Thứ Năm, 12 tháng 9, 2019

Sự dai dẳng của ký ức (The Persistence of Memory)


Sự dai dẳng của ký ức (The Persistence of Memory) là tác phẩm tranh sơn dầu tiêu biểu của họa sĩ người Tây Ban Nha, Salvador Dalí. Bức tranh được Dalí sáng tác năm 1931 và được trưng bày lần đầu tiên trong phòng triển lãm của Julien Levy năm 1932; đến năm 1934, tranh được đưa vào bộ sưu tập của Bảo tàng Nghệ thuật Hiện đại (MoMA) tại thành phố New York.

Tác phẩm thuộc trường phái siêu thực khắc họa hình ảnh của những chiếc đồng hồ quả quýt đang tan chảy, thể hiện quan điểm của Dalí về sự "mềm mại" và "cứng rắn", những yếu tố mà nhà họa sĩ đương thời bận tâm. Sử gia nghệ thuật Dawn Adès viết, "những chiếc đồng hồ là biểu trưng không rõ ràng về thuyết tương đối không gian - thời gian, là quan điểm siêu thực về sự sụp đổ các khái niệm trong một trật tự vũ trụ cố định". Adès cho rằng Dalí đang quan sát thế giới bằng việc thấm nhuần thuyết tương đối hẹp của Albert Einstein. Tuy nhiên, khi giải đáp thắc mắc trong một buổi trao đổi với nhà hóa học Ilya Prigogine, Dalí cho biết chúng không phải lấy cảm hứng từ thuyết tương đối, mà chỉ là từ những nhận biết thực tế khi ông quan sát một miếng pho mát Camembert tan chảy dưới ánh nắng.

Công trình nghệ thuật tái hiện bức tranh ở Thượng Hải

Phong cảnh

Dãy núi ở xa bên phải tượng trưng cho bán đảo Cap de Creus phía đông bắc Catalunya, một yếu tố dễ bắt gặp trong tranh của Dalí khi ông thường mang những nét quê hương vào các tác phẩm của mình. Bóng tối bao trùm lên nền tranh cũng chính là bóng của đỉnh Mount Pani nơi ông sinh sống.

----------------------------------

Dalí đã lấy ý tưởng đồng hồ mềm từ đâu ra?
Nguyễn Đình Đăng

Nguồn

Danh hoạ siêu thực Salvador Dalí đã vẽ bức tranh “Sự dai dẳng của ký ức” (The persistence of memory) năm 27 tuổi (1931). Bức tranh khổ chỉ khoảng cỡ tờ giấy A4 này đã trở thành một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của Dalí nói riêng và hội hoạ siêu thực nói chung nhờ hình tượng độc đáo của những chiếc đồng hồ mềm, chảy xuống từ phiến đá và vắt trên cành cây. Vậy ý tưởng này từ đâu mà ra?

Salvador Dalí
Sự dai dẳng cuả ký ức (1931)
sơn dầu, 24 x 33 cm
1) Diễn giải của chính Dalí
Trong tiểu sử tự thuật “Cuộc đời bí mật của Salvador Dalí” (The secret life of Salvador Dalí), Dalí kể:
[Một buổi tối bỗng dưng tôi thấy mệt và hơi nhức đầu, một điều rất hiếm khi xảy ra với tôi. Chúng tôi đã định đi xem phim với mấy người bạn, song đến phút cuối tôi quyết định không đi nữa. Gala sẽ đi xem với họ, còn tôi ở nhà và đi ngủ sớm. Chúng tôi kết thúc bữa tối bằng pho-mát Camembert nặng mùi, và sau khi mọi người đã đi khỏi, tôi ngồi lại một mình bên bàn ăn và suy nghĩ mông lung về các vấn đề triết học của “siêu mềm” do pho-mát gợi lên trong đầu. Tôi đứng lên và đi vào xưởng vẽ, bật đèn để nhìn lần cuối, như thường lệ, vào bức tranh tôi đang vẽ dở. Bức tranh đó mô tả một phong cảnh gần Port Lligat với những tảng đá được chiếu sáng bởi ánh hoàng hôn trong vắt và buồn bã; phía trước có một cây olive cành bị cắt cụt và trụi hết lá. Tôi biết rằng bầu khí quyển mà tôi đã tạo ra thành công trong bức phong cảnh đó là nhằm tạo ra một bối cảnh cho một ý tưởng nào đó, cho một hình tượng gây ngạc nhiên, nhưng tôi chẳng mảy may biết nó sẽ như thế nào. Tôi đã sửa soạn tắt đèn, thì bỗng nhiên tôi ‘nhìn thấy’ lời giải. Tôi nhìn thấy hai chiếc đồng hồ mềm, một chiếc nằm vắt một cách đau thương trên cành olive. Bất chấp cơn nhức đầu tăng lên đến mức đau như búa bổ, tôi hăm hở bóp màu ra palette và bắt tay vào vẽ. Khi Gala xem phim trở về hai giờ sau đó, tôi đã hoàn thành bức tranh, mà sau này sẽ trở thành một trong những tác phẩm nổi tiếng nhất của tôi. Tôi bảo Gala nhắm mắt lại tới ngồi trước bức tranh của tôi: ‘”Một, hai, ba, mở mắt!” Tôi nhìn chằm chằm vào mặt Gala và tôi thấy sự kinh ngạc lộ rõ trên mặt nàng. Điều đó đã thuyết phục tôi về hiệu quả do hình tượng mới này gây ra, bởi Gala không bao giờ sai khi phán xét tính xác thực của một điều bí ẩn. Tôi hỏi nàng:
 Em có nghĩ sau ba năm em sẽ quên hình ảnh này không?
– Không ai có thể quên khi đã một lần nhìn thấy nó.
– Ta đi ngủ thôi. Anh nhức đầu kinh khủng. Anh sẽ uống một ít aspirin. Em đã xem phim gì thế? Có hay không?
– Em không biết. Em không thể nhớ lại nữa.]
Dalí kể tiếp:
[Vài ngày sau một con chim từ Mỹ bay tới mua bức tranh “những chiếc đồng hồ mềm” của tôi mà tôi đã đặt cho tên thánh là “Sự dai dẳng của ký ức“. Con chim này có hai cánh đen xòe rộng như của các tiên thần trong tranh của El Greco, mà mắt ta không nhìn thấy, vận một bộ com-lê vải bông trắng, đội mũ panama rất dễ nhìn thấy. Đó là Julien Levy, người sau này sẽ làm nghệ thuật của tôi trở nên nổi tiếng tại Hoa Kỳ. Chàng công nhận với tôi rằng chàng thấy tác phẩm mới của tôi rất khác thường, nhưng chàng mua nó chỉ để tuyên truyền, và để treo trong nhà mình, bởi chàng cho rằng nó ‘phi công chúng’ và không thể bán lại được. Vậy mà sau đó nó đã được bán đi bán lại cho đến cuối cùng được treo tại Bảo tàng Mỹ thuật Hiện đại, và không nghi ngờ gì nữa, nó là bức tranh thành công trọn vẹn nhất trong công chúng. Tôi thấy nó được các hoạ sĩ nghiệp dư tỉnh lẻ sao chép lại từ ảnh chụp đen trắng vài lần, và vì thế họ đã tô cho nó những màu sắc đồng bóng nhất. Nó cũng được bày trong các tủ kính của các hiệu bán rau và cửa hàng bán đồ nội thất để gây chú ý.]
Nhưng liệu có thật pho-mat camembert đã gợi ý cho Dalí vẽ đồng hồ mềm?

2) Diễn giải của Marcel Jean – hoạ sĩ siêu thực đương thời với Dalí
Theo hoạ sĩ siêu thực Pháp Marcel Jean (1900 – 1993), ý tưởng bức tranh của Dalí không xuất phát từ đống pho-mát chảy, mà từ nghĩa kép của từ “đồng hồ“. Trong tiếng Pháp từ montre (đồng hồ) là một từ tượng hình có nghĩa kép: vừa là mệnh lệnh cách của động từ montrer (chỉ, cho xem) vừa là tên của thiết bị để chỉ, cho xem (montrant) thời gian. Trẻ con bị ốm đi bác sĩ khám bệnh thường được bác sĩ bảo thè lưỡi ra cho xem (montrer sa langue), mà lưỡi thì mềm. Còn đứa trẻ thì “la montre molle” tức “thè cho xem nó (cái lưỡi) mềm“. Nhưng “la montre molle” trong tiếng Pháp còn có nghĩa khác là “chiếc đồng hồ (la montre) mềm (molle)”. Một trải nghiệm như vậy rất dễ khắc sâu vào tâm lý đứa trẻ. Bản thân cái tên của bức tranh cũng nhắc tới điều này, cái mà hoạ sĩ có khi cũng không ý thực được trước. Những chiếc đổng hồ trong bức tranh của Dalí giống những cái lưỡi hơn bất cứ thứ gì khác. Cách chơi chữ này không thể dịch được sang tiếng Tây Ban Nha, nhưng Dalí vẽ bức tranh này tại Paris và tiếng Pháp đã trở thành ngôn ngữ thứ hai của ông. Nếu Dalí nói ra lời giải thích thật sự thì có lẽ sẽ hay hơn, nhưng ông đã che giấu nó dưới biểu tượng pho-mát camembert. Hình tượng chiếc đồng hồ mềm không chỉ là hình tượng kép mà còn khá đa nghĩa. Bản thân cái lưỡi là biểu tượng của dương vật mềm ỉu. Dalí luôn bị ám ảnh bởi bệnh liệt dương. Đó là lý do vì sao ông vẽ nhiều nạng chống, và những hình thù mềm bị kéo dài ra hoặc thu ngắn lại. Trường hợp của Dalí là một minh hoạ tốt cho lý thuyết của Adler rằng mối lo âu về sự bất lực được ý tưởng về quyền lực làm cân bằng. Các bức tranh của Dalí thường có các hình người đầu phình to kỳ dị.

Marcel Jean
Cái tủ siêu thực (1941)
3) Phát hiện của Nguyễn Đình Đăng
Dalí khét tiếng chuyên vay mượn các hình tượng, bố cục, ý tưởng của tiền bối. Các hình ảnh kép, bay lơ lửng, v.v. đều không phải phát minh của Dalí mà đã hiện diện trong lịch sử hội hoạ châu Âu từ thời Phục Hưng, ví dụ các hình ảnh kép trong tranh của hoạ sĩ Ý t.k. XVI Giuseppe Arcimboldo (1526/27 – 1593),
Giuseppe Arcimboldo
Phong cảnh hình mặt người
Bạn có thấy hình mặt người có râu hướng lên trên không?
hay vỏ sò bay lơ lửng trong tranh của Caravaggio:

Caravaggio
Bữa tối tại Emmau (1606)
sơn dầu, 141 x 196.2 cm
Hoạ sĩ Hà Lan Hieronymus Bosch (1450 – 1516), một trong những tiền bối của hội hoạ siêu thực, cũng nằm trong số các bậc thầy Dalí từng vay mượn ý tưởng, bố cục. Năm 2007,  giáo sư Félix Fanès, một trong những học giả uyên bác nhất thế giới về Dalí, đã chỉ ra bức “Người xuất tinh vĩ đại” do Dalí vẽ năm 1929, hai năm trước bức “Sự dai dẳng của ký ức“, có bố cục được vay mượn gần như nguyên xi từ trích đoạn của bức bên trái trong bộ “Vườn của các khoái lạc” của Hieronymus Bosch [1].

Trái: Bức bên trái trong bộ tam bình “Vườn của các các khoái lạc” (1490-1510) của Hieronymus Bosch với chi tiết được đóng khung đỏ ở lề phải.
Phải: phần đóng khung đỏ bên trái trong tranh của Bosch (trên) và bức “Người xuất tinh vĩ đại” (được quay 90 độ) của Salvador Dalí (1929) (dưới)
Tuy nhiên GS Félix Fanès đã không nhận ra mối liên hệ giữa trích đoạn này với bức “Sự dai dẳng của ký ức“. Trong khi so sánh trích đoạn nói trên với phần bên trái bức tranh của Dalí, tôi thấy rõ ràng chiếc đồng hồ mềm, chảy xuống từ mặt phiến đá hình hộp trong tranh của Dalí được sinh ra từ sinh vật hình con bọ nhiều chân trên tảng đá trong tranh của Bosch. Các chấm và hai cái râu trên con bọ là một liên tưởng gần như trực tiếp tới cái mặt đồng hồ với các con số và hai cái kim trong tranh của Dalí. Còn chiếc đồng hồ quả quýt màu da cam với đàn kiến bò trên nắp ở góc trái bên dưới trong tranh cuả Dalí trông khá giống sinh vật có đốm trắng hình cái túi đang bò phía dưới con bọ trong tranh của Bosh. Dalí thậm chí có thể đã gợi ý hoặc đánh lạc hướng người xem về mối liên hệ này bằng cách vẽ một khuôn mặt nhìn nghiêng, nằm trên mặt đất ở phần dưới giữa bức tranh, giống hệt bức “Người xuất tinh vĩ đại” được vẽ trước đó 2 năm.
Tôi đã từng tìm hiểu về nguồn gốc đồng hồ mềm của Dalí nhưng đến hôm nay mới tự phát hiện ra điều này. Tôi chưa từng được thấy, đọc hay nghe nói về điều này từ bất cứ nguồn nào khác. Kiến thức về lịch sử hội hoạ quả đã đóng vai trò rất quan trọng trong sự nghiệp của một trong những danh hoạ vĩ đại nhất t.k. XX.
13.09.2014


Trích đoạn tác phẩm của Hieronymus Bosch (trái) và của Dalí (phải)

________________
[1] Félix Fanès, Salvador Dalí: The Construction of the Image 1925–1930 (Yale University Press, 2007) p. 74.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét