Thứ Ba, 22 tháng 11, 2022

DƯƠNG HÝ TRUYỆN

 


DƯƠNG HÝ TRUYỆN


Dương Hí tự Văn Nhiên, người đất Vũ Dương quận Kiện Vị. Tuổi nhỏ cùng Trình Kỳ (tự) Công Hoằng(16) ở Ba Tây, Dương Thái (tự) Quý Nho(17) ở Ba Quận, Trương Biểu (tự) Bá Đạt ở Thục Quận đều sớm nổi danh. Hí thường được xem là người tài ba nhất, Thừa tướng Lượng rất thưởng thức.


Khi Hí hơn hai mươi tuổi, làm Đốc Quân Tòng Sự tham dự công việc trong Châu giữ chức Điển Hình Ngục. (Hí) Phân xử hình luật xem xét tồn nghi, được gọi là Bình Đương(18), quan trên thăng làm Chúc Chủ Bộ(19). Khi Lượng chết, (Hí) đang làm Thượng Thư Hữu Tuyển Bộ Lang(20), Thứ Sử Tưởng Uyển mời làm Thị Trung Tòng Sự Sử. Khi Uyển lập phủ Đại Tướng Quân lại lấy (Hí) làm Đông Tào Duyện, rồi thăng làm Tham Quân Nam Trung Lang, phụ tá Trù Hàng Đô Đốc, lĩnh Kiến Trữ Thái Thú. (Hí) mắc bệnh được triệu về Thành Đô làm Hộ Giám Quân sau ra nhận chức Tử Đồng Thái Thú, rồi lại trở về triều làm Xạ Thanh Hiệu Uý. Địa phương (Hí từng cai quản) đều được thái bình, dần tình giữ phép không có việc lôi thôi. Năm Diên Hi tứ hai mươi, (Hí) theo Đại Tướng Quân Khương Duy dẫn quân đến Mang Thuỷ. Hí vốn trong lòng chẳng phục Duy, những khi uống rượu thường có lời lẽ châmchọc khinh nhờn. Duy ngoài khoan dung trong kiêng dè, thành kiến không cởi bỏ. Đại quân trở về, có người vâng lệnh (Duy) tấu trình sự việc lên. Hi bị bãi chức thành thường dân. Sau chết vào năm Cảnh Diệu thứ tư.


Tính Hí giản dị lười biếng không quan cách, ít khi lấy lời lẽ ngọt nhạt đối xử với người chỉ qua chân tình mà gần gũi sự việc. Viết phù lệnh chỉ đạo sự vụ không mấy khi đầy đủ giấy tờ. Nhưng đối với bạn cũ rất chân tình, giữ lòng thành quan tâm sâu nặng đến nhau. (Hí) với người ở Ba Tây là Hàn Nghiễm và Lê Thao chơi với nhau từ thưở nhỏ. Sau Nghiễm mắc bệnh ra người tàn phế, Thao không có sự nghệp gì, muốn tự vẫn. Hí lo liệu gánh vác giúp đỡ an ủi, tình thân khăng khít như lúc ban đầu. Lại thêm bấy giờ người đời đàm luận, cho răng Tiếu Chu chẳng phải đương thế nhân tài, ít người coi trọng. Riêng Hí đánh giá (Chu) rất cao, từng khen rằng: ”Con cháu bọn ta cuối cùng vẫn không bằng được người trẻ tuổi tài ba này.” Kẻ sĩ đương thời vì vậy mà quý mến Hí.


Trương Biểu dáng dấp phong đô uy nghiêm, lúc đầu danh vị ngang bằng với Hí, sau làm đến Thượng Thư, nhận chức Trù Hàng Hậu tướng quân, chết trước Hí. (Trình) Kỳ, (Dương) Thái đều mất sớm.


Hí cùng người trong huyện có tiến cử một người là Lý Mật. Tổ phụ Mật là Quang từng làm Thái Thú Chu Đề, cha (Mật) mất sớm, mẹ họ Hà, cải giá theo người khác. Mật nhờ tổ mẫu nuôi dưỡng cho đến lớn, nghiên cứu Xuân Thu Tả truyện, đọc nhiều hiểu rộng, kiến thức uyên bác lại nhanh nhẹn mẫn tiệp giỏi biện luận. Thờ tổ mẫu rất có hiếu, khi trông nom (tổ mẫu) đau ốm thì lén thở dài rơi lệ, đêm ngày không cởi áo(21), ăn uống thuốc thang nhất nhất đều tự nếm trước. Mệnh lệnh và lễ lạt ở bản quận (Mật) đều không đáp ứng. Châu mời làm Tòng Sự Thượng Thư Lang, sau làm Đại tướng quân Chủ Bộ, rồi Thái Tử Tẩy Mã, được sai sang sứ nước Ngô. Ngô Chủ hỏi Thục ngựa nhiều hay ít, (Mật) đáp: ”Của công có thừa, dân gian tự đủ.” Ngô Chủ cùng quần thần bàn luận chuyện đạo nghĩa, cho rằng địa vị của lợn là em người. Mật nói: ”Đúng ra phải là anh người.” Ngô Chủ nói: ”Sao có thể là anh?” Mật đáp: ”Là anh nên cung đốn nuôi dưỡng người ta đã bao ngày.” Ngô Chủ cùng quần thần đều khen hay. Sau khi Thục mất, Chinh Tây tướng quân Đặng Ngải, nghe danh, mời (Mật) làm Chủ Bộ, gửi thư gọi, muốn cùng gặp mặt mà Mật không chịu tới. Vì tổ mẫu tuổi cao, lòng dạ chỉ chuyên chú vào việc chăm lo phụng dưỡng. Tấn Vũ Đế lập Thái Tử, gọi Mật làm Thái Tử Tẩy Mã. Chiếu thư hạ xuống, quận huyện liền bức bách sai bảo (Mật lên đường). Mật dâng thư rằng: ”Thân mang điềm triệu nguy nan, sớm gặp ưu phiền hoạn nạn. Sanh vừa được sáu tháng, từ phụ đã qua đời. Sống mới được bốn năm. dượng lại đoạt lòng mẹ. Tổ mẫu già nua, thương thần mồ côi non nớt đem về nuôi. Thần lúc nhỏ lắm bệnh tật, chín tuổi chưa cứng cáp, cô khổ linh đinh. Đến khi trưởng thành đã không còn chú bác, cũng chẳng có anh em. Của nhà sa sút, phúc khí mong manh, muộn con thiếu cháu. Ngoài không có họ hàng gần gũi làm nên huân nghiệp, trong thiếu cả thư đồng sau của đáp lời. Âu sầu cô độc, bóng treo vào hình. Hơn nữa (tổ mẫu thần) vốn xác xơ sớm đeo bệnh tật, luôn ở trên giường, lệ thuộc vào thuốc thang, chưa từng tách rời trừ bỏ được. Kíp đến khi thờ phụng thánh triều, tắm gội giáo hoá sáng trong, trước có Thái Thú của thần xem xét mở đường cho thần lên chức Hiếu Liêm, sau có Thứ Sử bản châu tiến cử cho thần giữ chức Tú Tài. Thần vì không có người chăm nuôi (tổ mẫu) đã tạ từ không dám nhận. Chiếu thư đặc cách ban xuống, trao cho thần chức Lang Trung, lại nhờ quốc ân, phong thần làm (Thái Tử) Tẩy Mã, không chê là hèn mọn bần tiện cho thần đảm đương hầu hạ Đông Cung. Nếu không có thần thì lấy đầu người lo công việc ở địa phương về hồi báo. Thần đã soạn biểu văn, tạ không nhận chức. Nhưng chiếu thư uy nghiêm, cật vấn thần lười biếng vô lễ. Quan lại ở quận huyện cũng bức hiếp ép buộc, dục thần sớm lên đường. Ti sở địa phương đến tận cửa, nóng nảy như lửa cháy. Thần những muốn tuấn chiếu ruổi rong (tới Kinh Sư) thì bệnh (của tổ mẫu) hôm ấy liền trở nặng. Thần đành cẩu thả thuận theo tư tình, kêu xin thỉnh cầu cho được không theo lời hứa. Việc tiến thoái của thần thật là khốn khó vậy. Cúi nghĩ rằng thánh triều ta lấy đức hiếu mà trị thiên hạ, phàm người già lão đều được đội ơn trên thương xót đến, huống chi thần cô đơn khổ sở, tình cảnh càng thêm đặc biệt. Vả chăng, thần chỉ là kẻ sĩ kém cỏi của giả triều(22), trải qua một chức quan nhỏ, trên đường hoạn lộ chẳng giữ được danh tiết. Nay chỉ như một kẻ vong quốc tầm thường, nhỏ bé đến thấp hèn, mông ơn đột nhiên cất nhắc đề bạt, được ưu ái mà lo sợ, rất đỗi bàng hoàng, há còn quanh co mà mong ngóng điều gì khác? Chỉ có điều ngày dài mà vầng dương đã chiếu chốn non tây, (tổ mẫu thần) hơi thở trầm trầm, mệnh người nhỏ nhoi ngắn ngủi, sớm chẳng lo được đến chiều. Thần không có tổ mẫu sao có được ngày hôm nay. Tổ mẫu vắng thần, tất cũng chẳng còn gì trong những tháng năm sau cuối. Bà cháu hai người số phận găn kết vào nhau, vì thế chút chút chẳng dám bỏ đi xa. Thần năm nay bốn mươi bốn tuổi, tổ mẫu già nua tuổi đã chín mươi sáu. Thế là ngày tháng để thần tận  hết lòng  trung  với bệ hạ còn  dài mà thời gian  để thần  báo  ơn dưỡng dục chẳng còn bao lâu nữa. Chim quạ tư tình(23), thần xin được bệ hạ khoan thứ mà săn sóc tổ mẫu cho trọn vẹn. Nỗi đắng cay khổ sở của thần, nhị vị châu mục bá chủ cùng nhân sĩ đất Thúc đều sáng suốt hiểu rõ, hoàng thiên hậu thổ cũng cùng chứng giám không sai. Mong bệ hạ thương xót phận ngu hèn, thành toàn cho chí nguyện làm kẻ thảo dân, gánh vác đạo hiếu  trong những năm tháng cuối của thần. Thần không hơn khuyển mã nguyện sống dâng đầu, chết kết cỏ báo ơn!” Vũ Đế xem biểu nói: ”Mật không phải là người chỉ có danh mà thôi”, lại khen là người chân thật thành khẩn, ban cho nô tì hai người, truyền cho quân huyện lo lắng săn sóc đến việc ăn uông của tổ mẫu Mật. Khi tổ mẫu Mật chết, đoạn tang, Mật giữ hàm Thượng Thư Lang, đảm nhiệm chức lệnh ở Ôn huyện thuộc Hà Nội, dậy dỗ dân tình pháp luật rất nghiêm minh. Các vương hầu ở Trung Sơn mỗi khi đi qua Ôn huyện tất đòi hỏi được cung phụng, là nỗi ưu tư của dân chúng và quan lại địa phương. Kíp khi Mật đến, Trung Sơn Vương đi qua huyện muốn đòi hỏi rơm cỏ củi đuốc. Mật trước dẫn tích (Hán) Cao Tổ về đất Bái, lấy lễ đối xử với già trẻ, cung đốn cho quê hương, không chút phiền nhiễu, ”cúi nghĩ các vị minh vương đều suy xét rõ khuôn phép của đạo hiếu, trước đã hiểu được lời khuyên răn của tổ tiên, nhin ra lề lối của nước ta. Nay đang ca lại múa, yêu sách đòi hỏi từ những thứ nhỏ nhặt, tôi chưa từng thấy mạng lệnh nào như vậy.” Từ đó về sau, các vương đi qua (Ôn huyện) không dám phiền nhiễu nữa. Lũng Tây Vương Tư Mã Tử Thư rất kính trọng Mật nhưng các nhà quyền quý khác thì rất sợ sự công trực (của Mật). Mật rời chức vụ, về làm Đại Trung Chính(24) ở châu, tính cách ngay thăng trung thực, không hề né tránh kiêng kỵ kẻ có quyền lực địa vị. Sau làm trái phương lược của Tuân Úc(25), Trương Hoa(26) bị chuyển làm Hán Trung Thái Thú, các vương phần lớn rất căm ghét. Được một năm Mật từ quan, lúc sáu mươi tư tuổi thì mất.


Để lại trước tác mười thiên lý luận, An Đông tướng quân Hồ Hùng cùng Hoàng Phủ Sĩ An đều khen ngợi.


Vào năm Diên Hi thứ tư, Hí soạn ra Quý Hán Phụ Thần Tán(27) theo lối văn xưng tụng. Nay phần lớn những điều chép trong Thục Thư đều được nhắc đến ở đó. Do vậy công hầu chết nếu chưa được truy thuỵ, sự việc còn hoài nghi có chỗ xem xét rõ đầu mối mà không còn nghi ngờ vào thư tịch nữa. Những người được Hí ngợi ca song không được chép thành truyện tôi(28) đều chú thích trần thuật rõ đầu cuối ở bên dưới, để khả dĩ phảng phất biết được sự tích.


Xưa Văn Vương được ngợi ca nhờ đức sáng, Vũ Vương được ngợi ca nhờ nghiệp dựng lên. Người làm chủ số mạng trong đời, lập thân hành đạo không phải chỉ ở trong một lúc mà lại bởi mở mang nền móng, vun trồng sự nghiệp rực rỡ đến mai sau. Trung hoa ta từ thời Hán mạt giềng mối vương đạo bỏ mất gốc rễ, anh hùng hào kiệt cùng nhau quật khởi, đường lối thịnh vượng không thể hình thành, mạng người như bùn đất. Ở vào thời thế ấy chủ ta vốn có lòng lo nghĩ xót thương. Ban đầu từ Yên, Đại nêu gương nhân hiệp tiếng tăm rỡ ràng. Đường đi tự Tề, Lỗ phong độ anh hùng khắp chốn lưu truyền. Sự nghiệp tạm gửi nơi Kinh, Dĩnh lòng dân theo chủ hướng về. Trông nom cứu giúp đất Ngô, Việt kẻ hiền ngu nương nhờ tin tức. Uy nghiêm phấn chấn vùng Ba, Thục vạn nhà rung động đón mời. Quân binh hùng mạnh gồm Dong, Hán đầu giặc thu về tích còn đây. Cho nên có thể kế tục điềm triệu ứng vào Cao Tổ, khôi phục hương hoả hoàng triều nhà Hán. Nhưng kẻ ác hung tàn gian hiểm, nhiều lần chinh phạt chưa xong. Bởi vậy quân chính nghĩa bến Mạnh Tân(29) lại đợi chờ bày trận trên đất Minh Điều(30). Khó  đoán việc bất ngờ, lộc trời có lúc tận. Dù thu hút nhân tâm quy tụ về một mối, vạn quốc đều có kẻ theo về, đương thời tuấn kiệt dìu dắt an định giang sơn, tận tâm sức mang trong mình đức sáng, song những bậc uy nghi trác việt có thể thẩm xét (mà nêu danh) được. Nhân đó bèn bầy tỏ hết phong độ tốt lành để đời sau được rõ. Lời ấy nói:


Gốc rễ Hoàng Đế còn để lại, thấm nhuần khắp bốn phương, đặc biệt ở Trung Sơn(31), anh linh chung đúc lại, theo kỳ vọng sinh ra, như rồng cất mình vút cao lên vượt đời thường. Trước lấy đất Yên đất Đại, làm bá đất Dự, làm chủ đất Kinh. Ngô Việt phải nương nhờ, xa trông phong thái khẩn cầu kết minh. Gĩư Ba, chiếm Thục, Dong Hán cùng theo. Khôi phục thứ tự của đất trời, mưu nghi an định việc tế tự. Bước theo nền tảng, tiếp tục việc xưa, gieo đức tốt, để tiếng thơm. Hoa Hạ cùng xưng tụng, làm bá trời tây, mở mang điềm lành cho thời thế tới, trải qua chuyển vận đi đến chấn hưng - Tán Chiêu Liệt Hoàng Đế.


Trung Vũ xuất chúng tài ba. Dâng kế chỗ bến sông, dựa vào Ngô, nắm lấy Thục, quyền biến của bản thân xác đáng với thời cuộc. Nhận di chiếu làm chấp chính, sửa sang võ bị, sắp đặt điển chương, bày ra giáo hoá phẩm hạnh, lo liệu đổi thay lề lối khiến kẻ hiền người ngu đều hết lòng đến quên cả thân mình. Gĩư yên khắp trong nước, luôn luôn vào đất giặc, làm rạng rỡ uy phong. Một lòng vì việc nước, hận chưa thoả ước mong - Tán Gia Cát Thừa Tướng.


Tư Đồ phong thái thanh cao, khi đàm luận khi bàn bạc, mở lòng thương đến nhân quần, âm vang như tiếng ngọc khua - Tán Hứa Tư Đồ.


Quan, Trương hùng dũng, xuất thân giúp đời, dìu dắt vương sư, mạnh mẽ oai hùng, che trở cho tả hữu, chuyển thân bay bổng như điện chớp. Vượt gian nan giúp chúa thành đại nghiệp, công tích ngang Hàn, Cảnh, thanh danh đức độ kề nhau. Đối với người không kể lễ, xét rõ được kẻ gian, thương nỗi coi nhẹ điều lo nghĩ mà vì nước bỏ mình - Tán Quan Vân Trường, Trương Ích Đức.


Phiêu Kỵ quật khởi, liên kết các nơi, tập hợp thủ hạ, đứng đầu Tam  Tần(32), giữ vừng Đồng, Hà(33). Tổ tông mưu tính cho triều đình mà bị nghi ngờ này nọ, để kẻ thù thừa cơ xích mích nên ra nỗi binh bại nhà tan. Ngược đường về với đức, gởi gấm vào phượng, nương tựa vào rồng - Tán Mã Mạnh Khởi. Dực Hầu cao mưu, lo liệu thời thế hưng suy, phó thác chí lớn vào chân chủ, lúc thuận tòng khi thương thảo, vừa toan tính đã định ra sách lược, nhìn sự việc biết huyền cơ - Tán Pháp Hiếu Trực.


Quân Sư tài giỏi, ngời ngời phong độ thanh cao, dốc hết vận số vì minh chủ, trung thành từ tận trong tâm, chỉ nghĩa ấy đã đủ để tôn sùng, huống hồ báo đức quên mình - Tán Bàng Sĩ Nguyên.


Tướng Quân đôn hậu hào hùng, bẻ núi cao, vượt gian khó, dựng lên huân lao lập thành sự nghiệp, chính là cốt cán của một thời - Tán Hoàng Hán Thăng.


Chưởng Quân thanh thao cần kiệm, chẳng theo lề lối ngày thường, lời thẳng thắn chỉ lo cho việc nươc, dân vẫn nhớ đến phép tắc của ngài - Tán Đổng Âú Tể.


An Viễn ý chí cương cường, nghi ngơi vẫn còn hiển hách, coi nhẹ tài vật thành tích lớn lao, gắp khó khăn chẳng sờn lòng, lấy ít thắng nhiều, giữ tròn sự nghiệp một phương xa - Tán Đặng Khổng Sơn.


Khổng Sơn tên là Phương, người Nam Quận. Làm Kinh Châu Tòng Sự rồi theo Tiên Chủ vào Thục. Đất Thục được bình định, ra làm Kiện Vị Chúc Quốc Đô Úy, nhân khi đổi tên các quận chuyển làm Chu Đề Thái Thú rồi được chọn làm An Viễn Tướng Quân, Trù Hàng Đô Đốc đóng ở huyện Nam Xương. Chết năm Chương Vũ thứ hai. Việc làm bị thất truyền nên không viết thành truyện.


Dương Uy là bậc tài năng, thở than văn vũ, gánh vác quốc sự, sửa sang chức trách, vui vầy đặt ra lề lối luận đàm, mưu toan việc kinh thương lại có tài thực hiện, có nghĩa lý, biết thứ tự - Tán Phí Tân Bá.


Tân Bá tên là Quan, người huyện Minh quận Giang Hạ. Mẹ Lưu Chương là cô họ Quan. Chương lại gả con gái cho Quan. Vào năm Kiến An thứ mười tám, Quan theo quân Lý Nghiêm ra chống Tiên Chủ ở Miên Trúc, rồi theo Nghiêm cùng ra hàng. Tiên Chủ bình định Ích Châu, bái Quan làm Tỳ Tướng Quân, sau làm Ba Quận Thái Thú, rồi Giang Châu Đô Đốc. Năm Kiến Hưng nguyên niên (Quan) được phong Đô Đình Hầu, thêm chức Chấn Uy tướng Quân. Quan giỏi giao tiếp. Đô Hộ Lý Nghiêm tính cách kiêu ngạo tự cao. Hộ Quân Phụ Khuông tuổi tác chức vị ngang hàng với Nghiêm mà Nghiêm không chịu thân gần. Quan kém Nghiên hơn hai mươi tuổi nhưng thường cùng Nghiêm thân cận như người cùng bối phận. Năm ba mươi bảy tuổi chết. Việc làm bị thất truyền nên không viết thành truyện.


Truân Kỵ giữ vững lòng xưa, khi tiết bền chắc chẳng đổi dời. Tới lúc theo về nghe mạng lệnh tận tâm trù liệu cho thế nhân, chi dùng trong quân được cậy nhờ, giỏibiện bác, giỏi lo toan - Tán Vương Nghi Văn.


Thượng Thư ưa chuộng thanh cao, sửa việc làm tự tu thân, nâng ý chí giữ đạo nghĩ, thưởng thức văn học điển chương, hoà theo phong độ cao cao cũ, tranh đua tiếng hiền với cổ nhân - Tán Lưu Tử Sơ.


An Hán chứa chất thuận hoà, vừa là thân nhân vừa là khanh khách, đương thời được kính lễ chính vì địa vị lương thần đó - Tán My Tử Trọng.


Thiếu Phủ cẩn trọng sửa mình, Hồng Lư sáng trong chân thật, Gián Nghi ẩn thân hành sự, Nho Lâm hiểu rõ thiên văn. Tuyền truyền bày ra giáo hoá, người góp công kẻ dẩn đầu -Tán Vương Nguyên Thái, Hà Ngạn Anh, Đỗ Phụ Quốc(34), Chu Trọng Thực.


Vương Nguyên Thái tên là Mưu, người Hán Gia, đầy đủ dung mạo tiết tháo tài năng. Thời Lưu Chương làm Ba Quận Thái Thú rồi về châu làm Trị Trung Tòng Sự.Tiên Chủ bình định Ích Châu, lĩnh chức Mục, dùng (Mưu) làm Biệt Gía. Đến Khi Tiên Chủ lên làm Hán Trung Vương lấy những kẻ sĩ đất lão luyện đất Kinh Sở là Lại Cung ở Linh Lăng làm Thái Thường, Hoàng Trụ ở Nam Dương làm Quang Lộc Huân, Mưu làm Thiếu Phủ. Đầu những năm Kiến Hưng, (Mưu) được ban tước Quan Nội Hầu, sau kế nhiệm Lại Cung làm Thái Thường. Cung, Trụ, Mưu việc làm trong đời đều thất truyền nên không chép thành truyện. Con trai Cung là Quăng làm Tây Tào Lệnh Sử phủ Thừa Tướng, theo Gia Cát Lượng ra Hán Trung, chết khi còn trẻ. Lượng rất tiếc thương, viết thư cho Trưởng Sử Tham Quân lưu lại phủ Thừa Tướng là Trương Dụê, Tưởng Uyển rằng: ”Lệnh Sử Lại Quăng chết, Duyện Chúc Dương Ngung mất dều là tổn hại to lớn của triều đình.” Ngung cũng là người Kinh Châu. Về sau Đại Tướng Quân Tưởng Uyển hỏi Trương Hưu rằng: ”Quận Hán Gia thời trước có Vương Nguyên Thái, nay có ai kế tục chăng?” Hưu đáp: ”Đạt đến như Vương Nguyên Thái, trong cả châu không tìm được người kế tục, huống gì một quận nhỏ bé này!” Xem thế đủ thấy Mưu được kính trọng lắm lắm vậy. Tương Dương Ký chép: Dương Ngung tự Tử Chiêu, là bà con đồng tộc với Dương Nghi, vào Thục làm Ba Quận Thái Thú rồi Chủ Bộ cho Thừa Tướng Gia Cát Lượng. Lượng thường tự mình tra xét sổ sách. Ngung thẳng thắn vào can rằng: ”Thiết lập việc cai trị cần có quy chế, trên dưới không thể lấn át lẫn nhau. Xin Minh Công lấy việc sắp đặt trong một gia đình làm thí dụ mà xem. Nay có người sai khiếnđầy tớ lo liệu việc cày cấy, tỳ nữ coi sóc thổi nấu, con gà phụ trách báo sáng, con chỏtong coi canh trộm, con trâu đảm nhiệm chở hàng, con ngựa lặn lội đường xa. Việc nhà không có gì bỏ phế, mọi sự cần thiết đều đủ cả. Ung dung kê cao gối mà nằm, ăn uống thong thả đường hoàng. Bỗng một ngày, (người đó) muốn tự mình làm hết tất cả mọi chuyện trong nhà, không chịu suy xét mà giao phó công việc. Tất toàn thân mệt mỏi vì những chuyện nhỏ nhặt, dáng vẻ nhọc nhăn, thần trí suy nhược mà cuối cùng cũng không hoàn thành được việc nào. Nào phải vì tài nằng người ấy không bằng đầy tớ, nô tỳ, gà chó mà bởi sai lầm ở phương thức làm chủ gia đình vậy. Vì thế cổ nhân có câu rằng ngồi mà luận đạo ấy là Tam Công, đứng ra làm việc ấy là Sĩ Đại Phu.Xưa Bích Cát(35) không lo đạo lý ngang ngược gây chết người mà đi lo trâu thỏ dốc. Còn Trần Bình(36) không nguyên xem đến số sách lương thảo tiền bạc mà bảo rằng vốn sẵn đã có người trông coi. Như thế quả thật là đã thông suốt ở chỗ phân chia cấp bậc trong quy chế vậy. Nay Minh Công lo việc nước mà tự mình tra xét từ sổ sách trở đi, mồ hôi đổ cả ngày, không phải cũng là qía vất vả sao!” Lượng nhận lỗi, sau đề cử Ngung làm Đông Tào Chúc Điển. Ngung chết, Lượng rơi lệ khóc ba ngày.


Hà Anh Ngạn tên là Tông, người huyện Bì thuộc Thục Quận. Thờ Nhậm An ở Quảng Hán làm thầy, nghiên cứu tinh tường cái học của An. Học chung một thầy với Đỗ Quỳnh mà danh tiếng thì hơn hẳn. Thời Lưu Chương làm Kiện Vi Thái Thú. Tiên Chủ bình định Ích Châu, lĩnh chức Mục, mời (Tông) làm Tòng Sự Tế Tửu, sau (Tông) viện dẫn Đồ, Sấm khuyên Tiên Chủ mau chóng xưng tôn hiệu. Tiên Chủ lên ngôi xong, thăng (Tông) làm Đại Hồng Lư. (Tông) chết trong những năm Kiến Hưng, việc làm bị thất truyền nên không viết thành truyện. Con Tông là Song tự Hán Ngẫu, cười nói lanh lẹ khôi hài, có phong độ của Thuần Vu Khôn, Đông Phương Sóc. Làm Trưởng ở huyện Song Bách, mất sớm.


Xa Kỵ cứng cỏi giỏi giang mà chỉ hiển lộ tình thân thiết, lấy yếu quản mạnh, chẳng chịu thua cảnh nguy nan - Tán Ngô Tử Viễn.


Tử Viễn tên là Nhất, người Trần Lưu. Theo Lưu Yên vào Thục. Thời Lưu Chương làm Trung Lang Tướng, thống lĩnh quân binh ra chống Tiên Chủ ở Phù Thành rồi ra hàng. Tiên Chủ bình định được Ích Châu, lấy Nhất làm Hộ Quân Thảo Nghịch Tướng Quân, lại thu em gái Nhất làm phu nhân. Năm Chương Vũ nguyên niên, Nhất làm Quan Trung Đô Đốc. Năm Kiến Hưng thứ tám cùng Nguỵ Diên xâm nhập địa phận Nam An, đánh bại tướng Nguỵ Phí Dao(37), được chuyển làm Đình Hầu rồi phong thăng lên thành Cao Dương Hầu, Tả Tướng Quân.Năm (Kiến Hưng) thứ mười hai, Thừa Tướng Lượng chết, (Hậu Chủ) sai Nhất cai quản Hán Trung, chức Xa Kỵ Tướng Quân, ban cho giả tiết, lĩnh chức Ung Châu Thứ Sử, phong lên Tả Dương Hầu. Năm (Kiến Hưng) thứ mười lăm chết. Việc làm bị thất truyền vì thế không chép thành truyện. Em họ Nhất là Ban, tự Nguyên Hùng, con trai viên phó quan của Đại Tướng Quân Hà Tiến năm xưa là Ngô Khuông. Nổi tiếng vì hào hiệp, địa vị quan chức thường tương đương với Nhất. Thời Tiên Chủ làm Lĩnh Quân. Đến thời Hậu Chủ dần đần thăng lên đến Phiêu Kỵ Tướng Quân, được ban giả tiết, tước phong Miên Trúc Hầu.


An Hán đứng đầu cõi nam, đánh giặc chấn động quê xưa, dẹp sạch cỏ dại um tùm, duy chỉ phô bày phép tắc. Biến đổi khắp vùng Man, Bộc(38), giúp cho quốc dụng hùng cường - Tán Lý Đức Ngang.


Phụ Hán suy đoán mẫn tiệp, đã khéo léo lại thông minh, qua lời nói xét sâu xa, hỏi đúng chỗ đáp rõ ràng, giúp đời phúc lộc tốt lành - Tán Trương Quân Tự.


Trấn Bắc nghĩ suy thấu đáo, trù tính vạch vẽ đúng đường, dẫn dắt vương sư tránh điều ô uế, thuận thế sự mà thành thứ tự. Hết lòng gánh vác mặt đông, vận số cuối cùng chẳng hanh thông, thương thay chí lớn chịu đày cõi xa - Tán Hoàng Công Hoàng.


Việt Kỵ chỉ biết lòng trung, ý khí nghiêm trang trong lòng cung kính, lĩnh chức nội ngoại chỉ nhớ việc công chẳng nhớ chuyện riêng - Tán Dương Quý Hưu.


Chinh Nam khoan dung thận trọng, Chinh Tây gánh vác trung trinh, là kẻ sĩ tinh tuyển một thời, là mãnh tường mạnh mẽ cương liệt - Tán Triệu Tử Long, Trần Thúc Chí.


Thúc Chí tên là Đáo, người Nhữ Nam, đi theo Tiên Chủ từ ở Dự Châu. Danh vị thường dưới Triệu Vân song cũng được khen là người trung dũng. Đầu những năm Kiến Hưng quan chức đến Vĩnh An Đô Đốc, Chinh Tây TướngQuân, được phong Đình Hầu.


Trấn Nam thô Hào ngay thẳng, Giám Quân trung hậu hơn đời, cùng nhau gánh vác việc quân, đảm đương từ ngoài biên giới - Tán Phụ Nguyên Bật, Lưu Nam Hoà.


Phụ Nguyên Bật tên là Khuông, người Tương Dương, theo Tiên Chủ vào Thục. Khi Ích Châu đã bình định, làm Ba Quận Thái Thú. Trong những năm Kiến Hưng đổi thành Trấn Nam, Hữu Tướng Quân, phong Trung Hương Hầu.


Lưu Nam Hoà tên là Ung, người ở Nghĩa Dương, thao Tiên Chủ vào Thục. Khi Ích Châu đã bình định, làm Giang Dương Thái Thú. Trong những năm Kiến Hưng dần dần được thăng làm Giám Quân, Hậu Tướng Quân, ban tước Quan Nội Hầu rồi chết. Con là Thức nối nghiệp. Con thứ là Vũ, giỏi văn học, danh tiếng ngang với Phàn Kiến, quan cũng đến Thượng Thư.


Tư Nông bản chất tài ba, tỏ bày điển chương đúng phép, mài giũa văn từ diễm lệ rạng rỡ vinh diệu lời lời - Tán Tần Tử Sắc.


Chánh Phương vâng theo di mệnh, dự nghe phép tắc mai sau, chẳng tuyên dương không cùng nói, riêng dựng tâm tư, đương thời người ruồng bỏ, sự nghiệp gánh vác để dở dang - Tán Lý Chánh Phương.


Văn Trường cứng cỏi vụng về, nhận lệnh giữa lúc nguy nan, phán đoán chỗ quan yếu, chế ngự mặt bên ngoài, canh giữ biên giới bảo vệ quốc thổ.Khổ vì không hoà hợp chẳng thuận thảo, quên lễ tiết nói lời xằng. Ghét cái kết cục mà thương cho thửơ ban đầu - Tán Nguỵ Văn Tràng.


Uy Công nóng nảy hẹp hòi, việc làm khác với thường nhân. Thong dong tất kế tục được thế thứ, bức bách ắt tốn hại đến bản thân. Bỏ thuận tòng nên thu tai hoạ, đổi thay lớn chính vì như thế - Tán Dương Uy Công.


Quý Thường lương thiện thành thật, Văn Kinh siêng năng hiền lành, Sĩ Nguyên nói lời khuyên răn, Xử Nhiên hiểu biết sách lược, Khổng Hưu, Văn Trường có trí tuệ có tài ba, chí hướng rỡ ràng khắp nơi, thanh dự lưu truyền đất Sở - Tán Mã Quý Thường, Vệ Văn Kinh, Hàn Sĩ Nguyên, Trương Xử Nhân, Ân Khổng Lâm, Tập Văn Trường.


Văn Kinh, Sĩ Nguyên tên thật, việc làm cùng quê quán đều đã bị thất truyền.


Xử Nhân vốn tên là Tồn, người Nam Dương. Làm Kinh Châu Tòng Sự rồi tuỳ tùng Tiên Chủ vào Thục, theo quân đi về phía nam đến tận Lạc Thành, được lấy làm Quảng Hán Thái Thú. Tồn vốn không phục Bàng Thống. Thống trúng tên chết, Tiên Chủ cất lời khên ngợi than tiếc. Tồn nói: ”Thông tuy tận trung đáng tiếc thương, nhưng (khóc thương đến thế) là trái với phép tắc đạo nghĩa.” Tiên Chủ giận nói: ”Thông bỏ mình để làm trọn đạo, đổi thay (lễ tiết) một chút thì có sai gì?” Bèn miễn quan chức của Tồn, chẳng bao lâu sau, Tồn mắc bệnh chết. Việc làm bị thất truyền vì thế không chép truyện.


Khổng Hưu tên là Quan, làm Kinh Châu Chủ Bộ, Biệt Gía Tòng Sự thấy chép ở Tiên Chủ truyện nhưng không rõ quê quán ở đâu.


Văn Tường tên là Trinh, người Tương Dương, theo Tiên Chủ vào Thục, trải qua chức Lệnh ở các huyện Lạc, Bì rồi làm Quảng Hán Thái Thú. Việc làm bị thất truyền. Con là Trung, làm quan đến chức Thượng Thư Lang.


Tương Dương Ký chép: Tập Trinh phong độ khoáng đạt, giỏi đàm luận, danh tiếng gần như Bàng Thống mà lại là người thân của Mã Lương. Con là Trung cung là người nổi tiếng. Con Trung là Long, làm Bộ Binh Hiệu Uý, Chưởng Hiệu Bí Thư.


Quốc Sơn dáng dấp tốt lành, Vinh Nam tâm tình chìm đắm; Thịnh Hành, Thừa Bá nói lời tâm phế hợp thời; Tôn Đức cương quyết mạnh mẽ, Vĩnh Nam lòng luôn chuyên nhất; Đức Tự, Nghĩa Cường chí hùng khí mạnh. Chỉnh tề uy nghi tu chí, đất Thục ngát ngát hương bay - Tán Vương Quốc Sơn, Lý Vĩnh Nam, Mã Thịnh Hành, Mã Thừa Bá, Lý Tồn Đức, Lý Vĩ Nam, Cung Đức Tự, Vương Nghĩa Cường.


Quốc Sơn tên là Phủ, người đất Quỳ thuộc Quảng Hán, để lại lời nghi luận rằng có lòng nhân. Thời Lưu Chương, làm Thư Tá ở châu, Sau khi Tiên Chủ bình định đất Thục, ra làm Lệnh ở Miên Trúc rồi trở về Kinh Châu làm Nghị Tào Tòng Sự. Theo Tiên Chủ đi đánh Ngô, gặp nạn khi quân thua ở Tỷ Quy. Con Phủ là Hữu, có phong thái của cha, làm đến Thượng Thư Hữu Tuyển Lang.


Vĩnh Nam tên là Thiệu, cũng là người ở đất Quỳ quận Quảng Hán. Sau khi Tiên Chủ bình định đất Thục, làm Thư Tá Tòng Sự ở châu. Năm Kiến Hưng nguyên niên được Thừa Tướng Lượng mời làm Tây Tào Duyện. Khi Lượng đi đánh phương Nam, để Thiệu lưu lại làm Trị Trung Tòng Sự, Thiệu chết cùng năm ấy.


Hoa Dương Quốc Chí chép: Anh Thiệu là Mạc, tự Hán Nam. Thời Lưu Chương làm Trưởng ở Ngưu Bính. Khi Tioên Chủ lĩnh chức Mục, (Mạc) làm Tòng Sự.Vào tiết Nguyên Đán có lệnh bày tiệc rượu. Mạc được lên yết kiến, bèn trách Tiên Chủ rằng: ”Chấn Uy(39) nghĩ Tướng Quân là họ hàng gan ruột mới uỷ nhiệm việc đánh giặc cho. Công việc cơ bản chưa có kết quả, kẻ thù đầu sỏ chưa bị diệt trừ. Vậy mà Tướng Quân vượt lên giành lấy châu này, rất là không thích hợp vậy.” Tiên Chủ nói: ”Biết rằng ta không thích hợp, sao không giúp (Lưu Chương)?” Mạc đáp: ”Chẳng phải là không dám đâu, chỉ vì lực không đủ đấy thôi.” Các quan muốn giết (Mạc) nhưng Gia Cát Lượng xin cho, được miễn tội. Rất lâu sau lại làm Kiện Vi Thái Thú, Tham Quân phủ Thừa Tướng rồi làm An Hán Tướng Quân. Năm Kiến Hưng thứ sáu, Lương dẫn quân tây chinh. Mã Tắc ở tiền tuyến bại trận. Lượng muốn đem giết. Mạc can rằng: ”Tần tha Mạnh Minh thì làm Bá ở Tây Nhung. Sở giết Tử Ngọc thì hai đời không tranh đua nổi”, làm trái ý Lượng, phải quay về Thục. Năm (Kiến Hưng) thứ mười hai, Lượng chết. Hậu Chủ mặc áo trắng lộ ý đau thương suốt ba ngày. Mạc dâng sớ rằng: ”Trọng thần như Lộc, Hoắc, Vũ (40) chưa chắc ôm lòng làm phản tặc. Hiếu Tuyên(41) cũng không thích làm bậc quân chủ sát hại công thần. Bất qúa thần tử thì sợ bị ức hiếp, quân vương thì ngại (bày tôi) có oai thế, vì vậy mầm mống gian dối mới phát sinh. Lượng tự nắm giữ hùng binh, như hổ chực sói rình. Ngũ đại(42) lại không có ai ở ngoài biên giới, thần vẫn thầm lo. Nay Lượng chết, tông tộc được bào toàn, vùng Tây Nhung tin tức lại yên bình, trên dưới đều nên mừng mới phải.” Hậu Chủ giận, sai hạ ngục rồi giết.


Thịnh Hành tên là Huân, thừa Bá tên là Tế, đều là người Lãng Trung quận Ba Tây. Huân vào thời Lưu Chương làm Thư Tá ở châu. Khi Tiên Chủ bình định xong đất Thục, (Huân) được mời làm Tả Tướng Quân Chúc,  sau chuyên sang làm Biệt Gía Tòng Sự ở châu rồi chết. Tế làm Công Tào cho Thái Thú Trương Phi, được Phi tiến cử với Tiên Chủ, làm Thượng Thư Lang. Trong những năm Kiến Hưng làm Tòng Sự Duyện ở phủ Thừa Tướng, sau được thăng làm Quảng Hán Thái Thú rồi lại về (phủ Thừa Tướng) làm Tham Quân. Sau khi Lượng chết, (Tế) lên làm Thượng Thư. Huân, Tế đều là người nhờ tài năng mà vinh hiển, nhưng khiến người trong xóm trong châu tin phục thì không bằng Diêu Trụ. Trụ tự Tử Tự, cũng là người Lãng Trung. Khi Tiên Chủ bình định Ích Châu, (Thường) làm Công Tào Thư Tá. Năm Kiến Hưng nguyên niên làm Quảng Hán Thái Thú. Thừa Tướng Lượng đi lên phía bắc giữ Hán Trung, lấy Thường làm Duyện, coi là kẻ sĩ văn võ gồm tài, khen ngợi rằng: ”Việc trung thành lợi nước không gì bằng tiến cử hiền tài, tiến cử hiền tài là việc quan trọng nhất trong mọi sự vụ. Nay Diêu Duyện chưía chất mạnh mẽ lẫn ôn hoà, có thể rộng dùng ở cả hai ban văn võ, đủ để nói là người uyên bác cao thượng vậy. Trong các bậc phó quan hiếm gặp chuyện thế này, đúng là chỗ để gửi gắm ký thác niềm mong đợi.” Thăng Thường làm Tham Quân. Sau khi Lượng chết, Thường dần dần được thăng lên Thượng Thư Bộc Xạ. Đương thời mọi người kính trọng là bậc chân  thành trung hậu mà chín chắn. Chết vào năm Diên Hi thứ năm, sau khi bài Tán này được viết ra.


Tôn Đức tên là Phúc, người huyện Phù quận Tử Đồng. Sau khi Tiên Chủ bình định Ích Châu làm Thư Tá, rồi Tây Sung Quốc Trưởng, sau chuyển làm Thành Đô Lệnh. Năm Kiến Hưng nguyên niên được thăng thành Ba Tây Thái Thú, giữ chức Giang Châu Đốc, Dương Uy Tướng Quân. Sau về triều làm Thượng Thư Bộc Xạ, phong Bình Dương Hầu. Đầu những năm Diên Hi, Đại Tướng Quân Tưởng Uyển đem quân ra Hán Trung, (Phúc) lại được dùng làm Tiền Giám Quân lĩnh hàm Tư Mã rồi chết.


Ích Bộ Kỳ Cựu Tạp Ký chép: Gia Cát Lượng bệnh nặng ở Vũ Công. Hậu Chủ sai Phúc ra thăm nom phục thị, nhân đó hỏi đại kế của nhà nước. Phúc đến, tuyên đọc mọi thánh chỉ, nghe lời Lượng dặn bảo, đến khi từ biệt đi được mấy ngày bổng nhớ lại vẫn chưa hết chỗ hoài nghi, bèn lại cưỡi ngựa rong ruổi trỏ về yết kiến Lượng. Lượng bảo Phúc rằng: ”Cô biết ngài quay lại là có ý gì. Mấy hôm trò chuyện vừa rồi, tuy trao đổi suốt ngày song vẫn có chỗ chưa nói tới. Ngài đi rồi nhất định sẽ quay lại để nghe. Điều ngày muốn hỏi, Công Diễm là thích hợp vậy.” Phúc tạ rằng: ”Lúc trước đúng là sơ thất không khẩn cầu hỏi ý Công, ví thử sau khi Công trăm tuổi, ai có thể gánh vác được đại sự? Vì thế phải vội vàng trở lại. Xin lại được hỏi, sau Tưởng Uyển, ai có thể đảm đương được?” Lượng đáp: ” Văn Vĩ có thể nối tiếp vào.” Lại hỏi thêm sau đấy đến ai. Lượng không trả lời. Phúc trở về theo ý (Lượng) sai khiến mà tâu lên. Phúc là người tinh thông kiên thức, quyết đoán mạnh mẽ, gắng gỏi làm việc. Con Phúc là Tương, tự Thúc Long, cũng nổi tiếng, làm quan đến chức Thượng Thư Lang, Quảng Hán Thái Thú.


Vĩ Nam tên là Triêu, là anh của Vĩnh Nam. Làm Công Tào ở quận rồi được đề cử làm Hiếu Liêm, sau ra làm Lệnh ở Lâm Cung. Được gọi về triều lĩnh chức Biệt Gía Tòng Sự. Theo Tiên Chủ sang đông đánh Ngô, chết năm Chương Vũ thứ hai ở Vĩnh An.


Ích Bộ Kỳ Cựu Tạp Ký chép: Triêu lại còn có một người em khác, mất sớm. Ba anh em đều có danh vọng tài năng, người đương thời gọi là Lý Thị Tam Long.


Hoa Dương Quốc Chí chép: Quần hạ dang sớ tôn Tiên Chủ làm Hán Trung Vương, bài sớ là do Triêu viết.


Thần Tùng Chi xét: (Ích Bộ) Kỳ Cựu Ký lấy Triêu, Thiệu và người mất sớm nọ làm Tam Long, thật ngạo mạn khinh nhờn quá lắm, không thể coi là thật được.


Đức Tự tên là Lộc, người An Hán quận Ba Tây. Tiên Chủ bình định Ích Châu, lấy (Lộc) làm Quận Tòng Sự Nha Môn Tướng. Năm Kiến Hưng thứ ba làm Việt Tuyển Thái Thú, theo Thừa Tướng Lượng đi đánh phương nam, bị người Man hai chết, lúc ấy mới ba mươi mốt tuổi. Em là Hành, trong những năm Cảnh Diệu làm Lĩnh Quân.


Nghĩa Cường tên là Sĩ, người huyện Thê quận Quảng Hán, là anh họ của Quốc Sơn. Khi Tiên Chủ vào Thục, (Sĩ) được đề cử làm Hiếu Liêm, sau làm Trưởng ở Phù Tiết rồi được thăng Nha Môn Tướng, ra làm Đãng Cừ Thái Thú, rồi lại đổi làm Kiện Vi Thái Thú. Thừa Tướng Lượng nam chinh, lấy Sĩ làm Ích Châu Thái Thú, cùng đi đánh mặt nam, bị người Man hại chết.


Hưu Nguyên khinh địch, hoạ hại vô cùng huỷ hoại thời thế, Văn Tiến phẩm cách kiên cường, cùng nhau trong cơn nghiêng ngả, hoạn nạn lại sinh người, chí lớn càng rực rỡ - Tán Phùng Hưu Nguyên, Trương Văn Tiến.


Hưu Nguyên tên là Tập, người Nam Quận, theo Tiên Chủ vào Thục. Khi Tiên Chủ sang đông đánh Ngô, Tâp làm Lĩnh Quân, chỉ huy tướng sĩ, đại bại ở Hào Đình.


Văn Tiến tên là Nam, cũng từ Kinh Châu theo Tiên Chủ vào Thục. Làm Lĩnh Quân theo Tiên Chủ đi đánh Ngô, chết chung với Tập. Lúc ấy còn có Phó Dung, người ở Nghĩa Dương. Tiên Chủ lui binh, Dung ở lại đoạn hậu cự địch, binh sĩ chết hết, tướng Ngô gọi bảo Dung hàng. Dung chửi: ”Chó Ngô. Lam gì có tướng nhà Hán đầu hàng!” Rồi chiến đấu cho đến chết.Con (Dung) là Thiêm được bái làm Tả Trung Lang, sau làm Quan Trung Đô Đốc, vào năm Cảnh Diệu thứ sáu lại nhận lệnh giữa lúc nguy nan. Người đời bàn luận khen rằng cha con nối đời trung nghĩa.


Thục Ký chép Tấn Vũ Đế chiếu viết rằng: ”Tướng Quân nước Thục là  Phó Thiêm, lúc xưa trước của thành chống cự quan quân, đến chết đầu không ngoảng lại. Cha Thiêm là Dung lại vì Lưu Bị mà chết trận. Thiên hạ đều khen giỏi, há phải vì phân chia đây đó mà đánh giá khác đâu.” Con Thiêm là Trứ Và Mộ, sau chìm đắm vào Hề Quan(43) bị miễn làm thứ dân.


Giang Dương cương cường chính đính, dựng nên tiết nghĩa sáng trong. Tướng sĩ cùng gặp giặc, giữ thân chẳng chịu khuất, một mình đánh một trận, bỏ mạng giữa trận tiền - Tán Trình Quý Nhiên.


Quý Nhiên tên là Kỳ, người Lãng Trung quận Ba Tây. Thời Lưu Chương làm Trưởng ở Hán Xương. Trong huyện có tộc người Tung, dong giống mạnh mẽ cứng cỏi, xưa vốn được Cao Tổ an định ở Quan Trung. Ba Tây Thái Thú Bàng Hi thấy thiên hạ đang lúc phiền phức nhiễu loạn, các quận nên có quân đội để phòng vệ bèn tập hợp phần nhiều (người tộc Tung) làm Bộ Khúc(44). Có người dem pha chuyện ấy với Chương, kể rằng Hi muốn làm phản. Chương thầm nghi hoặc. Hi biết tin, rất sợ, toan tính kế sách tự giữ mình. Sai con Kỳ là Úc ban bố mệnh lệnh, cất quân tự cứu. Kỳ bảo rằng: ”Quận tập hợp Bộ Khúc, vốn không phải là làm phản, tuy có kẻ vu cáo hãm hại nhưng quan trọng yếu nhất vẫn là hết lòng thành thực; Nếu như tỏ ra sợ hãi, nhân đó mang lòng khácthì có sai gì với tin tức ở kinh kỳ.” Lại cũng bảo Úc rằng: ”Ta chịu ơn của châu, nên vì Châu Mục tận hết tiết nghĩa. May là quan chức trong quận, nên vì Thái Thú dốc toàn sức lực. Không nên vì ta mà mang lòng này khác.” Hi sai người bảo Kỳ rằng: ”Con ngươi đang ở trong quận, nếu không chịu nghe theo Thái Thú, gia đình sẽ gặp tai hoạ.” Kỳ nói:


”Xưa Nhạc Dương(45) làm tướng, uống canh thịt con, không phải là không  có tình phụ tử mà vì đại nghĩa đấy thôi. Nay dù đem canh thịt con ta đến, tất ta cũng uống thôi.” Hi biết Kỳ ắt chẳng vì mình, sau kể lể tạ tội sâu sắc với Chương nên không bị bắt lỗi. Chương nghe biết chuyện, thăng Kỳ làm Giang Dương Thái Thú. Tiên Chủ lĩnh chức Ích Châu Mục, vời (Kỳ) làm Tòng Sự Tế Tửu. Sau Kỳ theo Tiên Chủ đi đánh Ngô. Gặp lúc đại quân công nghiẹp thất bại, (Kỳ) đi ngược sông mà quay về, có người bảo rằng: ”Quân đuổi theo đã tới, bỏ thuyền mà đi cho mau thì mới có thể thoát được.” Kỳ nói: ” Ta ở trong quân, chưa từng gặp địch mà bỏ chạy, huống chi giữa lúc theo Thiên Tử gặp nguy nan!” Quân đuổi theo bắt kịp thuyền Kỳ. Kỳ tự cầm kích ra chiến đấu, thuyền địch vây kín xung quanh cùng đến đánh. Kỳ tử trận.


Công Hoằng sinh sau, trác tuyệt hơn đời ở điều tinh tế, tuổi mới hai mươi sao đành yểu mạng, chẳng lộ tài năng lộ buồn thương - Tán Trình Công Hoằng


Công Hoằng tên là Kỳ(46), con của Quý Nhiên.


Tự cổ thần tử chốn đi, người bị bức bách thì có lễ, người vi chức quan thì bị khinh, song đều không phải bậc có đức lớn. Làm tan nát đương cứu giúp, bội phản rồi bỏ chạy, tự cắt đứt với người, gây cười khắp hai nước - Tán My Phương, Sĩ Nhân, Hác Phổ, Phan Tuấn.


My Phương tụ Tử Phương, người Đông Hải, làm Nam Quân Thái Thú. Sĩ Nhân tự Quân Nghĩa người Quang Dương, làm Tướng Quân, đóng ở Công An, là bộ thuộc của Quan Vũ, cùng Vũ có thù oán, làm phản đón Tôn Quyền.Hác Phổ tự Tử Thái, người Nghĩa Dương. Tiên Chủ từ Kinh Châu vào Thục, lấy Phổ làm Thái Thú Linh Lăng, mắc mưu tướng Ngô Lã Mông, mỏ thành ra bái yết Mông. Phan Tuấn tụ Thừa Minh, người Vũ Lăng. Tiên Chủ vào Thục, dùng Tuấn làm Kinh Châu Trị Trung, lưu lại coi sóc công việc trong châu, cũng có bất hoà với Quan Vũ. Tôn Quyền đánh úp Vũ, Tuấn bèn hàng Ngô. Phổ làm quan (ở nước Ngô) đến Đình Uý, Tuấn đến Thái Thường, được phong Hầu.


Ích Bộ Kỳ Cựu Tạp Ký chép: Vương Tự, Thừơng Bá, Vệ Kế đêu là người của họ Lưu thời Thục còn thịnh vượng nên chép vào thiên này. Vương Tự tụ Thừa Tông, người Tư Trung quận Kiện Vi. Tổ tiên (của Tự) vào những năm Diên Hi nhờ công đức mà tiếng tăm rực rỡ. (Tự) được cử làm Hiếu Liêm dần dần được chuyển sang Tây An làm Đốc, rồi Vấn Sơn Thái Thú, thêm chức An Viễn Tướng Quân. (Tự) vỗ về tập hợp dân Khương, Hồ tất thảy đêu quy phục. Các tộc vốn hung bạo dữ tợn đến xin hàng, Tự đối xử bằng ân huệ tín nghĩa, làm cho biên giới phía bắc một thời yên tĩnh hẳn. Mỗi lần Đại Tướng Quân Khương Duy xuất quân bắc chinh, các tộc Khương Hồ đêm ngựa trâu dê cừu lông thú đến Nghĩa Cốc giúp đỡ quân lương, nhờ đó giảm nhẹ chi dùng trong nước. Tự được thăng làm Trấn Quân, vì vậy đốc xuất công việc trong quận. Sau theo Khương Duy chinh chiến mạn bắc, trúng tên lạc bị thương, qua mấy thàng thì chết. Người Nhung, người Di tụ tập mai tang, đưa tiễn tính đến nghìn người, ai cũng gào thét kêu khóc. Tự đối với người nồng hậu chân thành, mọi người đều tin yêu. Con cháu Tự được người Khương, Hồ coi như ruột thịt hoặc kết làm anh em. Ân tình đến như vậy.


Thường Bá tụ Văn Bình, người Giang Nguyên thộc Thục Quận. Bá làm Chủ Bộ Công Tào ở huyện. Huyện trưởng là Chu Du người Quảng Đô, trong năm Kiến Hưng thứ mười lăm bị quan trên dàn hặc vu cáo vì tội giấu bỏ quân lương, phán xét xử vào tội nặng. Bá đến ngục tranh cãi biên luận, tự thân nhận đến nghìn gậy, da thịt rách nát, đau đớn thê thảm cùng cực. Bị cấm cố có đến hơen hai năm, trải qua ba nhà giam. Mỗi lần sắp đánh đập tra khảo, ngục quan trước đều cật vấn vặn hỏi. Bá không đáp, chỉ nói: ”Mau dùng hình đi, không cần hỏi nhiều!” Lời khai giữ nguyên xuyên suốt không thay đổi, cuối cùng sự việc được rõ ràng. Được vĩnh viễn miễn tội. Lúc bấy giờ chỉ có Chủ Bộ là Dương Ngoạn cũng làm chứng cho vụ kiện là có lời khai giống với Bá. Mọi người khen Bá quên mình vì chủ, tiết nghĩa cương trực lẫm liệt, đề cử làm Hiếu Liêm. Sau được bổ nhiệm làm Trưởng ở huyện Thê. Năm hơn năm mươi tuổi thì chết, Theo ghi chép ở Cự Đức truyện thì ngày sau huyện Lệnh Dĩnh Xuyên là Triệu Đôn có cho vẽ lại hình Bá, khen ngợi tán tụng.


Vệ Kế tự là Tử Nghiệp, người huyện Nghiêm Đạo quận Hán Gia. Nhà có năm anh em, cha làm Công Tào ở huyện. Lúc Kế còn nhỏ, thường cùng anh em theo cha đến chơi đùa trong dinh sở huyện quan. Huyện Trưởng là Trương quân người ở Thành Đô vốn không có con,mấy lần lệnh cho Công Tào gọi con đến quan sát ngắm nhìn, tỏ ra rất thương yêu. Trương bèn sai bày tiệc trong nhà, nói với Công Tào muốn xin Kế. Công Tào đồng ý ngay. Rồi (Trương) nuôi Kế như con. Kế thông minh sáng láng sớm trưởng thành, học thức sâu rông uyên bác, lên làm quan trên quân trên châu, trải qua nhiều chức vụ càng tỏ rõ thanh cao.Bốn người anh em còn lại đều không chịu nổi thời thế. Cha (Kế) nhắc mãi rằng mình sắp lụn bại, quan huyện Trương sáng suốt sắp hưng thịnh. Thời ấy pháp chế cấm người khác họ kế thừa, vì vậy Kế lại lấy lại họ Vệ. Kế luôn được chuyển làm Phụng Xa Đô Úy, rất trung hậu thành thật, được mọi người coi trọng. Trong loạn Chung Hội, chết ở Thành Đô.


Bình rằng: Đặng Chi cứng cỏi trung thành, thanh cao giản dị, làm việc công quên gia đình. Trương Dực cự lại cái mạnh mẽ của Khương Duy. Tông Dự chống lại cái uy nghiêm của Tôn Quyền. Đều là bậc có thể ngợi khen. Dương Híbàn bạc sách lược, kiến giải khác người nhưng tài ba khí độ có chỗ khiếm khuyết, e là không hợp với thời loạn thế.


CHÚ THÍCH


 (16) Trình Kỳ: Thời Lưu Chương làm huyện trưởng ở Hán Xương, thời Lưu Bị làm Tòng Sự Tế Tửu, theo Lưu Bị đông chinh đánh Ngô, chết trong trận Hào Đình.

(17) Dương Thái: Chưa tra được sự tích nhân vật này.

(18) Bình Đương (): Lấy ý Công Bình Duẫn Đương nghĩa là phán xét công bằng.

(19) Chúc Chủ Bộ: Phó Chủ Bộ, chưởng quản văn thư.

(20) Thượng Thư Hữu Tuyển Bộ Lang: Quan viên lo văn thư trong phủ Thượng Thư đảm nhiệm chức vụ được một năm gọi là (Thượng Thư) Lang. Hữu Tuyển Bộ tương đương Bộ Lại, chuyên về tuyển dụng, bộ nhiệm quan chức.

(21) Ý nói đi nghỉ

(22) Gỉa triều: Chỉ nước Thục đã bị diệt.

(23) Chim quạ tư tình: Ô điểu tư tình, quạ non biết mớm mồi cho quạ già, vì vậy đạo hiếu được nói đến một cách tự khiêm là tình nghĩa của loài chim quạ.

(24) Đại Trung Chính: Chức danh, thời Nguỵ Tấn đặt ra ở các châu, có trách nhiệm phát hiện nhân tài.

(25) Tuân Úc: Tự Công Tằng, người Dĩnh Xuyên, danh thần Tây Tấn. Trước làm Đại tướng quân Duyện cho Tào Sảng. Sau cùng Bùi Tú, Dương Hỗ trở thành thân tín của Tư Mã Chiêu. Sau khi nhà Tấn thành lập, cùng Gỉa Sung xây dựng hình pháp, lại cùng Trương Hoa, Lưu Hương chính lý tàng thư trong nội cung.

(26) Trương Hoa: (232 - 300) Tự Mâu Thiên, người ở Phương Thành thuộc Pham Dương, danh thần Tây Tấn, đứng đầu phe chủ chiến, có công khuyên nhủ Tấn Vũ Đế hạ quyết tâm phạt Ngô. Được coi là người cùng Dương Hỗ phác thảo kế hoạch để thống nhất Trung Quốc thời bấy giờ, sau bị các đại thần phe chủ hoà (tiêu biểu là Gỉa Sung) dèm pha, thất sủng, chết trong Bát Vương chi loạn.

(27) Quý Hán Phụ Thần Tán: Quý ở đây có nghĩa là cuối, như Quý Thu, Quý Xuân.

(28) Ở đây là tácgiả Trần Thọ.

(29) Mạnh Tân: Bến Mạnh Tân là nơi Chu Vũ Vương dựng cờ nghĩa tụ hội tám trăm chư hầu đi đánh Trụ.

(30) Minh Điều: Đồng Minh Điều là nơi diễn ra trận đánh quyết định để vua Thành Thang nhà Thương lật đổ Hạ Kiệt. Cả câu này ý nói quân nhân nghĩa của Thục Hán vẫn chưa hoàn thành công nghiệp.

(31) Lưu Bị được coi là dòng dõi Trung Sơn Tĩnh Vương.

(32) Tam Tần: Hạng Vũ diệt Tần, phong Chương Hàm làm Ung Vương, Tư Mã Hân làm Tắc Vương, Đổng Ế làm Định Vương, gọi chung là Tam Tần. Đời sau thay đổi gọi Thiểm Bắc, Quan Trung, Thiểm Nam là Tam Tần đây là địa bàn của Mã Siêu.

(33) Đồng, Hà: Đồng Quan, Hoàng Hà.

(34) Đỗ Phụ Quốc: Thục thư quyển 10 có truyện của nhân vật Đỗ Vi, làm Gián Nghị Đại Phu nhưng tự là Quốc Phụ, chắc là do chép nhầm từ nguiyên bản.

(35) Bích Cát: Tể Tướng thời Hán Tuyên Đế.

(36) Trần Bình: Khai quốc công thần thời Hán Cao Tổ, Tể Tương thời Hán Văn Đế.

(37) Phí Dao: Trong Tam Quốc diễn nghĩa nhân vật này được dịch tên là Phí Diệu.

(38) Bộc: Một dân tộc thiểu số ở Trung Quốc, sống ở vùng Hồ Nam ngày nay.

(39) Chấn Uy: Chỉ Lưu Chương, lúc trước được Tào Tháo phong Chấn Uy tướng quân.

(40) Lộc, Hoắc, Vũ: Hoắc chắc là Hoắc Quang, còn hai vị kia chưa biết là ai.

(41) Hiếu Tuyên: Em chưa rõ là ai.

(42) Ngũ Đại: Lấy từ tích Ngũ Đại bất tại biên, ngũ Tế bất tại đình trong Tả Truyện. Trong đó Ngũ Đại gồm Thái Tử, em mẹ, quý sủng công tử, công tôn, chánh khanh đại thần. Ý cả câu nói không có người thân thuộc tin cậy đề phòng Lượng.

(43) Hề Quan: Nguyên văn cả câu: Hậu một nhập hề quan, không rõ có phải là nghề ca hát làm hề không?

(44) Bộ Khúc: Một hình thức quân đội thời Tam Quốc được hình thành từ họ hàng, môn khách, nông nô. Thời bình canh tác, bảo đảm trị an. Thời chiến đi đánh trận. Tương tự như gia binh. Đôi khi hoạt động độc lập với quân đội chính quy của trung ương.

(45) Nhạc Dương: Người nước Trung Sơn, làm tướng nước Nguỵ, con vẫn ở quê nhà. Nước Trung Sơn đánh nước Nguỵ, Nhạc Dương được cử ra chống cự. Vua Trung Sơn đem tính mạng con Nhạc Dương ra uy hiếp không được, bèn giết con Nhạc Dương, nấu canh gửi đến. Nhạc Dương uông canh thịt con tỏ lòng trung rôì đánh bại quân Trung Sơn.

(46) Hai bố con ông này cùng tên là Kỳ. Bố là Kỳ vơi nghĩa Kỳ trong Kinh Kỳ, con là Kỳ với nghĩa Kỳ trong Kỳ Hàn - rét lớn.

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét