Thứ Ba, 24 tháng 1, 2023

V. SÔNG NGÒI TẠI KHU VỰC BÌNH - TRỊ - THIÊN


Sông Hương, đoạn ở trước chùa Thiên Mụ (Huế, Việt Nam)

 

V. SÔNG NGÒI TẠI KHU VỰC BÌNH - TRỊ - THIÊN:


1. Tại Quảng Bình:

1.1. Sông Gianh:

- Sông Gianh chảy trên địa phận tỉnh Quảng Bình, bắt nguồn từ khu vực ven núi Cô Pi cao 2.017 m thuộc dãy Trường Sơn, chảy qua địa phận các huyện Minh Hóa, Tuyên Hoá, Quảng Trạch để đổ ra biển Đông ở Cửa Gianh.

- Dòng chảy ở thượng nguồn theo hình chữ V với hướng chủ đạo là tây nam-đông bắc. Từ điểm giáp ranh ba xã Thanh Thạch, Hương Hóa, Kim Hóa bắt đầu chảy theo hướng tây bắc-đông nam. Tới ranh giới hai xã Kim Hóa và Lệ Hóa nó tiếp nhận thêm nước từ một chi lưu nhỏ phía hữu ngạn, chảy về từ phía tây. Phía dưới thị trấn Ba Đồn khoảng 3 km, sông Gianh tiếp nhận thêm nước từ chi lưu phía hữu ngạn, chảy ra từ khu vực Phong Nha-Kẻ Bàng.

- Sông Gianh dài khoảng 160 km, Diện tích lưu vực 4.680 km². Quốc lộ 1 cắt qua sông bằng Cầu Gianh ở phía tây bắc Cửa Gianh 5 km. Từ Cầu Gianh đến Thị trấn Ba Đồn 6 km, đến thị trấn Đồng Lê huyện Tuyên Hóa là 47 km.

- Sông Gianh và Đèo Ngang là biểu trưng địa lý của tỉnh Quảng Bình. Phần thượng lưu sông Gianh có tên là Rào Nậy, một nhánh khác là Rào Son có động Phong Nha (vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, di sản thiên nhiên thế giới). Cửa sông có cảng biển gọi là Cảng Gianh.

- Trong lịch sử, sông Gianh được gọi là Linh Giang. Nếu Đèo Ngang là ranh giới giữa Đại Việt và Chiêm Thành sau khi người Việt giành được độc lập (939) và trước thời kỳ Nam Tiến của người Việt (1069) thì Sông Gianh là ranh giới thời Trịnh-Nguyễn phân tranh giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài (1570-1786) với xung đột vũ trang gần nửa thế kỷ (1627-1672). Chiến trường chính là miền Bố Chính (Quảng Bình). Đèo Ngang gắn với huyền thoại “Hoành Sơn nhất đái, vạn đại dung thân” của Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm. Năm 1558, Nguyễn Hoàng, một danh tướng thời Lê Trung Hưng, con thứ của Nguyễn Kim, sợ bị Trịnh Kiểm mưu hại, đã xin vào trấn thủ Thuận Hoá, mở đầu nhà Nguyễn sau này.

- Trong cuộc chiến tranh Trịnh Nguyễn, quân Trịnh án ngữ ở đèo Ngang, nhưng thực sự ranh giới Bắc Nam là sông Gianh. Bờ bắc sông có chợ Ba Đồn là nơi quân Trịnh mua đồ ăn uống và trao đổi hàng hóa. Bờ nam sông có một số thành lũy chắc chắn do Đào Duy Từ tổ chức xây đắp, Luỹ Thầy dài 18 km, luỹ Trường Dục dài 10 km.


Sông Son trước 
động Phong Nha
1.2. Sông Son:

- Sông Son hay sông Tróc là một chi lưu của sông Gianh, chảy hoàn toàn trên địa phận tỉnh Quảng Bình. Một phần thượng nguồn của sông dài 7.729 mét chảy ngầm trong các núi đá vôi ở phía tây Quảng Bình. Sông Son chảy ra từ cửa động Phong Nha nằm trên đất làng Phong Nha xã Sơn Trạch huyện Bố Trạch. Nó hợp lưu với sông Gianh tại gần thị trấn Ba Đồn.

- Có nhiều truyền thuyết về nguồn gốc của tên dòng sông Son. Một truyền thuyết cho rằng vì vào đầu thế kỷ 19, quân Tây Sơn bị quân của Nguyễn Ánh giết chết nhiều tại sông này, máu loang ra đỏ cả dòng sông. Truyền thuyết khác kể về một chuyện tình giữa một cô gái con nhà giàu và một chàng trai con nhà nghèo. Mặc dù bị gia đình phản đối do không môn đăng hộ đối, cô gái vẫn sắt son. Cuối cùng hai người dẫn nhau tới dòng sông này tự vẫn. Người dân quanh vùng cảm động trước mối tình của hai người nên đặt tên là sông Son. Tuy nhiên, nhiều người địa phương nói rằng gọi là sông Son vì vào mùa mưa lũ, nước sông rất đỏ.


Sông Nhật Lệ
1.3. Sông Nhật Lệ:

- Sông Nhật Lệ bắt nguồn từ núi U Bò, Co Roi (Trường Sơn) chảy ra Biển Đông tại cửa Nhật Lệ.

- Sông có chiều dài 85 km với hai nhánh chính: sông Long Đại (hay Đại Giang) chảy qua huyện Quảng Ninh và sông Kiến Giang chảy qua huyện Lệ Thủy, gặp nhau ở Trung Quán.

- Sông Nhật Lệ còn có tên là Đại Uyên được đổi thành sông Nhật Lệ khoảng năm 1069-1075. Theo Đại Nam nhất thống chí, từ thời Văn Lang, Âu Lạc (năm 2879 đến 257 trước Công nguyên) thuở vua Hùng dựng nước thì nước ta đã có 15 bộ (xấp xỉ 15 tỉnh). Từ Hoành Sơn trở vào gọi là bộ Việt Thường. Đến các triều đại Tần, Hán, Đường bên Trung Quốc thì nước ta bị thôn tính và chia làm quận huyện để cai trị. Thời nhà Tần (221-206 trước Công nguyên), vùng đất Quảng Bình thuộc quận Tượng Lâm, đến thời nhà Triệu (207-111 trước Công nguyên) đổi thành quận Cửu Chân, sang thời Tây Hán (111 trước Công nguyên -39 sau Công nguyên) thuộc quận Nhật Nam. Cuối thời Động Hán, bộ tộc Khu Liên lợi dựng nhà Đông Hán suy yếu đã nổi dậy chiếm Tượng Quận và Nhật Nam lập nên Lâm Ấp (sau này gọi là Chiêm Thành).

- Năm 1063 vua Lý Nhân Tông chọn thái uý Lý Thường Kiệt làm nguyên soái tiên phong chỉ huy 5 vạn quân theo đường thuỷ tiến vào cửa biển Nhật Lệ, đánh bại quân Chiêm, bắt sống Chế Củ. Vua Chiêm đã chuộc mạng bằng cách dâng cho Đại Việt ba châu Bố Chính (Tuyên Hoá, Quảng Trạch, Bố Trạch ngày nay), Địa Lý (Lệ Thuỷ và Quảng Ninh bây giờ), Ma Linh (Quảng Trị hiện tại). Năm 1074, Chế Củ chết, người kế vị lại đánh chiếm ba châu. Năm 1075, vua Lý Nhân Tông cử Lý Thường Kiệt vào bình định lại, chính thức vẽ bản đồ cương giới ba châu, đổi lại tên của nhiều địa danh, giữ tên châu Bố Chính, đổi tên châu Điạ Lý thành châu Lâm Bình, châu Ma Linh thành châu Minh Linh, xuống chiếu mộ dân vào giữ vùng đất mới và tổ chức việc cai trị. Đây là đợt di dân đầu tiên để vào giữ đất và khai khẩn đất phương Nam. Tên sông Nhật Lệ dường như được đặt lại trong dịp đó.

- Thời Trịnh - Nguyễn phân tranh (1570-1786) với xung đột vũ trang gần nửa thế kỷ (1627-1672) giữa Đàng Trong và Đàng Ngoài thì chiến trường chính là miền Bố Chính, từ đèo Ngang đến Nhật Lệ. Trong cuộc chiến Trịnh Nguyễn, quân Trịnh án ngữ ở đèo Ngang đến bờ bắc sông Gianh. Bờ nam sông Gianh đến sông Nhật Lệ là tuyến phòng thủ của quân Nguyễn với những thành lũy chắc chắn do Đào Duy Từ tổ chức xây đắp, luỹ Thầy dài 18 km, luỹ Trường Dục dài 10 km. Di tích Lũy Thầy, Quảng Bình quan, thành quách của thời Trịnh Nguyễn nay vẫn còn.

- Trong Chiến tranh Việt Nam (1954-1975), không lực Hoa Kỳ đã đánh phá miền Bắc Việt Nam ác liệt nhất tại tỉnh Quảng Bình. Những trọng điểm nổi tiếng ác liệt, lưu dấu nhiều chứng tích chiến tranh là phà Long Đại (nay là cầu Long Đại), phà Xuân Sơn, phà sông Gianh (nay là cầu Sông Gianh), đèo Ngang, quốc lộ 1, đường 15, hệ thống đường 559 (đường Trường Sơn, đường mòn Hồ Chí Minh), thành phố Đồng Hới, cửa biển Nhật Lệ.

Hầu hết các con sông tại Việt Nam đều chảy ra biển, riêng chỉ có Kiến Giang lại nghịch hà - theo hướng Đông Bắc.

1.4. Sông Kiến Giang:

- Sông Kiến Giang là một nhánh của sông Nhật Lệ, chảy qua huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình. Sông dài 58 km. Là hợp lưu của nhiều nguồn sông suối phát nguyên từ vùng núi phía Tây - Nam huyện Lệ Thủy đổ về, đến đoạn ngã ba Phú Thọ (An Thủy- Lệ Thủy), sông đón nhận thêm nước của sông Cẩm Ly chảy từ hướng Tây đồ về, sông tiếp tục chảy qua cánh đồng trũng huyện Lệ Thủy, chảy vào địa phận huyện Quảng Ninh và chảy băng qua phá Hạc Hải (có chiều dài gần 2 km2) về đến ngã ba Trần Xá thì hợp lưu với sông Long Đại đổ nước vào sông Nhật Lệ.

- Đây là dòng sông của điệu Hò khoan Lệ Thủy. Hàng năm vào ngày 2 tháng 9 có hội đua thuyền nổi tiếng. Đây là con sông đã chứng kiến sự sinh ra và lớn lên của những nhân vật nổi tiếng như Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh, Đại tướng Võ Nguyên Giáp và Tổng thống Việt Nam Cộng hoà Ngô Đình Diệm. Hầu hết các con sông ở Việt Nam đều chảy theo hướng đông nam, riêng con sông này chảy theo hướng đông bắc nên còn được gọi là Nghịch Hà. Tuyến Đường sắt Bắc Nam cắt qua con sông này tại Cầu Mỹ Trạch. Trong thời kỳ Đông Dương thuộc Pháp, cầu Mỹ Trạch là nơi chứng kiến Thảm sát Mỹ Trạch đẫm máu, nơi dân làng Mỹ Trạch bị quân Pháp đưa ra cầu xử bắn, nơi đây ngày nay vẫn còn "Bia căm hờn" ghi lại tội ác này.


Long Đại tại khu cầu treo Cây Sú
1.5. Sông Long Đại:

- Sông Long Đại còn có tên gọi khác là Đại Giang, bắt nguồn từ động Vang Vang, cao 1000m, ở huyện Lệ Thuỷ, tỉnh Quảng Bình, chảy qua địa bàn huyện Quảng Ninh với phần lớn chiều dài, rồi hoà vào sông Nhật Lệ. Chiều dài tổng cộng khoảng 93km.

- Suối nước khoáng nóng Bang, nguồn nước khoáng duy nhất tại Việt Nam có nhiệt độ sôi tại lỗ phun là 105 độ C.


1.6. Sông Dinh:

- Sông Dinh bắt nguồn từ dãy Trường Sơn, hợp lưu ở khu vực thị trấn Nông trường Việt Trung, thuộc huyện Bố Trạch. Sông chạy dài khoảng 15 km thì bị ngăn lại bởi đập Đá Mài. Đây là đập thủy lợi dẫn nước tưới tiêu cho vùng lúa phía nam huyện Bố Trạch và phía bắc thành phố Đồng Hới. Khúc sông rộng nhất khoảng 200 m, hẹp nhất khoảng 150 m. Quốc lộ 1A bắc qua sông bằng cầu Lý Hoà- phía nam đèo Lý Hoà.

- Về mùa lũ, nước sông đục ngầu và dữ dội. Tuy nhiên, hầu như quanh năm nước trong, hiền hòa và khá đẹp. Tốc độ dòng chảy chậm do bị ngăn đập, dòng sông lững thững uốn quanh những rừng cao su xanh ngắt. Rễ cây cao su trong vùng được cho là có thể làm ô nhiễm nguồn nước sông, tuy nhiên chưa có số liệu cụ thể về nguy cơ này. Sự xói mòn đất cát từ những cánh rừng bị khai thác quá tải đã được cho là làm giảm lưu lượng của sông.

- Con sông là nơi sinh sống của rất nhiều loại cá: cá chép, cá chình, cá thát lát, cá giếc, cá lóc...


1.7. Sông Ngàn Sâu:

- Sông Ngàn Sâu là một chi lưu chính của sông La. Sông này dài 131 km, bắt nguồn từ vùng núi Ông Giao (1.100 m) và Cũ Lân (1.014 m) thuộc dãy núi Trường Sơn nằm trên địa bàn giáp ranh của hai tỉnh Hà Tĩnh và Quảng Bình) chảy về hướng Bắc qua huyện Hương Khê, Vũ Quang, Đức Thọ và Hương Sơn (tỉnh Hà Tĩnh) rồi hợp lưu với sông Ngàn Phố tại ngã ba Tam Soa (hay bến Tam Soa (huyện Đức Thọ) tạo thành dòng sông La.

- Ngàn Sâu có các phụ lưu là sông Tiêm, sông Rào Trổ, sông Ngàn Trươi. Toàn bộ lưu vực sông Ngàn Sâu rộng 2061 km².

Cầu Roòn trên quốc lộ 1A bắc qua sông Roòn.

1.8. Sông Roòn

Sông Roòn, còn có tên gọi khác là Loan Giang, là một con sông chảy qua huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình. Sông Roòn bắt nguồn từ dãy núi Hoành Sơn và đổ ra biển Đông qua Cửa  Roòn, tại nơi giáp ranh của Quảng Phú và Cảnh Dương thuộc huyện Quảng Trạch.

Sông Roòn có tổng chiều dài 30 km. 

Cầu Roòn trên quốc lộ 1A bắc qua sông Roòn.

 

2. Tại Quảng Trị:


Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải

2.1. Sông Bến Hải:


- Sông Bến Hải hay Rào Thanh bắt nguồn từ núi Động Chân thuộc dãy Trường Sơn và chảy dọc theo vĩ tuyến 17° Bắc từ tây sang đông rồi đổ ra biển ở Cửa Tùng. Bến Hải là một địa danh ở thượng lưu sông, nên tên sông Bến Hải lấy từ địa danh này. Sông Bến Hải chảy cách biển khoảng 20 km thì nhận một phụ lưu là sông Sa Lung bên tả ngạn. Hai con sông hợp lưu chảy tiếp ra Biển Đông, qua một làng ở bờ bắc có tên là Minh Lương nên được gọi là sông Minh Lương.

- Sông có tổng chiều dài chừng 100 km, nơi rộng nhất khoảng 200 m, là ranh giới giữa hai huyện Vĩnh Linh và Gio Linh thuộc tỉnh Quảng Trị.

- Về tên sông, có thuyết nói là địa danh nguyên gọi là "Bến Hói". "Hói" là tiếng địa phương nghĩa là dòng sông nhỏ. Vì vậy "Bến Hải" là đọc trại từ "Bến Hói".

- Triều Minh Mạng nhà Nguyễn, do phải kiêng húy của vua nên cả tên làng và tên sông "Minh Lương" đều đổi thành Hiền Lương. Cây cầu lịch sử bắc ngang sông gần ngã ba sông Sa Lung và sông Bến Hải cũng mang tên cầu Hiền Lương.

- Sông Bến Hải được biết đến nhiều nhất vì vị trí chia cắt hai miền Nam và Bắc Việt Nam trong suốt cuộc Chiến tranh Việt Nam. Về mặt địa lý thì sông nằm nhích xuống phía nam vĩ tuyến 17. Hiệp định Genève quy định đây là giới tuyến phi quân sự tạm thời vào năm 1954.

Những chiếc vạn đò dọc sông Thạch Hãn tháng 8/1967

2.2. Sông Thạch Hãn:

- Sông Thạch Hãn (hay còn gọi là sông Quảng Trị) là con sông lớn nhất tỉnh Quảng Trị. Sông có 37 phụ lưu, diện tích lưu vực 2.660 km². Ba phụ lưu chính là sông Vĩnh Phước, sông Rào Quán (phần thượng nguồn gọi là sông Đa Krông), sông Cam Lộ (phần hạ nguồn gọi là sông Hiếu).

- Sông có chiều dài 155 km, bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn ở phía Tây tỉnh Quảng Trị và đổ ra biển Đông qua Cửa Việt. Sông Thạch Hãn chảy qua phía Tây Nam thị xã Quảng Trị (thị xã được hình thành từ làng Thạch Hãn). Một nhánh của dòng Thạch Hãn là sông Vĩnh Định chảy qua phía Bắc thị xã, tại đây, sông bị chặn bởi đập An Tiêm nên lượng nước không lớn. Đoạn chính sông Thạch Hãn qua thị xã Quảng Trị sông rộng 150- 200 m, là đường thủy nối liền Quảng Trị lên Ba Lòng, về biển Đông (Cửa Việt). Từ khi công trình thủy lợi Nam Thạch Hãn hoàn thành (cuối thập niên 1970) thì dòng sông Thạch Hãn mùa hè cạn trơ đáy, có thể lội bộ qua sông đoạn thị xã Quảng Trị và nhiều đoạn khác; mùa lũ thì nước dâng cao ngập toàn thị xã.

- Về tên gọi Thạch Hãn, có thể được lý giải rằng do ở giữa nguồn có một mạch đá ngầm chắn ngang sông, tên sông đặt theo đặc điểm này nên mới có tên là Thạch Hãn, nước sông thường trong xanh nhìn thấy đáy.

- Sông Thạch Hãn từ xưa cho tới nay đều được coi là một con sông quan trọng, là huyết mạch giao thông đường thủy, tạo vùng đồng bằng với các vựa lúa chính của tỉnh Quảng Trị như Triệu Phong, Hải Lăng làm cho giao thông đường thủy giữa các địa phương này rất thuận lợi. Con sông cũng có ý nghĩa về mặt thủy lợi, cung cấp nguồn nước cho các đồng bằng xanh tươi phía dưới hạ lựu thuộc các huyện Hải Lăng, Triệu Phong, Thị xã Quảng Trị, nơi mà dòng sông đi qua.


3.3. Các phụ lưu:

- Khe Trà Nê từ phía Bắc châu Lang Thìn (tức là phía Bắc Mường Phin, khoảng Sepone, Sa Van Na Khet ngày nay) chảy vào Sông Thạch Hãn tại tuần Ngưu Tất.

- Khe Tam Lưu từ phía Bắc chảy vào Sông Thạch Hãn tại huyện Thành Hóa. Sông Thạch Hãn chảy tiếp về phía Đông, qua phía Bắc tỉnh thành Quảng Trị thì mang tên sông Quảng Trị và đến ngã ba Cổ Thành chia làm hai nhánh:

+ Một nhánh chảy lên Đông Bắc đến ngã ba Phú Ông, gặp sông Ái Tử (sông Vĩnh Phước) ở phía Tây chảy vào, qua huyện Đăng Xương (tức Triệu Phong ngày nay), rồi ngã ba Đại Độ (tức ngã ba Tướng) gặp sông Điếu Ngao từ huyện Thành Hóa (Sông Điếu Ngao qua cửa Điếu Ngao, đến xã Cam Lộ thì gọi là sông Cam Lộ.), rồi qua ngã ba Giáo Liêm đổ ra cửa Việt.

+ Một nhánh chảy xuống Đông Nam, chảy vào sông Vĩnh Định huyện Phong Điền, gặp sông Mai Đàn từ phía Tây tới, rồi theo hướng Nam tới huyện lỵ Phong Điền thì gặp sông Ô Lâu (Thác Mã), sau đó chảy về phía Tây ra phá Tam Giang.

Ngã ba sông, đoạn cuối sông Cánh Hòm đổ ra sông Hiền Lương

3.4. Sông Cánh Hòm:

- Sông Cánh Hòm dài 11 km, trải dài trên diện tích phía Đông của huyện Gio Linh, tỉnh Quảng Trị, nối liền sông Thạch Hãn và Sông Bến Hải. Đầu thế kỷ 20 người Pháp bắt dân đào sông Cánh Hòm. Vì bị ảnh hưởng dòng xâm thực của thuỷ triều ở 2 đầu tạo thành vùng đất nhiễm mặn và phèn mặn. Các xã dọc hành lang sông Cánh Hòm là Gio Phong, Trung Hải, Trung Giang, Gio Mỹ, Gio Thành và Gio Mai.

- Công trình thuỷ lợi xi phông chảy ngầm dưới đáy sông Cánh Hòm, Công trình này cấp nước tưới cho 80ha ruộng lúa. Từ ngày ngăn sông Cánh Hòm để lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, vùng Thủy Khê, Cẩm Phổ không còn nước mặn cho cây cói phát triển. Không có nguyên liệu nên nghề dệt chiếu của làng Lâm Xuân nay không còn tồn tại.

Sông Sê Pôn tại biên giới Việt-Lào, gần thị trấn Lao Bảo


3.5. Sông Sê Pôn:

- Sê Pôn là con sông của Lào và Việt Nam. Nó bắt nguồn từ phía Tây dãy núi Trường Sơn trên địa bàn M.Samouay (Sa Muộn) huyện Nong, tỉnh Savannakhet của Lào, đi về hướng Tây Bắc vào địa phận huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị, Việt Nam. Trước khi vào hẳn trong lãnh thổ Lào ở Lao Bảo, nó có một đoạn chảy dọc biên giới hai nước. Tại giữa trung tâm của sông là mốc biên giới của hai nước, một nửa bên này sông là Việt Nam và nửa kia là nước Lào. Từ Lao Bảo sông Sê Pôn chảy về hướng Tây đến thị trấn Sê Pôn huyên Sepone Savannakhet, đổ nước vào sông Sêbănghiêng, gom nước cho sông Mê Kông.

- Sê Pôn có mức nước không sâu lắm, chỉ khoảng 1m. Sê Pôn cũng là huyết mạch giao thông đường thủy giữa Lào và Việt Nam. Người dân Lao Bảo và Lào dùng nó làm con đường vận chuyển hàng hóa và giao thương với vùng biên giới này. Sông Sê Pôn có mức nước không sâu, nhưng dòng nước ở đây rất trong trẻo và không bị ô nhiêm nguồn nước vì không có khu công nghiệp nào ở gần đó. Ngoài ra, Sê Pôn có cảnh quan rất đẹp, hòa quyện cùng với rừng núi ở nơi đây, nối liền huyện Hương Hóa và tỉnh Savannakhet của Lào. Hàng ngày luôn có thuyền máy tấp nập chạy qua lại giữa hai nơi ấy để chở hàng và giao thương.

 

4. Tại Thừa Thiên Huế.


Sông Hương núi Ngự


4.1. Sông Hương

Sông Hương hay Hương Giang là con sông chảy qua thành phố Huế.Sông Hương có hai nguồn chính và đều bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn.

- Dòng Tả Trạch dài khoảng 67 km là nhánh chính, bắt nguồn từ dãy Trường Sơn Đông, ven khu vực vườn quốc gia Bạch Mã chảy theo hướng tây bắc với 55 thác nước hùng vĩ, qua thị trấn Nam Đông rồi sau đó hợp lưu với dòng Hữu Trạch tại ngã ba Bằng Lãng (khoảng 3 km về phía bắc khu vực lăng Minh Mạng).

- Dòng Hữu Trạch dài khoảng 60 km là nhánh phụ, chảy theo hướng bắc, qua 14 thác và vượt qua phà Tuần để tới ngã ba Bằng Lãng, nơi hai dòng này gặp nhau và tạo nên sông Hương.

- Từ Bằng Lãng đến cửa sông Thuận An, sông Hương dài 33 km và chảy rất chậm (bởi vì mực nước sông không cao hơn mấy so với mực nước biển). Khi chảy quanh dọc chân núi Ngọc Trản, sắc nước sông Hương xanh hơn – đây là địa điểm Điện Hòn Chén. Tại đây có một vực rất sâu.

- Sông Hương rất đẹp khi chiêm ngưỡng nó từ nguồn và khi nó chảy quanh các chân núi, xuyên qua các cánh rừng rậm của hệ thực vật nhiệt đới. Con sông chảy chậm qua các làng mạc như Kim Long, Nguyệt Biều, Vỹ Dạ, Đông Ba, Gia Hội, chợ Dinh, Nam Phổ, Bao Vinh. Con sông với sắc xanh lung linh, trong trẻo như một viên ngọc dưới ánh mặt trời. Nó từng là nguồn cảm xúc của bao thế hệ du khách khi họ đi thuyền dọc theo sông Hương để nhìn ngắm phong cảnh nên thơ và lắng nghe những điệu ca Huế truyền thống trong đêm tĩnh mịch.

- Các công trình kiến trúc hai bên bờ sông gồm thành quách, thị tứ, vườn tược, chùa chiền, tháp và đền đài... ánh phản chiếu của chúng trên dòng nước khiến con sông thậm chí còn mang thêm nhiều chất thơ và tính nhạc. Nhiều người luôn gắn liền sự thanh bình, thanh lịch và cảnh vật lặng lẽ của Huế với dòng Sông Hương.

- Theo các sách cổ, trước khi mang tên sông Hương, con sông này tuỳ theo thời gian có những tên khác nhau: Sông Linh, Sông Kim Trà (Kim Trà đại giang), Sông Hương Trà (Hương Trà nguyên). Nhiều tài liệu khác cho biết cho biết sông Hương đã từng mang tên sông Lô Dung, sông Dinh, sông Yên Lục.

- Từ năm 1469 dưới thời Lê Thánh Tông, Kim Trà là tên của một huyện ở phủ Triệu Phong thuộc Thừa tuyên Thuận Hoá. Đến khi Đoan Quốc công Nguyễn Hoàng vào trấn phủ Thuận Hoá (1558), huyện Kim Trà được đổi tên là Hương Trà.

- Sông Hương núi Ngự:

+ Núi Ngự Bình (còn gọi là Bằng sơn) cao 105 mét có hình dáng cân xứng. Ở hai bên Bằng Sơn là hai ngọn núi nhỏ tên là Tả Bật Sơn và Hữu Bật Sơn. Có ý kiến cho rằng sau khi quan sát thấy Bằng Sơn trông giống như một tấm bình phong, nhà Nguyễn đã quyết định chọn Huế làm nơi xây dựng Kinh thành. Vua Gia Long đã đồng ý với những thầy địa lý chọn ngọn núi đó làm án thờ phía trước của của hệ thống tường bao chắc chắn có chức năng bảo vệ thành, và đổi tên nó là Ngự Bình.

+ Cùng với sông Hương, núi Ngự Bình là một thắng cảnh thiên nhiên ở Huế. Từ lâu, núi Ngự và sông Hương đã được coi là những biểu tượng của Huế, Huế thường được gọi là “Vùng đất của sông Hương và núi Ngự”.

+ Hằng năm, vào mùa lụt, nước sông Hương dâng cao có thể gây ngập úng cho thành phố Huế và các vùng phụ cận. Nhưng nhờ phù sa sau mỗi trận lụt, các miệt vườn như Nguyệt Biểu với đặc sản là quả Thanh Trà; Kim Long với măng cụt, các triền ven sông với bắp... sẽ tốt tươi hơn.

Sông Bồ nhìn từ cầu An Lỗ trên Quốc lộ 1


4.2. Sông Bồ:

- Sông Bồ là một phụ lưu lưu cấp I quan trọng phía tả ngạn của sông Hương, chảy từ Trường Sơn qua các huyện A Lưới, Hương Trà, Phong Điền, Quảng Điền rồi đổ vào sông Hương ở Ngã ba Sình. Sông  dài 94 km. Diện tích lưu vực 938 km2;

- Sông Bồ bắt nguồn từ vùng núi A Sầu phía tây tỉnh Thừa Thiên - Huế, ở độ cao 900m, chảy theo hướng đông nam - tây bắc đổ vào bờ trái Sông Hương, cách cửa sông 9km.

Sông Sekong trong hệ thống sông Mekong
4.3. Sông Sekong:

- Sekong là một dòng sông quốc tế, Se (xế) trong tiếng Lào có nghĩa là sông và Kon mới là tên gọi của dòng sông, tuy nhiên tên quốc tế của sông này vẫn là Sekong hoặc Sekon và ở Việt Nam dùng tên Xê Kông. Nó là một chi lưu của sông Mê Kông và nhập vào sông này ở gần thị xã Stung Treng.

- Sekong bắt nguồn từ dãy núi Trường Sơn, đoạn ở huyện A Lưới, tỉnh Thừa Thiên - Huế. Ở đấy, nó được gọi là sông A Sáp. Từ tháng 6 năm 2007, chính phủ Việt Nam đã bắt đầu xây dựng một công trình thủy điện trên A Sáp.

- Ở trên lãnh thổ Lào, Sekong chảy qua các tỉnh Saravane, Sekong và Attapeu. Các thị xã của Lào nằm bên Sekong là Banbak, Lamam và Attapeu. Tại Lào, Sekong tiếp nhận nước từ một chi lưu quan trọng là Sekaman. Chính phủ Lào cũng cho xây dựng một số công trình thủy điện và thủy lợi trên Sekaman.

- Ở trên lãnh thổ Campuchia, Sekong chảy hoàn toàn trong địa phận tỉnh Stung Treng, hội lưu với sông Serepôk và sông Mê Kông tại ngã ba sông rộng lớn gần thị xã Stung Treng. Ngoài Stung Treng, một thị xã khác của Campuchia cũng nằm bên sông Sekong là Siempang.

- Toàn bộ lưu vực của Sekong rộng 29.750 km² trong đó phần trên lãnh thổ Việt Nam là 750 km² (quanh sông A Sáp và một chi lưu nhỏ của Sekong bắt nguồn từ Kontum), phần trên lãnh thổ Lào là 23.000 km², trên lãnh thổ Campuchia là 5.400 km².

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét