Thứ Ba, 22 tháng 11, 2022

TÔNG DỰ TRUYỆN

 


TÔNG DỰ TRUYỆN


Tông Dự tự Đức Diễm, người An Chúng quận Nam Dương. Giữa những năm Kiến An (Dự) theo Trương Phi vào Thục. Đầu những năm Kiến Hưng, Thừa tướng Lượng dùng (Dự) làm Chủ bộ, rồi thăng lên Tham quân Hữu Trung lang tướng. Khi Lượng chết, Ngô lo Nguỵ có thể thừa lúc Thục suy sụp mà đánh chiếm, bèn điều thêm hơn vạn quân ra trấn giữ Ba Khâu, một phần muốn sẵn sàng cứu viện (cho Thục), phần khác muốn tính đường xâm lấn chia cắt Thục. Thục nghe tin, cũng tăng cường phòng ngự ở Vĩnh An, thủ giữ cẩn thận khác thường. Dự sang sứ nước Ngô. Tôn Quyền hỏi Dự rằng: ”Đông cùng với Tây, giống như một nhà, nhưng ta nghe tin, Tây tăng cương phòng ngữ ở Vĩnh An. Sao lại thế?” Dự đáp rằng: ””Thần nghĩ Đông thêm quân trấn thủ ở Ba Khâu, Tây tăng cường phòng ngự thành Bạch Đế, cùng là sự thế tự nhiên, đều không phải hỏi gì nhau cả.”” Quyền cười lớn, khen là cương trực, tiếp đãi (Dực) rất thân mật, xem trọng không khác gì Đặng Chi, Phí Y. (Dự về nước) được thăng làm Thị Trung, rồi chuyển làm Thượng Thư. Năm Diên Hi thứ mười được dùng làm Đồn Kỵ Hiệu uý. Gặp lúc Xa kỵ Tướng quân Đặng Chi từ Giang Châu trở về, lên triều bảo Dự rằng: ”Theo Lễ mà nói,sáu mươi tuổi không mặc giáp trụ nữa, nhưng nay ngài lại phụng mệnh cầm quân, sao lại thế?” Dự đáp: ”Ngài bảy mươi tuổi chưa trả lại binh giáp, sao tôi sáu mươi tuổi lại không nhận được.”


Thần Tùng Chi bàn rằng: Chi tuổi cao hơn Dự, đúng là không biết tự xét mình. Nhưng Dự đáp như vậy cũng là phạm vào điều người ta kiêng kỵ. Mà ghi chép đến cả chuyện này thì đã gần với loại văn chương rườm rà nhàm chán vậy.


Chi tính cách kiêu căng, từ Đại Tướng quân Phí Y trở đi đều nhún nhường tránh nế, chỉ có Dự là là mội mình không chịu phục. Dự lại phục mệnh sang đông thông sứ với Ngô, Tôn Quyền nắm chặt tay Dự, lúc chia tay rơi lệ nói: ”Ông thường vâng mệnh sang kết thân tình hai nước. Nay ông tuổi đã cao, Cô cũng già yếu, sợ không thể lại cùng nhau tương hội nữa.” tặng lại Dự một hộp chân châu thượng hạng(7).


Ngô lịch viết: Dự sắp chia tay, nói với Tôn Quyền: ”Đất Thục hẻo lánh bé nhỏ, dẫu thế vẫn là lân quốc, Đông - Tây nương tựa lẫn nhau, Ngô không thể không có Thục, Thục không thể không có Ngô, vua tôi nhờ cậy, riêng có bệ hạ coi trọng suy nghĩ của thần.” Lại tự nói: ”Tuổi già lắm bệnh, sợ không còn được trở lại để phụng sự bệ hạ .”


Tôn Thịnh bình rằng: ”Người gánh vác trách nhiệm đế vương, chỉ (cần có) đạo lý và tín nghĩa. Đạo nghĩa đã dựng xây đầy đủ, dù nhỏ cũng có thể thành lớn, như nhà Ân(8), nhà Chu(9) vậy.Cẩu thả đảm đương thứ quyền thế hư nguỵ, dẫu mạnh mà tất bại, như Tần(10), Hạng(11) vậy. Huống hồ chiếm vài thành nhỏ ở chốn biên thuỳ hẻo lánh, cậy vào núi sông bền vững mà muốn nối liền vạn dặm, mãi mãi nương tựa vào nhau sao? Xưa chín nước theo kế tụ hội liên minh, mà cuối cùng người Tần(12) gồm thâu thiên hạ; Hiêu(13), Thuật(14) tính kế dựng quân doanh nương tựa vào nhau, mà cuối cùng Quang Vũ(15) kiêm tính cả Lũng Thục. Người ta bằng vào cái mạnh của chín nước, cái lớn của vùng Lũng, Hán còn tuyệt chẳng tương cứu nổi nhau, (huống hồ) ngồi mà xét đoán chuyện nghiêng đổ cơ đồ, hỏi ai có thể làm được. Cái căn bản đạo đực vốn không vững chắc nên việc mạnh yếu trong lòng cũng khó mà vững chắc theo. Nói rằng: ”Ngô không thể không có Thục, Thục không thể không có Ngô” há chẳng phải là siểm nịnh vậy thay.


(Dực) trở về, được thăng Hậu Tướng quân, coi sóc công việc ở Vĩnh An, sau được bái làm Chinh Tây Đại Tướng quân, ban tước Quan Nội hầu. Năm Cảnh Diệu thứ nhất vì có bệnh phải trở về Thành Đô. Sau lại được dùng làm Trấn Nam Đại Tướng quân, lĩnh Duyện Châu Thứ Sử. Khi Đô Hộ Gia Cát Chiêm mới lên nắm đại sự trong triều, Liêu Hoá đến thăm Dự, muốn cùng Dự tới bái phỏng hứa hẹn phụng sự cho Chiêm. Dự nói: ”Bọn ta tuổi đã bảy mươi, thời đã qua rồi, chỉ một chút nữa là chết thôi, hà tất phải phải cầu cạnh ở người trẻ tuổi để ý tới mà xây đắp mối manh cho.” Rồi không qua lại (với Chiêm).


Liêu Hóa tự Nguyên Kiệm, vốn tên là Thuần, người Tương Dương. Vốn làm Chủ Bộ cho Tiền Tướng quân Quan Vũ. Vũ bại, (đất Kinh Châu) thuộc Ngô. (Hoá)muốn theo về với Tiên Chủ, bèn giả chết, đương thời mọi người đều tin là thật, (Hoá) nhân thế đang đêm cõng mẹ già chạy về phía tây. Khi Tiên Chủ Đông chinh, gặp Hoá ở Tỉ Quy, rất mừng, lấy Hoá làm Nghi Đô Thái Thú. Tiên Chủ băng, (Hoá) làm Tham Quân phủ Thừa tướng, sau làm Đốc ở Quảng Vũ, rồi được thăng làm Hữu Xa Kỵ Tướng quân, ban giả tiết, lĩnh Tịnh Châu Thứ Sử, phong Trung Hương Hầu, nổi tiếng cương liệt. Địa vị ngang hàng với Trương Dực nhưng rất thân thiết với Tông Dự.


Hán Tấn Xuân thu viết: Năm Cảnh Diệu thứ năm, Khương Duy dẫn quân ra Địch Đạo, Liêu Hoá can: ”Việc dùng binh không kết thúc, tất tự thiêu mình”, Bá Ước có biết ý nghĩa của câu ấy chăng. Trí không hơn giặc, lực kém hơn thù, dụng (binh) không biết đủ, sao có thể thành nghiệp lớn được. Kinh Thi viết: ”Cái gì trước không phải của mình, sau cũng không phải của mình” chính là việc ngày hôm nay vậy.


Năm Hàm Hi thứ nhất, Hoá Dự đều bị bắt chuyển đến Lạc Dương, rồi mắc bệnh chết.

 

CHÚ THÍCH

 (7) Nguyên văn: 遗预⼤珠⼀斛: di dự đại châu nhất hộc.

(8) Ân: Nhà Ân là triều đại đầu tiên được công nhận về mặt lịch sử của Trung quốc, khởi đầu là một chư hầu nhỏ nằm ở phía tây sông Vị của nhà Hạ, sau kiêm tính cả nước.

(9) Chu: Nhà Chu, triều đại tiếp sau nhà Ân, khởi đầu cũng là một chư hầu nhỏ nằm ở phía tây của nhà Ân.

(10) Tần: Chỉ nhà Tần, gồm thâu thiên hạ nhưng chẳng bao lâu bị diệt vong.

(11) Hạng: Chỉ Hạng Võ.

(12) Nước Tần phá vỡ các liên minh cuối thời Đông Chu thống nhất Trung Quốc.

(13) Hiêu: Thủ lĩnh cát cứ khu vực Lũng Tây, đông nam Cam Túc thời Vương Mãng, liên minh với Công Tôn Thuật ở Thục.

(14) Thuật: Công Tôn Thuật thủ lĩnh cát cứ đất Thục cuối thời Vương Mãng.

(15) Quang Vũ: Hán Quang Vũ đế sáng tổ Hoàng đế nhà Đông Hán.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét