Thứ Ba, 24 tháng 1, 2023

Sông ngòi Việt Nam - VIII. HỆ THỐNG SÔNG ĐỒNG NAI

 


Cầu Gềnh trên sông Đồng Nai

VIII. HỆ THỐNG SÔNG ĐỒNG NAI: 

 

Hệ thống Sông Đồng Nai gồm các sông: Đồng Nai, Vàm Cỏ, Sài Gòn… hợp thành, có chiều dài lớn nhất nước ta. Dòng chính dài khoảng 635 km. sông bắt nguồn từ cao nguyên Lâm Viên ở độ cao 1.770km, lưu vực sông nằm gần như trọn ven trên lãnh thỗ Việt Nam. Diện tích lưu vực Sông Đồng Nai khoảng 23.252 km2, nếu tính cả phụ lưu sông Sài Gòn là 29.520km2.


Vị trí sông Đồng Nai trên bản đồ
1. Sông Đồng Nai:

- Sông Đồng Nai là con sông lớn thứ nhì đất Nam Bộ, chỉ thua sông Cửu Long, sông còn có tên là "sông Phước Long" vì gọi tên theo phủ Phước Long cũ. Sông Đồng Nai chảy qua các tỉnh Lâm Đồng, Đăk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh với chiều dài trên 437 km, nếu tính từ đầu nguồn sông Đa Đưng thì dài 586 km còn nếu tính từ điểm hợp lưu với sông Đa Nhim phía dưới thác Pongua thì dài 487 km. Sông Đồng Nai đổ vào biển Đông tại khu vực huyện Cần Giờ. Các phụ lưu chính của nó gồm sông Đa Nhim, sông Bé, sông La Ngà, sông Sài Gòn, sông Đạ Hoai và sông Vàm Cỏ. Các phân lưu của nó có tên gọi là sông Lòng Tàu (sông Ngã Bảy), sông Đồng Tranh, sông Thị Vải, sông Soài Rạp (sông Soi) v.v…


- Nguồn sông chính xuất phát từ cao nguyên Lâm Viên, tỉnh Lâm Đồng. Đoạn trên sông mang tên sông Đắc Dung. Đến thị trấn Uyên Hưng thì sông Đồng Nai chảy theo hướng Bắc-Nam ôm lấy cù lao Tân Uyên và Cù Lao Phố. Sông chảy qua thị xã Biên Hòa và Nhà Bè thì có thêm chi lưu là sông Sài Gòn.


- Gia Định là rẽ theo sông Sài Gòn lên phía Tây Ninh, còn Đồng Nai là theo dòng sông lên Biên Hòa.


- Nhánh chính sông Đồng Nai ở khúc hạ lưu thường gọi là sông Nhà Bè. Sách xưa gọi sông này là "Phước Bình". Sông Đồng Nai hoà với nước của sông Vàm Cỏ từ Long An đổ về trước khi tuôn ra biển Đông.


- Hai phân lưu chính của sông Đồng Nai là sông Soài Rạp đổ vào vịnh Soài Rạp tại cửa Soài Rạp (rộng 2.000 - 3.000 m, sâu 6 - 8 m) ở huyện Cần Giờ và sông Lòng Tàu (sâu 15-20m) đổ vào vịnh Gành Rái.

Toàn cảnh sông Đồng Nai

- Sông Đồng Nai có một số cảng lớn như cảng Cát Lái, cảng Bình Dương. Đường sắt và Quốc lộ 1A vượt sông này qua cầu Đồng Nai ở Biên Hòa.


- Đồng Nai nguyên tên phiên âm tiếng Miên là "Nông-nại". Đây là vùng đất Chân Lạp người Việt vào khai phá trước tiên.


- Cù Lao Phố trên sông Đồng Nai là nơi phát triển sầm uất của cộng đồng người Minh Hương trước khi vùng đất này trở thành đơn vị hành chính chính thức của Đàng Trong năm 1698.


2. Sông Đa Nhim:

- Sông Đa Nhim bắt nguồn từ phía Bắc núi Gia Rích (1.923m), huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, gần ranh giới với hai tỉnh Khánh Hoà và Ninh Thuận. Sông chảy qua các huyện Đơn Dương, Đức Trọng và đổ vào sông Đa Dâng gần thác Pongour.


- Trên sông Đa Nhim có hồ Đa Nhim (hay là hồ Đơn Dương) đây là một hồ nhân tạo trên địa bàn huyện Đơn Dương. Ở đây có đặt nhà máy thuỷ điện Đa Nhim. Từ thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận, ngược quốc lộ 27 chừng 50 km, ta sẽ nhìn thấy hai ống thủy lực chạy song song, dài khoảng 2 km, dẫn nước từ trên núi xuống nhà máy nằm dưới chân đèo Ngoạn Mục trông rất đẹp và kỳ vĩ.


- Sông Đa Nhim không chỉ có nguồn lợi thuỷ điện, mà còn tạo ra nhiều cảnh quan đẹp trở thành những điểm du lịch nổi tiếng của tỉnh Lâm Đồng. Dọc sông có 3 thác chính: thác Liên Khương, thác Gougah và thác Pongour.


- Sông Đa Nhim góp nước vào sông Đắc Dung ở Đại Ninh. Ở khoảng hợp lưu với sông Bé thì có đập Trị An chắn dòng sông, tạo nên hồ nước nhân tạo lớn nhất miền Nam, Hồ Trị An cung cấp nước cho nhà máy thủy điện Trị An. Hồ Trị An cũng là nơi sông La Ngà từ triền núi phía nam cao nguyên Di Linh dồn nước về.

Hoàng hôn trên cầu Sông Bé gãy.
Nhìn từ bờ bên Phước Hòa.
Ảnh Phạm Văn Trang


3. Sông Bé:

- Sông Bé là một phụ lưu về phía hữu ngạn sông Đồng Nai chảy qua các tỉnh Bình Phước, Bình Dương và Đồng Nai. Sông được bắt nguồn từ hồ Thác Mơ, huyện Phước Long, Bình Phước. Từ đây sông chảy theo hướng tây bắc đến xã Hưng Phước, huyện Bù Đốp đổi theo hướng tây nam, chảy đến địa phận xã Bình Thắng, Phước Long sông đổi theo hướng nam. Sông tiếp tục chảy đến huyện Phú Giáo, Bình Dương thì đổi sang hướng đông nam và đổ vào sông Đồng Nai tại nhà máy thuỷ điện Trị An cách hồ Trị An khoảng 10km về hướng tây.


- Sông có chiều dài khoảng 350km, chảy qua và làm ranh giới tự nhiên giữa các huyện Phước Long và Bù Đốp, Phước Long và Lộc Ninh, Phước Long và Bình Long, Bình Long và thị xã Đồng Xoài, Bình Long và Phú Giáo, Bình Dương, giữa huyện Tân Uyên, Bình Dương và Vĩnh Cửu - Đồng Nai.

 
Những bè nuôi cá trên sông La Ngà địa phận huyện Đức Linh- tỉnh Bình Thuận

4. Sông La Ngà:

- Sông La Ngà là phụ lưu cấp I về phía tả ngạn của sông Đồng Nai, bắt nguồn từ cao nguyên Di Linh thuộc thị xã Bảo Lộc thuộc tỉnh Lâm Đồng, chảy qua các tỉnh Lâm Đồng, Bình Thuận, Đồng Nai với chiều dài trên 272 km và lưu vực 4.710 km² rồi đổ vào hồ Trị An.


- Ở thượng nguồn sông La Ngà là hợp lưu của hệ thống nhiều sông suối nhỏ, nhưng về tổng thể có thể coi là ba sông nhánh bắt nguồn từ phía tây, đông bắc và đông thị xã Bảo Lộc. Chúng hợp lưu ở phía nam cách thị xã Bảo Lộc khoảng 7 km. Từ đây sông La Ngà chảy khoảng 30 km thì tới hồ chứa nước cho nhà máy thủy điện Hàm Thuận công suất 300 MW của cụm nhà máy thủy điện Hàm Thuận-Đa Mi nằm trên địa phận hai tỉnh Lâm Đồng và Bình Thuận. Từ hồ chứa nước này sông La Ngà tách làm hai nhánh, một nhánh chảy theo hướng đông bắc-tây nam để dẫn nước tới hồ chứa nước cho nhà máy thủy điện Đa Mi công suất 175 MW (ở phía tây tây nam hồ chứa nước của nhà máy thủy điện Hàm Thuận). Nhánh phía đông chảy vòng thúng rồi hợp lưu với nhánh thoát nước của nhà máy thủy điện Đa Mi trong địa phận huyện Tánh Linh tỉnh Bình Thuận rồi chảy tới ranh giới với tỉnh Đồng Nai tiếp theo nó tạo thành ranh giới tự nhiên giữa hai tỉnh Đồng Nai và Bình Thuận rồi sau đó chảy trong địa phận tỉnh Đồng Nai tới hồ Trị An.

Sai Gon Water Bus



5. Sông Sài Gòn:

- Sông Sài Gòn bắt nguồn từ lưu vực cao nguyên Hớn Quảng, tỉnh Bình Phước chảy qua địa phận tỉnh Bình Dương, Thành phố Hồ Chí Minh, rồi đổ vào sông Đồng Nai ở mũi Đèn Đỏ thuộc huyện Nhà Bè và gọi là sông Nhà Bè (tức là dòng hợp lưu của hai sông Đồng Nai và Sài Gòn).


Hồ Dầu Tiếng ở thượng nguồn sông Sài Gòn

- Sông Sài Gòn dài 256 km, chảy dọc trên địa phận thành phố dài khoảng 80 km, có lưu lượng trung bình vào khoảng 54 m³/s, bề rộng tại thành phố khoảng 225 m đến 370 m, độ sâu có chỗ tới 20 m, diện tích lưu vực trên 5.000 km².


- Vì chảy qua nhiều vùng nên sông mang nhiều tên khác nhau:


- Từ đầu nguồn đến gần chợ Thủ Dầu Một (Bình Dương) gọi là sông Ngã Cái.


- Đoạn từ chợ Thủ Dầu Một đến cư xá Thanh Đa (Thành phố Hồ Chí Minh) gọi là sông Thủ Khúc.


- Đoạn cư xá Thanh Đa cho đến chỗ đổ vào sông Đồng Nai (mũi Đèn Đỏ) có tên là sông Sài Gòn hay sông Bến Nghé (tên chữ là Ngưu Chử giang, trong sách Gia Định thành thông chí ghi làTân Bình giang, vì ngày xưa chảy qua phủ Tân Bình).

Ngưu Chữ giang (sông Bến Nghé) khắc trên Cao đỉnh triều Nguyễn

6. Sông Bến Nghé:

- Sông Bến Nghé là một đoạn sông Sài Gòn chảy qua Thành phố Hồ Chí Minh trước khi hiệp với sông Đồng Nai ở Nhà Bè.


- Tên gọi Bến Nghé hiện có hai thuyết:

+ Tục truyền sông này nhiều cá sấu, từng đàn đuổi nhau kêu gầm như tiếng trâu rống, cho nên gọi tên như thế (nghé tức trâu con).

+ Bến Nghé có nguồn gốc từ tiếng Khmer: Kompong: bến, Kon Krabei: con trâu: Bến Nghé là cái bến mà người ta thường cho trâu, bò ra tắm. Có nhiều địa danh được gọi là bến như: rạch Bến Nghé (Nhà Bè), rạch Bến Tượng (Sông Bé)... Cho nên Bến Nghé có lúc còn được gọi là Bến Trâu như trong bài.

 

- Tên Bến Nghé, ban đầu là tên của một bến nước, sau chỉ một con sông, cuối cùng dùng chỉ một địa phương (vùng trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay). Và có một thời, mỗi khi người ta nói Đồng Nai-Bến Nghé tức là nói đến cả vùng đất Nam Bộ.


- Tuy nhiên, hiện nay trên bản đồ vẫn ghi khúc sông này là sông Sài Gòn. Còn cái tên Bến Nghé hiện chỉ còn dùng để chỉ một con rạch: rạch Bến nghé chảy từ sông Sài Gòn (cầu Khánh Hội) đến cầu Chữ Y. Con rạch này nhận nước của sông Sài Gòn và là ranh giới tự nhiên giữa quận 1 và quận 4.


7. Sông Đạ Huoai: 

Sông Đạ Huoai phát nguyên từ suối Đạ Mri, chảy xuống qua Suối Tiên. Khi vào địa phận Đạ Huoai, lòng sông rộng dần ra trung bình 15 m, rồi đổ vào sông Đồng Nai. Phụ lưu chính là sông Đạ Mrê có chiều dài 50 km, rộng từ 10 m đến 12 m.


8. Sông Vàm Cỏ:

Sông Vàm Cỏ thuộc hệ thống sông Đồng Nai. Sông này có khoảng 10 chi lưu trong đó hai chi lưu trực tiếp tạo nên dòng sông là sông Vàm Cỏ Đông và sông Vàm Cỏ Tây. Sông Vàm Cỏ đổ nước vào sông Soài Rạp, cách cửa Soài Rạp khoảng 22 km. Tính từ chỗ ngã ba Vàm Cỏ Đông-Vàm Cỏ Tây (Tân Trụ) đến ngã ba sông Soài Rạp, Vàm Cỏ dài 35,5 km. Sông Vàm Cỏ chảy qua tỉnh Long An và làm ranh giới giữa Long An và Tiền Giang.


Công trình dẫn nước vượt sông Vàm Cỏ Đông tại H.Châu Thành, Tây Ninh

9. Vàm Cỏ Đông:

- Sông Vàm Cỏ Đông là một chi lưu của sông Vàm Cỏ. Sông bắt nguồn từ vùng đồi núi bên lãnh thổ Campuchia chảy vào Việt Nam tại xã Biên Giới, huyện Châu Thành, Tây Ninh, rồi qua các huyện Bến Cầu, Hòa Thành, Gò Dầu, Trảng Bàng (đều thuộc Tây Ninh).Và đi vào địa phận tỉnh Long An qua các huyện Đức Hòa, Đức Huệ, Bến Lức, Cần Đước và kết hợp với sông Vàm Cỏ Tây tạo nên sông Vàm Cỏ Sông có chiều dài 220 km trong đó phần trên lãnh thổ Việt Nam dài hơn 150 km. Lưu vực sông rộng 8.500 km².


- Sông Vàm Cỏ Đông có một số chi lưu trong đó có sông Nhật Tảo. Vì có nhiều nhánh sông nhỏ nên Vàm Cỏ Đông nó rất thuận tiện cho việc lưu thông bằng đường thủy để vận chuyển hàng hóa từ các nơi về Tây Ninh hay ngược lại từ Tây Ninh đến những nơi khác (chủ yếu là các tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long).


- Đây là nơi xảy ra nhiều trận đánh ác liệt trong các cuộc chiến tranh. Trong cuộc chiến chống Pháp, nghĩa quân Nguyễn Trung Trực đã chỉ huy trận đánh đốt tàu Hy Vọng của thực dân Pháp tại vàm Nhựt Tảo. Trong chiến tranh Việt Nam, đây cũng là nơi diễn ra nhiều trận đánh ác liệt.


- Sông này nổi tiếng với bài hát cùng tên là bài "Vàm Cỏ Đông" (sáng tác: Trương Quang Lục, thơ: Hoài Vũ), "Lên ngàn" (sáng tác: Hoàng Việt).

Ghe buôn tràm trên sông Vàm Cỏ Tây
10. Vàm Cỏ Tây:

- Sông Vàm Cỏ Tây là tên một con sông chảy qua tỉnh Long An và Tiền Giang. Sông này lấy nước từ sông Tiền và vùng Đồng Tháp Mười[1] rồi hợp lưu với sông Vàm Cỏ Đông tạo thành sông Vàm Cỏ. Thành phố Tân An của tỉnh Long An nằm bên hữu ngạn con sông này.


- Sông Vàm Cỏ Tây bắt nguồn từ biên giới tỉnh Svay Rieng Campuchia chảy vào huyện Vĩnh Hưng, Tân Thạnh, Tân Hưng, Thạnh Hóa, Thủ Thừa, Tân Trụ, Cần Đước, Châu Thành và Thành phố Tân An. Sông cùng với sông Vàm Cỏ Đông hợp thành sông Vàm Cỏ đổ ra cửa Xoài Rạp.


- Sông Vàm cỏ Tây và Đông nước có màu xanh khi thủy triều lên và vàng đục khi thủy triều xuống. Đây là nét đặc trưng riêng của sông Vàm cỏ khác với các sông khác ở Đồng bằng Sông Cửu Long.


- Sông Vàm Cỏ Tây độ dài qua tỉnh là 186 km, nguồn nước chủ yếu do sông Tiền tiếp sang qua kênh Hồng Ngự, đáp ứng một phần nhu cầu nước tưới cho sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt cho dân cư.


11. Sông Cần Giuộc:

- Sông Cần Giuộc (hay sông Rạch Cát, sông Phước Lộc) là một dòng sông nhỏ, chảy qua địa phận Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Long An. Đoạn chảy qua Thành phố Hồ Chí Minh chỉ dài khoảng 500 m ở ngã ba sông Chợ Đệm - Rạch Cát, còn lại chảy trên địa phận tỉnh Long An, tiếp giáp nhiều kênh rạch của lưu vực sông Vàm Cỏ và huyện Bình Chánh, chảy qua địa phận xã Tân Kim, huyện Cần Giuộc, qua thị trấn Cần Giuộc tới địa phận xã Phước Đông, huyện Cần Đước đến cách sông Vàm cỏ khoảng 12.5 km thì dòng sông này tách thành 2 con sông. Một hướng rẽ ra sông Xoài Rạp, một hướng xuống Vàm Cỏ. Ngoài ra, nhánh chính của dòng sông này còn có chiếc cầu Rạch Cát bắc qua.


- Xuôi dòng sông này, nếu đi theo phía Tây có thể ra sông Xoài Rạp, phía Nam ra sông Vàm Cỏ, phía Bắc ra sông Chợ Đệm, ra Kinh Đôi và từ đó ra sông Sài Gòn. Tính từ lưu vực sông Vàm Cỏ đến sông Chợ Đệm, tổng chiều dài dòng sông này khoảng 38 km.


- Dòng sông này có trận đánh lịch sử giữa quân Pháp - Việt năm 1858, Văn tế nghĩa sĩ Cần Giuộc cũng là một tác phẩm liên quan đến dòng sông này do Nguyễn Đình Chiểu sáng tác.


12. Sông Lòng Tàu (sông Ngã Bảy):

Sông Lòng Tàu là một phân lưu của sông Đồng Nai,dài khoảng 75 km, có độ sâu trung bình là 15 m, đổ ra biển Đông tại vịnh Gành Rái. Đến lượt nó. Lòng Tàu lại có hai phân lưu là sông Ngã Ba và sông Ngã Bảy. Tính từ ngã ba nơi sông Lòng Tàu tách ra khỏi sông Đồng Nai đến chỗ sông Ngã Bảy tách ra, Sông Lòng Tàu chảy qua huyện Cần Giờ. Đây là một tuyến giao thông đường thủy quan trọng ở Đông Nam Bộ, nơi các tàu biển từ biển Đông đi qua cửa sông Ngã Bảy vào cập cụm cảng Sài Gòn.


13. Sông Ngã Bảy:

- Sông Ngã Bảy tại huyện Cần Giờ, TP.Hồ Chí Minh.Sông được bắt nguồn từ đoạn hợp lưu sông Lòng Tàu và sông Dừa từ hướng đông bắc đổ tới. Tại đây sông chảy thêm một đoạn khoảng 2km nữa thì tiếp tục nhận nước từ sông Đồng Tranh từ hướng bắc đổ vào. Chảy thêm khoảng 4km nữa thì sông đổi hướng nam đổ ra biển Đông tại vịnh Rành Gái.


- Trên đường chảy ra biển Đông, ngoài các sông lớn như sông Lòng Tàu, sông Đồng Tranh, sông Dừa, sông còn nhận thêm nước từ các con sông nhỏ khác từ hai bên đổ vào nên có tên gọi là sông Ngã Bảy (tức có 7 nhánh sông đổ vào).


- Sông có chiều dài khoảng 15km, lòng sông rộng. Nơi đây cũng là vị trí của trận thuỷ chiến nổi tiếng năm 1782 giữa Tây Sơn và Chúa Nguyễn, trận Thất Kỳ Giang.


14. Sông Đồng Tranh:

- Sông Đồng Tranh là một phân lưu của sông Đồng Nai làm ranh giới tự nhiên giữa TP.HCM và Đồng Nai.Sông được chảy tách ra từ sông Lòng Tàu tại địa phận xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch chảy theo hướng đông - đông nam, đến đoạn giao với sông Bà Giỏi tại xã Phước An, Nhơn trạch đổi hướng chảy theo hướng nam và nhập vào với sông Ngã Bảy tại xã Thạch An, Cần Giờ.


- Sông có chiều dài khoảng 30km, từ đoạn sông Lòng Tàu và sông Bà Giỏi làm ranh giới tự nhiên giữa hai huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai và Cần Giờ, TP.HCM.


15. Sông Thị Vải:

- Sông Thị Vải là con sông chảy qua và làm ranh giới tự nhiên giữa Đồng Nai và Bà Rịa Vũng Tàu.


- Sông được bắt nguồn từ huyện Long Thành, chảy theo hướng đông - nam, qua Nhơn Trạch, đến huyện Tân Thành đổi hướng theo hướng nam đổ ra biển tại vịnh Gành Rái.


- Sông có tổng chiều dài khoảng 76km, đoạn chảy theo hướng nam làm ranh giới tự nhiên giữa hai huyện Nhơn Trạch, TP.HCM và Tân Thành, Bà Rịa Vũng Tàu.


16. Sông Soài Rạp:

- Sông Soài Rạp hay Xoài Rạp là một phân lưu của hệ thống sông Sài Gòn - sông Đồng Nai.


- Sông được bắt đầu từ đoạn xã Phú Xuân, Nhà Bè và xã Bình Khánh, Cần Giờ theo hướng nam đổ ra biển Đông tại cửa Soài Rạp, và làm ranh giới tự nhiên giữa huyện Cần Giờ và Nhà Bè, giữa Cần Giờ và huyện Cần Giuộc (Long An), giữa Cần Giờ và huyện Gò Công Đông (Tiền Giang).


- Sông có chiều dài khoảng 40km, khúc rộng nhất của sông khoảng 3km nằm phía hạ lưu nơi ranh giới giữa xã Lý Nhơn, Cần Giờ và xã Gia Thuận, Gò Công Đông.


- Hiện nay, sông Soài Rạp đang được tiến hành nạo vét độ sâu của lòng sông vì tương lai sẽ có 1 hệ thống cảng biển lớn và hiện đại của quốc gia năm trên luồng sông này đó là cảng Hiệp Phước nhằm thay thế cho hệ thống cảng Sài Gòn cũ.


- Các sông và kênh khác:

+ Kênh Choán: Nối từ Hoằng Hà đến  Kênh Bà Tống.

+ Kênh Bà Tống: Nối từ kênh Tắt Ông Nghĩa đến sông Soài Rạp.

+ Sông Dần Xây:Nối từ sông Lòng Tàu đến sông Dinh Bà.

+ Sông Dinh Bà :Nối từ sông Dần Xây đến sông Lò Rèn.

+ Sông Lò Rèn: Nối từ sông Dinh Bà đến sông Vàm Sát.

+ Sông Vàm Sát: Nối từ sông Lò Rèn đến sông Soài Rạp.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét