Thứ Ba, 22 tháng 11, 2022

TRƯƠNG NGHI TRUYỆN

 


TRƯƠNG NGHI TRUYỆN


Trương Nghi tự Bá Kì, người nước Nam Sung, Ba Quận.


Ích bộ kì cựu truyện chép: Nghi xuất thân nghèo hèn, mà tuổi nhỏ đã thông tuệ mạnh mẽ.


Năm hai mươi tuổi làm Công tào ở huyện. Đúng lúc Tiên chủ định Thục thì giặc núi tấn công huyện, trưởng huyện bỏ nhà chạy trốn, Nghi xông pha trong gươm đao, cõng phu nhân (của trưởng huyện) mang theo, phu nhân được thoát. Bởi thế nổi danh, được châu gọi làm Tòng sự. Kẻ sĩ trong quận Cung Lộc, Diêu Trụ làm quan hưởng lộc hai nghìn thạch, có danh tiếng lúc bấy giờ, đều cùng Nghi có giao tình. Năm Kiến Hưng thứ năm, Thừa tướng Lượng lên bắc đóng quân ở Hán Trung, bọn sơn tặc Trương Mộ ở Quảng Hán, Miên Trúc đánh lén trộm quân tư, cướp bóc lê dân, Nghi làm Đô úy đưa binh thảo phạt. Nghi nghĩ giặc giống như đàn chim tản mát, thật khó để đánh, bèn giả bộ hòa hoãn làm quen, rồi tổ chức tiệc rượu mời. Rượu say, Nghi thân dẫn tả hữu chém hơn năm mươi đầu mục giặc Mộ, những kẻ cầm đầu chết sạch. Rồi lại tầm nã dư đảng, mười ngày đã dẹp yên. Sau Nghi bị bệnh rất nặng, gia cảnh nghèo hèn, Thái thú Quảng Hán là Hà Chi ở Thục quận có tiếng là người rộng rãi hiền hậu, Nghi với Chi vốn không thân, nhưng vẫn ngồi xe nhỏ đến gặp Chi, xin giúp chữa bệnh. Chi dốc hết tài sản chữa bệnh cho Nghi, vài năm thì khỏi hẳn. Đạo lý, tín nghĩa của những người ấy đều như vậy. Nghi làm Nha môn tướng, theo Mã Trung lên bắc thảo phạt người Khương làm phản ở Vấn Sơn, xuống nam bình định bốn quận man di, luôn có công trù định kế hoạch, khắc địch chiến thắng.


Ích bộ kì cựu truyện chép: Nghi lĩnh ba trăm binh mã, theo Mã Trung đánh người Khương phản loạn. Nghi đốc suất mấy doanh trại tới đó trước. Ấp ấy vừa cao vừa dốc, Nghi theo thế núi lập bốn, năm làng ở trên. Người Khương dựng cửa đá ở chỗ yếu hiểm, trên cửa lắp các giá đỡ, chất đầy đá, người qua là đẩy đá xuống, chẳng thoát khỏi cảnh nát nhừ người. Nghi tính chẳng thể công được, bèn sai người dịch cáo thị cho người Khương rằng: Những chủng tộc Vấn Sơn các ngươi phản loạn, làm hại đến người lương thiện, Thiên tử sai tướng đến thảo phạt ác đảng. Các ngươi nếu chịu khấu đầu trước quân, chuẩn bị lương thực, sẽ hưởng phúc lộc mãi mãi, báo đáp gấp trăm lần. Nhược bằng không theo, đại binh tới tru diệt, sấm vang chớp giật, lúc ấy dù hối hận cũng vô ích vậy. Mấy người Khương đứng đầu nghe lệnh, lập tức tới chỗ Nghi, cung cấp lương thực cho quân. Binh mã tiến lên đánh bắt dư đảng, dư đảng nghe tin làng ấy đã bị hạ, hết thảy đều bơ vơ trơ trọi, sợ hãi cuống quit, kẻ thì ra hàng trước quân, kẻ thì chạy tán loạn vào sơn cốc, Nghi thả quân tấn công, đánh tan bọn ấy. Sau ở chỗ người Di phía nam Lưu Trụ lại phản, Mã Trung làm Lai Hàng đô đốc đánh Trụ, Nghi lại theo, khi giao chiến luôn đi đầu ba quân, chém được Trụ. Việc bình nam đã xong, rợ Liêu ở Tang Ca, Hưng Cổ lại phản, Trung sai Nghi đưa quân tới đánh, Nghi chiêu hàng được hai nghìn người, đưa cả tới Hán Trung.


Năm Kiến Hưng thứ mười bốn, Đê Vương ở Vũ Đô là Phù Kiện xin hàng, Thục sai tướng quân Trương Úy lại nghênh đón, quá thời hạn vẫn không tới, Đại tướng quân Tưởng Uyển trong lòng rất nghĩ ngợi. Nghi trấn an Uyển rằng: Phù Kiện cầu hàng rất thành khẩn, tất không biến đổi, trước nghe em Kiện là người xảo quyệt, chẳng thể cùng chung sức với rợ Địch do có mâu thuẫn, người ấy tất lưu lại không đến. Vài ngày sau, tin tới, em Kiện quả nhiên đưa bốn trăm hộ theo Ngụy, chỉ có Kiện tới theo Thục.


Trước, ở quận Việt Tây từ sau khi Thừa tướng Lượng thảo phạt Cao Định, người Tẩu Di mấy lần làm phản, giết chết Thái thú Cung Lộc, Tiêu Hoàng, Thái thú sau đó chẳng dám tới quận Việt Huề, chỉ ở lại huyện An Định (An Thượng), cách quận hơn tám trăm dặm, quận ấy chỉ có cái tên mà thôi. Đương thời nhà Thục Hán muốn phục hồi quận cũ, Nghi được phong làm Thái thú Việt Huề. Nghi đưa quân mã của mình tới quận, lấy ân, tín để dỗ dành, người man di đều phục, tất cả lại hàng. Ở phía bắc biên giới tây nam có bộ lạc Tróc Mã rất kiêu căng hung tợn, không theo cai quản, Nghi bèn tới đánh, bắt sống được thủ lĩnh Ngụy Lang, rồi lại phóng thích, bảo rõ lẽ lợi hại, sai đi chiêu hàng đồng đảng. Rồi biểu tấu cho Lang làm Hầu ở đất ấy, bộ lạc hơn ba nghìn hộ đều an cư lạc nghiệp. Các bộ lạc khác nghe tin, đa phần dần dần hàng phục, Nghi có công được tấn tước Quan nội hầu.


Vua của đất Tô Kì là Đông Phùng, em của Phùng là Ngỗi Cừ, bọn ấy đã hàng sau lại phản loạn. Nghi xét tội, giết Phùng. Vợ Phùng là con gái của Mao ngưu Vương được Nghi vì đại cục mà tha tội cho. Cừ chạy trốn về phía tây biên giới tây nam. Cừ nhanh nhẹn hung tợn, làm các bộ tộc ở đó rất sợ hãi, Cừ sai hai người thân tín trá hàng Nghi, thu thập tin tức. Nghi biết, hứa sẽ trọng thưởng, lại sai làm phản gián, hai người ấy cùng hợp mưu giết Cừ. Cừ chết rồi, các bộ lạc đều yên ổn. Lại có tù trưởng đất Tư Đồ Lý Cầu Thừa, khi trước đã giết Cung Lộc, Nghi yết bảng truy nã, lùng bắt được, kể rõ tội trạng rồi chém.


Trước Nghi thấy bốn phương tường thành ngoài của quận sụt lở, mới xây một cái ụ nhỏ. Nghi làm quan ba năm, dời về quận cũ, sửa sang thành quách, người Di nam nữ chẳng ai không dốc sức.


Ba huyện Định Tạc, Đài Đăng, Ti Thủy cách quận hơn ba trăm dặm, lâu nay sản xuất muối, sắt và sơn, mà người Di lại chặn các lộ để lũng đoạn. Nghi dẫn thân binh giành lấy quyền kiểm soát, đặt quan lại trông nom. Nghi tới Định Dâu, thủ lĩnh người man di ở đó là Lang Sầm, cậu của Bàn Mộc Vương, rất được người man di tín nhiệm, giận Nghi vô cớ xâm phạm, không đến chỗ Nghi. Nghi sai vài chục tráng sĩ tới thẳng nhà bắt về, đánh đòn tới chết, mang thây về bộ lạc, ban thưởng rất hậu, kể rõ tội ác của Sầm, lại nói: Không được làm xằng, hễ làm giết ngay! Cả bộ lạc đều tự trói tạ tội, Nghi giết trâu mở tiệc khoản đãi, trịnh trọng bày tỏ ân, tín, từ đó thu muối, sắt, đồ dùng rất đầy đủ.


Ở ranh giới quận Hán Gia có giống rợ Mao Ngưu hơn bốn nghìn hộ, thủ lĩnh là Lang Lộ, muốn báo thù cho dượng (chồng cô ruột) Đông Phùng, mới sai chú là Li cùng bộ hạ cũ của Phùng dò xét tình thế. Nghi liệu trước tình hình, đã sai thân tín mang tê, ngưu và rượu úy lạo, lại lệnh cho chị Li là vợ của Phùng tuyên rõ ý định. Li chịu nhận đồ thưởng, lại được gặp chị, chị em đều vui mừng, bèn đưa hết người của mình tới gặp Nghi, Nghi lại thưởng thêm, thết đãi rất hậu rồi cho về. Người Mao Ngưu bởi thế tuyệt không gây loạn nữa.


Quận Việt Tây trước có một con đường, xuyên qua đất Mao Ngưu tới thẳng Thành Đô, bằng phẳng mà lại gần. Do người Mao Ngưu chặn con đường đó đã hơn trăm năm, nên phải đổi đi đường An Thượng, vừa hiểm trở vừa xa. Nghi sai tả hữu mang lễ vật ban cho Lộ, lại trịnh trọng lệnh cho cô của Lộ (vợ Đông Phùng) nói rõ ý định, Lộ bèn đưa hết anh em vợ con tới chỗ Nghi, cùng Nghi lập minh ước, khai thông đường ấy, nghìn dặm đều yên bình, những đình, trạm cũ trên đường đều được khôi phục. Nghi biểu tấu cho Lộ làm Mao Ngưu Tì Vương, lại sai sứ đưa Lộ vào triều cống. Bởi thế Hậu chủ thăng Nghi làm Vũ Nhung tướng quân, vẫn trông coi quận như cũ.


Trước Nghi gặp Đại tướng quân Phí Y, tính Y nhân hậu, tiếp đãi tin tưởng những người mới theo về thái quá, Nghi viết thư khuyên rằng: Trước Sầm Bành (21) thống lĩnh đại quân, lại hay vỗ về gần gũi mà chẳng giữ mình, bị thích khách giết hại, ai cũng thấy việc ấy. Nay tướng quân quyền cao chức trọng, nên trông vào chuyện xưa, cảnh giác một chút. Sau Y quả nhiên bị hàng tướng Ngụy là Quách Tu (22) hại.


Thái phó nước Ngô là Gia Cát Khác mới phá được quân Ngụy, đã rầm rộ hưng binh tính đánh tiếp. Thị trung Gia Cát Chiêm, con của Thừa tướng Lượng, là anh em con chú con bác với Khác, Nghi thư cho Chiêm rằng:


Đông chủ (23) mới băng hà, ấu chúa (24) còn non dại, Thái phó nhận trọng mệnh thác cô, sao có thể dễ dàng được! Tài cao như Chu Công (25), mà còn có biến cố Quản, Sái (26) tung tin xằng bậy; Hoắc Quang (27) gánh vác việc lớn, mà Yên, Cái, Thượng Quan (28) còn âm mưu nghịch loạn; nhờ có Thành, Chiêu (29) sáng suốt, mới thoát được nạn vậy. Trước thường nghe Đông chủ giết, tha, thưởng phạt, không giao cho kẻ dưới, lúc biết mạng mình chỉ còn trong sớm tối, vội vàng triệu Thái phó, di chúc hậu sự, suy nghĩ thật là đúng đắn. Thêm nữa người Ngô, Sở vốn nhanh nhẹn nóng nảy, từ xưa đã có ghi chép, mà Thái phó lại rời Thiếu chủ, xông vào đất địch, sợ rằng chẳng phải kế hay, cái phép trọn vẹn lâu dài vậy. Tuy nói Đông Ngô kỷ cương nghiêm chỉnh, trên dưới hòa kính, nhưng tính trăm điều thế nào chẳng sót một, làm thế chẳng giống suy nghĩ của kẻ sáng suốt. Lấy xưa làm khuôn phép cho nay, nay học theo xưa, phi ngài góp ý trung thực với Thái phó thật chẳng còn ai dám hết lời vậy! Đưa quân về mở rộng nghề nông, chăm chỉ thi hành đức huệ trong vòng vài năm, rồi đông, tây (30) đều cử sự cũng chưa muộn. Xin ngài xét rõ và lựa chọn. Sau đúng như Nghi nói, Khác bị giết cả họ. Hiểu biết, tầm nhìn của Nghi đa phần đều cao minh như vậy. Nghi làm quan ở quận mười lăm năm, bờ cõi đều an hòa. Nghi nhiều lần xin về, triều đình cho về Thành Đô. Người Di quyến luyến không rời, rơi nước mắt, khóc không ra tiếng bên bánh xe, đi qua đất Mao Ngưu, vua đất  ấy địu con sau lưng tới nghênh đón, đi theo tới biên giới Thục Quận, lại đưa hơn trăm người lũ lượt theo Nghi vào triều cống. Nghi về được phong làm Đãng khấu tướng quân. Tính Nghi khẳng khái hào hùng, kẻ sĩ nhiều người yêu mến, nhưng lại phóng đãng khiếm lễ, người ta cũng lấy điều ấy mà chê bai vậy.


Ích bộ kì cựu truyện chép: Xa kỵ tướng quân Hạ Hầu Bá bảo Nghi rằng: Tôi với túc hạ tuy xa lạ, nhưng lại thấy hiểu nhau như bạn cũ, túc hạ nên hiểu ý tôi. Nghi đáp: Tôi chưa biết ngài, ngài chưa biết tôi , đạo lớn (quyền thế, lỹ lẽ) trong tay ngài, hà tất phải nói hiểu nhau! Xin thong thả ba năm sau hãy xét tới lời đó. Kẻ sĩ có kiến thức đều khen ngợi những lời ấy.


Năm ấy là năm Diên Hi thứ mười bảy. Trưởng thành Địch Đạo của Ngụy là Lý Giản gửi mật thư xin hàng, Vệ tướng quân Khương Duy dẫn Nghi xuất binh ra Lũng Tây nhân có Giản làm viện trợ.


Ích bộ kì cựu truyện chép: Nghi có cố tật phong thấp, khi tới Thành Đô dần trở nặng, sau phải chống gậy mới đứng lên được. Lý Giản xin hàng, chư tướng thảo luận đều thấy hồ nghi, chỉ có Nghi bảo chắc chắn đúng. Khương Duy xuất binh, triều đình bàn rằng Nghi vừa mới về, thêm chân có tật không tiện ở tại trung quân, Nghi lại xin tận lực vì Trung Nguyên, dấn thân trước trận tiền. Lúc xuất phát, Nghi từ biệt Hậu chủ, nói: Thần dưới thánh minh, chịu ân không kể xiết, lại thêm thân mang bệnh tật, thường sợ nhỡ một sớm chết đi, cô phụ ơn đãi ngộ. May trời không phụ tâm nguyện, nay thần được tham gia việc quân. Nếu định được Lương Châu, thần xin trấn thủ nơi đó, nhược bằng không được, xin liều mình báo đáp thánh ân. Hậu chủ xúc động, rơi lệ.


Tới Địch Đạo, Giản đưa hết quan dân trong thành ra nghênh đón. Tiền quân Thục giao phong với tướng Ngụy Từ Chất, Nghi ngã xuống trong trận chiến, nhưng cũng giết được vô số. Nghi chết rồi, con cả là Anh được phong làm Tây Hương hầu, con thứ là Hộ Hùng kế tước của cha. Người Di ở Việt Huề đất nam nghe tin Nghi chết, bi thương khóc đến khản tiếng, lập miếu thờ Nghi, bốn mùa cúng tế xin trừ thủy tai, hạn hán. Ích bộ kì cựu truyện chép: Ta xem Trương Nghi dáng mạo hiền từ, chẳng làm người sợ hãi, mà sách lược tính toán sâu xa, quả cảm mạnh mẽ đủ để lập uy, là người bầy tôi có tiết tháo, trung thành, xử sự có phong thái độ lượng, chính trực, hành động mẫu mực, Hậu chủ vô cùng tôn trọng. Những danh sĩ ngày xưa cũng chẳng hơn được vậy!


Thục thế phổ chép: Cháu Nghi là Dịch, đời nhà Tấn làm Thứ sử Lương Châu.


Bình rằng: Hoàng Quyền bụng dạ rộng rãi thuần chính, độ lượng bao la; Lý Khôi chính trực thanh cao, có hoài bão; Lã Khải tiết tháo kiên định; Mã Trung thuần hậu mà nghị lực (31), Vương Bình trung dũng mà nghiêm chỉnh, Trương Nghi hiểu biết, quyết đoán, sáng suốt, quả cảm; tất cả đều có sở trường, dương danh phát tích, gặp được thời vậy.


CHÚ THÍCH

(21)  Sầm Bành là đại tướng nhà Đông Hán thời Quang Vũ Đế. Ông thiếu đề phòng nên lúc đưa quân vào đất Thục bị thích khách giết chết.

(22)  Trong Phí Y truyện chép là Quách Tuần ( ) giết Phí Y. Ở đây lại chép là Quách Tu (郭脩) giết.

(23)  Chỉ Tôn Quyền.

(24)  Tôn Lượng, con Tôn Quyền.

(25)  Chu Công tên thật là Cơ Đán, là một đại hiền thần nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc. Ông là con vua Văn Vương, giúp đỡ vua Vũ Vương nhà Chu điều hành chính sự, rồi lại tiếp tục coi sóc việc nước giúp con Vũ Vương là Thành Vương. Người ta hay so sánh những hiền thần với Chu Công – Y Doãn.

(26)  Quản, Sái là Quản Thúc, Sái Thúc. Hai người đều là con Văn Vương, vì mưu đồ riêng mà tung tin Chu Công muốn tiếm quyền đoạt vị, nhưng thất bại, sau dấy binh nổi loạn, bị tiêu diệt.

(27)  Hoắc Quang là đại thần phụ chính thời Hán Chiêu Đế. Ông cũng là một danh thần nổi tiếng trong lịch sử Trung Quốc.

(28)  Yên là Yên Vương Lưu Đán, Đán với Hán Chiêu Đế đều là con của Hán Vũ Đế. Cái là Cái Trường công chúa. Thượng Quan là Thượng Quan Kiệt, một quan trong triều Hán. Ba người này âm mưu phản loạn, giết Hoắc Quang, lập Yên Vương làm vua, nhưng việc không thành.

(29)  Thành là vua Thành Vương nhà Chu. Chiêu là Chiêu Đế nhà Hán. Hai vị vua này đều sáng suốt nhận thức được những lời dèm pha đại thần, bởi thế Chu Công và Hoắc Quang đều được yên ổn.

(30)  Chỉ Đông Ngô và Tây Thục.

(31)  Đoạn này còn một chú thích ngắn của Bùi Tùng Chi, để giải thích cho đoạn Trần Thọ bình về Mã Trung. Nguyên văn đoạn chú thích của Bùi Tùng Chi là : 书⽈:扰⽽毅.郑⽞注⽈:,驯也.致果 ⽈毅. Tạm dịch là Thượng Thư ghi: Nhiễu nhi nghị. xuất xứ từ 【書臯陶謨】擾⽽毅。【註】馴擾⽽果毅 Cao Dao Mô của kinh Thư. Trịnh Huyền chú thích: Nhiễu là tuần phục. Quả cảm gọi là nghị.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét