Thứ Năm, 2 tháng 2, 2023

Đọc lại Vòng Tay Học Trò của Nguyễn Thị Hoàng (1)

 

Đọc lại Vòng Tay Học Trò của Nguyễn Thị Hoàng (1)

Tác giả Nguyễn Ngọc Chính

Nguồn bài đăng

 

“… Còn em, một học trò, mà tàn ác nhất là học trò trường cô dạy, hai bàn tay trắng không biết đếm tiền, chỉ biết đánh lộn, đánh vỡ hết những gì làm mình thất vọng khổ đau, với vòng tay học trò không bao giờ ôm giữ nổi đời cô”.

 (Thư của học trò Nguyễn Duy Minh gửi cho cô giáo Tôn Nữ Quỳnh Trâm trong Vòng tay học trò)

 


Gần 70 tuổi đầu mà còn ngồi đọc lại Vòng tay học trò (VTHT) của Nguyễn Thị Hoàng kể ra thì cũng hơi lạ. Tôi biết nhiều người sẽ nhíu mày khi đọc cái tít của entry này, thậm chí có thể còn phê phán: ‘Ông già không nên nết!’. Xin hiểu cho tôi, đọc lại VTHT vào lúc này không phải đơn thuần để giải trí, mục đích chính là vì muốn tìm lại hình ảnh của Mai Tiến Thành, bạn học của tôi từ năm Đệ Ngũ trên Ban Mê Thuột.

 

Gia đình tôi phải di chuyển từ Đà Lạt sang Ban Mê Thuột vì lý do thuyên chuyển công vụ của bố. Chúng tôi ở căn nhà số 31 Lý Thường Kiệt, gần ngã tư Lý Thường Kiệt - Ama Trang Long. Ngay góc đường có tiệm ăn Tàu tên Mỹ Cảnh và phía đối diện bên kia đường Lý Thường Kiệt là tiệm bán đồ phụ tùng xe hơi mang bảng hiệu Quảng Thành. Thực ra thì ngay trên đường Lý Thường Kiệt có tới 3 tiệm bán phụ tùng xe hơi nằm kế nhau: Lê Đức Viên, Tô Hoa và Quảng Thành.

 

Tô Hoa là tiệm của người Tàu còn Lê Đức Viên và Quảng Thành lại là của hai chị em ruột chọn cùng nghề cung cấp phụ tùng xe hơi. Chắc chắn giữa 3 cửa hàng cửa hàng gần sát bên nhau đã có một sự cạnh tranh gắt gao trong việc cung cấp đồ phụ tùng xe hơi ở một tỉnh nhỏ như Ban Mê Thuột.

 

Tiệm Quảng Thành do hai ông bà chủ mang cùng tên Huệ đứng kinh doanh. Họ có 4 người con (3 gái 1 trai) và cậu con trai thứ duy nhất là Mai Tiến Thành, nhân vật chính của entry này. Sinh trưởng trong một gia đình tương đối khá giả ở tỉnh lẻ, Thành thuộc loại ‘quý tử’, tư chất khá thông minh nhưng sức học trung bình. Riêng về việc ăn chơi, Thành được xếp vào loại ‘xuất sắc’ nếu so với các bạn đồng trang lứa đệ nhất cấp mới lớn.

 

Thành có khuôn mặt ‘không được đẹp trai cho lắm’. Trong lớp chúng tôi vẫn thường gọi đùa hắn là Fernandel, một danh hài trong các phim của Pháp được ưa chuộng vào thời đó. Fernandel có khuôn mặt… dài như mặt ngựa, chỉ cần nhìn vào khuôn mặt đó cũng đủ làm người ta phải cười. Thậm chí có người còn kể khi Fernandel đi dự đám tang người bạn, ông giữ khuôn mặt buồn bã nhưng những người xung quanh phải bấm bụng cười thầm vì càng làm nghiêm ông càng biến bộ mặt thành hài hước.

 

Kể hết cái xấu của Thành mới làm nổi bật lý do tại sao cậu học trò Nguyễn Duy Minh lại được cô giáo Tôn Nữ Quỳnh Trâm để mắt đến và thành công trong chuyện tình cảm. Mai Tiến Thành ngày còn ở Ban Mê Thuột là thế đấy nhưng lên đến Đà Lạt lại trở thành ‘guest star’ trong cuốn phim VTHT.

 

Chúng tôi ở phố nên hàng ngày phải đi xe đạp đến trường. Con đường từ trường về nhà có một con dốc thoai thoải đổ xuống ngã sáu, vòng xuay lớn nhất Ban Mê Thuột, nơi được người địa phương gọi là Cột đèn ba ngọn. Đơn giản chỉ vì ở đó có một cột đèn với 3 ngọn đèn neon tỏa sáng các hướng mỗi khi thành phố lên đèn.

 

Thành luôn là kẻ thích ‘chơi trội’ trong đám học sinh chúng tôi. Trên đường từ trường về thả dốc hắn thường không dùng hai tay cầm guidon mà cứ để chiếc xe tự nhiên trôi và khi cần điều chỉnh chỉ dùng thân mình nghiêng qua, nghiêng lại! Có hôm cao hứng Thành còn đứng thẳng trên yên xe, hai tay dăng ngang giữ thăng bằng, cứ thế chiếc xe đạp trôi dốc chẳng khác gì diễn viên xiếc.

 

Trò suspense này chỉ riêng Thành có thể biểu diễn được trước những con mắt “trầm trồ” xen lẫn “hồi hộp” của đám bạn cùng lớp và cả người đi đường. Tôi chưa bao giờ thấy Thành gặp tai nạn trong những màn biểu diễn ngoạn mục này. Tôi cũng chưa bao giờ dám đi xe đạp bỏ hai tay chứ không nói gì đến việc dám dứng trên yên xe như làm xiếc!

 

Thành thuộc loại nhỏ con nhưng không nể một ai, dù đó là kẻ to xác. Hắn sẵng sàng đánh lộn với những bạn cùng trường chỉ vì địch thủ… nhìn thấy ghét! Nhiều khi hắn chỉ cố đấm địch thủ một quả đích đáng rồi sau đó bỏ chạy vì biết còn đứng lại thì thế nào cũng no đòn. Võ thì chẳng có miếng nghề nào để phòng thân nhưng lại ưa đánh lộn! Nhân vật Minh trong VTHT cũng là tay giỏi đánh lộn. Nguyễn Thị Hoàng mô tả một cuộc đánh lộn như sau:

 

“…Gần đến nhà, dưới chân đồi, Minh bị một bọn choai choai chận đường. Một thằng trong bọn nghênh chiến trước:

-- Ê, Minh, mày bao nhiêu tuổi?

Minh ném sách vở xuống bãi cỏ, tóm lấy ngực thằng kia:

-- Bằng tuổi cha mày.

Minh tát thằng kia một bạt tai và rút cái khóa xe bằng sắt quay một vòng vù vù:

-- Tao làm gì thấy kệ tao, mắc gì đến tụi bây? Đồ chó săn.

Rồi Minh bỏ đi. Nhưng thằng kia ngáng chân Minh lại. Cuộc vật lộn xảy ra. Hai đứa ôm nhau quật túi bụi giữa sườn đồi đầy rác thông và cỏ ướt cho đến khi có bóng giáo sư trực thấp thoáng ở sân cỏ. Chúng nó buông nhau ra, làm ra vẻ tỉnh bơ và mỗi đứa đi về một phía…”.

 

Ngoài bản tính hiếu động, Thành cũng có những nét đặc biệt của một cậu học sinh với những mơ mộng của thời mới lớn. Hắn có cả một quyển sách chép lại các bài thơ trữ tình của các nhà thơ tiền chiến như Nguyễn Bính, Xuân Diệu, Hồ Dzếnh, Tế Hanh… Bên cạnh đó là những bài thơ của các tác giả đương thời như Nhất Tuấn, Nguyên Sa, Nguyễn Tất Nhiên…

 

Một đặc điểm nữa của Thành là tài ăn nói: thao thao bất tuyệt mà lại có duyên, nhất là với phái yếu. Thế nhưng, kiểm điểm lại thành tích khi còn ở Ban Mê Thuột, tôi có thể quả quyết Thành chưa có một mối tình nào để… vắt vai. Các cô nghe Thành nói chuyện thì thích nhưng có lẽ chọn làm người tình thì họ e ngại cái miệng dẻo quẹo. Phải lên đến Đà Lạt Thành mới lọt vào mắt xanh của cô giáo Trâm và có thể coi đây là mối tình đầu.  

 

Chúng tôi học chung với nhau từ lớp Đệ ngũ (lớp 8 ngày nay) tại trường Trung học Ban Mê Thuột. Năm Đệ tứ có lần tôi thấy trên bàn học của Thành treo tấm ảnh hình chiếc xe Puch, một loại xe gắn máy ‘thời thượng’ vào lúc đó. Hỏi ra mới biết cu cậu được treo giải 1 chiếc Sachs nếu thi đậu Trung học đệ nhất cấp.

 

Năm ấy Thành đỗ nhưng không thấy chiếc xe ở đâu, thay vào đó hắn được gia đình gửi lên Đà Lạt tiếp tục học Đệ tam tại trường Trần Hưng Đạo. Và đó cũng là nơi Thành bước vào tiểu thuyết VTHT dưới cái tên Nguyễn Duy Minh qua ngòi bút của Nguyễn Thị Hoàng.

 


VTHT là một tiểu thuyết gồm 11 chương, dựa vào những tình tiết có thật giữa cô giáo Tôn Nữ Quỳnh Trâm (Nguyễn Thị Hoàng) và cậu học trò Nguyễn Duy Minh (Mai Tiến Thành). Dĩ nhiên trong tác phẩm này có những đoạn văn được ‘cường điệu hóa’, những cảnh được ‘thi vị hóa’ và những đối thoại được ‘tiểu thuyết hóa’. Những chương đầu tiên của VTHT được in trên Bách Khoa năm 1964 và sau đó được chính thức xuất bản năm 1966. 

 

Nguyễn Thị Hoàng (NTH), sinh ngày 11.12.1939 tại Huế. Theo học trường Đồng Khánh, năm 1957 vào Nha Trang, 1960 vào Sài Gòn học Đại học Văn khoa và Luật. Học hành dang dở, NTH bỏ đi làm và rồi tìm lên Đà Lạt xin dạy học đệ nhất cấp tại trường Trần Hưng Đạo cho đến năm 1966.

 

VTHT trở thành một trong những best seller khi vừa xuất bản và được dư luận người đọc đương thời chú ý. Nhiều ý kiến phê phán tác phẩm này có nội dung ‘vô luân’ do viết về quan hệ tình cảm giữa một cô giáo trẻ và cậu học trò đệ nhị cấp cùng trường nhưng trên thực tế cô giáo Trâm chỉ dạy đệ nhất cấp còn anh học trò Minh đang học năm cuối lớp Đệ Nhị A (trong VTHT Thành học Đệ Nhất A).

 

Dưới ngòi bút của NTH, cô giáo Trâm được mô tả là đã từng có một cuộc sống rất ‘hiện sinh’ tại Sài Gòn hoa lệ. “Một tuần như có cả bảy ngày chủ nhật. Một năm vui chơi chỉ như một mùa hè. Nàng thấp thoáng khắp nơi, từ những đám phong lưu phá sản bằng ăn chơi đủ điệu cho đến những bọn nhỏ tuổi bất chấp cuộc đời, hối hả sống, vội vàng yêu, hăng hái nhập cuộc mê cuồng theo kẻ lớn”.

 

Ngay từ Chương 1, cô giáo Trâm đã có lúc ngồi ‘nhớ lại những tên người trong ký ức như người lính thắng trận kiểm điểm xác chết của phe địch bỏ lại ở chiến trường’. Những người tình lần lượt đến rồi đi như Văn tỉ phú, Marc giáo sư đại học, John sĩ quan Mỹ, Tuấn phi công, Francois ký giả, Hồng nhà văn, Linh con nhà giàu phá sản… Bên cạnh đó còn có ‘một khối thằng sinh viên, một khối thằng học trò choai choai mới lớn say mê của cấm như khoái làm chuyện siêu phàm’.

 

Họ đều là ‘những xác chết’ khi Trâm bỏ Sài Gòn lên Đà Lạt dạy học. Mỗi tình yêu là một bông hoa đã úa tàn. Mỗi ngày vui là một chiếc lá vàng rơi rụng. Trâm đã chán ngán, đã mệt mỏi, đã lìa xa một nửa con đường lang bạt đó. Trâm đã bỏ cái thành phố Sài Gòn hai mặt sống và chết, mê và chán, xấu và tốt đó. Nàng bỏ đi như một từ khước và lẩn trốn. Từ khước những thú vui buông thả đưa tới lỡ lầm cay đắng, đưa tới trống không giằng dặc tủi hờn. Lẩn trốn những đòi hỏi xôn xao của chính mình, của một bản chất sôi nổi thèm sống, thèm yêu đến tột cùng, đến vô bờ, vô bến.

 

Tại Đà Lạt, Trâm thuê được ngôi nhà cũ của một linh mục người Pháp gần Viện đại học. Biệt thự hư nát đến độ không ai nghĩ đến chuyện thuê và sửa chữa lại. NTH viết: “Nhưng hôm đến xem nhà, bị mê hoặc bởi vẻ hoang vu và bí mật của tòa nhà với những đám cỏ dầy cao quá đầu, với những cánh cửa hư nát, tường loang lổ, mái sụp nhiều nơi làm nước mưa dội xuống ào ào như thác, Trâm bằng lòng làm ngay tờ giao kèo bỏ tiền ra sửa chữa lại tòa lầu và giá tiền thuê sẽ được trừ dần vào số tiền phí tổn đó. Một mình Trâm tìm thầu khoán, đứng ra điều khiển, sắp đặt mọi việc. Rồi nàng dọn về đó cũng một mình”.

 

Chương 2 bắt đầu bằng buổi cô giáo Trâm đi coi cấm túc tại trường vào cuối tuần. Học trò bị phạt là những gương mặt các lớp Đệ Nhị, Đệ Nhất thuộc loại ‘đầu trâu, mặt ngựa’ được tác giả mô tả như sau: 


“…Không thể dùng cử chỉ thường lệ với những đứa học trò đầu trâu mặt ngựa to lớn thế này. Nhưng nếu dùng lời nói, lại rắc rối trong cách xưng hô. Trong đám học trò này, có đứa bằng Trâm, có đứa lớn hơn Trâm nữa về tuổi tác, nhân dáng mà biết đâu về kinh nghiệm sống nữa. Học trò bây giờ, mới nứt mắt đã thuốc lá, cà-phê, rượu trà, đàn bà. Tụi nó khoe khoang và hãnh diện về cái sớm biết của mình, ngang nhiên sống buông thả và bất chấp như một tay chơi sõi đời thực thụ. Vậy Trâm không thể gọi chúng nó là các em như đối với bọn học trò nhỏ của nàng. Nhưng chúng không lớn hơn nàng bao nhiêu nên gọi bằng các anh có vẻ thân thiện và tâng bốc quá… nhanh trí và vui tính, Trâm tìm ngay ra một lối khác, vừa giễu cợt, vừa vô hại:

-- Mời… các ngài ngồi xuống”.

 

“…Gần hai tháng đến dạy trường này, hôm nay là lần đầu tiên nàng không mặc áo len trước mặt học trò. Lần đầu tiên chúng trông thấy thân hình thật của nàng. Không có cái áo khoác ngoài, vẻ nghiêm trang già dặn cũng mất đi. Ở Trâm toát ra cái vẻ trẻ trung tươi mát của trái cây vừa chín, vẻ dịu dàng gợi cảm của người đàn bà trẻ con. Mái tóc đen mướt chải bồng vấn thật cao, chiếc áo màu rêu đá bó sát thân hình thon nhỏ, đôi giày mule trắng gót nhỏ thanh thanh. Trâm biết lối phục sức đó không thích hợp với vai trò mình. Nhưng nàng không thể làm khác. Xõa dài mái tóc, mang guốc hay dép nàng còn cỏ vẻ đơn sơ và bé bỏng hơn nữa. Phải làm cho roam lên, cho già đi một tí. Nhưng nụ cười. Nụ cười thoáng qua đôi môi nhỏ đều, hàng răng nở trắng, qua đôi mắt đen kẻ đuôi vừa tinh nghịch vừa mơ màng. Trong cái lốt ấy, Trâm có tác phong tài tử hơn là giáo sư. Tất cả tố cáo cái vẻ đẹp trẻ trung non nớt và vui tươi không thể nào che giấu của một cô giáo nhỏ tuổi dạy trường con trai của nàng”.

 

Lần đầu tiên cô giáo Trâm gặp anh học trò tên Minh được người bạn tên Thức dắt đến xin ở trọ: 


“…Có tiếng xì xào to nhỏ của hai người. Trâm nhận ra giọng Bắc âm ấm của Thức, tên học trò đệ nhất ở nhà đầu kia đường thường đến chơi và mượn sách:

-- Gì mà sợ. Cứ tỉnh lên. Tớ nói cho, cậu cứ việc ngồi im.

Giọng kẻ lạ:

-- Nếu cô không bằng lòng thì sao?

-- Đã biết đâu mà đoán trước.

-- Moa ngại làm sao ấy. Cậu có thân với cô không đã?

-- Suya mà. Nào, moa gõ cửa lần nữa đây”.

 

“…Thừa lúc Trâm nghiêng mình sửa một cành glaieul trong bình thủy tinh, Minh ra hiệu bằng mắt với Thức. Thức trở lại vấn đề:

-- Thưa cô, xin cô cho biết cô có thể nhận anh bạn đây ở trong nhà được không…

-- Nếu chọn, có lẽ tôi sẽ chọn một người vào tuổi em đấy. Nhưng phải giáo sư nào trên trường giới thiệu và người nhà đến gửi gắm đã. Em từ xa lạ đến, biết đâu vào đâu. Phải có người lớn đến nói với tôi một tiếng, rồi sẽ liệu.

 

“Minh hấp tấp:

-- Thưa cô, em sẽ đưa bác em lại xin cô…

-- Thế gia đình em ở đâu?

-- Dạ, ở trên Kontum kia.

-- Xa thế, mình em xuống học đây… Vậy ra…

 

Trên thực tế, gia đình Thành ở Ban Mê Thuột, xứ Buồn Muôn Thuở, chứ không phải ở Kontum. Không biết vì lý do gì NTH đã đổi ‘xuất xứ’ của Minh nhưng điều đó không quan trọng. Cô giáo Trâm có những nhận xét ban đầu về tên học trò xin được ở trọ nhà cô:

 

“…Trông nó có vẻ bạo dạn quen thuộc với không khí phòng khách và lối nói chuyện vui vẻ của cô giáo. Nhưng hai bàn tay nó cứ hết đặt lên nhau lại để duỗi trên mặt bàn rồi buông xuống. Có lúc Trâm chợt thấy ngón tay cái và ngón giữa của nó chụm lại, như sắp sửa búng tróc một cái. Nhưng khi nó nhìn lên Trâm, hai ngón tay nó rời nhau ra ngay. Trâm nghĩ, lỏi con này thuộc loại nghịch đây. Nhưng nét mặt nó có vẻ dại khờ, non choẹt và ngơ ngẩn thế nào. Thỉnh thoảng nó lại lắc mạnh đầu để hất mấy vệt tóc lòa xòa xuống như vừa dưỡng rẽ. Chiếc áo chemise màu xanh nhạt hơi ngắn, trên túi áo có thêu tên trường bằng chữ đỏ. Những dấu hiệu đó làm nó có vẻ trẻ con hơn trước mắt Trâm. Nó thuộc loại mới bỏ thời thơ ấu để bắt đầu làm con trai vừa lớn, Trâm nghĩ…”.

 

Trâm cần gì ở Minh? Có lần cô nói với Ngữ, người tình cũ ở Sài Gòn theo Trâm lên tận Đà Lạt: “Tôi đã nói, tôi không cần gì cả. Đia vị. Tiền bạc. Bề ngoài. Không. Tôi chỉ cần một thứ, một thứ tìm mãi không hề có, hoặc có mà không thể giữ mãi được với mình: tình thương...”.

 

Tôi nghĩ, đối với Trâm cũng như NTH, tình yêu mà họ cần không phải là thứ tình ‘hai chiều’, họ chỉ ‘yêu’ tình yêu của họ mà không cần biết đến phía bên kia. Họ là típ phụ nữ thích làm collection về tình yêu. Thế cho nên, những người tình dù có yêu họ thắm thiết nhưng đến một lúc nào đó họ cũng lạnh lùng chia tay để tìm một đối tượng khác cho 'bộ sưu tập tình yêu'.

 

Người phụ nữ thường chưng diện để kẻ khác chiêm ngưỡng, nhất là để thu hút sự chú ý của đàn ông. Ở một loại phụ nữ thứ hai, họ lại quan niệm làm đẹp chỉ để phục vụ cho chính bản thân mình. Cô giáo Trâm thuộc loại thứ hai, cộng thêm với quan niệm yêu chỉ để là giàu cho bộ sưu tập tình cảm của mình, tôi nghĩ những người như cô thuộc loại ‘vị kỷ’. Hóa ra cô giáo Trâm, hay NTH, là một típ phụ nữ rất khó để đàn ông chinh phục, trừ khi chính đương sự… bị khuất phục.

 

Ngữ tìm đến Trâm đúng vào lúc cô đang ở phòng Minh để săn sóc anh học trò đang say rượu. Trên giường, Minh nằm thiêm thiếp, cả thân hình lấp dưới những lớp chăn dày, chỉ còn cánh tay trái vươn ra ngoài, buông thõng xuống đất. Đôi mắt Minh nhắm nghiền, nhưng làn mi còn nhẹ nhàng rung động trong trạng thái chập chờn mê tỉnh.

 

“…Trâm trút dầu vào lòng bàn tay, gỡ nhẹ mền chặn trên ngực Minh và cúi xuống. Nàng mở hạt nút ở cổ áo chemise của Minh và luồn bàn tay tẩm dầu vào trong đó. Minh chợt mở mắt. Hai con ngươi sáng dịu ánh lên một thoáng rồi làn mi cong đen từ từ khép lại. Minh mấp máy môi muốn nói điều gì, nhưng rồi nó xoay người, quay mặt vào vách, dúi đầu vào mặt gối.

 

“Trâm lần nhẹ bàn tay trên làn da ngực nóng rực của người con trai. Rồi Trâm nhìn thấy mơ hồ và kỳ lạ, từng ngón tay mình chập chạp rời khỏi khuôn ngực áo trắng nõn đó. Rồi cũng bàn tay nàng mà trong phút đó Trâm tưởng như của một người thứ hai cài kín hột nút áo Minh và kéo chăn đắp lại như cũ. Trâm cúi xuống gọi nhỏ:

-- Minh, em khoẻ chưa?

 

“Ngữ đứng lặng người một lúc trước cảnh tượng êm đềm đột ngột đó. Lâu lắm, anh mới lắp bắp:

-- Sao thế chị Trâm?

Trâm gật đầu đáp lại cái chào của Biên nhưng không quay lại nhìn Ngữ, cười gượng:

-- Nó… bị trúng gió lúc đi học về. Trời đổi mùa, gió máy thật độc địa”.

 

Trâm nói dối tỉnh bơ, bàn tay cô đang ở trên bờ vai Minh với hơi ấm từ da thịt người con trai thoát ra từ tấm áo len: 


Trâm nghĩ mãi, không hiểu vì sao nó đã uống gần nửa chai rượu. Vì sao nó muốn say, nó tự hành hạ như vậy ngay trong nhà này, nhà của một cô giáo. Có thể Minh buồn vì một chuyện riêng không liên hệ đến nàng. Nhưng vô lý. Tại sao mắt Minh nhìn Trâm kỳ lạ thế. Trong vẻ đau xót. Trâm hiểu cái nhìn đó. Vì đã bao nhiêu đôi mắt con trai, đàn ông nhìn nàng như thế. Nhưng Minh chưa là đàn ông, cũng không còn là một đứa con trai. Dưới mắt Trâm, trong ý nghĩ Trâm, nó chỉ là một đứa bé khác thường, nghịch ngợm mà lãng mạn. Trâm vẫn nhìn và tưởng như thế từ khi nó đến xin ở trọ. Nhưng chiều nay, trước mắt Trâm, nó biến đổi vô cùng nhanh chóng. Chỉ vì một chai rượu…”

 

Bọn học trò trêu chọc Minh. Các giáo sư cũng bắt đầu ‘truy’ Minh kỹ hơn từ ngày hắn đến ở nhà Trâm. Minh bị ‘truy’ và ‘trù’ đủ mọi cách, về những việc nhỏ nhặt, ti tiện đến việc học, những hành vi của Minh, như Minh là một kẻ có trọng tội giữa một hàng rào thù nghịch bao vây. Đến nỗi nhiều khi Minh tưởng như người ta đang tìm một tội nào đó gán và buộc hắn nhận để dễ truy tố, hành hạ. Minh đã có lần tức tối, nói với bọn Lộc, Hải, tao có làm gì đâu? Có làm gì bọn họ đâu? Bọn họ tức tao cái gì vậy? Hải cười: "Thì tại họ xin chia nhà cô Trâm không được, mà mầy lại được". Đang tức, Minh nói liều, "tức vì không được ở trong nhà cô Trâm, hay không được ở với cô ấy?".

 

Trong VTHT, Giám thị của trường Trần Hưng Đạo là ông Dụ, thật ra, trên thực tế thì ông tên Bửu Vụ, một hung thần đối với học sinh trong trường. Năm Đệ nhất tôi quay lại học Trần Hưng Đạo, thầy Tổng giám thị Bửu Vụ, người Huế, vẫn còn, ông được học sinh gọi lén là ông ‘cai dù’. Tôi không nghĩ cái tên ‘cai dù’ có ý nghĩa nói lái vì ông cũng đã khá lớn tuổi lấy đâu mà… dài. Bọn học trò chúng tôi đặt ông là ‘cai dù’ cho bõ ghét cái tính hắc ám của ông chuyên dùng roi mây xử phạt những đứa học sinh ngỗ nghịch.

 

NTH cũng có ít dòng mô tả về ông Dụ với những thuật ngữ không lấy làm ‘thân thiện’ cho lắm. 


“Trâm nghĩ thầm: Chắc là lão vừa 'nạo' học trò trước sân cờ xong tạt qua ngay đây 'điều tra' mình. Trâm cũng biết ông ta dò xét chuyện gì rồi, nhưng vờ ngớ ngẩn để xem ông Giám Thị khởi đầu công tác ra sao. Trâm yên lặng chờ đợi những câu chất vấn ngang phè, như nàng đã quen nghe những lần hân hạnh được ông ta đến viếng vào giờ bất thường
…”

 

“Mình có làm gì phạm pháp đâu. Lão ta chỉ có quyền kiểm soát ở trường thôi. Đây là thế giới mình. Nhà này là của mình. Đời sống này là của mình. Không có ai có quyền xâm lấn hay sửa chữa, can cớ gì đến lão ta đâu mà xía vô. Tôi ngủ trong phòng, bên lò sưởi, dưới bếp, ở nhà xe, hay đâu mặc xác tôi chứ, miễn là tôi không ngủ gục trong khi giảng bài, không ngủ quên trong lớp khi tan học. Trong bản nội qui nhà trường không thấy buộc giáo sư phải ngủ trên giường, cấm giáo sư nằm giữa sàn nhà, trước lò sưởi. Cũng như pháp luật không cấm đoán đàn bà sống độc thân. Vậy thì tôi muốn sống như thế đó. Và tôi có quyền sống như thế. Có hại gì ai không? Có làm mất mát gì của ông đâu?”.

 

NTH cũng có những tư tưởng đả phá nền giáo dục của VNCH trong thập niên 60s. Tác giả dùng những cụm từ rất sắc sảo:


"Giảng giải lý thuyết, áp dụng những nguyên tắc cổ điển sáo hủ. Như người ta lơ đễnh rải lá dâu cho tằm ăn trong khi tằm đã biến hình thành con nhộng trong cái kén. Học trò cứ ngồi đó, thờ ơ chép bài, lơ đãng nghe giảng, tìm cách này hay cách khác, tiết kiệm những suy tư về học tập, để chín phần mười tâm trí phiêu du theo những thắc mắc riêng tư. Thầy giáo cứ viết, cứ nói, cứ lập đi lập lại như cái máy hát bị hỏng một điệp khúc nhàm chán về những qui tắc mà chính mình cũng không muốn áp dụng trong đời sống. Những vấn đề đạo đức, những bài học công dân, giáo sư thao thao bất tuyệt, khoác cho mình vẻ đạo mạo của người truyền giáo mà không bao giờ nhận định rằng trong đám người nghe còn phải có cả chính mình. Sự giả dối quen thuộc đến nỗi không ai chú ý đến hiện diện trơ tráo của nó, và vô tình, người mang mặt nạ với kẻ khác và với chính mình nữa".

 


Một tác phẩm thuộc loại ăn khách của NTH

  


Nguyễn Thị Hoàng và “Tiếng chuông gọi người tình trở về” qua nét vẽ của họa sĩ Chóe (1973)

 

Chương 4 bắt đầu bằng không khí Noel trên Đà Lạt. Đó là thời điểm ở Sài Gòn người ta vui chơi tưng bừng, những người trẻ tuổi vui cười say đắm bên nhau. Còn ở Đà Lạt, cô giáo Trâm tự hỏi về Minh: “Bây giờ… em làm gì? Em vui với ai đó Minh?”.

 

Trâm bàng hoàng thức giấc trong vùng ánh sáng vàng hoe từ khung cửa sổ hắt vào lò sưởi. Nghe tiếng chìa khóa lách cách dưới lầu, nàng đoán là Minh về. Rã rời, mệt mỏi, đầu nặng như một khối đá. Trâm cố tỉnh trí nhìn quanh. Mọi vật hình như thay đổi hẳn sau giấc ngủ dài bằn bặt. Gió sớm lay cánh màn cửa bay phấp phới như những trướng liễn sắp hàng đi theo sau một đám tang yên lặng

 

-- Cô.

Trâm yên lặng nhìn lên, không đổi dáng điệu. Minh đứng khoanh tay ở cửa phòng, tựa lưng vào vách. Mái tóc rũ che vầng trán da trắng xanh, hai con mắt ngái ngủ lờ đờ, Minh như sắp ngã xuống một khoảng trống không nào đó. Trâm nhìn cái cravate lỏng lẻo ở cổ áo Minh, vụt nhớ lại những phút giây đơn độc ghê gớm mình chịu đựng đêm qua, nhớ đến vẻ hí hửng của Minh lúc ra đi, nhớ đến nỗi bứt rứt vô lý và đáng thương của mình.

-- Suốt đêm, cô không ngủ sao?

 

Chương 5 là những màn ‘ghen tuông’ của Minh đối với thày Lưu (mà Trâm gọi là… Lưu manh): 


Mặt Lưu cũng có vẻ lì lợm và đểu cáng thế nào, nhưng hắn đã có lần nhe răng tuyên bố với Trâm, tôi mất một cái răng mà không muốn trồng lại, để sún thế này mỗi khi cười trông có vẻ đểu đểu hay hay phải không chị?.

 

Khi Lưu về rồi, chị người làm dọn cơm lên, Trâm cho gọi, Minh không lên ăn. Và bỏ luôn cả buổi học chiều. Hai ba ngày liên tiếp, cậu bé cứ lầm lì với Trâm ra mặt, hỏi gì cũng nói nhát gừng và chỉ ra khỏi phòng mỗi khi không có mặt Trâm. Cho nên Trâm định không tiếp Lưu nữa. Không phải vì nàng ‘sợ’ ai, nhưng để tránh hiểu lầm của thiên hạ và những cơn lẫy hờn vô lý của Minh. Nếu như nàng thật yêu Lưu thì không có gì đáng nói. Nhưng nàng không ‘như thế’ với Lưu, tuy rằng nàng có vẻ thân Lưu, coi Lưu như một người bạn không hơn không kém.

 

Trâm nhìn Minh một thoáng nhanh rồi cúi xuống:

-- Minh, em có khinh tôi không…

-- Cô hối hận, phải không…

-- Có gì mà hối hận, chỉ cảm thấy bứt rứt khó chịu. Vì em có thể hiểu lầm và khinh tôi.

-- Tại sao cô lại hỏi em như thế.

-- Không biết nữa. Đáng lẽ tôi không hỏi, không nói gì với em cả. Nhưng tôi quí tình cảm của tôi, mỗi kỷ niệm, mỗi rung động có một vẻ đẹp. Tôi nuôi vẻ đẹp đó trong hồn và sợ người khác phá vỡ, nhưng em nói thật đi, như em nói với chính mình, em có khinh tôi không?...


Hai cái nhìn tê dại gặp nhau. Minh cười thật nhẹ và Trâm cảm thấy niềm vui như một sự ban ơn thầm lặng trôi vào lòng mình:

-- Ở trường cô là giáo sư, nhưng về nhà cô vẫn là đàn bà, chỉ là đàn bà…

 

Đó là những gì diễn ra trong đêm giao thừa dương lịch, sau khi Minh đã dọn về ở trọ tại nhà cô giáo. Trong giây phút đó, Trâm có màn độc thoại rất ư là ‘tiểu thuyết’


“Chỉ một nghiêng mình, chỉ một vẫy tay là tất cả sẽ xoay chiều, sẽ thay đổi hết. Đời em. Đời tôi. Và nhiều cuộc đời liên hệ nữa. Dừng lại nghe em. Vì hồn tôi là những nan xe gãy đổ. Vì lòng em là con ngựa chứng lạc loài”.

 

Và cô giáo nói những lời thành thật nhất với anh học trò: 


“Dù sao đi nữa, em cũng phải khinh tôi. Tôi muốn được khinh thành thực hơn là bị tôn quí giả dối. Tôi cũng biết, tôi chỉ là đàn bà, chỉ là con người. Nhưng tôi muốn em khinh tôi. Thà như vậy, dễ sống hơn. Được người khác tôn quí, cứ phải giữ gìn, phải lo sống cho xứng đáng… tôi mệt mỏi lười biếng lắm rồi. Không muốn phấn đấu nữa, trên mọi bình diện, nhất là cho một tiếng tốt hão huyền. Không, tôi không muốn tốt để được khen. Chỉ thích xấu để bị chê. Như vậy tôi sẽ không về phe với đời. Tôi đối lập. Tôi thuộc về phe phản kháng với tất cả, tất cả. Có lúc em cũng cảm thấy thích như thế nhất là sau một hận thù, công phẫn, thất vọng nào đó, phải không Minh?”.

 

NTH viết, “liều mới thực là yêu”, nhưng tác giả lại tự đính chính “yêu không phải là liều”. Trong một lần từ Sài Gòn về Đà Lạt thăm em, chị Trúc đã đã ‘đánh hơi’ được sự thay đổi trong cuộc đời cô giáo Trâm, nột cuộc cách mạng hay là một cuộc nổi loạn. Thế cho nên, không bao giờ Trúc tìm thấy lại ở em, vẻ hồn nhiên thơ dại và bóng dáng hiền dịu của người học trò Đồng Khánh mười năm về trước. Áo tím, nón bài thơ, mái tóc dài óng ả. Tôn Nữ Quỳnh Trâm ngày xưa như thế đó. Bây giờ thì hết rồi, mất rồi:

 

-- Trâm này, thằng Minh nó có vẻ… sành sõi quá.

Trâm xoa ngón tay lên thành ly:

-- Em đoán lầm về nó. Cũng không biết tính sao.

-- Lôi thôi quá…

-- Chị để em liệu lấy, đừng nói gì hết.

 

“Có tiếng Minh trở mình rất nhẹ. Rồi Trâm có cảm giác rờn rợn như Minh vừa ngẩng đầu lên và thân hình người con trai như một loài rắn đêm, rướn lên trong bóng tối. Trâm nhẹ nhàng xoay mình, nhìn lại phía Trúc, se sẻ kéo cái mền đắp thêm lên mình chị. Lắng nghe tiếng thở đều đều của chị trong giấc ngủ bình yên, tự nhiên Trâm thấy ngượng về cử chỉ âu yếm của mình. Rồi nàng cũng không hiểu thật ra mình muốn tỏ vẻ săn sóc chị hay dò xem Trúc đã ngủ chưa. Nghĩ thế, Trâm vừa bứt rứt khó chịu vừa lâng lâng thú vị với mặc cảm tội lỗi của một tên trộm rình chủ nhà ngủ say để đánh cắp báu vật.

 

“Trong mê sảng, Trâm có cảm giác như một đôi môi nóng bỏng nào chồm lên mái tóc, mình xõa dài sông đêm trên mặt gối. Bàn tay Trâm chới với níu lấy tóc mình. Nhưng bàn tay Minh như vòi mực biển khổng lồ đã quấn chặt lấy tay nàng, dìm xuống, cho khuôn mặt Minh phủ lên trên như một phiến san hô nồng ấm. Những ngón tay Trâm bất động thiếp mê một phút trong tay Minh rồi trở mình xoay nhẹ, xoay nhẹ như tiếng trục đổi chiều của 1 bánh xe hốt hoảng đuổi theo cái bóng lờ mờ thoắt hiện lên một ở ngã ba đời huyền hoặc…

 

Người đọc thực sự không biết chuyện gì đã xảy ra trong đêm chị Trúc lên Đà Lạt thăm em nhưng kỳ thực là để dò xét tình hình của Trâm. Sang đến Chương 6, cũng là sáng hôm sau đêm ‘nổi loạn’ của Trâm là một buổi cắm trại của lũ học trò từ Trạm Hành, Trại Mát, Cầu Đất và một vài thôn ấp khuất tịch xa xôi của Đà Lạt.

 

Thực ra, Trâm chán chuyện đi cắm trại với học trò, muốn ở nhà, không phải vì chị Trúc, mà vì Minh. Không còn tự dối mình mãi được, Trâm phải nhận rằng cơn bệnh tình cảm đã đến hồi trầm trọng và sự hiện diện của Minh biến thành một thói quen, một cần thiết hiển nhiên không thể thiếu vắng. Nhưng Trâm cũng thẳng thắn hiểu rằng mình không bao giờ có thể vượt qua biên giới để chiếm đoạt vũ trụ ngăn cấm bên kia.

 

Nếu cả hai người - nàng và Minh - đều đồng ý nhận chịu khoảng cách đó, nếu cuộc đời cứ thế trôi đi, nếu tâm hồn vẫn mãi là một cánh đồng hoa thơm ngát, Trâm nghĩ mình có thể sống mãi mãi như thế, và nguồn tình êm ái mơ hồ đó sẽ không bao giờ cạn vơi. Không cần gì cả, ngoài sự hiện diện của một người. Có một người để âu yếm gọi tên. Một bước chân quen để chờ đợi mỗi chiều về. Một khuôn mặt làm gương soi cho cảm xúc mình phản chiếu. Thế thôi. Không giao nối. Không gởi trao, không được gì để chẳng bao giờ phải mất.

 

Minh hiện đến trong đời Trâm như một biểu tượng hoàn toàn cho những bước chân vu vơ tìm kiếm đó. Nàng đã gặp ở Minh không những một phần tuổi nhỏ của mình đã tàn phá theo năm tháng, mà còn một tâm trạng mênh mang khắc khoải giữa cuộc đời.

 

Minh đã âm thầm đi theo Trâm trong buổi cắm trại với đám học trò đệ nhất cấp. Theo tôi, dưới đây là một trong những đoạn văn thơ mộng nhất trong VTHT với ‘kỹ thuật cường điệu của tiểu thuyết’:

 

…Rồi tiếng kêu của nàng bật lên, ứ nghẹn:

-- Trời ơi, Minh!

 

Từng chòm hoa nắng lả tả rơi xuống dòng suối biếc lấp lánh dưới kia. Trâm tưởng mình lao đao ngã xuống chìm lấp trong đáy nước. Minh gỡ một cọng cỏ khô vướng trên giày, ném xuống dòng suối trôi lặng lờ trong nắng, nhẹ nhàng hỏi Trâm:

-- Em ngồi đây lâu lắm, cô không biết sao?

 

Miệng Trâm cười bát ngát niềm vui:

-- Không, nhưng biết cũng không tin.

-- Sao vậy cô?

-- Làm sao em biết tôi đến thung lũng nầy?

-- Ban sáng em nhìn thấy đoàn quân của cô đi về hướng này. Trưa em cứ theo dấu mà tìm.

-- Dấu gì?

-- Không có dấu gì cả. Nhưng khi đi về phía này, có cảm tưởng là đi trên con đường cô đã đi qua.

-- Mỗi người có một lối riêng chứ. Vì mỗi người nghe theo một nhịp điệu để dấn thân tiến tới.

-- Cô nói gì vậy?

-- Không.

-- Phải rồi, em có nghe, nhưng không phải nhịp điệu mà tiếng gọi…

-- Tiếng gọi nào?

-- Tiếng gọi từ thung lũng này. Cô có gọi em không? Em nghe như cô gọi em văng vẳng và em đi tìm…

 

Và cuộc picnic của cô giáo Trâm với đám học trò kết thúc: “Trâm cúi xuống lòng mình thầm như nhủ: ừ, mình bị thương. Đời mình thêm một vết thương. Nhưng vô lý, vô lý quá…”.

 

(Còn tiếp)

 

***

 


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét