Thứ Hai, 14 tháng 11, 2022

TRUYỆN VỀ CÁC DÂN TỘC SÔNG PHÍA ĐÔNG (TIẾP)

 

TRUYỆN VỀ CÁC DÂN TỘC SÔNG PHÍA ĐÔNG (tiếp theo)



Pháo hạm Un'yō tấn công đảo Ganghwa
(Thời kỳ cận đại của nước Hàn}


Nước Hàn tại phía nam quận Đái Phương, đông tây lấy biển làm giới hạn, phía nam tiếp với nước Oa, đất rộng bốn nghìn dặm. Có ba chủng, một là Mã Hàn, hai là Thần Hàn, ba là Biện Hàn.


Thần Hàn là nước Hàn thời xưa vậy. Mã Hàn ở tại phía tây, Dân nước này tụ thành thôn ấp, trồng trọt, biết tằm dâu, làm vải gấm. Đều có cừ súy, lớn thì tự gọi là 'Thần trí', thứ nữa là 'Ấp tá', tản mát ở giữa sông núi, không có thành quách. Có nước Viên Tương, nước Mâu Thủy, nước Tang Ngoại, nước Tiểu Thạch Sách, nước Đại Thạch Sách, nước Ưu Hưu Mâu Trác, nước Thần Phần Cô, nước Bách Tế, nước Tốc Lô Bất Tư, nước Nhật Hoa, nước Cổ Đản Giả, nước Cổ Li, nước Nộ Lam, nước Nguyệt Chi, nước Tư Li Mâu Lô, nước Sách Vị Can, nước Cổ Viên, nước Mạc Lô, nước Ti Li, nước Chiêm Li Ti, nước Thần Hấn, nước Chi Xâm, nước Cẩu Lô, nước Ti Di, nước Giám Hề Ti Li, nước Cổ Bồ, nước Trí Lợi Cúc, nước Nhiễm Lộ, nước Nghê Lâm, nước Tứ Lô, nước Nội Ti Li, nước Cảm Hề, nước Vạn Lô, nước Tích Ti Li, nước Cữu Tư Ô Đán, nước Nhất Li, nước Bất Di, nước Chi Bán, nước Cẩu Sách, nước Tiệp Lô, nước Mâu Lô Ti Li, nước Thần Tô Đồ, nước Bá Lô, nước Cổ Lạp, nước Giám Sách Bán, nước Thần Vân Tư, nước Như Lai Ti Li, nước Sở Sơn Đồ Ti Li, nước Nhất Nan, nước Cẩu Hề, nước Bất Vân, nước Bất Tư Phần Tà, nước Viên Trì, nước Càn Mã, nước Sở Li, cả thảy hơn năm mươi nước. Nước lớn thì có hơn vạn nhà, nước nhỏ thì có mấy nghìn nhà, cả thảy là hơn mười vạn nhà. Thần Vương (1) trị ở nước Nguyệt Chi. 'Thần trí' đặt hiệu là Hoặc Gia Ưu Hô Thần Vân Khiển Chi Báo An Tà Địch Chi Phần Thần Li Nghê Bất Liệt Câu Tà Tần Chi Liêm. Quan lại có 'Nguy suất thiện', 'Ấp quân', 'Quy nghĩa hầu', 'Trung lang tướng', 'Đô úy', 'Bá trưởng'.


Vua là Chuẩn đã tiếm hiệu xưng Vương, bị kẻ trốn tránh người nước Yên là Vệ Mãn đánh lấy, 


Ngụy lược chép: Ngày xưa dòng dõi của Cơ Tử làm vua Triều Tiên, thấy nhà Chu suy, nước Yên tự xưng Vương muốn sang đông chiếm đất, do đó vua Triều Tiên cũng tự xưng làm Vương, muốn dấy binh đón đánh quân Yên để tôn nhà Chu. Quan Đại phu tên là Lễ can ngăn, mới thôi. Sai Lễ sang tây khuyên vua Yên, vua Yên dừng mà không đánh. Sau đó con cháu kiêu ngược, vua Yên bèn sai tướng là Tần Khai đánh biên giới phía tây của nước ấy, chiếm đất hơn hai nghìn dặm, đến bến Mãn Phiên làm ranh giới, do đó nước Triều Tiên bèn suy. Đến lúc nhà Tấn chiếm cả thiên hạ, sai Mông Điềm đắp trường thành, đến quận Liêu Đông. Bấy giờ vua Triều Tiên là Phủ lập, sợ quân Tần đánh úp, bèn xin thần phục nhà Tần nhưng không chịu chầu gặp. Phủ chết, con là Chuẩn lập, được hơn hai mươi năm thì vừa lúc Trần, Hạng(2) nổi dậy, thiên hạ loạn, dân Yên, Tề, Triệu sầu khổ, dần dần trốn đến chỗ Chuẩn, Chuẩn bèn đặt họ ở tại biên giới phía tây. Đến lúc nhà Hán phong Lô Oản làm Yên Vương, Triều Tiên cách nước Yên ở sông Phối. Đến lúc Oản phản, vào đất Hung Nô, vừa lúc người nước Yên là Vệ Mãn trốn tránh, mặc áo Hồ, sang đông vượt sông Phối đến chỗ Chuẩn hàng, xin Chuẩn cho ở tại biên giới phía tây, do đó người trốn tránh Trung Quốc làm phên dậu của nước Triều Tiên. Chuẩn tin dùng Mãn, bái làm Bác sĩ, ban cho ngọc khuê, phong ấp rộng trăm dặm, sai giữ biên giới. Mãn bèn dụ người trốn tránh, quân ngày càng đông, rồi sai người lừa báo cho Chuẩn, nói là mười cánh quân Hán sắp đến, xin vào làm Túc vệ, do đó về đánh Chuẩn. Chuẩn đánh với Mãn, không địch được


 đem tả hữu cung nhân chạy vào biển, trú ở đất Hàn, tự hiệu là Hàn Vương.


Ngụy lược chép: Con và người thân của Chuẩn ở tại nước ấy, nhân đó đổi họ là Hàn. Chuẩn làm vua ở giữa đất ấy, không qua lại với nước Triều Tiên.


Sau đó diệt vong, ngày nay người Hàn vẫn có người cúng tế Chuẩn. Vào thời Hán thuộc quận Lạc Lãng, bốn mùa chầu gặp.


Ngụy lược chép: Lúc đầu vào lúc Hữu Cừ chưa bị phá, Thừa tướng của nước Triều Tiên là Lịch Khê Khanh can ngăn Hữu Cừ nhưng không nghe, bèn sang đông đến nước Hàn, bấy giờ dân đi theo ra ở đến hơn hai nghìn nhà, cũng không qua lại cống nạp với nước Triều Tiên. Đến những năm Địa Hoàng thời Vương Mãng, có người là Liêm Tư Trác làm cừ súy của nước Thần Hàn, nghe nói Lạc Lãng đất đai đẹp, ngườu dân vui vẻ, muốn trốn đến hàng. Vừa ra khỏi thôn ấp, thấy một chàng trai đang đuổi bắt chim trĩ ở trong ruộng, tiếng nói của anh ta không phải tiếng Hàn. Hỏi anh ta, anh ta đáp: "Ta là người Hán, tên là Hộ Lai, bọn ta có một nghìn năm trăm người chặt cây trong thôn, bị người Hàn đánh bắt được, đều cắt tóc làm nô, đã ba năm rồi". Trác nói: "Ta sắp đến hàng quận Lạc Lãng của nhà Hán; các ngươi muốn đi không"? Hộ Lai nói: "Được". Trác nhân đó đem Hộ Lai ra đến huyện Hàm Tư, quan huyện báo cho quận, quận liền lấy Trác làm người phiên dịch, lại từ huyện Sầm Trung cưỡi thuyền lớn vào đất Thần Hàn, đón lấy Hộ Lai, bọn đi theo chỉ được nghìn người, năm trăm người trong số đó đã chết. Bấy giờ Trác bèn bảo người Thần Hàn rằng: "Các người mau trả năm trăm người kia, nếu không thì quận Lạc Lãng sẽ đem vạn quân cưỡi thuyền đến đánh các ngươi". Người Thần Hàn nói: "Năm trăm người kia đã chết, bọn ta sẽ đến đền bù vậy". Bèn đem một vạn năm nghìn người Thần Hàn, một vạn năm nghìn thất vải Biện Hàn để đền, Trác thu lấy rồi về. Quận khen Trác có công nghĩa, ban cho khăn mũ, ruộng vườn, con cháu mấy đời sau đến năm Diên Quang thứ tư thời An Đế lại bị tước bỏ.


Cuối thời Hoàn, Linh(3) người Hàn, Uế lớn mạnh, quận huyện không ngăn được, dân chúng phần nhiều trốn vào nước Hàn. Giữa năm Kiến An, Công Tôn Khang chia đất từ huyện Đồn Hữu đến cõi hoang phía nam mà lập ra quận Đái Phương, sai bọn Công Tôn Mô, Trương Xưởng thu tập dân lưu tán, đem quân đánh người Hàn, Uế, do đó dân ấy ra hàng, từ đó người Oa, Hàn bèn thần thuộc vào quận Đái Phương. Giữa năm Cảnh Sơ, Minh Đế ngầm sai Đái Phương Thái thú Lưu Hân, Lạc Lãng Thái thú Tiên Vu Tự vượt biển bình hai quận, ban ấn thao cho 'Ấp quân', 'Thần trí' các ấp của nước Hàn, sau đó ban cho 'Ấp trưởng'. Phong tục ưa mặc áo đội mũ, các nhà đến quận chầu gặp đều mặc áo mũ, tự đeo ấn thao mặc áo mũ đến hơn nghìn người. Bộ tòng sự là Ngô Lâm thấy quận Lạc Lãng vốn trông coi cả nước Hàn, bèn chia cắt tám nước của người Hàn nhập vào quận Lạc Lãng, quan lại dịch tiếng có giống khác, 'Thần trí' khích động dân Hàn oán giận, đánh trại Kì Li của quận Đái Phương. Bấy giờ Thái thú Cung Tuân, Lạc Lãng Thái thú Lưu Mậu đem quân đánh người Hàn, Tuân chết trận, quân của hai quận bèn phá nước Hàn.


Phong tục ít kỉ cương, nước dẫu có chủ súy nhưng ở lẫn trong thôn ấp, không thể ngăn chế lẫn nhau, không có lễ quỳ bái. Nhà ở làm vách đất mái cỏ, hình như nấm mồ, làm cửa ở trên, cả nhà cùng ở trong ấy, không phân biệt già trẻ trai gái. Phép táng có quách nhưng không có quan, không biết cưỡi trâu ngựa, trâu ngựa chết đầy trên đường. Lấy ngọc trai làm vật báu, hoặc lấy áo làm bằng lông chim trĩ làm trang sức, hoặc đeo ngọc ở cổ, đeo vòng tai, không lấy vàng bạc gấm lụa làm vật quý. Tính người cứng cỏi, đầu trần lộ chỏm, mặc áo choàng, chân đi giày dép da. Trong nước có thành quách mà nhà quan sai đắp, những kẻ khỏe mạnh trẻ tuổi đều đục da thịt, lấy dây lớn xâu qua, lại lấy cái kim gỗ dài khoảng một trượng để xâu qua, suốt ngày hô hoán trổ sức, không cho là đau, mà lại còn khuyến khích làm, lại cho rằng thế là khỏe. Thường đến cuối tháng năm thì cày trồng xong, bèn tế quỷ thần, tụ hội múa hát, ngày đêm uống rượu không nghỉ. Lúc múa, mấy chục người cùng nối theo nhau, dẫm đất cúi ngửa, tay chân ứng nhịp, tiết tấu có lúc tựa múa chuông. Tháng mười thì việc cấy trồng xong, lại cúng tế uống rượu múa hát như trước. Tin thờ quỷ thần, trong mỗi nước đều lập một người chủ tế thần trời, gọi là 'thiên quân'. Lại nữa các nước đều có ấp riêng gọi là 'tô đồ'. Dựng một cây gỗ lớn, treo chuông trống lên đấy để thờ quỷ thần. Những người trốn tránh đến chỗ ấy đều không cho quay về. Ưa làm giặc, lập nghĩa 'tô đồ', có chỗ giống đạo Phù Đồ(4) nhưng việc làm thiện ác có khác. Phía bắc gần các quận huyện(5) lại hiểu biết lễ tục, nơi xa xôi lại như bọn tù ngục nô tì tụ tập. Không có các vật báu khác. Cầm thú cây cỏ đại khái giống với Trung Quốc. Xuất cây giẻ lớn, lớn như cây lê. Lại xuất gà đuôi nhỏ, đuôi đều dài hơn năm thước. Đàn ông nước này đều xăm mình. Lại có người Hồ của chân quận ở tại trên đảo lớn giữa biển tây của nước Mã Hàn, người này hơi thấp bé, tiếng nói không giống với người Hàn, đầu tóc đều giống người Tiên Ti nhưng áo lại khác, ưa nuôi trâu và heo. Mặc áo phần trên mà không che dưới thân, qua loa như cởi trần. Cưỡi thuyền qua lại mua bán giữa nước Hàn.


Thần Hàn tại phía đông Mã Hàn, người già cả truyền đời tự nói rằng dân mình là người trốn tránh việc lao dịch của nhà Tần mà đến nước Hàn, người Mã Hàn cắt đất phía đông mà trao cho. Có thành rào. Tiếng nói không giống với người Mã Hàn, gọi nước là 'bang', gọi cung là 'hồ', gọi giặc là 'khấu', uống rượu gọi là 'hành thương', có giống người Tần, không chỉ giống tiếng nói của người Yên, Tề mà thôi. Gọi người quận Lạc Lãng là 'a tàn'; người phương đông gọi người ta là 'a', tức gọi người quận Lạc Lãng vốn là 'kẻ rời rạc' vậy. Nay có người lại gọi họ là người Tần Hàn. Lúc đầu có sáu nước, dần dần chia thành mười hai nước.


Biện Hàn cũng có mười hai nước, lại có các ấp nhỏ khác, đều có cừ súy, lớn thì gọi là 'Thần trí', nhỏ hơn là 'Sát hề', thứ nữa là 'Ấp tá'. Có nước Dĩ Đế, nước Bất Tư, nước Biện Thần Di Li Di Đống, nước Biện Thần Tiếp Đồ, nước Cần Kì, nước Nan Di Li Di Đống, nước Biện Thần Cổ Tư Di Đống, nước Biện Thần Cổ Thuần Thị, nước Nhiễm Hề, nước Biện Thần Bán Lộ, nước Biện Nhạc Nô, nước Biện Quân Di, nước Biện Thần Di Ô Tà Mã, nước Như Trạm, nước Biện Thần Cam Lộ, nước Lô Lộ, nước Châu Tiên, nước Biện Thần Cẩu Tà, nước Biện Thần Tẩu Tào Mã, nước Biện Thần An Tà, nước Biện 

Thần Độc Lô, nước Tư Lô, nước Ưu Do. Biện Hàn, Thần Hàn hợp lại là hai mươi tư nước, nước lớn thì có bốn, năm nghìn nhà, nước nhỏ thì có sáu, bảy trăm nhà, cả thảy bốn, năm vạn hộ. Trong đó có mười hai nước thuộc Thần Vương. Thần Vương thường dùng người Mã Hàn làm vua, nối đời thay nhau. Thần Vương không được tự lập làm Vương.


Ngụy lược chép: Rõ ràng Thần Vương là dân lưu tán vậy, cho nên bị người Mã Hàn ngăn chế.


Đất đai màu mỡ, hợp ngũ cốc và lúa nước, biết dâu tằm, làm vải mịn, cưỡi xe trâu ngựa. Lễ tục cưới hỏi, trai gái có chia biệt. Lấy lông chim lớn để táng theo người chết, ý là muốn cho người chết được bay cao.


Ngụy lược chép: Người nước này làm nhà lấy nhiều cây gỗ xếp liền, có giống nhà ngục vậy.


Nước này có sắt, người Hàn, Uế, Oa đều đến thu lấy. Đồ trao đổi mua bán đều dùng sắt, như Trung Quốc dùng tiền, lại lấy sắt cung cấp cho hai quận. Tục ưa múa hát uống rượu. Có đàn tì, hình giống đàn trúc, gảy thì cũng có âm khúc. Sinh con liền lấy đá ép đầu trẻ, muốn cho đầu nhỏ. Nay người Thần Hàn đều đầu nhỏ. Trai gái giống người Oa, cũng xăm mình. Giỏi đánh trên bộ, binh khí giống với người Mã Hàn. Phong tục lúc đi mà gặp nhau thì đều nhường đường.


Người Biện Hàn ở lẫn với người Thần Hàn, cũng có thành quách. Áo quần, nhà ở cũng giống với người Thần Hàn. Tiếng nói luật tục cũng giống nhau nhưng cúng tế quỷ thần có khác. Nhà bếp đều đặt ở phía tây nhà. Nước Độc Lô tiếp với người Oa. Mười hai nước cũng có vua, dáng người đều to lớn, áo quần sạch đẹp, để tóc dài. Cũng làm khăn rộng bằng vải mịn. Phép tắc rất nghiêm ngặt.


Người Oa tại giữa biển lớn phía đông nam của quận Đái Phương, dựa vào núi đảo mà lập nước ấp. Lúc trước có hơn trăm nước, vào thời Hán có nước đến chầu gặp, ngày nay chỉ có ba mươi nước sai sứ giả qua lại. Từ châu quận đến nước Oa phải men theo bờ vượt biển mà đi, qua nước Hàn, sang đông sang sang nam, đến nước Cẩu Tà Hàn ở bờ bắc, qua hơn bảy nghìn dặm, lại bắt đầu vượt một vùng biển, đi hơn nghìn dặm đến thì nước Đối Mã. Quan lớn của họ gọi là 'Ti cẩu', phó là 'Ti nô mẫu li'. Ở nơi đảo xa, đất rộng hơn bốn trăm dặm, đất đai hiểm trở, nhiều rừng sâu, đường lối nhỏ bé gập ghềnh. Có hơn nghìn hộ, không có ruộng tốt, ăn vật biển mà sống, cưỡi thuyền đi lại nam bắc trao đổi. Lại về phía nam qua một vùng biển dài hơn nghìn dặm, gọi là 'biển rộng', đến một nước lớn, quan lại cũng gọi là 'Ti cẩu', phó là 'Ti nô mẫu li'. 


Đất rộng ba trăm dặm, nhiều rừng rậm tre gỗ, có khoảng ba nghìn nhà, đều có ruộng đất, nhưng làm ruộng vẫn không đủ ăn, cũng qua lại nam bắc trao đổi. Lại qua một vùng biển nữa, hơn nghìn dặm thì đến nước Mạt Lô, có hơn bốn nghìn nhà, ở gần núi biển, cây cỏ sum suê, đi lại chẳng thấy người. Ưa bắt sò cá, nước chẳng kể sâu nông, đều ngụp lăn mà bắt lấy. Đi bộ về phía đông năm năm trăm dặm thì đến nước Y Đô, quan lại gọi là 'Nhĩ chi', phó là 'Tiết mô cô', 'Bính cừ cô'. Có hơn nghìn nhà, nhiều đời có vua, đều thần thuộc vào nước Nữ Vương, quan lại của châu quận qua đây thường trú ở đấy. Đi về phía đông nam trăm dặm thì đến nước Nô, quan lại gọi là 'Hủy mã cô', phó là 'Ti nô mẫu li', có hơn hai vạn nhà. Đi về phía đông trăm dặm thì đến nước Bất Nhĩ, quan lại gọi là 'Đa mô', phó là 'Ti nô mẫu li' có hơn nghìn nhà. Phía nam đi đường thủy hai mươi ngày thì đến nước Đầu Mã , quan lại gọi là 'Di di', phó là 'Di di na lợi', có khoảng hơn năm vạn nhà. Phía nam đi đường thủy mười ngày, đi đường bộ một tháng thì đến nước Tà Mã Nhất, là kinh đô của nước Nữ Vương vậy. Quan lại có 'Y chi mã', thứ là 'Di mã thăng', thứ là 'Di mã hoạch chi', thứ nữa là 'Nô khuê đê', có khoảng hơn bảy vạn hộ. Từ nước Nữ Vương lên phía bắc, số hộ nhà và đường lối không chép qua được, các nước bên cạnh còn lại thì xa lánh, không được biết rõ. Lại có nước Tư Mã, lại có nước Dĩ Bách Chi, lại có nước Y Tà, lại có nước Đô Chi, lại có nước Di Nô, lại có nước Hảo Cổ, lại có nước Bất Hô, lại có nước Thư Nô, lại có nước Đối Tô, lại có nước Tô Nô, lại có nước Hô Ấp, lại có nước Hoa Tô Nô, lại có nước Quỷ, lại có nước Vi Ngô, lại có nước Quỷ Nô, lại có nước Tà Mã, lại có nước Cung Thần, lại có nước Ba Lợi, lại có nước Chi Duy, lại có nước Ô Nô, lại có nước Nô, đấy là các nước xa nhất của nước Nữ Vương vậy. Phía nam có nước Cẩu Nô, đàn ông làm vua, quan lại có 'Cẩu cổ trí ti cẩu', không thần thuộc nước Nữ Vương. Từ châu quận đi hơn một vạn hai nghìn dặm mới đến nước Nữ Vương.


Đàn ông không kể lớn bé đều vẽ mặt xăm mình. Từ xưa đến nay, sứ giả của họ đến Trung Quốc đều tự xưng là 'Đại phu'. Con của vua Thiếu Khang nhà Hạ Hậu(6) được phong ở đất Cối Kê, cắt tóc xăm mình để tránh cái hại của giao long(7). Nay người Oa ven sông ngụp lặn bắt cá hến, xăm mình cũng là để ngăn cá lớn dưới nước, sau đó dần dần để trang sức. Các nước xăm mình đều khác nhau, có nước xăm bên trái, có nước xăm bên phải, hoặc hình lớn hoặc hình nhỏ, sang hèn đều có khác. Xét vị trí của nước ấy thì ứng tại phía đông của huyện Đông Dã quận Cối Kê vậy. Tục nước này không dâm dật, con trai đều để chỏm, lấy vải gấm quấn đầu. Mặc áo khăn ngang, nhưng bó buộc liền nhau, qua loa không may vá. Đàn bà búi tóc bó chỏm, làm áo như áo cộc, xuyên lỗ ở giữa, xỏ đầu mà mặc. Trồng lúa nếp, gai sợi, dâu tằm, cây sợi. Xuất sợi gai mịn, gấm mềm. Đất này không có trâu, ngựa, hổ, báo, dê, chim khách. Quân dùng mâu, khiên, cung gỗ. Cung gỗ dưới ngắn trên dài, lấy tre nứa hoặc sắt thép, xưng thú làm mũi tên, không giống với người quận Đam Nhĩ, Chu Nhai. Khí hậu nước Oa ấm áp, mùa đông mụa hạ thì ăn rau sống, đều đi chân trần. Có nhà ở, cha mẹ anh em ngồi năm khác chỗ, lấy nước sơn đỏ son bôi lên thân như người Trung Quốc dùng son phấn vậy. Ăn uống dùng chén đĩa, lấy tay bốc mà ăn. Lúc chết, táng dùng quách mà không có quan, đắp đất làm nấm mồ. Vừa chết thì để tang hơn mười ngày, lúc ấy không ăn thịt, chủ tang khóc lóc, người khác lại múa hát uống rượu. Đã táng xong, cả nhà lại xuống giữa sông tắm rửa để cho sạch sẽ.


Có người qua lại vượt biển đến Trung Quốc, thường sai một người không được chải đầu, không được bắt chấy rận, quần áo dơ bẩn, không được ăn thịt, không được gần gũi đàn bà như người để tang vậy, gọi là 'Trì suy'. Nếu người đi yên lành thì cấp tiền của cho người nhà; nếu người đi bệnh tật, bị nạn hại thì muốn giết người đó, gọi là 'Trì suy bất cẩn'. Xuất ngọc trai, ngọc xanh. Núi ở đấy có quặng đất đỏ, có cây là cây nam, cây thữ, cây dự chương, cây nhựu lịch, cây đầu cương, cây ô hiệu, cây phong hương, có cây tre nhỏ, cành đào. Có cây khương, cây quất, cây tiêu, cây nhương hà, không biết mùi vị ra sao. Có vượn khỉ, chim trĩ đen. Phong tục làm việc đi lại liền bàn luận, đốt xương thú mà bói để đoán tốt xấu, báo cho người muốn bói trước, cách bố như bói mai rùa, xem vết cháy để đoán điềm. Lúc hội họp thì cùng ngồi, cha con trai gái không phân biệt. Tính người ưa uống rượu,


Ngụy lược chép: Tục nước này không biết năm tháng mùa tiết, chỉ biết mùa xuân thì trồng trọt, mùa thu thì gặt hái mà ghi năm tháng.


gặp quan lớn đáng kính thì chỉ chắp tay để thay cho quỳ bái. Người nước này sống lâu, có kẻ đến trăm tuổi, hoặc tám, chín mươi tuổi. Phong tục thì quan lớn của nhà nước đều có bốn, năm vợ, nhà dưới chỉ có hai, ba vợ. Đàn bà không dâm dật, không ghen tị. Không trộm cướp, ít tranh tụng. Người phạm pháp, nhẹ thì bắt thu vợ con, nặng thì giết cả nhà. Còn họ hàng cao thấp đều có thứ bậc, đủ để thần phục nhau, thu tô thuế. Có nước Để Các, nước này có chợ, có lúc trao đổi có lúc không, sai quan lớn người Oa coi xét. Từ nước Nữ Vương lên phía bắc, đặt riêng một quan lớn để xem xét các nước, các nước đều e sợ viên quân ấy. Thường trị ở nước Y Đô, ở trong nước giống quan Thứ sử vậy. Vua sai sứ đến kinh đô, quận Đái Phương, các nước Hàn. Đến lúc châu quận sai sứ đến nước Oa, đều đến bờ biển truyền báo, đem thư từ và các vật ban tặng đến Nữ vương, không được sai lạc. Nếu nhà dưới gặp với quan lớn trên đường thì nhường bước vào bãi cỏ ven đường. Lúc truyền lời tấu việc, hoặc ngồi xổm hoặc quỳ bái, hai tay chống xuống đất để tỏ ý cung kính. Đối đáp thì nói là 'ôi', ý như vừa lòng vậy.


Nước này vốn cũng lấy đàn ông làm vua, lập được bảy, tám mươi năm thì nước Oa loạn, đánh dẹp nhau nhiều năm, bèn lập một người con gái làm vua, tên là Tì Di Hô, thờ đạo quỷ, có thể mê hoặc dân chúng, tuổi đã già lớn mà không lấy chồng, có em trai giúp trị nước. Từ khi làm vua đến nay ít có người thấy. Lấy nghìn người hầu gái để tự hộ vệ, chỉ có một người đàn ông được hầu cấp ăn uống, truyền lời ra vào. Chỗ ở có cung thất lầu quán, thành rào rất chặt chẽ, thường có người cầm binh khí phòng giữ.


Từ nước Nữ Vương vượt biển hơn nghìn dặm lại có nước khác, đều thuộc người Oa. Lại có nước Chu Nho tại phía nam, người chỉ cao ba, bốn thước, cách nước Nữ Vương hơn bốn nghìn dặm. Lại có nước Khỏa, nước Hắc Xỉ cũng tại phía đông nam, đi thuyền một năm thì đến được. Thử hỏi về đất Oa, nói là cách trở ở trên bãi đảo giữa biển lớn, hoặc cách hoặc liền, vòng quanh khoảng hơn năm nghìn dặm.


Năm Cảnh Sơ thứ hai, tháng sáu, Nữ vương của nước Oa sai bọn Đại phu Nan Thăng Mễ đến châu quận, xin được dâng cống cho Thiên tử, Thái thú Lưu Hạ sai quan tướng chở đến kinh đô. Tháng mười một năm ấy, hạ chiếu đáp Nữ vương của nước Oa rằng: "Hạ chiếu cho người thân nhà Ngụy là nữ vương của nước Oa là Tì Di Hô biết rằng: Đái Phương Thái thú Lưu Hạ đã sai sứ đến nhận bốn người con trai, sáu người con gái, hai trượng hai thất vải gấm mà Đại phu Nan Thăng Mễ, Đô Thị Ngưu Lợi của các ngươi đến dâng. Các ngươi ở nơi xa xôi mà vẫn sai sứ dâng cống, đấy là lòng trung hiếu của các ngươi vậy. Ta rất cảm kích các ngươi. Nay cho các người làm nữ vương của nước Oa thân với nhà Ngụy, ban cho ấn vàng thao đỏ, đóng gói lại giao cho Đái Phương Thái thú cấp cho các ngươi. Các ngươi phải vỗ về dòng giống, khuyên bảo hiếu thuận. Sứ giả các ngươi là Nan Thăng Mễ, Ngưu Lợi vượt đường xa, đi lại vất vả, nay lấy Nan Thăng Mễ làm Suất thiện Trung lang tướng, Ngưu Lợi làm Suất thiện Hiệu úy, ban cho ấn bạc thao xanh, đem đồ ban tặng quay về. Nay lấy năm thất gấm giao long giáng địa,


Thần là Tùng Chi cho rằng: 'Địa' phải là 'đề', vua Văn Đế của nhà Hán mặc áo đen gọi là 'dặc đề' vậy. Chữ này này không theo quy tắc, nếu không phải là cái sai của nhà Ngụy thì cũng là người viết chữ nhầm lẫn vậy.


mười tấm len giáng địa trứu túc, năm thất vải đỏ, năm thất xanh sẫm để báo đáp vật mà các ngươi cống. Lại ban riêng ba thất cám địa, năm tấm len ban hoa, năm mươi thất lụa trắng, tám lạng vàng, hai cái đao dài năm thước, trăm tấm gương đồng, năm mươi cân ngọc trai, quặng chì, đều bọc lại giao cho Nan Thăng Mễ, Ngưu Lợi đem về dùng. Phải đem hết ra cho người trong nước các ngươi được biết, tỏ rõ ý nhà nước thương các ngươi. Do đó coi trọng ban vật tốt cho các ngươi vậy".


Năm Chính Thủy thứ nhất, Thái thú Cung Tuân sai bọn Kiến trung Hiệu úy Thê Tuấn mang chiếu thư ấn thao đến nước Oa, bái gặp vua của nước Oa, lại hạ chiếu ban cho vàng, lụa, gấm len, đao, gương, lá rau, vua của nước Oa nhân đó sai sứ dâng biểu báo đáp tạ ân. Năm thứ tư, vua Oa lại sai tám người bọn Đại phu Y Thanh Kì, Dịch Tà Cẩu dâng tặng người sống, gấm Oa, vải mịn xanh, áo gấm, gỗ đỏ, con phụ, cung tên ngắn. Bọn Dịch Tà Cẩu đều nhận ấn thao Suất thiện Trung lang tướng. Năm thứ sáu, hạ chiếu ban khăn vàng cho bọn Nan Thăng Mễ của nước Oa, giao cho châu quận cung cấp. Năm thứ tám, Thái thú Vương Kì đến làm quan. Nữ vương của nước Oa là Tì Di Hô vốn không hòa thuận với vua nam của nước Cẩu Nô là Tì Di Cung Hô, sai bọn Oa Đái Tư, Ô Việt đến châu quận nói rõ tình trạng đánh phá lẫn nhau của nước mình. Sai bọn Tái tào Duyện lại Trương Chính nhân đó đem chiếu thư, cờ vàng đến, sai bảo Nan Thăng Mễ làm hịch cáo dụ chúng. Tì Di Hô đã chết, làm mộ lớn, rộng hơn trăm bước, hơn một trăm nô tì bị táng theo. Lại lập đàn ông làm vua, người trong nước không chịu, bèn đánh giết nhau, bấy giờ giết hơn nghìn người. Lại lập người con gái trong họ của Tì Di Hô là Nhất Dư làm vua, trong nước mới yên. Bọn Chính đem thư hịch dụ Nhất Dư, Nhất Dư sai hai mươi người bọn Đại phu Suất thiện Trung lang tướng Dịch Tà Cẩu hộ tống bọn Chính quay về, nhân đó lên bờ, dâng ba mươi người trai gái, cống năm nghìn viên ngọc trai trắng, hai tấm ngọc xâu lỗ màu xanh, hai mươi tư thất gấm sọc vằn.


Bình rằng: Sử kí, Hán thư chép về Triều Tiên, hai nước Việt, Đông kinh ghi chép về Tây Khương. Thời nhà Ngụy, người Hung Nô đã suy, lại có Ô Hoàn, Tiên Ti và cả Đông Di sai sứ qua lại, cho nên ghi chép các việc, đấy là việc thường vậy!


Ngụy lược - Tây Nhung truyện chép: Người Đê có vua đã từ lâu rồi. Từ thời nhà Hán mở Ích Châu, đặt quận Vũ Đô, xếp dân ấy ở đấy, chia ra ở giữa hang núi, hoặc tại huyện Phúc Lộc, hoặc tại vùng sông Khiên, hoặc tại hai bên tả hữu núi Lũng. Dân ấy không chỉ có một chủng, tự xưng là dòng dõi của Bàn Hồ(8), hoặc gọi là Thanh Đê, hoặc gọi là Bạch Đê, hoặc gọi là Nhiêm Đê, đấy đại khái là dân rợ đến ở tại Trung Quốc, người ta liền dựa theo màu áo mà đặt tên vậy. Dân ấy tự gọi nhau là Hạp Trĩ, đều có Vương, Hầu, phần nhiều chịu Trung Quốc phong bái. Gần đây vào giữa năm Kiến An, vua người Đê ở huyện Hưng Quốc là A Quý, vua Đê ở huyện Bạch Hạng là Thiên Vạn đều có hơn vạn bộ lạc. Đến năm thứ mười sáu, theo Mã Siêu phản. Sau khi Siêu bị phá, A Quý bị Hạ Hầu Uyên đánh diệt, Thiên Vạn sang phía tây nam vào đất Thục, bộ lạc của hắn không chịu đi, đều hàng. Nhà nướcchia dời họ trước sau ở hai đầu, cho ở tại quận Phù Phong, huyện Mĩ Dương, là hai bộ mà An Di, Phủ Di hộ quân trông coi vậy. 


Quan Thái thú lại chia ra ở tại quận Thiên Thủy, quận Nam An, là Quảng Ngụy Thái thú ngày nay vậy. Phong tục tiếng nói không giống với người Trung Quốc, giống với người Khương và người Hồ, đều tự có họ như họ của người Trung Quốc. Quần áo ưa màu xanh sẫm. Tục biết dệt vải, giỏi làm ruộng, chăn nuôi heo. trâu, ngựa, lừa, la. Đàn bà lấy chồng mặc vạt áo lộ, cách trang sức thì giống người Khương, vạt áo để lộ lại giống áo choàng của người Trung Quốc. Dân này kết tóc. Nhiều người biết tiếng Trung Quốc vì ở lẫn với người Trung Quốc vậy, lúc về giữa bộ lạc thì tự nói tiếng Đê. Phép cưới hỏi có giống với người Khương, có lẽ là dân Tây Nhung tại đất Nhai, Kí, Hoàn thời xưa vậy. Nay dẫu thuống thuộc vào châu quận nhưng dân ấy tự có Vương, Hầu ở tại trong bộ lạc. Lại nữa đất quận Vũ Đô hai bên tả hữu đường lối bằng phẳng, cũng có hơn vạn bộ lạc. Người Ti Lô gốc là người Hung Nô, người Hung Nô gọi nô tì là 'ti'. 


Lúc trước vào năm Kiến Vũ, người Hung Nô suy yếu, phân chia nô tì của mình, trốn náu tại quận Kim Thành, quận Vũ Uy, vùng sông Hắc ở phía bắc quận Tửu Tuyền, phía đông tây miền Tây Hà, chăn nuôi heo ở bãi cỏ ven sông, thường cướp bóc miền Lương Châu, do đó bộ lạc càng đông, có đến mấy vạn, không giống với người Tiên Ti ở phía đông vậy. Dân này không chỉ có một chủng, có người Đại Hồ, có người Đinh Linh, cũng có dân ở lẫn với người Khương, vốn là nô tì trốn tránh vậy. Vào giữa thời Hán, Ngụy, cừ súy của họ có Đàn Chá, sau khi chết thì cừ súy trong bộ ở tại phía nam gần quận Quảng Ngụy, huyện Linh Cư có Thốc Khôi Lai nhiều lần làm phản, bị người miền Lương Châu giết. Nay có Thiệu Đề khi hàng lúc phản, hoặc bỏ trốn, thường gây hại trên đường ở miền tây. Giữa núi phía nam vùng Tây Vực, quận Đôn Hoàng, từ nước Nhi Khương về phía tây đến đỉnh Thông Lĩnh mấy nghìn dặm có chủng khác ở nước Nguyệt Chi là người Thông Sài Khương, Bạch Mã Khương, Hoàng Ngưu Khương, đều có tù trưởng, phía bắc tiếp với các nước, không biết đường lối rộng hẹp ra sao. Nghe nói người Hoàng Ngưu Khương lại có nhánh chủng, đàn bà mang thai sáu tháng thì sinh, phía nam kề với người Bạch Mã Khương. Các nước Tây Vực, dầu thời nhà Hán mở đường đến đấy, có ba mươi sáu nước, sau đó chia thành hơn năm mươi nước. Từ năm Kiến Vũ về sau lại đánh chiếm lẫn nhau, đến nay có hai mươi nước. 


Từ cửa Ngọc Môn quận Đôn Hoàng vào miền Tây Vực, xưa có hai con đường, nay có ba con đường. Từ phía tây cửa Ngọc Môn mà ra, qua nước Nhi Khương mà sang phía tây, qua đỉnh Thông Lĩnh, vượt núi Huyền Độ, vào nước Đại Nguyệt Chi, là con đường phía nam. Từ phía tây cửa Ngọc Môn mà ra, phát từ giếng Đô Hộ, vòng qua đầu bắc bãi Tam Lũng, qua kho Cư Lô, từ giếng Sa Tây sang phía đông bắc, qua gò Long Đôi đến nước Lâu Lan cũ, chuyển sang phía tây đến nước Quy Từ mà đến đỉnh Thông Lĩnh, là con đường giữa. Từ phía tây bắc cửa Ngọc Môn mà ra, qua hang Hành Khanh, tránh bãi Tam Lũng và gò Long Đôi, từ phía bắc đường Ngũ Thuyền mà đi, đến sở trị của Thành kỉ Hiệu úy ở nước Xa Sư là huyện Cao Xương, lại chuyển về phía tây đi con đường giữa mà đến nước Quy Từ, là con đường mới mở. Những vật xuất từ miền Tây Vực thì sử cũ đã có chép đủ rõ, cho nên nay chỉ chép qua. Từ con đường phía nam đi về phía tây, có nước Thư Chí, Tiểu Uyển, Tinh Tuyệt, Lâu Lan đều thuộc vào nước Thiện Thiện vậy. Nước Nhung Lô, nước Hãn Di, nước Cừ Lặc, nước Huyệt Sơn, nước Bì Sơn đều thuộc vào nước Trí. 


Nước Kế Tân, nước Đại Hạ, nước Cao Phụ, nước Thiên Trúc đều thuộc vào nước Đại Nguyệt Chi. Nước Lâm Nghê, theo kinh Phù Đồ chép rằng vua của nước ấy sinh Phù Đồ. Phù Đồ là Thái tử vậy. Cha là Tiết Đầu Tà, mẹ là Mạc Da. Phù Đồ mặc áo màu vàng, tóc xanh như tơ xanh, vú có lông xanh, môi đỏ như đồng. Lúc đầu Mạc Da nằm mơ gặp con voi trắng mà có thai, lúc sinh, từ nách trái mẹ mà chui ra, sinh ra đã kết tóc, xuống đất đã biết đi bảy bước. Nước ấy tại giữa thành Thiên Trúc. Trong thành Thiên Trúc lại có người thần, tên là Sa Luật. Ngày xưa vào năm Nguyên Thọ thứ nhất thời Hán Ai Đế, Bác sĩ Đệ tử Cảnh Lô tiếp nhận kinh Phù Đồ từ lời truyền miệng của sứ giả nước Nguyệt Chi là Y Tồn, nói: "Người truyền được đạo này là người này vậy". 


Kinh Phù Đồ chép có chép về Bồ tắc, Tang môn, Bá văn, Sơ vấn, Bạch sơ vấn, Tì khưu, Thần môn, đều là hiệu của học trò vậy. Kinh Phù Đồ cũng chép là kinh này đem ra vào cùng với kinh Lão Tử của Trung Quốc, có lẽ cho rằng Lão Tử đi về phía tây ra khỏi cửa ải, qua nước Thiên Trúc của miền Tây Vực mà dạy người Hồ. Phù Đồ đặt hiệu riêng cho học trò, cả thảy có hai mươi tám người, ở đây không thể chép rõ, cho nên nói qua như thế. Nước Xa Li còn có tên là Lễ Duy Đặc, còn có tên là Bái Lệ Vương, tại phía đông nam nước Thiên Trúc hơn ba nghìn dặm, đất này nóng nực ẩm ướt, vua nước này trị ở thành Sa Kì, có mấy chục thành khác, người dân yếu đuối, bị người Nguyệt Chi, Thiên Trúc đánh phục. Đất ấy đông tây nam bắc rộng mấy nghìn dặm, người dân trai gái đều cao một trượng hoặc tám thước, cưỡi voi, đứng trong bao che để đánh, ngày nay bị người Nguyệt Chi bắt nạp thuế lao dịch. Nước Bàn Việt còn có tên là Hán Việt Vương, tại phía đông nam nước Thiên Trúc mấy nghìn dặm, gần nhau với miền Ích Châu, người nước này nhỏ ngang với người Trung Quốc, nhà buôn đất Thục thường đến đấy. 


Từ con đường phía nam mà sang phương tây, về phía đông nam thì đó tận cùng rồi. Từ con đường giữa đi về phía tây, có nước Úy Lê, nước Nguy Tu, nước Sơn Vương, đều thuộc vào nước Yên Kì; nước Cô Mặc, nước Ôn Túc, nước Úy Đầu đều thuộc vào nước Quy Từ; nước Trinh Trung, nước Sa Xa, nước Kiệt Thạch, nước Cừ Sa, nước Tây Dạ, nước Y Nại, nước Mãn Lê, nước Ức Khổ, nước Du Linh, nước Tổn Độc, nước Hưu Tu, nước Cầm đều thuộc vào nước Sơ Lặc. Từ đấy về phía tây, có nước Đại Uyển, nước An Tức, nước Điều Chi, nước Ô Dặc. Nước Ô Dặc còn có tên là nước Bài Đặc, đấy là nước thứ tư ở phía tây, có nước này không thêm bớt gì cả. Người đời trước lầm lẫn cho rằng nước Điều Chi tại phía tây nước Đại Tần, nay xét rõ thật là tại phía đông. Người đời trước lại nhầm lẫn cho rằng nước Điều Chi bị nước An Tức bức ép, ngày nay lại bắt nước An Tức thần phục, hiệu là 'cõi tây An Tức'. Người đời trước lại nhầm lẫn cho rằng sông Nhược tại phía tây nước Điều Chi, nay xét rõ sông Nhược tại phía tây nước Đại Tần. Người đời trước lại nhầm lẫn cho rằng từ nước Điều Chi đi về phía tây hơn hai mươi ngày thì đến chỗ mà Mặt trời lặn, nay xét lại cho rằng phía tây nước Đại Tần mới là chỗ mà Mặt trời lặn. 


Nước Đại Tần còn gọi là Lê Gian, tại phía tây biển lớn ở phía tây nước An Tức, Điều Chi, từ thành An Cốc của nước An Tức đi thuyền thì thẳng đến nước Hải Tây, nếu gặp gió thuận thì hai tháng sẽ đến, nếu gặp gió ngược thì một năm, nếu không có gió thì mất ba năm. Nước ấy tại phía tây biển cho nên gọi là nước Hải Tây vậy. Có sông chảy từ nước ấy, phía tây nước ấy lại có biển lớn. Nước Hải Tây có thành Trì Tán, từ miền nam nước ấy đi thẳng lên phía bắc thì đến thành Ô Đan, về phía tây nam lại vượt một con sông, cưỡi thuyền một ngày mới qua được. Về phía tây nam lại vượt một con sông nữa, cũng một ngày mới qua được. Cả thảy có ba kinh đô lớn, tức từ thành An Cốc đi bộ lên phía bắc đến phía bắc nước, lại đi thẳng về phía tây đến phía tây nước, lại đi thẳng về phía nam đến thành Ô Trì Tán, qua một con sông, cưỡi thuyền một ngày mới qua được.


 Đi vòng quanh biển, cả thảy sáu ngày mới qua được biển lớn mới đến được nước ấy. Nước ấy có cả thảy hơn bốn trăm thành ấp nhỏ, đông tây nam bắc rộng mấy nghìn dặm. Vua của nước ấy trị ở gần vùng bờ sông bờ biển, lấy đá làm thành quách. Đất đai mọc tùng, bách, hòe, tể, tre, cỏ lau, dương liễu, ngô đồng, nhiều loài cỏ. Dân làm ruộng trồng ngũ cốc, chăn nuôi có ngựa, la, lừa, lạc đà, tằm dâu. Tục người nước này ưa huyền ảo, trong miệng thổ ra lửa, tự trói rồi tự cởi, nhảy lộn mười hai vòng rất khéo léo. Nước này không có vua thường lập, nếu trong nước có tai họa thì liền lập người hiền khác lên làm vua mà bãi bỏ vua cũ, vua cũ cũng không dám oán. Người nước này cao lớn thẳng thắn như người Trung Quốc nhưng lại mặc áo Hồ. Tự nói là vốn là một chủng khác của người Trung Quốc, thường muốn sai sứ qua lại với Trung Quốc, nhưng bị người nước An Tức mưu thu lợi cho nên không qua được. Người nước này biết chữ Hồ. Theo phép chế, cung thất công tư đều làm nhà nhiều tầng, dựng cờ gõ trống, ngồi xe nhỏ treo lọng trắng, có đặt trạm dịch như Trung Quốc. Từ nước An Tức qua biển lớn lên phía bắc thì đến nước ấy, người dân tụ cư, cứ mười dặm lại có một ngôi đình, ba mươi dặm lại có một tòa trạm, do đó chẳng có giặc cướp, chỉ có hổ dữ, sư tử gây hại, nếu đi đường mà không hợp thành nhóm thì không được qua. Nước ấy đặt mấy chục vua nhỏ, những vua nhỏ này trị ở tòa thành rộng mấy trăm dặm, có cung thất văn thư. Vua này có năm cung, mỗi cung cách nhau mười dặm, vua này mỗi sớm thì đến một cung để nghe tấu việc, đến chiều tối lại nghỉ, hôm sau lại đến một cung khác, cứ năm ngày là xong một vòng. 


Đặt ba mươi sáu viên tướng; hễ bàn việc, dẫu có một viên tướng không đến thì cũng không bàn việc. Vua đi ra thường sai người đi theo cầm một cái túi da, có người tấu việc thì chép lời mà bỏ vào túi, về cung lại mở ra xem xét. Lấy thủy tinh làm cột cung và các vật. Làm cung tên. Có nhiều nước nhỏ khác, gọi là nước Trạch Tán, nước Lư Phân, nước Thư Lan, nước Hiền Đốc, nước Dĩ Phục, nước Vu La, các nước nhỏ còn lại rất nhiều, không thể chép rõ hết được. Nước này xuất vải mịn. Làm tiền vàng bạc, mỗi đồng tiền vàng ngang mười đồng tiền bạc. Có dệt thành vải mịn, nói là dùng lông của dê, gọi là vải Hải Tây. Lục súc của nước này đều xuất lông, có người nói là không chỉ dùng lông dê mà thôi, cũng dùng vỏ cây hoặc sợ kén tằm mà làm, dệt thành đồ thảm lông, chiếu lông, màn len đều bền, màu sắc lại sáng hơn đồ mà các nước phía đông biển làm. Lại thường mua tơ lụa của Trung Quốc, xẻ ra mà làm lụa Hồ, cho nên thường mua bán với các nước An Tức ở trên biển. Nước biển mặn không uống được, cho nên người qua lại ít đến nước này. Trong núi xuất đá ngọc có chín màu, một là màu xanh, hai là màu đỏ, ba mà màu vàng, bốn là màu trắng, năm là màu đen, sáu là màu lục, bảy là màu tía, tám là màu hồng, chín là màu sẫm. 


Ngày nay trong núi Y Ngô có đá chín màu, tức loại đá ấy. Vào năm Dương Gia thứ ba, vua của nước Sơ Cần là Thần Bàn dâng một hòn đá xanh, một dải vàng Hải Tây. Ngày nay lại có sách Tây Vực cựu đồ chép: Các nước Kế Tân, Điều Chi xuất đá lạ, là một loại đá ngọc vậy. Nước Đại Tần có nhiều vàng, bạc, đồng, sắt, chì, thiếc, rùa thần, ngựa trắng, lông đỏ, hãi kê tê, đồi mồi, gấu đen, con li đỏ, chuột trị độc, sò lớn, xà cừ, mã não, vàng ròng, thúy tước, cuống lông chim, ngà voi, ngọc khắc phù, ngọc trai sáng, ngọc trai sáng vào đêm, ngọc trai trắng, hổ phách, san hô, ngọc lưu li có mười màu đỏ, trắng, lục, vàng, xanh, sẫm, hồng, tía, ngọc cầu lâm, lang can, thủy tinh, mai côi, hùng hoàng, thư hoàng, ngọc bích, ngọc năm màu, thảm lông mười màu vàng, trắng đen, lục, tía, hồng, sẫm, biếc, bac, vàng sánh, chiếu lông năm màu, chiếu lông có năm màu chín màu trên dưới, gấm thêu vàng, lụa màu tạp, vải dát vàng, vải Phi Trì, vải Phát Lục, vải Phi Trì Cừ, vải chống lửa, vải A La Đắc, vải Ba Tắc, vải Độ Đại, vải Ôn Túc, vải đào năm màu, màn thêu vàng giáng địa, màn đầu năm màu, nhất vi mộc, nhị tô hợp, địch đề, mê mê, đâu nạp, bạch phụ tử, huân lục, vàng sẫm, vân giao, mười hai loại gỗ cây cỏ thơm. Đường vào nước Đại Tần đã từ phía bắc biển đi bộ đã thông, lại men theo biển mà xuống phía nam mà trao đổi với các nước rợ ở ngoài bảy quận Giao Chỉ, lại có đường sông thông với quận Ích Châu, quạn Vĩnh Xương, cho nên quận Vĩnh Xương xuất vật lạ. Người thời trước nói là chỉ có đường thủy mà không có đường bộ. Nay biết qua như thế, còn số hộ dân không thể biết rõ vậy. Từ đỉnh Thông Lĩnh về phía, nước Đại Tần là lớn nhất, đặt các nước nhỏ có vua rất nhiều, cho nên chỉ chép những nước lớn phụ thuộc vào nước ấy mà thôi. 


Nước Trạch Tán thuộc nước Đại Tần, trị ở vùng giữa cõi, phía nắc đến nước Lư Phân, đi đường thủy nửa năm, nếu gặp gió mạnh thì một tháng sẽ đến, là nước gần nhất với thành An Cốc của nước An Tức, về phía tây nam đến kinh đô của nước Đại Tần, không biết mấy dặm. Nước Lư Phân thuộc nước Đại Tần, sở trị cách kinh đô của nước Đại Tần hai nghìn dặm. Từ phía tây thành của nước Lư Phân đến nước Đại Tần phải vượt biển băng qua hai trăm ba mươi dặm, đi đường biển về phía tây nam, rồi qua biển đi thẳng về phía tây. Nước Thư Lan thuộc nước Đại Tần, từ nước Tư Đào thẳng về phía nam vượt sông, lại đi thẳng về phía tây mà đến nước Thư Lan chỉ ba nghìn dặm. Đi đường từ phía nam sông, rồi đi về phía tây, từ nước Thư Lan đi thẳng về phía tây đến nhước Dĩ Phục chỉ sáu trăm dặm. Con đường phía nam đến ở nước Dĩ Phục, lại đi về phía tây nam đến nước Hiền Đốc. Từ nước Thư Lan, Dĩ Phục đi thẳng về phía nam lại có một bãi đá, phía nam bãi đá có biển lớn, xuất san hô, ngọc trai. Ở phía nam nước Thư Lan, Dĩ Phục, Tư Tân A Man có một dãi núi, trải từ đông sang tây. Ở phía đông của nước Đại Tần, Hải Tây đều có một dãy nũi, đều trải từ nam sang bắc. Nước Hiền Đốc thuộc nước Đại Tần, trị tại phía đông bắc cách nước Dĩ Phục sáu trăm dặm. Nước Dĩ Phục thuộc nước Đại Tần, trị ơ phía đông bắc cách nước Vu La ba trăm bốn mươi dặm vượt biển. Nước Vu La thuộc nước Đại Tần, trị tại phía đông bắc nước Dĩ Phục, vượt sông, từ phía đông bắc nước Vu La lại vượt sông, đến phía đông bắc nước Tư La lại vượt sông. 


Nước Tư La thuộc nước An Tức, tiếp với nước Đại Tần vậy. Phía tây nước Đại Tần có sông Hải, phía tây sông Hải có sông Hà, từ phía tây nam sông Hà đi về phía bắc có một trái núi lớn, phía tây núi có sông Xích, phía tây sông Xích có núi Bạch Vương, núi Bạch Vương có gò Tây Vương Mẫu, phía tây gò Tây Vương Mẫu có bãi Tu Lưu, phía tây bãi Tu Lưu có nước Đại Hạ, nước Kiên Sa, nước Chúc Dao, nước Nguyệt Chi, phía tây bốn nước này có sông Hắc, người ta nói rằng đấy là chỗ tận cùng của miền tây rồi. Từ con đường mới đi về phía tây, đến nước Đông Thư Di, nước Tây Thư Di, nước Đan Hoàn, nước Tất Lục, nước Bồ Lục, nước Ô Tham, đều thuộc vào các nước phía sau của nước Xa Sư. Vua trị ở thành Lại. Nhà Ngụy bái vua nước ấy là Nhất Đa Tạp làm Thủ Ngụy Thị trung, hiệu là Đại đô úy, nhận ấn Ngụy Vương. Sang phía tây bắc thì đến nước Ô Tôn, Khang Cư, nước này chẳng thêm bớt. Nước Bắc Ô Y Biệt tại phía bắc nước Khang Cư; lại có nước Liễu; lại có nước Nham; lại có nước Yểm Sái, một tên nữa là nước A Lan, đều giống phong tục với nước Khang Cư, phía tây tiếp với miền đông nam nước Đại Tần, tiếp với nước Khang Cư. Nước này nhiều chồn đẹp, chăn nuôi thả nơi bãi cỏ ven sông, gần đầm lớn, lúc trước thuộc vào nước Khang Cư, ngày nay không thuộc vào. 


Nước Hô Đắc tại phía bắc đỉnh Thông Lĩnh, ở phía bắc nước Ô Tôn, phía đông bắc nước Khang Cư, có hơn vạn quân khỏe, đi chăn thả, xuất ngựa tốt, có chồn. Nước Kiên Côn tại phía tây bắc nước Khang Cư, có ba vạn quân khỏe, đi chăn thả, cũng có nhiều chồn, có ngựa tốt. Nước Đinh Linh tại phía bắc nước Khang Cư, có sáu vạn quân khỏe, đi chăn thả, xuất da chuột tốt, da chột đồng trắng, da chột đồng xanh. Đấy là ba nước lớn, nước Kiên Côn ở giữa, đều cách sông Tập bên triều đình Thiền vua của người Hung Nô bảy nghìn dặm, phía nam cách nước Xa Sư năm nghìn dặm, phía tây nam cách nước Khang Cư ba nghìn dặm, phía tây cách sở trị của vua nước Khang Cư tám nghìn dặm.


Có người cho rằng nước Đinh Linh ấy là nước Đinh Linh phía bắc đất Hung Nô, nhưng nước Đinh Linh bắc tại phía tây nước Ô Tôn có lẽ là chủng khác của họ vậy. Lại phía bắc đất Hung Nô có nước Hồn Dũ, có nước Khuất Xạ, có nước Đinh Linh, có nước Cách Côn, có nước Tân Lê, như thế rõ ràng phía nam của miền bắc tự có nước Đinh Linh, không chỉ phía tây nước Ô Tôn mới có nước Đinh Linh vậy. Người già cả của nước Ô Tôn nói rằng nước Đinh Linh phía bắc có nước Mã Hĩnh, tiếng nói của người nước này như tiếng chim nhạn, từ đầu gối trở lên thân đầu thì giống người, từ đầu gối trở xuống thì mộc lông như vó ngựa chân ngựa, không cưỡi ngựa nhưng chạy nhanh như ngựa, người nước này khỏe mạnh đánh trận giỏi. Nước Đoản Nhân tại phía tây bắc nước Khang Cư, trai gái đều cao chỉ ba thước, dân chúng rất đông, cách các nước Yểm Sái rất xa. Bậc già cả của nước Khang Cư nói rằng thường có nhà buôn đến nước ấy, cách nước Khang Cư khoảng hơn vạn dặm. Ngư Hoạn luận rằng: "Người đời cho rằng cá ở ao nhà không biết đến cái rộng lớn của sông biển, vật trôi nổi chẳng biết khí hậu của bốn mùa, là sao thế? Chỉ vì chỗ mà các vật ấy sinh sống nhỏ hẹp vậy. 


Ngày nay ta xem qua các nước Đại Tần là những nước rợ ở ngoài mà vẫn còn rộng lớn bao trùm như thế, huống chi là cái mà Trâu Diễn suy đoán, điều mà kinh Dịch, kinh Thái huyền đo lường đây! Đấy là ép mình tại vũng nước của vết chân trâu, lại chẳng có cái tuổi thọ của Bành Tổ cho nên không mượn được gió lành để thổi đi chơi, không ngồi được ngựa tốt để ruổi đi xem, chỉ là liếc nhìn tam thần(9) mà suy đoán về tám cõi vậy".

 

Chú thích

(1) Thần Vương: tức của vua của các nước Hàn. Bấy giờ có ba nhóm lớn là Thần Hàn, Mã Hàn, Biện Hàn, nhóm Thần Hàn là lớn hơn cả, thủ lĩnh của Thần Hàn làm vua lớn.

(2) Trần, Hạng: chỉ Trần Thắng, Hạng Vũ cuối thời Tần.

(3) Hoàn, Linh: chỉ Hoàn Đế, Linh Đế của nhà Hán.

(4) Phù Đồ: tức Phật Đà, phiên âm của từ 'Buddha' trong tiếng Phạn cổ, nghĩa là 'đấng giác ngộ'.

(5) Quận huyện: chỉ quận Lạc Lãng, Đái Phương, tiếp với các nước Hàn.

(6) Con của vua Thiếu Khang nhà Hạ Hậu: theo sách Ngô Việt xuân thu của Triệu Diệp thời Đông Hán chép: vua Thiếu Khang phong cho con thứ là Ư Việt, hiệu là Vô Dư ở núi Cối Kê để trông coi việc cúng tế vua Vũ.

(7) Giao long: chỉ cá sấu và các con cá to ở sông nước.

(8) Bàn Hồ: Bàn Hồ, theo Hậu Hán thư - Nam Man liệt truyện chép rằng: Vào thời Cao Tân thị (vua Khốc) có giặc Khuyển Nhung gây hại, đánh dẹp không được, bèn mời gọi thiên hạ, nếu ai chém được đầu giặc thì ban cho nghìn vàng, thực ấp vạn hộ, lại gả con gái út cho. Bấy giờ có một con chó nuôi lông năm màu tên là Bàn Hồ ngậm đầu giặc đem về dưới cửa khuyết, vua cả mừng, bèn phong thưởng, gả con gái như đã hứa. Bàn Hồ cõng con gái của vua vào núi Nam Sơn, dừng lại ở trong hang đá, là nơi hiểm vắng, dấu chân người không đến được, về sau sinh mười hai người con, sáu trai, sáu gái, tự lấy nhau, trở thành tổ tiên của người Man Di phía nam. Do đó nhiều bộ lạc miền núi Ngũ Khê, Ích Châu xem Bàn Hồ là tổ tiên vậy.

(9) Tam thần: chỉ Mặt trời, Mặt trăng và sao, thiên văn nói chung.

HẾT

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét