Thứ Năm, 16 tháng 2, 2023

Truyện trinh thám của Phạm Cao Củng


Nhà văn Phạm Cao Củng và cháu gái gọi ông bằng chú ruột,
dịch giả – nhà nghiên cứu Phạm Tú Châu



Truyện trinh thám của Phạm Cao Củng


Theo bài viết Cuộc kỳ ngộ giữa Phạm Cao Củng và Trình Tiểu Thanh – hai tác gia tiểu thuyết trinh thám nửa đầu thế kỷ XX của Phạm Tú Châu.


Tiểu thuyết trinh thám Việt Nam không kế thừa được gì ở văn học truyền thống. Cho tới trước thế kỷ XX, những thể loại cần giàu trí tưởng tượng như võ hiệp và giàu óc phán đoán như công án, chúng ta chưa có là bao. Tiểu thuyết võ hiệp không có đã đành, còn tiểu thuyết công án ngoài một vài ghi chép ngắn, chỉ có một truyện duy nhất là Điểu thám kì án (Vụ án do chim tra xét ra), một thể sơ khai của loại tiểu thyết công án bởi óc quan sát và trí xét đoán của con người chưa được truyện khẳng định, mặc dù trong thực tế, hẳn không ít vụ án đã được quan lại triều đình xét xử tra ra. Chính vì vậy mà nửa đầu thế kỷ XX, một loạt truyện về Bao Công đã được nhiều người dịch và in đi in lại nhiều lần ở nước ta như Long đồ công án (1906, 1927 do Nguyễn Ngọc Thơ dịch; 1916 do Nguyễn Chánh Sắt dịch), Bao Công kỳ án (1925, 1927, 1928, 1931 do Ngô Văn Triện dịch), Bao Công tra án Quách Hòe (tức Ly miêu hoán thái tử ký, 1936, 1941, người dịch khuyết danh)…

Thời gian này, truyện trinh thám của phương Tây cũng được bạn đọc nước ta tìm đọc, đọc qua nguyên bản tiếng Pháp, tiếng Anh (hoặc bản dịch lại bằng tiếng Pháp). Giữa những năm 20, Vũ Đình Long đã xuất bản Tiếng hú hồn mụ Ké, một truyện có tính chất trinh thám của Thế Lữ, sau đó Thế Lữ viết tiếp truyện trinh thám Gói thuốc lá và một vài truyện khác nữa. Đầu những năm 30, truyện trinh thám dịch có Ai giết quan tòa, Thần công lý, trong truyện có thám tử Duy Đức (Judex), nữ gián điệp Địch Ái Na (Diana), quan tòa Pháp Lộc (Favraux). Sau Thế Lữ, người viết truyện trinh thám, mà theo nhà phê bình Vũ Ngọc Phan, thành công hơn cả có một mình Phạm Cao Củng.


Sự hình thành của một dòng trinh thám mang tính cách Việt Nam


Nhà phê bình đã dựa trên bảy cuốn truyện trinh thám của Phạm Cao Củng là Vết tay trên trần (1936), Chiếc tất nhuộm bùn (1938), Người một mắt (1940), Kỳ Phát giết người (1941), Nhà sư thọt (1941), Đôi hoa tai của bà chúa (1942), Đám cưới Kỳ Phát (1942) để nêu lên nhận xét tổng quát: “Trong các tiểu thuyết trinh thám như của Thế Lữ, Bùi Huy Phồn (thường kí là B.H.P.) và Phạm Cao Củng, chỉ có tiểu thuyết của Phạm Cao Củng là có phần đặc sắc hơn”.

Danh sách trên đây còn thiếu mấy cuốn đã in từ hồi ấy như Cái kho tàng nhà họ Đặng (in lần đầu trên báo Loa), Ba viên ngọc bích (Nxb. Đông Dương, Chợ Lớn, 1938), Bóng người áo tím… và một số cuốn viết sau khi Nhà văn hiện đại đã ra đời (1942) như Một cái Tết rùng rợn của Kỳ Phát (1945), Người đàn bà không tên (1946), Vụ án mạng thứ sáu, Hai dòng máu.

Ngoài loại trinh thám suy luận trên đây, Phạm Cao Củng còn viết một loạt truyện trinh thám mạo hiểm, khi kí tên Phượng Trì như Bàn tay sáu ngón, khi kí tên thật như Hai người lên máy chém (1950), Người chó sói (1950), Chiếc gối đẫm máu (1951)… mà nhân vật trung tâm là Tám Huỳnh Kỳ.

Danh sách tuy có dài thêm song phần đặc sắc ở tiểu thuyết trinh thám của Phạm Cao Củng là ở phần truyện trinh thám suy luận và vẫn đúng như nhận định của nhà phê bình họ Vũ đã gói trọn:


Cái đặc biệt mà người ta thấy ở tiểu thuyết trinh thám của Phạm Cao Củng là những nhân vật và khung cảnh do ông sáng tạo đều có tính chất Việt Nam, hợp với trình độ người Việt Nam ta hiện thời, không như mấy nhà tiểu thuyết trinh thám khác đi nhặt những mẩu truyện li kì của Tây Phương và cố gò ép vào những khung cảnh lai Việt lai Pháp.

(Vũ Ngọc Phan, Nhà văn hiện đại)


(bìa truyện Kỳ Phát giết người,
Mai Lĩnh xuất bản năm 1941)

“Cái đặc biệt” này hình thành rõ nét ở Phạm Cao Củng khi ông mới nảy ra ý định viết truyện trinh thám hồi còn là học sinh trường Bách nghệ Hải Phòng năm 1933, mặc dùi ông biết viết truyện trinh thám Việt Nam không dễ dàng gì. Ông viết:

Sự thực, viết truyện trinh thám ở nước ta rất khó, vì dân ta vốn tính bình dị, ngay trong xã hội thực ít thấy xảy ra những vụ trộm hay những vụ án mạng khả dĩ có thể gọi là li kì, bí mật. Phần lớn dân ta chưa hề trông thấy chính mắt một khẩu súng lục bao giờ, hiểu biết rất ít về cơ khí và hóa học, lại rất hiếm ai có được một chiếc xe hơi riêng của mình. Vì thế cho nên những vai chính trong truyện trinh thám Việt Nam chẳng thể mỗi lúc giơ được khẩu súng lục ra mặt hay bắn nhau, không thể có được những nhà hầm có cơ quan bí mật hay là luôn luôn nhảy lên xe hơi theo dõi quân gian như ở trong nhiều truyện trinh thám Âu Tây.

Chính vì thế mà luôn luôn tôi chỉ ao ước viết được những truyện trinh thám mà việc rất có thể xảy ra được trong xã hội Việt Nam, mà vai chính – chàng Kỳ Phát, cần phải có những tính cách hoàn toàn Việt Nam.

(Phạm Cao Củng, Tam Lang…: Viết báo, Ngày mai xuất bản, H, 1944)

Đó chính là ước mong ấp ủ, là con đường dẫn tới thành công của biết bao thế hệ nhà văn từ cổ đại đến hiện đại, đương đại Việt Nam biết vay mượn có chọn lựa mọi thể loại văn học của nước ngoài rồi Việt Nam hóa một cách tài tình, sáng tạo cộng thêm với những phần sáng tạo riêng có, xây dựng nên nền văn học dân tộc ngày nay.


Bố cục truyện trinh thám Phạm Cao Củng


(Bìa truyện Kỳ Phát giết người
được tái bản năm 2018)

Một yếu tố đặc sắc nữa trong truyện trinh thám của Phạm Cao Củng là ông hết sức chú ý tới bố cục của truyện, từ mở đầu cho đến phần kết. Ông cho biết:

Trong khi đọc truyện, tôi tò mò để ý đến mọi phương pháp bố cục, dàn xếp của những ngòi bút viết trinh thám bậc thầy (…) Cuối cùng tôi đã tìm được một phương pháp nhất định khi bố cục viết một truyện trinh thám như sau này: khi tìm một cốt truyện trinh thám để viết, tác giả phải đi ngược lại độc giả, nghĩa là trước hết phải tìm một kết cấu câu chuyện, gói ghém ràng buộc lại rồi giấu phủ đi, sau đó tác giả theo một con đường ngoắt ngoéo đi tới chỗ khởi đầu câu chuyện và dọc đường phải cắm sẵn những cột mốc để đánh dấu lối đi; cuối cùng, con đường này phải xóa nhòa hẳn, không để cho người đọc nhận biết; các cột mốc kia vẫn để lộ thì lại cắm thêm nhiều cột mốc “giả hiệu”, cốt để cho người đọc bị rối loạn, khó nhận biết được cột mốc nào là cột chính dẫn đến kết quả, cột mốc nào là cột giả, làm cho người đọc xong phải lạc đường. Mọi việc sửa soạn xong xuôi, tác giả mới đi cùng độc giả xuôi lại (…), thỉnh thoảng lại khéo léo chỉ cho độc giả thấy vài cái mốc, cả thực lẫn giả ở dọc đường; như vậy thì trí óc độc giả phải luôn luôn làm việc, suy đoán thế này thế khác, để cuối cùng đi tới một đoạn kết không ngờ.

(Phạm Cao Củng, Tam Lang…: Viết báo, Ngày mai xuất bản, H, 1944)

Có thể nói cấu trúc trên đây được Phạm Cao Củng vận dụng ở cả hai loại trinh thám suy luận và trinh thám mạo hiểm, song thành công rõ rệt ở loại đầu và đó cũng là loại ông tâm đắc hơn, bỏ nhiều công sức sáng tác hơn vì một lẽ dễ hiểu: loại truyện này ông kí tên thật. Chính vì thế mà ngày nay, tuy đã có khoảng cách hơn nửa thế kỉ, những truyện tiêu biểu như Đôi hoa tai của bà Chúa, Người một mắt, Nhà sư thọt v.v… vẫn hưa mất đi tính hấp dẫn, lôi cuốn bạn đọc. Đây cũng là cấu trúc tương đối cố định của thể tiểu thuyết trinh thám, ngoài ra thể này còn cần một nhân vật chính là thám tử có óc suy luận khoa học hợp lôgích dựa trên tài năng đặc biệt sắc bén về mặt quan sát. Lối cấu trúc tương đối cố định này không hề làm cho truyện trinh thám của Phạm Cao Củng khô cứng bởi ở mỗi một truyện, tác giả lại dắt dẫn độc giả theo một “con đường ngoắt ngoéo” riêng, không trùng lặp.

Hồi ký Phạm Cao Củng

Để có được “một phương pháp nhất định khi bố cục viết một truyện trinh thám” như trên, Phạm Cao Củng đã phải tự mày mò học hỏi, tích lũy rất nhiều từ sách báo, từ tác phẩm của những tác gia tiểu thuyết bậc thầy như Edgar Poe, Conan Doyle, Gaston Leroux, Maurice Leblanc, Simenon. Ông viết:

“Tôi chú tâm học theo lối điều tra của ông Cò mật thám Maigret trong những tiểu thuyết luận lí của nhà văn Simenon. Ông Cò Maigret luôn luôn dịch chính mình trong vai thủ phạm vụ án để có thể suy đoán được tâm lí kẻ chủ mưu nghĩ gì trước khi cũng như sau khi hành động… Trong thời gian viết truyện trinh thám, muốn cho các cách gỡ đầu mối được đúng với kĩ thuật điều tra, tôi đã vào thư viện P. Pasquier Hà Nội tìm đọc những sách dạy về khoa điều tra, lấy dấu vết, hỏi khẩu cung v.v… Thường vào Sở liêm phóng để lấy tin tức, tôi làm quen được với mấy nhân viên người Pháp giữ phòng văn kiện nên được lục cho coi toàn bộ hồ sơ nhiều vụ án quan trọng, đặc biệt là án mạng hình sự cũng như chính trị, chẳng hạn như vụ ám sát mấy nhân vật Trung Hoa mấy năm về trước do đảng Thanh Y chủ mưu…”

(trích Hồi ký Phạm Cao Củng, tr.146)


Phạm Cao Củng có những ham thích và thành thạo nhiều nghề phụ trợ đắc lực cho việc viết truyện trinh thám của ông. Ngay từ nhỏ ông đã thích phiêu lưu mạo hiểm, thích làm những bài toán bí hiểm, thích trốn giám thị ra khỏi trường nội trú đi chơi khuya, học trường Bách nghệ vì mong được làm thợ máy tàu biển cho thỏa chí hải hồ. Nghề chính là viết văn, làm báo song ông còn kiêm thêm nghề chụp ảnh, quay phim, tổ chức đoàn kịch, hội họa, thôi miên, v.v.. Lại thêm, công việc gì ông thích làm là để tâm học hỏi và làm được liền, nghề gì có thể kiếm sống nuôi gia đình được là ông đều làm qua, mọi tầng lớp xã hội ông đều có thể giao thiệp, bởi vậy cốt truyện, nhân vật và tình tiết trong truyện trinh thám của ông mới phong phú, đa dạng đến vậy.

Những truyện trinh thám của Phạm Cao Củng được tái bản thời gian gần đây.

Ông không chịu ảnh hưởng riêng một bậc thầy nào về tiểu thuyết trinh thám mà rút tỉa lấy những cái hay của mỗi người rồi nhào trộn lại với nhau để dựng nên nhân vật chính Kỳ Phát. Ngoại hình cao gầy, tóc vuốt ngược, da ngăm đen, cằm tròn và ngắn, lưỡng quyền cao, mắt sáng quắc chẳng khác cặp mắt nhà thôi miên, trán rộng mà vuông, đôi lông mày to nhưng thưa, cặp môi mỏng…, tất cả chứng tỏ chàng thám tử này có tính cương quyết, mạnh bạo, thông minh ranh mãnh, lúc nào cũng ưa hoạt động. Về tính cách, Kỳ Phát lúc nghiêm thì thật nghiêm song lại thích vui cười, đùa cợt, hài hước, chàng ghét nhất thói ba hoa lắm lời, điệu bộ “rất kịch”; chàng ưa công bằng, “ác giả” thì “ác báo” nhưng lại có lòng nhân ái, sẵn lòng minh oan cho người lành, mở lối đi cho những ai phục thiện. Không khó khăn gì để nhận thấy chàng Kỳ Phát là sự nhào nặn từ “tên trộm kì khôi Arsène Lupin”, từ chính tác giả và phần lớn hơn là từ nhân vật mẫu Sherlock Holmes. Chẳng thế mà Phạm Cao Củng mượn lời nhân vật gọi Kỳ Phát là Sherlock Holmes nước Nam”.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét