Trích đoạn Hàn Di Tái dạ yến đồ - tranh Cố Hoành Trung |
TRUYỆN ĐỖ QUỲ
Đỗ Quỳ tự Công Lương,
người quận Hà Nam. Vì biết âm nhạc nên được làm Nhã nhạc lang(1). Năm Trung
Bình thứ năm(2), mắc bệnh mà bỏ quan. Châu, quận, quan Tư đồ bỏ lễ, lại vì thời
loạn nên tránh đến Kinh Châu. Kinh Châu Mục là Lưu Biểu sai Quỳ cùng Mạnh Diệu
giúp vua Hán làm nhã nhạc(3), nhạc làm xong, Biểu muốn đặt ở sân đình tấu xem,
Quỳ can nói: "Nay Tướng quân không có lệnh làm nhạc giúp Thiên tử mà đem
ra bày ra ở sân đình, chẳng phải không nên sao"! Biểu nghe lời này mà dừng
lại. Sau con Biểu là Tông hàng Thái Tổ, Thái Tổ lấy Quỳ làm Quân mưu Tế tửu,
tham dự việc của quan Thái nhạc lệnh(4), nhân đó sai làm ra nhã nhạc.
Quỳ giỏi chung luật(5),
sáng suốt hơn người, tám âm tơ tre(6), không gì không giỏi, chỉ có múa hát
không giỏi lắm. Bấy giờ Tán lang Đặng Tĩnh, Y Tề giỏi ngâm nhã nhạc, thầy hát
là Y Hồ hát được khúc hát lúc cúng tế tông miếu, thầy múa là Phùng Túc, Phục Dưỡng
hiểu biết các điệu múa thời trước, Quỳ tổng hợp các tinh hoa, xét sâu các sách,
chọn lấy các việc cũ, giảng dạy học tập, làm đủ các nhạc khí(7), soạn lại âm nhạc
thời trước, đều bắt đầu từ Quỳ vậy.
Giữa năm Hoàng Sơ,
làm Thái nhạc lệnh, Hiệp luật Đô úy(8). Thợ đúc chuông thời Hán là Sài Ngọc có
tài khéo léo, đều chế tạo nhiều đồ trong các loại nhạc khí, cũng là người tôn quý
được biết tên tuổi. Quỳ sai Ngọc đúc chuông đồng, tiếng trong và đục của tiếng
chuông đều không đúng phép tắc, nhiều lần phải hủy đi làm lại. Ngọc rất chán
ghét, nói là Quỳ chỉ theo ý riêng, có vẻ chống đối Quỳ. Quỳ, Ngọc bèn cùng nhau
bảo với Thái Tổ, Thái Tổ lấy chuông mà Ngọc đúc ra thử, tiếng vang lẫn lộn, bèn
biết Quỳ là đúng mà Ngọc là xằng vậy, do đó giáng tội cho Ngọc và các con, đều
sai làm người nuôi ngựa. Văn Đế yêu đãi Ngọc, lại từng sai Quỳ cùng bọn Tả
Nguyên thổi sáo gảy đàn trong lúc tiếp tân khách, Quỳ có vẻ khó chịu, do đó ý Đế
không vui. Sau nhân có việc khác mà ép buộc Quỳ, sai bọn Nguyên đến học, Quỳ tự
nói là người học nhạc phải trong sạch, làm quan phải ngay thẳng, ý vẫn không thỏa,
bèn xin bãi quan về nghỉ.
Học trò người quận Hà
Nam là Thiệu Đăng, Trương Thái, Tang Phức đều làm đến chức Thái nhạc thừa, người
quận Hạ Bì là Trần Hàng làm Tư luật Trung lang tướng. Từ bọn Tả Diên Niên dẫu
có âm nhạc hay, đều giỏi âm nhạc của họ Trịnh, nhưng ưa nhạc cổ chính thống thì
chẳng ai bằng Quỳ.
Bấy giờ có người quận Phù Phong là Mã Quân, khéo léo hơn người. Phó Huyền làm bài tựa nói rằng: "Mã tiên sinh(9) là người khéo léo trong thiên hạ, thuở nhỏ thì vui vẻ, không tự biết mình khéo léo vậy. Vào thời ấy, không nói đến cái khéo léo của mình thì người đời há không biết được sao? Làm Bác sĩ, nhà cửa nghèo hèn, lại nghĩ cách sửa đổi khung dệt vải, không nói mà người đời biết được cái khéo léo của mình. Khung dệt vải cũ thì cứ năm mươi lần đan lại năm mươi lần dệt, tiên sinh ghét việc này tốn công phí buổi, bèn đều đổi thành mười hai lần dệt. Hoa văn tinh tế biến đổi theo ý muốn của người dệt, vẫn tạo thành hình tự nhiên, không cùng như âm dương. Nói chuyện với người dệt vải lại không nói ra được, lại há có thể nói được hiệu nghiệm sao? Tiên sinh làm Cấp sự trung(10), cùng Thường thị Cao Đường Long, Kiêu kị Tướng quân Tần Lang tranh luận ở triều đình, nói về xe chỉ nam(11), hai người(12) cho rằng thời xưa không có xe chỉ nam, đấy là cái sai của sách vở. Tiên sinh nói: 'Thời cổ có nó, thời nay chưa nghĩ ra thôi, sao lại cho nó là xa vời'. Hai người cười tiên sinh nói: "Tên tiên sinh là Quân, tự Đức Hành. Quân(13) là khuôn làm gốm mà hành(14) là vật dùng để xác định vật nặng hay nhẹ, không có gì không dùng khuôn mà xác định vật nặng hay nhẹ không đúng sao'! Tiên sinh nói: 'Tranh luận sáo rỗng, không bằng thử làm sẽ biết thôi'. Do đó hai người bèn đến báo cho Minh Đế, hạ chiếu tiên sinh làm, rồi làm thành xe chỉ nam. Đấy là một cái lạ vậy, lại không nói ra được vậy. Từ đó thiên hạ phục cái khéo léo của tiên sinh. Ở tại kinh đô, trong thành có đất có thể dùng làm vườn, lo không có nước để tưới vườn, bèn làm xe chở, sai bọn trẻ con kéo xe, mà nước lại tử rót xuống, vào rồi lại ra, cái khéo léo hơn người như thế. Đấy là hai cái lạ vậy. Sau này có người dâng đồ có kĩ thuật rối tạp hơn, nhưng đặt ra nhưng không động được. Đế đem hỏi tiên sinh nói: "Động được không'? Đáp nói: 'Động được'. Đế nói: 'Làm nó khéo hơn được không'. Đáp nói: 'Khéo hơn được'. Vâng lệnh làm nó, lấy gỗ lớn đẽo đồ, làm thành hình như bánh xe, đặt trên đất bằng, dưới làm phần dẫn nước, trên đẽo tượng người con gái múa hát, lại có tượng người gỗ đánh trống thổ sáo; làm núi lớn, làm tượng người gỗ cầm quả cầu, vung kiếm, xếp thành hàng dài, ra vào tự nhiên; lại có tượng gỗ trăm quan xử án, cối giã gạo, gà chọi, biến ảo trăm mối. Đấy là ba cái lạ vậy. Tiên sinh thấy nỏ bắn tên liên tiếp của Gia Cát Lượng, nói: 'Khéo thì khéo rồi, nhưng chưa tốt cả'. Nói rằng có thế làm bắn tên thêm năm lần. Lại lo rằng lúc bắn đá thì quân địch ở trên lầu treo da trâu ướt, nếu bắn trúng thì lại rơi xuống, đá không thể bắn liền đến được. Muốn làm một cái bánh xe, treo mấy chục viên đá lên, dùng phép tắc lấy máy khua bánh xe để treo đá bắn bay vào thành địch, khiến cho bắn từ đầu đến cuối được đến nhanh. Từng lấy bánh xe tre treo mấy chục viên gạch đá để thử, bắn xa được mấy trăm bước. Có Bùi Tử là kẻ sĩ ở kinh đô, hiểu biết sâu rộng, nghe nói mà cười nhạo tiên sinh. Lại đến hỏi tiên sinh, tiên sinh ngậm miệng không đáp. Bùi Tử tự cho rằng đã bắt khó được chỗ yếu của tiên sinh, lại cười nhạo không thôi. Phó Tử bảo Bùi Tử nói: 'Cái mà ông giỏi là lời nói, cái mà ông kém là khéo léo vậy. Cái mà Mã tiên sinh giỏi là khéo léo, cái kém là lời nói vậy. Lấy cái mà ông giỏi để tranh với cái mà người ấy kém, thì người ấy không thể không phục ông. Lấy cái mà ông kém để hỏi vặn cái mà người ấy giỏi thì tất có chỗ không giải được. Kĩ thuật là việc khéo léo trong thiên hạ, cái mà ông không giải được hỏi vặn người ấy không thôi, đấy là tranh cãi với nhau, tất tự xa rời vậy. Đấy là trong lòng cho là sai mà ngoài miệng cho chịu phục, đấy là nguyên nhân họ Mã không đáp vậy'. Phó Tử gặp An Hương Hầu, nói đến lời bàn của Bùi Tử, An Hương Hầu lại nói giống với Bùi Tử. Phó Tử nói: 'Thánh nhân dùng người chọn vật, dùng người không theo một phép tắc nào cả; có người có vẻ thần mà dùng, có người vì khéo nói mà dùng, có người giỏi việc mà dùng. Có người có vẻ thần mà dùng, đấy là người không nói nhưng trong lòng thành thật đã tỏ ra rồi, có đức hành như Nhan Uyên(15) vậy. Người khéo nói mà chọn, là người khéo bàn chuyện đúng sai, lời nói như Tể Ngã, Tử Cống(16) vậy. Người vì được việc mà dùng, giỏi chính trị như Nhiễm Hữu, Quý Lộ(17), giỏi văn học như Tử Du, Tử Hạ(18) vậy. Dẫu là thánh nhân biết rõ muôn vật, nếu có chỗ dùng, tất phải thử trước. Do đó lấy việc chính trị để thử Nhiễm Hữu, Quý Lộ, lấy việc văn học để thử Tử Du, Tử Hạ vậy. Bọn Tử Du, Tử Hạ còn phải thế, huống chi là người từ họ về sau! Sao vậy? Đạo lí treo lửng, không thể dùng lời mà nói hết. cốt ở việc làm thôi, nói thì khó rõ mà thử làm thì dễ biết vậy. Như cái mà họ Mã muốn làm đều là những vật tinh xảo của nhà nước, đồ cốt yếu của quân sĩ vậy. Hao phí gỗ mười trượng, làm mệt sức của hai người, không cần nhiều buổi mà biết được đúng sai. Như việc hỏi vặn việc dễ làm và dùng lời khinh rẻ để châm chọc tài lạ của người khác, đấy cũng như việc tự cho mình đã biết gánh vác việc thiên hạ, không đổi đạo lí của mình để ngồi trên muôn vật khó hiểu hết, do đó mà tự vứt bỏ vậy. Cái mà họ Mã làm, dựa theo sự biến ảo mà làm nên, vậy thì lời nói lúc trước đều là không đúng. Lời ấy không đúng mà không dùng người ấy, đấy là cái khéo léo trên đời không có chỗ được dùng vậy. Người cùng được yêu thì ghen ghét nhau, người cùng làm việc thì làm hại nhau, người trong cuộc không tránh khỏi được. Cho nên quân tử không dùng người để hại người, tất lấy việc thử xét làm cân đo; nếu bỏ cân đo mà không dùng thì đấy là ngọc đẹp bị gièm vu là đá xấu, đấy là nguyên nhân Kinh Hòa ôm ngọc mà khóc(19) vậy'. Do đó An Hương Hầu hiểu ra, rồi nói với Vũ An Hầu, Vũ An Hầu coi thường tiên sinh, không dùng thử. Đấy là việc dễ thử, lại nữa tiếng tăm khéo léo của họ Mã đã có rồi, mà vẫn coi thường không xét, huống chi là cái tài sâu xa, viên ngọc không tên đây? Vậy thì để quân tử đời sau soi xét thôi! Cái khéo léo của Mã tiên sinh, dẫu Công Du Ban, Mặc Địch, Vương Nhĩ(20) thời xưa, Trương Bình Tử(21) thời Hán gần đây cũng không hơn được vậy. Công Du Ban, Mặc Địch đều được dùng ở thời trước, lại có ích cho đời. Bình Tử dẫu là Thị trung, Mã Tiên sinh dẫu là quan Cấp sự trung, nhưng đều không được làm Công quan, sự khéo léo không được giúp ích cho đời. Dùng người không đúng với cái tài năng của người ấy, tài giỏi không được dùng thử, thật đáng tiếc thay". Bùi Tử là Bùi Tú. An Hương Hầu là Tào Tiện. Vũ An Hầu là Tào Sảng.
Chú thích:
(1) Nhã nhạc lang: chức quan trông coi về âm nhạc trong
cung.
(2) Năm Trung Bình thứ năm: tức năm 188 Công nguyên thời
Hán Linh Đế.
(3) Nhã nhạc: âm nhạc dùng trong nghi lễ chúc mừng hoặc
trong hội yến và cúng tế trời đất.
(4) Thái nhạc lệnh: chức quan trông coi việc sắp đặt âm
nhạc của nhà nước.
(5) Chung luật: phép tắc âm nhạc của chuông.
(6) Tám âm tơ tre: chỉ tám loại âm thanh phát ra từ đàn
và sáo làm bằng tám vật liệu là tơ, tre, vàng, đá, vỏ quả bầu, da thú, gỗ, đất.
(7) Nhạc khí: dụng cụ dùng để phát ra âm nhạc.
(8) Hiệp luật Đô úy: chức quan có từ thời Hán trông coi về
âm nhạc.
(9) Tiên sinh: tên gọi tôn trong đối với người có học thức
thời xưa.
(10) Cấp sự trung: chức quan có từ thời Tần, thường ở bên
Nhà vua, tham mưu các công việc.
(11) Xe chỉ nam: xe chỉ về hướng nam, tương truyền do Chu
Công làm ra.
(12) Hai người: chỉ Thường thị Cao Đường Long, Kiêu kị Tướng
quân Tần Lang
(13) Quân: là tên của Mã Quân, nghĩa gốc là cái bàn xoay
để làm đồ gốm.
(14) Hành: là tên chữ của Mã Quân, nghĩa gốc là cái cân để
cân đo nặng nhẹ của vật.
(15) Nhan Uyên: là người nước Lỗ thời Xuân thu được Khổng
Tử khen là có đức hạnh.
(16) Tể Ngã, Tử Cống: Tể Ngã, Tử Cống đều là người nước Lỗ
thời Xuân thu được Khổng Tử khen là có tài biện bác.
(17) Nhiễm Hữu, Quý Lộ: Nhiễm Hữu, Quý Lộ đều là người nước
Lỗ thời Xuân thu được Khổng Tử khen là có tài chính trị
(18) Tử Du, Tử Hạ: Tử Du là người nước Ngô, Tử Hạ là người
nước Tấn thời Xuân thu được Khổng Tử khen là có tài văn học.
(19) Kinh Hòa ôm ngọc mà khóc: chỉ Biện Hòa người nước Sở
(còn gọi là nước Kinh) nhặt được một viên ngọc dưới núi Kinh, đem dâng cho Sở
Vũ Vương, hai lần dâng đều bị cho là ngọc giả, bị phạt tội chặt cả hai chân.
Lúc Sở Thành Vương lên ngôi, Biện Hòa ôm ngọc đến dưới núi Kinh mà khóc. Thành
Vương nghe tin, sai người đến xem thì đúng là ngọc đẹp thật.
(20) Công Du Ban, Mặc Địch, Vương Nhĩ: Công Du Ban là người
nước Lỗ thời Xuân thu, còn gọi là Lỗ Ban, là một thợ mộc giỏi nổi tiếng chư hầu.
Mặc Địch là người nước Lỗ thời Xuân thu, tức Mặc Tử, được xem là ông tổ của
phái Mặc gia. Vương Nhĩ là một người thợ giỏi thời xưa, không rõ thời nào, có lẽ
trước thời Hán.
(21) Trương Bình Tử: tức Trương Hành tự Bình Tử, người thời
Đông Hán, là nhà thiên văn học giỏi.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét