Đọc lại Vòng Tay Học
Trò của Nguyễn Thị Hoàng (2)
(Tiếp theo)
Tác giả Nguyễn Ngọc Chính
Vòng tay học trò (tái bản lần 4, tác giả có sửa chữa) |
Chương 8 tiếp nối cuộc gặp gỡ Tuấn, phi công Air Vietnam, ở cuối Chương 7. Tuấn là bạn của anh trai Trâm, quen Trâm từ ngày cô còn đang ‘ăn chơi vung vít’ ở Sài Gòn. Khi gặp lại Tuấn trên chuyến bay Nha Trang-Đà Lạt sau khi về nhà nghỉ Tết, Trâm giữ một khoảng lặng với Tuấn cũng tựa như Trâm giữ một khoảng cách giữa Sài Gòn của quá khứ và Đà Lạt của hiện tại. Dù từ chối không cho Tuấn biết địa chỉ nhưng Tuấn vẫn tìm đến Trâm qua danh sách hàng khách Air Vietnam. Câu chuyện trong cuộc tái ngộ được kết thúc bằng đoạn văn:
“Chiều xuống thấp
trên những đồi cỏ già. Hơi lạnh vì gió ấm ngất ngây tỏa xuống. Tự nhiên Trâm
nhìn Tuấn và nhìn quanh. Im lặng đè nén như báo trước một tàn phá bão táp nào.
Mắt người đàn ông nhìn nàng mỗi lúc một chăm chú hơn, và giọng nói chàng dịu xuống
như sắp sửa chỉ còn là hơi thở.
-- Mấy giờ máy bay về
Sàigòn?
-- Anh không cần máy
bay nữa. Trâm đuổi anh thật à?
-- Chiều rồi, anh về
thôi. Anh làm Trâm sợ. Trâm hét lên cho xem.
-- Hét đi, chỉ có anh
nghe thôi mà.
-- Minh ơi!
-- Ai vậy?
-- Một người đi vắng
rồi.
-- Thảo nào Trâm đuổi
anh.
-- Không phải lý do ấy.
Vả lại không đuổi, chim trời cũng lại bay”.
Trâm đã gọi tên Minh
với một khuôn mặt buồn ngơ ngác. Nàng cảm thấy bơ vơ lạc lõng trong một nỗi buồn
chán mênh mông vô cớ. Trâm không biết mình muốn gì. Cuộc đời như dài ra trước mặt.
Dĩ vãng lại vây kín sau lưng. Đi đến đâu? Trâm không biết. Chờ đợi, đòi hỏi gì?
Trâm không biết. Chỉ biết sự hiện diện của một người đàn ông tên Tuấn làm nàng
mệt mỏi, khó chịu vào lúc này. Những bước chân đàn ông lạc vào thềm đời người
đàn bà rồi cũng chỉ là những đợt sóng, thoáng qua một lần rồi mất hút.
Trâm nhận ra mình
thích cô đơn vì chỉ ‘yêu mình’, yêu chính bản thân mình. Tình
yêu vị kỷ đó là một điều kỳ lạ không thể hiểu được. Chỉ vì vậy mà từ trước đến
giờ Trâm chưa đích thực yêu ai. Trâm từ chối hết, Trâm đùa cợt và lãnh đạm với
tất cả những cơ hội có thể làm cho nàng không là nàng nữa.
NTH đã để cho Trâm độc
thoại trong những ngày Minh về nhà nghỉ Tết:
“…Nhưng sao bây giờ với Minh. Minh như một hiện hữu thiết yếu trong đời sống.
Tôi thích gì ở Minh. Người con trai đó không có gì cả. Không là gì cả. Một
khuôn mặt. Một giọng nói. Một hiện diện thản nhiên và lạc lõng, không thay đổi,
không thêm bớt, không dự phần gì vào những dự định đời tôi. Thế mà tôi không thể
thiếu vắng. Lúc này tôi cảm thấy thế từ những ngày về nhà nghỉ Tết…”.
Tôi còn nhớ, năm đó
Thành từ Đà Lạt về Ban Mê Thuột ăn Tết. Trong một lần đi chơi, chúng tôi ghé
qua tiệm sách Cao Trí trên đường Tôn Thất Thuyết. Chủ hiệu sách là một người gốc
Thượng, có vợ người Việt, một cuộc hôn nhân khá đặc biệt và cũng là một trường hợp
kinh doanh thành công duy nhất của người thiểu số tại một tỉnh lẻ.
Vào đến Cao Trí,
Thành mới ngỏ lời nhờ tôi tìm hộ trong đống bản nhạc để mua tất cả những bản
nào có tựa đề… Hoàng. Một thoáng ngạc nhiên vì Thành vốn không phải là dân ca
hát hay chơi nhạc… nhưng sau đó tôi hiểu ngay, chỉ vì Nguyễn Thị Hoàng. Như vậy,
nhà văn và đồng thời là cô giáo đã chiếm một chỗ đứng nhất định trong con người
của Thành, vốn là một kẻ… bất cần đời.
Trong lần tái ngộ sau kỳ nghỉ Tết, Minh và Trâm có những lời gay gắt với nhau. Minh thì ghen với anh chàng phi công ở Sài Gòn còn Trâm thì bực với cô bạn cũ của Minh ở Ban Mê Thuột. Có điều, tôi biết chắc chắn chẳng có cô nào ở Ban Mê Thuột để Thành vui chơi theo như lời Minh nói. NTH đã để cô giáo Trâm thốt lên những lời trách cứ mà chỉ những người đang yêu nhau mới có thể ‘thanh minh thanh nga’:
“…Thôi, thôi đừng nói
càn, hắn là bạn anh tôi, hắn tìm thăm, tôi nói chuyện với hắn, rồi hắn bỏ đi,
thế là quan trọng? Còn Minh, Minh làm gì, trong lúc tôi ngồi bãi biển, tôi nghĩ
đến những điều thật đẹp, thật hay, thật trong sạch, thật dễ thương về Minh, về
tôi, về chúng mình, thì Minh lại… với một người con gái. Không sao, ừ phải, cậu
quen quá những trò đùa ấy, những thói chơi ấy, nên có thấy sao đâu”.
…
“Vòng tay Minh là
vòng tay học trò. Vòng tay khoác kín bao nhiêu hy vọng tương lai, bao hoài bão
của một đời mê say vươn lên sự sống. Vòng tay đó không có quyền sớm mệt mỏi
buông xuôi. Nếu coi Minh như một người đàn ông, tôi cũng đã điên cuồng, đã chán
mứa, đã cùng cực hoài nghi. Cuộc đời tàn phá tôi. Còn Minh, Minh đã sống những
gì, đã làm gì đến nỗi phái chán chường bê tha đến thế…
Chuyện tình của họ đến
Chương 7 thì cả trường Trần Hưng Đạo đều biết, gần như một nửa Đà Lạt cũng biết.
Còn Sài Gòn, Nha Trang cũng nghe phong phanh và lan tới tận Ban Mê Thuột ở đó bố
mẹ và bạn bè Minh đều nghe những tin đồn. Thậm chí ngay trên cửa nhà Trâm tại
Đà Lạt có những dòng chữ viết bậy về Trâm và Minh. Trong giây phút hoảng loạn
Minh đã đề nghị mình phải ra đi nhưng Trâm có những suy nghĩ của mình:
“Nếu vì dư luận, vì ngại cho tôi mà bỏ đi, tôi sẽ ngăn Minh lại. Nhưng nếu
vì tự ý Minh muốn đi vì một lẽ khác, cứ đi đi, tôi đưa Minh về đời sống cũ, còn
tôi, có lẽ cũng thế thôi. Tôi đã nghĩ đến điều đó rồi từ bao giờ. Bao giờ tin
yêu và hy vọng bỏ đi, tôi lại lao mình vào vùng trời bão tố xưa kia phung phá
và quên sống. Sẽ không còn cảm thấy gì nữa cả. Rồi tôi lại trôi trong đời sống
đó, như một cành củi mục vật vờ theo sóng nước thiên tai định mệnh. Ừ, nếu Minh
muốn đi, cứ đi đi, không nói gì với tôi. Mình không cần giải thích gì với nhau
cả. Có gì đâu mà giải thích kia chứ. Tôi lầm lẫn. Tôi uống và say với một cái cốc
không, tưởng đầy tràn rượu trong đó. Phải, Minh cũng nên đi, thay đổi không
khí, có lẽ Minh cũng lầm lẫn như vào một chợ phiên không tìm thấy trò giải trí…
Qua Chương 8, Minh
quyết định dọn đi sau một buổi chiều say sưa tại Café Tùng, không biết anh
chàng đã uống bao nhiêu ly Johnny Walker và cả Ballantine. Đối thoại này xuất
hiện trong một lần Minh trở lại đến thăm Trâm kể từ lúc chia tay mới có một
ngày:
“-- Đêm rồi,
nhớ cô quá.
Giọng nàng lạc đi:
-- Tôi cũng thế. Tưởng
điên lên mất. Bỗng dưng Minh bỏ đi.
-- Đến thế này, cô
còn nói thế được sao? Cô không chịu hiểu sao phải đi, vì sao phải xa nhau.
-- Từ hôm qua, tôi bỗng
thấy mình hoàn toàn tự do, không phải kịch nữa. Và vai trò cũ mất rồi. Nhưng vì
thế tôi mất Minh, tôi đang mất Minh đây. Tôi không chịu được. Thèm đập phá. Đập
phá hết cả đời mình còn lại...
Tình cờ gặp nhau trên
phố, như không hề có chuyện gì xảy ra, họ đến Ngọc Lan xem phim Les
chemins de la haute ville. Trâm chỉ còn nhớ khuôn mặt khoắc khoải, tuyệt vọng
của Simone Signoret từ khung cửa lầu cao nghiêng xuống. Khuôn mặt Minh chập chờn
hiện lên rất gần và rất xa trong bóng tối của rạp hát. Đầu Minh nghiêng xuống
vai Trâm. Cánh tay nàng như một con trăn lớn quấn chặt trên lưng ghế Minh cho
tiếng nói chỉ còn là hơi thở:
“-- Em biết từ
ngày em đi, tôi như thế nào không. Hôm thấy tôi trên trường sao Minh quay mặt
đi?
-- Bọn họ săn và truy
kinh khủng, em phải tránh cô.
-- Chỉ vì thế thôi phải
không.
Minh cúi đầu vào vai
nàng:
-- Ừ. Cô không tin gì
em.
Trâm cười trong màu tối
mê hoặc của không gian đồng lõa.
-- Nếu tin Minh, tôi
sung sướng. Vì vậy tôi vẫn cố tin, cố tin cho đến ngày… Thôi không thèm nói đến
ngày mai.
Tan phim, Trâm rủ
Minh đi ăn tại một nhà hàng, một thái độ ‘coi như không có thiên hạ’ và ‘Đà
Lạt là của riêng mình’. Chân dung của Minh trong cuộc sống hàng ngày ngoài
xã hội được NTH phác họa một cách tỉ mỉ:
“…Dáng ngồi lạc lõng trong khung cảnh một nhà hàng ăn đó làm Trâm nhận ra vẻ
trẻ con giấu kín của Minh thường che lấp dưới những cử chỉ thành thạo của kẻ sỏi
đời. Trâm kéo ghế ngồi xuống và chăm chú kín đáo theo dõi Minh. Những lúc ở
nhà, lẽ ra phải trẻ con, hồn nhiên, Minh lại xử sự như người lớn, đủ ‘khả năng’
điều khiển Trâm, đến nỗi biên cương tuổi tác giữa hai người gần như bị xóa bỏ hẳn.
Lẽ ra Minh phải kéo ghế cho nàng ngồi xuống. Hỏi nàng uống gì. Ăn gì. Lau cái
muỗng. Đẩy cái cốc lại gần trước mặt nàng hơn, như thường lệ những người đàn
ông ‘phục dịch’ cho đàn bà, không phải vợ, trong nhà hàng. Minh không là đàn
ông như vậy, nhưng Trâm chờ đợi những cử chỉ săn sóc nhỏ nhặt đó, để quên đi
trong một lúc vai trò thực sự của mình, quên thế chủ động làm cho nàng chợt mệt
mỏi, chán ngán và bực tức vô lý…”.
Khung cảnh nhà hàng
làm Trâm nhớ đến những bữa ăn thân mật, chỉ có hai người tại nơi tổ ấm của họ.
Bút pháp của NTH mô tả từng chi tiết một bữa ăn đêm của hai người:
“Trâm lễ mễ bưng dĩa lên lầu. Gì thế cô. Thức giấc tự
nhiên thấy đói quá lấy xúp ăn. Minh cầm hộ một tay nào. Rồi hai người lúi húi
hâm thức ăn ở réchaud điện cạnh lò sưởi. Dưới ánh nến hồng lay lắt, hai khuôn mặt
chỉ cách nhau dĩa xúp còn bốc hơi thơm ngát. Làm biếng đến nỗi mỗi lần lấy thêm
muỗng dĩa hai người phải ‘oẳnh tù tì’ xem ai bị xuống bếp. Nhiều lúc lại làm biếng
kinh khủng hơn, cóc cần nhúc nhích, họ ăn chung với nhau một muỗng một dĩa…
Chương 9 là bức thư
Minh viết cho Trâm đêm hôm trước khi nàng rời Đà Lạt. Trâm đọc thư trên chuyến
xe chở khách ra phi trường Liên Khương:
“Mai cô đi rồi để lại em những lo lắng không nguôi, đầu óc
trống rỗng, ý nghĩ khô khan, chữ nghĩa thiếu hụt. Biết lấy gì viết để cô hiểu
và tin em yêu cô, yêu cuồng dại, yêu tha thiết, yêu với niềm lo sợ mất cô yêu bất
chấp cả mấy thằng giáo sư trù mạt, yêu say mê, yêu liều lĩnh đến cùng. Mai cô
đi rồi, để lại em với bao điều hối hận dày vò, tự trách đã si mê cuồng dại, đặt
tình yêu không đúng chỗ, trót đã trèo cao. Vì dù sao, dù sao cô còn trẻ đẹp quí
phái biết bao người âm thầm hay bộc lộ tình cảm đối với cô. Tỉ phú, giáo sư đại
học, phi công, bạn đồng nghiệp hiện tại và còn nhiều, nhiều lắm… Còn em, một học
trò, mà tàn ác nhất là học trò trường cô dạy, hai bàn tay trắng không biết đếm
tiền, chỉ biết đánh lộn, đánh vỡ hết những gì làm mình thất vọng khổ đau, với
vòng tay học trò không bao giờ ôm giữ nổi đời cô…”.
Trâm như muốn gục xuống
trên ghế. Những giọt lệ âm thầm đang chảy ngược vào tim. Trâm ước
gì mình có thể chạy về Đà Lạt ngay lúc đó để ôm Minh trong vòng tay, bất chấp mọi
điều có thể xảy ra. Trâm chỉ muốn ‘… Minh hiểu lòng một người đàn bà cô
đơn, tình yêu còn mãnh liệt gấp trăm nghìn lần tình yêu của một người con trai
vừa mới lớn’.
Đã có lần Trâm hỏi Minh bằng một câu trống không: Bắt đầu từ bao giờ? Minh
cười: Từ đêm giao thừa… Những câu đối thoại trống không như đồng
lõa với một tình yêu ngang trái. Trâm cũng tự hỏi mình từ bao giờ, quả thật
nàng cũng không biết. Tình yêu thường đến và đi trong đời người như một chiếc
bóng, xuất hiện dưới nhiều khuôn mặt khác nhau nhưng vẫn chỉ là những cái bóng,
không hơn không kém. Những mảnh ký ức rời rạc không thể là những bằng chứng xác
thực khi người ta không còn tin tưởng ở tình yêu.
Khi phi cơ đáp xuống phi trường Nha Trang, Trâm bỗng tự hỏi mình về đây làm
gì. Thế mà hôm Minh hỏi vì sao lại phải bỏ Đà Lạt trong mấy hôm, Trâm lại
nói, "mỗi lần cảm thấy tuyệt vọng, tôi lại bỏ đi"… Trâm bỗng
thấy chính Minh gợi nên niềm tuyệt vọng, ngao ngán và vô lý đó: "em
là người duy nhất trong suốt đời tôi, cho tôi niềm đau đớn kỳ diệu đó. Em không
hiểu. Không ai hiểu. Và suốt đời tôi độc thoại dưới một vùng trời tâm thức lạnh
lẽo này".
Sau ba ngày ở Nha Trang tựa như một tháng lưu đày, Trâm trở về Đà Lạt với
Minh trong tâm trạng của một “con thú dữ bị thương kiệt sức trở mình phủ phục trước người săn đuổi”. Chỉ mới ba ngày
xa nhau mà Trâm thấy Minh hoàn toàn thay đổi khi gặp lại nhau tại phi trường
Liên Khương: “…Từ đứa bé đến con trai.
Từ con trai đến đàn ông. Già dặn. Đỏm dáng. Và thành thạo trong cách hiên diện
trước mặt đàn bà”
…
-- Chân Minh làm sao
thế?
Trâm trở lên nhìn vệt
bẩn ở quần Minh gần đầu gối.
-- Hình như chảy máu.
Không sao.
-- Đánh nhau nữa rồi
phải không?
-- Ngã xe, không tin
hỏi thằng Hải xem.
-- Xức thuốc cho Minh
nhé?
…
“Trâm cúi xuống vết
thương, vừa xoa nhẹ miếng bông nhúng thuốc lên đùi Minh vừa nghiêng đầu thổi
nhè nhẹ. Cử chỉ dịu dàng và lòng thương âu yếm vô tư bỗng đuổi xa trong Trâm những
dày vò mệt mỏi, những xao xuyến khát khao. Chỉ còn lại tình cảm dạt dào bao
dung của người mẹ đón tiếp đứa con trai phung phá trở về. Và người chị ân cần
săn sóc đứa em hoang đàng ngổ ngáo. Trâm buông miếng bông đẫm thuốc xuống, xoa
nhẹ ngón tay buồn quanh vết thương và nhìn lên. Hai mắt Minh lúc đó như hai vệt
sáng lờ mờ vừa cuồng dại vừa não nùng của tia nắng quái chiều hôm…”
Sinh nhật Minh được
Trâm tổ chức tại nhà, thêm sự hiện diện của Hải, một người bạn và cũng là chủ
nhân chỗ trọ mới khi Minh ra khỏi nhà Trâm. Trong hơi men chếnh choáng, Trâm có
một cái nhìn rất rõ ràng về Minh:
“Nó không đẹp. Không dễ thương. Không một đặc điểm nào hết. Nhưng một
cái-gì-đó, cái-gì tôi không bao giờ níu giữ được dù đuổi bắt đến hết đời,
cái-gì-đó mê hoặc tôi, đảo lộn tôi, biến cải tôi hoàn toàn. Hoàn toàn về ý
nghĩ, suy tư, đời sống. Với nó, tôi vừa tìm gặp vừa mất tăm tôi. Nhưng điều khó
hiểu và vô lý đó có thực. Có thực như tôi ngồi khoanh tay tượng đá đêm nay nhìn
xuống nó…”.
Chuyện tình đang đi vào đoạn kết không lối thoát:
-- Em quyết định rồi. Đến gặp cô lần cuối chiều nay. Mai đi.
-- Minh.
-- Đi xa hẳn không ai biết đến nữa, cả cô, bè bạn, gia đình.
Trâm giật mớ tóc
trong tay Minh:
-- À, ra thế. Sao
không nói ngay còn quanh quẩn. Minh tưởng tôi đi tìm đấy hẳn. Việc gì phải đi
đâu xa. Ở đâu thì ở, nếu Minh đã muốn vậy thì mình coi nhau là người lạ, khó
gì. Muốn tránh tôi, việc gì phải trốn cả gia đình, bạn bè. Thật tiếc đã làm
Minh vướng víu bao lâu nay.
-- Ai vướng víu ai?
Chính em làm mất tự do của cô, mất liên lạc của cô với thiên hạ, những người
khác.
Trâm hét lên:
-- Thiên hạ, kẻ khác
nào? Thôi đi, đừng gán ghép liều mạng như thế. Đối với tôi, chúng nó không bằng
một sợi tóc của Minh. Trong đời sống này tôi như con ma chập chờn giữa những
xác chết. Minh đi đi là phải.
Khuôn mặt của Trâm nhợt
nhạt rồi nàng mím môi:
-- Nếu vậy,
sáng mai tôi cũng nghỉ dạy. Bỏ trường, bỏ học trò, bỏ nghề nghiệp, bỏ hết, bỏ hết.
Tôi cũng cần đi, cần phải đi, đi theo con đường khác hẳn của Minh, thế là xong,
quyết định cả rồi. Minh đừng tưởng tôi mê đời sống này đến nỗi trơ lì gan góc ở
lại với khoảng không trống lốc. Mình vô trách nhiệm với nhau. Tôi đi vì tôi muốn
đi. Minh đi vì Minh muốn đi. Vậy thôi. Giờ thì Minh có thể về, thu xếp cho xong…
Minh ra đi thật. Từ
ngày Minh đi, Trâm thích đứng sau khung cửa kính nhìn xuống con đường học trò.
Trạng thái đau đớn mơ hồ dần dần biến thành một cảm xúc nhẹ nhàng quen thuộc,
và Trâm im lìm nhận chịu như một vết thương êm ái.
“…Nàng ở lại, đau xót
ở lại, như con dã tràng loay hoay vô ích trên bãi cát tan hoang những lớp sóng
đời không ngừng tàn phá. Nàng sẽ nghĩ là Minh trưởng thành biến đổi, trong suốt
những ngày tháng qua, bằng trái tim và tâm hồn nàng. Để rồi con chim sẻ cất tiếng
hót ở một vòm trời xa lạ khác. Để rồi mỗi lần nàng thức giấc trong khoảng trống
đời mình, cất lời gọi kêu, không một tiếng gió lời chim nào đáp lại”.
Khi người phụ nữ còn
trẻ đẹp, họ có thể sống trong niềm kiêu hãnh vì được đàn ông quấn quýt xung
quanh. Nhưng đến lúc xế chiều, dung nhan tàn tạ, thì chỉ có tình thương thắm
thiết và dịu dàng mới giúp trái tim cằn cỗi gượng lại chút hơi tàn thoi thóp.
Trâm ý thức được một điều, đám đàn ông vây quanh mình chẳng khác gì diều quạ vỗ
cánh xuống một xác chết… chúng chỉ thèm rỉa thịt nhưng lại sợ phải tha theo
xương!
Chương 10 có rất nhiều
chuyện xảy ra, dồn dập như để đi đến những nút thắt cuối cùng của câu chuyện
tình ngang trái. Một trong những biến cố quan trọng là cuộc gặp gỡ giữa ông
Hân, ba của Minh, và cô giáo Trâm. NTH viết:
“-- Nó ở trong
nhà hẳn là phiền cô nhiều chuyện lắm?
-- Thưa ông, có gì là
phiền. Chỉ sợ em ở với ông sung sướng đã quen, nay trọ nhà tôi cái gì cũng
khác, đâu có đầy đủ được cho bằng ở nhà.
-- Sướng mới hư thân
mất nết. Chúng tôi thật khổ theo nó nhiều quá rồi.
-- Ở với tôi, Minh lo
học hành, cũng ngoan lắm, có gì đâu thưa ông.
Tuy nhiên, màn đóng kịch
của Trâm phải nói là… quá dở vì:
“…Ông Hân nhìn Trâm
chăm chú và mỉm cười. Trâm chợt lặng người như ông đang cười nhạt vào mặt mình,
này cô kia không qua mắt tôi nổi đâu đừng biện bác vô ích”.
Tiếp theo đó là bữa ăn tối giữa 3 người rồi lại còn đi xem phim, chi tiết này
tôi thấy NTH lồng ghép có vẻ không được tự nhiên làm mất kịch tính của diễn biến.
Để ba người chui vào rạp hát trong một hoàn cảnh căng thẳng là điều không hợp
lý, ngay cả Tây cũng không làm như vậy, không nói gì đến Ta!
Trên đường vào nhà,
Trâm và Minh bước đi lần lũi trong bóng đên, “Hai bàn tay lạnh buốt tìm
nhau. Một hòn sỏi lăn nhẹ xuống bậc thềm đá. Dưới cỏ, một con vật không tên nào
tìm đường lẫn trốn, tiếng động nhỏ, buồn mà vang xa như một lời van xin yếu đuối
tuyệt vọng. Trâm nghiêng người bước hụt bậc thềm cuối. Cánh tay nàng chạm vào
ngực áo len mềm dịu ấm áp của người con trai. Nàng nhắm mắt, mặc cho Minh dẫn
đường. Thôi thôi tôi sống cho đời đã quá nhiều, đã quá lâu, giờ xin một phút
cho tôi. Một phút mong manh đem trải dài khắp thời gian mai sau cao rộng. Cho
tôi sống một lần dù phải chết một đời. Thôi tôi không còn quá khứ không còn
tương lai không còn phải trái tốt xấu tội phúc…”.
NTH dẫn người đọc đến
một phiên họp của hội đồng kỷ luật nhà trường xét xử một trường hợp học sinh
‘có vấn đề’. Một số giáo sư (đa số là nam) cho rằng dù tên học trò đó có đủ điểm
trung bình hàng tháng nhưng nhà trường không thể chấp nhận một học sinh có hạnh
kiểm xấu. Một số khác lại cho rằng, theo nội qui thì hắn không hội đủ điều kiện
để bị đuổi học vì không đủ số cấm túc, số ngày nghỉ không phép. Lại có ý kiến
cho rằng đây là một trường hợp ngoại lệ, không thể hoàn toàn xử theo đúng nội
qui mà nên tìm cho nó một tội nào đó. NTH viết tiếp:
“Ông Hiệu trưởng ghi
vài chữ lên giấy rồi hỏi:
-- Như vậy không thể
đuổi hoặc thi lại tất cả các môn. Nhưng thằng đó tên gì?
Trâm nắm chặt tay vào
mép bàn. Giọng Trâm:
-- Nguyễn Duy Minh.
-- Được, tôi ghi tên
nó đây, có thể xét lại sau.
Trâm cảm thấy nhiều cặp
mắt của các giáo sư lặng lẽ quay về nàng. Trâm hoàn toàn thản nhiên như giữa
nàng và cái tên của bị cáo không một liên lạc nào. Nàng nhìn rất lâu vào từng
nét mặt xung quanh, thầm đoán một chiến trận sẽ tiếp diễn ở thời gian và địa điểm
khác, không có nàng tham dự. Nàng nghĩ đến rất nhiều vấn đề rắc rối gay go sẽ xảy
ra, nhiều bàn cãi sôi nổi sẽ khuấy động bầu không khí bình lặng của đời sống Đà
Lạt.
“Trâm bỗng cảm thấy
kiêu hãnh một cách rởm đời và ngu ngốc: trong khi mọi người đều khúm núm, sợ sệt,
chiều chuộng để bám chặt lấy mảnh vỏ đời như một loài sên giữ lấy thân cây, thì
nàng không cần gì cả, ngẩng đầu lên cao, khăng khăng bước theo một lối riêng của
mình và sẵn sàng rời tay khỏi sự sống đang nhìn mình gầm gừ, xua đuổi.
…
“Vòng đai kín đặc
của dư luận sẽ không gây một tác dụng nào trong đời sống nội tâm của tôi. Tôi
đánh liều cả đời mình vào một canh bạc lớn. Tôi biết là cuối cùng sẽ rỗng túi,
đứng lên, ra khỏi cuộc tranh chấp đó, thật dửng dưng và nhẹ nhàng. Tôi không cần,
tôi đã nói và đã sống không cần như thế. Mọi trường hợp kết án, ân xá hay giảm
khinh của những phiên tòa đời trở thành vô ích hoàn toàn đối với một tử tội đã
âm thầm dự định tự tử. Tôi muốn chết, không phải chán đời, nhưng vì tôi yêu đời
vô cùng mà cuộc đời đã phản bội không bao giờ như ý tôi”.
Minh đón Trâm sau
phiên họp ở trường. Một bữa ăn ‘thịnh soạn’ đã dọn sẵn trên bàn do chính tay
Minh vào bếp. Nhưng chỉ ăn được vài miếng, Trâm buông chén đũa ngồi lặng người
một lúc lâu, Minh ngơ ngác nhìn vào hai con mắt ngấn lệ của Trâm. Nàng nhìn lại
Minh thật lâu, mỉm cười, chớp nhẹ hàng mi và giọt nước mắt rụng xuống gò má
thoáng hồng:
-- Tự nhiên tôi
cảm thấy sung sướng vô cùng, cảm thấy… khó diễn tả được tình trạng này, nhưng một
đời người nhiều lắm cũng một đôi lúc được cảm thấy như thế. Đến hôm nay tôi mới
cảm thấy, mới nhận ra điều ấy. Thật muộn. Vì vậy mà tôi chợt thấy lo sợ mông
lung, như có một mất mát đổi thay nào sắp đổ ào tới. Và mình cũng không còn đủ
thì giờ để cảm thấy, nhờ nhau mà sung sướng nữa Minh à. Cũng không còn trở lại
những ngày qua được. Điều đó thật dĩ nhiên, nhưng phút này tôi thật đang cảm thấy
điều đó, như có thể chạm được bàn tay vô hình của số mệnh. Minh ăn đi chứ, tự
nhiên tôi nghẹn và no, và thế nào ấy, như bữa ăn này là bữa ăn cuối cùng có em
hoàn toàn…
…
Giọng Minh vẫn hồn
nhiên:
-- Sao thế, bữa nào
mình cũng ăn cơm với nhau mà.
-- Có thể vẫn còn,
nhưng không vui nữa, tôi linh cảm như thế.
Trâm kể lại chuyện họp
hội đồng kỷ luật, lập tức Minh phản ứng: “Trường làm như vậy, nếu học
trò căn cứ theo nội qui Bộ ấn định mà phản đối và khiếu nại, họ sẽ bị lật tẩy.
Thế nào cũng có đứa làm như thế. Nhiều chuyện vô lý đã xảy ra, bọn nó công phẫn
lắm rồi. Em thì không cần, cóc thèm học trường này nữa, sẽ rút học bạ xin thôi
trước khi họ tìm cách tống khứ. Bọn hèn!”
Tôi thấy bút pháp của
NTH đã trở nên ‘rối loạn’ ở Chương 11, chương cuối cùng của VTHT.
Không gian và thời gian hình như bị rối tung khi người đọc theo dõi đến đoạn
chót. Chỗ nào cũng thấy nói đến ‘ngày mai phải xa nhau’ nhưng hình như
‘ngày mai’ đó không khác gì cách quảng cáo của một tiệm ăn với tấm bảng ‘Ngày
mai ăn khỏi trả tiền’ khiến cho khách cứ dài cổ chờ một ngày mai không
đến.
Chuyện tình đã lên đến
‘đỉnh điểm’, hay xuống ‘đỉnh đáy’, nên tác giả bị lạc mất phương hướng thời
gian và không gian chăng? Chuyện Minh rời xa Trâm, nói dối là đi Blao, nhưng kỳ
thật là đi với diễn viên Bích Phương khi đoàn Anh Vũ lên diễn tại Đà Lạt cũng
làm cho người đọc bất ngờ về hành động của Minh đang yêu Trâm tha thiết.
-- Em xin lỗi
cô, xin lỗi cô…
-- Sao lại xin lỗi
tôi?
-- Như vậy là em có lỗi
với cô.
-- Tôi chỉ buồn em đã
nói dối. Còn chuyện em đi chơi không sao cả. Nhưng sao em lại nói dối tôi thế
Minh. Sao thế Minh?
-- Em sợ… sợ mất cô.
Trâm thẩn thờ:
-- Em mất tôi à. Tôi
mất em chứ. Mất còn mà làm gì. Mai em đi rồi. Mai tôi đi rồi.
Minh được mô tả là ‘trên
môi lúc nào cũng có một điếu thuốc’. Tuy nhiên, NTH đã để cho Minh lúc buồn
thì hút Bastos, lúc vui thì hút Salem rồi lại có lúc lại hút Winston…
Hóa ra tác giả muốn xây dựng một Minh ‘nghiện thuốc’ qua từng trạng thái tâm hồn.
Đây cũng là một điểm yếu của nhà văn nữ NTH. Khi người đàn ông nghiện thuốc, họ
rất trung thành với loại thuốc đang hút chứ không đổi gout soành soạch.
“Đâu đó phảng phất mùi khói thuốc. Nàng nhìn lên môi Minh tìm ánh lửa cháy đầu
điếu bastos. Nhưng Minh không hút, không xoay trở, không tỏ một vẻ gì nôn nao
hay vội vàng, bực tức hay khó chịu như thường lệ. Cả khuôn mặt Minh tắm đẫm màu
hồng diễm ảo của ánh sáng từ chao đèn tỏa xuống.
Bỗng VTHT đột ngột
chuyển sang không gian mới khiến người đọc đi từ ngỡ ngàng này đến ngỡ ngàng
khác. Minh đã bỏ Đà Lạt và về Sài Gòn sống trong tuyệt vọng, ám ảnh với Bích
Phương:
“Vì sao mình sống thế từ một tháng nay về Sài Gòn mất hút
tin Trâm, từ khi cơn ám ảnh về Trâm trở nên một đam mê tuyệt vọng không thể nào
khuây lãng, lẩn trốn và tìm quên chỉ thêm rõ nét ảnh hình xa cách. Khắp những
miền phung phá ban đêm, phòng trà, quán rượu, vũ trường, đến đâu rồi Minh cũng
nhìn thấy lãng đãng yêu ma khuôn mặt đó. Vầng tóc đó. Ngôi nhà hoang lạnh đó.
…
“Mười giờ, cả bọn kéo
đến vũ trường Tự Do. Nhảy mấy bản twist, mồ hôi ra khắp người, chân tay lạnh
giá, Minh trở về chỗ ngồi trong ghế tối nhìn ra sàn nhảy. Phương quay cuồng với
Khang ở đó. Rồi với người khác. Với những người khác. Cơn chán ngán nghẹn ngào
dâng lên, Minh châm thuốc thở khói vào âm u của nỗi buồn đêm, và nhớ lại. Thế
giới rộn ràng nhỏ bé của Sài Gòn thu hút rất mau những ai mới bỡ ngỡ tìm đời và
làm chán ngán rã rời những tâm hồn đã tìm thấy một tình yêu, một thiên đường,
đã được và mất ở một nơi nào khác”.
Sài Gòn ăn chơi là
Sài Gòn hai mặt: điên cuồng, háo hức bên ngoài và chán chường, tức tủi bên
trong. Đây là nơi tìm sự sống và cũng để quên mình phải sống. Đây là nơi thoát
ly của những người chán ngấy dư luận hẹp hòi, nọc độc ở các tỉnh nhỏ. Những anh
trốn vợ, những chị trốn chồng đi tìm tình yêu khác. Những kẻ sợ hãi cô đơn sau
một thất bại tuyệt vọng của đam mê cùng cực hoan lạc hay não nùng. Tất cả đều đổ
xô về bám víu lấy những vĩa hè Sài Gòn và trong đó có Minh.
Trâm cũng bỏ Đà Lạt. “Tuần
sau tôi trở về, tôi trở về với em”, Trâm đã nói thế buổi cuối cùng khi
Minh đưa tiễn nàng về Nha Trang. Nhưng ngày thứ ba tuần đó Minh ra Air Việtnam
chờ chuyến bay Nha Trang lên Đà Lạt, cho đến mười một giờ chuyến đưa hành khách
về hãng mà bóng Trâm vẫn biệt tăm.
“Minh lang thang từ
con đường này sang đường khác. Con phố nhấp nhô heo hút quay cuồng đảo lộn lùi
dần về phía sau. Hồ im thoi thóp nhớ mặt trời. Con đường ẩm ướt dưới chân như
chạy dài vô tận. Điếu thuốc cháy đỏ đầu môi phảng phất hơi ấm một ngày đầu họp
mặt. Cái tàn dài lả tả rung trong mưa bay. Búng mẫu thuốc ra xa, Minh nghĩ thế
là hết. Nhưng còn phảng phất mơ hồ an ủi và hy vọng. Có thể vì một lý do nào
đó, Trâm về muộn. Thôi chờ đến thứ sáu.
…
“Nằm im, nằm chết, nằm mê thiếp một tuần, hai tuần nhà thằng bạn. Minh chờ
khắc khoải một dòng thư, một tiếng vọng đáp lời. Thiên đường im tiếng. Không ai
đáp lời và Minh lầm lũi bỏ đi, đớn đau mỏi mệt ngã vào vòng tay niềm nở của
Sàigòn…
Tại Sài Gòn, Minh đã có lần tâm sự với một người bạn: tình yêu đã đi vào
ngõ cụt, bài toán của cuộc đời sẽ không bao giờ tìm ra đáp số. Gia đình đã đưa
ra ‘tối hậu thư’, hoặc tiếp tục gặp Trâm hoặc trở về cuộc sống bình thường với
gia đình. Minh đã chọn ở lại theo bản năng của tuổi trẻ. Bây giờ Trâm lại bỏ đi
nên sự hy sinh trở thành vô ích. Như một con chim chưa đủ lông, đủ cánh, Minh
chưa đủ sức để bay một mình nên vất vưởng giữa Sài Gòn muôn màu và nhiều cám dỗ.
Nhưng định mệnh đã đưa đẩy họ nhìn thấy nhau tại Sài Gòn và NTH kết thúc
câu chuyện tình với những dòng cuối:
“Nàng đi ngược lại Brodard, qua phía Tự Do tìm người mù bán thuốc. Cửa vũ
trường bỗng mở nhẹ nhàng. Trâm nhìn lên. Minh. Trái đất quay một vòng trong chớp
mắt im sửng. Dưới ánh đèn màu khuya, muộn hắt hiu, Trâm nhận ra mái tóc bồng bềnh,
hai con mắt thờ ơ, đôi môi tràn đầy của mùa tình Đà Lạt. Trong bóng dáng tình
khuya đó, Trâm thoáng thấy hình ảnh xa lạ của chính mình chập choạng lung linh.
Tia nhìn bỗng lạc mất nhau. Nàng đi qua, đi qua, đi qua không một bước chân dừng
lại. Con đường bỗng lún xuống phía sau, Trâm nghe tiếng rơi vỡ của một tượng
đen vào quá khứ…. Kim đồng hồ nhà bưu điện tìm nhau trên số hai. Chiếc Sport
lao vút về xa lộ. Tựa đầu vào thành xe, hàng mi khép kín, Trâm thì thầm trong
khoảng không, đêm ơi, đêm ơi.
***
Trong một cuộc phỏng
vấn của Tố Tâm trên tạp chí Ðất Mới (số 4, bộ 2, tháng 4/1990), Nguyễn Thị
Hoàng tâm sự: “Từ năm 1966 đến 1969, mình viết liên tục theo những ‘đơn đặt
hàng’. Trong thời gian này mình viết rất nhanh, có khi viết hai, ba truyện cùng
một lúc... rồi thì lại buồn chán, mệt mỏi, kiệt sức và mất hoàn toàn tinh thần
làm việc vì trong suốt những năm dài liên tục mình chỉ sống với bổn phận làm vợ,
làm mẹ và gánh vác kinh tế gia đình. Cái nguồn sống riêng phải nín lại, bị khô
héo đi. Sau một chuyến đi xa vào năm 1970 mình lấy lại được hứng khởi và phần
không nhỏ cũng vì năm đứa con, một đòi hỏi lớn về kinh tế gia đình nên phải tiếp
tục viết... Do đó mà chưa có quyển nào coi như được viết từ tim óc của mình.
…
“Truyện mình viết
thường là truyện tình bế tắc và đi xuống. Trong đó những vai nữ bao giờ cũng
khát khao đi tìm một đời sống thật của mình, nghĩa là tìm kiếm chính mình. Những
nhân vật nữ lang thang bất định, và xa rời với phận sự gia đình. Chất liệu lấy
từ những năm bất ổn lênh đênh trong cuộc đời đã qua của mình, đôi khi được ráp
nối với những câu chuyện thời sự, cộng với một phần tưởng tượng, phóng tác, vẽ
vời... rồi ráp thành chuyện. Không biết bên đàn ông thì sao, chứ cánh đàn bà
thường mắc phải cái này là có những nét của nhân vật hoặc chính, hoặc phụ, thế
nào cũng hắt bóng cá tính thói quen, đường nét và vóc dáng của tác giả. Riêng về
Vòng Tay Học Trò, nếu bảo đó là thực thì cũng không hẳn là thực mà bảo là không
thực thì... cũng chẳng phải là thế. Dư luận trộn lẫn tiểu thuyết của mình với đời
sống thật. Cũng vì thế mà có những tiếng ác ý lao xao về đời sống của mình. Cho
nên chỉ có cách là... phải thản nhiên.
***
Sau cơn bão tình tại
Đà Lạt, tôi tình cờ gặp lại Mai Tiến Thành tại Sài Gòn, hai đứa lúc đó đều đã
khoác áo lính. Thành là lính báo chí Quân đoàn II đóng tại Pleiku còn tôi quanh
quẩn ở trường Sinh ngữ Quân đội. Làm báo, dù là báo quân đội, Thành cũng có một
tác phẩm, nếu so với VTHT của NTH thì chỉ là ‘anh tí hon’ bên
cạnh ‘người khổng lồ’ cả về hình thức cũng như nội dung. Thành
tặng tôi cuốn Tiếng nói học trò nhưng đến nay cuốn truyện này
đã thất lạc. Tôi chỉ còn nhớ đại khái cuốn truyện xoay quanh thế giới học trò với
những từ ngữ quậy phá, châm chọc qua những tình tiết khôi hài trong trường,
trong lớp.
Sau 1975, chúng tôi đều
đi học tập cải tạo nhưng cuộc đời Thành gặp nhiều may mắn: đi vượt biên chỉ một
lần là tới nơi và chỉ vài tuần sau lại được hội ngộ với vợ con ngay trên đảo. Bẵng
đi một thời gian, chúng tôi lại gặp nhau ở Sài Gòn trong chuyến về thăm lại Việt Nam.
Mai Tiến Thành khi đó đã hoàn toàn thay đổi, khác hẳn Minh của thời Đà Lạt và
Thành của thời mặc áo lính. Thành lúc này là một người đàn ông chững chạc, ăn
nói điềm đạm, cử chỉ từ tốn và có vẻ như an phận, khác hẳn với Thành của tuổi
trẻ bão táp.
Không ngờ lần gặp
nhau tại Sài Gòn là lần cuối trong đời. Năm 2008, Mai Tiến Thành đã từ trần tại
Hoa Kỳ trong sự thương tiếc của gia đình và bạn bè. Tôi viết lại những dòng hồi
ức này thay cho một một nén hương lòng để tưởng nhớ một người bạn thân thiết từ
thời trung học.
William Shakespeare
viết:
“Tuổi trẻ hoang dại, tuổi già thuần tính
Hỡi tuổi già, ta thù
ghét ngươi; hỡi tuổi trẻ, ta quý mến ngươi”
(Youth is wild, age is tame
Age, I do abhor thee;
youth, I do adore thee)
Mai Tiến Thành tại
nhà quàn Peak Family, Hoa Kỳ
Nguồn: http://www.flickr.com/photos/thbmt/2939935806/
***
Tác phẩm của Nguyễn
Thị Hoàng:
Vòng tay học trò (truyện dài,
Kim Anh,1966)
Tuổi Sàigòn (truyện dài,
Kim Anh, 1967)
Ngày qua bóng tối (truyện dài,
Văn, 1967)
Trên thiên đường ký ức (tập truyện, Hoàng Đông Phương, 1967)
Vào nơi gió cát (truyện dài,
Hoàng Đông Phương,1967)
Mảnh trời cuối cùng (truyện ngắn,
Hoàng Đông Phương,1968)
Cho những mùa xuân
phai (tập
truyện, Văn Uyển, 1968)
Về trong sương mù (truyện dài,
Thái Phương, 1968)
Cho đến khi chiều xuống (truyện dài,
Gió, 1969)
Đất hứa (truyện dài,
Hoàng Đông Phương, 1969)
Tiếng chuông gọi người
tình trở về (truyện
dài, Sống Mới, 1969)
Vực nước mắt (truyện dài,
Gió, 1969)
Vết sương trên ghế đá
hồng (truyện
dài, Hoàng Đông Phương,1970)
Tiếng hát lên trời (truyện dài,
Xuân Hương, 1970)
Trời xanh trên mái
cao (truyện
dài, Tân Văn, 1970)
Bóng người thiên thu (truyện dài, Hoàng Đông Phương,1971)
Bóng tối cuối cùng (truyện dài,
Giao Điểm, 1971)
Tình yêu, địa ngục (truyện dài,
Nguyễn Đình Vượng, 1971)
Định mệnh còn gõ cửa (truyện dài, Đồng
Nai, 1972)
Bây giờ và mãi mãi (truyện dài, Đời
Mới, 1973)
Bóng lá hồn hoa (truyện dài,
Văn, 1973)
Năm tháng dìu hiu (truyện dài, Đời
Mới, 1973)
Trời xanh không còn nữa (truyện dài, Đời
Mới, 1973)
Tuần trăng mật màu
xanh (truyện
dài, Đồng Nai, 1973)
Buồn như đời người (truyện dài, Đời
Mới, 1974)
Chút tình xin lãng
quên (truyện
dài, Trương Vĩnh Ký, 1974)
Cuộc tình trong ngục
thất (truyện
dài, Nguyễn Đình Vượng, 1974)
Dưới vầng hoa trắng (tập truyện, Sống
Mới, 197?)
Nhật ký của im lặng (Đồng Nai,
1990)
Nguyễn Thị Hoàng, quê Quảng Điền, Triệu Đại, Triệu Phong, còn là một nhà thơ và dưới đây là một bài thơ đặc biệt mang âm sắc miền Trung:
CHI LẠ RỨA
Chi lạ rứa, chiều ni
tui muốn khóc
Nhìn chi tui - đồ cỏ
mọn hoa hèn
Ngó chi tui - đồ đom
đóm trong đêm
Cho thêm tủi bên ni bờ
cô tịch
Tui ao ước có bao giờ
tuyệt đích
Tui van xin răng mà cứ
làm ngơ
Rồi ngó tui, chi lạ rứa:
hững hờ
Ghép yêu mến, vô
duyên và trơ trẽn
Tui đã tắt nỗi ngại
ngùng bẽn lẽn
Bởi vì răng? Ai biết
được người hè!
Nhưng mà chiều đã rủ
bóng lê thê
Ni với nớ có khi mô
mà gần gũi
Chi lạ rứa! Răng cứ
làm tui tủi
Tàn nhẫn chi với một
đứa thương đau
Cảm tình câm nên
không sắc không màu
Và vạn thuở chẳng nên
tình luyến ái
Chi lạ rứa? Người cứ
làm tui ngại
Biết sông sâu hay cạn
giữa tình đời
Bên ni bờ vẫn trong
trắng chơi vơi
Mà bên nớ trầm ngâm
mô có kể
Tui không muốn khóc
chi những giọt lệ
Đọng làn mi ấp ủ mối
tâm tình
Bên ni bờ hoa thắm hết
tươi xinh
Mà bên nớ huy hoàng
và lộng lẫy
Muốn lên thuyền mặc
sóng cuồng xô đẩy
Nhưng thân đau nên chẳng
dám đánh liều
Đau chi mô! Có lẽ hận
cô liêu...
Mà chi lạ rứa hè? Ai
hiểu nổi!
Tui không điên, cũng
không hề bối rối
Ngó làm chi cho tủi
nhục đau thương
Tui biết tui là hoa dại
bên đường
Không màu sắc, chi lạ
rứa hè, người hí
Tui cũng muốn có một
người tri kỷ
Nhưng đường đời như rứa
đó, biết mần răng?
Tui muốn kêu, muốn gọi,
muốn thưa rằng
Chờ tui với! A, cười
chi lạ rứa?
Tui không buồn, răng
mắt mờ lệ ứa!
Bởi vì răng tui có hiểu
chi mô
Vì lòng tui là mặt nước
sông hồ
Chi lạ rứa, bên ni bờ
tui khóc...
Xem thêm:
·
Hồi
ức học trò – Nguyễn Ngọc Chính:
http://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/09/hoi-uc-hoc-tro.html
·
Khóc
Mai Tiến Thành – Chinh Nguyên:
http://www.vantholacviet.org/news-103/17/Tạp-ghi/Khoc-Mai-Tien-Thanh.htm
***
* Tham khảo thêm một
số bài viết về tác giả Nguyễn Thị Hoàng và tác phẩm “Vòng tay học trò”:
· Đọc
lại Vòng Tay Học Trò của Nguyễn Thị Hoàng (1)
https://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/10/oc-lai-vong-tay-hoc-tro-cua-nguyen-thi.html
· Đọc
lại Vòng Tay Học Trò của Nguyễn Thị Hoàng (2)
https://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/10/oc-lai-vong-tay-hoc-tro-cua-nguyen-thi_13.html
· Nhà
văn nữ trước 1975: Nguyễn Thị Hoàng
https://chinhhoiuc.blogspot.com/2012/11/nha-van-nu-truoc-1975-nguyen-thi-hoang.html
· Gặp
lại tác giả “Vòng tay học trò”
https://chinhhoiuc.blogspot.com/2020/12/gap-lai-tac-gia-vong-tay-hoc-tro.html
Đọc thêm:
Mai Tiến Thành, nhân
vật chính trong Vòng tay học trò.
Hồi ức về một người bạn ngày xưa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét