Thứ Ba, 24 tháng 1, 2023

Sông ngòi Việt Nam - IX. HỆ THỐNG SÔNG MÊ KÔNG

 

Bản đồ lưu vực sông Mekong

IX. HỆ THỐNG SÔNG MÊ KÔNG (Cửu Long):


- Sông Mekong là một trong mười con sông lớn nhất thế giới, có chiều dài hơn 4.800 km, bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng. Diện tích lưu vực 795.000 km2 rộng gần bằng nước Pháp và Đức cộng lại. Sông MêKông chảy qua lãnh thổ của 6 quốc gia là Trung Quốc, Myanmar, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam. Đây là nơi sinh sống của trên 65 triệu người và có nguồn tài nguyên phong phú, đa dạng, rất thuận lợi cho phát triển kinh tế của các nước ven sông.


- Tính theo độ dài, sông Mêkông đứng thứ 12 thế giới và thứ 7 châu Á, còn tính theo lưu lượng nước đứng thứ 10 trên thế giới. Sông này xuất phát từ vùng núi cao tỉnh Thanh Hải, băng qua Tây Tạng theo suốt chiều dài tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), qua các nước Myanma, Thái Lan, Lào, Campuchia trước khi vào Việt Nam. Các quốc gia kể trên (trừ Trung Quốc) nằm trong Ủy ban sông Mê Kông. Đặc điểm thủy năng nổi bật của sông Mê Kông là vai trò điều lượng dòng nước bởi hồ Tonlé Sap - hồ thiên nhiên lớn nhất Đông Nam Á - người Việt thường gọi là "Biển Hồ".


- Thượng nguồn Sông Mê Kông gồm hai nhánh: nhánh tây bắc và nhánh bắc, nhánh tây bắc được biết đến nhiều hơn, vị thế gần đèo Lungmug với chiều dài 87,75 km. Nhánh bắc chảy xuống từ rặng núi Guosongmucha. Nhánh này, từ độ cao 5.224 m, gồm hai nhánh phụ có chiều dài 91,12 km và 89,76 km. Đầu nguồn của dòng sông đến nay đã được xác định rõ qua những cuộc thám hiểm gần đây. Năm 1994, một phái đoàn Trung Quốc và Nhật Bản đã đến nguồn phía Bắc đồng lúc phái đoàn Pháp, do M. Peissel dẫn đầu, đến nguồn mạch phía tây với cùng một mục đích: chứng minh nguồn mạch chính của sông Mê Kông. Sau đó, những cuộc thám hiểm kế tiếp cho đến năm 1999 dưới sự hợp tác các nước Trung Hoa, Mỹ và Nhật Bản đã chính thức xác minh nguồn mạch sông Cửu Long thuộc nhánh bắc. Các con số về độ dài của sông dao động trong khoảng 4.200 km đến 4.850 km.


- Gần một nửa chiều dài con sông này chảy trên lãnh thổ Trung Quốc, đoạn đầu nguồn được gọi là  Trát Khúc, có nghĩa là "con sông cuộn sóng". Trát Khúc hợp lưu với một nhánh khác tên là Ngang Khúc  tạo ra Lan Thương Giang. Phần lớn đoạn sông này có các hẻm núi sâu, và con sông này rời Trung Quốc khi độ cao chỉ còn khoảng 500 m so với mực nước biển.

Sông Mekong nhìn từ Nakhon Phanom (Thái Lan) sang Thakhek (Lào), 2010.

- Sau đó, đoạn sông Mê Kông dài khoảng 200 km tạo thành biên giới giữa hai nước Myanma và Lào. Tại điểm cuối của biên giới, con sông này hợp lưu với sông nhánh Ruak tại Tam giác vàng. Điểm này cũng là điểm phân chia phần Thượng và phần Hạ của Mê Kông.


- Sông Mê Kông sau đó tạo thành biên giới của Lào và Thái Lan, trước khi dòng chảy chạy vào đất Lào. Nó được người Lào và người Thái gọi với tên Mènam Khong (Mènam nghĩa là "sông"). Sử Việt Nam thì gọi là Sông Khung. Ngoài ra một nhánh nhỏ thượng lưu sông Mê Kông bắt nguồn từ Điện Biên, đó là sông Pa Thơm do sông Nậm Rốn ở thung lũng Mường Thanh và sông Nậm Lúa nhập làm một, khi sang đất Lào nó gặp nhánh sông Mê Kông ở BanChum. Khoảng sông ở Lào đặc trưng bởi các hẻm núi sâu, các dòng chảy xiết và những vũng nước sâu khoảng nửa mét vào mùa khô. Nó mở rộng ra ở phía nam Luang Prabang, ở đó nó có thể rộng tới 4 km và sâu tới 100 mét, mặc dù dòng chảy của nó vẫn rất trái ngược nhau.

Cảnh sông Mê Kông trước hoàng hôn tại biên giới Lào-Thái Lan.

- Con sông này sau đó lại làm biên giới của Lào và Thái Lan trong đoạn chảy qua Viêng Chăn, sau đó lại là một đoạn ngắn chảy trên đất Lào. Ở đoạn này có chi lưu chính hữu ngạn từ Thái Lan đổ vào: Mènam Mun dài 750 km. Nó bao gồm cả khu vực Si Phan Đôn (bốn ngàn đảo) phía trên thác Khone gần biên giới Campuchia. Thác nước này dài 15 km, cao 18 m khá hùng vĩ và gần như không thể vượt qua đối với giao thông bằng đường thủy.


- Tại Campuchia, con sông này có tên là sông Mékôngk hay Tông-lê Thơm (sông lớn). Vùng nước chảy xiết Sambor phía trên Kratie là cản trở giao thông cuối cùng. Ở phía trên Phnom Penh nó hợp lưu với Tông-lê Sáp, con sông nhánh chính của nó ở Campuchia. Vào mùa lũ, nước chảy ngược từ sông Mê Kông vào Tông-lê Sáp.


- Bắt đầu từ Phnôm Pênh, nó chia thành 2 nhánh: bên phải là sông Ba Thắc (sang Việt Nam gọi là Hậu Giang hay sông Hậu) và bên trái là Mê Kông (sang Việt Nam gọi là Tiền Giang hay sông Tiền), cả hai đều chảy vào khu vực đồng bằng châu thổ rộng lớn ở Nam Bộ Việt Nam, dài chừng 220-250 km mỗi sông. Tại Việt Nam, sông Mê Kông còn có tên gọi là sông Lớn, sông Cái, hay sông Cửu Long.


- Người châu Âu đầu tiên thám hiểm sông Mê Kông là người Bồ Đào Nha có tên là Antonio de Faria vào năm 1540; bản đồ của người châu Âu năm 1563 có vẽ lại con sông này, mặc dù chỉ có một đoạn nhỏ ở khu vực đồng bằng châu thổ.


- Vào lãnh thổ việt nam sông Tiền Giang và sông Hậu Giang chia thành 6 nhánh phụ đổ ra biển đông qua 9 cửa biển lần lượt từ bắc xuống nam: cửa Tiểu, của Đại, cửa Ba Lạt, cửa Hàm Luông, cửa Cổ Chiên, cửa Cung Hẫu, cửa Định An, cửa Bassac và cửa Trần Đề. Vì vậy sông Mê Kong trên đất Việt Nam mang tên Cửu Long.

Cầu khỉ và xưởng mắm cá trên bờ sông Tiền ở Bình Đại, Bến Tre.


1. Sông Tiền: 

Sông Tiền hay Tiền Giang là tên của đoạn chảy trên lãnh thổ Việt Nam của dòng chính của sông Mê Kông. Đoạn đầu nguồn của sông Tiền Giang trên đất Campuchia kể từ Phnom Penh được gọi là Tonlé Bassac Thượng. Sông Tiền Giang chảy qua Tân Châu, Chợ Mới thuộc tỉnh An Giang; Cao Lãnh, Sa Đéc thuộc tỉnh Đồng Tháp, tỉnh Vĩnh Long, TP Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang, đổ ra biển qua 6 cửa. Từ Vĩnh Long về hạ lưu, sông Tiền có bốn phân lưu và đổ ra biển Đông qua sáu cửa sông, tính từ phía bắc xuống là:


- Sông Mỹ Tho, chảy qua Mỹ Tho và phía Nam Gò Công, ra biển bằng cửa Tiểu và cửa Đại.


- Sông Ba Lai chảy qua phía Bắc tỉnh Bến Tre , đổ ra cửa Ba Lai.


- Sông Hàm Luông, chảy qua phía Nam tỉnh Bến Tre đổ ra cửa Hàm Luông.


- Sông Cổ Chiên, là ranh giới tỉnh Bến Tre và Trà Vinh, đổ ra biển bằng hai cửa Cổ Chiên và Cung Hầu.


- Sông Cửa Tiểu, là một phân lưu của sông Tiền tách ra từ Sông Mỹ Tho, có chiều dài khoảng 45 km, chảy theo hướng Tây-Đông bắt đầu từ cù lao Tấu (cách cầu Rạch Miễu khoảng 14 km về phía hạ lưu của sông Tiền (Sông Mỹ Tho), chảy qua các huyện Chợ Gạo, Gò Công Tây, Gò Công Đông của Tiền Giang và đổ vào biển Đông tại cửa Tiều, huyện Gò Công Đông.

Lò gạch bên Sông Hậu.


2. Sông Hậu:

- Sông Hậu, hay Hậu Giang, đổ ra biển Đông qua cửa Tranh Đề và cửa Định An. Cửa Ba Thắc đã bị đất bồi từ khoảng thập niên 1970 nên không còn nữa.


- Trên lãnh thổ Việt Nam, sông Hậu Giang chảy qua Châu Đốc, Long Xuyên thuộc tỉnh An Giang; qua TP  Cần Thơ, tỉnh Hậu Giang, tỉnh Sóc Trăng, làm ranh giới tự nhiên giữa các tỉnh Đồng Tháp và Cần Thơ, Vĩnh Long và Cần Thơ, Hậu Giang và Vĩnh Long, Trà Vinh và Sóc Trăng. Đoạn rộng nhất của con sông nay là giữa huyện Cầu Kè (Trà Vinh) và huyện Long Phú (Sóc Trăng) khoảng gần 4 km. Và đổ ra biển bằng 2 cửa chính là cửa Định An và cửa Trần Đề.

Đồng bằng sông Cửu Long.


- Sông Tiền Giang và Hậu Giang được nối với nhau bằng hệ thống sông tự nhiên và kenh đào như: kênh Tân Châu, Châu Đốc, sông Vàm Nao, kênh Lấp Vò- Sa Đéc, kênh Chợ Lách, sông Măng Thít và rạch Trà Ôn.


- Hai hệ thống sông Cửu Long và Đồng Nai được nối với nhau bằng kênh Chợ Gạo.

 


3. Sông tại Serepôk (sông Đăk Krông):

- Serepôk (hay Srêpôk), tên gọi trong tiếng Campuchia là Tongle Xrepok, là dòng sông lớn nhất ở Đắk Lắk. Đây là một phụ lưu quan trọng của sông Mekong. Đoạn chảy trên địa phận Đăk Lăk được gọi là sông Đăk Krông. Tính từ chỗ hợp lưu của sông Krông Ana và sông Krông Nô tới chỗ hợp lưu với Sông Mê Kông dài 406 km, trong đó đoạn chảy trong lãnh thổ Việt Nam dài khoảng 126 km, đoạn chảy qua Campuchia dài khoảng 281 km.


- Sông được hình thành hoàn toàn trên địa phận Đăk Lăk và được hợp thành từ hai dòng sông nhỏ là sông Krông Ana và sông Krông Nô (sông Mẹ và sông Bố). Sông chảy qua các huyện Krông Ana, Buôn Đôn và Ea Súp của Đăk Lăk. Vừa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam, Serepôk được bổ sung thêm nguồn chảy dồi dào từ dòng sông Ea H'leo. Sông Serepôk nhập vào sông Mekong sát Stung Treng, tỉnh Stung Treng. Trước khi nhập vào, nó còn nhận nước từ sông Sesan và sông Sekong (hai sông này cũng có nguồn trên lãnh thổ Việt Nam).


- Sông Serepôk có nhiều thác ghềnh hùng vĩ còn tương đối hoang sơ như: thác Trinh Nữ, thác Đray Sáp, thác Đray Nu, thác Đray H'linh, thác Gia Long, thác Bảy Nhánh... là những điểm du lịch hấp dẫn khách du lịch.


- Dòng sông này có lưu lượng nước rất lớn, hệ sinh thái của sông cũng rất phong phú và đa dạng, tạo nên một nguồn lợi to lớn về thủy sản và thủy điện. Ở đây có các loài cá đặc sản như cá lăng và đặc biệt là cá mõm trâu (loài cá nhiều người vẫn đinh ninh là cá anh vũ tiến vua). Serepôk là nguồn nước mặt quan trọng của Đắk Lắk.

Sông Serepôk, Bản Đôn, Đắk Lắk.


- Cuối thế kỷ 19, khi đường bộ còn chưa phát triển, sông Serepôk là một trong những đường giao thương quan trọng trong vùng. Người Lào và Cao Miên thường đi thuyền ngược dòng sông để đến buôn bán, trao đổi hàng hóa với vùng cao nguyên Đắk Lắk của Việt Nam. Bản Đôn ngay từ ngày ấy đã trở thành một thương cảng sầm uất; nơi đây lúc ấy có thể ví như Hội An của Đà Nẵng hay Phố Hiến - Hưng Yên. Người Lào khi đến buôn bán đã định cư ở đây rất đông, góp phần xây dựng lên một Bản Đôn nổi tiếng với những bản sắc văn hóa đặc trưng như ngày nay.

Sông Sê San trong hệ thống sông Mekong


4. Sông Sê San:

- Sông Sê San là chi lưu lớn của sông Mekong bắt nguồn từ Bắc và Trung Tây Nguyên rồi chảy sang lãnh thổ Campuchia và nhập vào sông Serepok gần Stung Treng.


- Sông Sê San có lưu vực rộng 17.000 km². Trên lãnh thổ Việt Nam, sông Sê San nằm trên hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum với tổng chiều dài sông chính là 237 km, diện tích lưu vực là 11.450 km². Sông Sê San có hai chi lưu là Krong Pô Kô ở phía hữu ngạn và Dak Bla phía tả ngạn. Trên lãnh thổ Campuchia, sông chảy qua tỉnh Ratanakiri và Stung Treng.


- Phần phía thượng lưu của sông nằm trong vùng đồi núi thấp, độ dốc địa hình trung bình. Trên phía Đông-Bắc của phần thượng lưu, sông tiếp giáp với vùng phân thuỷ giữa Đông và Tây của dải Trường sơn. Phần phía hạ lưu, thung lũng sông nằm trong các hẻm sâu của các dãy núi cao, độ dốc địa hình khá lớn.

Thuyền độc mộc trên sông Pô Kô


5. Sông Pô Kô: 

Sông Pô Kô ở phía tây tỉnh Kon Tum, nó là một phụ lưu của sông Sê San. Sông Pô Kô bắt nguồn từ vùng núi ở huyện Đắk Glei, chảy qua huyện Ngọc Hồi, huyện Đắk Tô và làm thành ranh giới tự nhiên giữa Đắk Tô với Đắk Hà, giữa Sa Thầy với Đắk Hà, giữa Sa Thầy với thành phố Kon Tum rồi hợp với sông Dak Bla tạo thành sông Sê San.
Trên địa phận huyện Đắk Glei, sông còn có tên Đak Pô Kô, và đoạn gần chỗ hợp lưu với Dak Bla, sông còn có tên krong Pô Kô.Trên sông Pô Kô có công trình thủy điện Plei Krông.


6. Sông Đắk Bla:

- Sông Đắk Bla nổi tiếng khắp Tây Nguyên vì chảy ngược lên hướng Tây.Nếu như nhiều dòng sông khác ở Việt Nam bắt nguồn từ Trường Sơn chảy về biển Đông thì sông Đắk Bla lại theo hướng Tây Trường Sơn, lẻ loi một mình, trượt dài 100km, từ địa phận huyện Kon Plong ở phía Tây tỉnh Kon Tum về thị xã, rồi lượn sang hướng Tây-Tây Nam hợp với con sông Krông Pô Kô từ hướng bắc đổ xuống thành con sông lớn Sê Sang hùng vĩ.


- Trước đây người dân Kon Tum quen gọi là Đắk Bla - Ya Ly và sau này gọi là sông Sê San. Đắk Bla chảy sang Campuchia rồi hòa cùng dòng Mê Kông. Đắk Bla gắn liền với nhiều huyền thoại của đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống dọc triền sông. Đắk Bla còn là dòng sông có loài cá quý, bao đời dùng để "tiến vua", mang tên Anh Vũ...


7. Sông Hàm Luông: 

Là một phân lưu của sông Tiền chảy qua tỉnh Bến Tre.Sông bắt đầu từ địa phận xã Tân Phú-Châu Thành, chảy qua địa phận các huyện như Châu Thành, Chợ Lách, Mỏ Cày, thị xã Bến Tre, Giồng Trôm, Thạnh Phú, Ba Tri đổ ra biển Đông tại cửa Hàm Luông. Sông có chiều dài khoảng 70 km, giữa sông có các cù lao lớn như cù lao Đất, cù lao Linh, cù lao Ốc


Vĩnh Long


8. Sông Cổ Chiên:

- Sông Cổ Chiên là một phân lưu của sông Tiền , chảy qua các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Bến Tre.


- Sông bắt đầu từ thành phố Vĩnh Long ,đổ ra biển Đông qua 2 cửa sông là cửa Cung Hầu và cửa Cổ Chiên. Cửa Cổ Chiên ở phía tỉnh Bến Tre và cửa Cung Hầu ở phía Trà Vinh. Con sông này có chiều dài khoảng 82 km, là ranh giới tự nhiên giữa các tỉnh Vĩnh Long với Bến Tre, Trà Vinh với Bến Tre.


9. Sông Vàm Nao:

- Sông Vàm Nao, hay Vàm Lao, Vàm Giao hay Vàm Giao Giang và tên Khmer là Pãm pênk Nàv, là  dòng sông tại tỉnh An Giang, dài 6,5 km, rộng bình quân 700m, độ sâu trên 17m, một bờ thuộc xã Kiến An (huyện Chợ Mới), một bờ thuộc xã Tân Trung (huyện Phú Tân), nối sông Tiền với sông Hậu. Vàm Nao có vai trò quan trọng đối với đồng bằng sông Cửu Long về thủy lợi và giao thông vận tải. Vàm Nao còn nổi tiếng vì là nơi xảy ra trận thủy chiến khốc liệt giữa quân Việt và quân Xiêm vào cuối năm 1833, và còn vì các đặc sản như cá hô, cá bông lau...


- Tên Vàm Nao, với nghĩa "nao núng, nao lòng",xưa kia hàng năm vào khoảng tháng 7 cho đến tháng 10 âm lịch (mùa nước nổi), nước sông đỏ ngầu từ thượng nguồn, theo hai nhánh sông Tiền, sông Hậu cùng cuồn cuộn đổ về, rồi giao nhau nên xoáy tròn như thác lũ... Do đó, người chưa quen cách chèo lái khi qua khúc sông này, thường sợ hãi vì rất dễ đắm thuyển. Về sau triều đình Huế cho Hán hóa tên Vàm Nao và muốn cho nó nên thơ và đừng nao nữa, nên ban cho nó cái tên Thuận Giang hay Thuận Cảng.


- Trận thủy chiến Vàm Nao 1833:

+ Vào năm Quý Tỵ (1833), theo lời cầu viện của Lê Văn Khôi, vua Xiêm sai tướng Chiêm Phi Nhã Chất Tri và Chiêu Phi Nhã Phật Lăng đem 20 vạn quân cùng với 350 chiến thuyền, chia làm 5 đạo, bằng nhiều hướng đánh vào một số tỉnh ở miền Trung, Châu Đốc và Hà Tiên. Quân Xiêm theo đường kênh Vĩnh Tế chiếm Châu Đốc. Quân Việt đành phải rút về Đông Khẩu (Sa Đéc) để bảo toàn lực lượng. Trước tình hình nguy ngập này, Tướng Giảng và tướng Nguyễn Xuân tức tốc chiếm giữ Vàm Nao và cho người cấp báo về Huế xin viện binh.

+ Ở Châu Đốc, sau khi chuẩn bị xong, thủy quân Xiêm tiến xuống sông Vàm Nao. Chiều ngày mùng 4 tháng Chạp năm 1833, lợi dụng rừng rậm um tùm hai bên bờ sông, quân ta chiếm đóng và sẳn sàng ứng chiến. Đúng canh tư, quân ta bất ngờ đánh úp quân giặc. Với sự giúp sức của các tướng sĩ ở Vĩnh Long, Định Tường và Gia Định, chẳng bao lâu, thì đẩy lùi được quân Xiêm. Mười lăm chiến thuyền giặc bị nhấn chìm, ta thu được nhiều súng ống và đạn dược...



Sông Châu Đốc (thuộc An Giang, Việt Nam), đoạn chảy qua cầu Cồn Tiên.


10. Sông Châu Đốc:

- Sông Châu Đốc là một con sông nhỏ thuộc tỉnh An Giang. Sông được bắt nguồn từ sông TaKeo, Campuchia, chảy vào An Giang tại xã Đa Phước, huyện An Phú. Từ đây sông chảy theo hướng đông-nam đến và giao nhau với sông Hậu tại ngã ba sông Châu Đốc-sông Hậu ở trung tâm thị xã Châu Đốc, đây cũng là nơi bắt nguồn của kênh Vĩnh Tế theo hướng tây nam đổ ra vịnh Thái Lan. Sông có chiều dài khoảng 15km, là đường thủy thuận lợi giữa tỉnh An Giang và tỉnh Takeo, Campuchia.


- Sông Tiền Giang và Hậu Giang được nối với nhau bằng hệ thống sông tự nhiên và kênh đào như: kênh Tân Châu, Châu Đốc, sông Vàm Nao, kênh Lấp Vò - Sa Đéc, kênh Chợ Lách, sông Măng Thít và rạch Trà Ôn. Hai hệ thống sông Cửu Long và Đồng Nai được nối với nhau bằng kênh Chợ Gạo.


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét