Duyên Anh sinh ngày 16 tháng 8 năm 1935 tại Thái Bình Bắc việt, mất ngày 6 tháng 2 năm 1997 tại Paris, Pháp (nhằm ngày 29 tết). Ông đã xuất bản năm mươi tác phẩm văn chương. Năm 1975, bị coi như "một trong mười nhà văn nguy hiểm nhất của Việt Nam", chế độ mới cấm ông viết lách và bắt giam không xét xử suốt sáu năm qua các nhà tù và trại tập trung. Ông được tự do nhờ Amnesty International và Pen Club International can thiệp. Vượt biển sang Pháp, ông viết lại và cho xuất bản gần hai mươi tác phẩm, trong đó Un Russe à Saigon và La colline de Fanta do nhà Belfond xuất bản. Báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình Pháp viết nhiều, nói nhiều về ông. Sử gia Piere Chaunu, giáo sư đại học Sorbonne, nhà văn lừng danh coi Duyên Anh là "nhà thơ lớn, vinh quang của quốc gia". Chưa một người Việt Nam nào tạo nổi sự vinh dự cho dân tộc ở tư thế lưu vong như Duyên Anh. Tự tin vào tài năng và sự phấn đấu của chính mình, ông đã bước lên mọi nghịch cảnh, bước qua mọi oan khiên để giành một chỗ đứng trên vũ trụ văn học quốc tế như một tiểu thuyết gia đầy đủ tư cách. (vietmessenger)
Sau sự kiện 30
tháng 4 năm 1975, cùng với Doãn Quốc Sĩ, Dương Nghiễm Mậu, Nhã
Ca, Phan Nhật Nam, Thanh Tâm Tuyền, Duyên Anh bị liệt danh là một
trong 10 nghệ sĩ nêu danh là "Những Tên Biệt Kích của Chủ nghĩa Thực Dân Mới
Trên Mặt Trận Văn Hóa - Tư Tưởng" và tác phẩm bị cấm lưu hành.
Gần như có hai con người
đối lập trong ông. Một Duyên Anh nhà văn có lối viết nhẹ nhàng, trong sáng, mơ
mộng, đầy ấp tình người. Và một Duyên Anh nhà báo ngổ ngáo, tai tiếng, lắm kẻ
thù với những bài viết sống sượng và cay độc. Ông được đánh giá là một nhà
văn, nhà báo có chỗ đứng cao trong văn học nghệ thuật Việt Nam, sức sáng tạo dồi
dào: 34 năm cầm bút với 101 tác phẩm. (vi.wikipedia).
Duyên Anh: Đời lưu vong
bi kịch
Cho dù Duyên Anh có thế nào đi nữa,
thì ông cũng là một người cầm bút, không có lấy một tấc sắc trong tay để tự vệ.
Nhân danh bất cứ một điều gì để tấn công và hạ thủ một người như thế rõ ràng là
một tội ác.
Là một trong những nhà
văn nổi tiếng của miền Nam trước năm 1975, Duyên Anh được biết đến như một con
người nhiều tài, lắm tật, miệng làm hại thân! Tôi quen biết Duyên Anh từ lâu, từ
dạo tôi vẫn thường hay chầu rìa những canh xì phé nảy lửa của những "hão
thủ" lừng lẫy trong làng báo Sài Gòn trước 1975 với một vài doanh nhân,
chính khách. Thuở đó, thân phận và túi tiền của tôi không đủ "tư
cách" ngồi cùng chiếu với các đàn anh. Vào sòng xì phé là có thể biết ngay
tính cách của từng người. Duyên Anh thích "tháu cáy" và khích tướng đối
thủ, nhưng lại rất cay cú khi bị người khách "tháu cáy". Thế nhưng
sau 1975, tôi mới thật sự thân thiết với Duyên Anh. Ông từng coi tôi như một
người bạn vai em ruột rà. Điều này đã được ông viết trong hồi ký.
Năm 1954, Duyên Anh di
cư vào Nam. Để kiếm sống, ông đã làm mọi công việc của một thanh niên hè phố,
chẳng có nghề ngỗng nào nhất định. Khi thì theo một nhóm sơn đông mãi võ, khi
tháp tùng đoàn cải lương lưu diễn đây, mai đó. Lại có lúc quảng cáo cho gánh xiếc
rong, rồi giữ xe đạp hội chợ… Sang trọng nhất là làm gia sư, dạy kèm cho trẻ
con và dạy đàn ghita, sáo trúc cho những người theo học vỡ lòng nghệ thuật.
Duyên Anh làm thơ rất sớm,
đến những năm cuối của thập niên 50, ông bắt đầu viết văn xuôi. Viết để thỏa
mãn giấc mơ cầm bút, chẳng đăng đâu cả. Mãi đến năm 1960, ông được nhà văn Trúc
Sĩ dẫn tới diện kiến nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, lúc đó đang làm chủ bút tờ Chỉ Đạo.
Bài thơ "Bà mẹ Tây Ninh" - sáng tác đầu tiên của ông được đăng
trên tờ báo này. Một tháng sau, thêm truyện ngắn "Hoa Thiên Lý", rồi
"Con sáo của em tôi" tiếp tục có mặt trên tờ Chỉ Đạo, với lời giới
thiệu bốc tới mây xanh của Nguyễn Mạnh Côn. Ngay lập tức, ông được người đọc
đón nhận nồng nhiệt. Mỗi truyện được trả nhuận bút 5.000 đồng, thời đó mua được
hơn một cây vàng. Nguyễn Mạnh Côn tỏ ra rất ưu ái, tận tình nâng đỡ Duyên Anh để
sáng tác của ông thường xuyên xuất hiện trên văn đàn. Và đây cũng là đầu mối
oan nghiệt cho cả hai sau này.
Đến năm 1961, khi ông
Nguyễn Mạnh Côn rời tạp chí Chỉ Đạo thì Duyên Anh đã thành danh. Ông bắt đầu
tung hoành làng báo Sài Gòn với nhiều bút danh khác nhau: Thương Sinh, Mõ Báo,
Thập Nguyên, Vạn Tóc Mai, Nã Cẩu, Lệnh Hồ Xung, Độc Ngữ …bằng một giọng văn
châm chọc, hết sức cay độc. Thời đó, có hai nhà văn làm báo mà người ta sợ nhất,
đó là Chu Tử với bút hiệu Kha Trấn Ác, trong mục Ao Thả Vịt và Duyên Anh. Nạn
nhân của Duyên Anh không phải chỉ toàn là người xấu, mà nhiều khi chỉ là một ai
đó bị ông ghét, cũng bị ông lôi lên mặt báo, "đánh" không thương tiếc!
Sự kiêu căng, miệng lưỡi cay độc của ông đã gây dị ứng cho không ít người. Một
nhân vật lãnh đạo chóp bu của Việt Nam Cộng hòa, khi lưu vong ở Mỹ đã bắn tiếng
với ông Tô Văn Lai của chương trình Thúy Nga Paris rằng: "Bảo thằng Duyên
Anh câm mồm nó lại".
Duyên Anh được xem như
tay tổ trong loại sách "xúi con nít đập lộn", với những cuốn tiểu
thuyết viết về giới du đãng rất ăn khách như "Điệu ru nước mắt",
"Sa mạc tuổi trẻ", "Vết thù trên lưng ngựa hoang". Tác phẩm
của ông từng ngợi ca tay anh chị Trần Đại (Đại ca Thay) như một kẻ giang hồ mã
thượng. Trong một bài phỏng vấn, tuần báo Đời hỏi ông: Tại sao trong thời buổi
nhiễu nhương lại tôn vinh một tay du đãng, sống ngoài vòng pháp luật lên tận
mây xanh? Duyên Anh trả lời: "Chính vì thời buổi nhiễu nhương, không có thần
tượng cho tuổi trẻ, nên phải đi tìm cho họ một mẫu thần tượng. Xem ra, Trần Đại
là xứng đáng hơn cả".
Duyên Anh là người thẳng
thắn, yêu, ghét rạch ròi. Đã quý mến ai rồi thì ông sống trọn tình, trọn nghĩa
với người đó.
Năm 1978, Duyên Anh gặp
lại Nguyễn Mạnh Côn trong trại cải tạo. Nhà văn Nguyễn Mạnh Côn có thâm niên
hơn 40 năm là đệ tử của ả phù dung nên sức khỏe rất yếu. Biến chứng tâm, sinh
lý của một con người có quá trình "phi yến thu lâm" (đọc trại cho…
sang chữ "phiện, thú lắm") quá dài nên khi bị bắt buộc phải cai, cơ
thể ông bị hành hạ liên tục. Do đó, sinh hoạt của ông rất bê bối, khiến đa số
trại viên khác, dù có thông cảm đến mấy cũng không muốn gần gũi, chia sẻ, trong
đó có Duyên Anh. Người khác chẳng sao, nhưng với Duyên Anh, Nguyễn Mạnh Côn cho
rằng đó là bội bạc. Nhiều lần ông Côn nói với mọi người: "Không có tôi thì
đã không có Duyên Anh! Tôi mà không biên tập nát ra thì truyện của nó ai mà
thèm đọc". Và Duyên Anh đã phản ứng theo đúng tính cách kiêu ngạo của ông:
"Không có "Côn Hít" thì Duyên Anh vẫn là Duyên Anh. Ông Côn giỏi
sao không biến một thằng cha căng chú kiết nào đó thành một văn tài mà phải đợi
đến Duyên Anh?" Từ đó, cả hai nhìn nhau tuy bằng mặt, mà không bằng lòng.
Cũng chỉ có thế, ngoài ra Duyên Anh không có bất kỳ hành vi, thủ đoạn nào ác ý
với Nguyễn Mạnh Côn, như lời đồn đại đầy ác ý của những kẻ thù ghét Duyên Anh
sau này. Nhiều người biết rất rõ chuyện này, hiện vẫn còn sống…
Năm 1981, Duyên Anh được
trở về với gia đình khi vợ và các con đã định cư tại nước ngoài. Năm 1983, ông
vượt biên sang Malaysia, rồi sinh sống tại Pháp, tiếp tục viết. Cùng phận lưu
vong nhưng ông không tiếc lời thóa mạ những đảng phái, phe nhóm chính trị lưu
manh đang hoạt động tại hải ngoại. Duyên Anh gọi bọn họ là những kẻ giả hình,
những tay lừa bịp, mộng du, chiến đấu trong chiêm bao. Ông cũng lên án đám lãnh
đạo, chính khách, tướng tá của Việt Nam Cộng hòa toàn là một lũ vô tài, bất tướng,
giàu của cải nhờ bóc lột, nhưng quá nghèo nàn liêm sỉ và nhân cách.
Duyên Anh đã gục ngã ở
một nơi được ca tụng như là thiên đường của thế giới tự do. Cũng tại nơi đó,
nhà báo Đạm Phong, nhà văn Hoài Điệp Tử… đã bị sát hại một cách tàn nhẫn; cựu
sinh viên Đoàn Văn Toại (nhạc gia của ca sĩ Trần Thu Hà) đã bị bắn trọng thương
bởi những đồng hương quá khích do bất đồng chính kiến. Năm 1988, Duyên Anh sang
thăm Hoa Kỳ. Xui cho Duyên Anh, ngày 30/4/1988, ông cùng một người bạn - họa sĩ
Trần Đình Thục đi trên đường Bolsa, đúng vào lúc mặt trận bịp bợm Hoàng Cơ Minh
đang biểu dương lực lượng, với mấy chục người loe hoe… Trước đó, Duyên Anh đã từng
không tiếc lời chỉ trích mặt trận bịp này trên báo Ngày nay bằng những lời lẽ nặng
nề. Ông còn viết cả một cuốn tiểu thuyết mang tựa đề "Tuổi bướm sầu"
để vạch trần bộ mặt đểu cáng của những tên chóp bu và những hành động bỉ ổi của
mặt trận này. Nhận ra Duyên Anh, một gã thanh niên có thân hình vạm vỡ cầm một
cục đá từ trong đám đông xông ra. Duyên Anh bị đánh tới tấp vào đầu, gục xuống
trên vũng máu. Sau ca cấp cứu, ông được đưa về Pháp sống đời phế nhân, cánh tay
phải và nửa thân hình gần như liệt hẳn. Điều đáng nói, hầu như tất cả các
phương tiện truyền thông của người Việt ở hải ngoại, không nơi nào dám lên tiếng
bênh vực Duyên Anh, hoặc lên án hành động mang nặng tính khủng bố của những kẻ
chủ mưu. Người ta chỉ thấy một vài tờ báo Việt ngữ loan tin một cách hả hê bên
cạnh tấm hình Duyên Anh nằm bất tỉnh, đầu vẹo sang một bên, giây nhợ chằng chịt
từ đầu xuống cổ!
Dư luận trong cộng đồng
người Việt hải ngoại rộ lên nghi vấn chính mặt trận Hoàng Cơ Minh là thủ phạm.
Chúng đã cho tay chân sát hại Duyên Anh để trả thù chứ không chỉ là một trận
đòn dằn mặt. Một nguồn dư luận khác, cũng không kém phần sôi nổi, và cũng được
nhiều người tin, dù rất mơ hồ, không cơ sở: Duyên Anh bị những người yêu mến
Nguyễn Mạnh Côn hành hung để phục hận cho những ngày hai người sống chung trong
trại cải tạo. Trong giới văn nghệ sĩ của Sài Gòn trước đây đang sống ở hải
ngoại cũng có người vì hiềm khích cá nhân với Duyên Anh mà công khai lên tiếng
công kích ông một cách mạnh mẽ. Điển hình là trường hợp Tạ Tỵ.
Trước 1975, Duyên Anh
và Tạ Tỵ đã như sừng với đuôi. Sau giải phóng, NXB Công an nhân dân có phát
hành cuốn sách "Những tên biệt kích cầm bút", trong đó có điểm tên
nhiều văn nghệ sĩ sừng sỏ của Sài Gòn. Tuyệt nhiên không thấy có tên Tạ Tỵ.
Nhưng theo Duyên Anh, khi sang Mỹ, đi đâu ông Tạ Tỵ cũng tự nhận mình có tên
trong số "những tên biệt kích" đó. Duyên Anh giễu cợt Tạ Tỵ
"nhận xằng, khôi hài". Lửa đổ thêm dầu, Duyên Anh càng trở thành cái
gai trong mắt ông Tạ Tỵ.
Nhưng cho dù Duyên Anh
có thế nào đi nữa, thì ông cũng là một người cầm bút, không có lấy một tấc sắc
trong tay để tự vệ. Nhân danh bất cứ một điều gì để tấn công và hạ thủ một người
như thế rõ ràng là một tội ác. Duyên Anh kéo dài cuộc sống tàn phế tại Pháp,
cho đến ngày 6/2/1997 thì qua đời vì bệnh xơ gan.
Tác giả bài viết này
còn nợ Duyên Anh một món nợ tinh thần. Trong một lần đau ốm, ngỡ mình sắp chết,
Duyên Anh đã nhờ tôi học thuộc lòng một bài thơ của ông với lời căn dặn một
ngày nào đó, gặp được vợ con của ông thì đọc cho họ nghe. Ông đọc cho tôi, Đằng
Giao và Dương Đức Dũng cùng nghe, bắt học thuộc lòng và sau đó xé mất. Đó là
bài thơ có tựa đề là "Đảng tử sám hối". Trong bài có những câu tự vấn
lương tâm và thói kiêu ngạo một thời: "Ta dại khờ múa hát giữa ngàn
hoa/ Ca bóng tối cứ ngỡ là ánh sáng/ Ta ru hồn ta tháng ngày bịnh hoạn/ Với
kiêu sa dị hợm chút tài hèn/ Hỡi cánh diều căng gió vút bay lên/ Ngạo nghễ lắm
mà quên dây sắp đứt/ Mũi tên oan phóng đi không thương tiếc/ Lưỡi gươm đau chém
nát đóa môi cười/ Anh nhìn anh xưa thế đó em ơi/ Những đổ vỡ của một thời lang
bạt…".
Tôi tin là Duyên Anh thật
sự sám hối. Hy vọng ở bất cứ nơi nào trên thế giới này chị Phương (vợ của Duyên
Anh) và các cháu cũng như những ai một thời là bằng hữu của ông, hoặc từng thù
ghét ông sẽ đọc được những câu thơ này bằng tấm lòng độ lượng đối với một người
đã không còn trên cõi đời này
Đoàn Thạch Hãn
https://chinhhoiuc.blogspot.com/2017/03/cuoc-oi-nha-van-duyen-anh.html
Cuộc đời nhà văn Duyên
Anh
Nhà văn Duyên Anh qua
cái nhìn của một người bạn thân, Vĩnh Phúc, Senior Producer của đài BBC. Dưới
đây là bài viết của Vĩnh Phúc từ Luân Đôn. Phần tiểu sử ở cuối bài và hình ảnh
trong bài của NNC.
***
Cuộc đời nhà văn Duyên Anh
Vĩnh Phúc
Hôm nay, mở e-mail, tôi
thấy một bài, tựa đề 20 năm nhà văn Duyên Anh lìa cõi tạm. Tôi ngồi lặng người,
để mặc cho bao nhiêu ký ức về Duyên Anh chợt dồn dập trở về.
Tôi còn nhớ như in, chiều
ngày 30 tháng chạp năm Bính Tý, từ Luân Đôn tôi bàng hoàng nhận được tin Duyên
Anh qua đời ở Paris ngày hôm trước. Tính theo dương lịch thì là ngày 6/2/1997.
Tang lễ cử hành 10 giờ
sáng 14-2-1997, hỏa thiêu lúc 14 giờ cùng ngày. Cuối cùng, tôi đi tới quyết định
phải kể lại những điều tôi biết về Duyên Anh, để giúp những người ái mộ nhà văn
hiểu rõ hơn về anh, đồng thời đính chính những hiểu lầm của người đời, do vô
tình hay cố ý.
Nhà văn Duyên Anh (trước
1975)
Ngay khi Duyên Anh sống
trên đảo Pulau Bidong chờ được sang Pháp sum họp với vợ con, anh đã liên lạc với
tôi ở Luân Đôn. Và cũng vào thời gian này, rắc rối đã xảy ra. Hồi đó, có người
kể lại với tôi rằng một số người trên đảo nghe nói là Duyên Anh làm ăng ten khi
đi tù cộng sản, nên họ dọa đánh.
Cũng trong thời gian
này, con gái Duyên Anh là Vũ Nguyễn Thiên Hương gửi cho tôi và giáo sư Patrick
Honey bản thảo hai truyện “Đồi Fanta”, và “Một người Nga ở
Sài Gòn”. Tôi thấy trong “Đồi Fanta” tác giả mượn lời mấy đứa trẻ bụi đời để
chửi các nhân vật lãnh đạo cũ của VNCH như Nguyễn văn Thiệu và Nguyễn Cao Kỳ,
hoặc nhà văn Mai Thảo.
Tôi dùng bút chì đánh dấu
những chỗ đó rồi chú thích đề nghị Duyên Anh bỏ các đoạn đó đi, với lý do chúng
chỉ làm rẻ tác phẩm mà thôi. Sau đó tôi cảm động và ngạc nhiên khi thấy Duyên
Anh nghe theo lời khuyên mà bỏ những đoạn văn đó. Tôi mừng vì nghĩ rằng môt con
người cao ngạo và bướng bỉnh như Duyên Anh mà bây giờ biết "tu tỉnh"
và biết nghe lời khuyên hợp lý rồi chăng?
Nhưng không lâu sau thì
chứng nào vẫn tật nấy khiến tạo ra biết bao nhiêu là hệ lụy. Tuy nhiên, trong mối
giao tình suốt gần hai thập niên 1980, 90, đã có những lần Duyên Anh chịu lắng
nghe tôi.
Có thể nói rằng Duyên
Anh mang một cuộc sống nội tâm nhiều dằn vặt. Phải chăng điều này tạo ra một
Duyên Anh bề ngoài khinh mạn, bướng bỉnh, phá phách? Có những chuyện riêng tư
dường như Duyên Anh chỉ giữ kín trong lòng không hề thố lộ với ai, kể cả người
bạn thân nhất, từng gắn bó với Duyên Anh từ thời trai trẻ hàn vi hồi mới di cư,
từng hi sinh rất nhiều cho Duyên Anh cả về vật chất lẫn tinh thần, là Đặng Xuân
Côn. (Đặng Xuân Côn lớn tuổi hơn Duyên Anh nhưng lấy cô em vợ Duyên Anh, cô
Minh).
Đây là ví dụ cho thấy
tình thân giữa hai người bạn, và sự hi sinh của Đặng Xuân Côn dành cho Duyên
Anh như thế nào: Hồi hai người còn nghèo, với đồng lương thư ký và chỉ đi làm bằng
chiếc xe mô bi lét cọc cạch, mà Đặng Xuân Côn dám mua chiếc xe Vespa mới toanh
đầu đời cho Duyên Anh.
Và ba lần vợ Duyên Anh
đi sanh, thì chính Đặng Xuân Côn là người vào bảo sanh viện trông nom săn sóc sản
phụ và hài nhi, khiến cho các bác sĩ và y tá cứ tưởng Đặng Xuân Côn là cha mấy
đứa trẻ!
Tôi nghĩ rằng hệ lụy
đeo đẳng cuộc đời Duyên Anh có lẽ từ khi Duyên Anh kết hôn. Duyên Anh theo đạo
Phật trong khi vợ theo đạo Chúa. Song hình như Duyên Anh cũng không quan tâm
chuyện tôn giáo.
Nguyễn Ngọc Phương - vợ
Duyên Anh - là con nhà đại điền chủ miền Nam Nguyễn Ngọc Đề, em phó tổng thống
thời Đệ Nhất Cộng Hòa Nguyễn Ngọc Thơ. Ở Long Xuyên có con kinh gọi là kinh Ông
Đề, chính do cha vợ Duyên Anh cho đào để đem nước vô giúp dân làm ruộng. Dù lấy
vợ nhà giàu và có thế lực nhưng Duyên Anh hầu như không nhờ nhà vợ gì cả, vì mẹ
ruột Ngọc Phương mất sớm, và ba chị em gái gặp bà dì ghẻ khắc nghiệt.
Tuy vậy cũng khó tránh
được "lời ong tiếng ve" và chính Duyên Anh sau này có viết mấy lần về
thái độ xem thường của cậu em vợ, để rồi khi đã có danh vọng thì Duyên Anh
"tuyết hận" (chữ của Duyên Anh)
Sau này nhờ có dịp tiếp
xúc nhiều nên tôi được biết khá rõ về tính tình của vợ Duyên Anh. Chính vì giữa
hai vợ chồng không có được mối quan hệ hòa thuận kẻ tung người hứng, hiểu nhau,
thông cảm cho nhau, nên gia đình thỉnh thoảng xảy ra cảnh bất hòa.
Theo ông Trần Kim Tuyến,
hồi những năm trước 1975, cứ trung bình khoảng 2, 3 tháng, vợ Duyên Anh lại đến
khóc lóc nhờ ông và linh mục Thiên Hổ (Nguyễn Quang Lãm, báo Xây Dựng) đi tìm
Duyên Anh vì anh chàng cãi nhau với vợ, đã bỏ nhà đi biệt.
Hai vị niên trưởng lại
phải cho người đi dò la tin tức Duyên Anh, rồi khuyên nhủ hắn về với gia đình.
Đã đành vợ chồng nhà nào cũng đôi khi có chuyện mà người ta gọi là "bát
đĩa có khi xô". Nhưng với Duyên Anh hình như tình trạng này không phải chỉ
xảy ra "thỉnh thoảng".
Sau này, khi đã lâm cảnh
mất nước, mất nhà, thân đi tù đi tội, thế mà cũng vẫn còn cảnh xào xáo lục đục.
Lắm khi tôi cứ giả thiết: nếu Duyên Anh lấy một người vợ tính tình nhu mì, biết
cách chìu chồng, biết nhẫn nhịn chịu đựng, thì có lẽ Duyên Anh đã không gây gổ
và có cuộc sống gia đình thật hạnh phúc. Duyên Anh ham bạn, rồi khi có sẵn đồng
tiền thì lại ham chơi vung vít.
Khi sống cuộc đời tị nạn
ở Paris, không còn tiền để vung vít nữa, nhưng tính ham bạn vẫn còn. Cộng thêm
hoàn cảnh sống gò bó cả tinh thần lẫn vật chất, nên càng thèm bạn và chỉ còn
cách tìm sự khuây khỏa bằng ly rượu. Bởi vậy, trong một lá thư gửi cho tôi hồi
cuối năm 1987 trước khi bỏ Paris sang Hoa Kỳ, Duyên Anh thổ lộ tâm sự với tôi,
còn bình thường không hề hé môi.
Trước đó không lâu,
Duyên Anh tỏ ra buồn và cô đơn vì cuộc sống ở Paris không thích hợp với mình,
nên đã làm bài thơ Lưu đầy gồm 100 câu gửi tặng tôi. Hiểu rõ tâm trạng Duyên
Anh, tôi đã viết trả lời bằng bốn câu có giọng hơi trách móc như sau:
“Đến được đây ta ở lại
đây
Có ai vui kiếp sống lưu
đầy
Sao vội quên câu
"sông có khúc..."
Địa ngục, thiên đàng,
ai tỉnh say?”
Viết như vậy, nhưng tôi
biết rất rõ rằng Paris không phải nơi có thể cầm chân Duyên Anh được. Tuy
nhiên, tôi vẫn muốn cho Duyên Anh biết rằng đất Mỹ cũng chưa hẳn sẽ là nơi
thích hợp với anh.
Bởi vì bây giờ thời thế
đã đổi khác. Những người bạn mà anh tưởng có thể chia bùi xẻ ngọt, những người
trước kia đã nhờ vả anh hoặc tỏ ra hào sảng với anh; tất cả bây giờ đã đổi khác
rồi. Sẽ khó trông mong gì ở họ. Có kẻ gặp vận may trở nên khá giả, nhưng họ làm
mặt xa lạ chứ không nồng nhiệt với anh.
Có những người còn tình
nghĩa nhưng lâm cảnh "ốc chưa mang nổi mình ốc làm sao mang cọc cho
rêu". Tôi cũng nhắc nhở Duyên Anh rằng nếu vẫn cứ muốn đi Mỹ thì phải rất
thận trọng. Vì đất Mỹ vốn có lối sống rất bạo động, mà bằng cách ăn nói, viết
lách đụng chạm, gây thù oán với nhiều người của Duyên Anh thì khó tránh được
tai họa.
Nhưng sau khi đọc hai
lá thư cuối cùng của Duyên Anh viết từ Paris, tôi mới hiểu rõ thêm những nguyên
nhân thúc đẩy Duyên Anh có quyết định dứt khoát.
Trước nhất là sự việc
liên quan đến buổi ra mắt 3 băng cassette nhạc do Duyên Anh thực hiện. Trước đó
một thời gian Duyên Anh viết cho tôi, nói rằng cần tiền để làm việc này. May mắn
là một mạnh thường quân giúp một khoản lớn, một vài anh em khác ủng hộ những
món nhỏ. Và Duyên Anh ngỏ ý "vay" tôi một khoản nhỏ, hứa bán xong
cassette sẽ trả ngay. Tôi đã gửi "ủng hộ, chứ không vay mượn gì cả".
Chẳng ngờ, khi buổi ra
mắt băng nhạc được tổ chức khá xôm tụ với hi vọng tràn trề của Duyên Anh, thì bất
ngờ vợ Duyên Anh ập đến phá đám. Bởi vì vị mạnh thường quân của Duyên Anh là một
phụ nữ.
Người này tôi đã biết,
và khoảng nửa năm trước đã mời tôi cùng Duyên Anh về nhà ăn cơm. Đây là một phụ
nữ đã có hai con gái học trung học và đại học ở Mỹ. "Bị" mời thì tôi
đến, nhưng tôi không tỏ ý kiến tán thành hay phản đối mối liên hệ này của Duyên
Anh.
Vì tôi nghĩ bạn tôi đã
quá khôn ngoan từng trải và nhiều tài hoa do đó đi đến đâu cũng có rất nhiều
người mến mộ. Đó là chuyện... bình thường. Còn tôi "tài hèn trí đoản",
nên chỉ biết an phận mà thôi.
Vì vụ đánh ghen bất ngờ
đó mà Duyên Anh và vị mạnh thường quân được bằng hữu đưa vội ra cửa sau, biến mất;
còn quan khách cứ tự động giải tán trong sững sờ.
Sau đó, vợ Duyên Anh tịch
thu hết băng nhạc, cho nên không ai mua được, và chỉ một số rất nhỏ bạn thân của
Duyên Anh có được các băng nhạc đó mà thôi. Sau vụ này Duyên Anh viết thư cho
tôi.
Nhà văn Duyên Anh (sau
1975)
Tất nhiên, không khí
gia đình Duyên Anh càng kém vui hơn. Có lẽ sự dằn vặt của vợ đã khiến cho Duyên
Anh đi đến quyết định dứt khoát là bỏ gia đình, bỏ Paris để đi Mỹ, mặc dù chưa
có quốc tịch Pháp, mà cũng chẳng có một thứ bảo hiểm nào cả, trong đó bảo hiểm
du lịch là tối quan trọng.
Chính vì vậy mà khi bị
hành hung ngày 30-4-1988, Duyên Anh lâm vào tình trạng rất bi đát. Trong lá thư
cuối viết từ Paris, Duyên Anh tỏ cho tôi biết quyết định dứt khoát.
Hình như khi sang Mỹ,
Duyên Anh đến ở với gia đình Đặng Xuân Côn một thời gian ngắn, rồi đi gặp một số
bạn cũ và mới, rồi cũng viết cho một hai tờ báo (hồi đó báo chí Việt Nam ở hải
ngoại còn phôi thai lắm). Và dĩ nhiên, Duyên Anh cũng đả kích vung vít khá nhiều
người. Đụng chạm lớn nhất có lẽ là với mặt trận Hoàng Cơ Minh mà nghe nói hồi
đó đang phát triển mạnh lắm.
Những hệ lụy do Duyên
Anh tạo ra khiến đưa đến vụ hành hung thô bạo. Tôi thương và buồn cho Duyên
Anh. Không lâu sau khi Duyên Anh đến Paris từ Pulau Bidong, tôi đã sang ngay để
phỏng vấn và tường thuật trên BBC.
Còn nhớ, tôi đã chỉ mặt
Duyên Anh mà bảo: "Thôi nhé. Từ nay hãy chôn bỏ những thằng Thương
Sinh, Bếp Nhỏ, Thập Nguyện v.v... mà chỉ giữ lại thằng Duyên Anh nhé! Để cho
người ta thương và tránh gây thù chuốc oán. Vả lại, viết lách và làm báo ngoài
này rất khác với trong nước như cách các ông quen làm trước 1975".
Khi đó, Duyên Anh đã cười,
trả lời, "Tôi hứa với ông và thề sẽ chỉ giữ lại một thằng Duyên
Anh thôi". Và vợ Duyên Anh đã đúng khi nói: "Anh
Duyên Anh thề cá trê chui ống!"
Những huyền thoại quanh
vụ Duyên Anh bị hành hung
Đã 29 năm rồi, kể từ
cái ngày định mệnh 30-4-1988, ngày nhà văn Duyên Anh bị đánh suýt vong mạng.
Lúc đó là 5 giờ sáng giờ Luân Đôn. Chuông điện thoại reo, tôi ngạc nhiên bật dậy
khỏi giường và lẩm bẩm, "Ai gọi sớm thế!" Đầu dây
bên kia, tiếng vợ Duyên Anh khóc và kể rằng chồng bị người ta đánh hôn mê bất tỉnh,
chắc là chết mất!
Tôi sững sờ, hỏi xem
tình trạng Duyên Anh ra sao. Chị Ngọc Phương vẫn mếu máo, bảo, "Đưa
vào nhà thương, nhưng vì anh Duyên Anh không có giấy tờ, không có bảo hiểm, nên
chúng nó vất nằm một xó như con chó, không biết gì cả. Anh làm ơn gọi ngay cho
bệnh viện, bảo lãnh cho anh Duyên Anh, thì họa may họ mới chữa cho. Anh làm
ngay đi!"
Tôi hỏi tên bệnh viện,
số điện thoại, và tên bác sĩ trực hôm đó. Vợ Duyên Anh cho mọi chi tiết. Bây giờ
tôi chỉ còn nhớ được ông bác sĩ hôm đó có tên Fernandez (?) nên đoán ông ta gốc
Mễ. Tôi gọi ngay, xin nói chuyện với ông ta, xưng tên họ, là senior producer
trong đài BBC London, cho số điện thoại sở cũng như nhà riêng, kèm theo địa chỉ.
Tôi cho biết Duyên Anh
là một nhà văn nổi tiếng của VNCH, từ Paris sang Mỹ chơi, chứ không phải một
tên vô gia cư. Và tôi thay mặt gia đình Duyên Anh, hứa sẽ thanh toán mọi phí tổn
của bệnh viện. Sau đó, tôi gọi luôn đại diện Pen Club International ở Mỹ, nói
cho biết sự thể, và đề nghị họ cũng gọi cho bệnh viện để giới thiệu thân thế và
sự nghiệp Duyên Anh.
Tôi lại gọi đại diện
Secours Catholique của Pháp (một tổ chức thiện nguyện Công giáo) yêu cầu họ làm
tương tự. Rồi sau được biết là Đặng Xuân Côn và con trai lớn của Duyên Anh là
Vũ Nguyễn Thiên Chương đã từ Texas bay sang ngay để săn sóc cho Duyên Anh và lo
mọi thủ tục giấy tờ.
Tôi yên tâm vì Đặng
Xuân Côn và Thiên Chương đã có mặt ngay bên cạnh Duyên Anh. Rồi được biết là
sau một thời gian chữa trị trong bệnh viện, Duyên Anh được cho về. Một mạnh thường
quân dấu tên (sau này nghe nói là Bùi Bỉnh Bân), đã bí mật đem Duyên Anh về tiếp
tục săn sóc.
Theo gia đình Duyên Anh
thì người này phải giữ hoàn toàn bí mật, vì vào thời điểm đó người Việt tị nạn
sống ở Mỹ rất hoang mang sau vụ Duyên Anh bị hành hung. Trước đó đã thỉnh thoảng
có người bị khủng bố hoặc sát hại vì bày tỏ thái độ chính trị.
Vợ con Duyên Anh còn sợ
rằng kẻ thù sẽ tiếp tục truy tìm để làm cho Duyên Anh chết luôn hầu bịt miệng.
Cơ quan FBI gặp bế tắc vì cộng đồng người Việt tại Orange County không có ai
dám hợp tác để giúp cho cuộc điều tra truy tìm hung thủ. Người ta sợ và hèn!
Trong khi đó, lại không
thiếu những tin đồn, những lời rỉ tai trong quần chúng cũng như trong giới cầm
bút về tình trạng sức khỏe của Duyên Anh. Những người bạn tốt muốn tìm hiểu sự
thực cũng mù tịt, trong khi có người tung tin là Duyên Anh đã về Pháp rồi.
Thậm chí có một vài ông
trong giới cầm bút còn tuyên bố (như thật) rằng tổng thống Mỹ ra lệnh dùng một
chuyến bay riêng để đưa Duyên Anh về Pháp, có nhân viên FBI đi theo bảo vệ! Ông
khác lại nói rằng tổng thống Pháp ra lệnh đem một máy bay đặc biệt sang đưa
Duyên Anh về Pháp.
Ấy thế mà người Việt
mình quả thật quá dễ tính, cứ tin là có thật. Nực cười nhất là cho đến tận ngày
nay mà vẫn còn có nhiều người tin như vậy!
Vậy sự thật ra sao? Sự
thật là sau một thời gian chờ đợi cho Duyên Anh phục sức để có thể ngồi máy bay
về Pháp, tổ chức thiện nguyện Secours Catholique của Pháp gửi tặng 2 vé máy
bay. Một cho Duyên Anh và một cho một người thân đi theo săn sóc.
Chỉ có vậy thôi.
Và từ đó, tại Paris, mỗi
tuần Duyên Anh phải vào bệnh viện mấy lần để cho bác sĩ theo dõi sức khỏe, rồi
được cho tập vận động nhẹ nhàng, nếu không thì sẽ bị bại liệt luôn. Thế rồi, với
thời gian, với việc tập vận động, lần lần Duyên Anh sử dụng được tay trái và
chân trái.
Nghĩa là nửa người bên
trái phục hồi tuy không mạnh như xưa, còn nửa bên phải vẫn liệt. Tôi lại luôn
luôn gọi qua Paris khích lệ để Duyên Anh đừng nản chí. Tôi thường nhắc Duyên
Anh về một thí dụ mà chính Duyên Anh đã viết trong truyện của mình về tấm gương
nghị lực và ý chí phấn đấu không chịu khuất phục trước nghịch cảnh, đó là con gọng
vó, một loài nhện nước chân dài lêu khêu trông như những gọng của cái vó đánh
cá.
Trong một đoạn văn,
Duyên Anh tả con gọng vó đứng trên một dòng nước chảy xiết. Nó bị dòng nước cuốn
xuôi, nhưng không chịu thua. Nó gắng hết sức vượt lên, ngược dòng. Rất nhiều lần
nó bị cuốn xuôi, nhưng nó nhất định không chịu khuất phục, lại vượt lên ngược
dòng. Và tôi đã nhắc Duyên Anh hình ảnh con gọng vó để cho Duyên Anh lên tinh
thần, khắc phục nghịch cảnh.
Duyên Anh hứa với tôi sẽ
làm như con gọng vó. Qủa nhiên, một thời gian sau, Duyên Anh đã viết bằng tay
trái khá nhanh, tuy không đẹp được như ngày xưa viết bằng tay phải. Ngày xưa
Duyên Anh nổi tiếng viết khá nhanh, chữ nhỏ li ti như con kiến, và rất đều, thẳng
tắp. Bây giờ viết tay trái không nhanh và đẹp bằng, nhưng chữ cũng nhỏ và đều đặn.
Nhà văn và tác phẩm
Họa vô đơn chí
Duyên Anh bị hành hung
30-4-1988, còn đang thời kỳ phục hồi sức lực và gặm nhấm đau thương thì thảm họa
lại bất ngờ chụp xuống đầu anh một lần nữa.
Đó là sự mất đi đứa con
gái duy nhất mà Duyên Anh rất thương vì cháu rất thông minh lanh lợi: Vũ Nguyễn
Thiên Hương cùng chồng tử nạn trong chuyến máy bay trở về, sau chuyến đầu tiên
về thăm quê nội làng Tường An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Chồng của Thiên
Hương là David McAree, một thanh niên hiền lành gốc Tô Cách Lan. David nói tiếng
Việt khá giỏi và trước kia có thời gian làm cho đài BBC.
Khoảng gần cuối năm
1988, một hôm vợ Duyên Anh gọi điện thoại than phiền với tôi rằng con gái muốn
đem chồng về thăm quê nội, nhưng chị không muốn. Chị cố thuyết phục và ngăn cản,
nhưng nó vẫn giữ ý định.
Cuối cùng, chị
nói, "Tao bảo mày không nghe, mày cứ đi, nếu mày có rớt máy bay
mày chết, tao cũng không thương đâu!" Tôi kêu lên, "Sao
chị ăn nói gì kỳ cục vậy? Nói gở như vậy, nếu rủi có chuyện gì xảy ra thì chị sẽ
ân hận suốt đời đấy!"
Rồi vì bận rộn công việc,
tôi cũng quên chuyện đó. Cho tới một hôm, em trai của Thiên Hương là Thiên Sơn
gọi điện thoại sang báo tin, "Bác ơi! Chị Hương cháu tử nạn máy
bay rồi! Bố cháu bảo cháu báo tin cho hai bác". Tôi như bị điện
giật, sửng người đi một lát mới hỏi, "Sao? Còn thằng David? Bố
cháu nay ra sao?" Sơn đáp: "Cả anh David cũng chết
luôn. Bố cháu chỉ ngồi yên, không nói gì"
Thì ra, vợ chồng cháu
Hương về Việt Nam, ghé về quê nội thăm họ hàng. Ở chơi ít ngày, David còn nhảy
xuống tắm ở ao làng, cả làng ra xem. Không ngờ trên chuyến bay đến Bangkok trước
khi về Pháp thì máy bay đâm xuống ruộng lúa khi gần tới thủ đô Thái Lan làm 76
người thiệt mạng.
Bà mẹ góa của David
McAree xin đem hài cốt của con trai và con dâu về chôn trong hai ngôi mộ cạnh
nhau gần nhà ở Tô Cách Lan.
Một thời gian sau, vợ
chồng Duyên Anh được Thiên Chương là con trai lớn cùng Đặng Xuân Côn từ Mỹ
sang, đưa đi thăm mộ Thiên Hương ở Tô Cách Lan. Họ ghé nhà tôi ở Luân Đôn làm
trạm nghỉ chân ít ngày.
Vợ Duyên Anh không ngớt
cằn nhằn chồng tại sao để cho bà sui gia giành lãnh hết tiền bồi thường của
hãng hàng không. Phần Duyên Anh chỉ nói, "Cái mạng con mình đã mất
rồi, còn chẳng giữ được, tranh giành tiền bạc để làm gì?"
Những tháng năm cuối đời
Bị tàn tật, chỉ sử dụng
có nửa người bên trái, lại bị thêm thảm họa mất con gái, Duyên Anh như chết lịm
hẳn đi. Nay trong mắt người vợ, Duyên Anh mất giá hẳn.
Cho nên Duyên Anh lại
càng phải nghe những lới cằn nhằn vốn đã quá quen thuộc. Tôi không ngạc nhiên
khi thấy Duyên Anh rất muốn thoát khỏi không khí tù túng của gia đình.
Thỉnh thoảng Duyên Anh
sang ở với tôi ít ngày. Trong những dịp như thế, tôi lại đưa lên thành phố
Cambridge cho anh thăm ông Trần Kim Tuyến và nhà văn lão thành Lãng Nhân Phùng
Tất Đắc.
Những lúc như thế,
Duyên Anh vui lắm, cứ như cá gặp nước. Tuy nhiên, tôi vì bận công việc nên khó
thu xếp thời giờ để luôn luôn giúp bạn vui. Ngay như ở Paris, không dễ gì để
Duyên Anh có thể đi đây đi đó gặp gỡ bạn bè. Họa hoằn mới nhờ được người đem xe
đến chở đi. Và người có lòng tốt cũng lại ngại ngùng không muốn làm phật lòng
bà Duyên Anh.
Hình như bà không muốn
chồng đàn đúm, vui vẻ với bạn bè. Ngày xưa Duyên Anh còn khỏe mạnh, sẵn tiền bạc,
danh vọng, thì có lý do chính đáng để bà giữ chồng vì sợ tính nết trăng hoa của
chồng đã đành. Nhưng nay Duyên Anh đã tàn phế, thất thế, không tiền bạc, mà bà
cũng không muốn cho chồng ra ngoài.
Khoảng giữa năm 1995,
chẳng hiểu vì sao, Duyên Anh phải kéo lê cái va li nhỏ, được bà đầm hàng xóm
kêu giùm cái xe taxi, để đến tá túc ở nhà bà Bích Thuận. Rồi bà Bích Thuận bị vợ
Duyên Anh gọi điện thoại dùng lời lẽ khá bất nhã.
May quá, dịp đó bác sĩ
Tuyến đang có mặt ở Paris, liền mua vé máy bay cho Duyên Anh sang Luân Đôn, định
đến ở nhà tôi. Nhưng lại gặp rủi, là vì đúng ngày hôm sau tôi phải lên đường đi
Việt Nam công tác sáu tuần lễ. Nên Duyên Anh phải lên Cambridge ở 3 tuần với
bác sĩ Tuyến. Sau đó ông lại mua vé cho Duyên Anh sang Mỹ.
Sang California, Duyên
Anh được một số đàn em cưu mang: ở với Vũ Trung Hiền một thời gian, rồi Nguyễn
Kim Dung đón về ở một thời gian. Trong những năm này, có lần Duyên Anh trở về
Paris để lấy quốc tịch Pháp. Nghe nói cũng thời gian này, FBI cử nhân viên sang
Paris gặp Duyên Anh, cho biết họ đã tìm ra kẻ hành hung Duyên Anh trước kia.cd
Nếu Duyên Anh muốn thì
khởi tố, họ sẽ bắt và đưa hung thủ ra tòa. Nhưng Duyên Anh trả lời rằng anh
không muốn làm gì nữa. Người Mỹ làm việc quá chậm, còn anh thì đã cảm thấy chán
hết mọi chuyện rồi. Thôi hãy bỏ đi! Cho nên vụ án này chìm và bị quên luôn!
Không phải tới năm đó
Duyên Anh mới "bỏ qua" vụ án. Năm 1991 Duyên Anh sang nhà tôi. Tôi đã
phỏng vấn để phát trên đài BBC. Khi được hỏi về vụ bị hành hung, Duyên Anh trả
lời không còn thù hận gì những kẻ hành hung mình. Duyên Anh bảo họ cứ sống thản
nhiên, đừng lo ngại. Theo anh, có thể người ta nghĩ rằng anh đã sợ. Nhưng ai muốn
nghĩ sao tùy ý.
Điều xót xa đau đớn cho
Duyên Anh là trong những tháng năm cuối đời, khi đã thất thế, thân thể tàn tật,
chỉ có thể sử dụng được tay trái và chân trái, nói năng cũng chậm chạp, đầu óc
không còn minh mẫn như xưa, nên lắm khi cần phải có người giúp đỡ trong các
sinh hoạt hàng ngày.
Vốn là người nhiều nghị
lực và tự ái, Duyên Anh cố gắng, không muốn nhờ vả ai cả. Ngay trong gia đình
đã thiếu đi tình thương yêu và sự an ủi săn sóc của một người vợ hiền.
Cứ nhìn cảnh Duyên Anh
ngồi ăn cũng đủ thấy hoàn cảnh bi đát của anh. Thường thường, Duyên Anh thích
được ăn cơm để trong cái tô lớn, có chan canh, để có thể dùng tay trái xúc bằng
muỗng mà ăn. Gặp những món ăn cứng, thái miếng to, hay phải gắp bằng đũa thì chịu
chết!
Đã vậy, còn bị đổc vãi
ngoài ý muốn. Có khi chỉ vì một sự bất ưng ý nào đó, tô cơm đang ăn bị lấy đi,
đem đổ vào thùng rác! Cho nên, đã từ lâu rồi, Duyên Anh chỉ muốn vùi đầu vào ly
rượu để quên đời, quên sầu tủi.
Con người Duyên Anh
* Cái xấu
Ai cũng biết rõ là
Duyên Anh có quá nhiều kẻ thù. Ấy là do tính tình ngang bướng, cao ngạo. Nhưng
tại sao Duyên Anh có giọng điệu cao ngạo, xem thường thiên hạ? Tôi đã hỏi thẳng
Duyên Anh điều này thì được trả lời, "Ông thấy tôi khi vào đời
chưa nổi tiếng, chưa là cái gì cả, chỉ mới viết được có vài bài phóng sự gây tiếng
vang, thế là linh mục Trần Du (nhật báo Hòa Bình) vội đội tôi lên. Rồi khi tôi
đánh vài thằng tướng tá, chính khách tham nhũng và hèn, thì chúng nó cúp đuôi lại.
Còn các bậc đàn anh mà tôi tin tưởng và quí trọng, hóa ra toàn là phường đạo đức
giả hết. Thế thì làm sao tôi không khinh chúng nó, tôi không lộng?"
Khi đã có "thế"
rồi, Duyên Anh khinh đời, bắt đầu viết lách, ăn nói bừa bãi, xem trời bằng
vung, thì thiên hạ lại càng ngán. Cũng có người giữ thái độ "tránh
voi" hoặc "không dây với hủi"
Tôi hỏi Duyên Anh rằng
ngày xưa có bao giờ dùng ngòi bút để tống tiền người ta không, thì được trả lời, "Không.
Nhưng khi tôi mới tung ra một bài điều tra về chuyện lem nhem ở một bộ - như Bộ
Kinh tế chẳng hạn - thì lúc tôi đang ngồi ở bàn phé, tên bộ trưởng cho anh thư
ký đem đến cho tôi cái phiếu mua xe Lambrette rẻ. Một lát sau, một anh khác đến
xưng là người nhà của đối thủ của anh bộ trưởng, đưa tôi một phong bì. Tôi đang
thua phé, thì dại gì không nhận hết? Còn hôm sau tôi viết gì là chuyện khác!
Tôi chẳng bênh thằng nào cả. Cần phang là tôi vẫn phang"
Duyên Anh còn có lối ăn
nói như vả vào mặt người đối thoại khi không bằng lòng người ta, bất kể thân
sơ. Ví dụ một lần ngồi ăn ở Paris, trong cuộc tranh luận với Lê Trạch Lựu (tác
giả bài Em tôi) về âm nhạc và liên quan đến nhạc sĩ Lương Ngọc Châu.
Lê Trạch Lựu lớn tiếng
khoe: "Mày nên nhớ là tao ở gần anh Lương Ngọc Châu mấy chục năm rồi
nhé!" Duyên Anh đáp liền: "Mày ở gần anh ấy mấy chục
năm thì mày biết được anh ấy có mấy cái mụn ghẻ chứ mày biết gì!"
Chúng tôi phì cười cả.
Một lần khác, tôi và Duyên Anh đang ngồi trong quán thì một anh tên M ở Paris
đã lâu nhưng chẳng có sự nghiệp gì cả, bước vào và đến bàn chúng tôi nói dả lả
mấy câu. Chẳng ngờ Duyên Anh chặn liền: "Thôi anh hãy đi về mà tắm
đi đã, vì anh hôi lắm không thể nói chuyện văn nghệ với chúng tôi được!"
Tôi đá nhẹ vào chân
Duyên Anh dưới gầm bàn ra ý trách móc thì Duyên Anh nói nhỏ: "Thằng
này chuyên đi dò la rồi báo với Pháp những quán ăn, cửa hiệu nào của người Việt
trốn thuế, tôi khinh nó!"
Lại một lần khác trong
quán của bà Đào Viên là bạn chúng tôi, một anh ăn mặc có vẻ diêm dúa, xán đến nịnh
Duyên Anh: "Tôi rất quí anh Duyên Anh. Tôi thích những anh em làm
văn nghệ như anh". Ai ngờ Duyên Anh đập lại liền: "Anh
biết gì về văn nghệ mà đòi nói chuyện văn nghệ với chúng tôi?"
Ngoài ra, Duyên Anh còn
bị nhiều người ghét, vì thói viết chửi bới người ta. Số người bị là nạn nhân của
Duyên Anh không ít. Đến nỗi một lần mấy thân hữu ở Paris nói với tôi, "Ông
Duyên Anh chửi hết mọi người, chẳng từ ai cả. Chỉ còn có ông Vĩnh Phúc là chưa
bị chửi thôi. Chưa, chứ không hẳn là không đâu nhé!" . Tôi chỉ cười
chứ còn biết nói sao?
Tuy nhiên, hình như
Duyên Anh có sự đối xử đặc biệt dành cho tôi. Có những lần bị tôi nói thẳng, sửa
lưng, mà Duyên Anh không giận. Hay là Duyên Anh thấy tôi... vô hại, nên không
chấp? Tôi thấy một điều là Duyên Anh rất thèm bạn, những người bạn chân tình,
không dối trá.
* Cái tốt
Nhân vô thập toàn. Ngoại
trừ các bậc thánh, còn phàm nhân, ai cũng có một phần xấu và một phần tốt. Những
bậc hiền sĩ, những người giàu lòng khoan hòa độ lượng thì sẵn sàng bỏ qua cái xấu,
lỗi lầm của tha nhân.
Riêng tôi dễ chấp nhận
một người bạn với cả cái xấu lẫn cái tốt, miễn là người đó thực lòng với tôi.
Có người hỏi tôi tại sao Duyên Anh tai tiếng và có nhiều kẻ thù như vậy mà tôi
vẫn thân, tôi chỉ có thể trả lời rằng chắc chắn tôi không thuộc số những người
thù ghét Duyên Anh, và vì tôi quí tài của Duyên Anh.
Theo tôi, Duyên Anh đa
tài. Nếu tài của Văn Cao bao trùm 3 lãnh vực thi, nhạc, họa, thì Duyên Anh cũng
có khả năng cao khi viết văn, làm thơ, và soạn nhạc. Nhưng trước hết, cũng cần
nói rằng Duyên Anh là người thông minh, lanh trí, óc tưởng tượng phong phú, và
có một trí nhớ rất đáng nể (khi chưa bị đánh đến chấn thương não bộ).
Học hành chẳng có bằng
cấp gì, nhưng chịu đọc, chịu học ở trường đời; và sự hiểu biết, sự suy nghĩ vượt
xa nhiều người mang những học vị cao.
Có lần ngồi uống rượu ở
Paris, khi đã líu luỡi rồi, mà Duyên Anh còn có thể đọc liền một lúc 390 câu
thơ anh đã làm trong tù.
Ở nhà tôi bên Luân Đôn,
Duyên Anh nói, "Ông cứ cho tôi uống rượu đi, tôi say, tôi đọc thơ
cho ông nghe". Duyên Anh không thích rượu mạnh, chỉ uống rượu
chát, và hai thứ anh ưa nhất là Côte du Rhône và Beaujolais. Tuy nhiên nếu bạn
bè khui rựơu hiệu gì, Duyên Anh cũng hoan hỉ chấp nhận, không kén chọn.
Về tài năng làm thơ và
viết tiểu thuyết của Duyên Anh, hiển nhiên tôi chẳng cần đề cập. Nhưng có lẽ rất
ít người biết là Duyên Anh cũng viết nhạc. Và đáng lẽ đã có 3 băng cassette được
trình làng khoảng giữa năm 1987. Đó là các băng “Ru đời phù ảo”, “Còn
thoáng chiêm bao”, và “Hôn em kỷ niệm”, nhưng buổi ra
mắt ở Paris bất ngờ tan vỡ vì bà vợ Duyên Anh đến phá khiến cho Duyên Anh và vị
nữ mạnh thường quân phải biến mất qua cửa sau.
Tất cả các băng nhạc bị
vợ Duyên Anh thu hết không cho bán ra. Bởi vậy nhạc của Duyên Anh chìm luôn, chỉ
vài bạn thân còn giữ được do Duyên Anh gửi tặng từ trước.
Sau này nhân một dịp
Mai Hương được mời hát mấy bản ở California, nên có một số người được biết và
còn nhớ.
Nhạc của Duyên Anh mang
nét đặc biệt khác lạ, từ những nốt đang hát khó đoán được những nốt kế tiếp.
Chính Mai Hương đã nói rằng "nhạc của Duyên Anh khó hát. Nếu vô ý
rất dễ rớt đài". Ngoài ra, ý và lời đẹp, nhiều tính sáng tạo, giống
như ý và lời trong văn và thơ của Duyên Anh vậy.
Theo tôi, trong Duyên Anh
có hai con người. Nếu muốn cũng có thể bảo rằng hai con người đó tượng trưng
cho hai mặt tốt và xấu của Duyên Anh.
Mặt xấu chính là Duyên
Anh làm báo, dưới những bút hiệu như Thương Sinh, Bếp Nhỏ, Thập Nguyên, Mõ Báo
v.v... vì "đánh đấm" lung tung nên bị nhiều người oán ghét. Còn Duyên
Anh nhà văn, nhất là nhà văn của tuổi thơ, nhà văn viết cho tuổi ô mai, Duyên
Anh chủ trương tuần báo Tuổi Ngọc, thì trái hẳn lại, được nhiều người thương.
Có ai đã đọc “Con
sáo của em tôi” mà không thấy lòng mình chùng lại và dám nói là thù
ghét Duyên Anh?
Nguyễn Mạnh Côn là người
đầu tiên đọc truyện ngắn này, thích quá, nên giới thiệu và chọn đăng ngay. Rồi
Nguyễn Mạnh Côn bảo Duyên Anh, "Cậu viết hay quá! Nhưng tôi sợ rằng
viết như thế này, cậu sẽ không thọ!"
Và câu nói của Nguyễn Mạnh
Côn đã như một lời tiên tri: Duyên Anh lìa đời cách đây 20 năm khi mới 63 tuổi.
Vào thời buổi này, với những điều kiện vật chất văn minh và đầy đủ, mà sống có
bấy nhiêu năm thì quả là "yểu mệnh" thật.
“Dzũng Đa Kao”
***
Tiểu sử nhà văn Duyên
Anh (1935-1997)
Duyên Anh tên thật là
Vũ Mộng Long, những bút hiệu khác là Thương Sinh, Mõ Báo, Thập Nguyên, Vạn Tóc
Mai, Lệnh Hồ Xung, Thái Anh, Nã Cẩu, Bếp Nhỏ, Bếp Phụ và Độc Ngữ.
Ông sinh ngày 16/8/1935
tại làng Tường An, huyện Vũ Thư, tỉnh Thái Bình. Ông học tiểu học và trung học ở
Thái Bình và Hà Nội. Năm 1954, ông di cư vào Nam và từng làm đủ nghề: bán thuốc
sơn đông mãi võ, theo đoàn cải lương lưu diễn, quảng cáo cho gánh xiếc rong, giữ
xe đạp hội chợ, dạy kèm, dạy đàn ghi ta, dạy sáo.
Năm 1960, được sự nâng
đỡ tận tình của nhà văn Nguyễn Mạnh Côn, Duyên Anh bắt đầu sự nghiệp văn chương
và nổi tiếng ngay với tác phẩm đầu tay Hoa Thiên Lý. Tiếp theo đó là một loạt
Thằng Côn, Thằng Vũ, Con Thúy.... viết về những kỷ niệm ấu thơ tại miền quê Bắc
Việt, giọng văn tha thiết, nhẹ nhàng và tình cảm.
Sau đó ông trở thành một
ký giả, chủ bút, chủ báo, giám đốc nhà xuất bản. Duyên Anh đã cộng tác với hầu
hết những tờ báo lớn ở miền Nam trước năm 1975 như: Xây dựng, Sống, Chính Luận,
Công Luận, Con Ong, Tuổi Ngọc...
Có một dạo, Duyên Anh
thường viết về giới giang hồ, bụi đời trong xã hội trước năm 1975. Trong tác phẩm
của Duyên Anh ca ngợi lối sống phóng khoáng, bất cần đời của giới trẻ bị bế tắc
trong cuộc sống. Tuy nhiên vẫn thấm đậm một tính cách nghĩa khí và các nhân vật
của Duyên Anh đều sẵn sàng chết vì tình nghĩa và chữ tín của mình. Các tác phẩm
mổi tiếng phải kể đến “Ðiệu ru nước mắt”, “Luật hè phố”, “Dzũng ÐaKao”, “Vết
thù hằn trên lưng con ngựa hoang”, “Nặng nợ giang hồ”, “Bồn Lừa”…
Sau sự kiện 30 tháng 4,
1975, cùng với Doãn Quốc Sĩ, Dương Nghiễm Mậu, Nhã Ca, Phan Nhật Nam, Thanh Tâm
Tuyền, Duyên Anh bị liệt danh là một trong 10 nghệ sĩ nêu danh là "Những
Tên Biệt Kích của Chủ nghĩa Thực Dân Mới Trên Mặt Trận Văn Hóa - Tư Tưởng"
và tác phẩm bị cấm lưu hành.
Ngày 8/4/1976, Duyên
Anh bị bắt đi tù cải tạo trong Chiến dịch bắt văn nghệ sĩ miền Nam (tháng
4/1976). Sau khi ra khỏi trại cải tạo vào tháng 11/1981 ông vượt biên đến
Malaysia. Tháng 10 năm 1983 Duyên Anh sang định cư tại Pháp. Một số tác phẩm
ông viết ở Hải ngoại được dịch ra tiếng nước ngoài và dựng thành phim, như “Đồi
Fanta”, “Một Người Nga ở Sài Gòn”. Thời gian này, ông cũng có viết thơ và soạn
nhạc. Năm 1985, ông bắt đầu cộng tác với tờ Ngày Nay và trở thành một trong những
cây bút trụ cột của báo này.
Ngày 6/2/1997, Duyên
Anh mất vì bệnh xơ gan tại Paris, Pháp.
Tác phẩm của nhà văn
Duyên Anh
DUYÊN ANH – NHÀ VĂN TÔI
BIẾT
(Hoa Chanh)
Tôi lớn lên giữa vùng rừng
đồi cao nguyên đất đỏ. Mảnh đất cằn cỗi và xơ xác cơ hồ như quê hương tôi sau
cuộc đổi đời thê thảm.
Trên mảnh đất nghèo nàn
khốn khổ ấy. Tình người cũng se sắt và nhìn nhau nghi kỵ, bỉ thử. Người ta có
thể đánh nhau, chửi nhau bằng những từ ngữ thậm tệ nhất chỉ vì một bó củi, con
dao hay trái bí, trái bầu…
Mẹ tôi! Người đàn bà
góa bụa giữa tuổi xuân thì. Mẹ sống âm thầm, nín lặng và phả vào hồn chị em tôi
bằng những câu thơ, bài hát chất chở tình người…
Đêm đêm, trong căn chòi
tranh tồi tàn. Dưới ngọn đèn dầu mù mờ. Mẹ dạy chúng tôi đọc những vần thơ bồng
bế yêu thương, chứa chan mộng mị… Mẹ kể cho chúng tôi nghe chuyện tình của mẹ
và bố… Mỗi lần nhắc tới bố hai mắt mẹ rưng rưng:
– Ngày xưa bố biết làm
thơ và viết văn hay lắm! Thuở còn đi học. Bố con đã quen nhiều nhà văn, nhà thơ
và thơ văn của bố đã đăng báo… và trên tờ báo Tuổi Ngọc của Duyên Anh.
-Duyên Anh là ai hả mẹ?
tôi hỏi!
-Ông ấy là nhà văn viết
truyện cho tuổi thơ, tuổi trẻ hay lắm. Tiếc rằng bây giờ sách của ông ấy bị cấm
chứ không thì mẹ mua cho con đọc…
Bẵng đi một thời gian.
Một hôm từ thành phố trở về. Mẹ khoe với tôi:
– Mẹ có truyện của Duyên
Anh cho con đọc nè!
Tôi háo hức nhìn bìa cuốn
sách đã bạc màu cũ kỹ: Hoa Thiên Lý!
“… Mẹ tôi yêu Hoa Thiên
Lý như yêu chồng con…” Câu mở đầu cho tác phẩm đầu tay của Duyên Anh.
Nó nhẹ nhàng và chất chở tình tự của một người VN. Hiền hòa như tâm hồn của một
người yêu thôn ổ, ruộng vườn.
Tôi lớn dần theo thời
gian và tình cảm quê hương.
Đọc hết truyện Hoa
Thiên Lý. Tôi say mê Nắng Chiều Quê Nội.
Ngày ấy. Tôi đã biết tự
hỏi: Tại sao người ta cho phép chuyện Tàu như Tam Quốc Chí, La Thông tảo bắc,
Tiết Nhơn Quí chinh đông được bày bán công khai trên hè phố mà những truyện viết
về tuổi trẻ, viết để trang trải tình tự của một người chân thành thì lại bị cấm?
Năm 15, 16 tuổi. Tôi có
thể kể vanh vách cho mấy chú Công An gác trụ sở xã những nhân vật Tam Quốc. Tôi
có thể “bình luận” về tài của Khổng Minh hú gió cầu mưa. Nhưng tôi lại mù mờ về
huyền thoại Hai Bà Trưng, tôi chả biết gì anh em nhà Tây Sơn khi tôi đọc Mơ
thành người Quang Trung của Duyên Anh.
oOo
Thế rồi… Thời gian sau
khi đặt chân tới bến bờ tự do…
Gác bỏ hết những quay
quắt, nhớ nhung và phiền muộn về quê hương tràn ngập hận thù và tang chế đau
thương.
Cho tới một hôm theo mẹ
đi dự đám cưới… và gặp cô Julie… Khi ông MC. giới thiệu có sự tham dự của Julie
và cô sẽ lên sân khấu hát… Nhìn thấy cô từ dưới đi lên… Đi gần tới bàn của mẹ
thì cô vẫy tay chào. Mẹ mỉm cười gật đầu… Cô ghé lại bàn của mẹ và nói…:
- Chào chị! Lát nữa,
hát xong em sẽ nói chuyện với chị nhiều… Anh Duyên Anh đang ở nhà em. Anh ấy có
nhắc tới chị mà em không biết chị ở đâu?
- Ừ! Lên hát đi, lát nữa
mình nói nhiều… Nè! Mà đừng hát Mùa Thu Chết nhe!
Hát xong hai bài. Cô
Julie quay lại bàn và đưa cho mẹ số phôn nhà cô…: -Hôm nào rảnh mời chị và cháu
ghé chơi! Em và Thục chờ chị nha…
Tối hôm ấy! Sau đám cưới,
mẹ kể cho tôi nghe về cô Julie:
- Ngày xưa. Cô ấy là
Julie Quang. Cô lấy Duy Quang con ông Phạm Duy và bài hát đưa cô lên đài danh vọng
bắt đầu từ bài Mùa Thu Chết. Thuở ấy, hình như là năm 71, 72 gì đó.
- Sao lúc nãy con nghe
cô ấy nói là Em và Thục…?
-À! Thục là Trần Đình
Thục… Người họa sĩ và trang trí nổi tiếng lắm! Chắc là Julie đang ở với Thục.
Tuần lễ sau! Theo lời
chỉ đường. Hoa Chanh đưa mẹ tới Westminster thăm Julie và “diện kiến” nhà văn
Duyên Anh.
Thoạt mới nhìn. Duyên
Anh còn rất trẻ theo trí tưởng tượng của Chanh. Ông có nụ cười rạng rỡ và cởi mở.
Giọng nói Bắc Kỳ đặc sệt:
– Con gái thằng T. đây
hả? Nhìn HoaChanh ông cười cười: - Cháu có nhiều nét giống bố cháu lắm!
Cô Julie diễu:
- Chả lẽ lại giống ông
hàng xóm!
Qua câu chuyện giữa mẹ
và Duyên Anh, tôi mới biết ngày xưa. Thời chưa vào lính, bố tôi cũng đã có thời
sống rất “nghệ sĩ” và sinh hoạt nhiều với giới văn nghệ và báo chí Saigion.
- Thằng T. chết ở đâu?
Duyên Anh hỏi mẹ.
- Em cũng chả biết! Vì
người ta có cho thấy mộ đâu.
Đôi mắt buồn. Duyên Anh
đốt điếu thuốc và ông kể:
- Như các em đã biết đấy!
Ngày xưa, anh đối xử với các chú ấy thế nào! Anh không lấp đường cản trở những
cây viết trẻ muốn vươn lên. Anh khuyến khích các chú ấy nữa… Những đứa như Từ Kế
Tường, Nguyễn Thanh Tịnh, Đinh Tiến Luyện vân vân và cả thằng T. chồng em nữa… Chúng
nó thương anh coi anh như anh ruột…
Sau ngày Saigon thất thủ.
Anh không dám ra đường nhiều. Mất hết liên lạc với bạn bè. Chả biết ai còn, ai
mất. Ai đã ra đi và ai đã ở tù?
Mẹ tôi nhìn Duyên Anh
thở dài:
- Ai cũng tưởng anh, chị
đã di tản sang Mỹ rồi! Anh quen biết nhiều cả với phủ Phó Thủ Tướng Nguyễn Văn
Hảo… Sao anh không đi?
- Số mạng cả thôi… Kẹt ở
lại anh mới biết cảm giác chờ chết nó thấm thía dến thế nào… Em và các cháu đã
đọc: SaiGon Ngày Dài Nhất chưa?
- Đọc rồi! Chúng em đã
đọc hết những sách của anh viết… Con này. (Vừa nói mẹ nhìn về phía tôi) Nó
thích truyện của anh lắm!
Nghe vậy. Ông đứng lên
đi vào phòng, trở ra tay ông ôm một đống sách mới xuất bản trao cho tôi ông nói:
- Bác tặng cháu bản đặc
biệt có chữ ký của tác giả…
- Cám ơn bác. Tôi nhìn
ông hãnh diện… nhận sách đó là những cuốn được in bởi nhà Xuân Thu bìa dày có
shocket. Nhà Tù, Trại Tập Trung và Nhìn Lại
Những Bến Bờ…
Duyên Anh nói với tôi:
– Trong cuốn này ông
đưa tay chỉ cuốn Nhìn Lại Những Bến Bờ cháu sẽ thấy bác
nói hết, kể hết những oan khiên, gập ghềnh mà bác đã đi qua trước khi trở thành
Duyên Anh. Bác chỉ cho những người trẻ ham thích viết văn phải cố gắng thế nào…
Tôi nhìn ông thán phục:
-Bác quả là một nhân
tài!
Ông cười:
– Bác chẳng phải là
nhân tài hay thiên tài gì cả! Bác chỉ đam mê và cố gắng thôi… Bố cháu ngày xưa
biết đấy. Bác viết Truyện ngắn: Con Sáo Của Em Tôi giữa
trưa hè nóng nực trên căn gác xép mái tôn trời nóng như phun lửa.
– Bác ngồi giữa SaiGon
nóng nực mà viết được cái lạnh giá buốt của miền Bắc buổi đầu Xuân? Tôi hỏi ông!
– Mình phải vận dụng
trí nhớ và óc tưởng tượng khi viết truyện cháu ơi!
- Truyện của bác Duyên
Anh viết y như thật! Giống như bác viết nhật ký kể lại quãng đời bác đã đi qua.
- Đời bác tầm thường lắm.
Viết vài trang giấy là hết rồi. Nhưng khi viết truyện cho người khác đọc thì
mình phải vận dụng trí nhớ và thêm thắt vào… Thực là giọt cà phê… Thêm vào là
những muỗng sữa… Ta có một ly cà phê sữa thật tuyệt vì màu sắc bao gồm cả sự thất
và hư cấu…
Mẹ tôi hỏi:
- Anh chị còn ở chơi
bao lâu bên này… Hôm nào em mời anh, chị lại em chơi… Em nấu món Lươn bung củ
chuối… Mẹ con em đãi hai bác!
Duyên Anh ngước cổ cười
ha hả…:
- Tuyệt cú mèo! Em còn
nhớ món Bắc Kỳ ấy sao?
- Nhớ chứ! Em làm dâu Bắc
Kỳ thì phải biết nấu món Bắc… Vừa nói mẹ tôi cười tủm tỉm : – Chọc anh cho vui…
Em mới đọc cuốn: Ca Dao Quyện Lấy Miếng Ngon Dân Tộc của
anh viết đấy. Em sẽ tập nấu thử xem có ngon không?
oOo
Duyên Anh hứa lại nhà
tôi… Ông chưa kịp thực hiện lời mời thì…
Sáng 30-4-1988… Buổi
sáng định mệnh đã tới với ông…
Ngoài đường Bolsa người
ta biểu tình rầm rộ. Biểu tình để kỷ niệm biến cố đau thương khi quê hương bị
nhuộm đỏ. Thấp thoáng đó đây tôi thấy nhiều màu áo nâu và khăn quàng sọc của những
người trong MT. Hoàng Cơ Minh. Khí thế chống Cộng dâng cao. Những khẩu hiệu chống
Cộng được hô vang. Người ta đả đảo CS. Đả Đảo những người thân Cộng và tôi nghe
từ đám đông khẩu hiệu: Đả Đảo Nguyễn Tú A !
Từ lề đường Bolsa và
Bushard… Tôi nhìn thấy ông Hùng Cường, trên tay người nghệ sĩ đã có một thời nổi
tiếng tại quê nhà năm xưa ông cầm là cờ vàng ba sọc đỏ phất phất... Thấy tôi.
Ông hỏi:
- Cờ của cháu đâu?
- Cháu không có cờ…
Cháu mới tới thôi… À ! Chú Hùng Cường! Sao lại đả đảo ông Tú A?
Hùng Cường nhìn tôi:
-Tại “thằng” Tú A về VN
quay phim đem bán.
Tôi hơi sững sờ kèm
chút muộn phiền khó tả…
Ông Nguyễn Tú A và gia
đình tôi là chỗ quen biết từ lâu… Mẹ kể rằng: Tú A ngày xưa học Vạn Hạnh và Kiều
Loan vợ ông là bạn của mẹ từ độ còn mặc áo dài trắng đi xe Lam ba bánh…
oOo
Vẫn theo lời mẹ tôi kể,
thì ngày ấy nhiều nữ phóng viên cho các báo chí tại Sàigòn. Những cây bút chịu
lao mình vào lửa đạn để săn tin có cả bà Kiều Loan… Từ Khe Sanh, Quảng Trị,
Đông Hà cho tới mặt trận miền Đông…
Thế mà, bỗng chốc vợ chồng
Tú A – Kiều Loan bị cộng đồng đả đảo… Thê thảm đến thế sao?
Từ giã ông Hùng Cường.
Tôi đi lại phía nhà hàng Thành Mỹ, len lỏi qua đám biểu tình… định vào Tú Quỳnh
tìm vài cuốn sách thì từ xa tôi nhìn thấy ông Trần Đình Thục với máy ảnh khoác
vai, đi sau ông Thục là nhà văn Duyên Anh và vài người mà tôi không quen mặt..
Thấy Duyên Anh vừa đi vừa cười cười nói nói với hai ba người đàn ông nên tôi
nghĩ thôi cứ để mấy ông ấy trò chuyện…
Tú Quỳnh hôm ấy đông
người chi lạ… Chen chúc giữa những kệ sách thật khó khăn… Tôi ra về trước khi
chào bà Yến vài câu xã giao thông thường…
Chiều hôm ấy. Một người
bạn phone cho mẹ tôi than thở:
– Chị có biết ông Duyên
Anh bị đánh té ngoài đường Bolsa không?
Mẹ tôi hốt hoảng:
– Anh ấy bị lúc nào?
Sáng nay con cháu con nhìn thấy ông ấy đi với Trần Đình Thục mà!
– Cảnh sát chở đi rồi…
Chắc vào nhà thương… Nghe nói ông ấy bị đánh bằng cục đá vào đầu. Té xỉu ngay tại
chỗ.
Lật cuốn sổ tìm số của
Trần Đình Thục. Mẹ tôi quay mãi mới nghe tiếng ông.
– Anh Thục. Tôi là T. mới
lại nhà anh thăm anh Duyên Anh… Nghe nói anh ấy bị đánh phải vào nhà thương có
đúng không anh Thục.
– Đúng! Anh Duyên Anh bị
một vài người lạ đón đánh khi anh ấy đang đi với tôi…
– Bây giờ anh ấy ra
sao?
- Tôi cũng không biết nữa!
Giọng ông Thục nghẹn ngào… Khi xe cứu thương chở đi thì anh ấy vẫn còn bất tỉnh.
- Thế anh ấy đang ở nhà
thương nào?
- Tôi cũng không biết
rõ.
Hình như ông Thục muốn
dấu…
- Khi nào anh Thục đi
thăm anh Duyên Anh cho tôi đi theo được không?
- Cho tới lúc này tôi
cũng chưa biết anh ấy đang nằm ở đâu làm sao mà thăm!
Sáng hôm sau trên tờ
Viet Press của ông Nguyễn Tú A… Tôi bàng hoàng xúc động nhìn tấm hình Duyên Anh
nằm bất tỉnh. Đầu vẹo sang một bên giây nhợ chằng chịt connect từ mũi, từ miệng…
Mẹ tôi ứa nước mắt. Chỉ
nói được hai tiếng tội nghiệp!
Cho đến giờ phút này.
Tôi vẫn tự hỏi. Tại sao người nào đó lại hành hung Duyên Anh?
Bằng lòng là ông ấy có
nhiều kẻ thù chỉ vì dám viết lên những sự thật.
Ông Nguyễn Cao Kỳ chẳng
hạn. Ông Kỳ đã nhắn nhủ với ông Tô Văn Lai của Thúy Nga Paris rằng: Ông
bảo thằng Duyên Anh câm mồm nó lại.
Tại sao lại phải câm?
Ông Kỳ từng tuyên bố tại Tân Sa Châu rằng: Ông ta nhất định tử thủ Sàigòn vì
sang Mỹ không có cà ghém, mắm tôm… Đứa nào chạy sang Mỹ vợ nó làm… và nó làm cu
li.
Duyên Anh có chửi là
nói theo sự thật. Sự thật ấy đã làm ông Kỳ bất bình, căm ghét.
Sự thật là có những ông
Tướng ra lệnh cấm trại 100% rồi bỏ lính bay ra tàu Mỹ. Theo Duyên Anh đó là
hành động đào ngũ. Đào ngũ mà còn lường gạt những người dưới quyền nữa... Đó là
những người thế nào?
oOo
Những gì mà Duyên Anh
viết ra có thể là tiếng nói của những người lính bị cấp trên lường gạt , bỏ
rơi. Họ buông súng và tù đày trong tức tưởi nghẹn ngào…
Đó là tâm trạng của một
đại đội trưởng bị tù 7 năm… Theo diện HO. Người đại đội trưởng này gặp lại vị
tiểu đoàn trưởng đơn vị cũ:
- Anh còn nhớ tôi
không? Tiểu đoàn trưởng hỏi.
-Nhớ chứ! Nhớ bộ mặt lừa
lọc của anh đã đào ngũ bỏ chúng tôi vào giờ phút cuối… Anh còn nhớ anh nói gì
trong máy truyền tin với tôi không??? Quyết chiến đấu…
Ngay trong cuốn: Bầy
Sư Tử Lãng Mạn, Duyên Anh than thở: Trong phòng giam bằng
hai chiếc chiếu đã có tới ba chính phủ và ba ông Thủ Tướng. Những ông Tá mơ tưởng
sẽ lên Tướng. Những ông Tướng ao ước nghĩ tới số tiền ráp-pen ngày ra tù!
Chẳng trách Duyên Anh
có nhiều ghen ghét…
oOo
Ngày nhà văn Duyên Anh
bị hành hung…
Nhìn tấm hình ông nằm
thiêm thiếp trên Viet Press. Tôi thật tình khiếp đảm và bất mãn cùng cực. Ai là
người đã đả thương trí mạng một nhà văn không có chút vũ khí tự vệ???
Ngoài bài viết có tính
cách tường thuật của Nguyễn Tú A trên Viet Press. Đã không có báo nào ở đây lên
tiêng bênh vực và phản đối hành động dã man của kẻ côn đồ.
Một phần vì người ta
ganh ghét Duyên Anh. Phần khác người ta sợ áp lực của nhiều phe phái…
Trên Viet Press. Tôi đọc
được một bài báo ngắn của một người nhận anh ta là độc giả của Duyên Anh. Chỉ
là độc giả thôi mà anh ta lên án kẻ đánh lén Duyên Anh…
Có tiếng đồn rằng Duyên
Anh bị Mặt Trận Hoàng Cơ Minh đả thương để bịt miệng và trả thù những bài báo của
ông đăng trên Ngày Nay của Lê Hồng Long và nhất là cuốn tiểu thuyết: Tuổi
Bướm Sầu của ông viết về MT. Hoàng Cơ Minh.
Ngày ấy! MT. Hoàng Cơ
Minh coi như đã tan rã từ thượng tầng… Hai ông Phạm Văn Liễu và Trần Minh Công
công khai lên án và rút lui khỏi MT. Trong một lá thư gởi đồng bào hải ngoại. Cụ
Phạm Ngọc Lũy đã chính thức công bố không còn dính líu gì tới vấn đề tài chánh
của MT. nữa !!!
Một đoàn viên rất hăng
say của MT. hồi đó nói với tôi rằng:
“Đây là một cái xui xẻo
cho Duyên Anh và cũng cho MT. Hoàng Cơ Minh. Bởi vì nếu MT. cho người hành hung
Duyên Anh thì MT. sai lầm. Còn nếu như Duyên Ạnh bị một kẻ nào đó hành hung mà
MT. chịu mang tiếng ác thì lại càng xui hơn…”
Duyên Anh là nhà văn có
sách bán chạy từ trong nước (trước năm 75) và sau này khi ra hải ngoại…
Trong cộng đồng người
Việt tỵ nạn CS. Có thể nói sách của Duyên Anh được in lại và bán chạy nhất… Nhà
xuất bản Xuân Thu độc quyền mua trọn các tiểu thuyết mới của ông.
Trên văn đàn quốc tế.
Chỉ cần một cuốn: Một Người Nga tại Sàigòn cũng đã đưa
ông lên hàng văn sĩ quốc tế. Nhà Bel Fond ký hợp đồng dài hạn với ông là một
vinh dự cho người Việt tại hải ngoại.
Thấy ông bị nạn. Tôi lặng
người đi… Buồn bã và suy nghĩ mãi về tinh thần chống Cộng của người Việt. Nhận
mình là chống Cộng mà đốn ngã một nhà văn đã chịu đầy đọa trong lao tù CS. Nhận
mình là căm thù CS. mà ngang nhiên đánh gục một tù nhân lương tâm???
Mấy ngày sau. Mẹ tôi
phone lại ông Trần Đình Thục hỏi han về tình trạng sức khoẻ của Duyên Anh…
- Hình như anh ấy đã rời
bệnh viện và về Pháp rồi… Ông Thục trả lời.
- Ai đưa anh ấy về và
anh ấy đã khỏi chưa mà họ cho đi?
- Tôi cũng không rõ lắm…
Chỉ nghe nói vậy thôi.. – Vẫn lời ông Thục.
- Thế anh Thục có vào
thăm anh Duyên Anh không? – Mẹ tôi hỏi.
-Không! Người ta không
cho ai vào cả. Trừ thân nhân của anh ấy!
...
Tiêng thở dài buồn bã
khị mẹ tôi buông phone…
Nhìn tôi, mẹ than thở :
-Chỉ sợ bác ấy chịu
không nổi… Rồi chết thôi…
Tôi an ủi mẹ:
- Con nghĩ chả sao đâu…
Nếu bác ấy còn bệnh năng… Thì họ đâu cho xuất viện. Mỹ mà mẹ… Họ cũng sợ trách
nhiệm sau này mà… Bác sĩ Mỹ đâu phải VC. mà mẹ sợ.
Hai tuần sau. Tôi phone
lại tòa báo Viet Press gặp ông Tú A thì biết chắc Duyên Anh đã được đưa về Pháp
để chữa bệnh.
Suốt thời gian ấy.
Chúng tôi không có liên lạc gì thêm… Chỉ biết rằng ông bị liệt tay phải và đang
tập viết văn bằng bàn tay trái…
Hoa Chanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét