III. CÁC SÔNG THUỘC CÁC TỈNH VÙNG ĐỒNG BẰNG BẮC BỘ:
1. Tại Ninh Bình:
Ninh Bình là một tỉnh có địa hình khá phức tạp, đa dạng, có thể
phân thành ba vùng: Vùng đồi núi, vùng đồng bằng và vùng đồng bằng ven biển.
Ninh Bình có rất nhiều sông, suối và kênh rạch. Tổng chiều dài sông suối trong
tỉnh là 811 km.
- Sông Đáy, Sông Bôi, Sông Càn, Sông Hoàng Long, Sông Vạc, Sông Vân thuộc Hệ
thống Sông Hồng.
- Các sông khác tại Ninh Bình: Sông Nhà Lê, Sông Sào Khê, Sông Ngô Đồng.
|
Sông Ngô Đồng |
1.1. Sông Ngô Đồng:
Sông Ngô Đồng là một con sông nhỏ tại xã Ninh Hải, huyện Hoa Lư,
tỉnh Ninh Bình,là một chi lưu của sông Sào Khê (là sông nối sông Hoàng Long với
sông Vạc). Sông Ngô Đồng chảy từ vùng đầm trũng của hệ thống núi đá vôi Tràng
An, len qua các vách núi và cánh đồng lúa rồi đổ nước vào hệ thống sông Vạc tại
gần cầu Vũng Trắm. Trên sông có danh thắng Tam Cốc, đền Thái Vi.
|
Sông Sào Khê |
1.2. Sông Sào Khê:
- Sông Sào Khê là con sông chảy qua khu di tích cố đô Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.
Đây là một con sông được công nhận là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia.
Sông Sào Khê hiện được xây kè, nạo vét dòng chảy, tôn tạo cảnh quan để trở
thành tuyến du lịch đường sông vào cố đô Hoa Lư.
- Sông Sào Khê chảy theo hướng chính Bắc Nam và ngược lại tùy theo mùa. Điểm
khởi đầu phía bắc bắt đầu từ sông Hoàng Long tại cống Trường Yên, xuyên dọc kinh
đô Hoa Lư rồi cùng với sông Chanh nối với sông Vân, sông Vạc tại cầu Vân trên
quốc lộ 1A. Tổng chiều dài sông khoảng 14 km, bề rộng lòng sông dao động từ 20m đến 141m. Trên sông còn có các di tích khác như cầu Đông, cầu Dền, Ghềnh
Tháp - phủ Vườn Thiên. Sông Sào Khê được công nhận là di tích lịch sử gắn với
kinh đô Hoa Lư và sự kiện dời đô về Thăng Long bằng đường thủy.
2. Tại Hà Nam:
Sông Nhuệ, Sông Phủ Lý, Sông Đáy thuộc hệ thống sông Hồng.
3. Tại Hà Nội:
- Sông Đuống, Sông Cà Lồ, Sông Công thuộc hệ thống sông Thái
Bình.
- Sông Hồng, Sông Đà, Sông đáy, Sông Nhuệ thuộc hệ thống sông Hồng.
- Các sông khác.
|
Chợ họp ở các bến sông Tô Lịch thế kỷ 14. Tranh của họa sĩ Thành Phong |
3.1. Sông Tô Lịch:
- Sông Tô Lịch chảy trong địa phận Hà Nội, dòng chính sông Tô
Lịch khi chảy qua các quận huyện: Thanh Xuân, Hoàng Mai và Thanh Trì còn được
gọi là Kim Giang. Tên sông Tô Lịch tương truyền lấy từ tên một vị thần sống vào
thời nhà Tấn đô hộ xứ Giao Chỉ. Đến thời nhà Đường, nơi đây là vị trí xây dựng
thành Đại La.
- Tô Lịch vốn là một phân lưu của sông Hồng, đưa nước từ sông Hồng sang sông
Nhuệ. Đoạn sông từ phố Cầu Gỗ đến đường Bưởi, nay đã bị lấp, chỉ còn lại một
vài dấu tích như ở Thụy Khuê. Và do đó, Tô Lịch không còn thông với sông Hồng
nữa. Dòng chảy của đoạn sông đã bị lấp này theo lộ trình sau: từ Cầu Gỗ ngược
lên (cống chéo) Hàng Lược, men theo đường Phan Đình Phùng (phía ngoài mặt bắc
thành Hà Nội), rồi chảy dọc theo hai phố Thụy Khuê và Hoàng Hoa Thám ngày nay
ra đến đường Bưởi (gặp đoạn sông Tô Lịch ngày nay).
- Sông Tô Lịch ngày nay bắt đầu từ cầu Giấy, chảy cùng hướng với đường Láng và
đường Kim Giang về phía Nam tới sông Nhuệ.
- Sông Tô Lịch là một sông cổ của Thăng Long. Ngày trước, hai bên bờ sông buôn
bán tấp nập. Từ khi bị lấp, sông chỉ là một dòng thoát nước thải của thành phố.
3.2. Sông Kim Ngưu:
- Sông Kim Ngưu là một dòng sông tại Hà Nội. Kim Ngưu (chữ Hán
Việt) có nghĩa là Trâu Vàng. Theo truyện cổ dân gian, Trâu Vàng ở bên Tàu khi
nghe thấy tiếng chuông đồng đen của thiền sư Nguyễn Minh Không ở nước Nam thì
tưởng là tiếng trâu mẹ gọi liền chạy sang. Đường nó chạy lún xuống thành sông
Kim Ngưu. Đến phía Tây thành Thăng Long thì tiếng chuông dứt, Trâu Vàng liền
xới đất tung lên để tìm mẹ làm đất chỗ đó thụt xuống, thành hồ Kim Ngưu, tức Hồ
Tây.
- Sông Kim Ngưu cổ, theo Trần Quốc Vượng, là một phân lưu của sông Tô Lịch. Nó
lấy nước từ Tô Lịch ở ô Cầu Giấy, chảy theo hướng Tây-Đông tới Đội Cấn và lại
lấy nước từ Tô Lịch khi tới ô Thụy Chương (Thụy Khê), chảy theo hướng Bắc-Nam
(đoạn này còn gọi là sông Ngọc Hà), chảy qua Ngọc Khánh, Giảng Võ, Hào Nam, ô
Chợ Dừa, Xã Đàn, Kim Liên, ô Cầu Dền, ô Đông Mác, Yên Sở, rồi hợp lưu trở lại ở
Văn Điển. Đến lượt mình, Kim Ngưu lại có các phân lưu là sông Trung Liệt (tách
ra tại Hào Nam), sông Sét và sông Lừ (đều tách khỏi Kim Ngưu tại khu vực Kim
Liên, Phương Liệt).
- Sông Kim Ngưu xưa là một tuyến giao thông đường thủy, nay chỉ có chức năng là
một sông thoát nước cho nội thành Hà Nội.
3.3. Sông Lừ:
- Sông Lừ là một dòng sông tại Hà Nội.
- Sông Lừ cổ là một phân lưu của sông Kim Ngưu (và Kim Ngưu đến lượt nó lại là
một phân lưu của sông Tô Lịch), tách khỏi Kim Ngưu ở Phương Liệt và chảy về
phía Nam Thanh Trì và hợp lưu với Tô Lịch. Tuy nhiên, do sông Kim Ngưu có nhiều
đoạn bị lấp, nên đoạn Kim Ngưu còn sót từ Nam Đồng tới Phương Liệt ngày nay
cũng được coi là sông Lừ. Mặt khác, khi thực hiện dự án cải tạo hệ thống thoát
nước ở Hà Nội vào cuối thập niên 1990 đầu thập niên 2000, người ta đã nắn dòng
cho phần lớn lượng nước sông Lừ đổ vào sông Sét rồi vào hồ điều hòa Yên Sở.
- Sông Lừ ngày nay dài khoảng 10 km, lòng sông rộng từ 10 đến 20 m, chảy qua
địa bàn các phường Nam Đồng, Trung Tự, Kim Liên, Khương Thượng, Phương Mai,
Phương Liên (quận Đống Đa). Đến Phương Liên, sông Lừ chia làm hai, một rẽ sang
phía Đông tời Giáp Bát và hội lưu với sông Sét, một chảy tiếp về phía Nam qua
Định Công và hội lưu với sông Tô Lịch tại phía Bắc khu đô thị Linh Đàm gần cầu
Dậu, phường Đại Kim, quận Hoàng Mai. Nhánh hội lưu với Tô Lịch càng gần đến chỗ
hội lưu thì dòng chảy càng thu hẹp lại.
3.4. Sông Sét:
- Sông Sét cổ là một phân lưu của sông Kim Ngưu. Nó tách khỏi
Kim Ngưu ở Phương Liệt. Tại chỗ sông Sét tách ra, Kim Ngưu đổi hướng chảy lên
phía Bắc tới khu vực hồ Bảy Mẫu và đầm Kim Liên, còn sông Sét chảy về phía Nam.
Tuy nhiên, do bồi, lấp, sông Kim Ngưu tại Phương Liệt bị đứt quãng khiến cho
đoạn Kim Ngưu ngược lên phía Bắc bị tách riêng ra. Sông Sét ngày nay bao gồm cả
đoạn sông Kim Ngưu đó. Nó chảy trong địa phận các quận Hai Bà Trưng và Hoàng
Mai, thành phố Hà Nội.
- Sông Sét dài hơn 3,6 km, bắt nguồn từ hồ Bảy Mẫu trong Công viên Thống Nhất
(quận Hai Bà Trưng), chảy theo hướng Bắc-Nam và đổ vào hồ Yên Sở (quận Hoàng
Mai). Khi đi qua Giáp Bát, nó nhận nước từ một phân lưu của sông Lừ từ Phương
Liên chảy sang. Sông Sét suốt nhiều năm bị bùn bồi lắng và bị các công trình
xây dựng lấn bờ, nên bề rộng và độ sâu của sông đã giảm đáng kể. Nhiều nơi,
sông chỉ rộng chừng 5 m. Độ sâu trung bình của sông chỉ hơn 1 m.
|
Sông Tích năm 2013 |
3.5. Sông Tích:
Sông Tích còn gọi là sông Tích Giang hay sông Con (khi so sánh
với sông Hồng-sông Cái), là phụ lưu cấp I của sông Đáy, thuộc hệ thống sông
Hồng, bắt nguồn từ dãy núi Ba Vì, đầu nguồn là các hồ Suối Hai, Đồng Mô. Sông
Tích chảy qua các huyện của tỉnh Hà Tây cũ, nay thuộc địa bàn Hà Nội, là: Ba
Vì, Sơn Tây, Phúc Thọ, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ và Mỹ Đức. Sông Tích
nhận nước từ sông Bùi tại vị trí cầu Tân Trương trên quốc lộ 6 thuộc địa bàn
huyện Chương Mỹ, và đổ nước vào sông Đáy tại xã Phúc Lâm huyện Mỹ Đức. Dọc hai
bên bờ sông Tích có nhiều địa điểm du lịch văn hóa lịch sử: khu du lịch nghỉ
dưỡng hồ Suối Hai, làng cổ Đường Lâm, đền Và, trại tù Sơn Tây, thành cổ Sơn
Tây, khu du lịch Đồng Mô - Ngải Sơn, Ao Vua. Chiều dài dòng chính của sông Tích
là 91 km (tổng chiều dài toàn lưu vực sông Tích là 110 km), diện tích lưu vực
1330km2. Trên lưu vực sông Tích, có các hồ Đồng Mô - Ngải Sơn (rộng 1.260 ha),
hồ Suối Hai (671 ha), hồ Xuân Khanh (104 ha) góp nước cho con sông này.
4. Tại Hưng Yên
- Sông Hồng, Sông Luộc, Sông Sặt đều thuộc hệ thống sông Hồng.
- Sông khác tại Hưng Yên: Sông Cửu An.
|
Lụt lội ở Hải Dương năm 1926, sông Kẻ Sặt |
4.1. Sông Sặt:
- Sông Sặt (hay sông Kẻ Sặt) là một con sông chảy ở phía Đông
của tỉnh Hưng Yên, sông nối giữa sông Sinh (Hải Dương) vào khúc cuối của sông
Cửu An, có chiều dài 35 km. Đoạn chảy ở Hưng Yên có chiều dài trên 20km, từ
Thịnh Vạn (Mỹ Hào) đến Tòng Hóa (Phù Cừ).
- Sông này chảy song song với sông Hồng, tạo thành địa giới tự nhiên phía Đông
của tỉnh Hưng Yên, làm cho Hưng Yên có ba mặt đều là sông.
4.2. Sông Cửu An:
- Sông Cửu An là con sông nhỏ nằm trong hệ thống thủy nông
Bắc-Hưng-Hải, thuộc địa phận tỉnh Hải Dương, một phần chảy theo ranh giới giữa
Hải Dương và vùng phía đông tỉnh Hưng Yên. Sông Cửu An vốn là một phân lưu của
sông Hồng, chảy về phía đông, về sau bị vùi lấp ở phần cửa sông.
- Sông còn được gọi là sông Cửu Yên, sông Si, sông Ba Đông, sông Bằng Ngang.
- Hiện nay, sông Cửu An chảy từ Nghi Xuyên đến ngã ba Tòng Hóa (Phù Cừ), tổng
chiều dài 23,5 km. Mặc dù sông Cửu An không lớn nhưng lại đóng vai trò quan
trọng đối với sản xuất nông nghiệp tại những vùng sông chảy qua.
- Năm 2004, các nhà khảo cổ học tìm thấy thêm một ngôi mộ thuyền thuộc Văn hóa
Đông Sơn với niên đại khoảng 2500 năm ở bên triền sông Cửu An, thuộc thôn Động
Xá, xã Lương Bằng, huyện Kim Động, tỉnh Hưng Yên.
5. Tại Hải Dương:
Sông Thương, Sông Cấm, Sông Kinh Môn, Sông Kinh Thầy, Sông Lai
Vu, Sông Luộc, Sông Rạng, Sông Văn Úc thuộc hệ thống Sông Thái Bình.
6. Tại Hải Phòng:
Các sông tại Hải Phòng gồm Sông Bạch Đằng, Sông Cấm, Sông Hóa,
Sông Kinh Môn, Sông Luộc, Sông Lạch Tray, Sông Thái Bình đều thuộc Hệ thống
Sông Thái Bình.
7. Tại Nam Định:
Sông Ninh Cơ, Sông Nam Định, Sông Vị Hoàng, Sông Đáy đều thuộc
Hệ thống Sông Hồng.
8. Tại Thái Bình :
- Sông Hồng, Sông Trà Lý, Sông Bo, Sông Diêm Hộ thuộc hệ thống
Sông Hồng.
- Sông Thái Bình, Sông Hóa, Sông Luộc thuộc hệ thống Sông Thái
Bình.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét