Mai Hương và Lê Phong
Tiểu thuyết trinh thám Thế Lữ
XI
M.H: Mai Hương
Bảy giờ rưỡi tối, trời
mưa nặng hạt, gió lạnh thổi từng cơn vội vã trên nhưng vầng cây thưa thớt hai
bên đường Phố Huế, về phía quá chợ Hôm, vẻ tấp nập kém hẳn mọi khi, những chiếc
xe tay, giương mui, áo tơi, cánh gà che kín hấp tấp qua lại trên đường nhựa đen
nhoáng.
Một chiếc xe kiểu mới,
đến đỗ trước cổng nhà số 99. Từ trên xe một người Pháp thấp bé nhảy xuống vừa
càu nhàu vừa quăng tiền giả người phu xe.
- Sứ đồ (ông cho tôi một
hào, ông đi lâu quá).
Người Pháp trừng mắt,
toan sừng sộ, nhưng sau cũng móc túi lấy thêm tiền vất vào tay người phu xe rồi
quay vào cổng bấm chuông. Chưa thấy người nào ra, ông lại bấm nữa miệng lẩm bẩm
mấy câu tỏ vẻ nóng ruột, rồi một lát tự tiện bước vào. Đến cửa thì vừa gặp một
người thiếu niên ở trong nhà chạy ra.
Người Pháp hất hàm hỏi
một câu tiếng Pháp:
- Đây là nhà cô
"Ly- Chuya- Loan" phải không?
- Phải, ông hỏi có việc
gì?
- Việc cần.
Rồi không đợi mời, người
ấy bước vào trong phòng khách, không bỏ mũ, không bỏ áo đi mưa, đôi mắt sâu đưa
nhìn khắp phòng; mẩu thuốc lá ở miệng chạy từ mép bên này sang mép bên kia,
hình như sợ làm sém mất bộ râu rậm rì và hung hung đỏ.
- Cô Ly- Chuya- Loan...
Không có nhà?
Giọng nói ồm ồm, khê nằng
nặc, lại thêm vẻ ngạo mạn , sống sượng của người ấy, khiến người thiếu niên cau
này không đáp. Người Pháp lại hỏi, đôi mắt quằm quặm nhìn tận mặt người thiếu
niên:
- Kìa, tôi hỏi, sao anh
không trả lời tôi? Cô Ly- Chuya-Loan có nhà không?
- Có nhà, nhưng cô Loan
cũng như tôi không quen tiếp những người vô lễ. Ông là ai? Vào đây hỏi có việc
gì? Tôi tưởng sự đường đột của ông vừa rồi không phải cử chỉ của một người lịch
sự.
Vẻ nhã nhặn của người
thiếu niên dần dần đổi ra vẻ kiêu hãnh, và lời nói cũng dần dần thêm giọng ôn tồn.
Người Pháp chỉ mỉm cười, rồi vỗ vai người thiếu niên:
- Ông là người Việt Nam
khá đấy... Nhưng hơi nóng tính.Tôi tuy thiếu lịch sự, nhưng là người rất tử tế
với ông. Tôi chính là người đã được hân hạnh nói chuyện với ông lúc ba giờ chiều,
mà nếu ông bảo cho tôi biết rằng đứa đầy tớ tên là Hồng, tức Đan, hiện giờ
không có nhà thì ông biết tôi là ai. . .
Rồi người Pháp nói tiếp
luôn:
- Thằng Đan ông sai nó
đi đâu?
Người thiếu niên kinh
ngạc vô cùng, vì câu vừa rồi hỏi bằng tiếng Việt Nam, mà lại là thứ tiếng Việt
Nam rất sõi...
- Ồ! Thế ra ông là...
Người Pháp gật đầu:
- Vâng, tôi chính là Lê
Phong...
- Nhưng sao ông lại ăn
mặc thế này?
- Ăn mặc cũng chưa đủ.
Phải đổi dạng, đổi nét mặt, đổi cả tiếng nói nữa. Tôi cần phải làm thế dể cho
người ta không nhận được
- Ông đổi dạng khéo lắm.
Giá không nghe tiếng ông nói, thì tôi không thể nào biết được... Tiếng ông nói
cũng "Tây" đặc? Nhưng ông đến đây mà phải đổi dạng, hẳn có việc gì
quan trọng.
- Vâng, nhưng ta nói tiếng
Pháp tiện hơn.
Rồi đổi tiếng, Lê Phong
hỏi luôn:
- Thằng Đan, thằng đầy
tớ của ông không có nhà ư?
- Không. Tôi vừa sai nó
đi mua thêm mấy số báo hằng ngày.
- Phiền nhỉ?
- Sao lại phiền?
- Vì tôi không muốn cho
nó ra khỏi nhà này lúc nào. Nhưng thôi, không sao. Từ chiều có ai đến hỏi nó
không?
- Chỉ có một lần, một
người đứng chờ ngoài cổng, thấy nó ra chưa kịp hỏi câu nào đã đi ngay.
- Người thế nào?
- Một người ăn mặc thợ
thuyền...
- Quần áo xanh bạc, đội
mũ "cát- két”, đeo kính đen phảI không?
- Vâng. Lại có râu mép
nữa. Nhưng sao ông biết?
- Vì người ấy là tôi đấy.
Tôi định lại hỏi thêm nó mấy điều nữa, nhưng xem ra nó dè dặt. Và chừng như đã
sinh nghi. Cái mưu giả làm đồng đảng chỉ dùng được một lần thôi. Cũng vì thế,
tôi không muốn nó thấy tôi vào đây tối hôm nay.
Lê Phong bỗng ngừng lại,
nghe ngóng: bên ngoài có ngườI mở cổng đi vào sân trong.
- Có lẽ nó đã về. Ông gọi
ngay nó lên đây... Mà này, cô Loan đâu?
- Chị tôi ở trên gác.
- Được. Để lát nữa, tôi
sẽ nói chuyện với cô ấy, thằng Đan vào ông cứ coi tôi là người của sở mật thám.
Tên đầy tớ vào, Lê
Phong khoanh tay ngồi hút thuốc lá, lim dim mắt nhìn nó và hỏi người thiếu
niên:
- Ông chỉ sai nó đi mua
báo thôi chứ?
- Vâng.
- Nó đi có lâu không?
- Lâu, chừng nửa giờ.
- Vậy mà hiệu bán báo ở
gần đây, ở ngay phố này...
Lúc đó, tên đầy tớ đã đặt
mấy số báo xuống, nhìn Lê Phong trong hình dáng người Pháp một cách gớm sợ, rồi
toan quay đi.
Nhưng Lê Phong vội đưa
tay ra, lờ lợ giọng như một người Tây nói tiếng Nam trọ trẹ:
- Ê mày! Đứng lại!
Rồi ngồi thẳng dậy, anh
quắc mắt nhìn thẳng vào tên đầy tớ hỏi:
- Anh mua báo ở hiệu
nào?
Thì tên Đan luống cuống
thưa:
- Bẩm... ở hiệu... Nam
Minh...
- Công! Anh công mua ở
hiệu Nam Minh. Anh đi xa, đi xa nữa, mà anh đi bằng xe đạp, cái xe đạp ấy, anh
thuê ở một hiệu gần đây.
Tên Đan tái mặt đi, anh
vẫn trọ trẹ nói bằng cái giọng mũi mà anh bắt chước rất đúng:
- Anh đi bằng xe đạp,
lên bờ hồ, qua hàng Bè, qua hàng Bạc, rẽ đến phố Mã Mây, anh đến phố Mã Mây làm
gì, nói!
Vẻ sợ hãi càng rõ rệt
trên mặt tên đầy tớ. Nỏ không đáp và lấm lét nhìn chỗ khác để tránh đôi mắt của
Lê Phong. Lê Phong thì nắm lấy hai thành ghế, bộ điệu ghê gớm như một người sắp
túm lấy nó đánh, anh dẫm chân xuống, quát:
- Kìa? Sao mày không trả
lời? Mày đến Mã Mây làm gì? Mày đi đâu, đến đâu? Không nói. Mày không nói thì
tao nói mày vào một cái boát (boite) một tiệm hút thuốc phiện. PhảI rồI! Mày
vào đấy, báo tin cho những thằng ăn cướp, mà tên mày, tao biết, nghề mày, tao
biết, tao theo mày đấy. Ô! Voyon?
Thoắt một cái, tên đầy
tớ vòng chạy ra cửa nhưng liền ngã vấp xuống đất, một tay bị vặn ra sau gáy,
lưng bị đè dưới đầu gối Lê Phong.
- Im! Nằm im, mày giẫy
thì tao bẻ gãy tay tức khắc. Chạy thế nào được thoát, vì không có lúc nào tao
không dò xét từng cử chỉ của mày.
Rồi Lê Phong cúi xuống,
xách cổ lôi nốt nó lên và cười:
- Quá tay tý nữa thì cậu
Đan nhà tôi đã hóa ra thằng què.
- Thế nào? Đan vẫn chưa
nhận ra ư? Lê Phong đây mà...
Tên đầy tớ giật mình, bất
giác hỏi:
- Lê Phong?
- Chứ ai? Cái người đóng
đảng với mày lúc chiều ấy thôi... Khốn nạn! Đi ăn cướp mà ngu xuẩn đến thế. Vừa
rồi mày đến tiệm Mã Mây nói chuyện với tụi mày, mới biết là mắc mưu Lê Phong...
Nhưng biết khí muộn một chút, chỉ đáng khen mày còn có gan lại dám về đây. Thế
ra mày cũng là một tay cần cho bọn kia lắm nhỉ.
Thằng Đan để cho Lê
Phong trói lại, không nói không rằng, không có một cử chỉ nào tỏ ra muốn phản
kháng. Lê Phong trói xong quay lại bảo người thiếu niên:
- Tôi giao cho ông coi
tên này, ông phải cẩn thận đừng để nó trốn thoát, không cần hỏi han gì nó, vì
tôi đã biết cả. Bây giờ tôi cần nói chuyện với cô Tuyết Loan một lúc, nói chuyện
trên gác càng hay. Dưới này, ông không nên có cử chỉ gì khác lạ, nếu có khách,
ông tiếp rất chóng, nhưng rất bình tĩnh, làm như không xảy ra chuyện gì. Ông hiểu
không
- Tôi hiểu.
- Bây giờ ông lên nói
cho cô Tuyết Loan biết tôi muốn thưa chuyện. Nói cả việc cải trang của tôi cho
cô khỏi kinh ngạc.Trong lúc ấy thì tôi "gói ghém" tên này cho ông đỡ
lo.
Người thiếu niên mở cửa
sau lên gác rồi, Lê Phong mới lôi thằng nhỏ lại gần, dỗ:
- Một là mày rũ tù, hai
là mày không việc gì hết, tao sẽ nhận cho mày không có tội gì. Nhưng mày phải
nói, phải nói thực các điều mày biết nghe không? Mày sợ gì? Bây giờ mày không
nói thì rồi thế nào mày cũng phải nói, có người bắt mày nói, mà không được tử tế
như tao đâu?
Tên đầy tớ vẫn im.
- Tao biết mày chẳng
qua cũng chỉ a dua, thấy được nhiều tiền thì theo, chứ thực ra, mày cũng không
dám làm những việc ám muội ấy, phải không?
- Thế nào, nói đi. Tao
bắt được mày, thì tao cũng tha được mày, nói mau. Đan! Bọn chúng bây hiện có
bao nhiêu đứa?
Thấy nó vẫn chưa chịu
nói, Lê Phong phải cố nén giận:
- Mày dại lắm, bây giờ
thì còn mong gì nữa? Mày chỉ còn một cách để gỡ tội, mà cách ấy đã ở trong tay
tao... Đây tao cho mày vài phút, mày nghĩ ngay xem, quá hai phút, thì dù mày muốn
cũng không được, mày hối cũng không kịp nữa.
Ngừng một lúc rồi anh lại
giục:
- Thế nào. Đan? Nói đi,
hai phút rồi.
Đan nhìn anh bằng đôi mắt
tức giận, nhưng sợ hãi, Lê Phong phải hỏi han, ba lượt nữa nó mới chịu hé răng:
- Ong biết cả rồi, ông
đã theo tôi thì việc gì còn bắt tôi phải khai ra nữa...
- Tao không theo mày...
- Thế sao ông biết tôi
đi xe đạp đến Mã Mây.
- Tao không theo cũng
như tao theo. Vì tao trông mày tao cũng đủ đoán được, dấu quần mày có vết dầu
xe ở ống quần bên phải. Mày đi mua báo mà đi mất ba mươi phút... Còn nhiều dấu
hiệu khác nữa... Đấy mày xem, những điều tao chưa biết ngay, thì rồi thế nào
tao cũng biết được... Thế nào nào, nói đi...
Rồi Lê Phong nghĩ thầm:
"Mà quái, sao bây
giờ..."
Bỗng nhìn thang gác có
tiếng chạy rầm rầm. Lê Phong chưa hiểu chuyện gì thì cánh cửa trong bật mở ra,
người thiếu niên mặt biến hẳn sắc, chạy vội vào:
- Ông Lê Phong ! ông Lê
Phong!
- Gì? Sao?
- Chị Loan tôi...
- Cô Loan làm sao?
- Chị Loan tôi không có
trên gác.
- Cô Loan không có trên
gác?
- Vâng. Mà chị tôi
không có việc phải đi đâu hết... Mà nếu có đi đâu thì thế nào cũng phải cho tôi
biết chứ...
Rồi người thiếu niên
nói một câu kỳ dị khiến Lê Phong giật mình đến thót một cái.
- Có lẽ chị tôi bị
chúng bắt rồi?
Lê Phong liền đâm bổ
lên thang đưa mắt nhìn khắp các phòng vắng người, thì một mảnh giấy nhỏ vẫn
quen trông thấy nhiều lần làm anh nghiến răng lại, ni lên một tiếng căm tức:
- Mai Hương? Lại thủ đoạn
của Mai Hương rồi! Trời ơi! Mà nó vào lúc nào? Nó lên gác lúc nào? Nó làm thế
nào bắt được cô Tuyết Loan?
Rỗi anh giẫm chân xuống,
khẽ kêu lên một câu rất chua xót:
- Mà... không biết
chúng nó có khỏi hại cô Tuyết Loan ngay đêm nay không? Lê Phong ơi, nếu mày để
cho một mạng người nữa bị hại, thì mày là một đồ vứt đi. Lê Phong à...
Trên mảnh giấy mà anh
chắc có những lời làm cho anh thêm bực tức, thêm hổ thẹn, Lê Phong chỉ thấy có
hai chữ viết rất lớn: M.H.
- Ồ ! Nó còn dám ký tên
vào tội ác? Con nữ tặc táo tợn đến thế là cùng!
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét