Thứ Năm, 16 tháng 2, 2023

BA ĐỐT NGÓN TAY

 




BA ĐỐT NGÓN TAY

Phạm Cao Củng


Bạn tôi kéo ghế ngồi, rồi cười mà bảo tôi rằng:

- Ở đây anh có thể ăn uống hoàn toàn tự nhiên được, không cần phải giữ gìn phiền phức điều gì… Tôi nói thế là tự khắc anh hiểu ngay anh hẳn còn nhớ cái hồi chúng ta ở bên Pháp, thỉnh thoảng có vào ăn trong mấy hiệu đặc biệt của người Khách trú, mở tại mấy “hộ nghệ sĩ” ở thành phố Ba-lê… Trong đất nước Việt Nam, tiệm ăn của người Trung Hoa mở là một sự quá thông thường, nhưng mở một cách đặc biệt như thế này thì phải nói rằng: riêng chỉ ở Hà Nội chúng ta mới có!

Tôi liếc nhìn quanh gian phòng vuông vắn, có kê chừng bốn, năm chiếc bàn ăn mà khăn bàn là những mảnh vải sơn có in hoa sặc sỡ, nhìn mấy lọ dấm, nước mắm, hộp sắt tây đựng hạt tiêu theo kiểu các hàng phở, rồi hỏi lại:

- Vậy đây là một quán nghệ sĩ chăng?

Bạn tôi lắc đầu:

- Khách đến ăn hiệu này, có đủ các hạng người, không cứ gì phải là những ông viết báo, viết văn hay học sĩ… Đây chỉ có thể gọi là… quán nghệ sĩ, nếu sự ăn uống có thể coi như là một nghệ thuật!

Tôi gật gù:

- Nghĩa là ở đây có những món ăn rất đặc biệt?

Bạn tôi gật đầu, đồng ý nhưng chợt nhớ đến chuyện gì, bỗng phá lên cười mà bảo tôi rằng:

- Anh nói đúng lắm, hiệu này có món đặc biệt, rất đặc biệt, hoàn cầu không có là đằng khác nữa! Rồi anh sẽ biết!

Và anh vẫy tay gọi:

- Cô mình ơi!

Một cô gái Khách, vận chiếc áo cánh hoa in nhỏ, quần đen, đi guốc nhanh nhẹn tới trước bàn chúng tôi:

- Các ông ăn gì?

Bạn tôi hỏi:

- Hôm nay có súp cua, cá không nhỉ?

- Thưa ông, “bui a bét” thì chỉ thứ bẩy, chủ nhật mới có… Hôm nay chỉ có súp thịt bò, súp trứng và súp thập cẩm…

Tôi cố nghiêm sắc mặt không cười vì thấy cái món súp thập cẩm ấy của hiệu này, quả thực cũng đã là một món ăn khá đặc biệt rồi!

Bạn tôi tỏ ra là một khách ăn quen ở nhà này:

- Súp thập cẩm là súp lòng gà, gan, mề gà chứ gì? Nhưng còn các món ăn khác có gì không?

Giống hệt như trên sân khấu cải lương, khi có khách hỏi hàng có những món gì, vai chủ quán gân cổ ca một bài “Khổng Minh tọa lầu” trong kể vanh vách suốt từ món súp la-ghim đến món thịt bò bẩy vị, cô con gái Khách cũng thuộc miệng kể một thôi dài:

- Có bí tết gà, bí tết lợn, bí tết bò, bí tết tôm… có gà, có cá sốt may-don-nê… có nấm, có đậu bơ-ti-boa…

Bạn tôi mỉm cười vì có lẽ là khách quen ở đây, anh đã thuộc lòng như cô hầu bàn vẻn vẹn năm, sáu món thông thường ấy của nhà hàng, nhưng lần nào vào hiệu, cũng hỏi như vậy để cô hầu bàn nhanh nhẹn, ngoan ngoãn ấy kể lại cho vui…

Cô con gái bước ra chỗ gần quầy tiền, nhìn vào phía trong bếp mà gọi:

- Hai súp phô-mát, hai bí tết bò, nhiều hành tỏi nhé!

Phía trong bếp có người trả lời vọng lại nhưng bằng tiếng Tầu!

Bạn tôi mỉm cười, bảo:

- Anh đã thấy chưa? Đây quả thực đúng là một hiệu bán món ăn tây, theo kiểu cao lâu Tầu. Và khách tất nhiên vào ăn cũng ăn theo kiểu hoàn toàn Đông Dương, bất chấp mọi lề luật, nghĩa là có thể ăn bí tết đầu tiên và ăn súp sau cùng, và khi ngồi ăn, cho cả hai chân lên ghế mà ngồi chồm chỗm như một “sếnh sáng” buổi trưa vào hiệu “nhẩm-xà”… Rồi anh xem món bí tết ở đây, quả nhiên đặc biệt, và dân sành ăn Hà Nội không một ai là không biết bí tết của cô mình!

Tôi tò mò hỏi:

- Cô hầu bàn ấy tên là Mình, cái tên hay hay đấy nhỉ?

Bạn tôi cười:

- Tôi cũng không rõ Mình có phải thực là tên cô ta không nữa! Hay đó chỉ là một tiếng gọi thông thường của ta, cô mình cũng giống như cô ả, ta vẫn nói mà thôi! Nhưng điều đó không quan hệ gì…

Ngừng lại bạn tôi cao tiếng gọi:

- Cô Mình ơi…

Một tiếng dạ dài rất ngoan và rất.. Việt Nam:

- Dạ!

Bạn tôi nhìn tôi, mỉm cười, sung sướng nói tiếp và câu chuyện dở dang:

- Điều quan hệ chỉ là ở chỗ, khi cất tiếng gọi thì cô mình ngoan ngoãn của chúng ta lại dạ một tiếng rất đáng yêu…

Và vui miệng, bạn tôi lại giới thiệu luôn:

- Ăn ở đây, anh sẽ thấy có một không khí đặc biệt… gia đình! Chính ông bố cô Mình là đầu bếp, bà mẹ cô Mình thì trông coi việc tiếp khách như một người mét-ô-ten, cô Mình và cô chị gái, người em giai lớn thì hầu bàn, còn cậu em giai bé nữa thì thường ngồi ở quầy tiền, bên chiếc bàn tính gỗ.

Tôi hỏi lại:

- Theo như lời anh giới thiệu trước khi vào đây thì hiệu này rất đông thường thứ bẩy, chủ nhật không có đủ chỗ ngồi cho khách, vậy tại sao mà ông chủ hiệu lại không hề mượn qua một người làm công nào để hầu bàn cho khỏi bị lúng túng?

Bạn tôi nhìn tôi bằng con mắt rất kỳ lạ rồi một lát mới trả lời:

- Sự thực thì nhiều người vào ăn ở đây cũng ngạc nhiên như anh về điều ấy! Nhưng phần đông đều yên trí rằng: đó chỉ là một thứ đặc biệt của nhà hàng, để khác hẳn mọi tiệm ăn khác… Riêng chỉ có một số rất ít biết rõ được nguyên ủy chính của việc này, vì anh nên nhớ rằng trước đây hiệu ăn này cũng có nuôi thêm mấy người hầu bàn lanh lẹn… Trước đây, đông người làm, hiệu lại còn nhận mang món ăn đến tận nhà riêng cho khách ăn tháng nữa… Nhưng một việc không hay đã xẩy ra vì người làm công…

Tôi nhanh miệng đoán:

- Chắc việc xẩy ra ấy là một cuộc tình duyên… bất phân giai cấp giữa người làm công và cô Mình của anh?

Bạn tôi nghiêm sắc mặt trả lời:

- Anh không nên quên rằng việc xẩy ra đã lâu, cách đây có tới năm, sáu năm rồi, nghĩa là lúc cô Mình ngoan ngoãn và đáng yêu của tôi mới mười một, mười hai tuổi. Không, việc đáng tiếc xẩy ra ấy, lại là một án mạng, có thể gọi là khủng khiếp và ly kỳ, chẳng kém gì các truyện trinh thám bí mật nhất của anh… Nhưng, kìa cô Mình của chúng ta đã mang các món ăn ra, anh hãy thưởng thức món súp, món lagu, món bí tết đặc biệt đi đã kẻo rồi mà câu chuyện ghê gớm và rùng rợn của tôi lại làm giảm cái ngon kia đi mất nhiều phần!

Tôi gật đầu:

- Kể ra thì đó cũng đã là một điều đặc biệt rồi nhưng không hiểu tại sao mà hiệu ăn khá đông lại không thấy dùng một người hầu bàn nào cả?

Bạn tôi nhìn tôi một cách bí mật rồi bảo:

- Trước đây hiệu cũng có mượn một người bếp và mấy chú phổ ky, nhưng rồi sau, đột nhiên có xẩy ra một việc và lập tức ông chủ hiệu cho người bếp ra, tự mình làm lấy các món ăn, lại cho luôn mấy chú phổ ky ra nốt để mấy cô con gái của ông hầu bàn…

Tôi tò mò muốn, hỏi việc xẩy ra ấy là việc gì nhưng chỉ làm ra bộ thản nhiên mà lơ đãng bảo:

- Việc xẩy ra ấy không có gì khó hiểu khi mà ông chủ hiệu lại có mấy cô con gái ngoan ngoãn đáng yêu…

Bạn tôi nghiêm sắc mặt trả lời:

- Anh không nên đoán liều như vậy! Trước hết anh nên nhớ rằng thời xẩy ra việc ấy thì cô Mình, cô chị hãy còn bé tí xíu, mười một, mười hai đó thôi, nên không làm gì có những cuộc tình duyên bất phân giai cấp giữa người làm công và cô con chủ hiệu được! Việc xẩy ra ghê gớm hơn chuyện ấy nhiều vì chính là một vụ án mạng…

Ngay lúc này, cô Mình ngoan ngoãn bưng hai bát súp từ trong bếp đưa ra, khói bốc lên nghi ngút. Bạn tôi hình như đã toan nói, lại ngừng lại mà bảo tôi rằng:

- Được rồi, lát nữa tôi sẽ kể chuyện cho anh nghe, khi nào các món súp phô mát và thập cẩm đã bị tan xong xuôi trong dạ dày của anh và tôi rồi…

Tôi nhấp một ngụm cà phê rồi đặt cốc xuống:

- Cà phê ở đây thì có điều kém, phải không anh?

Bạn tôi gật đầu:

- Điều đó đã là lẽ dĩ nhiên rồi, vì món đặc biệt chính ở đây là món bí tết bò vừa rồi, chính anh cũng đã phải công nhận: đệ nhất Hà thành!

Tôi nhắc lại:

- Nhưng còn câu chuyện vừa rồi!

Bạn tôi gật đầu:

- Anh cứ yên trí, nhưng tôi chỉ sợ khi anh nghe xong, sẽ thấy món súp vừa ăn đây không còn những vị thơm ngon của nó nữa! Câu chuyện sự thực cũng không có gì ly kỳ lắm… Anh hãy tưởng tượng hiệu ăn này, trước đây còn tấp nập hơn nhiều, vì lẽ có đến bốn, năm hầu bàn và hiệu lại còn nhận cả việc mang bữa ăn đến tận nhà riêng cho những người ăn cơm tháng…

Ngừng lại chốc lát, bạn tôi nói tiếp:

- Trong số những người ăn cơm tháng ở hiệu này mà hàng ngày phổ ky phải mang đến tận nhà, có một người Tầu già tên thường gọi là Trường lầy lổ… Ông già Trường ở cách hiệu không xa mấy, nhưng ông không chịu đến hiệu ăn, chỉ là vì ông buôn bán nghề đồ cổ, thường có rất nhiều bảo vật mà ngoài ông già ra không hề có ai trông nom coi sóc nữa. Bởi vậy, ông già mà xa cửa hàng một lúc sẽ có thể bị quân gian rình mò và lẻn vào ăn trộm mất các bảo vật kia…

Người ta gọi Trường lão là thần giữ của cũng không có gì là quá đáng, vì lão không có vợ con, mà không dám tiêu pha một chút gì khả dĩ có thể kêu là hoang phí… Lão ở đó có một mình, bất thường và việc quan trọng lắm, lão mới rời cửa hàng… Thường thường, kẻ mua cũng như người bán thẩy đều đến tận cửa hàng của lão cả… Nhưng cuộc đời yên lặng đó không kéo dài mãi như người ta tưởng tượng. Vì một buổi sáng kia, hàng xóm để ý, không thấy lão dậy mở cửa hàng… Đó thực là một sự lạ vì lão xưa nay vẫn nổi tiếng là người thức khuya dậy sớm nhất phố! Hàng xóm tò mò đợi thêm lát nữa và sau cùng, vẫn không thấy động dạng tăm hơi gì đành báo cho một cảnh binh đi qua, biết rõ sự lạ này. Viên cảnh binh thử gõ cửa gọi, mà một lúc lâu không thấy ai thưa, mới xô mạnh cửa, cùng mấy người chứng tá lân bang vào xem. Ai nấy vừa bước qua ngưỡng cửa được mấy thước, đã phải giật mình mà chạy lùi. Vì trước mặt họ, một cảnh tượng hãi hùng đã bày ra: lão Trường không biết bị đâm chết từ hồi nào, nằm gục ở cạnh một chiếc hòm cổ bằng gỗ hồng đàn chạm rất tỉ mỉ. Ở ngực, ở mặt lão, có đến bốn năm vết đâm mà toàn là bằng dao nhọn, lưỡi mảnh nhưng rất dài. Con dao đó, hãy còn vất ngay bên cạnh tử thi, một thứ dao “chủy” của các võ tướng thời cổ vẫn đeo, nhỏ như lá lúa và vô cùng sắc bén. Nhìn thấy con dao, các lân bang đều nói rằng:

- Con dao cổ ấy chính là của lão Trường, trước đây lão vẫn bầy ở ngoài tủ kính, sau mới cất vào trong nhà và treo ở trên tường cạnh chỗ lão nằm. Do ở điều này, các nhà chuyên trách tới khám nghiệm, kết luận rằng: Hung phạm có lẽ không chủ tâm giết lão Trường, bởi vậy nên không mang theo khí giới riêng của mình… Có lẽ vì một trường hợp bất thường, hung phạm mới phải hạ thủ và nhân tiện thấy có lưỡi dao nhọn trên tường thì dùng ngay dao ấy làm khí giới… Các nhà chuyên trách lại thấy chiếc hòm hồng đàn chạm trổ kia lại mở tung, nhiều đồ vật đựng trong hòm bị lục tung, xáo lộn. Do đó các nhà chuyên trách lại nêu ra một giả thuyết như sau: Có lẽ hung phạm đương mải lục hòm của lão Trường thì lão ập đến, bắt được quả tang, hung phạm trong lúc cuống quýt sinh liều, tiện tay với được mũi chủy trên tường nên đâm chết ngay lão Trường để thoát thân.

Tôi ngắt lời hỏi:

- Lão Trường chết, có mất nhiều tiền của hoặc bảo vật gì không?

Bạn tôi lắc đầu:

- Các nhà chuyên trách cũng không biết nữa, vì chính lão Trường có bao nhiêu tiền để trong hòm và châu báu vàng bạc có những gì, cũng không ai hay biết mà hòng kiểm điểm lại… Nhưng nguyên một điều người ta thấy ngay cạnh tử thi có nhiều tờ giấy bạc bỏ vương và bốn năm chiếc vòng vàng chạm cổ, thì người ta đoán chắc trong hòm, lão Trường để nhiều tiền và châu báu lắm, trong lúc vội vàng, hung thủ bỏ đầy mấy túi rồi cũng không còn chỗ đựng nữa nên đành phải bỏ lại mà thoát lui…

Tôi hỏi:

- Các nhà điều tra có tìm thấy được vết tay, hoặc vật gì của hung phạm bỏ lại hay không?

Bạn tôi lắc đầu:

- Vì có nhiều kẻ tò mò vào xem xét từ trước nên các vết tay bị xáo lộn cả, các nhà chuyên trách tới điều tra, không dùng được việc gì… Nhưng thám tử Trúc Tâm đứng đầu cuộc điều tra này xem xét kỹ chiếc hòm, có tìm thấy một vật nhỏ rất lạ… đó là một móng tay người… Dùng kính hiển vi mà soi cạnh nắp hòm, thám tử Trúc Tâm thấy có một vài chỗ sây sát lại có dính một chút máu nữa, nên thám tử đoán chắc rằng: vì hòm có khóa riêng, hung phạm đương lúi húi mở, dùng cả móng tay mà cậy nắp thì không hiểu vì cớ gì, chiếc khóa bỗng mở tung và làm đứt băng cả chiếc móng tay của hung phạm… Có lẽ chiếc móng tay bị đứt bất thình lình như vậy, đau quá, hung phạm buột miệng kêu lên và do đó, lão Trường ở nhà sau vùng chạy ra… để nhận mũi chủy của hung phạm.

Tôi ngẫm nghĩ chốc lát rồi nói rằng:

- Cứ như ý tôi thì có lẽ hung phạm giết lão Trường phải là người quen thuộc chứ không phải kẻ xa lạ, vì phải là người quen thì mới biết rõ trong hòm đó, lão Trường để tiền và vàng ngọc, phải là người quen thì khi chợt thấy lão Trường ra, hắn phải hạ thủ vì sợ lộ tung tích.

Bạn tôi đồng ý, gật đầu:

- Anh đoán rất đúng và thám tử Trúc Tâm có lẽ cũng suy luận như vậy nên chàng đã tìm xem những ai là người quen lão Trường, thường hay ra vào nhà này! Việc tìm tòi ấy cũng không khó khăn gì lắm vì lão Trường vốn không có bạn bè thân thiết. Lão sống một cách cô độc, chẳng khác gì một con gấu già dữ tợn.

Lão cũng có đôi ba người bạn hàng quen, thường hay lui tới cửa hiệu nhưng theo lời lân bang thì suốt ngày hôm đó, trời mưa, không thấy có ai bấm chuông nhà lão cả. Họ chỉ trông thấy có chú Quắn, người phổ ky của hiệu ăn này, thường lệ hai buổi đến đưa cơm…

Tôi ngắt lời:

- Như vậy, lẽ tất nhiên chú Quắn này phải là người tình nghi trước nhất!

Bạn tôi mỉm cười:

- Ai ai cũng nghĩ như vậy và Trúc Tâm cho rằng có lẽ bữa ấy, chú Quắn mang cơm lại, quen lệ thường, vào trong nhà mà không bấm chuông. Lúc ấy, lão Trường lại mắc bận gì ở phòng trong và sự vắng mặt của lão đã làm cho Quắn chợt nổi lòng tham… Quắn ra vào nhiều lần nhà này đã biết đích xác trong chiếc hòm có tiền và quý vật nên nhất định mở lấy. Không may cho hắn khi đang lúi húi cậy hòm, thì cái khóa bỗng bật tung, làm cho Quắn bị bong mất cả một móng tay, trong khi lão Trường ở nhà trong thấy động cũng hốt hoảng chạy ra. Quắn không suy nghĩ rồi vội vã vơ lấy ít nhiều tiền bạc, không kịp tìm lấy lại cái móng tay của mình còn rơi đâu đó nữa!

Tôi ung dung bảo:

- Tôi cũng nghĩ như thế. Và công cuộc điều tra sẽ không khó khăn gì nữa, nếu khi ấy ta lập tức đến hiệu ăn đặc biệt này, nhìn bàn tay chú Quắn, hễ thấy đúng hắn bị mất một móng tay là lập tức bắt luôn!

Bạn tôi gật đầu:

- Nghe anh nói thì việc bắt hung phạm quả nhiên dễ dàng như việc chúng ta vừa mới ăn xong miếng bí tết, mặt ngoài vừa cháy cạnh, thơm ngon mà bên trong thì còn tươi máu… Không, anh ạ! Trong mọi công cuộc điều tra hình án, thường không giản dị và sẵn sàng như ta đọc thấy ở trong tiểu thuyết. Thanh tra Trúc Tâm đã đến hiệu ăn này và đã chiếm một bàn ăn phía ngoài cùng, cạnh cửa ra vào. Có lẽ chàng định chờ xem bàn tay hung phạm, sau đó sẽ kín đáo gọi sát nhân theo mình về sở… Chàng ngồi cạnh cửa, lại còn có ý canh gác, nhất định từ lúc này không để một ai ra khỏi hiệu nếu người đó không có lành lặn đủ cả 10 chiếc móng tay.

Ngừng lại chốc lát, bạn tôi mới mỉm cười mà tiếp:

- Một viên thanh tra đi đón bắt người như vậy có thể tính toán trước mọi sự xẩy ra, hung phạm tìm hết cách để lẻn trốn, hung phạm liều mạng chống cự để thoát thân hoặc hung phạm khi biết khó tránh được lưới pháp luật thì tự sát để khỏi phải đền tội lỗi… Nhưng không bao giờ Trúc Tâm lại có thể ngờ có việc lạ lùng xẩy ra đến thế!

Uống một ngụm nước trà, như cố ý chần chừ để cho người nghe chuyện đến đoạn gay go phải nóng lòng chờ đợi, lâu lâu bạn tôi mới tiếp:

- Thanh tra Trúc Tâm vẫn kiên gan ngồi đợi… 10 phút, 20 phút, cuối cùng mãi cho tới gần trưa, chàng mới thấy kẻ bị tình nghi là chú Quắn phổ ky cố làm ra vẻ bình tĩnh bước ra phía ngoài cửa hiệu. Chỉ một liếc nhìn thanh tra Trúc Tâm đã thấy rõ ràng mặt Quắn hơi thất sắc, tay hắn thu thu như muốn giấu, nhưng vẫn để lộ rõ ràng nơi bàn tay trái có một ngón buộc vải và có thấm máu ra ngoài…

Bạn tôi lại tiếp:

- Thanh tra Trúc Tâm lúc này hồi hộp vô cùng, thực chẳng khác gì một nhà thiện xạ thấy bóng dáng một con mồi… Chàng đợi cho anh phổ ky Quắn tiến vừa sát tới trước mặt mình mới ung dung đứng dậy. Chàng thấy Quắn biến sắc mặt và cũng vừa lúc ấy, Trúc Tâm giơ tay nắm chặt lấy cánh tay của kẻ tình nghi. Trong lúc bất ngờ, Quắn vội giơ bàn tay có buộc băng lên, và nhanh như cắt, Trúc Tâm đã chộp lấy…

Một tiếng kêu se sẽ… Và tới lượt Trúc Tâm biến sắc vì chàng vừa mới chạm tay vào chỗ vết thương buộc băng thì tất cả đám băng bông thấm máu ấy tuột rơi xuống đất.

Và trên bàn tay của Quắn, Trúc Tâm thấy rõ ràng ngón giữa, bị cụt hẳn ba đốt, chứ không phải ngón tay giữa ấy chỉ bị bóc có móng mà thôi!

Trúc Tâm hỏi:

- Tại sao chú lại cụt mất ngón tay thế này?

Quắn chỉ lúng túng trong chốc lát nhưng đã lại trấn tĩnh được ngay và trả lời:

- Hồi sáng hôm nay, tôi chặt thịt, không may vô ý để cho dao phập xuống và cụt mất ngón tay… Tôi vội buộc ngay băng lại…

Trúc Tâm cau mặt hỏi:

- Thế nhưng còn ngón tay bị chặt rơi ra ấy đâu rồi, chú đưa tôi xem!

Quắn lắc đầu:

- Lúc dao phập xuống, máu ra nhiều quá và tôi đau điếng người… Tôi luống cuống, không biết làm thế nào, vội xẻ cái khăn mặt bông ra buộc còn ngón tay ấy thì… thì tôi vất vào trong chậu rửa mặt, trôi đi đâu mất rồi…

Trúc Tâm lập tức bảo Quắn đưa vào trong bếp và chàng quả nhiên thấy cạnh chỗ chậu rửa mặt, có nhiều vết máu tươi… Trúc Tâm chợt hiểu ra: Quắn quả nhiên là một tên hung phạm ghê gớm, có lẽ sau khi giết lão Trường thấy ngón tay mình bị bóc mặt một chiếc móng, hắn đoán chắc sớm muộn thế nào các nhà chuyên trách cũng tìm đến và khám ngón tay mình… Móng tay bị bóc mất kia sẽ là chứng cớ cụ thể đưa hắn lên đoạn đầu đài. Quắn đã suy nghĩ lung lắm và cuối cùng đã tìm ra được một phương pháp tránh tội: hắn nghiến răng chặt ngón tay của mình đi, rồi vất vào trong chậu rửa mặt - ba đốt ngón tay trôi xuống ống dẫn nước, như thế là mất tích… Trúc Tâm đến hỏi, Quắn đã trả lời như vậy và chàng đã đành ôm hận mà trở về… Chàng biết dù có bắt ngay Quắn lúc ấy đưa về sở thì việc đưa ra tòa, chứng cớ không cụ thể đó, tòa cũng sẽ cho Quắn được trắng án thôi.

Thấy bạn ngừng lại, tôi mới hỏi:

- Sau đó, chắc ông chủ hiệu này biết chuyện, để tránh mọi sự phiền nhiễu xẩy ra, mới nhất định không mượn qua một người làm nào nữa! Nhưng tôi vẫn không hiểu tại sao việc Quắn lại đến tai ông chủ?

Bạn tôi gật đầu:

- Lẽ tất nhiên, Trúc Tâm không hề hở môi ra, chỉ cố gắng tìm một chứng cớ khác, cốt để cho hung phạm phải đền tội lỗi. Nhưng trong khi ấy, Quắn nhân dịp có mấy người bà con về Tầu, cũng lẻn trốn theo để cho Trúc Tâm phải ôm mối hận mãi mãi. Mà hận hơn nữa, là về sau, chàng mới được ông chủ hiệu cho biết một chuyện khá lạ kỳ… Nhân hôm đó, trời mưa to gió lớn, tôi và Trúc Tâm ăn trong hiệu, ngồi nán lại chơi không về… Thấy bọn cô Mình, cô Ngọc chạy ra vô hầu rất là ngoan ngoãn, lanh lẹ, Trúc Tâm mới vui chuyện kể lại vụ án mạng trước đây rồi kết luận: "Ông chủ ạ, cứ loanh quanh người nhà làm lại tốt hơn! Chứ cứ có những chú phổ ky như Quắn thì cũng nguy hiểm lắm lắm!"

Ông chủ nhận thấy chúng tôi là khách quen, thường đến hiệu hàng ngày và thân mật như người nhà, mới rót chén rượu mai quế lộ, ngồi uống cùng bàn chúng tôi và khi hơi men chuếnh choáng, mới cười mà bảo Trúc Tâm rằng:

- Hầy à! Ông phán… Bây giờ tôi mới cho ông biết điều này nhé! Hôm ấy, ông khám tay thằng Quắn xong rồi, hậm hực không giải nó về sở mà đành bỏ đi một mình, tôi tuy chưa rõ chuyện gì nhưng để ý thấy Quắn có vẻ lo ngại lắm. Và buổi chiều tối, khi một người khách quen của hiệu, sau lúc đã ăn hết đĩa súp, có gọi tôi ra mà hỏi: “Ông chủ ạ, hình như món súp của ông hôm nay có vị gì khang khác thì phải!” Tôi không nói gì, vào trong bếp nếm thử lại món súp và quả nhiên thấy có vị khang khác thực! Tôi ngạc nhiên, bới thử nồi súp lên xem thì thấy ngoài những xương lợn, xương bò, xương gà lại có cả mấy đốt xương gì cũng hơi khang khác!

Trúc Tâm đập mạnh tay xuống bàn, kêu:

- Thôi, chết rồi, thế mà tôi lại cứ yên trí thằng Quắn nói thực khi nó khai đã tống ngón tay ấy xuống lỗ cống chậu rửa mặt rồi…

Ông chủ hiệu mỉm cười:

- Nếu ông cho tôi biết chuyện ngay khi ấy, thì tôi cũng lại cho ông biết rằng ống tháo nước chỗ chậu rửa mặt ấy không thông hẳn xuống cống mà chỉ chảy ra tới sân sau… Quắn không dám vất ngón tay vào đó chính là vì biết rõ điều ấy!

Thấy Trúc Tâm vẫn hậm hực vì đã để thoát một hung phạm ra khỏi mắt lưới pháp luật, tôi vỗ vai chàng mà an ủi:

- Anh uất ức là vì anh đứng vào địa vị một nhà chức trách. Nhưng riêng đối với bọn khách ăn quen ở đây thì sự thực chúng tôi đều nhớ ơn chú Quắn! Nhờ có vụ án ba đốt ngón tay này, ông chủ đây mới quyết định không thuê mượn những người làm công nữa! Và có thế thì chúng ta đây mới được hưởng cái thi vị mấy cô gái Trung Hoa nhỏ nhắn xinh xinh hầu bàn, gọi món ăn Tây bằng tiếng Tầu và “dạ” rất ngoan khi chúng ta gọi đến!

Để chứng thực lời anh vừa nói đó, bạn tôi đã lại cất tiếng gọi:

- Cô Mình ơi!

Một tiếng dạ rất ngoan đáp ngay, như tiếng dạ đáng thương mến của người em gái nhỏ trong gia đình… Và bạn tôi lại cười mà hỏi:

- Hôm nay nhà có những súp gì, cô Mình?

Trái hẳn với mọi ngày, cô Mình của chúng ta hôm nay không đọc một tràng dài các thứ súp bui-a-bép, súp bò, súp gà và cả súp thập cẩm nữa, chỉ nhoẻn một nụ cười rất đẹp mà trả lời:

- Các ông cần gì mà phải hỏi! Có những súp gì thì đã có đăng cả trên báo rồi mà!

Thì ra cô gái Trung Hoa xinh xắn và ngoan ngoãn ấy, gọi tiếng Tầu các món ăn Tây, đưa giấy tính tiền đến cho chúng ta ghi bằng chữ Hán, lại cũng đọc cả báo Việt Nam trong những lúc nhàn rỗi…

Một hiệu ăn có bấy nhiêu điểm đặc biệt cũng đã thừa sức quyến rũ khách ăn rồi huống hồ hiệu này lại là một hiệu có món bí tết bò ngon nhất Hà Nội, không một ô-ten nào có thể sánh bằng được.


------------



 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét