"Cái cảm giác xót xa, hoang hoải cứ ám ảnh người đọc, sau khi khép lại trang cuối ở truyện Củi mục trôi về. Nhiều nhân vật trong các truyện ngắn không hề nói câu gì, nhưng ánh mắt, tâm trạng của họ luôn giằng xé tâm hồn. Những con người lặng lẽ và chịu đựng để cho thời gian đi qua cuộc đời mình, mặc cho mất mát bủa vây."
Đảo
Giới Thiệu
17 câu chuyện của chị, rất ngắn. Như Xác bụi chưa đầy 1.500 chữ, mỗi con chữ tưởng chừng buông lơi, nhẹ tênh lại là một cuộc đấu tranh trong nhân vật nữ. Dù có làm gì, thức hay tỉnh, mộng mị hay sống rờ rỡ cùng ánh mặt trời, em ở đây gần như sống ở một phía khác, phía có người tình cũ giờ nắm xương cũng không biết phiêu dạt nơi nào. Hay trong Tro tàn rực rỡ tình yêu hình như là thứ xa xỉ lắm, mà chồng không thể dành cho vợ, khi vợ là người đến sau; cũng bởi vì tình yêu là thứ duy nhất mà người này trao cho người kia, không thể lặp lại với người thứ hai. Quan điểm này của nhà văn lặp lại ở rất nhiều truyện ngắn. Khiến tình yêu là thứ bất biến, thiêng liêng, khi nó bắt đầu ngấm qua da, vào máu là không thể dứt ra được. Tình yêu như “đóng đinh” vào tim. Và khi đã ở trong tim thì không dễ gì lay chuyển được khối óc, cho dù các nhân vật đều gặp cảnh éo le trong tình yêu hay gia đình có nhiều rạn vỡ.
Đọc văn của Tư, đôi khi thấy lòng mình như xát muối. Và mắt thì rưng rưng muốn khóc.
Trong Đi bụi, những lần hẹn hò bất thành của ngoại và bồ, những lần ngoại đi sưu tầm thêm túi xách du lịch, những lần lặng người nghe tiếng máy bay qua, những chiều nắng đẹp ngoại hay đờ đẫn “…Bồ đã chờ sẵn. Hải lưu chắc đưa tro của bồ đi khắp góc biển chân trời. Sực nhớ cuốn sách chợ Việt đã để quên lại. Ngoại muốn tra coi chợ Ngâu họp phiên vào ngày nào sau Tết. Hình như mùng bốn, phiên ấy người dương sẽ gặp người âm. Không biết bồ có nhớ chỗ đó không, có đến kịp không. Nghi lắm!” (Đi bụi). Một cuộc tình đẹp của hai người tóc còn xanh, lần lữa qua bao nhiêu lần lỡ hẹn, đến khi một người dứt áo ra đi thì tóc đã đổi màu, một người chỉ còn lại bình tro. Chợt nhớ câu thơ của nhà thơ Trần Hòa Bình “em có anh xa xót thế này sao” (Khau Vai).
Cái cảm giác xót xa, hoang hoải cứ ám ảnh người đọc, sau khi khép lại trang cuối ở truyện Củi mục trôi về. Nhiều nhân vật trong các truyện ngắn không hề nói câu gì, nhưng ánh mắt, tâm trạng của họ luôn giằng xé tâm hồn. Những con người lặng lẽ và chịu đựng để cho thời gian đi qua cuộc đời mình, mặc cho mất mát bủa vây. Trong họ luôn có những khao khát: khao khát yêu, khao khát sống cuộc đời tự do nhưng rồi lại bị trói buộc trong giới hạn hai chữ “gia đình”, để đôi khi sống mòn mỏi, có khi tuyệt vọng và chẳng biết kết thúc ở đâu.
Tập truyện Đảo của Nguyễn Ngọc Tư là những truyện ngắn tôi nghĩ rất khó viết, vì nó viết về các cảm giác. Trải từ truyện đầu tiên Biến mất ở thư viên, đến Đảo, Đường về Xẻo Đắng…truyện nào cũng nói đến cảm giác. Và đều xoay quanh yêu, thương, vui, buồn, để rồi truyện nào cũng thấy nhân vật bỏ đi, kiểu như trốn vào trong khe của những cuốn sách hay dầm mình dưới sông. Họ lìa bỏ thế giới thấy chẳng mấy vui tươi, chạy đến vào một thế giới khác có lẽ cũng mịt mù chẳng kém.
Gia nhập làng văn chương, Nguyễn Ngọc Tư mang đến một hơi thở mới lạ, đặc sệt chất Nam bộ. Đặc biệt là sau Cánh đồng bất tận, chúng tôi nhận ra mỗi lần đọc văn của chị sẽ phát hiện có rất nhiều từ mới hình như chưa có trong từ điển. Ngôn từ phong phú, lại chú trọng về cảm giác - một “vùng” những giác quan đi liền với những ý nghĩ miên man không muốn dừng bước, khiến những ai cầm tập Đảo trên tay sẽ bị níu tâm trí ở lại trong đó vì những điều có khi không nói thành lời. Đảo bắt đầu từ nội tâm và kết thúc bằng nội tâm của nhân vật. Song là thứ nội tâm ở trên một con đường gập ghềnh có nhiều chịu đựng, khát khao, nên bạn muốn tận cùng khám phá. Như lời của NXB Trẻ là “những truyện ngắn cho thấy dường như Nguyễn Ngọc Tư đang ra khỏi hiện thực của những cánh đồng để tìm đến vùng hỗn mang tâm trí con người”.
Hoàng Nhung
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét