Tư Hồng Nho thủ lĩnh Bạch Liên giáo vốn là nhà nông. Cày ruộng ở chân núi, được một pho tượng Phật bằng đồng, một thanh kiếm bằng sắt, cùng hai quyển sách tả đạo. Ngày đêm học tập, không gì không tinh thông. Bèn tự xưng là Như Lai xuất thế, mê hoặc dân ngu. Từng có người khách đêm tới nhà, Từ vẽ một cái mặt trăng treo lên vách, cả gian phòng sáng bừng. Trong phòng chất đầy vàng bạc, để người ta tùy ý lấy không ngăn cấm. Không cần tôi tớ, chỉ rút trong túi ra hai hình người giấy cao ba tấc đặt xuống đất, lập tức vươn dài ra cao bằng người, lại thướt tha xinh đẹp. Một người ăn mặc lối văn sĩ, tuấn nhã phong lưu, một người ăn mặc lối võ sĩ, đeo kiếm mang cung. Sai dọn rượu bày tiệc đi lại rất mau lẹ. Lại lấy ra hơn mười người bằng giấy, làm phép đều biến thành mỹ nữ, áo lông xiêm ráng, ca múa mời rượu. Có thể sai khiến quỷ thần, cho dù các loại cây cối loài vật ở núi sông thành thị cũng đều có thể biến ra trong nháy mắt. Lại đưa ra một tấm gương bảo người ta soi vào có thể thấy được số phận trọn đời. Có người thì khăn lượt mũ sa, có người giáp vàng áo thêu, người soi vào không ai không mừng rỡ nhảy nhót.
Tin tức đồn đãi khắp nơi, lúc ấy người ta nối gót nhau tới xin soi, trước cửa đông nghịt. Từ thấy những người bị mê hoặc ngày càng đông, bèn treo gương tự soi, thì thấy đội mũ miện mặc long bào, nghiễm nhiên là bậc vương giả. Bèn phao tin rằng "Phàm những người ăn mặc đẹp đẽ trong gương đều là người trong hội Long Hoa, được Như Lai định rõ là sẽ làm quan, đều nên gắng sức để tìm phú quý". Mọi người đều ngạc nhiên mừng rỡ lạy phục xuống. Kế đó chế cờ lệnh cầm tiết việt, không ai không nhảy nhót đi theo, chưa từng có người nào không tuân lệnh. Không đầy vài tháng, đã có hàng vạn người theo về, một dải Đằng Dịch theo gió mà rạp. Về sau đại quân thảo phạt, giết sạch không ai sống sót. Bọn họ vọng tưởng một bước lên trời, mà không tự răn!
Bành Đô ty người Trường Sơn, sống trong quân ngũ nhiều năm, dũng cảm hơn người. Lúc thảo phạt, gặp hai cô gái để bím tóc cặp đao sắt, thúc ngựa dữ, hung hãn dị thường, Bành ra sức tiếp chiến. Hai cô gái không thể tới gần Bành, mà Bành cũng không sao làm hai người bị thương. Từ sáng đến chiều, liên tiếp ba ngày Bành kiệt sức, thở dốc mà chết. Về sau bắt được quân giặc hỏi cung, mới biết hai cô gái ấy là người giấy đao gỗ, ngựa cưỡi chỉ là ghế gỗ mà thôi. Đao ngựa giả mà làm chết tướng quân thật, lạ thay!
13. Sai Dịch Ma (Quỷ Lại)
Hai người sai dịch ở Lịch Thành vâng lệnh Huyện lệnh Hàn Thừa Huyên đi công cán ở quận khác, cuối năm mới về. Trên đường gặp hai người, ăn mặc giống như mình. Cùng đi suốt nửa ngày dần dần nói chuyện với nhau. Hai người kia tự xưng là sai dịch quận Tế Nam. Sai dịch nói "Những nha dịch trong quận, mười người thì bọn ta biết tới tám chín. Hai ông thì chưa từng quen biết". Người kia nói "Nói thật, ta là sai dịch ma trong miếu Thành hoàng, nay là mang công văn tới miếu Đông Nhạc". Sai dịch hỏi trong công văn viết gì, đáp "Tế Nam sắp có kiếp nạn lớn, là báo danh những người bị giết". Sai dịch cả sợ hỏi bao nhiêu người chết, đáp "Cũng không rõ lắm, nhưng e gần trăm vạn", sai dịch càng hoảng sợ. Nhân hỏi thời hạn, đáp là tháng giêng. Hai người sai dịch nhìn nhau, tính ngày về tới nơi vừa đúng hôm Trừ tịch. Sợ bị mắc nạn, nhưng chần chừ thì sợ bị khiển trách. Ma nói “Lỡ hạn tội nhỏ, gặp nạn họa lớn, nên tránh đi chỗ khác, tạm thời đừng về". Sai dịch theo lời, chia tay theo đường tắt trốn đi. Không bao lâu quân tới có gần trăm vạn người chết, hai người nha lệ được thoát.
Dị Sử thị nói: Theo lành tránh dữ là then chốt trên thế gian. Không ngờ dưới địa phủ cũng như thế. Hay là hai người sai dịch ấy không có tên trong kiếp nạn, nên sai dịch ma khuyên như thế chăng?
14. Khách Rết (Yết Khách)
Có người thương nhân phương Nam buôn rết, hàng năm tới Lâm Câu, thu mua rất nhiều. Thổ nhân cầm kẹp gỗ vào núi, vào hang sâu lật đá tảng tìm bắt. Hết một năm lại tới, ngụ ở chỗ trọ cũ chợt thấy bồn chồn, lông tóc dựng đứng mà sợ sệt gấp bội lúc bình thường. Chợt nói với chủ nhân "Làm hại vật sống đã nhiều, nay bị ma rết tức giận, sắp tới giết ta, xin cứu ta với”. Chủ nhân thấy trong phòng có cái vò lớn, bèn bảo vào đó ngồi xổm rồi lấy nắp đậy lại. Không bao lâu, một đại hán bước vào, đầu tóc xõa tung vẻ mặt hung dữ, hỏi chủ nhân "Người khách phương Nam ở đâu?", đáp đã ra ngoài. Người ấy vào phòng nhìn quanh, khịt khịt mũi thành tiếng mấy lần, rồi ra cửa đi. Chủ nhân nói “May ra thì thoát nạn chăng!", rồi bước vào mở nắp vò lên, thì người khách đã hóa thành máu.
15. Con Hồ Trong Dinh Thự Tuân Hóa (Tuân Hóa Thự Hồ)
Khưu công người Chư Thành, làm Quản đạo đạo Tuân Hóa. Trong dinh thự vốn có nhiều hồ, ở ngôi lầu trong cùng thường xuyên có hồ tụ họp, thỉnh thoảng ra hại người. Chửi mắng lại càng lộng hành, nhĩmg người làm quan ở đó chỉ làm tiệc cầu khấn, không ai dám xúc phạm. Khưu công đáo nhiệm, nghe thế nổi giận. Hồ cũng sợ công cương nghị, biến thành một bà già, nói với người nhà của công "Xin bẩm lại với đại nhân là đôi bên không có thù oán gì, xin làm khách ba ngày nữa, sẽ đưa hết già trẻ đi," Công nghe cũng im lặng không nói gì. Hôm sau duyệt binh xong, bảo đừng tan về, sai đem hết súng ống trong các doanh tới, chĩa quanh lầu cùng phát đạn, trong giây lát ngôi lầu thành đất bằng. Lông da máu thịt trên trời rơi xuống rào rào, nhưng thấy giữa đám mưa máu mịt mờ có một làn khí trắng như đám mây vọt ra. Mọi người nhìn lên nói "Có một con thoát rồi”, nhưng từ đó trở đi trong dinh thự yên ổn. Sau hai năm, công sai một người đầy tớ tin cẩn mang bạc về kinh để thu xếp việc thăng chuyển. Việc chưa xong, người ấy còn ở lại trong nhà một nha dịch để chờ trả tiền dần duyên[339]. Một hôm chợt có ông già tới kinh đô kêu oan, nói vợ con bỗng dưng bị tàn sát. Lại nói công cắt xén quân lương, nịnh nọt thượng cấp, hiện cất ở nhà Mỗ, có thể làm bằng chứng. Xét sớ hỏi lý, cùng tới nhà người nha dịch kia, tìm kiếm không ra tiền bạc. Ông già nhịp chân xuống đất, công sai hiểu ý, đào xuống quả nhiên lấy được vàng. Trên vàng bạc đều có khắc tên quận giải về. Sau đó tìm ông già, thì đã đi mất. Bắt láng giềng để tìm người ấy, cũng không có ai. Công vì thế mắc nạn. Ông già tức là con hồ trốn thoát vậy.
Dị Sử thị nói: Hồ quấy phá người ta, thì rất đáng tru diệt. Nhưng đã sợ mà xin tha, cũng nên giữ trọn lòng nhân, có thể nói công cũng quá nóng nảy vậy. Nếu làm quan ở Quan Tây mà như thế, thì há chỉ một con hồ trắng thù hận thôi sao?
[339] Tiền dần duyên: dần duyên cũng như dần nghị, chỉ việc quan lại giao du với nhau. Tiền dần duyên tức tiền quan lại tặng biếu để làm quen, đây chỉ tiền hối lộ.
16. Huyện Lệnh Ngô Huyện (Ngô Lệnh)
Ông Mỗ làm Huyện lệnh Ngô huyện, quên mất tên họ, cứng rắn có tiếng. Tục đất Ngô rất trọng thần Thành hoàng, dùng gỗ tạc tượng, may gấm làm áo, dáng vẻ như người sống. Gặp ngày cúng thần thì dân cư góp tiền mở hội, xe kiệu chật đường. Cờ phướn la liệt, trống kèn đàn sáo vừa trỗi vừa đi, ồn ào ầm ĩ, chen chúc trên đường. Thói quen đã thành lệ, không năm nào dám bỏ phế. Ông tới đó, gặp lúc họ đang đi, bèn ngăn lại hỏi, dân ở đó kể lại chuyện. Lại nói tiền bạc đóng góp rất nhiều, ông tức giận, chỉ vào thần trách mấy câu "Thành hoàng là chủ một huyện, nếu ngu xuẩn ương bướng không thiêng thì là ma quỷ tối tăm ngu muội, không đáng để thờ phụng. Còn nếu linh thiêng thì phải biết tiếc của cải, sao lại được tốn phí vô ích, làm hao tổn máu mỡ của dân”. Nói xong kéo tượng thần xuống đất, đánh hai mươi roi. Từ đó tập tục lập tức thay đổi. Ông trong sạch ngay thẳng không riêng tư, chỉ là trẻ tuổi thích đùa giỡn. Ở đó hơn một năm, ngẫu nhiên bắc thang trong giải vũ trèo lên bắt chim sẻ, hụt chân rơi xương gãy đùi, kế chết. Người ta nghe thấy trong đền Thành hoàng có giọng ông tức giận lớn tiếng, giống như tranh cãi với thần, mấy ngày không ngớt. Mọi người không quên ơn ông, kéo nhau tới tụ họp, khẩn cầu xin thôi, sẽ xây một miếu riêng, giọng ông liền tắt. Miếu mới cũng gọi là miếu Thành hoàng, xuân thu cúng tế, còn linh thiêng hơn miếu cũ Ngô huyện đến nay vẫn có hai Thành hoàng.
17. Nha Dịch Sâu Mọt (Đố Dịch)
Tiến sĩ Lý Khuông Cửu người Trâu Bình làm quan rất liêm khiết công minh. Từng có người nhà giàu bị người ta vu cáo, nha dịch dọa nói "Quan đòi hai trăm lượng vàng, mau thu xếp cho xong, không thì có tai họa đấy". Người nhà giàu sợ hãi vâng dạ, thu xếp được một nửa, nha dịch không chịu, người nhà giàu hết sức nài nỉ. Nha dịch nói "Không phải ta không ra sức, nhưng sợ quan không chịu. Đợi lúc xét xử, ngươi cứ nhìn ta, ta sẽ bẩm lại số này, quan ưng thuận hay không thì cũng có thể biết ta không có ý gì khác". Giây lát ông xét vụ ấy. Tên nha dịch biết ông không hút thuốc, bèn tới gần hỏi hút thuốc không, ông chỉ lắc đầu. Tên nha dịch bước xuống, nói khẽ “Vừa rồi nói ra con số, quan lắc đầu không chịu, ngươi thấy rõ chứ”. Người nhà giàu tin thật, càng hoảng sợ, bèn ưng thuận con số lúc đầu. Tên nha dịch biết ông nghiện trà, bèn tới gần hỏi uống trà không, ông gật đầu. Tên nha dịch lấy cớ đi pha trà, lại bước xuống nói khẽ “Quan ưng thuận rồi, đã gật đầu, ngươi thấy rõ chứ?”. Kế vụ ấy xét xong, người nhà giàu quả nhiên được tha. Tên nha dịch lập tức thu tiền, lại đòi thêm tiền tạ ơn. Than ôi, tên nha dịch ấy cũng gian trá thật.
18. Nha Dịch (Tạo Lệ)
Trong niên hiệu Vạn Lịch, Huyện lệnh Lịch Thành mơ thấy thần Thành hoàng đòi người hầu hạ, lập tức ghi tên tám người nha dịch vào sớ điệp đốt trong miếu. Đến đêm, tám người đều chết. Đầu tiên một người nghe bảy người kia đã chết, trong lòng sợ hãi, cắn ngón tay mà chết. Phía đông miếu có quán rượu, chủ quán vốn quen biết cả tám người. Đêm ấy có một người tới mua rượu, bèn hỏi mời khách nào. Đáp "Bạn đồng liêu rất đông nên mua một vò, chỉ thiếu họ Tự mà thôi". Đến sáng, gặp người nha dịch khác, mới biết người ấy đã chết. Tới miếu mở cửa vào thì vò rượu còn đó, rượu bên trong vẫn còn đầy, nhưng mùi vị giống hệt nước lã. Quay về nhìn lại tiền thì đều là tro giấy. Quan huyện bèn đắp tám pho tượng đặt trong miếu, riêng người cắn ngón tay thì pho tượng tươi tắn như người sống. Con cháu tám nhà đều quanh năm cúng tế. Các nha dịch trong huyện nhận chức, trước tiên đều ra đó tế lễ, nếu không ắt sẽ gặp chuyện bị trách phạt.
Trư Bà Long sản ở Giang Tây, hình dáng như con rồng mà ngắn , có thể bay là đà, thường lên dọc bờ sông bắt ngỗng vịt để ăn. Có người săn được, thì bán thịt cho hai nhà họ Trần họ Kha. Hai họ ấy đều là hậu duệ của Trần Hữu Lượng, nhiều đời ăn thịt trư bà long, chú họ khác thì không dám ăn. Có người khách từ Giang Tây tới, bắt được một con, buộc lại trong thuyền. Một hôm ghé thuyền ở Tiền Đường, dây buộc hơi lỏng, nó chợt nhảy xuống sông, sóng nước nổi lên, thuyền buôn chìm hết.
20. Bạc Nén (Nguyên Bảo)
Lâm Giang ở Quảng Đông, vách núi dựng đứng, thường có bạc nén khảm vào vách đá. Phía dưới dốc núi sóng lớn, thuyền bè không thể ghé vào. Có người khua mái chèo cố tới gần để khều, thì dính cứng không lay động được. Nếu số người ấy lấy được, thì khều một cái là rơi xuống ngay, quay lại thì đã qua kiếp khác rồi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét