TRUYỆN VỀ CÁC DÂN TỘC SÔNG PHÍA ĐÔNG
Kinh Thư chép:
"Phía đông tới bờ biển, phía tây đến tại Lưu Sa"(1). Theo phép phân
chia chín cõi thì có thể biết mà chép vậy. Nhưng ở ngoài miền nơi xa lánh, phải
trải dài mà đến, không có vết chân xe đến được, chưa có ai biết được phong tục
của các nước lạ. Từ thời nhà Ngu đến thời nhà Chu, người Tây Nhung đến dâng ngọc
trắng, người Đông Di có nước Túc Thận đến cống, đều cách nhiều đời mới đến,
cũng vì xa xôi nên như thế. Đến lúc nhà Hán sai Trương Khiên đi sứ Tây Vực, đến
cùng nguồn của sông Hoàng Hà, đi qua các nước, bèn đặt chức Đô hộ để trông coi
xứ ấy, sau đó những việc về Tây Vực đều còn, cho nên quan chép sửđã chép rõđược
vậy. Nhà Ngụy nổi dậy, người Tây Vực dẫu không đến cả nhưng các nước lớn như
Quy Từ, Vu Trí, Khang Cư, Ô Tôn, Sơ Cần, Nguyệt Chi, Thiện Thiện, Xa Sư không
năm nào không đến chầu cống, đại khái cũng như việc cũ thời nhà Hán. Lại còn
Công Tôn Uyên cậy vào ba đời tổ tiên chiếm lấy miền Liêu Đông, Thiên tử cho là
hắn ngăn bờ cõi, bèn giao cho các việc giao tiếp với các nước ở ngoài biển, do
dó ngăn cách Đông Di, không qua lại được với Hoa Hạ. Giữa năm Cảnh Sơ, đại phá
quân sĩ, đánh Uyên, lại ngầm đem quân vượt biển, thu lấy các quận Lạc Lãng, Đái
Phương, từ đó miền ngoài biển yên ổn, người Đông Di chịu phục. Sau đó nước Cao
Câu Li phản bội, lại sai quân mạnh đến đánh, đuổi đến chốn cùng, qua các xứ Ô
Hoàn, Hoàn Đô, qua nước Ốc Trở, giẫm vào đình của nước Túc Thận, phía đông đến
biển lớn. Người già nói rằng có người mặt lạ ở gần chỗ mà Mặt trời mọc, rồi đi
xung quanh các nước, chọn chép phong tục của các nước, lớn nhỏ khác biệt, đều
có tiên gọi, có thể chép rõ. Dẫu là nước Di Địch nhưng vẫn biết giữ gìn lễ nghi
cúng tế. Một khi Trung Quốc bỏ lễ nghi thì tìm ở 'tứ di', cũng đúng. Cho nên
chép các nước theo thứ tự, nêu rõ giống khác để bù điều mà sử sách ngày trước
chưa chép.
Bản đồ Phù Dư (thế kỷ thứ 3) |
Nước Phù Dư tại phía bắc trường thành, cách quận Huyền Thố nghìn dặm, phía nam tiếp với nước Cao Câu Li, phía đông tiếp với nước Ấp Lâu, phía tây tiếp đất Tiên Ti, phía bắc có sông Nhược, đất rộng khoảng hai nghìn dặm. Có tám vạn hộ, dân tụ thành thôn ấp, có cung thất, kho tàng, nhà ngục. Nhiều gò núi, đầm rộng, là đất bằng phẳng nhất so với các nước Đông Di khác. Đất đai hợp với ngũ cốc(2), không mọc ngũ quả(3). Người nước này to khỏe, tính cứng cỏi nồng hậu, không ưa cướp bóc. Nước này có vua, đều đặt tên quan lại theo tên lục súc(4), có quan Mã gia, Ngưu gia, Trư gia, Cẩu gia, Đại sứ, Đại sứ giả, Sứ giả. Thôn ấp có người giàu, các nhà dưới quyền đều là nô bộc. Các quan lại chia ra làm chủ các miền, quan lớn thì làm chủ nghìn nhà, quan nhỏ thì làm chủ mấy trăm nhà. Ăn uống đều dùng mâm chén, những lúc hội họp, phong tước, nhận tước, đều nhường nhau lên xuống. Hẹn vào tháng giêng thì tế trời, người trong nước tụ hội, suốt ngày ăn uống múa hát, đặt tên là 'nghênh cổ', do đó phá nhà giam, cởi trói tù ngục. Ở nước này người ta ưa mặc áo màu trắng, vải trắng làm tay áo lớn, áo choàng, quần khố, đi dày da. Ra khỏi nước thì ưa mặc gấm lụa len dạ, quan lớn thì mặc áo lông cáo, lông khỉ đen, chồn đen, lấy vàng bạc gắn lên mũ,. Người phiên dịch đều quỳ, tay dựa vào đấy mà nói. Dùng hình pháp nghiêm ngặt, kẻ nào giết người thì tội chết, thu người nhà làm nô tì. Nếu cướp trộm thì trộm một thì đền mười. Nếu trai gái gian dâm, đàn bà hay ghen thì đều bị giết. Rất ghét kẻ hay ghen tị, đã giết rồi còn ném lên núi phía nam của nước này mặc cho thối rữa. Muốn được lấy vợ thì chuyển trâu ngựa mà trao cho. Anh chết thì em lấy chị dâu, giống tục với người Hung Nô. Người nước này giỏi chăn nuôi, xuất ngựa tốt, ngọc đỏ, chồn khỉ, ngọc trai; ngọc trai to như quả táo chua. Lấy cung, tên, đao, mâu làm binh khí, nhà nhà đều có áo giáp. Người già của nước này tự nói rằng dân mình trốn tránh đến đây từ thời xưa. Đắp thành lũy đều hình tròn, có chỗ tựa như nhà ngục. Người đi đường ngày đêm không kể già trẻ đều hát, suốt ngày tiếng hát không dứt. Có việc quân thì cũng tế trời, giết trâu xem móng chân để đoán tốt xấu, móng chân nứt nẻ là xấu, móng chân lành lặn là tốt. Có giặc thì các 'gia'(5) cũng tự đánh trận, người các nhà đều mang đồ ăn uống mà cấp cho các 'gia'. Nếu chết thì vào các tháng mùa hạ dùng băng mà táng, giết người để táng theo, lớn thì mấy trăm người. Táng trọng hậu, có quách mà chẳng có quan.
Ngụy lược chép: Tục
nước này táng trong năm tháng, để lâu cho là vinh hạnh. Cúng tế người chết có
khi sơ sài có khi kĩ càng. Chủ tang không muốn nhanh mà người khác lại ép thì
thường tranh luận cho rằng đấy là giữ tiết tháo. Lúc để tang, trai gái đều mặc
áo trắng, đàn bà lấy áo vải che mặt, bỏ vòng đeo, đại khái cũng hơi giống người
Trung Quốc.
Nước Phù Dư vốn thuộc
quận Huyền Thố. Cuối thời Hán, Công Tôn Độ xưng hùng ở miền đông ven biển, lấn
phục người Di ngoài cõi, do đó vua Phù Dư là Úy Cừu Đài liền thần phục vào quận
Liêu Đông. Bấy giờ các nước Cao Câu Li, Tiên Ti lớn mạnh, Độ thấy nước Phù Dư ở
giữa hai nước giặc ấy, bèn đem con gái trong họ gả cho vua Phù Dư. Úy Cừu Đài
chết, Giản Vị Cư lập, không có con cả, có con vợ thứ là Ma Dư. Vị Cư chết, các
'gia' cùng lập Ma Dư. Con anh của quan 'Ngưu gia' mượn tiếng của Vị Cư mà tự
làm Đại sứ, khinh tiền của ưa bố thí, người trong nước đều dựa theo, hằng năm
sai sứ giả đến kinh đô(6) dâng cống. Giữa năm Chính Thủy, U Châu Thứ sử Quán
Khâu Kiệm đánh nước Cao Câu Li, sai Huyền Thố Thái thú Vương Kì đến nước Phù
Dư, Vị Cư sai các quan 'gia' ra ngoài thành đón, cấp cho lương quân. Ngưu gia
Quý Phủ có hai lòng, Vị Cư giết cha con Quý Phủ, thu hết tiền của, sai sứ nhặt
lấy đem vào sở quan. Theo tục của của nước Phù Dư, gặp lúc nước khô hạn thì
không thu thuế, nếu ngũ cốc không chín thì đều đổ lỗi cho vua, có kẻ nói là nên
đổi ngôi vua, có kẻ nói là nên giết vua. Ma Dư chết, con là Y Lự mới sáu tuổi,
được lập làm vua. Vào thời Hán, vua Phù Dư táng dùng rương ngọc, thường sắm sẵn
để ở quận Huyền Thố, lúc vua chết thì đón lấy mà táng. Công Tôn Uyên bị giết, ở
kho quận Huyền Thố còn có một cái rương ngọc. Ngày nay kho tàng của nước Phù Dư
có mấy tấm ngọc bích, ngọc khuê, ngọc toản, nhiều đời cho là vật báu, người già
cả nói là vật ban cho tổ tiên vậy.
Ngụy lược chép: Nước
này giàu có, từ đời trước đến nay chưa từng bị phá hoại.
Ấn của vua nước này
khắc chữ 'ấn của Uế Vương'. nước này có thành cũ là thành Uế, có lẽ vốn là đất
của rợ Uế Mạch, mà vua Phù Dư ở trong ấy, lại tự gọi là 'người Vong', hoặc là
giống thế.
Ngụy lược chép: Sách
cũ có chép rằng ngày xưa phương bắc có người nước Cao Li, người hầu gái của vua
nước ấy có thai, vua muốn giết đi, người hầu gái nói: "Có luồng khí như quả
trứng gà bay xuống, cho nên ta có thai". Sau đó sinh con, vu vứt con ở
trong chuồng heo, heo đến bú mớm cho, lại dời đến chuồng ngựa, ngựa lại thở hít
cho, không chết. Vua ngờ là con của trời, bèn sau mẹ thu lấy mà nuôi, đặt tên
là Đông Minh, thường sai chăn ngựa. Đông Minh giỏi bắn cung, vua sợ hắn đoạt lấy
nước mình, muốn giết đi. Đông Minh chạy về phía nam đến sông Thi Yểm, giương
cung bắn xuống nước, thế là cá rùa nổi lên làm thành cầu, Đông Minh vượt xong,
cá rùa lại giải tán, quân đuổi theo không qua được.
Đông Minh nhân đó làm
vua ở nước Phù Dư.
Trang bị của quân Cao Câu Ly. (Tranh qua Pinterest). |
Cao Câu Li tại phía đông quận Liêu Đông nghìn dặm, phía nam tiếp với nước Triều Tiên, Uế Mạch, phía đông tiếp với nước Ốc Trở, phía bắc tiếp với nước Phù Dư. Đóng đô ở dưới Hoàn Đô, đất vuông khoảng hai nghìn dặm; có ba vạn hộ. Nhiều đầm núi hang hốc lớn, không đủ làm đầy bụng miệng(7), do đó tục nước này tiết kiệm, ưa dựng cung thất, ở bên trái phải của nhà mình ở có dựng một ngôi miếu lớn để tế quỷ thần, lại tế sao linh, xã tắc(8). Người nước này hung hăng, giỏi cướp bóc. Nước này có vua, quan lại có 'Tương gia', 'Đối lô', 'Phái giả', 'Cổ sồ gia', 'Chủ bạ', 'Ưu đài thừa', 'Sứ giả', 'Tạo y tiên nhân', lớn nhỏ đều có cấp bậc. Người Đông Di lúc trước cho rằng họ là một chủng khác của người Phù Dư, các việc tiếng nói phần nhiều giống với người Phù Dư nhưng tính tình và áo quần có khác. Vốn có năm bộ, có bộ Quyên Nô, Tuyệt Nô, Thuận Nô, Quán Nô, Quế Lâu. Lúc đầu bộ Quyên Nô làm vua, sau đó suy yếu, ngày nay bộ Quế Nô nối lập. Thời Hán ban cho ca kĩ, trống sáo, thường đến quận Huyền Thố nhận khăn mũ quần áo của triều đình ban phát, sai vua Cao Câu Li làm chủ hộ tịch của mình. Sau lại kiêu ngạo, không còn đến quận, đắp tòa thành nhỏ ở phía đông, đặt khăn mũ quần áo của triều đình ở đấy, hằng năm thì đến lấy. Ngày nay người Hồ vẫn gọi thành ấy là 'Trách câu lâu'. Từ 'câu lâu' có nghĩa là 'tòa thành' trong tiếng Cao Câu Li vậy. Cách sắp đặt quan lại: có quan 'Đối lô' thì không đặt quan 'Phái giả', có quan 'Phái giả' thì không đặt quan 'Đối lô'. Họ hàng của vua, quan lớn thì đều gọi là 'Cổ sồ gia', cũng được dựng tông miếu, tế sao linh, xã tắc. Bộ Tuyệt Nô nhiều đời có hôn nhân với vua, cũng ban hiệu là 'Cổ sồ gia'. Các quan lớn cũng được đặt chức 'Sứ giả', 'Tạo y tiên nhân', phải đề tên lên cho vua xem. Còn như bầy tôi là khanh đại phu thì cùng ngồi nằm, cùng được cùng hàng với 'Sứ giả', 'Tạo y tiên nhân' của nhà vua.
Trong nước này, nhà quan lớn không làm ruộng, kẻ chỉ ngồi mà ăn có hơn vạn người, những nhà dưới phải gánh gạo, cá, muối từ xa đến cung cấp. Dân nước này ưa múa hát, trai gái các thôn ấp trong nước ngày đêm tụ nhóm, cùng nhau hát đùa. Không có kho tàng lớn, nhà nhà đều tự có kho nhỏ, gọi tên là 'phù kinh'. Người nước này sạch sẽ vui vẻ, ưa cất giấu rượu, quỳ bái chỉ bó một chân, khác với người Phù Dư, đi bộ mà như chạy. Đến tháng mười thì tế trời, người trong nước tụ hội, gọi là hội 'đông minh'. Lúc hội họp, đều tự mặc áo gắn vàng bạc gấm lụa. Quan lớn chủ tế đầu đội khăn, chỉ đội khăn mà không có gắn vật khác, quan nhỏ chủ tế thì đội khăn 'chiết phong'(9), hình như mũ 'biện'. Phía đông nước này có cái hố lớn, gọi là 'toại huyệt'(10). Tháng mười thì người trong nước tụ hội, đón thần chòi về phía đông của nước ấy mà tế, đặt chòi gỗ ở chỗ ghế thần. Không có nhà ngục, kẻ có tội thì các 'gia' bàn nghị, tội nặng thì giết, thu lấy vợ con làm nô tì. Tục nước này cưới hỏi, đã bàn bạc xong thì nhà gái làm một gian nhà nhỏ ở sau gian nhà lớn, gọi là 'nhà rể', chàng rể đến tối thì đến ngoài nhà gái, tự nói là đến đón dâu, xin được đem dâu về nhà, cứ như thế nói ba lần, cha mẹ nhà gái nghe theo mới đới đem dâu về trong gian nhà nhỏ, bên cạnh đặt tiền lụa, đến lúc sinh con đã lớn khôn mới đem vợ về nhà. Tục nước này say mê, trai gái đã thành vợ chồng rồi liền làm áo cho lúc mất. Táng hậu, dùng vàng bạc tiền của chôn hết theo người chết, chất đá làm nấm mộ, trồng tùng bách xung quanh. Ngựa của nước này đều nhỏ, nhưng leo núi nhanh. Người nước này có sức khỏe, luyện tập chiến đấu, nước Ốc Trở, Đông Uế đều thần phục. Lại có người 'tiểu thủy Mạch'. Vào lúc người Cao Câu Li dựng nước từng dựa vào đất của người 'tiểu thủy Mạch' mà ở; phía bắc huyện Tây An Bình có con sông nhỏ, chảy về phía nam đổ vào biển, một nhóm người khác của người Cao Câu Li dựa vào con sông ấy mà dựng nước, nhân đó đặt tên là 'tiểu thủy Mạch', xuất cung tốt, gọi là 'cung Mạch' vậy.
Vào đầu thời Vương
Mãng, điều quân của nước Cao Câu Li để đánh rợ Hồ, nhưng không muốn đi, ép bắt
họ đi, do đó đều trốn ra biên ải làm giặc cướp. Liêu Tây Đại doãn Điền Đàn đuổi
đánh chúng, bị giết chết. Châu quận đổ lỗi cho vua Cao Câu Li là Đào, nhưng
Nghiêm Ưu tấu rằng: "Người Mạch phạm pháp, tội chẳng do từ Đào, tạm nên vỗ
về. Nay hắn bị khép tội lớn, sợ hắn tất phản". Mãng không nghe, sai Ưu
đánh Đào. Ưu dụ hẹn vua Cao Câu Li là Đào đến mà chém đi, chuyển chở đầu Đào đến
Trường An. Mãng cả mừng, bố cáo thiên hạ, lại đổi tên Cao Câu Li là 'Hạ Câu
Li'. Thời bấy giờ là nước phong tước Hầu. Năm thứ tám thời Quang Vũ Đế của nhà
Hán, vua Cao Câu Li sai sứ chầu cống, bắt đầu được xưng Vương.
Cao Câu Ly (Goguryeo) vào thời kỳ cực thịnh năm 476. |
Đến giữa thời Thương,
An(11), vua Cao Câu Li là Cung nhiều lần cướp quận Liêu Đông, lại vào cướp quận
Huyền Thố. Liêu Đông Thái thú, Sái Phong, Huyền Thố Thái thú Diêu Quang thấy
Cung gây hại cho hai quận, bèn dấy binh đánh Cung. Cung giả hàng xin hòa, do đó
quân của hai quận không đánh. Cung ngầm sai quân đánh quận Huyền Thố, đốt huyện
Hầu Thành, vào thành Liêu Toại, giết quan dân. Sau đó Cung lại vào lấn quận
Liêu Đông, Sái Phong lại đem quân đuổi đánh Cung, quân thua mà chết.
Cung chết, con là Bá
Cố lập. Giữa thời Thuận, Hoàn(12), lại vào lấn quận Liêu Đông, cướp các huyện
Tân An, Cư Hương, lại đánh huyện Tây An Bình, giết Đái Phương Lệnh ở trên đường,
cướp được vợ con của Lạc Lãng Thái thú. Năm Kiến Ninh thứ hai thời Linh Đế, Huyền
Thố Thái thú Cảnh Lâm đánh nước ấy, bắt chém được mấy trăm đầu giặc, Bá Cố xin
hàng, nội thuộc vào quận Liêu Đông. Giữa năm Gia Bình, Bá Cố xin nội thuộc vào
quận Huyền Thố. Vào thời Công Tôn Độ xưng hùng miền đông ven biển, Bá Cố sai bọn
'gia' Ưu Cư, Chủ bạ Nhiên Nhân giúp Độ đánh giặc ở núi Phú Sơn, phá được chúng.
Bá Cố chết, có hai
con trai, con cả là Bạt Kì, con út là Y Di Mô. Bạt Kì chẳng giỏi, người trong
nước lại lập Y Di Mô làm vua. Từ thời Bá Cố về sau nhiều lần cướp quận Liêu
Đông, lại thu nhận hơn năm trăm nhà rợ Hồ trốn tránh đến ở. Giữa năm Kiến An,
Công Tôn Độ đem quân ra đánh phá được nước ấy, đốt cháy thôn ấp. Bạt Kì oán vì
là anh mà chẳng được lập, cùng hơn ba vạn người và các quan tướng của bộ Quyên
Nô đến chỗ Khang xin hàng, sai về đóng quân ở sông Phất Lưu. Rợ Hồ ở nhờ cũng
phản Y Di Mô, do đó Y Di Mô lại lập nước mới, đấy là nước ngày nay Cao Câu Li
ngày nay vậy. Bạt Kì bèn đến quận Liêu Đông, có con ở lại nước Cao Câu Li, nay
là quan 'Cổ sồ gia' Bác Vị Cư vậy. Sau đó lại đánh quận Huyền Thố, quận Huyền
Thố cùng quận Liêu Đông hợp sức đánh, đại phá quân nước ấy.
Y Di Mô không có con,
thông dâm với người của bộ Quán Nô, sinh con là Vị Cung. Y Di Mô chết, lập Vị
Cung làm vua. Nay vua Cao Câu Câu Li là Cung vậy. Vì ông nội tên là Cung, sinh
mà đã sáng mắt, người trong nước ghét Cung, lúc lớn lên, quả nhiên hung ngược,
nhiều lần cướp bóc, nước bị tàn phá. Nay vua sinh ra đã bò dưới đất, cũng trợn
mắt nhìn người. Người Cao Câu Li cho là tướng người tựa như ông nội, cho nên đặt
tên là Vị Cung. Vị Cung có sức khỏe, cưỡi ngựa nhanh, săn bắn giỏi. Năm Cảnh Sơ
thứ hai, Thái úy Tư Mã Tuyên Vương đem quân đánh Công Tôn Uyên, Cung sai Chủ bạ
Đại Gia đem mấy nghìn người đến giúp quân. Năm Chính Thủy thứ hai, Cung cướp
huyện Tây An Bình. Năm thứ năm, bị U Châu Thứ sử Quán Khâu Kiêm đánh phá. Chép
tại Quán Khâu Kiệm truyện.
Ốc Trở được ghi chú là Dongokjeo trên bản đồ. |
Đông Ốc Trở tại phía đông núi lớn Cái Mã của nước Cao Câu Li, gần biển lớn mà ở. Thế đất hẹp ở phía đông bắc mà rộng rãi ở phía tây nam, dài khoảng nghìn dặm, phía bắc tiếp với nước Ấp Lâu, Phù Dư, phía nam tiếp với nước Uế Mạch. Có năm nghìn hộ, không có quân trưởng lớn, nối đời ở thôn ấp đều có cừ súy. Tiếng nói đại khái giống người Cao Câu Li, chỉ khác chút ít. Đầu thời Hán, kẻ trốn tránh người nước Yên là Vệ Mãn làm vua Triều Tiên, bấy giờ nước Ốc Trở cũng thần phục theo. Năm Nguyên Phong thứ hai thời Vũ Đế của nhà Hán, đánh nước Triều Tiên, giết cháu của Mãn là Hữu Cừ, chia nước ấy lập thành bốn quận(13), lấy thành Ốc Trở lập ra quận Huyền Thố. Sau lại bị người Di Mạch xâm lấn, dời quận đến phía tây bắc nước Cao Câu Li, nay gọi là phủ cũ của quận Huyền Thố vậy.
Nước Ốc Trở lại thuộc vào quận Lạc Lãng. Nhà Hán thấy đất đai xa rộng, ở tại phía đông núi lớn Đan Đan, bèn chia đặt quan Đông bộ Đô úy, trị ở thành Bất Nại, trông coi bảy huyện ở phía đông núi. Bấy giờ nước Ốc Trở cũng đều lập thành huyện. Năm thứ sáu thời Quang Vũ Đế của nhà Hán, bớt các quận biên giới, đó đó quan Đông bộ Đô úy bị bãi. Sau đó đều lấy cừ súy trong các huyện ấy phong làm Huyện hầu, các huyện Bất Nại, Hoa Lệ, Ốc Trở đều nước phong tước Hầu. Người Di Địch lại đánh phá lẫn nhau, riêng Bất Nại Hầu đến nay vẫn đặt các quan Công tào, Chủ bạ, đều là người Uế làm quan ấy. Các cừ súy của thôn ấp ở nước Ốc Trở đều tự xưng là 'tam lão', đấy là pháp tắc của quận huyện vậy. Nước nhỏ thì bị ép vào giữa nước lớn, rút cuộc thần thuộc nước Cao Câu Li. Người Cao Câu Li lại đặt quan lớn trong đấy làm sứ giả, sai chọn thủ lĩnh, lại sai quan Đại gia coi xét việc thu tô thuế, vải Mạch, cá, muối, các vật trong biển, gánh từ nơi vạn dặm mà đem đến, lại chở gái đẹp đến làm nô tì, xem họ như nô bộc.
Đất đai nước ấy màu mỡ,
dựa vào núi hướng ra biển, hợp với ngũ cốc, giỏi làm ruộng. Tính người thẳng thắn
cứng cỏi, ít đi xe ngựa, giỏi cầm mâu đánh bộ. Ăn uống, chỗ ở, quân áo, lễ tiết
có giống người Cao Câu Li. Ngụy lược chép: Phép tắc cưới hỏi ở nước ấy là con
gái đến mười tuổi đã được hứa gả. Nhà rể đến đón về, nuôi lớn thì trở thành vợ.
Đến lúc lớn, lại về nhà gái. Nhà gái đòi tiền, đem tiền xong mới cho về lại nhà
rể. Phép táng thì làm quách bằng gỗ lớn, dài hơn mười trượng, mở một đầu làm hộ.
Người vừa chết thì đều táng trước, đợi lúc thân rữa, da thịt mất hết mới lấy
xương đem vào quách, cả nhà đều cùng một quách, đẽo gỗ như hình người sống, mấy
người táng chết theo. Lại có cái hũ sứ, đặt gạo ở trong, treo hũ ấy ở bên
quách.
Quán Khâu Kiệm đánh
nước Cao Câu Li, vua Cao Câu Li là Cung trốn đến nước Ốc Trở, bèn đem quân đến
đánh. Các thôn ấp ở Ốc Trở đều bị phá, bắt chém hơn mấy trăm đầu giặc, Cung lại
trốn đến đất Bắc Ốc Trở. Bắc Ốc Trở còn có tên là Trí Câu Lâu, cách Nam Ốc Trở
hơn tám trăm dặm, phong tục nam bắc đều giống nhau, tiếp với nước Ấp Lâu. Người
Ấp Lâu ưa cưỡi thuyền đi cướp bóc, người Bắc Ốc Trở sợ họ; vào mùa hạ thường ở
trong hang sâu trên vách núi mà giữ gìn, đến mùa đông băng đóng thuyền không đi
được lại xuống ở tại thôn ấp. Vương Kì sai quân đi riêng đuổi đánh Cung, đến
cùng phía đông. Hỏi người già nước ấy rằng: "Miền đông ven biển này có người
khác không"? Người già nói là người trong nước từng cưỡi thuyền đi bắt cá,
gặp gió thổi mấy chục ngày, dạt về phía đông đến một hòn đảo, trên ấy có người,
tiếng nói không hiểu nhau, phong tục thì thường đến tháng bảy lại lấy con gái
trinh ném xuống biển. Lại nói là có một nước cũng ở tại giữa biển, chỉ có gái
mà chẳng có trai. Lại nói là lấy được một cái áo vải, từ giữa biển trôi đến,
thân áo như áo của người Trung Quốc, hai tay áo dài ba thước. Lại nói là lấy được
một con thuyền vỡ theo sóng mà trôi vào bên bờ biển, trên thuyền có một người
mà giữa cổ lại có mặt, bắt sống được người đó, nói chuyển chẳng hiểu được nhau,
rồi không ăn mà chết. Đất ấy đều ở giữa biển phía đông của nước Ốc Trở.
Nước Ấp Lâu tại phía đông bắc nước Phù Dư hơn nghìn dặm, kề bờ biển lớn, phía nam tiếp với nước Bắc Ốc Trở, chưa biết phía bắc nước ấy đến tận chỗ nào. Đất đai nhiều núi hiểm, dáng người như người Phù Dư, tiếng nói lại không giống với người Phù Dư, Cao Câu Li. Có ngũ cốc, trâu, ngựa, vải gai. Người phần nhiều khỏe mạnh. Không có quân trưởng lớn, thôn ấp đều có cừ súy. Ở giữa rừng núi, thường đào hang mà ở. Nhà lớn sâu đến chín tầng, cho rằng càng sâu càng tốt. Khí hậu lạnh, khác với nước Phù Dư. Phong tục ưa nuôi heo, ăn thịt heo, lấy da làm áo. Mùa đông lấy mỡ heo bôi lên người, dày đến mấy phân để chống gió lạnh. Mùa hạ thì cởi trần, lấy một thước vải ẩn trước sau để che thân thể. Người nước này không sạch sẽ, làm nhà xí ở chính giữa, dân vây quanh mà ở. Cây cung dài bốn thước, chắc như nỏ, cây tên làm bằng gỗ cây hộ, dài một thước tám tấc, lấy đá xanh làm mũi tên, tức nước Túc Thận thời xưa vậy. Giỏi bắn tên, người bắn tất trúng. Mũi tên tẩm độc, người trúng đều chết. Xuất ngọc đỏ, chồn tốt, nay gọi là chồn Ấp Lâu vậy. Từ thời Hán đến nay, thuộc vào nước Phù Dư, người Phù Dư đòi tô thuế rất nặng, cho nên giữa năm Hoàng Sơ làm phản lại. Người Phù Dư mấy lần đánh, nhưng người Ấp Lâu dẫu ít nhưng ở tại núi hiểm, người xung quanh đều sợ cung tên của họ, rút cuộc chẳng phục được. Người nước này lại cưỡi thuyền đi cướp bóc, nước bên cạnh cũng lo lắng. Người Đông Di ăn uống đều dùng mâm chén, riêng Ấp Lâu thì không, phong tục rất không có kỉ cương như vậy.
Bức tranh tường lăng mộ Cao Câu Ly. |
Nước Uế phía nam tiếp với nước Thần Hàn, phía bắc tiếp với nước Cao Câu Li, Ốc Trở, phía đông liền bờ biển lớn, nay phía đông của đất Triều Tiên đều là đất của nước ấy vậy. Hai vạn hộ. Ngày xưa Cơ Tử đã đến Triều Tiên, chép ra tám điều giáo hóa để dạy dân ấy, do đó nhà không đóng cửa mà dân cũng không bị cướp. Hơn bốn mươi đời sau, vua Triều Tiên là Chuẩn tiếm hiệu xưng Vương. Bọn Trần Thắng nổi dậy, thiên hạ phản nhà Tần, do đó mấy vạn người dân các nước Yên, Tề, Triệu tránh loạn mà đến đất Triều Tiên. Người nước Yên là Vệ Mãn bèn búi tóc mặc áo của người Di, lại đến làm vua ở nước ấy. Vũ Đế của nhà Hán đánh diệt nước Triều Tiên, chia nước ấy lập thành bốn quận. Từ đó về sau, người Hồ, người Hán phân biệt. Không có quân trưởng lớn, từ thời Hán đến nay, quan lại có chúa ấp được phong tước Hầu, quan 'Tam lão' trông coi các nhà dưới. Người già cả của nước ấy tự bảo rằng dân mình cùng chủng với người Cao Câu Li. Tính người thật thà, biết hổ thẹn, không phục người Cao Câu Li. Tiếng nói, phong tục đại khái giống với người Cao Câu Li, nhưng quần áo có khác. Trai gái đều mặc áo có cúc, con trai tán bạc thành tấm rộng mấy thước để làm trang sức.
Từ núi lớn Đan Đan đến phía tây thuộc quận Lạc Lãng, bảy huyện
từ núi đến phía đông thì do quan Đô úy trông coi, đều lấy người Uế làm dân hộ.
Sau đó bỏ quan Đô úy, phong tước Hầu cho cừ súy của dân ấy, nay người Uế ở
thành Bất Nại đều là chủng người ấy. Cuối thời Hán lại thuộc vào nước Cao Câu
Li. Phong tục coi trọng sông núi, sông núi đều có bộ phận, không được tự ý dẫm
chân vào. Người cùng họ không lấy nhau. Nhiều kị húy, nếu bệnh tật chết chóc đều
ném vứt ở nhà cũ, rồi làm nhà mới. Có vải gai, tằm dâu để làm gấm. Hiểu cách
xem sao, biết trước được năm nào đầy đủ hoặc thiếu thốn. Không dùng ngọc làm vật
báu. Thường đến tháng mười thì tế trời, ngày đêm uống rượu múa hát, đặt tên là
'vũ thiên'. Lại tế hổ cho là thần. Nếu thôn ấp đánh lấn nhau liền đòi phạt trâu
ngựa, nhân khẩu, gọi tên là 'trách họa'. Kẻ giết người thì đền mạng. Ít cướp
bóc. Làm cây mâu dài ba trượng, có cây phải dùng mấy người cùng nắm để đánh
trên bộ. Cây cung làm bằng gỗ đàn của quận Lạc Lãng là xuất từ đất của người Uế.
Biển xuất ra da cá, đất này có nhiều báo lông vằn, lại xuất ngựa 'quả hạ', vào
thời Hiến Đế của nhà Hán từng dâng ngựa ấy.
Thần là Tùng Chi xét:
Ngựa 'quả hạ' cao ba thước, cưỡi ngựa này mà đến dưới cây quả thì không đi, cho
nên gọi là ngựa 'quả hạ'. Thấy chép trong Bác vật chí, Ngụy đô phú.
Năm Chính Thủy thứ
sáu, Lạc Lãng Thái thú Lưu Mậu, Đái Phương Thái thú Cung Tuân lĩnh dân Đông Uế
thuộc vào nước Cao Câu Li, lại đem quân đánh người Uế, bọn Bất Nại Hầu đem cả ấp
xin hàng. Năm thứ tám, đến cửa khuyết chầu cống, hạ chiếu bái làm Bất Nại
Vương. Làm nhà ở lẫn trong dân, bốn mùa đến quận chầu gặp. Hai quận sai người
đưa xe đi đòi tô thuế, cung cấp lao dịch, đãi như dân thường.
Chú thích
(1) Lưu Sa: chỉ bãi đất bồi của ven sông suối.
(2) Ngũ cốc: tức năm loại lúa hạt, thời xưa các sách chép
khác nhau; Trịnh Huyền chú Chu lễ cho rằng ngũ cốc là cây gai, lúa nếp, lúc tắc,
lúa mạch, hạt đậu. Triệu Kì chú Sở từ cho rằng ngũ cốc là lúa nước, lúa nếp,
lúa tắc, lúa mạch, hạt đậu.
(3) Ngũ quả: thời xưa chỉ năm loại cây quả là đào, hạnh,
mận, táo, giẻ.
(4) Lục súc: thời xưa chỉ sáu con vật được con người chăn
nuôi là ngựa, trâu, dê, heo, chó, gà.
(5) Các 'gia': chỉ các quan theo tên lục súc như Mã gia,
Ngưu gia, Trư gia, Cẩu gia.
(6) Kinh đô: chỉ thành Trường An, Lạc Dương.
(7) Không đủ làm đầy bụng miệng: ý nói thiếu đói, không
no đủ.
(8) Sao linh, xã tắc: sao linh, còn gọi là sao thiên điền,
sao long được xem là biểu tượng của thần của nghề nông. Xã tắc chỉ thần đất và
thần lúa.
(9) Mũ 'chiết phong': một loại mũ của người Cao Câu Li,
giống mũ biện, không rõ hình dạng.
(10) 'Toại huyệt': chỉ cái hố lớn tự nhiên hay được đào,
có lẽ là có nguồn gốc từ lối sống trong hang động và đào hầm để tránh gió lạnh
thời xưa.
(11) Thương, An: chỉ Thương Đế, An Đế của nhà Hán.
(12) Thuận, Hoàn: chỉ Thuận Đế, Hoàn Đế của nhà Hán.
(13) Bốn quận: chỉ bốn quận sau khi nhà Hán diệt nước Triều
Tiên lập ra là Huyền Thố, quận Lạc Lãng, quận Lâm Đồn, quận Chân Phiên.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét