QUYỂN 14 - TƯỞNG UYỂN PHÍ Y KHƯƠNG DUY TRUYỆN
Tưởng Uyển, Phí Y, Khương Duy
KHƯƠNG DUY TRUYỆN
Khương Duy tự Bá Ước,
người quận Thiên Thuỷ, mồ côi cha từ thủa nhỏ, ở với mẹ, hiểu thấu đạo học của
Trịnh Huyền.
Phó Tử viết: Duy
thích lập công danh, kết giao với kẻ sỹ, chẳng nề vì mình chỉ là kẻ áo vải.
Từng giữ chức Thượng
kế duyện trong quận, rồi được vời làm Tòng sự ở trong Châu. Khi trước phụ thân
của Duy từng làm chức Công tào trong quận, gặp lúc người Khương-Nhung làm loạn,
Duật thân đem quân chống giữ, chết khi lâm trận, vì thế Duy được ban chức quan
Trung lang, được tham dự việc quân ở bản quận.
Năm Kiến Hưng thứ 6,
quân của thừa tướng Gia Cát Lượng đóng ở Kỳ Sơn, bấy giờ Thái thú Thiên Thuỷ
thân hành ra ngoài dò xét, Duy cùng với bọn Công tào Lương Tự, Chủ bộ Doãn Thưởng,
Chủ ký Lương Kiền đi theo. Thái thú nghe tin Thục quân sắp đến nơi, mà các huyện
đều hưởng ứng theo (quân Thục), ngờ rằng bọn Duy đều có lòng kia khác, mới nhân
lúc đêm tối bỏ trốn về giữ Thượng Nhai. Bọn Duy biết Thái thú đã bỏ đi, liền đuổi
theo, đến cổng thành, cửa thành đã đóng, không vào được. Bọn Duy liền trở về Ký
thành, Ký thành cũng không cho Duy vào. Duy thế cùng bèn đến hàng Gia Cát Lượng.
Lúc Mã Tắc bại trận ở Nhai Đình, Lương di dời hơn 1.000 hộ dân ở Tây Thành cùng
Duy về (Thục), bởi thế mà Duy cùng với mẫu thân lý tán.
Nguỵ lược viết: Thái
thú Thiên Thuỷ là Mã Tuân dẫn Duy cùng với các quan theo Thứ sử Ung Châu Quách
Hoài đi về phía Tây đến Lạc Môn xem xét, nghe tin đại quân của Lượng đã tới Kỳ
Sơn, Hoài ngoảnh sang Tuân bảo: “Quả là việc chẳng lành!” Rồi vội quay ngựa ruổi
về Đông tới Thượng Nhai. Tuân nghĩ rằng Ký Huyện là biên trấn ở phía Tây, lại sợ
rằng quân dân ở đó náo loạn, muốn Hoài trở về đó. Bấy giờ Duy nói với Tuân rằng:
“Phủ quân nên trở về Ký Châu”. Tuân bảo Duy: “Khanh cùng với mọi người hãy trở
về đó, cùng chống địch”. Mọi người miễn cưỡng quay về. Thế nên Duy không ở cùng
Tuân, mà về nhà ở Ký thành, bởi thế quan lại ở quận ấy đều trở về Ký huyện.
Quân dân ở Ký huyện thấy Duy về hết sức vui mừng, bèn tiến cử Duy đến diện kiến
Lượng, Duy không biết làm sao, đành cùng mọi người đến hàng Lượng. Lượng đón tiếp,
rất hài lòng. Còn chưa kịp sai người đi đón thân nhân (của Duy) ở Ký thành, thì
gặp lúc quân tiền phong của Lượng bị bọn Trương Cáp, Phí Diệu đánh tan, nên
thân nhân của Duy phải ngậm ngùi ở lại đó. Duy bất đắc dĩ phải lui về, rồi chạy
vào Thục. Chư quân tấn công Ký thành, bắt được vợ con Duy cùng mẹ già, nguyên
Duy vốn không có ý lài bỏ người thân, cũng bởi vì việc công tư chẳng thể toàn vẹn
mọi bề được vậy.
Sau này Lượng lấy Duy
làm Thương tào duyện (1), thêm tước Phụ Hán tướng quân, phong làm Đương dương
Đình hầu, ấy là đến năm Kiến Hưng thứ 12. Lượng từng gửi thư cho Lưu phủ Trưởng
sử Trương Duệ, Tham quân Tưởng Uyển nói
rằng: “Khương Bá Ước hết sức chuyên cần với công việc, lo toan cẩn thận mà tinh
tế, xét đoán đầy đủ mọi nhẽ, ở Vĩnh Nam, Quý Thường dễ mấy ai được như thế. Người
ấy, chính là kẻ sỹ đại tài ở Lương châu vậy.” Lại bảo: “Trước hãy tạm giao cho
cai quản bên mình năm sáu ngàn hổ bộ binh. Khương Bá Ước vốn sáng suốt việc
quân sự, rất có can đảm, hiểu sâu binh pháp. Tâm nguyện người ấy hướng về nhà
Hán, mà tài năng hơn người, tất sau này sẽ coi sóc việc quân, giờ nên phái ngay
đến cung đình, cho diện kiến chủ thượng.”
Sách Tạp ký của Tôn
Thịnh chép: “Khi trước, Khương Duy đến gặp Lượng, lúc chia lìa mẫu thân, thì nhận
được thư của mẹ già, muốn gọi Duy trở về. Duy than rằng: “Ruộng tốt trăm khoảnh,
sao bằng tìm lấy một vùng, chỉ cần có chí cao xa, há đâu cứ phải trở về quê
quán.”
Sau này Duy được thăng
làm Trung giám quân, Chinh Tây tướng quân.
Năm Kiến An thứ 12,
Lượng mất, Duy trở về Thành Đô, làm Hữu Giám quân-Phụ Hán tướng quân (2), thống
lĩnh ba quân (3), rồi được tiến phong làm Bình tương hầu. Năm Diên Hi nguyên
niên, theo Đại tướng quân Tưởng Uyển coi sóc công việc ở Hán Trung. Khi Uyển được
thăng làm Đại Tư mã, lại lấy Duy là Tư mã, được cầm mấy cánh quân tiến về phía
Tây (4). Năm Diên Hi thứ sáu, Duy lại được đổi làm Trấn Tây Đại tướng quân,
lĩnh chức Lương Châu thứ sử. Năm Diên Hi thứ mười, Duy được thăng làm Vệ tướng
quân, cùng với Đại tướng quân Phí Vĩ quản việc Thương thư (5). Năm ấy, người
Khương-Di ở vùng Vấn Sơn nổi lên làm phản, Duy dẫn binh đến thảo phạt bình được.
Lại tiến ra địa giới các xứ Lũng Tây-Nam An-Kim Thành, cùng với Nguỵ Đại tướng
quân Quách Hoài-Hạ Hầu Bá đánh nhau ở Thao Tây. Vua rợ Hồ kính sợ đem cả bộ lạc
đến hàng, Duy vỗ yên được xứ ấy. Năm Diên Hi thứ 12, Duy được ban Giả tiết, lại
ra xứ Tây Bình, không được lợi phải trở về. Bởi Duy ở phía Tây đã lâu nên am hiểu
phong tục xứ ấy, lại có uy vũ, muốn dẫn dụ các tộc Khương-Hồ theo về, lại lấy
quân ấy làm quân Vũ dực, bởi thế từ đất Lũng về phía Tây đều hướng về cả. Mỗi
khi Duy muốn khởi quân (đánh Nguỵ), Phí Vĩ thường không đồng ý mà cắt giảm số
quân đem theo, số binh chẳng quá một vạn người.
Hán Tấn Xuân Thu
chép: Phí Vĩ bảo Duy rằng: “Bọn ta chẳng bằng được Thừa tướng lại muốn làm được
quá thế ư; Đến như Thừa tướng còn chẳng yên định được Trung Nguyên, huống hồ là
bọn ta; Vậy nên chẳng gì bằng giữ yên nước mà trị dân, thận trọng coi giữ xã tắc,
bảo trì công nghiệp, thu dụng kẻ sỹ, chẳng nên mong cầu sự may mắn mà quyết sự
thành bại ở một lần vọng động. Ví bằng chẳng được như ý, có hối cũng không kịp
nữa vậy”.
Năm Diên Hi thứ 16,
Vĩ chết. Mùa hè năm ấy, Duy dẫn mấy vạn quân tiến ra Thạch Doanh (Thao), theo lối
Đổng Đình, tiến đến Nam An, Nguỵ thứ sử Ung Châu là Trần Thái đoán biết nên
đóng quân giữ vững Lạc Môn, Duy hết lương phải lui về. Năm sau, Duy nắm hết việc
quân sự trong ngoài. Lại tiến quân ra Lũng Tây, tướng giữ Địch Đạo là Lý Giản
dâng thành đầu hàng. Duy tiến quân vây Tương Vũ, cùng với Nguỵ tướng là Từ Chất
giao phong, chém được Chất phá tan quân ấy, Nguỵ quân thua to lui về. Duy thừa
thắng thu phục cả vùng đất rộng lớn, vây hãm Hà Gian, Địch Đạo, Lâm Thao, đem dân
chúng ba huyện ấy về Thục, cuối năm Diên Hi thứ 18, lại cùng với Xa kỵ tướng
quân Hạ Hầu Bá tiến ra Địch Đạo, đại phá quân Nguỵ của Ung châu Thứ sử Vương
Kinh ở Thao Tây, giết chết hơn một vạn quân của Kinh. Kinh lui quân giữ chặt
thành Địch Đạo, Duy vây hãm Kinh ở đó. Chinh Tây tướng quân nhà Nguỵ là Trần
Thái tiến binh giải vây, Duy lui quân về đóng giữ Chung Đê.
Mùa xuân năm Diên Hi
thứ 19, Duy được thăng làm Đại tướng quân. Bèn chỉnh đốn binh mã, cùng với Trấn
Tây Đại tướng quân Hồ Tế hẹn nhau hội quân ở Thượng Nhai, bởi Tể bị lạc đường
không đến kịp, nên Duy bị Nguỵ tướng là Đặng Ngải đánh tan ở Đoạn Cốc, binh mã
ly tán hết cả, quân sĩ bị chết rất nhiều. Bởi thế nên số đông binh sỹ đều oán hận
Duy, từ xứ Lũng trở về Tây đều dao động chẳng yên, Duy tạ tội với Hậu chúa, xin
tự biếm tước xuống làm Hậu tướng quân, coi việc Đại tướng quân.
Năm Diên Hi thứ 20,
Chinh Đông Đại tướng quân nhà Nguỵ là Gia Cát Đản làm phản ở Hoài Nam, Nguỵ phải
chia binh ở Quan Trung kéo về Đông. Duy muốn thừa cơ lại tiến ra Tần Xuyên, mới
đốc xuất mấy vạn nhân mã kéo ra Lạc Cốc, theo lối tắt đến Trầm Lĩnh. Bấy giờ ở
Trường Thành (của Nguỵ) lương thảo tích trữ rất nhiều mà binh lính trấn giữ lại
rất ít, nghe tin Duy đã đến, mọi người đều kinh hoảng. Nguỵ Đại tướng quân Tư
Mã Vọng hết sức chống cự, Đặng Ngải cũng từ Lũng Hữu kéo đến, ba quân đều tụ tập
ở Trường Thành. Duy thúc quân tới Mang Thuỷ, tựa vào núi lập doanh trại. Vọng-Ngải
dựa sông Vị kiên trì cố thủ, Duy hạ chiến thư khiêu chiến, Vọng
- Ngải quyết không ứng
chiến. Năm Cảnh Diệu nguyên niên, Duy nghe tin Đản bị thua trận, bèn trở về
Thành Đô. Được phục hồi chức Đại tướng quân. Khi trước, Tiên chủ lưu Ngụy Diên
trấn thủ Hán Trung, đều là đặt binh khoẻ ở vòng ngoài đón địch, nếu như địch
đánh tới, ắt không được thể xâm nhập. Đến trận Hưng Thế cự địch, Vương Bình chống
lại Tào Sảng cũng là dựa theo phép này. Duỵ xét lại rằng, thế trận thủ ở một
nơi như thế, tuy về nghĩa lý rất hợp với quẻ “Trọng Môn” trong Chu Dịch, có thể
chế ngự được địch, song chẳng thu được đại lợi. Chẳng bằng nên dẫn dụ kẻ địch
kéo đến, lại giấu kín binh sỹ ở nơi hẻm núi, lui quân giữ hai thành Hán-Lạc,
khiến kẻ địch không thể tiến vào nơi bình địa, lại đặt binh giữ vững trọng
quan. Nếu một ngày có địch, sẽ cất quân nhàn hạ tiến đến lấy hư binh mà khắc địch,
địch đánh cửa quan không xong, chẳng vượt được Tán Cốc, phải tải lương ngìn dặm
xa xôi, tất sinh mỏi mệt. Đến một ngày nào đó ắt phải lui binh, bấy giờ binh ở
các thành đều tiến ra, quân nhàn tản đánh quân mệt mỏi, ấy là phép thuật tối
cao để đánh địch vậy. Liền đó lệnh cho Đề đốc Hán Trung Hồ Tế lui binh giữ đất
Hán Thọ, Giám quân Vương Hàm trấn giữ Lạc Thành, Hộ quân Tưởng Bân trấn giữ Hán
Thành, lại đến Tây An - Kiến Uy - Vũ Vệ- Thạch Môn - Vũ Thành - Kiến Xương -
Lâm Viễn lập đồn thú trấn giữ.
Năm Cảnh Diệu thứ
năm, Duy đốc xuất binh sỹ ra Hán Xuyên tiến đến lấy thành Hầu Hà, bị Đặng Ngải
đại phá ở đó, mới lui quân về giữ Đạp Trung. Duy vốn nắm việc binh trong nước,
nhiều năm chinh chiến, không lập được chiến công, mà bè lũ hoạn quan Hoàng Hạo
lộng quyền ở trong cung, Hữu đại tướng quân Diêm Vũ cùng với Hạo cấu kết với
nhau, bởi Hạo có âm mưu phế bỏ Duy lập Vũ lên thay vào đó. Duy cũng nghi ngờ việc
ấy. Cho nên rất lo lắng, mới không chịu trở về Thành Đô.
Sách Hoa Dương quốc chí chép: Duy ghét Hoàng Hạo phóng túng chuyên quyền, mới bẩm với Hậu chủ muốn giết đi. Hậu chủ nói: “Hạo chẳng qua là kẻ hầu mọn để sai bảo việc vặt mà thôi, xưa kia Đổng Doãn vẫn nghiến răng căm giận, ta vẫn hận việc ấy, ngươi sao phải hậm hực để ý làm gì”. Duy biết Hạo nương cậy vào Hậu chủ (6), sợ có lời thất thố, mới nhún nhường từ tạ lui ra ngoài. Hậu chủ lệnh cho Hạo đến gặp Duy tạ tội. Duy nói với Hạo rằng muốn ra Đạp Trung lập đồn điền trồng lúa, nhân đó tránh tai vạ.
Năm Cảnh Diệu thứ
sáu, Duy dâng biểu lên Hậu chủ rằng: “Thần nghe tin Chung Hội đang dồn binh ở
Quan Trung, ắt có mưu toan tiến thủ, nên sớm sai Trương Dực, Liêu Hoá đốc xuất
ba quân chia nhau bảo vệ cửa ải Dương An và đầu cầu Âm Bình để đề phòng nghiêm
cẩn”. Hạo lại cho vời đồng cốt đến, nói rằng chẳng phải kẻ địch sẽ đến, bẩm với
Hậu chủ cứ gối đầu ngủ cao, thế nên quần thần chẳng ai hay biết gì cả. Đến khi
Chung Hội tiến đến Lạc Cốc, Đặng Ngải xâm nhập vào Đạp Trung, bấy giờ Hậu chủ vội
sai Hữu Xa kỵ tướng quân Liêu Hoá đến Đạp Trung giúp đỡ Duy, Tả Xa kỵ tướng
quân Trương Dực, Phụ quốc Đại tướng quân Đổng Quyết đến Dương An làm ngoại viện
cho quân ở đấy. Khi gần tới Âm Bình, nghe tin Nguỵ tướng là Gia Cát Tự đang ở
Kiến Uy, chiếm giữ được nơi ấy. Đến cuối tháng, Duy bị Đặng Ngải đánh bại, phải
lui binh giữ Âm Bình. Chung Hội tấn công hai thành Hán-Lạc, phái biệt tướng tiến
đánh cửa ải, Tưởng Thư mở cửa thành ra hàng, Phó Thiêm đánh giết trong đám loạn
quân tử trận.
Hán Tấn Xuân Thu
chép: Tưởng Thư muốn ra hàng, lấy lời dối trá bảo với Phó Thiêm rằng: “Nay kẻ địch
đến đây chẳng nên đóng chặt cửa thành tự thủ, chẳng phải là bậc lương tướng vậy.”
Thiêm nói: “Nhận mệnh giữ thành, ấy là làm trọn việc công, nay trái mệnh ra
đánh, ví như lỡ đánh mất chỗ này là làm mất chỗ dựa của quốc gia, chết như thế
là vô ích vậy”. Thư nói: “Ông coi việc giữ vững thành trì là công lao, ta nghĩ
ra thành đánh địch ấy là công, ấy là mỗi người một chí hướng vậy.” Rồi lĩnh
binh muốn ra ngoài thành. Thiêm cùng ra đánh theo, đến Âm Bình, Thư ra hàng Hồ
Liệt. Liệt nhân đó mới đánh úp thành trì, Thiêm đánh giết trong đám loạn quân
mà chết, người Nguỵ cho là người trung nghĩa.
Thục ký chép: “Tưởng
Thư làm Vũ Hưng đốc, cho rằng không xứng chức. Thục cho người khác đến thay vào
đó, nhưng vẫn giữ Thư để trợ giúp cho việc giữ Hán Trung. Thư hận vì việc ấy,
nên mới có việc mở cửa thành đầu hàng Hội tấn công Lạc Thành, không hạ được,
nghe tin Quan khẩu đã lấy xong, mới ruổi ngựa tiến về phía trước. Trương Dực-Đổng
Quyết vừa đến Hán Thọ, Duy-Hoá cũng lui về đóng quân ở Âm Bình, bởi thế cùng với
Dực- Quyết hợp binh làm một, cùng lui về giữ Kiếm Các chống cự Hội. Hội gửi thư
cho Duy viết rằng: “Ngài là bậc công hầu kiêm gồm văn võ uy đức, trong bụng
tàng chứa mưu lược, có công giúp Ba - Hán, tiếng tăm trùm Hoa Hạ, xa gần đều nức
danh. Nghĩ chuyện ngày trước, từng cùng ở một nơi, như Ngô Trát-Trịnh Kiều,
ngài nên hiểu ý tốt của ta.” Duy không đáp thư, giữ vững doanh trại cậy hiểm cố
thủ. Hội không đánh được, bởi lương thảo vận chuyển khó khăn, muốn bàn chuyện
quay về.
Còn Đặng Ngải từ Âm
Bình theo đường nhỏ Cảnh Cốc tiến vào, đánh tan được quân của Gia Cát Chiêm ở
Miên Trúc. Hậu chủ xin hàng Ngải, Ngải tiến vào đóng giữ Thành Đô. Bọn Duy mới
hay tin Chiêm bị thua trận, đồ rằng Hậu chủ có thể cố thủ Thành Đô, hoặc chạy
sang Đông Ngô, hoặc xuôi Nam đến quận Kiến Ninh, bởi thế dẫn quân kéo về Quảng
Hán, sai người đi tra xét rõ thực hư. Chợt thấy Hậu chủ gửi sắc mệnh đến, yêu cầu
bỏ gươm cởi giáp, đem toàn quân đến Phù Thành, tướng sỹ đều tức giận, tuốt đao
chém xuống đá.
Tấn Kỷ của Kiền Bảo
chép rằng: Hội bảo với Duy: “Sao ông đến chậm thế?” Duy nghiêm mặt chảy nước mắt
nói: “Hôm nay đến đây cũng là quá sớm vậy!” Hội rất lấy làm kinh ngạc.
Hội đãi Duy rất hậu,
trả lại hết tước hiệu, binh quyền tướng ấn. Hội cùng với Duy ra ngoài cùng xe,
ngồi thì cùng chiếu, lại bảo với Trưởng sử là Đỗ Dự rằng: “Đem Bá Ước với so với
các danh sỹ Trung Thổ thì Công Hưu –Thái Sơ không sao bằng được vậy (7)”.
Sách Thế Ngữ chép: “Bấy
giờ quan chức xứ Thục đều là bậc anh tài thiên hạ cả, mà chẳng ai có tài hơn
Duy được.
Hội lại vu tội cho Đặng
Ngải, bắt nhốt Ngải vào xe tù, rồi cùng với Duy thẳng tới Thành Đô, làm phản rồi
tự xưng là Ích châu mục.
Hán Tấn Xuân Thu
chép: Hội ngấm ngầm có mưu toan kia khác, Duy biết được tâm ý ấy, muốn gây nên
sự nhiễu loạn để mưu đồ khôi phục lại (Thục), bèn lấy lời trá nguỵ bảo Hội rằng:
“Tôi nghe từ khi tướng quân đánh ở Hoài Nam đến nay, mưu việc chẳng hề sai sót,
Tấn công được cường thịnh như hôm nay, đều là sức lực của tướng quân cả. Mới
đây ngài lại bình định được đất Thục, uy đức vang dội khắp nơi, làm thần dân
thì công quá cao, khiến chủ công phải lo lắng mưu toan, thế mà lại muốn yên
lành trở về sao! Xưa kia Hàn Tín chẳng chịu trái lời thề với Hán lúc nhiễu
nhương, để rồi bị nghi ngờ mà gặp hoạ, Đại phu Văn Chủng chẳng theo lời Phạm
Lãi rong chơi Ngũ Hồ, mà chịu chết dưới lưỡi gươm, ấy há chẳng phải là chủ tối
tăm mà quần thần ngu dốt hay sao? Cái lợi hại đã rõ ràng lắm vậy. Nay tướng
quân công lớn đã thành, đại đức đã rõ rệt, sao chẳng theo ông Đào Chu Công bơi
thuyền đi tuyệt tích, giữ vẹn công lao mà an thân, hay lên đỉnh núi Nga Mi,
theo ông Xích Tùng Tử tiêu dao ngày tháng?” Hội đáp: “Ngài nói xa xôi quá, tôi
chẳng thể theo, vả lại theo đạo lý bây giờ, tôi chưa thể dừng lại như thế được”.
Duy nói: “Việc ấy thì trí lực của tướng quân hẳn có thừa, chẳng phiền đến lão
phu phải nói nữa.” Bởi thế mối giao tình giữa hai bên càng sâu đậm.
Hoa Dương quốc chí
chép: Duy bàn với Hội muốn giết hết các tướng phương Bắc, sau khi thành việc, sẽ
từ từ giết nốt Hội, sau cùng là chôn sống Nguỵ binh, lấy lại ngôi vị nhà Thục,
lại gửi mật thư cho Hậu chủ rằng: “Xin Bệ hạ chịu nhục vài ngày, thần sẽ khiến
cho xã tắc nguy rồi lại an, Nhật Nguyệt tối rồi lại sáng.”
Sách Tấn Dương thu của
Tôn Thịnh chép: Năm Vĩnh Hoà sơ, Thịnh tôi theo An Tây tướng quân đi bình Thục,
tham kiến các bậc bô lão, kể rằng Khương Duy khi ấy đã ra hàng, rồi sau lại gửi
mật biểu cho Lưu Thiện, nói rằng việc theo về với Chung Hội chỉ là trá nguỵ, muốn
nhân đó sẽ giết Hội đi hòng lấy lại đất Thục, bởi việc của Hội chẳng thành (8),
nên đều chết cả, người Thục đến nay vẫn còn thương cảm. Thịnh tôi nghe cổ nhân
nói rằng, không phải chỗ đáng bị khốn mà mình bị khốn danh ắt nhục, không phải
chỗ đáng dựa mà mình dựa vào thân tất nguy, đã bị nhục lại bị nguy, thì sắp chết
tới nơi, sao Khương Duy được gọi là chí đây! Đặng Ngải đã vào tới Giang Du,
binh sỹ ít ỏi, Duy lại chẳng dám tiến đánh, lòng lo sợ khi thành Miên Trúc bị hạ,
tổng xuất binh quyền lại chẳng dám lui về, để giữ ngôi cho Thục chủ, tính kế lập
mưu về sau, mà lấy việc phản phúc điên đảo dối gian, mong chờ chút tình trong
lúc khó khăn với Hội, hòng lấy lại quốc gia vong đổ, định triệt lũ quan binh
Tam Tần, rồi diệt bỏ kẻ giao tình, muốn nhờ ngoại lực mà cất lên, chẳng phải u
ám lắm thay!
Thần là Tùng Chi coi
lời Thịnh quở trách Duy, thật là chẳng đáng. Lúc bấy giờ đại binh của Chung Hội
đang ở Kiếm Các, Duy cùng với chư tướng vẫn cậy hiểm cố thủ, Hội chẳng tiến được,
đã định lui về, ấy là đã vẹn công với Thục, chẳng phải đã tạo được chỗ dựa (cho
Thục) rồi ư? Còn Đặng Ngải quỷ quyệt men núi mà vào, theo lối phía sau, Gia Cát
Chiêm bại trận, mà Thành Đô tan lở. Nhược bằng Duy hồi quân cứu ở phía trong, tất
Hội sẽ thừa cơ tiến vào ngay. Cái thế bấy giờ là vậy, sao được toàn vẹn mọi bề?
mà trách rằng Duy lo sợ khi Miên Trúc mất chẳng dám tiến về, để giữ ngôi chủ Thục
chủ, chê như thế chẳng hợp đạo lý vậy. Hội muốn chôn sống khanh tướng nước Nguỵ
để lập đại sự, trao cho Duy nắm trọng binh, sai làm tiền khu. Ví bằng Nguỵ tướng
đều bị chết cả, việc binh trong tay Duy, giết Hội lấy lại Thục, chẳng phải là
khó vậy. Thành công nhờ ngoại lực, rồi sau làm được việc kỳ lạ, không thể vì
như vậy, mà dè bỉu rằng chẳng nên như thế. Cũng ví như Điền Đan đã lập kế, việc
không hẹn mà cùng, làm được vậy mà bảo rằng ngu ám hay sao!
Hội trao cho Duy 5 vạn
quân, sai làm tiền khu. Tướng sỹ Nguỵ đều phẫn nộ, giết chết Hội và Duy, vợ con
cũng Duy đều bị chém cả.
Sách Thế ngữ chép:
Khi Duy chết, quân sỹ mổ bụng Duy ra, thấy quả mật lớn bằng cái đấu (9) Khước
Chính làm bài trứ luận bàn về Duy rằng: “Khương Bá Ước nắm quyền cao ngôi trọng,
đối xử với công bằng với quần thần, nhà cửa sơ sài, gia tư chẳng có gì dư giả,
vợ lẽ hầu thiếp thiếu cả áo lót mình, hậu đình tịnh không nghe tiếng nhạc, y phục
tự may vá lấy, xe ngựa chỉ đủ dùng, đồ ăn thức uống đều giản dị, không xa hoa
cũng chẳng ước lệ, chi dụng trong mức cấp phát ở cửa quan, cũng chỉ đủ dùng;
xét từ những lẽ ấy, thấy chẳng phải bậc tham lam ô trọc, lại còn biết tự kiềm
chế bản thân, ngay thẳng đến như thế là đủ, chẳng thể mong cầu nhiều hơn được nữa.
Phàm con người ta khi đàm luận, thường khen kẻ thành chê kẻ bại, phù kẻ trên
dìm kẻ dưới, đều xem việc Khương Duy đầu hàng là không đúng, khiến thân chết mà
tông tộc bị diệt sạch, lấy sự ấy để chê bai dè bỉu, là chẳng biết toan tính liệu
lường, vậy thì những điều khen chê khác ở kinh Xuân Thu có nghĩa lý chăng. Mà
Khương Duy còn ham học không biết mệt mỏi, thanh bạch giản dị, quả là nghi biểu
một thời vậy.”
Tôn Thịnh viết: Họ
Khích luận như vậy thật lạ lùng sao! Làm kẻ sỹ dẫu có trăm lối, nên nghiệp cũng
có vạn đường, lấy trung nghĩa hiếu tiết để làm quan cũng có trăm đường vậy.
Khương Duy sáng danh ở nước Nguỵ, mà chạy đến làm quan ở xứ Thục, lìa bỏ quân
vương chạy theo danh lợi, chẳng thể bảo là trung; bỏ rơi người thân cẩu thả chạy
thoát thân, không thể nói là hiếu; lại thêm tàn hại nước cũ, chẳng thể bảo là
nghĩa; nước mất không dám chết, sao dám bảo rằng tiết; vả lại đức chính chưa đủ
mà làm dân mỏi mệt để buông tuồng theo ý mình, nắm giữ việc chống kẻ địch mà
sau bị địch khống chế, ôi người có trí dũng chẳng ai lại nói rằng: Khắp cả sáu
cõi, chẳng có một ai. Xem ở nước Nguỵ không có kẻ thần tử đi trốn, nước mất tướng
loạn, mà nói rằng người ấy là bậc nghi biểu, lời ấy thật đáng ngờ vậy. Buông lời
khen rằng Duy là hay để nói rằng đó là vi diệu cao khiết, há lấy làm lạ cho kẻ trộm
cắp rõ ràng như thế, mà Trình-Trịnh (10) kia đều là bậc khéo léo sao?
Thần là Tùng Chi cho
rằng Khước Chính luận như thế, ấy mới thật đáng khen, chẳng thể bảo rằng Duy
trước sau làm việc đều được chuẩn mực cả. Nói rằng “nghi biểu một thời”, ấy là
chỉ ở việc hiếu học và thanh bạch thôi vậy. Nguyên uỷ truyện này (11) và sách
Nguỵ lược đều nói rằng Duy vốn không có ý phản bội, chỉ vì bị bức bách mới phải
theo về Thục. Thịnh lấy điều ấy để chê trách, nghĩ rằng chỉ nên trách Duy đã
trái lời mẹ già. Thế đã là quá lắm rồi, sao lại còn chê trách cả Khước Chính vậy.
Khi xưa Duy chạy đến
xứ Thục, Lương Tự giữ chức Đại hồng lư, Doãn Thưởng làm Chấp kim ngô, Lương Kiền
làm Đại trường thu, đều chết trước khi nước Thục mất.
Bình rằng: Khương Duy
kiêm tài văn vũ, chí hướng lập công danh, song chỉ có một mình, dẫu sáng suốt
quyết đoán cũng chẳng thể kiêm toàn, kết cục đã hết sức mình rồi phải chết. Lão
Tử nói rằng: “Cai trị một nước lớn giống như nấu con cá nhỏ”, huống chi ở nơi mỏn
mọn, lại luôn muốn quấy rối được sao?
Kiền Bảo viết: Khương
Duy làm tướng nước Thục, nước mất chủ nhục mà thân chẳng chết, lại chết cùng
Chung Hội trong lúc rối ren, thương thay! Chẳng chết đã là khó, biết chết lại
càng khó hơn vậy. Kẻ sỹ cứng cỏi như thế xưa nay hiếm, biết nguy nan vẫn chịu mệnh,
biết kiềm chế mình mà quy phục kẻ khác, không phải chẳng biết trọng việc chết,
cố giữ lấy mạng không phải là muốn sống lâu dài mà sợ rằng chết rồi thì mọi việc
sẽ chẳng còn ai liệu việc nữa vậy”.
CHÚ THÍCH
(1) Một chức quan
trong Phủ thừa tướng - chức này Lượng phong.
(2) Chức này do Hậu
chủ phong cho.
(3) Ba quân ở đây chỉ
là quân ở Thành Đô thôi.
(4) Ra khu vực của
người Khương - thuộc phần đất của Nguỵ.
(5) Nguyên văn là ‘lục
thượng thư sự’ - lục là ghi chép, coi xét, thượng thư là chức quan lớn, sự là
việc – nghĩa là coi xét việc Thượng thư.
(6) Nguyên văn là ‘phụ
diệp liên’ chữ diệp lấy nghĩa từ chữ ‘kim chi ngọc diệp’ - trỏ bậc cao quý, ở
đây là Hậu chúa - dịch thoát ý.
(7) Công Hưu tức tự của
Gia Cát Đản, Thái Sơ là tự của Hạ Hầu Huyền
(8) Việc của Duy
không thành bởi việc làm phản Hội chẳng xong.
(9) Cái đấu xưa kích
cỡ và hình dáng như cái chén vại.
(10) Chưa hiểu là
tích gì, bác nào biết thì giúp nhé!
(11) Ý nói những lời
của Trần Thọ viết về Khương Duy.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét