Thứ Hai, 14 tháng 11, 2022

TRUYỆN CHU KIẾN BÌNH

 


Một trích đoạn trong tranh lụa của Cừu Anh (1494-1552)

TRUYỆN CHU KIẾN BÌNH


Chu Kiến Bình, người nước Bái. Giỏi xem tướng, ở vùng thôn ấp, hiệu nghiệm không chỉ có một lần. Thái Tổ làm Ngụy Công, nghe nói vậy, gọi đến làm quan Lang(1) Văn Đế làm Ngũ quan tướng, khách ngồi trong hội có hơn ba mươi người, Văn Đế hỏi tuổi thọ của mình, lại sai xem tướng bọn khách. Kiến Bình nói: "Tướng quân đáng thọ đến tám mươi tuổi, đến lúc bốn mươi tuổi có một mối nguy nhỏ, mong hãy cẩn thận giữ gìn". Bảo Hạ Hầu Uy nói: "Ông đến bốn mươi chín tuổi làm Châu mục(2) nhưng phải có mối nguy, nếu qua được nguy, có thể thọ đến bảy mươi tuổi, làm đến bậc Công phụ"(3). Bảo Ứng Cừ nói: "Ông sáu mươi hai tuổi làm đến bậc Thường bá(4), nhưng có mối nguy, trước đó một năm một mình thấy một con chó trắng nhưng người bên cạnh không thấy". Bảo Tào Bưu nói: "Ông giữ nước phiên, đến năm năm mươi bảy tuổi sẽ có mối nguy vì việc binh, nên đề phòng trước".


Trước đây, người quận Dĩnh Xuyên là Tuân Du, Chung Do thân thiện với nhau. Du mất trước, con còn nhỏ. Do trông coi nhà cửa của Du, muốn lấy vợ của Du. Gửi thư cho người khác nói: "Ta với Công Đạt(5) từng cùng sai Chu Kiến Bình xem tướng, Kiến Bình nói: 'Tuân Quân dẫu nhỏ hơn, nhưng phải đem việc sau này giao cho Chung Quân'. Ta bấy giờ cợt hắn nói: 'Chỉ nên gả A Vụ(6) cho ngươi thôi'. Nào ngờ thằng ấy(7) lại chết mất sớm, lời nói đùa trở thành thật vậy! Nay muốn lấy A Vụ, để cho ở yên. Nghĩ ngợi lời đúng của Kiến Bình, dẫu Đường Cử, Hứa Phụ(8) lấy gì hơn được"!


Năm Hoàng Sơ thứ bảy(9) thời Văn Đế, vừa bốn mươi tuổi, bệnh khốn, bảo tả hữu nói: "Lời mà Kiến Bình nói là thọ tám mươi tuổi, đấy là qua loa, ta phải chết rồi". Chốc lát, đúng là băng. Hạ Hầu Uy làm Duyện Châu Thứ sử, năm bốn chín tuổi, vào đầu tuần tháng mười hai bị bệnh, nhớ đến lời Kiến Bình, tự cho là tất chết, chuẩn bị làm lệnh truyền lại và các đồ tống táng, đều sai làm đầy đủ. Đến cuối tuần lại đỡ, rồi dần khỏe lại, xế chiều ngày thứ ba mươi, sai Kỉ cương đại lại(10) bày rượu, nói: "Cái bệnh đau của ta dần dần đỡ, hôm sau gà gáy sẽ sang năm mươi tuổi, lời răn giới của Kiến Bình, tất sai thật rồi". Sau khi Uy bãi khách, hoa mắt bệnh phát, nửa đêm bèn chết. Cừ đến sáu mươi mốt tuổi làm Thị trung, đi vào trong phủ, chợt thấy một con chó trắng, hỏi với mọi người, đều nói không thấy. Do đó nhiều lần mở hội, cùng đi chơi xem nơi ruộng vườn, ăn uống làm vui, qua được một năm, sáu mươi ba tuổi thì chết. Tào Bưu được phong làm Sở Vương, đến năm năm mươi bảy tuổi, bị kết tội thông mưu với Vương Lăng, ban cho chết. Như nói về bọn này, không gì là không như Kiến Bình nói. Không rõ hết được, cho nên ghi chép sơ qua mấy việc trên. Chỉ có xem tướng về Tư không Vương Sưởng, Chinh bắc Tướng quân Trình Nhất, Trung lĩnh quân Vương Túc là có sai lầm mà thôi. Túc đến sáu mươi hai tuổi bệnh nặng, bọn thầy thuốc đều cho là không khỏi. Phu nhân của Túc dùng lời cố hỏi, Túc nói: "Kiến Bình xem tướng nói ta thọ hơn bảy mươi tuổi, làm đến bậc Tam công(11) nay đều chưa đến, còn lo gì chăng"! Rồi Túc bèn chết.


Kiến Bình lại giỏi xem tướng cho ngựa. Văn Đế sắp đi, lấy ngựa ở ngoài vào, Kiến Bình trên đường gặp ngựa, bảo nói: "Tướng của con ngựa này, ngày nay tất chết". Đế sắp cưỡi ngựa, ngựa ghét mùi thơm trên áo, hí lộn cắn vào đầu gối của Đế, Đế cả giận, bèn liền giết ngựa. Giữa năm Hoàng Sơ thì Kiến Bình chết.


Chu Tuyên tự Khổng Hòa, người huyện An Lạc. Làm quan trong quận. Thái thú Dương Phái nằm mơ có người nói: "Ngày mùng một tháng tám Tào Công sẽ đến, tất đem gậy cho ông, cho uống rượu thuốc". Sai Tuyên bói xem. Bấy giờ giặc Khăn vàng nổi dậy, Tuyên đáp nói: "Gậy để người yếu tựa dậy, thuốc để trị bệnh cho người, ngày mùng một tháng tám, tất trừ diệt giặc". Đến kì, giặc đúng bị phá.


Sau này người quận Đông Bình là Lưu Trinh nằm mơ thấy một con rắn mọc bốn chân, đào hang ở trong nhà, sai Tuyên bói xem, Tuyên nói: "Đấy là nằm mơ vì việc nước, không phải vì việc nhà ông. Là điềm giết con gái và kẻ làm giặc". Chốc lát, bọn giặc đàn bà là Trịnh, Khương bèn cùng bị đánh dẹp, con rắn là điềm về đàn bà, bốn chân không phải là nguồn gốc của rắn vậy.


Văn Đế hỏi Tuyên nói: "Ta năm mơ có hai viên ngói trên cung điện rơi xuống đất hóa thành một đôi chim uyên ương(12) đấy là điềm gì"? Tuyên đáp nói: "Chốn cung sau sắp có kẻ giết nhau". Đế nói: "Ta lừa khanh thôi"! Tuyên đáp nói: "Nằm mơ là điềm báo vậy, tạm theo hình trong giấc mơ mà nói, lại bói được tốt xấu". Nói chưa xong thì quan Hoàng môn lệnh tấu rằng cung nhân(13) giết nhau. Không lâu, Đế lại hỏi nói: "Ta tối qua nằm mơ thấy một luồng khí xanh từ đất bốc lên trời". Tuyên đáp nói: "Thiên hạ sắp có một người con gái tôn quý bị chết oan". Bấy giờ, Đế đã sai sứ giả ban ấn thư cho Chân Hậu(14) nghe Tuyên nói mà hối hận, sai người đuổi theo sứ giả không kịp. Đế lại hỏi nói: "Ta nằm mơ mài xóa chữ trên đồng tiền, muốn sai vứt mất nhưng sáng hơn, đấy là điềm gì"? Tuyên im ỉm không đáp. Đế gắng hỏi, Tuyên đáp nói: "Đấy là việc nhà của Bệ hạ, dẫu điềm này như thế nhưng Thái hậu không theo, cho nên chữ sắp mất mà tự sáng thôi". Bấy giờ Đế muốn trị tội của em là Thực, bị Thái hậu ép, nhưng vẫn giảm tước. Lấy Tuyên làm Trung lang, thuộc quan Thái sử.


Từng có người hỏi Tuyên rằng: "Ta hôm qua nằm mơ thấy chó rơm(15) ông bói thế nào"? Tuyên đáp nói: "Ông muốn có món ăn ngon thôi"! Chốc lát, đi ra, quả đúng gặp món ngon. Sau lại hỏi Tuyên nói: "Hôm qua cũng nằm mơ thấy chó rơm, là sao"? Tuyên nói: "Ông sắp bị rơi xuống xe gãy chân, nên cẩn thận đề phòng". Chốc lát, đúng như Tuyên nói. Sau lại hỏi Tuyên: "Tối qua lại nằm mơ thấy chó rơm, là sao"? Tuyên nói: "Nhà ông bị lửa cháy, nên nhanh giữ gìn". Chốc lát bèn có lửa cháy. Bảo Tuyên nói: "Trước sau là ba lần đều không mơ như vậy, sao bói lại đều đúng thế"? Tuyên đáp nói: "Đấy là thần minh báo cho ông thôi, cho nên không khác với giấc mơ thật". Lại hỏi Tuyên nói: "Ba lần mơ thấy chó rơm mà ông bói khác nhau, sao vậy"? Tuyên nói: "Chó rơm là vật tế thần, cho nên giấc mơ đầu của ông đúng điềm báo có thức ăn vậy. Cúng tế đã xong thì chó rơm bị xe nghiến qua, cho nên giấc mơ giữa đúng điềm báo rơi xuống xe gãy chân vậy. Sau khi chó rơm đã bị xe nghiến qua, tất chở đi để đốt, cho nên giấc mơ sau đúng điềm báo lửa cháy vậy". Tuyên bói giấc mơ, đại loại như thế, mười việc đúng đến tám, chín việc, người đời sánh với cái tài xem tướng của Kiến Bình. Các lần bói khác không chép ra đây. Cuối thời Minh Đế thì chết.

 

Chú thích:

(1) Lang: tức quan Thị lang, thường coi việc sách vở trong cung, phủ.

(2) Châu mục: tức quan Thứ sử đứng đầu một châu. Cuối thời Hán loạn lạc, Châu mục nắm hết việc binh của một châu.

(3) Công phụ: Chỉ Tam công và Tứ phụ, giống Thừa tướng.

(4) Thường bá: chức quan trông coi một vùng.

(5) Công Đạt: tức Tuân Du tự Công Đạt.

(6) A Vụ: tức tên vợ của Tuân Du

(7) Thằng ấy: tiếng gọi gần gũi mà Chung Do nói về Tuân Du.

(8) Đường Cử, Hứa Phụ: Đường Cử là người nước Lương thời Chiến quốc, Hứa Phụ là người đàn bà thời Tần, đều là người giỏi xem tướng.

(9) Năm Hoàng Sơ thứ bảy: tức năm 226 Công nguyên thời Ngụy Văn Đế.

(10) Kỉ cương đại lại: có lẽ nói về quan lại nhỏ của quận huyện.

(11) Tam công: thời Tam quốc chỉ ba vị quan là Tư đồ, Tư không, Thái úy.

(12) Chim uyên ương: tức một loài chim thường bơi trên mặt ao hồ, dáng giống con vịt nhưng nhỏ, con trống gọi là uyên, con mái gọi ương, thường bơi thành đôi.

(13) Cung nhân: vợ của vua hoặc người hầu gái trong cung.

(14) Chân Hậu: tức Chân Mật, nổi tiếng xinh đẹp vùng Kí Châu, lúc đầu là vợ của Viên Hi, sau thành vợ của Ngụy Văn Đế, bị Quách Hậu gièm pha, bắt phải tự sát. Ngụy Minh Đế lên ngôi truy phong làm Hoàng hậu.

(15) Chó rơm: tức con chó giả được đan bằng rơm cỏ, dùng để cúng tế tông miếu thời xưa.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét