Vương Bình |
VƯƠNG BÌNH TRUYỆN
Vương Bình tự Tử
Quân, người ở huyện Đãng Cừ quận Ba Tây. Nguyên trước vốn là con nuôi họ Hà,
sau mới đổi lấy lại họ Vương. Từng theo Đỗ Hoạch - Phác Hồ đến Lạc Dương, được
làm Giả Thái uý, theo Tào Công đánh Hán Trung, nhân đó theo hàng Tiên chủ, được
bái làm Nha môn tướng, Bì tướng quân.
Năm Kiến Hưng thứ 6,
theo giúp Tham quân Mã Tắc làm tiên phong. Tắc bỏ nguồn nước đóng quân trên
núi, làm việc tuỳ tiện. Bình cố sức khuyên can Tắc, Tắc không theo kế, nên đại
bại ở Nhai Đình, binh sỹ tan tác hết cả, Bình chỉ có hơn 1.000 quân, sai thúc
trống giữ trận, Nguỵ tướng Trương Cáp nghi có phục binh, không dám tiến quân
truy đuổi. Thế rồi Bình từ từ thu gom binh sỹ tan tác ở khắp nơi, đốc suất tướng
sỹ lui về. Thừa tướng Gia Cát Lượng giết Mã Tắc cùng với tướng quân Trương Hưu
- Lý Thịnh, tước binh quyền cùng quân sỹ của tướng quân Hoàng Tập, riêng Bình bởi
có công lao hiển hách, được phong chức làm Tham quân, thống quản ngũ bộ kiêm chức
Đương doanh bộ, sau lại được thăng làm Thảo khấu tướng quân, Phong đình hầu.
Năm Kiến Hưng thứ 9,
Lượng vây Kỳ Sơn, Bình được giữ riêng một cánh quân ở phía Nam. Nguỵ Đại tướng
quân Tư mã Tuyên Vương tấn công Lượng, Trương Cáp đánh quân của Vương Bình,
Bình kiên quyết cố thủ không vọng động, Cáp không thắng được. Năm Kiến Hưng thứ
12, Lượng chết ở Vũ Công, trong lúc rút quân, Nguỵ Diên làm loạn, chỉ một trận
đã bị bại, chính bởi công lao của Bình vậy. Bình được thăng làm Hậu điển quân,
An hán tướng quân, làm phó cho Xa kỵ tướng quân Ngô Nhất (tay này là Ngô Ý đây
- cụ Luộc sợ phạm húy nên viết chệch tên tay này đi) trấn thủ Hán Trung. Năm Kiến
Hưng thứ 15, Bình được tiến phong làm An hán hầu, thay Nhất làm Đốc quân Hán
Trung.
Năm Diên Hi nguyên
niên, Đại tướng quân Tưởng Uyển đóng quân ở Miện Dương, Bình được đổi làm Tiền
hộ quân, được đặt sở thự ở ngay phủ sự của Uyển. Năm Diên Hi thứ 6, Uyển dẫn
quân về đóng ở Phù Thành, bái Bình làm Tiền giám quân, Trấn Bắc Đại tướng quân,
thống lĩnh quân sự ở Hán Trung.
Năm Diên Hi thứ 7 mùa
xuân, Đại tướng quân nhà Nguỵ là Tào Sảng dẫn quân bộ kỵ binh hơn 10 vạn người
tiến đánh Hán Xuyên, quân tiên phong đã đóng ở Lạc Cốc. Bấy giờ binh sỹ giữ Hán
Trung chưa đến 3 vạn người, chư tướng đều kinh hoảng. Ai cũng nói rằng: “Nay
binh lực của chúng ta không đủ để cự giặc, nên lui quân chống giữ hai thành Hán
- Lạc, phòng ngộ lỡ quân địch xâm nhập vào được, sau đấy, ta lấy quân ở Phù
Thành đến cứu quan ải mới được”. Bình nói: “Không nên. Từ Hán Trung đến Phù
thành xa ngàn dặm. Ví như kẻ địch lấy được cửa quan, ấy mới là hoạ vậy. Nay nên
phái Lưu hộ quân, Đỗ tham quân giữ vững ở Hưng Thế sơn, Bình tôi ở phía sau cự
địch; ví bằng quân địch chia binh mà tiến vào sâu, Bình tôi sẽ lĩnh hơn ngàn
quân đến đánh, đến lúc ấy, quân ở Phù Thành mới đến cứu kịp, thế mới là thượng
sách vậy”. Chỉ có Hộ quân Lưu Mẫn đồng ý với Bình, Bình lập tức thi hành. Sau đấy
ba quân ở Phù Thành cùng Đại tướng quân Phí Vỹ từ Thành Đô đến chi viện, quân
Nguỵ phải lui về, quả đúng như dự liệu của Bình.
Lúc bấy giờ Đặng Chi ở
phía Đông, Mã Trung ở phía Nam, Vương Bình ở cõi Bắc, đều là danh tài lương tướng
rõ rệt vậy.
Vương Bình vốn xuất
thân từ quân ngũ, không biết đọc viết, chẳng biết quá 10 chữ, mà nói năng nhận
mệnh nghe thư giao việc, đều hợp đạo cả. Bình lệnh cho người khác đọc các truyện
ở Sử ký-Hán thư, chỉ nghe đọc mà hiểu rõ đại nghĩa, thường xuyên luận bàn nói
năng chẳng sai đạo lý chút nào. Lại tuân thủ pháp độ, chẳng hề bỡn cợt hài hước,
ngồi làm việc suốt ngày, từ sớm đến tối, rất nhẫn nại không giống với những
viên võ tướng khác, tuy nhiên tầm nhìn hạn hẹp, thiếu phong thái của bậc đại tướng,
ấy cũng bởi vì thiếu học thức vậy. Năm Diên Hi thứ 11 Bình chết, con là Huấn nối
tự.
Khi trước, cùng thời
với Bình có một người ở quận Hán Xương là Cú Phù vốn trung dũng mà khoan hậu,
người ấy cũng có chút công lao, công danh tước vị kém sút hơn Bình, sau làm
quan đến Tả tướng quân, được phong làm Đãng Cừ hầu.
Hoa Dương quốc chí
chép: Sau này Trương Dực, Liêu Hoá đều làm Đại tướng quân, người thời bấy giờ
thường nói rằng: Trước đây có Vương, Cú; sau này có Trương, Liêu”
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét