày chúng tôi còn ở Sài-Gòn, còn học chung một trường nữ trung
học. Tôi và Hồng thân thiết hơn tất cả. Chúng tôi thường đi học, đi chơi và đi
bất cứ nơi nào cũng đi cùng nhau. Hồng nhỏ con hiền lành đi cạnh tôi to con hăm
hở. Bạn bè thường đùa bảo cái dáng gà tồ dậy thì sớm của tôi đã che hết mấy tia
nhìn của bọn con trai theo tán tỉnh. Và vì vậy mãi cho đến ngày tôi rời Sài gòn
Hồng vẫn chưa có một người bạn trai, chưa hề biết chuyện yêu đương hạnh phúc của
thời mới lớn.
Hồng vừa trốn khỏi Việt Nam.
Nàng đến đảo Pulao Bidong sáu tháng thì được đưa đi định cư ở Hoa-Kỳ. May
mắn thay Hồng được về gần Santa Cruz, thành phố nơi tôi đang sống.
Tôi mừng khi gặp lại Hồng nên
hỏi thăm ríu rít về bạn bè, những người quen biết, phố xá và kỹ niệm cũ. Hồng
cũng vui khi gặp lại tôi. Nàng đen và già giặn hơn. Hồng cho biết kể từ sau
ngày “Giải phóng”, nàng bị ghép vào thành phần con của ngụy quân ngụy quyền và
bị đày đi vùng “kinh tế mới”, một miền núi quê hẻo lánh ở Lâm Đồng. Cả gia đình
nàng, Mẹ và mấy amh chị em quây quần với nhau và làm rẫy ở đấy. Cho nên Hồng
không còn được cắp sách đến trường, không còn được ở Sài-Gòn và dĩ nhiên không
còn gặp lại bạn bè cũ. Có lắm kẻ quen biết ngày trước, năm sáu năm nay Hồng
không gặp lại cho dẫu họ và nàng cùng sống trên một đất nước.
Sau những ngày hàn huyên cho bỏ ngày tháng xa cách, chúng tôi bắt đầu nói về cách lập lại đời sống mới của nàng. Hồng tâm sự năm năm trời ròng rã bị ép buộc vào một hoàn cảnh độc nhất, làm rẫy, nàng không có sự lựa chọn trong đời sống ấy. Đúng hơn là Hồng đã không có tư cách gì để chọn lựa.
Sáng nay nàng nhờ tôi chở nàng
đến sở xã hội để xin trợ cấp. Tôi nói:
- Ê nhỏ, cần gì xin trợ cấp.
Tiếng Anh mi khá vậy để ta giới thiệu mi đi dạy kèm.
- Thôi. Tao mà khá với ai. Hồng
vừa nói vừa ho lúc khúc.
- Chỗ ta dạy họ đang cần một
người kèm toán. Ta sẽ giới thiệu với họ là ngày xưa mi cừ toán nhất lớp.
- Thiếu gì người khá hơn tao.
Hồng chớp chớp mắt và nhìn tôi.
- Nhưng mi khá thì được việc.
Mi có trường hợp của mi. Tôi nhún vai và trả lời bạn.
Hồng cài hai tay ra sau gáy và
nói:
- Nhưng mà mấy người tỵ nạn ai
cũng nhận trợ cấp. Họ đã đâu đi làm ngay.
Tôi nói:
- Họ có trường hợp của họ.
- Họ cũng tỵ nạn như tao.
- Như vậy rồi sao?
Hồng bỗng bật cơn ho rũ rượi.
Nàng đưa tay vuốt ngực và nói:
- Thôi tao cũng tỵ nạn như họ.
Ai sao mình vậy.
Rồi Hồng tiếp:
- Vả lại đây là trợ cấp của
nhà nước. Thứ trợ cấp an toàn nhất.
Tôi tiu nghỉu vì câu nói của bạn.
Tôi đã nghe nhiều trường hợp những người nhận trợ cấp vì không nghề nghiệp, vì
thiếu khả năng, vì hoàn cảnh côi cút và vì lười biếng. Nhưng tôi chưa nghe trường
hợp ai xin trợ cấp vì nhu cầu an toàn, vì ước muốn được giống như những kẻ đồng
loại. Có lẽ Hồng sớm hiểu thế nào là sự không được bảo vệ của chính quyền hơn
tôi?
Tôi chở Hồng đến một văn phòng
xã hội địa phương. Buổi hẹn khoảng mười một giờ. Nhưng Hồng đã dục tôi đi từ
sáng sớm:
- Nhanh đến nơi lỡ phải sắp
hàng nửa ngày như ở cái xứ “sắp hàng cả ngày” ấy sao.
Đấy là nét thay đổi rõ rệt tôi
bắt gặp ở Hồng sau gần 6 năm xa cách. Hồng hay thúc dục và nôn nóng. Nàng không
còn từ tốn. Điệu bộ ra chiều vội vã, thấp thỏm hơn xưa.
Tôi nhìn sang “bàn tay ngọc” của
Hồng. Bàn tay đã trầy trụa và không còn láng lẫy, trên lưng bàn tay làn da đã
khô buồn, những sợi gân tím đã hiện lên mấp mô.
Hồng được dẫn vào gặp một nhân
viên xã hội. Người đàn ông ngồi sau bàn giấy gốc Mỹ trắng, tuổi trạc tứ tuần,
có mái tóc hoe đỏ, có chiếc miệng hở trệ xuống với chiếc cằm gắn liền cổ làm gần
thành một đường thẳng. Ông ta chăm chú đọc những xấp giấy trước mặt. Trên mặt
bàn có miếng nhựa đen khắc hàng chữ: Thomas Longman M.S.W. Hồng chỉ tấm bảng
tên và nói với tôi:
- Thằng chả không phải là công
an chứ? Mấy chữ sau tên của thằng chả là gì vậy?
Tôi bật cười:
- Là cái bằng cao học cán sự
xã hội của ông ta đấy. Đây đâu phải là ty công an nhân dân.
Hồng chùn vai:
- Biết đâu!
Người đàn ông đưa cho Hồng một
xấp hồ sơ để điền. Tôi đứng lẩm nhẩm: “Thằng chả", Hồng mà cũng có thể gọi một
người gần đáng tuổi bố nàng là “Thằng chả” được sao? Trước đây Hồng vẫn được
các thầy cô yêu mến vì tính tình ngoan ngoãn lễ phép. Hồng điền mấy mẫu hồ sơ
loáng thoáng, xong đưa cho tôi nhờ xem lại. Nàng nhờ địa chỉ tôi để khai báo.
Quái! Ngày sanh của Hồng đã đổi, tên bố nàng cũng thay, tôi buột miệng hỏi:
- Bố nhỏ có những hai tên à?
Hồng nói thúc thủ:
- Tao phải khai trá như vậy mới
lọt được tụi công an lúc chạy vượt biên. Mày cũng biết cái tên Trung Tá NĐV của bố tao có khá nhiều người biết đến dưới chế độ cũ.
Tôi ngạc nhiên nhìn xuống phần
ghi danh tình trạng gia cảnh nàng. Lạ! Không phải Hồng đã lập gia đình với Diễn
và cái thai trong bụng nàng là con của 2 người sao? Hồng đọc được điều thắc
mắc trên nét mặt tôi. Nàng nói:
- Diễn là chồng tao thiệt. Mà
thôi, khai thiệt làm gì từ từ rồi tính.
Tôi nói:
- Chồng mình mà cũng không dám
khai. Thế là thế nào?
Hồng nói:
- Tao nghe người ta nói khai
riêng lợi hơn. Vả lại để từ từ rồi xem. Đấy cũng vì khai chung mà tao với Diễn
bị vào ty công an Rạch giá nằm mất 3 tháng.
- Tại sao?
-Tụi công an phường bắt Diễn vì không có giấy tờ đi đường. Đến khi tao mang giấy tờ lên cho thì bị bắt luôn
vì tội bị nghi ngờ là có ý định vượt biên.
Tôi tung xòe hai tay và nói:
- Nhưng đây đâu phải là Rạch
giá, chỗ vượt biên.
Hồng thở ra. Hơi thở khàn khàn
đục tiếng trả lời:
- Ố! Nhà nước nào cũng như nhà
nước nào. Đi đâu cũng thấy cả xấp giấy tờ kiểm soát đăng ký và khai báo. Kể từ
ngày giải phóng tao học được một điều là đối với nhà nước mình nên có một thứ
lý lịch để trả lời họ. Thứ lý lịch mà họ muốn họ mới để mình yên được.
Tôi phân vân nhìn bạn. Có lẽ
vì chưa phải trải qua những kinh nghiệm như nàng, nên tôi chưa bao giờ nghĩ đến
những điều Hồng nói. Nhưng còn cái giọng nói vững chắc không ngượng ngập của
nàng? Còn cái khuôn mặt lạnh lùng lầm lì đây? Năm năm đã thay đổi lớp vỏ trên
người bạn tôi? Lớp vỏ cả thẹn đã thay. Lớp biểu bì nhàn nhã đã trút, Hồng đã
khoác lên mình một lớp áo giáp mới. Lớp áo mọc ra từ những đe dọa, những đày ải,
những lao động khốn khổ của năm năm vùng kinh tế mới, từ những bất an của một kẻ
bị tước đoạt và bốc lột những lớp sinh bì khác. Người bạn gà con của tôi nay đã
trở thành một thứ gà mái chiến?!
Người nhân viên xã hội đề nghị
Hồng về nhà điền bổ túc. Hồng nhìn tôi nhún vai, ôm tập hồ sơ bước ra.
Lên xe Hồng nhờ tôi chở đến một
trường huấn nghệ để ghi danh. Tôi lái xe ra xa lộ. Đoạn đường 17 thấp thoáng những
gốc thông già quăn queo. Trời sắp vào Đông, bầu trời ám đầy một màu xám buồn
bã. Con đường khô cứng dưới lớp trời chì và dòng xe cộ hàng hàng lớp lớp. Những
năm không gặp Hồng, tôi vẫn nhớ nhiều về niềm yêu mến cảnh vật một cách đặc biệt
của Hồng. Hồng thường trầm tư cảnh vật và mê đắm thiên nhiên. Hồng đã chỉ cho
tôi một hoàng hôn đẹp, một lối đi thơ mộng, một vòm trời rợp lá êm đềm hay một
vạt nắng xuân mơn mởn ngay trong Sài-gòn, thành phố ngộp ngạt và tù túng bởi sức
ép của người ngợm, xe cộ và chiến tranh. Những cuộc đi chơi với Hồng vì thế bao
giờ cũng để lại nhiều kỷ niệm. Nhìn những gốc thông già xơ xác hai bên đường
tôi nhắc về Đà- Lạt thành phố trùng trùng những đồi thông xanh biếc bốn mùa.
Tôi nói:
- Nhỏ nhớ những ngày tụi mình ở
Đà Lạt không?
- Nhớ chứ. Mùa hè tụi mình đỗ
tú tài hai, Hồng nói.
Tôi trầm ngâm:
- Vừa nghe tin đậu là ta và nhỏ
dzọt đi Đà lạt ngay.
- Ừ.
- Nhỏ nhớ không?
- Nhớ cái gì?
- Nhớ lần đầu tiên thấy cây
thông Đà lạt nhỏ nhất định đòi xuống ngửi mùi thơm của lá.
- Ừ, mấy cây thông trên đồi Cù.
- Nhỏ nhớ không?
- Nhớ cái gì?
Mấy gốc thông tụi mình ươm sau
nhà cậu Hán.
- Ừ, bốn cây Xuân, Hạ, Thu ,
Đông.
- Ta tự hỏi những cây thông ấy
nay đã cao có là chỗ trú ngụ ấm cúng cho bay chim sẻ như lời nguyện cầu của ta
khi hạ thổ.
Hồng nhìn ra hai bên đường và
im lặng. Một lát sau Hồng nói hờ hững:
- Cái ngữ thông ấy khói như quỷ,
phơi mấy thì phơi nó cứ i ỉ. Chụm củi thông chỉ tổ đen hai cái lỗ mũi, mù cay
hai con mắt.
Hồng kể cho tôi nghe những
ngày nàng lên rừng chặt thông đốn củi, xếp lại từng bó kéo về chụm bếp. “Nhiều
hôm nắng và gió đổ xuống muốn bong da lở thịt, vậy đó mà tao với thằng cu Tý phải
đi bẻ củi vì đó là việc nhẹ nhất. Mấy ông anh và bà chị tao thì bận cầy xới đất
để bắt đầu những vụ khoai. Đến mùa lạnh thì lại khổ hơn vì hai bàn tay cứ tê
đi”. Hồng chỉ cho tôi một vết cắt đầu ngón trỏ. “Lúc đó tao chỉ ước có một cái
bao tay. Có bao tay vừa ấm mà cây cỏ cũng bớt quệt quạt mình, chân tay đỡ trầy
trụa chẩy máu”.
Tôi lái xe rời khỏi xa lộ, nhắm
hướng thành phố rẽ vào. Hồng kể tiếp, câu chuyện thỉnh thoảng bị cắt đứt bởi từng
cơn ho khúc khắc của nàng.
- Cũng vì vết cắt này mà tao gặp
anh Diễn. Hồng nói.
- Hôm ấy đi bỏ củi về bị dầm
đâm sâu vào ngón trỏ nên nó sưng vù lên. Chiều hôm ấy tao lại bị kêu đi làm
công tác thủy lợi. Lúc ấy Diễn vừa là công an vưà là trưởng toán công tác của
tao. Thằng chả để ý tao từ lâu. Nhưng thú thật với mày một người như tao, bố
thì bị bắt đi cải tạo, gia đình thì bị đày đi vùng kinh tế mới làm sao tao
không thù oán huống hồ chi là người phục vụ cho chế độï ấy. Đến khi ngón tay bị
sưng vù mất mấy ngày, tao phải xin thằng chả nghỉ. Thằng chả được dịp thi ân
cho tao nên càng theo tao ráo riết. Sau đấy Diễn đến nhà tao chơi thường xuyên
nên biết rõ về gia đình tao hơn. Cả nhà tao ai cũng sợ cái địa vị của Diễn lúc
bấy giờ. Đến khi hắn đi hỏi tao mẹ tao bảo: “Tùy con quyết định”. Bà ấy còn nói
thêm: “Con cũng biết ở đây chỉ có Diễn biết rõ về lý lịch nhà ta, nó lại là
công an nhân dân cầm quyền trong tay. Hơn nữa con lại bị chứng suyễn hành hạ
hoài, tìm được người có chút bảo đảm như Diễn thì cũng đỡ tấm thân”. Khi tao lấy
Diễn tao nhớ là vì sợ chứ không phải vì yêu. Rồi cũng là chồng. Rồi cũng thành
người trong nhà. Mãi rồi cũng quen. Sống ở cái chốn ấy riết người ta có một câu
để chào nhau. “Mãi rồi cũng quen”.
Tôi tò mò hỏi Hồng:
- Thế làm sao nhỏ thuyết phục
Diễn vượt biên được?
- Hồng nói:
- Ối, ở dưới chế độ ấy, “Cột
đèn mà biết đi thì nó cũng đi vượt biên”.
Giọng Hồng lúc khúc và nhẫn nhục
thỉnh thoảng bị chìm đi giữa tiếng xe cộ đông đảo của đường phố. Tôi ngồi im
nghe tiếng Hồng lao xao mà không biết phải nói điều gì với nàng. Hồng trải qua
nhiều hoàn cảnh mà tôi không hề được biết đến.
Chúng tôi đưa nhau đến một văn
phòng của một trường dạy điện tử. Lần này người tiếp viên đưa cho Hồng hai mẫu
đơn và bảo điền tại chỗ. Khi người đà bà thâu đơn xem hồ sơ và bảo xuất trình
thẻ căn cước, Hồng nói:
- Tôi không có thẻ căn cước.
Người đàn bà cười:
- Cô nói đùa. Người nào mà lại
không có thẻ căn cước.
- Tôi chỉ có một chứng thư
I-94. Hồng đáp.
- Bất cứ thứ gì. Người đàn bà
nói.
Hồng vừa lúi húi mở chiếc xách
tay vừa lẩm nhẩm bằng tiếng mẹ với tôi:
- Thẻ căn cước thì phải có
hình chứ. Miếng giấy lộn này có hình ảnh gì đâu!
Hồng lôi ra từ chiếc xách tay
một quyển sổ được ràng bởi một sợi dây thun. Trong quyển sổ tay ấy một mảnh giấy
nhỏ, ngang dọc non già khoảng nữa gang tay được ép chính giữa. Mảnh giấy mỏng
manh thường vẫn được tôi xếp làm tư, để lẫn lộn với những giấy tờ khác. Trong
quyển sổ tay của bạn tôi, mảnh giấy ấy được bọc nhựa cứng phẳng phiu một cách
chu đáo và được cất kỹ dưới mấy ràng giấy bọc.
Người tiếp nhân viên nhìn soi
mói vào tấm thẻ bọc nhựa và hỏi:
- Đây có phải là bản chính
không?
- Vâng, nó là bản chính. Hồng
đáp.
Lê Thị Huệ
Nguyễn Thị Hải Hà viết:
Trả lờiXóaKhi nhà văn Mai Thảo chọn đăng truyện ngắn Một Cuộc Nghỉ Hè ông đã đề nghị cắt bỏ vài chỗ. “Truyện ngắn thuật một chuyến đi nghỉ mát tại Đà Nẵng[19] mùa hè trong đó có tả việc ái ân của một người đàn ông và một người đàn bà. Đoạn tả đó rất dữ dội… Tôi đã mất công viết thư xin phép để tác giả cho cắt bỏ 3 câu trong đoản thiên của bà và mặc dù chúng tôi cũng công nhận là truyện hay, bởi vì độc giả của chúng tôi còn có trẻ con trong các gia đình Việt… nếu cứ để nguyên e không tốt.”[20] Nhà văn Lê thị Huệ phản đối mạnh mẽ và truyện được giữ y nguyên bản chính. Tôi đọc đi đọc lại truyện ngắn này và không tìm thấy chỗ nào “tả việc ái ân của một người đàn ông và một người đàn bà” và tôi cũng không tìm thấy “đoạn tả đó rất dữ dội” đến độ cần phải cắt bỏ để thích hợp với người đọc còn quá trẻ. Trong toàn truyện ngắn chỉ có hai câu: “Bảo nắm lấy bàn tay Hiền đang thu dưới vạt áo dài.” và “Anh Bảo. Nếu anh đã đừng quá cuồng bạo khi hôn em, ôm em.” là nói lên thái độ chủ động của Bảo trong việc chinh phục Hiền, nhân vật nữ trong truyện. Nắm lấy bàn tay giấu dưới vạt áo là một hành động bạo gan đối với một thiếu nữ mười bảy tuổi, nhưng không thể nói là một hành động xâm phạm người thiếu nữ, ngoại trừ khi nhân vật Bảo đụng chạm vào những vùng da thịt khác mà tác giả không viết ra (để người đọc ngầm hiều). Câu cuối cùng, the punch line, cho độc giả biết là Bảo đã ôm và hôn người thiếu nữ một cách cuồng bạo. Nếu cắt câu này thì giết linh hồn của truyện.
Trong truyện này, tác giả Lê thị Huệ đã vẽ ra một biên giới về cách bày tỏ tình cảm của hai nhân vật. Với Hiền, ôm và hôn một cách cuồng bạo, là hành động xâm phạm. Với Bảo, người đàn ông phải chủ động trong vai trò chinh phục, muốn hôn thì phải ôm. Cái hôn say đắm của người này có thể bị người kia cho là cuồng bạo. Lê Thị Huệ viết truyện ngắn này vào đầu thập niên tám mươi với bối cảnh Đà Nẵng đầu thập niên bảy mươi. Hai nhân vật Bảo và Hiền sống trong nền văn hóa phụ hệ; và tôi, một độc giả, tự hỏi tác giả có lồng ý thức nữ quyền vào nhân vật của mình hay không? Tại sao nhà văn Mai Thảo nhìn thấy đoạn tả rất dữ dội mà tôi không nhìn thấy? Nhân vật Hiền luôn ở thế thụ động. “Hiền thấy nàng nên từ chối để đi mua sắm. Nhưng nàng đã không làm điều ấy. Ngay cả một lời giã biệt sắp sẵn trong đầu, khi gặp người đàn ông, nàng cũng không nói.” Hiền dấu bàn tay dưới vạt áo dài. “Hiền nghe những cảm giác của thân thể chạy suốt người. Hiền để nắm tay nằm yên lặng trong bàn tay xương xẩu của Bảo. Cùng lúc, nàng muốn chàng thả tay nàng ra. Nàng muốn chàng tránh xúc phạm đến niềm mong đợi của nàng.” Rất có thể tác giả muốn miêu tả sự kháng cự của Hiền đối với thái độ kẻ cả của Bảo; nhưng tôi (ở cương vị độc giả) chỉ nhìn thấy Hiền có nét ngoan hiền của cô gái Việt Nam mười bảy tuổi, muốn được nâng niu, bày tỏ thái độ không chấp nhận cái hôn cuồng bạo của Bảo bằng những giọt nước mắt. Tôi “diễn dịch,” khi nhà văn cấu tạo nhân vật Hiền, cử chỉ ngoan hiền (dù trong tâm lý có phần nào phản kháng), thái độ thụ động, bày tỏ sự bất đồng thuận bằng nước mắt, đúng với khuôn mẫu cô gái nhà lành Việt Nam đó là do ảnh hưởng văn hóa phụ hệ từ vô thức. Có lẽ nhà văn Mai Thảo nhìn thấy thái độ nổi loạn ngầm của cô thiếu nữ, dám chống đối một cách tỏ tình rất “alpha male,” nên ông bảo đó là cuộc ái ân dữ dội? (Ông qua đời rồi nên chẳng còn có thể trả lời câu hỏi của tôi). Và tôi, một độc giả sống lâu năm ở Hoa Kỳ, tuy được tiếp cận tư tưởng nữ quyền, có quan sát sự sáng tạo của Lê thị Huệ bằng cái thành kiến về văn hóa phụ hệ (cái văn hóa mà tôi đã được nuôi dưỡng trong đó khi còn ở Việt Nam) hay không? Đó là những câu tự hỏi tôi chưa hoàn toàn có những câu trả lời xác định nhưng là cơ hội dành cho những bước tìm hiểu khác trong tương lai.