Thứ Năm, 2 tháng 2, 2023

Nhà văn nữ trước 1975: Nguyễn Thị Hoàng

 


Nhà văn nữ trước 1975: Nguyễn Thị Hoàng

Tác giả Nguyễn Ngọc Chính

Nguồn bài đăng

Sau Nhã Ca và Túy Hồng, lại một nhà văn nữ nữa có xuất xứ từ vùng đất Thần Kinh: Nguyễn Thị Hoàng [1]. Người đọc có thể sẽ nhíu mày, “Lại Huế!!!”.

Tuy nhiên, xét cho cùng, họ là những nhà văn sinh trưởng tại Huế nhưng không sống ở Huế suốt đời. Họ đã xuôi Nam, về Sài Gòn và thành công trong việc tìm một chỗ đứng trên văn đàn. Cũng không sai khi nói họ “mất gốc” nhưng có lẽ bản chất “gái Huế đa tình” đã ăn sâu vào tiềm thức của họ. Và đó là một trong những lý do khiến họ thành công trong nghề viết.

Chất Huế (bao gồm ngôn ngữ và không gian) trong các tác phẩm của 3 nhà văn nữ này ngày càng giảm dần: từ đậm nét trong truyện của Nhã Ca như Cổng trường vôi tím, Giải khăn sô cho Huế… sang đến bàng bạc chút Huế trong Túy Hồng và hình như mất hẳn 'nét Huế' trong Nguyễn Thị Hoàng. Điều này cũng dễ hiểu. Những nhà văn nữ, một khi đã đạt được phần nào sự nổi tiếng, họ sẽ là nhà văn của cả nước chứ không còn là của một địa phương nào.

Điểm qua các tác phẩm của Nguyễn Thị Hoàng ta thấy “lý lịch” của các nhân vật thật phong phú và đa dạng. Nhân vật đó có thể là cô giáo trên Đà Lạt tạo nên Vòng tay học trò hoặc người nữ tu trong nhà thương với những nuối tiếc trần tục trong Cho những mùa xuân phai

Thậm chí trong số nhân vật đó còn có một cô gái liêu trai ám ảnh cuộc đời một tài tử điện ảnh trong Bóng lá hồn hoa tận bên Đài Loan hoặc một người phụ nữ Việt Nam nào đó (Nguyễn Thị Hoàng?) có liên quan đến hai vợ chồng người họa sĩ Nhật trong Tan trong sương mù, một truyện tình có nhiều ẩn dụ.



Nguyễn Thị Hoàng cho biết: “Truyện mình viết thường là truyện tình bế tắc và đi xuống. Trong đó những vai nữ bao giờ cũng khát khao đi tìm một đời sống thật của mình, nghĩa là tìm kiếm chính mình. Những nhân vật nữ lang thang bất định, và xa rời với phận sự gia đình. Chất liệu lấy từ những năm bất ổn lênh đênh trong cuộc đời đã qua của mình, đôi khi được ráp nối với những câu chuyện thời sự, cộng với một phần tưởng tượng, phóng tác, vẽ vời… rồi ráp thành chuyện. 

 

Không biết bên đàn ông thì sao, chứ cánh đàn bà thường mắc phải cái này là có những nét của nhân vật hoặc chính, hoặc phụ, thế nào cũng hắt bóng cá tính thói quen, đường nét và vóc dáng của tác giả. Riêng về 'Vòng Tay Học Trò', nếu bảo đó là thực thì cũng không hẳn là thực mà bảo là không thực thì… cũng chẳng phải là thế. Dư luận trộn lẫn tiểu thuyết của mình với đời sống thật. Cũng vì thế mà có những tiếng ác ý lao xao về đời sống của mình. Cho nên chỉ có cách là… phải thản nhiên”.


Vòng tay học trò [2] được coi như tác phẩm đầu tay của Nguyễn Thị Hoàng, xuất hiện nhiều kỳ trên Bách Khoa và được tái bản nhiều lần sau bản in đầu tiên năm 1966. Chính tác giả trong một cuộc phỏng vấn với Mai Ninh năm 2003 đã nói về việc viết Vòng tay học trò (VTHT):

“Chán chương trình, không khí ở Văn khoa, Luật, bỏ học, đi làm không lâu lại bỏ việc này (thư ký riêng của một tỉ phú) 1960, tìm việc khác 1961. Được bổ nhiệm về Nha-Trang dạy học, trường nơi đây từ chối; chuyển lên Đà-Lạt. Trường nữ dư giáo sư, trường nam thiếu nên xảy chuyện “hoa lạc giữa rừng gươm”, 1962. Năm sau bỏ Đà-Lạt.

Mùa hè 1964, một xấp pelure ố vàng, một cây bút gì đó, viết một hơi một tháng, VTHT. Bách Khoa in mấy kỳ, thiên hạ xôn xao. Nhưng sau đó chuyển cảnh qua chồng con, bản thảo VTHT xếp lại. Đến 66, một nhóm tìm kiếm VTHT, xuất bản. Tái bản 4 lần trong vòng mấy tháng.

Sóng gió nổi lên từ mọi phía, vì những lý do và động lực khác nhau. 5 tờ báo, cùng nhất loạt lên tiếng phê phán, chỉ trích, tóm lại là chửi bới. Rất tiếc cuộc biển dâu cuốn trôi không còn một mảnh tài liệu nào, còn trí nhớ NTH thì chỉ gạn lọc lưu trữ những gì tốt đẹp. Hình như nhân danh hay đại diện phụ huynh học sinh, nhà trường gì đó có lên tiếng trong một bài báo. Không có những phản ứng trực tiếp tương tự như trong phim đối với cuốn truyện, còn gián tiếp thì không biết”.

Tác giả xác định một cách nửa vời về Vòng tay học trò“… nếu bảo đó là thực thì cũng không hẳn là thực mà bảo là không thực thì… cũng chẳng phải là thế”. Như đã nói, những nhà văn nữ thường “tự thuật” về cuộc đời mình và chính những kinh nghiệm bản thân khiến tác phẩm của họ dễ đi vào lòng người đọc. Dĩ nhiên việc “thêm mắm thêm muối” còn tùy thuộc vào sự khéo léo của mỗi đầu bếp để có một món ăn ngon hay dở.

Vòng tay học trò là câu chuyện có thật tại trường Trần Hưng Đạo Đà Lạt giữa cô giáo đệ nhất cấp Nguyễn Thị Hoàng và cậu học sinh đệ nhị cấp Mai Tiến Thành. Tôi vốn là bạn học rất thân với Thành từ năm Đệ Ngũ trên Ban Mê Thuột nên biết rõ chuyện tình của Thành. Tuy nhiên, những gì xảy ra ngoài đời thực có phần nào khác với Vòng tay học trò, đó là kỹ thuật “thêm mắm thêm muối” của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng. Nói khác đi, phần 'hư cấu' trong tiểu thuyết được giữ ở mức vừa phải, có thể chấp nhận được.

 

Hình như để giữ cho mối tình cô giáo - học trò thi vị hơn, tác giả đã để cho cuộc tình chấm dứt tại Sài Gòn và không đả động đến hậu quả của nó: một đứa con đã ra đời. Đứa bé được đặt tên Mai Quỳnh Chi, giao cho gia đình Thành nuôi nấng tại Ban Mê Thuột và ngày nay đã trở thành một thiếu nữ sống tại nước ngoài. Mai Tiến Thành đã trở thành người thiên cổ tại Hoa Kỳ và câu chuyện tình làm nên tác phẩm rồi cũng đi vào quên lãng.


Trước khi lên Đà Lạt dậy học, gia đình Nguyễn Thị Hoàng sống tại Nha Trang. Những năm theo học tại trường Võ Tánh, Nguyễn Thị Hoàng dính vào một 'scandal', một thời là đề tài nóng bỏng tại thành phố biển.

 

Cô nữ sinh dan díu và có thai với ông Cung Giũ Nguyên [3], giáo sư Pháp văn, hơn Nguyễn Thi Hoàng gần ba mươi tuổi. Biến cố đầy tai tiếng này được dàn xếp êm thấm giữa hai gia đình với lời thú nhận can đảm của người trong cuộc:


“Ông Cung Giũ Nguyên không có lỗi trong vụ này. Lỗi là do tôi dụ dỗ ông ta khi theo học thêm lớp Pháp văn tại nhà, vì tôi muốn có một đứa con thông minh xuất chúng như ông ấy!”. 


Đứa con gái sinh ra được đặt tên Cung Giũ Nguyên Hoàng và được bà vợ chính thức của ông Nguyên nuôi dưỡng vì bà này không thể có con. Trong ngày tang lễ của ông Cung Giũ Nguyên (tháng 11/2008) người ta thấy Cung Giũ Nguyên Hoàng phục tang cha, ôm bát nhang đi trước linh vị.

Nguyễn Thị Hoàng trong bài Về thư gửi con của Thái Kim Lan  đăng trên Da Màu có đoạn viết về tình mẫu tử: 


“Mỗi phụ nữ có con đều được là mẹ và làm mẹ, nhưng trên mẫu số chung là thương con, hàng tỉ tử số khác nhau cho tự tính là và làm mẹ ấy, tùy thuộc dân tánh, căn chất, đẳng cấp, thể loai  khác nhau của phụ nữ. Cái là xác định tính cách sinh sản, sáng tạo và hoàn thành một công trình, tuyệt phẩm”.


Sau này, người chồng chính thức của Nguyễn Thị Hoàng là Nguyễn Phúc Bửu Sum, có họ hàng với họa sĩ Nghiêu Đề. Ông Bửu Sum trong thời VNCH đã qua nhiều giai đoạn cùng cực: trốn lính rồi bị bắt, đào ngũ rồi cũng bị bắt lại… Nguyễn Thị Hoàng ngoài việc viết lách còn phải chăm sóc 5 đứa con, lo việc nhà cửa, bếp núc.

 

Truyện dài Cuộc tình trong ngục thất là “tự truyện” của Nguyễn Thị Hoàng trong giai đoạn khó khăn này. Truyện kể lại việc Bửu Sum trốn lính, bị bắt, làm 'lao công đào binh' tác chiến ngoài Quảng Ngãi và rồi lại đào ngũ. Cuốn truyện không mang tính cách phản chiến nhưng lại mang nhiều suy nghĩ trung thực của người phụ nữ trong cuộc chiến vừa qua. Nguyễn Thị Hoàng viết:

“Những gì đáng mất đi vẫn còn. Những gì đáng lẽ còn đã phải mất. Những kẻ được, lại thua lỗ bỏ đi. Kẻ đáng thua lỗ, lại ngồi trì, ăn có. Mọi chuyện như cái con vụ. Con ếch nhường chỗ cho con gà. Con tôm nhường chỗ cho con heo. Cái vụ tròn bé thơ quay tít trong bao nhiêu con mắt khắc khoải đợi chờ”.

Hai nhân vật chính trong truyện hoàn toàn không có tên, thay vào đó là Người Vợ và Người Chồng, nhiều đoạn chỉ được giới thiệu vỏn vẹn Vợ hoặc Chồng. Ta hãy đọc đoạn văn ngắn viết về sự căng thẳng, phập phồng trong tâm trạng của người trốn lính:

“Người chồng ngồi lặng yên nhả khói thuốc. Khói thuốc ấm áp toả vòng tròn trên hai con mắt nâu đã đục vàng vì những đêm liên miên mất ngủ. Thỉnh thoảng, những ngón tay dài đã gầy gò lồng trong mái tóc cắt ngắn lô nhô sợi buồn rã rượi, cào một vòng, trút bỏ bụi mù của đường xa đã đi.

Chồng không nói gì. Vợ cũng im hơi, nhưng hai người nghe rõ trong nhau những tiếng thở dài thầm kín pha lẫn những tiếng kêu gào náo nức quắt quay của phút đợi chờ phập phồng kéo dài tưởng đến hết một đời người chưa dứt”.

Có thể nói, văn phong của Nguyễn Thị Hoàng cũng tựa như của Mai Thảo: rất “điệu đà”, rất “bay bướm” và rất “làm dáng”… đến độ nhiều khi trở thành sáo rỗng. Chẳng hạn như trong Người yêu của Đấng Trời, một tiểu thuyết đã được viết từ hơn một chục năm nay nhưng chưa hề xuất bản. Hợp Lưu trích đăng một chương có những đoạn viết: 

‘‘Tất cả đều in bóng lên nền xanh bát ngát của lòng trời, và những đôi mắt linh hồn mãi mãi tìm nhau, vẫn dồn trút niềm yêu và nỗi đau trong cái nhìn đáy thẳm tuyệt vời của im lặng và bóng tối.’’

 

‘‘Khoác lên trái tim chưa yêu của Chúa một vầng hoa nguyệt quế nghìn thu. Và trái tim nào đã yêu đến tan nát cả chân như thể tánh mình, hãy lấy búa kim cương đóng lên một chiếc đinh vàng, để dưới bóng Chúa lung linh nến hồng thuở trước, trên tình yêu không bao giờ có thực của chúng ta, một giọt máu trường sinh nhỏ xuống.’’

 

Nguyễn Thị Hoàng, năm 2007 
(Ảnh của Thái Kim Lan)

Trước khi nổi tiếng trong nhóm nhà văn nữ trước 1975, Nguyễn Thị Hoàng là một nhà thơ của xứ Huế với hai tập thơ Sầu riêng (1960) và Sau phút đam mê (1961). Nổi bật hơn cả là bài thơ Chi lạ rứa với 40 câu thơ mang đặc những ngôn từ của miền Trung như chi lạ rứa, bởi vì răng, bên ni bờ, đau chi mô, hiểu chi mô… (Xem nguyên văn bài thơ trong phần chú thích trong bài viết Đọc lại Vòng Tay Học Tròcủa Nguyễn Thị Hoàng (2)), 


Những vần lục bát là thế mạnh trong thơ Nguyễn Thị Hoàng với những câu thơ rất da diết nhưng cũng rất tự nhiên như văn viết:


“Em mười sáu tuổi tơ măng

Thịt da đốt cháy thiên đường tình yêu”


“Trong cơn chăn gối rã rời

Im nghe từng chuyến xe đời đi qua”


“Đường về không nhịp trùng lai

Chúa ơi con sợ... ngày mai một mình"


“Nhìn lên thành phố không đèn

Âm u còn một màn đêm cuối cùng

Mắt sâu dòng lệ ngập ngừng

Mình xa nhau đến muôn trùng thời gian”


“Lênh đênh tiếng hát kinh cầu

Ăn năn cổ thụ cúi đầu ngẩn ngơ

Trên cao tháp cũ nhà thờ

Hồi chuông tưởng niệm bây giờ còn vang”  

 

Lối gieo vần trong thơ 8 chữ cũng là một thể nghiệm mới lạ của nhà thơ nữ:


“Em đợi anh về những chiều thứ bẩy

Hiu hắt vòm trời buổi sáng thứ hai

Nhạc dạo mơ hồ trong tiếng mưa bay

Thành phố ngủ quên những ngày chủ nhật”


“Cho em xin một chiều vui thứ bẩy

Có nhạc phòng trà có lá me bay

Tiếng gió reo vui đêm dài xa lộ

Nửa cuộc đời còn khoác kín vòng tay”


Và cuối cùng là những vần thơ 5 chữ trong bài Lời rêu:


“Uống cùng nhau một giọt,

Đắng cay nào chia đôi

Chung một niềm đơn độc,

Riêng môi đời phai phôi.

Say dùm nhau một giọt!

Chút nồng thơm cuối đời.

Vướng dùm nhau sợi tóc,

Ràng buộc trời sinh đôi”.


Người ta thường nói “lắm tài nhiều tật” hay “hồng nhan đa truân”. 

Ở Nguyễn Thị Hoàng có lẽ cả hai câu đều đúng. Trong số các nhà văn nữ nổi tiếng của Sài Gòn xưa, Nguyễn Thị Hoàng là người có nhan sắc nhất nhưng cuộc đời cũng nhiều sóng gió nhất.


***

Chú thích:

 

[1] Nguyễn Thị Hoàng còn có bút hiệu Hoàng Đông Phương sinh ngày 11/12/1939 tại Huế. Đã theo học trường Đại học Văn Khoa Saigon, đã cộng tác với các tạp chí Văn, Bách Khoa

 

Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng có hai quyển tiểu thuyết từng gây sôi nổi trước năm 1975: Vòng tay học trò và Tuổi Saigon. Ngoài văn xuôi, bà còn làm thơ và in thơ (trước khi viết văn), đó là hai tập thơ Sầu riêng (1960) và Sau phút đam mê (1961). Sau Vòng tay học trò còn xuất bản trên 30 tiểu thuyết trước 1975. Năm 1990 xuất bản Nhật ký của im lặng, cùng lúc là Người yêu của Đấng Trời (chưa xuất bản).

 

Tác phẩm đã xuất bản:

 

·       Vòng tay học trò (1966)

·       Trên thiên đường ký ức (1967)

·       Tuổi Saigon (1967)

·       Vào nơi gió cát (1967)

·       Cho những mùa xuân phai (1968)

·       Mảnh trời cuối cùng (1968)

·       Ngày qua bóng tối (1968)

·       Về trong sương mù (1968)

·       Ðất hứa (1969)

·       Một ngày rồi thôi (1969)

·       Vực nước mắt (1969)

·       Tiếng chuông gọi người tình trở về (1969)

·       Vết sương trên ghế hồng (1970)

·       Nhật ký của im lặng (1990)

 


 [2] Xem thêm về Vòng tay học trò qua loạt bài viết:

 

·         Đọclại Vòng Tay Học Trò (1)

·         Đọc lại Vòng Tay Học Trò (2)


[3] Cung Giũ Nguyên (1909 – 2008) là một nhà văn, nhà báo người Việt gốc Hoa được biết đến với những tác phẩm đa số viết bằng tiếng Pháp. Sinh trưởng trong một gia đình nghèo và đông con, học xong trung học tại trường Quốc học Huế những năm 1922-1927, ông phải từ bỏ giấc mộng học trường Cao đẳng Mỹ thuật Hà Nội để đi làm việc.

 

Năm 1928 ông được bổ làm trợ giáo tập sự tại trường Nam Tiểu học Nha Trang, nhưng đến đầu năm 1930 bị bãi chức, vì lý do chính trị. Sau đó ông phiêu lưu vào Sài Gòn, Đà lạt, Huế, Nha Trang.

 

Năm 1936 cha của ông mất. Vì trách nhiệm đối với gia đình, ông về lại Nha Trang và năm 1941 trở lại nghề dạy học. Ông đã dạy các môn Việt văn, Hán văn, La tinh, Pháp văn, Anh văn, sử địa, kinh tế học, triết học, văn học... ở các trường Kim Yến, Trường Dòng Thánh Giuse Bình Tân, La San, Phanxicô, Collège de Nha Trang, Võ Tánh, Lê Quý Đôn...

 

Trong khoảng 1955-1975, ông làm hiệu trưởng trường Trung học đệ nhị cấp Lê Quý Đôn, Nha Trang. Trong thời gian 1972-1975 ông là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Cộng đồng Duyên hải, Nha Trang. Từ 1989 đến 1999, ông là giáo sư thỉnh giảng môn ngôn ngữ và văn chương Pháp tại khoa Pháp văn, Trường Cao đẳng Sư phạm Nha Trang.

 

Về mặt hoạt động xã hội, ông là một huynh trưởng nổi bật thuộc thế hệ sáng lập ra phong trào Hướng đạo Việt Nam. Năm 1944, ông đảm nhiệm khoá huấn luyện chót ở Trại trường Bạch Mã thay thế Trưởng Tạ Quang Bửu vì bận việc riêng. Năm 1958, Trại trường Quốc gia Tùng Nguyên được thành lập tại Ðà Lạt dưới quyền điều khiển của ông. Đây là nơi đào tạo hầu hết các trưởng của thế hệ 1958-1975.

 

Ông từng làm phụ tá Trại trưởng Trại Huấn luyện Hướng đạo quốc tế Gilwell, Anh Quốc. Đây là nơi huấn luyện các huynh trưởng Hướng đạo. Cho đến năm 2007, ông đã 98 tuổi nhưng vẫn còn gắn bó với phong trào Hướng đạo tại Việt Nam; hướng dẫn Toán Alpha và Bêta Hướng đạo Việt Nam tại Nha Trang.

 

Tác phẩm của Cung Giũ Nguyên:

 

·         Một người vô dụng (1930)

·         Nợ văn chương (1931)

·         Volontés d'Existence (NXB France-Asie, Saigon, 1954)

·      Le Fils de La Baleine (NXB Arthène Fayard, Paris, 1956) bản dịch tiếng Việt Kẻ thừa tự của ông Nam Hải, (Nguyễn Thành Thống, NXB Văn học, Hà Nội, 1980).

·         Le Domaine Maudit (NXB Arthène Fayard, Paris, 1961)

·         Le Boujoum (1980)

 

Cung Giũ Nguyên

(Ảnh Wikipedia)

 

(Còn tiếp)

 Một số bài viết về nhà văn hóa Cung Giũ Nguyên:

Nhớ Thầy Cung Giũ Nguyên

Hoặc 

CUNG GIŨ NGUYÊN – một cuộc đời tìm và trao tặng tri thức

***

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét